Dự án ''Ấn Độ - Thái Bình Dương'' : Một thách đố với ASEAN

13 Tháng Mười Một 20188:41 CH(Xem: 4725)

VĂN HÓA ONLINE - TÀI LIỆU  - THỨ TƯ 14 NOV 2018


Dự án ''Ấn Độ - Thái Bình Dương'' : Một thách đố với ASEAN


Trọng Thành 13-11-2018

image024

Khu vực Đông Nam Á và Biển Đông nằm ở trung tâm vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương.Ảnh : Wikimedia Commons


Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng khẳng định là đầu tầu kinh tế của thế giới, nhưng thách thức lớn đối với khu vực là thiếu đi một kiến trúc an ninh và hợp tác quốc tế.


Sự trỗi dậy của Trung Quốc đi kèm với nhiều đe dọa về an ninh, đặc biệt với các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông. Liệu khối ASEAN có tham gia được vào dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương « mở và tự do », mà Hoa Kỳ và các đồng minh đang khởi xướng để tận dụng được cơ chế an ninh mới này, đề kháng được các đe dọa từ Trung Quốc ?


Từ hai năm nay, dự án xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương « rộng mở và tự do », dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó Biển Đông là một tâm điểm, được Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng như Ấn Độ cổ vũ, đang ngày càng thu hút sự chú ý của các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN. Tuy nhiên, cho đến nay, về vấn đề này, dường như khối ASEAN vẫn đang tìm kiếm một tiếp cận riêng, để vừa tận dụng được các hậu thuẫn của các cường quốc bên ngoài, nhằm ngăn chặn sự lấn lướt của Trung Quốc, nhưng lại vừa không bị kẹt vào thế đối đầu giữa hai khối, một bên là Bắc Kinh, và bên kia là các quốc gia dân chủ, trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò trụ cột. Tham gia dự án xây dựng khu vực « Ấn Độ - Thái Bình Dương » như thế nào là một thách đố hàng đầu đối với Hiệp hội các nước Đông Nam Á hiện nay.


1 – Dự án xây dựng khu vực « Ấn Độ - Thái Bình Dương » cụ thể là gì ?


Ý tưởng về một khu vực nối liền hai vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từng được lãnh đạo một số quốc gia thai nghén từ nhiều năm nay. Đặc biệt đáng chú ý có ý tưởng của thủ tướng Nhật Bản, được nêu ra lần đầu tiên vào năm 2007. Trong chuyến công du Ấn Độ, thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc đến tác phẩm « Hội tụ hai biển lớn » của một nhà tư tưởng Ấn Độ thế kỷ 17, như một ẩn dụ cho khát vọng lâu đời, tìm kiếm liên thông giữa hai thế giới, hai vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thúc đẩy quan hệ toàn diện Nhật - Ấn.


Tuy nhiên, phải cho đến hồi tháng 12 năm ngoái, dự án này mới bắt đầu có được hình thù cụ thể hơn, với việc « lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương » được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của chính phủ Mỹ. Cùng với sự thay đổi này, Ấn Độ trở thành một đối tác chiến lược hàng đầu của nước Mỹ. Trong chiến lược mới lần này của Mỹ, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được xếp số một, đứng trên châu Âu và Trung Đông, đây là điều mà nhà nghiên cứu đáng giá là « thay đổi lớn nhất » so với thời tổng thống tiền nhiệm Obama. Chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể coi như là một bước tiến mới của chính sách xoay trục sang châu Á của tổng thống Obama.


Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, được Mỹ và các đồng minh cổ vũ, bao gồm vùng biển phía bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ tây Hoa Kỳ, trong đó Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm. Đối với chính quyền Trump, khu vực « dân cư đông đúc nhất và năng động nhất hành tinh về mặt kinh tế » này là nơi cạnh tranh của hai quan điểm đối kháng, một bên cổ vũ cho « tự do », bên kia chủ trương dùng « vũ lực ». Washington chỉ đích danh Trung Quốc như là bên chủ trương dùng vũ lực để thao túng con đường hàng hải chiến lược, với việc « thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông », thách thức chủ quyền của nhiều quốc gia ven bờ.


2 - Từ đó đến nay, dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương có thêm những diễn tiến gì mới ?


Dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương lấy bộ Tứ Mỹ-Nhật-Úc-Ấn làm trụ cột. Giữa bốn quốc gia nói trên đã có nhiều phối hợp. Nhưng để thật sự có được chân đứng tại khu vực, và được sự tin cậy rộng rãi, dự án nói trên phải được sự hậu thuẫn của khối các quốc gia Đông Nam Á, bởi ASEAN được coi là tâm điểm của kiến trúc an ninh khu vực hiện nay. Từ nhiều năm nay, ASEAN là nơi diễn ra các tiếp xúc, đối thoại mở rộng bao gồm các quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Nga, các nước Nam Á…. Nếu trong tương lai có một cơ chế an ninh hợp tác quốc tế lớn bao trùm tại khu vực này, thì ASEAN chắc chắn sẽ phải đóng một vai trò trọng yếu.


Trong thời gian gần đây, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – đang nổi lên như là một đối tác cơ bản cho phép kết nối phần đóng góp của ASEAN với dự án xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là một trong các chủ đề chính được thảo luận tại Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) lần thứ 13, sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11/2018 tại Singapore. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sẽ trình bày lập trường của Jakarta. Cần nói thêm là, trước đó, hồi tháng 8/2018, ngoại trưởng Indonesia đã đề nghị triệu tập khẩn một cuộc họp cấp ngoại trưởng của khối, để xác định một lập trường chung của ASEAN đối với dự án Ấn Độ Thái Bình Dương, tuy nhiên, lời đề nghị cho đến nay chưa được hồi đáp.


Theo tờ Strait Times, Indonesia đã thảo ra một tài liệu phác thảo mang tựa đề « Indo-Pacific Outlook », và đã chuyển đến 9 thành viên còn lại của Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Thượng đỉnh Đông Á tại Singapore là cơ hội để các thành viên ASEAN tìm kiếm đồng thuận (1).


3 – ASEAN đối mặt với các thách thức nào trong vấn đề này ?


Trở ngại lớn nhất đến từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh sợ rằng dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ được sử dụng như một phương tiện để lập ra một liên minh chính trị chống Trung Quốc, với trụ cột là bộ Tứ Mỹ - Nhật - Ấn – Úc, cộng thêm một số thành viên ASEAN. Indonesia và các nước ASEAN sẽ phải rất mềm dẻo để có thể tìm ra một tiếp cận phù hợp, trước hết là vấn đề tên gọi. Các thương lượng cho việc tham gia vào một dự án như vậy hiện mới đang trong giai đoạn khởi đầu.


Theo nhiều nhà quan sát, tên gọi Ấn Độ - Thái Bình Dương cần được điều chỉnh để dung chứa được phần đóng góp của các nước ASEAN, với tư cách khu vực nằm ở trung tâm của vùng địa lý nói trên. Trong số các tên gọi, có « ASEAN Inter-Oceanic Concept » của Malaysia, hay « ASEAN’s Indo-Pacific Concept » của Indonesia. Indonesia cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ « tính trung lập » khi tham gia vào dự án này (1).


Một thách thức lớn khác đến chính từ phía Hoa Kỳ. Theo một số nhà quan sát, sau khi cổ vũ cho dự án mới này, Washington chưa có thêm các nỗ lực mới để xác định rõ hơn quan điểm, đặc biệt trong quan hệ với các đồng minh và đối tác ASEAN. Công luận ASEAN chờ đợi phó tổng thống Mỹ Mike Pence, khi tham dự Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào ngày mai tại Singapore, sẽ trình bày rõ tiếp cận của Washington.


Chuyên gia về an ninh khu vực, ông Anthony Milner (2), người Úc, thậm chí còn lo ngại là dự án Ân Độ - Thái Bình Dương sẽ tàn lụi, vì không được khối ASEAN ủng hộ. Chuyên gia Úc cũng chỉ ra cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương có điểm yếu là không bao hàm « châu Á », vì vậy khó chinh phục được cảm tình của dân chúng tại nhiều nước ASEAN.


Nhà nghiên cứu Pháp Victor Germain (3) trong một bài nhận định trên Asialyst mới đây ghi nhận tình trạng bất lợi hiện nay cho dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, khi nhiều quốc gia châu Á hoài nghi về đóng góp thực chất của Mỹ, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump vừa quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi 2017, để ngỏ không gian cho Trung Quốc tung hoành.


Tuy nhiên, chuyên gia Pháp Victor Germain cũng dự đoán là, trong bối cảnh nhiều nước ASEAN còn phân vân, các thảo luận trong nội bộ ASEAN sẽ kéo dài, thì tiếp cận của Ấn Độ sẽ có vai trò rất quan trọng. Lập trường của New Delhi - ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, phối kết chặt chẽ với Úc và Việt Nam, nhưng không chấp nhận loại trừ Trung Quốc - ắt hẳn sẽ xóa tan được hoài nghi của khá nhiều thành viên ASEAN, trước một dự án bị coi là khá xa lạ, về một khu vực rộng lớn trên biển nối liền hai đại dương.


Ghi chú


  1. « Time for Asean to drive the Indo-Pacific process: Jakarta Post writers », Strait Times, ngày 7/11/2018.
  2. « Can Indonesia rescue the idea of the ‘Indo-Pacific’, and should it? », trang mạng Aspistrategist, ngày 2/11/2018.
  3. «L’ASEAN est-elle soluble dans "l'Indo-Pacifique" ? », Asialyst, ngày 7/11/2018.
24 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3791)