Thiết Lập Hạ Tầng Cơ Sở Kỹ Nghệ Trong Thời Chiến 1964-75

27 Tháng Sáu 201612:30 SA(Xem: 9006)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 27  JUNE 2016

CHƯƠNG 14

Thiết Lập Hạ Tầng Cơ Sở Kỹ Nghệ Trong Thời Chiến

1964-75

 
image060

Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ


                                                Nền Tảng Của Phát Triển Kinh Tế

 

Trong năm 1961, chiến cuộc leo thang khiến tôi rời công ty tư Esso và đi làm cho chánh phủ đặng được miễn dịch. Lúc đầu tôi gia nhập Công ty Đường, một liên doanh khá lớn của chánh phủ và người Pháp. Sau đó tôi chuyển qua làm việc tại Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ (IDC) và SONADEZI (Société Nationale de Développement des Zones Industrielles). Con đường sự nghiệp của tôi gặp một ngã quẹo quan trọng vào năm 1966, nhờ ông Âu Trường Thanh, một kinh tế gia xuất sắc đậu bằng thạc sĩ kinh tế  Đại-học Paris.

 

Vào thời buổi đó, nền kinh tế miền Nam đang phải đối đầu với tình trạng lạm phát phi mã đầy nguy hại gây thêm bất ổn cho một đất nước đang chìm đắm trong chiến tranh. Ông Thanh vừa được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế và Tài Chánh nên có ý định kiếm một cộng tác viên được đào tạo ở Mỹ về vì miền Nam đang nhận viện trợ của chánh phủ Hoa Kỳ. Ông muốn chọn một người có thể làm việc hữu hiệu được với cơ quan USAID (United States Agency for International Development). Đây là một trong những cơ quan hàng đầu của chánh phủ Mỹ lãnh nhiệm vụ giúp đỡ các xã hội dân chủ có quyết tâm phát triển trọn vẹn tiềm năng của mình.

 

Trong năm 1966, ngân khoản USAID viện trợ thương-mãi cho Miền Nam lên tới khoảng $800 triệu Mỹ kim. Tên tôi nằm trong danh sách số người có thể được ông chọn. Ngoài việc làm tổng giám đốc của Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ (IDC), tôi còn là chủ tịch hội Cựu Sinh Viên Du Học tại Mỹ (AUAA - American University Alumni Association.) Nhờ may mắn hay định mệnh, một lần nữa, tôi là người có mặt tại đúng chỗ và đúng lúc để được trao phó trách nhiệm này. Ông Thanh bổ nhiệm tôi làm phụ tá cho ông có lẽ vì tôi là người Việt đầu tiên có bằng cao học của MIT đã làm việc bên nhà được 8 năm rồi. Ông nghĩ rằng với kinh nghiệm sẵn có, tôi có đủ khả năng làm việc được với người Mỹ.

 

Về phần tôi, tôi coi đây là một vinh dự được phục vụ đất nước giữa một thời điểm đầy căm go như vậy. Ở tuổi 35, tôi là phụ tá bộ trưởng Kinh Tế trẻ nhứt đang phải đối đầu với những thử thách nhiều chông gai nhứt trong đời mình. Tôi trút hết tâm can vào công việc. Trong cương vị chủ tịch hội AUAA, tôi tuyển chọn những tài năng sẵn có ở trong hội để lập “nhóm chuyên viên lý tưởng” cộng tác với mình. Nhóm chúng tôi rất gần gũi nhau. Tới ngày hôm nay, hơn một phần tư thế kỷ sau ngày Sài gòn thất thủ chúng tôi vẫn còn họp mặt như một đại gia đình.

 

image062

Nhóm “Dream Team” họp mặt vào ngày sanh nhựt thứ 70 của tôi trong năm 2000

 

Họ xuất thân từ những trường như Lafayette College, MIT, Stanford University, Columbia University, NYU, Trường Kỹ Thuật Phú Thọ, Đại Học Sài Gòn, Đại Học Đà Lạt, Asian Institute of Technology (Thái Lan), Colorado State University, Georgetown University, Purdue University, University of Oklahoma, Carnegie Mellon University, Laval University, Canada, École Polytechnique de Montréal, Monash University (Melbourne, Australia), University of Western Australia (Perth), University of Canterbury (Christchurch, NZ), Massey University (NZ), École nationale supérieure des Beaux-Arts de Paris và The London School of Economics…

 

Trọng trách trước mắt là kiếm cách đưa Miền Nam thoát khỏi tình trạng bị Pháp cai trị suốt hơn sáu thập niên với một nền ngoại thương phần lớn dựa vào việc xuất cảng nguyên liệu như gạo, cà phê, dừa khô, cao xu, than đá, gỗ. Trong khi đó thì nhập cảng sản phẩm công nghệ của Pháp. Vì là thuộc địa nên nước nhà hoàn toàn thiếu các hạ từng cơ sở cần thiết để có thể phát triển kinh tế bình thường. Ưu tiên được đặt ra là phải tìm cách cải tổ cơ cấu hiện hữu thành nền kinh tế thị trường. Muốn đạt mục đích đó, chúng tôi thành lập các khu kỹ nghệ, Viện Định Chuẩn, Khu Chế Xuất, Trung Tâm Dịch Vụ Đầu Tư song song với các chương trình huấn luyện về quản trị xí nghiệp.

 

Vào thời điểm đó, Việt Nam thua xa các “con hổ con” ở Á Châu như Singapore, Đài Loan và Nam Hàn. Dân chúng sống trong ba quốc gia Nhựt Bổn, Trung Hoa, và Đại Hàn thuộc nhóm bốn dân tộc có “văn hóa ăn đũa” và nổi tiếng làm việc cần mẫn. Đất nước họ có sẵn nhóm chuyên viên tài giỏi và đội ngũ nhân công có nhiều kĩ năng.  Đài Loan và Nam Hàn cùng với những nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai Á, và Singapore đã biết lợi dụng dùng đồng tiền dollars ngườì Mỹ tiêu xài cho chiến tranh Việt Nam để đẩy mạnh chương trình phát triển kinh tế của mình. Đúng vậy, họ đã đạt tới giai đoạn “cất cánh” kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn. Ngược lại, nước nhà bị thua thiệt một cách nghiêm trọng vì sự tàn phá của chiến tranh và tình trạng thiếu an ninh. Để bù lại, chúng tôi đưa ra những bộ luật đầu tư có nhiều ưu đãi về thuế má để thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoại quốc.

 

Khu Kỹ Nghệ Biên Hoà là một thí dụ cho thấy thành quả việc làm của chúng tôi. Nơi này chỉ cách Sài gòn 30 km và được coi là an toàn nhờ được bảo vệ bởi căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Long Bình. Nhà máy xây trong khu kỹ nghệ được cung cấp đất, nước, điện, điện thoại, giấy phép xây cất và nhân công với giá thấp. Hai hãng hổn-hợp sản xuất máy diesel và máy cày cùng hai công ty Nhựt Bản Yanmar Diesel Engine Co. và Kubota Ltd. được thiết lập tại nơi đây. Đầu máy do họ sản xuất cũng được người mình ưa chuộng để chạy ghe đò và thuyền đánh cá trong Đồng Bằng Sông Cửu Long và vùng duyên hải. Bên cạnh đó, ta còn thấy một nhà máy cán thép dùng các vật liệu phế thải từ chiến tranh để chế biến thành thép cây và các vật dụng xây cất bằng thép khác. Ngoài ra, trong khu kỹ nghệ, còn có những cơ sở như nhà máy giấy, hóa chất, lò gạch, bình điện xe hơi, đèn ni-ong và nhiều hãng sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập cảng. Sau biến cố Mậu Thân 1968, nền kinh tế quốc gia tăng trưởng nhanh chóng tới độ tôi quyết định tổ chức cuộc triển lãm Saigon Expo 1970 để giới thiệu những sản phẩm được chế tạo trong nước.

 
image064

Saigon Expo, 1970

 
image065

Tổng thống Nguyễn văn Thiệu và phu nhân trong ngày khánh thành Saigon Expo. Tôi đứng bên tay trái của bà Thiệu. Cô Trúc Lâm, nhân viên Ngân Hàng, cầm dĩa đựng kéo cắt băng.  Góc trái phía trên: Đại sứ Hoa Kỳ Ellsworth Bunker và Thủ tướng Trần thiện Khiêm. Phía sau: Hoàng đức Nhã, Võ văn Huệ và Lê văn Lắm. Kiến trúc sư Lê văn Lắm xuất thân từ trường École nationale supérieure des Beaux-Arts, Paris, là người đã thiết kế cuộc triển lãm nhiều thành công SAIGON EXPO 1970. Cô Lê Trúc Lâm, đã đóng góp rất nhiều trong việc thực hiện cuốn phim tài liệu “Kỹ Nghệ Việt Nam” (Vietnam Industry) được chiếu ra mắt tại cuộc Triển Lãm. Cuốn phim nầy do Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh quay, nêu rõ thành quả đã đạt được trong lãnh vực kỹ nghệ giữa lúc chiến cuộc đang sôi động tại miền nông thôn.

 

image067

Bảng lưu niệm tặng những cá nhân đã góp công sức tổ chức cuộc triển lãm: Kỹ sư Huỳnh Hữu Hân

 

Báo BusinessWeek Magazine số ngày 27 tháng 12 năm 1969 đã tường trình chi tiết những thành quả về kinh tế của miền Nam sau cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968.


image069

Trang 30

 

image071

Trang 31


image073

Trang 32

BusinessWeek số ngày 27 tháng 12 năm 1969

Trích từ bài báo đăng trong BusinessWeek:

Do nguy cơ nghề nghiệp, nhiều thương gia ở Sài gòn mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. “Chúng tôi có bổn phận trình bày lên trụ sở chính nhu cầu cần lập kế hoạch cho thời hậu chiến” một quản lý của công ty ngoại quốc tuyên bố “và chúng tôi cũng phải sẵn sàng tẩu thoát qua cửa chánh nếu Việt Cộng đột nhập vào cửa sau.”

Nhưng ngay lúc này, lần đầu tiên sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968 của Cộng Sản, các doanh gia ở Sài gòn chịu khó cân nhắc về các cơ hội làm việc lâu dài hơn là về các nguy cơ ngắn hạn.

Với sự hổ trợ về tài chánh và các ưu đãi khác đến từ Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ của chánh phủ Miền Nam, một số ít nhà đầu tư trong nước đã khởi công thực hiện các dự án của họ. Trung Tâm nầy là một cơ quan tự trị hoạt động như một ngân hàng phát triển. Ngay tại Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa do Trung Tâm thiết lập tại ngoại ô Sài gòn, nhiều nhà máy đang được dựng lên để sản xuất nhiều loại sản phẩm như: sơn, cà phê uống liền, thép tấm mạ kẽm, thức ăn súc vật, và máy cày chạy bằng diesel. Nhiều cơ sở khác đang trong giai đoạn nghiên cứu như nhà máy cán thép dùng vật liệu phế thải từ chiến tranh thâu góp được từ khắp mọi nơi của Miền Nam.

Trong hiện tại, Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ đang cho xây cất một khu kỹ nghệ và một cảng sông tại Cần Thơ nằm sâu trong Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ông Khương Hữu Điểu, tổng giám đốc Trung Tâm và xuất thân từ đại học Massachusetts Institute of Technology, cho biết Ông đang thương lượng với các nhà đầu tư người Việt để thiết lập nhiều công ty chế ráp máy bơm nước, máy kéo, và các dụng cụ canh nông khác ở Cần Thơ. “Trong năm tới, quý vị sẽ thấy được các nhà máy mọc ra tại nơi đó,” Ông hứa hẹn.

An ninh được cải thiện. Hàng hóa lưu thông dễ dàng là dấu hiệu của sự phồn thịnh mới.

Lời cẩn trọng. Ít nhà đầu tư ngoại quốc chịu xuất vốn đầu tư vào Miền Nam Việt Nam ngay lúc này. Tuy nhiên, người Mỹ và đặc biệt người Nhật Bản đang suy tính một cách thận trọng viễn ảnh cho tương lai. Một nhà quan sát người Mỹ ở Sài gòn nhận xét “Rất nhiều người đang tự hỏi lúc nào là thời điểm thuận lợi nhất để nhập cuộc.”

Công cuộc khảo sát sơ khởi về dầu hỏa ngoài khơi Vịnh Thái Lan do tổ hợp Mandrill Industries, Inc gồm 10 công ty dầu hỏa thực hiện cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn khiến một số công ty tham dự nôn nóng muốn chánh phủ gọi đấu thầu cho phép thăm dò.

Hàng ngày, các doanh nhân Nhật Bản đặt chân tới Sài gòn để nghiên cứu cơ hội đầu tư về trồng chuối, ngư nghiệp hay nhà máy sản xuất ván ép. Hai công ty Nhật Bản Kubota, Ltd., và Yanmar Diesel Engine Co., Ltd. đã thỏa thuận cho phép các nhà máy đang cạnh tranh với họ chế tạo dụng cụ canh nông tại đây.

Các hoạt động kinh doanh năng nổ hơn phản ảnh tình trạng hồi phục kinh tế thật nhanh chóng của Miền Nam Việt Nam sau cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân và nền an ninh đã được vãn hồi tại nông thôn. Những xe vận tải và xe buýt chạy như mắc cửi trên trục lộ Sài gòn - Huế dọc theo Quốc lộ số 1 trước đây bị coi là mất an ninh. Hàng đoàn xà lan chở gạo từ Cà Mau nằm sâu trong vùng đồng bằng lên tới thủ đô không gặp trở ngại gì.

Thời buổi an ninh hơn. Việc vận chuyển hàng hóa tự do và tình trạng an ninh miền thôn quê được bảo đảm hơn khiến cho sự thịnh vượng được vãn hồi nhứt là với vựa lúa của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Năm nay, thu hoạch về lúa gạo lên tới khoảng 5,1 triệu tấn – cao hơn 500,000 tấn so với năm 1968 và gần bằng cao điểm 5,3 triệu tấn của năm 1963. Sẵn tiền trong túi, người nông dân kéo nhau về các thị xã mua đầu máy do hai công ty Kohler Co và Briggs and Stratton sản xuất để dùng chạy ghe xuồng và máy bơm nước. Mỗi năm số lượng tiêu thụ loại máy nầy đạt tới mức 100,000 chiếc.

Vốn đầu tư.  Cùng lúc đó, bất chấp các rủi ro, chính phủ cố gắng khuyến khích người dân đầu tư vào các ngành kỹ nghệ. Ông Khương Hữu Điểu, người lãnh đạo Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ, hiểu rất rõ mình cần phải làm gì để thuyết phục được các doanh nhân.

“Trong thời chiến, người ta cần đưa ra rất nhiều điều hấp dẫn để lôi cuốn

các nhà đầu tư,” Ông nói. Do vậy, Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ sẵn

sàng cho doanh nhân vay một ngân khoản tương đương với số tiền họ đầu

tư vào dự án của mình. Tại Khu Kỹ Nghệ Cần Thơ, Trung Tâm đặt sẵn

các đường dây điện, điện thoại, ống nước. Ngoài ra còn cho xây các khung

nhà bằng thép tiền chế để thu hút các kỹ nghệ gia. Ông Điểu còn phát

biểu thêm “Họ sẽ không phải nhức đầu về các thủ tục hành chánh rườm

rà. Chúng tôi lo việc cấp phát giấy phép dùm họ.”

 

Trong Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa gần Sài gòn, ta thấy được các nhà máy với

tổng số vốn đầu tư lên tới 30 triệu Mỹ Kim sản xuất lốp xe máy, vải và kính

tấm. Công ty Mỹ Parsons and Whittemore làm chủ số cổ đông thiểu số

trong một nhà máy giấy; công ty Eternit của Pháp chế tạo các dụng cụ làm

mái nhà và ống nước. Như trong số lớn những nước ở vùng Đông Nam Á,

người Hoa hải ngoại chiếm đa số các vốn đầu tư tại địa phương.

 

Ông Điểu, một cựu bộ trưởng kinh tế, có bẳng cao học về engineering và industrial management của đại học MIT. Trước đây, Ông làm việc với Ebasco ở New York, rồi chuyển qua các hãng Esso và Công ty Đường ở Miền Nam Việt Nam.

Nhân viên. Ông Điểu tụ tập được một nhóm 40 chuyên viên xuất thân từ các đại học Mỹ như MIT, Stanford; the Wharton School, và nhiều nơi khác - họ có nhiệm vụ hổ trợ các nhà đầu tư trong các dịch vụ như thiết kế máy móc và giúp gọi đấu thầu từ các nhà cung cấp ở ngoại quốc.

Trong khi điều hành một trung tâm phát triển, ông Điểu còn đi vào các hoạt động khác nữa. “Khi thăm viếng các nhà máy và đòi các nhà đầu tư trả nợ, tôi nhận xét thấy họ không rành về quản trị” Ông giải thích. Điều nầy khiến Ông quyết định thiết lập một trung tâm huấn luyện về các môn học như phân tích chi phí, quản trị nhân viên, kiểm soát hàng tồn kho và chất lượng sản phẩm. Với phương thức nầy, Ông hy vọng có thể thu hút được giới doanh nhân chấp nhận rủi ro để đầu tư vào các dự án sau đó chỉ cho họ cách điều hành nhà máy nữa. Ông Điểu giải thích cách nhìn của mình như sau:

“Tôi cố gắng kiếm được nhiều dự án kỹ nghệ để tài trợ. Qua các cuộc hội thảo và hội nghị, tôi giới thiệu các lãnh vực đầu tư với giới kinh doanh. Một khi cá đã cắn câu, tôi cho chúng ăn các món về kỹ thuật, kế tiếp tôi dùng tiền để nhử chúng. Một khi nhà máy đã xây xong, tôi đem món quản trị ra nuôi chúng.”

Trong thời kỳ giữ chức Phụ Tá Tổng Trưởng Kinh Tế, tôi còn đảm nhận chức vụ Tổng Giám Đốc của hai cơ quan quan trọng trong chính phủ là Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ (IDC) và sau đó là Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ (IDB) để tài trợ việc xây cất các nhà máy. Nhờ vào cố gắng của nhóm “chuyên viên lý tưởng” đầy nhiệt huyết và có khả năng mà chúng tôi gặt hái được nhiều thành quả cụ thể và đáng kể. Tôi xin liệt kê ở đây một vài cơ sở, cơ quan hay tổ chức chúng tôi đã lập ra để hoàn tất trọng trách của mình.

Một trong những việc đó là thành lập Viện Định Chuẩn, tọa lạc trong Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa, để chứng nhận phẩm chất của hàng hóa và bảo đảm sản phẩm đạt được tiêu chuẩn cần thiết. Một thành viên trong nhóm “chuyên viên lý tưởng” của chúng tôi là ông Phí Minh Tâm, học từ MIT về, được bổ nhiệm làm người lãnh đạo của Viện. Bên cạnh đó, còn có Trung Tâm Dịch Vụ Đầu Tư với trụ sở nằm trong toà nhà của Bộ Kinh Tế do ông Nguyễn Đăng Khôi tốt nghiệp đại học Stanford điều hành.

 

Một cơ quan tối quan trọng nhóm chúng tôi thành lập là Tổng Cuộc Dầu Hỏa Và Khoáng Sản nhằm mục đích khai thác các tài nguyên chưa được khai khẩn của nước nhà. Trọng tâm hoạt động của cơ quan là phát triển tối đa tiềm năng về dầu hỏa và khí đốt nằm ngoài khơi lòng chảo Saigon-Sabu mà xứ mình chia sẻ với các quốc gia lân bang. Phía Sabu của lòng chào đã sản xuất được nhiều dầu thô trong các năm qua. Ngược lại, lòng chảo phía Sài gòn chưa được đụng tới. Với sự giúp đỡ kỹ thuật của CCOP “Coordinating Committee for Offshore Prospecting in Asia,” chúng tôi thành lập Tổng Cuộc Dầu Hỏa Và Khoáng Sản và ông Trần văn Khởi, một thành viên của nhóm “chuyên viên lý tưởng”, được chỉ định làm Tổng Cuộc Trưởng. Ông Khởi là tác giả cuốn “Dầu Hỏa Việt Nam 1970 – 1975” để trình bày kết quả của việc thăm dò dầu hỏa thời đó.


image075

Dầu Hỏa Việt Nam 1970-1975 do ông Trần văn Khởi làm tác giả

 

Sau khi đi quan sát các Khu Chế Xuất (EPZ) đầy thành công của Đài Loan về, tôi nhận thấy việc thiết lập các khu nầy rất cần thiết cho chương trình phát triển kinh tế nước nhà. Do đó, tôi gấp rút cho xây cất khu chế xuất tại bến sông Sài gòn. Nỗ lực nầy nhằm khuyến khích vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và giúp luân chuyển ngoại tệ thâu hồi đuợc trong hệ thống kinh tế/ngoại thương của xứ sở. Khu Chế Xuất có tác dụng khuyến khích việc xây cất các nhà máy sản xuất làm gia tăng các hoạt động kinh tế để rồi thu hút thêm vốn đầu tư từ xứ ngoài đặng xây cất thêm các khu chế xuất mới. Ngoại tệ thâu nhận được sẽ được sử dụng để làm gia tăng xuất cảng. Ngoài ra, các hạ tầng cơ sở thiết lập cho các khu chế xuất còn giúp phát triển các lãnh vực kỹ nghệ và thương mại trong nước đem lại thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Hoài bão của chúng tôi lúc đó là hội nhập được các kỹ thuật tân tiến trên thế giới để nâng cao năng xuất nhờ vậy có thể sản xuất được những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế.

 

 

Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa do chúng tôi xây cất nhờ được có căn cứ quân sự Long Bình của Mỹ nằm kế cận bảo đảm an ninh nên đã hoạt động được tốt đẹp. Thêm vào đó, chánh phủ Đài Loan đã hổ trợ đáng kể cho nước nhà trong việc thiết lập Khu Kỹ Nghệ Cần Thơ, thủ phủ của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Họ đả gửi qua dàn máy vét sông lớn nhất của họ để cung cấp cát từ sông Cửu Long đắp cho khu kỹ nghệ mới nầy. Ngoài ra, chi nhánh địa phương của Ngân Hàng chúng tôi cũng tài trợ cho các nhà máy nằm trong Khu Kỹ Nghệ Đà Nẵng nữa.

 

Một thành quả khác của nhóm chúng tôi là việc giúp thành lập Viện Quản Trị. Chúng tôi sớm phát hiện các quản trị viên cao cấp tại các hãng xưởng mới ra đời có nhu cầu được huấn luyện về quản trị để nâng cao năng xuất giúp họ có phương tiện trả nợ cho Ngân Hàng. Đây là nguyên nhân đưa tới việc xuất hiện của Viện Quản Trị do một thành viên khác của nhóm “chuyên viên lý tưởng”, ông Võ văn Huệ, đứng ra lãnh trách nhiệm làm trưởng cơ quan. Kể từ năm 1960, chúng tôi cho phát hành tờ nguyệt san Quản Trị Xí Nghiệp để phổ biến kết quả các lớp huấn luyện về quản trị được tổ chức trong hay ngoài nước. Chúng tôi đứng ra tổ chức nhiều chuyến viếng thăm cơ xưởng sản xuất để các kỹ nghệ gia có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và học hỏi nhau. Những buổi hội thảo định kỳ về đề tài quản trị của chúng tôi được đón nhận nồng nhiệt. Ban Chấp Hành của Viện Quản Trị được đặt dưới quyền Chủ Tọa Danh Dự của ông Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chánh Phủ. Nhiều nhà kinh doanh hàng đầu trong nước cũng nhận làm thành viên của Ban Chấp Hành.

 

Ban Chấp Hành Viện Quản Trị 1972-1973


image077image079

Thẻ Hội Viên Hội Quản Trị Xí Nghiệp 1971

 

Nhờ vào những nỗ lực trong nhiều lãnh vực của chúng tôi, công cuộc phát triển kỹ nghệ trong nước đã đạt những bước tiến liên tục. Do đó Ngân Hàng đẩy mạnh việc cấp tín dụng cho các dự án mới tại các tỉnh.  Các hồ sơ vay được chấp thuận cho mọi hoạt động kinh tế như biến chế nông phẩm, sản phẩm công nghiệp, các dự án về nước và điện và khác nữa.


image081image084

Ở đây tôi chỉ đề cập tới một vài điều nổi bật liên quan tới lãnh vực phát triển kỹ nghệ của miền Nam Việt Nam trong nửa thể kỷ về trước. Nỗ lực của chúng tôi nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của cư dân ở tỉnh thành cũng như tại nông thôn. Trong bối cảnh cuộc chiến đang sôi sục, nhóm chúng tôi đã dốc tâm vào công việc để đặt xong các hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc phát triển kinh tế và cải tiến cuộc sống của người dân. Phần thưởng của chúng tôi là thấy được trước mắt những đóng góp tích cực từ việc làm của mình vào đời sống mọi người./
20 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 5511)
27 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5817)