Dương Văn Minh: "Công hay Tội"

29 Tháng Mười Hai 20198:11 SA(Xem: 6797)

VĂN HÓA ONLINE - TÀI LIỆU - THỨ HAI 30 DEC 2019


SBTN Boston phỏng vấn Thẩm phán cựu Thiếu tướng Trang Sĩ Tấn nói về ông Dương Văn Minh


https://www.youtube.com/watch?v=Xwibu2wXWdU&t=131s


image003


Nguyễn Hữu Thái nói về Dương Văn Minh và giải pháp êm đẹp


image005


https://www.youtube.com/watch?v=rX-EK5Y-_7s


image007


++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Dương văn Minh: "Công hay tội"


 image009

Từ trái: Tt Nixon, Đt Dương Văn Minh và Đ t Nguyễn Khánh. Tư liệu của Văn Hóa


 image011

Từ trái: Thượng tướng Trần Văn Trà và đại tướng Dương Văn Minh.Tư liệu của Văn Hóa


 image013


Những lựa chọn không dễ dàng


image015

Hồ Ngọc Nhuận


image017


LTS: Sự kiện ông Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ cũ Sài Gòn, dâng thành đầu hàng Quân Giải phóng, có nhiều cách nhìn và đánh giá khác nhau ở trong nước và ngoài nước.


Gần đây, Hồn Việt đã đăng bài của ông Phạm Văn Hùng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (và các ý kiến của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, của Đại tá Nguyễn Văn Tòng - nguyên Chính ủy trận Bình Giã…) ghi nhận thiện chí của ông Dương Văn Minh.


Gần đây nhất, trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1954-1975) - tập 2, NXB Chính trị Quốc gia - 2011 ghi nhận lời của đại diện lực lượng Cách mạng: “… Công nhận sự đóng góp của các ông, đứng đầu là ông Minh đã thức thời ra lệnh cho quân đội Sài Gòn buông súng chấp nhận đầu hàng vô điều kiện…” (tr. 996) và lời của Dương Văn Minh nói với nhà báo Đức B.Gallasch: “Anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn” (tr.991).


Dưới đây là bài viết của ông Hồ Ngọc Nhuận. Ông Hồ Ngọc Nhuận là một trong những người lãnh đạo phe nghệ sĩ đối lập nổi tiếng trong chế độ Nguyễn Văn Thiệu, là người trong “nhóm Dương Văn Minh”, đồng thời là một chủ bút, một nhà báo có những cống hiến quan trọng trong công cuộc đấu tranh cho hòa bình, cho dân sinh – dân chủ ở miền Nam trước đây (sau 1975, ông làm Chủ bút báo Tin Sáng và là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM).


Thể theo đề nghị của tác giả, Hồn Việt xin đăng nguyên văn bài viết phản ánh cách nhìn của tác giả, và mong nhận được thêm nhiều ý kiến thảo luận.


***************


Đời người là một chuỗi những lựa chọn. Có những lựa chọn tương đối dễ, có những cái khó. Khó nhất là lựa chọn không chỉ cho riêng mình, mà còn cho con cháu nhiều đời sau. Huống hồ là cho cả một cộng đồng, một dân tộc thì càng khó hơn nhiều. Khó nữa là có thể chọn cái dễ hơn, cái sướng, cái ít tủi nhục đau khổ hơn cho riêng mình thì lại bỏ…


image019

Ông Dương Văn Minh (thứ 2 từ phải sang)


… Trong các bản thảo quyển Đời (năm 2000, 2006, 2010), tôi có viết:


Chén đắng


Một ngày, trong những ngày như dài vô tận ông Trần Văn Hương quyết "tử thủ", không chịu trao quyền, dù Sài Gòn có phải "tắm máu" - ông Hương đã từng được tướng Thiệu phong là "hạ sĩ danh dự" của quân đội Việt Nam Cộng hòa mà - tôi có dịp ngồi một mình với ông Dương Văn Minh. Bỗng ông nói: "Toi" làm thế nào đó thì làm! Nếu ông Hương cứ kéo dài hoài thì "moi" không nhận đâu"!…


Tôi hiểu "toi" ở đây là tôi và nhóm anh em dân biểu nghị sĩ đối lập đang "quậy" ở Quốc hội để buộc ông Hương từ chức. Và "moi không nhận đâu" là ông không nhận chiếc ghế Tổng thống mà ai cũng thấy không còn cái chân nào ra cái chân nào cả…


Như vậy phải chăng - tôi lại xin mượn một "kinh điển" của đạo công giáo - ông đã từng muốn xua đi "chén đắng", để cuối cùng vẫn chấp nhận "uống chén đắng cho tới cặn"? Với quyết định nhận bàn giao chức vụ Tổng thống ngày 28/4/1975 từ tay ông Hương, rồi chỉ sau đó một ngày, với quyết định tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975?” (Đời, hay chuyện về những người tù của tôi, bản thảo năm 2000, tr. 405).


Tôi nói về những ngày “như dài vô tận”, mặc dù từ ngày 21/4/1975 là ngày tướng Thiệu tuyên bố từ chức giao quyền cho ông Hương, với lời hứa long trọng sẽ ở lại chiến đấu cho tới giờ phút cuối cùng, trước khi bỏ chạy ra nước ngoài ngày 25/4/1975, cho đến ngày 26/4/1975 là ngày có biểu quyết của Quốc hội để ông Hương giao quyền lại cho ông Dương Văn Minh, chỉ vỏn vẹn có mấy ngày. Chỉ có ít ngày thôi, nhưng những trận bão lòng nơi ông Trần Văn Hương phải không hẳn là ít, trước hứa hẹn bão lửa sẽ dội xuống Sài Gòn, nếu ông quyết định tử thủ.


Với thỏa thuận của một Quốc hội mà đa phần là người của phe tướng Thiệu và của ông, ông Hương đã chọn rút lui. Bỏ qua lời nhắn trước khi bỏ chạy của tướng Thiệu là “chớ có giao quyền cho Dương Văn Minh”.


image020

Cảnh hỗn loạn tháo chạy khỏi Sài Gòn, tháng 4/1975


… Trong các bản thảo quyển Đời, tôi có viết:


“… …


Tôi còn nhớ khá rõ không khí phiên họp khoáng đại lưỡng viện Quốc hội ngày 26/4/1975 là khá buồn và diễn tiến cũng khá nhanh. Phe đa số thân chính hầu như không còn bấu víu vào một phép màu nào nữa. Tuy không tin tưởng bao nhiêu vào giải pháp Dương Văn Minh, nhưng vì áp lực tình hình quá mạnh, quá nhanh nên phe này đã miễn cưỡng đi họp, và chỉ lên tiếng chiếu lệ ở diễn đàn.


Một số thì đang chân trong chân ngoài chuẩn bị khăn gói “lên đường”, có mặt ở hội trường thì ít, mà dồn bước ở các hành lang hay bận rộn ở các phòng ban chung quanh thì nhiều. Cánh đối lập thì đã cầm chắc “phần thắng”, bởi Tổng thống tạm quyền, ông Trần Văn Hương đã hết hồi cưỡng lại nổi với sức ép của thời cuộc, trong đó có phần nào sức ép của một bộ phận không nhỏ phe thân chính.


Biểu quyết trao quyền cho ông Minh với số phiếu gần như tuyệt đối 147/151, do chính Ớt nêu, là do khuynh hướng tình hình và cán cân lực lượng lúc bấy giờ, chớ không do ai “tràn vào Hội trường để cướp diễn đàn” mà làm nên cái sự gì hết. Đa số các nhà lập pháp thân chính còn nấn ná ở lại để biểu quyết, và biểu quyết khá nhanh, có lẽ là vì muốn “rửa tay” lần chót, buông trôi thế cuộc cho cánh đối lập và nhóm ông Minh, để nghe ngóng thêm chút ít động tĩnh từ các phía, hay hoàn tất một số thu xếp gấp gáp cuối cùng trước khi rút…


Nếu thật sự đã có ai đó từ ngoài đường tràn vô cướp diễn đàn Quốc hội, một quốc hội đã thật sự “thoi thóp”, thì đó là “luật của… đường phố”, của đám đông, của quần chúng, của nổi dậy… Cứ thế mà thừa thắng xông lên, đâu cần ai biểu quyết nữa… Và có thể cũng không còn ai để biểu quyết nữa, khi cuộc “tràn vô… cướp diễn đàn” và làm náo loạn Quốc hội của họa sĩ Ớt đã làm tràn cái ly đã sẵn náo loạn của tình hình Sài Gòn lúc bấy giờ”… (Đời, hay chuyện về những người tù của tôi, bản thảo năm 2006, có bổ sung năm 2010, tr. 413-414).


image021

Gia đình Dương Văn Minh ở Đà Lạt


Nếu cần nói thêm đôi điều về những thời khắc “nhì nhằng” trước khi có biểu quyết giao quyền thì đó là vì phải cố “tìm” cho ra một biểu quyết “hợp hiến”, mà nếu không được thì cũng phải với một số phiếu thật áp đảo, bởi đâu có Hiến pháp nào dự liệu trường hợp phải giao quyền cho một cựu tướng lãnh, dù cho để “cứu nước”. Chớ không phải vì có những cuộc họp bí mật nào ở đâu đó, hay vì “Hương tính lợi dụng hội nghị đó để làm lễ tấn phong cho mình, nhưng thất bại”.


Tóm lại, người ta nói “tràn vô cướp diễn đàn”… là điều cần xem lại, vì như thế là… “cách mạng” rồi. Còn về con số biểu quyết, gần 100/100 như người ta nêu, là có thể đúng, vì có nguồn công an…


Nhưng phe thiểu số đối lập ủng hộ ông Dương Văn Minh chỉ vỏn vẹn có 40 người, tính chung cả lưỡng viện Quốc hội, căn cứ theo số liệu của năm 1971, khi ký tên ủng hộ ông Dương Văn Minh ra ứng cử tổng thống, trong khi tướng Thiệu đã úp bộ gần hết chữ ký của các đại biểu dân cử, từ Trung ương đến các địa phương, thì làm gì đủ túc số cần thiết áp lực được ông Hương. Huống hồ ở đây lại là số phiếu gần như tuyệt đối 147/151…


Biểu quyết này rõ ràng là không thể có được nếu không nhờ phe thân chánh dồn hết phiếu ủng hộ. Phe này nghĩ gì, chịu áp lực nào, mà bỏ phiếu đông như vậy? Có nhiều lý do, kể cả bỏ phiếu cho rồi để “rửa tay” ra đi… Nhưng rửa tay ra đi thì cũng có nhiều cách, cần gì phải dồn hết phiếu cho đối lập. Kể cả “đá bàn” để ra đi, như một số người làm chánh trị ở đây trước kia thường nói.


Lý gì hay cách nào thì lựa chọn của phe thân chánh trong trường hợp trên và bối cảnh trên là không phải dễ. Không ít người, sau lựa chọn đó, lại bỏ ý định ra đi, chọn ở lại. Với số phận đã được dành sẵn, mà sau này ai cũng biết. Tôi thành thật nghĩ rằng những bạn đó là có tinh thần trách nhiệm và can đảm…


Còn ông Dương Văn Minh, và nhóm của ông, sao lại sẵn sàng tiếp nhận “một đống xà bần”, một “hũ tương tàu”, như có người sau này đã gọi chế độ Sài Gòn trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975, do tướng Thiệu và người Mỹ để lại?


Để có thể hiểu được một phần nào lựa chọn của ông Minh và của nhóm của ông, và tại sao tôi đã nói sau cùng ông “đã chấp nhận uống chén đắng cho tới cặn”, thiết nghĩ nên trở lại một số diễn biến tình hình miền Nam trong những ngày tháng trước ngày ông Minh chấp nhận quyền Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và chấp nhận đầu hàng.


Trong Chung một bóng cờ, họa sĩ Ớt có nhắc đến lực lượng thứ ba, với đoạn viết: “… Sau khi tuyên bố bản tuyên cáo đó (tức “tuyên cáo chấn động của Dương Văn Minh chống chính phủ Thiệu không có Thiệu, tức là lật đổ Hương”), Dương Văn Minh trở thành chỗ dựa rất tốt cho các lực lượng thứ ba…” (tr. 825).


Có nhiều người, không chỉ ở một phía, cho tới tận bây giờ, còn đi xa hơn cả Ớt, để cả quyết ông Minh và “nhóm ông Minh” không chỉ là “chỗ dựa” cho lực lượng ba, mà chính là lực lượng ba… “thân cộng” hoặc “của cộng”.


Nhưng “lực lượng ba” đích thực là lực lượng nào? Có vai trò gì trong chiến tranh hay hòa bình Việt Nam? Từ sau năm 1975, thỉnh thoảng cũng có người đặt câu hỏi như vậy, rồi thưa dần, rồi thôi. Nhất là từ bên ngoài.


Đó phải chăng là những học sinh sinh viên xuống đường mà một số không nhỏ là đảng viên đảng “Nhân dân Cách mạng” nay đã lột xác, và trước sau từng giữ những chức vụ từ thấp đến cao trong guồng máy đương quyền? Đó phải chăng là những hệ phái tôn giáo cùng xuống đường với sinh viên?


Hay đó là những phong trào đấu tranh, những tổ chức, những ủy ban, hiệp hội, mặt trận, lực lượng “yêu nước”… mọc lên như nấm trong các giới nhà giáo, nhà báo, tôn giáo, trí thức, lao động và nhất là phong trào phụ nữ, mà người ta còn được thấy vài tấm bảng hiệu, tự nhận là “lực lượng ba”, treo cao ở đường Hai Bà Trưng, sau Tòa nhà Quốc hội, nay là Nhà hát Thành Phố, trong thời gian ngắn sau ngày 30/4/1975?


Để sớm được nhắc nhở mà “ngộ” ra rằng “yêu nước, sau ngày “được giải phóng”, không có năm bảy đường mà chỉ có một” và tự động giải tán? Hay đó là những thành phần tự nhận là “người Việt cô đơn”, “người Việt đứng giữa”, thành phần trái độn, không thuộc phe nào, hoặc của cả hai phe?... Hay đó là những đảng phái thân Thiệu, thân Mỹ trá hình, mà hồi đó người ta gọi là “đối lập cuội”? Hay đó là những người Việt lưu vong, những kiều bào, nhất là ở Paris, nơi diễn ra các cuộc hội đàm về hòa bình Việt Nam giữa các bên lâm chiến suốt 6-7 năm trường, mà người ta gọi là “lực lương ba ở hải ngoại”?


image023

Tướng Dương Văn Minh ngày lật đổ Ngô Đình Diệm


Là cái gì, thì phải nói rằng thời kỳ mà “nó”, lực lượng ba hay thành phần ba, được nhắc đến nhiều nhất - nhắc đến nhiều nhất không có nghĩa là có giá nhất - là từ sau Hiệp định về Hòa bình Việt Nam được ký kết ở Paris, ngày 27/1/1973.


Bởi chính cái Hiệp định này là tờ khai sanh chánh thức ra “nó”, ở Điều 12, Chương IV, cụ thể là: “Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau để đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ và tổ chức tổng tuyển cử bầu ra các cơ quan quyền lực mà hai bên miền Nam Việt Nam đã thỏa thuận thông qua hiệp thương”.


Như vậy thì “cái lực lượng hay thành phần ba”, nếu có vai trò gì, thì cũng chỉ có “với” Hiệp định Paris, nếu nó được thi hành, và cũng chỉ với vai trò là một “thành phần” trong một “Hội đồng” - một “Hội đồng” chớ không phải một “Chánh phủ” như có nhiều người trước sau cứ ngộ nhận - gồm ba thành phần ngang nhau, mà hai thành phần kia là thuộc hai chánh phủ đang lâm chiến, có binh, có quyền, có lãnh thổ, có hậu thuẫn hùng hậu của khối này khối nọ.


Còn “thành phần ba”, thành phần “nhét kẽ”, là không có gì hết, hay “không là gì hết”. Bởi ngày nào “Hội đồng” này chưa được hai bên binh quyền lựa chọn thành lập thì nói “thành phần ba” là gì, là ai, đứng ở đâu… chỉ là nói… mò.


Số phận của cái Hiệp định Hòa bình Hòa giải Hòa hợp Dân tộc sau cùng thế nào thì ngày nay ai cũng rõ. Và cách đây mấy năm, vào năm 2003, ở tại thành phố này, người ta cũng có tổ chức ăn mừng nó tròn 30 tuổi.


Nhưng ngay trong năm đầu được ký kết, và cũng ngay tại Sài Gòn này, vào ngày 15/12/1973, “Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris”, đứng đầu là một luật sư nổi tiếng (TRẦN VĂN TUYÊN?), với một Phong trào quốc gia nổi tiếng, và người đứng thứ hai là một nhà lập pháp đương kim của Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, đã đưa ra lời tuyên bố với chữ ký của hơn 300 nhân vật tên tuổi, trong đó có nhiều linh mục, thượng tọa, dân biểu, nhân sĩ, trí thức, công thương gia… tố cáo chính quyền Sài Gòn liện tục vi phạm Hiệp định Paris về nhiều mặt.


Cùng với bản tố cáo đó - mà không chỉ có một, và không chỉ có ở Sài Gòn và trong nước - là những biến cố dồn dập từ nhiều phía, đặc biệt từ các “vai” chủ yếu trên chiến trường và chính trường miền Nam.


Về phía tướng Thiệu: là kiên trì “sống chết” với lập trường “bốn không” cố hữu: không thương lượng với cộng sản, không liên hiệp với cộng sản, không chấp nhận đối lập và trung lập, không để lọt bất cứ miếng đất nào vào tay cộng sản… Là ra lệnh cho Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa, đứng đầu là Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên, tại Hội nghị La Celle –Saint – Cloud, mở ra từ ngày 19/3/1973, đặt lại toàn bộ các điều khoản chính yếu của Hiệp định Paris, thay vì hiệp thương nghiêm chỉnh để tìm cách thi hành những điều khoản của Hiệp định với Phái đoàn Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Hiếu…
Là tuyên bố đánh tới hột gạo cuối cùng dù cho Mỹ có cúp và đã cúp mọi thứ viện trợ, cả đô la, cả đạn dược… Là ra lệnh, tại cuộc họp Cam Ranh “ngày 14/3/1975 lịch sử”, cho hai Quân đoàn 1 và 2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa rút khỏi Pleiku và Đà Nẵng, bỏ ngỏ Sài Gòn và miền Nam… Là sau cùng bỏ chạy ra nước ngoài vào ngày 25/4/1975.


Về phía Tổng thống tạm quyền Trần Văn Hương: Ngày 27/4/1975, một ngày sau khi Quốc hội Việt Nam Cộng hòa biểu quyết buộc ông giao quyền cho ông Dương Văn Minh (26/4/1975 ), và trước buổi bàn giao giữa hai ông (28/4/1975), ông Trần Văn Hương đã có một quyết định, ít nhất cũng đáng gọi là vội vã không ngờ: chấp nhận đơn từ chức, giải ngũ “để ra nước ngoài trị bệnh”, của tướng Cao Văn Viên, đương kim Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Mà không hề cử người thay thế…


… … Cựu Đại tướng Cao Văn Viên được chánh thức rời Việt Nam trong lúc Tổng thống Trần Văn Hương vẫn đang tại chức, trước lễ bàn giao chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho Đại tướng Minh. Là người có thẩm quyền tối cao của Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ, trong tình hình cực kỳ nghiêm trọng của đất nước, vận mệnh của toàn thể anh em binh sĩ nói riêng, của đồng bào cả nước nói chung đang trông cậy vào vị chỉ huy cao cấp nhất của quân đội, vậy mà Tổng thống Hương lại để trống chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, không bổ nhiệm người thay thế.


Từ lúc đó, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể nói gần như hoàn toàn tê liệt, vì sau khi nghe tin Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng chánh thức được giải ngũ, các vị tướng lãnh như Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng, Tổng Cục trưởng, Trưởng phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa lần lượt rời nhiệm sở ra đi.


Bằng cớ là trưa ngày 29/4/1975, theo lệnh của Đại tướng Minh, tôi liên lạc bằng điện thoại nhưng không tiếp xúc được Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định, và Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia. Cả hai vị này vào sáng sớm ngày 29/4/1975 còn đến tư dinh gặp Đại tướng! (Theo cựu Thiếu tá Trịnh Bá Lộc, sĩ quan tùy viên của Đại tướng Dương Văn Minh - Cánh Thép, Hoa Kỳ, tháng 7/2007).


image024

Ông Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975


Về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam: Nếu lấy mốc thời gian từ ngày 14/3/1975, là ngày tướng Thiệu ra lệnh rút quân rút khỏi Đà Nẵng và Pleiku, thì đó cũng là thời gian có những cuộc tấn công quyết định tới tấp của Quân Giải phóng. Mở màn với trận tấn chiếm tỉnh lỵ Phước Long, tháng 1/1975. Kế tiếp là Ban Mê Thuột và Đắc Lắc, ngày 12/3/1975. Rồi Kon Tum, ngày 17/3/1975. Rồi Gia Lai, ngày 18/3/1975. Rồi Phú Bổn và Quảng Trị, 19/3/1975. Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng và Quảng Nam bị tấn chiếm. Ngày 1/4/1975 là Bình Định - Phú Yên. Rồi ngày 4/4/1975 là Tuyên Đức.


Xuân Lộc, tuyến phòng thủ cuối cùng phía Đông Bắc của Sài Gòn, bị thất thủ về tay Quân Giải phóng ngày 21/4/1975 cũng chính là ngày tướng Thiệu tuyên bố từ chức, giao quyền cho ông Hương.


Và ngày 26/4/1975? Đồng thời với biểu quyết của Quốc hội VNCH buộc ông Hương giao quyền cho ông Dương Văn Minh, là tuyên bố đặc biệt của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cương quyết “… xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, xóa bỏ bộ máy chiến tranh và bộ máy kìm kẹp đàn áp nhân dân miền Nam Việt Nam” (Điều 2).


Đó cũng là ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh chánh thức mở màn. (Xem Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến cuộc Tổng tấn công Giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam Việt Nam - Phan Nhẫn, nguyên thành viên Đoàn đại biểu Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam tại Hội nghị Paris 1968-1973, và Hội nghị hiệp thương giữa hai bên miền Nam Việt Nam tại La Celle - Saint - Cloud, từ tháng 3/1973 đến tháng 4/1975).


Đòi “Xóa bỏ chánh quyền Sài Gòn” vào đúng ngày 26/4/1975 phải chăng cũng có nghĩa là coi những chuyển động giao quyền tại đây là thừa? Là coi Hiệp định Paris không còn ý nghĩa nữa? Là cuối cùng sẽ không có giải pháp “hòa bình”, mà chỉ có giải pháp quân sự?


Là không có “Hội đồng hòa giải, hòa hợp giữa ba thành phần” mà chỉ có chiến thắng quân sự của một thành phần đang đánh tới cửa ngõ Sài Gòn? Và bất cứ người nào đứng đầu chánh quyền Sài Gòn, từ ngày có tuyên bố “Xóa bỏ chánh quyền Sài Gòn”, là sẽ không tránh khỏi phải “bị xóa”, ít nhất là đầu hàng?


Trong bối cảnh và điều kiện cực kỳ “bi đát” cho chế độ Sài Gòn trong mấy ngày cùng như vậy, tướng Dương Văn Minh đã lựa chọn như thế nào? Trong điếu văn đọc trước linh cữu ông ngày 18/8/2001, cố dân biểu Việt Nam Cộng hòa, kỹ sư Nguyễn Hữu Chung, đã gọi ông là “một người lính”, và ông đã hành xử như một người lính, “đích thực, trọn vẹn và suốt đời”.


Nhưng còn “nhóm ông Minh”?


“Nhóm ông Minh”, hay “nhóm theo Minh”, theo như nhiều người kể, thì có thể có rất nhiều, từ gần đến xa. Kể cả người đã tự nhận, trong Chung một bóng cờ, là đã gây ảnh hưởng để ông Minh “hướng về Cách mạng”.


Kể cả vài người trong Chánh phủ Nguyễn Bá Cẩn của tướng Thiệu vào giờ chót đã vô Dinh Độc Lập để được cùng chung số phận với ông Minh. Kể cả người, trong nhiều thành phần tranh đấu khác nhau, cứ bị nhiều người đổ riệt là “người của ông Minh”. Chưa kể người của báo Điện TínTin Sáng của nghị sĩ Hồng Sơn Đông, Ngô Công Đức và tôi, như đã tự nhận trong Chung một bóng cờ.


Nhưng theo Thiếu tá Trịnh Bá Lộc, sĩ quan tùy viên của Đại tướng Minh, trên Cánh Thép, tháng 7/2007, thì “bộ tham mưu thâu hẹp của Đại tướng Minh gồm những vị sau đây: ông Nguyễn Ngọc Thơ (cho đến khi bị tai biến mạch máu não), GS Vũ Văn Mẫu, GS Tôn Thất Thiện, GS Lý Chánh Trung, Trung Tướng Mai Hữu Xuân, thượng nghị sĩ Hồng Sơn Đông, các dân biểu Nguyễn Hữu Chung, Lý Quý Chung, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận và bác sĩ Hồ Văn Minh, người công giáo và cũng là Phó Chủ tịch Hạ viện. Vị bác sĩ này là ứng cử viên Phó Tổng thống chánh thức của liên danh Dương Văn Minh - Hồ Văn Minh, còn thượng nghị sĩ Hồng Sơn Đông là ứng cử viên phó tổng thống dự khuyết”.


Lựa chọn của “bộ tham mưu thâu hẹp” này là gì, đứng ở đâu? Như mọi người đã biết, một số đã theo ông Minh cho tới tàn cuộc. Một người đã bỏ ông nửa đường, chớ không theo ông tới cùng “dù có bị cho đi an trí”, như đã tự nguyện và tự truyện ở đâu đó. Một số thì chọn đứng dưới đường, không cùng nhảy theo xe… Nhưng đa phần, dù lựa chọn riêng thế nào, cũng đều tôn trọng quyết định cuối cùng của ông Minh…


… Thật tình tôi không hề muốn bắt chước ai, “tọa sơn”… để “xem” cái gì hết. Lòng nào mà “để xem” cái gì trong tình hình như vậy. Tôi chỉ muốn đứng ngoài. Và muốn thỉnh cầu ông Minh cũng làm như vậy. Nhưng…


Trong các bản thảo quyển Đời tôi có viết về Một buổi chiều buồn, và về Một giải pháp chưa kịp tượng hình, như sau:


Nhưng riêng tôi lại có một ý định khác, từ trước, mà không ít người trong ban tham mưu ông Minh đều biết. Tôi muốn ông Minh không phải giao quyền, mà không nhận quyền. Từ tay ông Hương. Tôi muốn ông để vai trò đó cho ông Huyền, ông Mẫu, hai người đã có sẵn "vai vế", chức vụ trong chế độ, một ông là nghị sĩ đương nhiệm, từng là chủ tịch thượng nghị viện trong một nhiệm kỳ, trên nguyên tắc hiến định, có thể là nhân vật thứ ba có quyền lên thay chức vụ Tổng thống, nếu tổng thống và phó tổng thống bị ngăn trở, còn một ông là nghị sĩ trưởng một khối lớn ở Quốc hội.


Đã gần 30 năm trôi qua, nên có thể có người nhớ, người không, nhưng Dương Văn Ba hẳn không thể không nhớ, vì đã từng lên sân thượng nhà ông Minh trao đổi thêm với tôi suốt "một buổi chiều buồn", sau phiên họp khá gay cấn về đề nghị trên của tôi…


Tôi còn nhớ khá rõ cái tâm trạng, cái nội dung, cái không khí… trao đổi giữa Ba và tôi về cái giải pháp mà tôi đã thất bại, không thuyết phục được “ai” trong phiên họp. Và tôi tin chắc Ba cũng phải nhớ, vì đã vừa theo lên sân thượng an ủi tôi, vừa muốn biết thêm ý tôi về cái đề nghị bất thành. Tôi nói "một buổi chiều buồn" là vì vậy, là vì cái thất bại của một giải pháp chưa kịp tượng hình, chớ thật sự không buồn ai, cũng không buồn cho ai cả…



Thất bại trong thuyết phục ông Minh, tôi thường vắng mặt trong các cuộc họp, từ đó. Dù có mấy người thuyết phục, mà người chịu khó nhất là anh Nguyễn Văn Binh. Và đương nhiên là cũng không dự họp để nhận phân chia các chức vụ. Không họp, nhưng tôi không thể không làm tròn nhiệm vụ, như ở các cuộc họp khoáng đại lưỡng viện Quốc hội, và đương nhiên là không thể không có mặt trong lễ bàn giao chức Tổng thống.


Ông Minh cũng biết là tôi không bỏ ông: đêm 28/4/1975 ông đã kêu Thiếu tá Đường gọi tôi "đi chiếm đài phát thanh", thay vì gọi một người khác chính danh hơn, tức là ông tân Tổng trưởng Thông tin vừa mới được ông bổ nhiệm. Và đêm 29/4/1975 ông đã gọi tôi cùng vô dinh Độc Lập với ông, để tìm chỗ trú đạn pháo cho các gia đình đến nhà ông xin tị nạn”…(Bản thảo Đời năm 2000, bổ sung năm 2010, tr. 425-426 )


Về buổi chiều ngày 29/4/1975, trong bản thảo quyển Đời, tôi có viết:


Ông Minh, ông Mẫu, với một yêu cầu lịch sử


Trong mấy ngày này, cũng có vài lúc hiếm hoi nhà ông Minh thật trống vắng. Trong một buổi chiều như vậy, choàng vai tôi đi bách bộ trong sân nhà - ông vốn cao to hơn tôi nhiều - ngước nhìn những chiếc trực thăng quá tải là là trên ngọn cây, ông Minh trầm ngâm nói: "Moi” thương số bà con đó quá, mà cũng cảm thông cho người Mỹ. Họ phải hoàn thành nhiệm vụ"… Nhiệm vụ ở đây, theo tôi hiểu, là rút hết nhân viên dân sự và quân sự ra khỏi miền Nam,trong vòng 24 giờ, theo yêu cầu chánh thức của ông Minh, ngày 28/4/1975.


Nhưng có cần đến cái yêu cầu này của ông Minh hay không, như có người đã hỏi? Hay là bị đuổi đến bên đít, Mỹ không có con đường nào khác là bỏ chạy hay bị cầm tù? Và yêu cầu của ông Minh đã giúp rửa mặt cho họ, cho họ cái cớ hợp pháp để "rút" chớ không phải "chạy"? Người Mỹ đã rút chạy như thế nào và vì cái gì thì ai cũng biết rồi.


Nhưng giữa "đánh đuổi về" và "mời về" là… một cân nhắc ngôn từ không phải là không xảy ra đôi lần, có khi không phải dễ dàng gì, trong lịch sử thăng trầm của dân tộc. "Mời về" có khi lại có ích cho việc "mời trở lại", như tự bao giờ … Yêu cầu của ông Minh, trong góc độ đó, không thể không gọi là lịch sử, dù là lịch sử của một cuộc cờ tàn.


"Đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào" thì đã rõ rồi! Nhưng nếu người Mỹ muốn nói họ đã rút theo yêu cầu của miền Nam, để "vui vẻ" trở lại làm ăn với Việt Nam mà không cần "lấy mo che mặt" thì liệu có cần cãi lại không?”….( Bản thảo Đời, năm 2000, bổ sung năm 2010, tr. 410 ).


Nguyên văn của yêu cầu đó là: “TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA, Kính gởi ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. “Trân trọng yêu cầu ông Đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ quan Tùy viên Quân sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29/4/1975 để vấn đề Hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết. Trân trọng kính chào ông Đại sứ . Saigon, ngày 28 tháng 4 năm 1975, Tướng Dương Văn Minh”.


Nhưng đáng nhớ nhất đối với tôi, trong buổi chiều cùng đi bách bộ nói trên, là một câu nói mà khi nghe tôi phải lặng điếng người. Liền sau khi tỏ ý thương lo cho đồng bào đang di tản, và thông cảm cho người Mỹ phải hối hả thi hành nhiệm vụ rút hết quân vào giờ chót, ông Minh bỗng dừng lại, đưa hai cánh tay hộ pháp của ông xoay người tôi đối mặt ông, và nói: ““Moi” biết “toi” thương “moi” lắm! Mà cũng giận “moi” nữa! Nhưng đến nước này mà “toi” còn biểu “moi” để lại cho ai ???!!!”.


Tôi tin chắc ông đang nhớ lại câu chuyện mà tôi đã kể về “một buổi chiều buồn” của tôi. Và tôi có thể “chống chế”: “Tôi đâu muốn ông giao cho ai, chỉ muốn ông không nhận”. Nhưng liệu lời “chống chế” này, giờ đây, có ý nghĩa gì, trước lòng trắc ẩn và lời nói có một không hai của ông?


image025

Tướng Dương Văn Minh mặc áo đen đeo kính chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4. Nhà báo Đức ngồi cạnh ông Minh. Ảnh: AP


Và tôi nghĩ: Những ngày không hề bình thường như thế này, với những lựa chọn càng không bình thường chút nào, là không thường có trong một đời người, nhiều đời người. Và không dành cho mọi người. Ngậm ngùi, lặng lẽ tôi cúi đầu.


***


Cựu Đại tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh qua đời ngày 6/8/2001, nhằm ngày 17/6 Âm lịch, lúc 9 giờ đêm, ở nhà con gái ông tại Hoa Kỳ. Nếu tính theo giờ Việt Nam thì đã qua ngày sau là ngày 7/8/2001, tức 18/6 Âm lịch, thọ 86 tuổi. Lễ hỏa táng tổ chức ngày 18/8/2001.


Trong điếu văn đọc trước linh cữu ông, ngày thứ bảy 18/8/2001, tại Sky Rose Chapel – Rose Hills Memorial Park, Whittier, California cố dân biểu Việt Nam Cộng hòa, kỹ sư Nguyễn Hữu Chung, đã nói:


Hôm nay chúng ta đứng trước xác thân của một người lính.


Đây là cái chết lần thứ nhì của một người lính suốt đời lo cho đất nước. Tôi nghĩ rằng người LÍNH là một người đặt tổ quốc và danh dự lên trên tất cả, là một người mà mối ưu tư hàng đầu là đất nước và đồng bào. Theo ý nghĩa đó, tôi thấy ông Dương Văn Minh là một người LÍNH đích thực, trọn vẹn và suốt đời…..


… Ông không có cái khôn khéo của những con buôn chánh trị và không có cái dễ thương dưới mắt những người ngoại quốc. Ông chỉ là một người lo bảo vệ nước, bảo vệ dân, gọi đơn giản là một người lính. Điều này càng đúng hơn nếu hiểu theo nghĩa trắng của danh từ, vì tuy đã rời quân ngũ, ông Dương Văn Minh lúc nào cũng coi những người quân nhân là anh em của ông và tự cho cái bổn phận phải lo cho họ…


… Và điều mà tôi biết rõ nhứt về ông là ông là một người rất thương dân và thương anh em quân đội. Nỗi ưu tư to lớn của ông là những an nguy của đồng bào và của anh em quân đội trong một cuộc chiến tranh không có lối thoát, trong đó miền Nam Việt Nam đã bị lệ thuộc toàn vẹn và trên mọi lãnh vực vào đồng minh, không còn tự chủ và không còn khả năng tự tồn….


… Nỗi ưu tư đó được thấy rõ hồi đầu năm 1975. Lúc đó, nhiều đơn vị quân đội lớn nhỏ bắt đầu tan rã, những mặt trận bị suy sụp nặng nề, súng đạn, xăng dầu bị thiếu hụt, và tệ hại hơn cả, Quốc hội Mỹ cắt hết viện trợ choViệt Nam Cộng hòa.


…Những chuyện đó nhiều người biết, tôi biết, và ông Dương Văn Minh cũng biết rõ. Lúc đó ông không có ảo tưởng về quyền lực. Khi tôi khuyên ông không nên lãnh trách nhiệm trước một tình thế tuyệt vọng như vậy thì ông đã đồng ý với tất cả những lập luận của tôi, nhưng ông lại bảo rằng, ông cũng phải làm một cái gì để cứu dân chúng và cứu quân đội…


… Trong 20 năm qua, thỉnh thoảng ông Dương Văn Minh và tôi có nói chuyện với nhau, và tôi thấy ông vẫn mang nặng mối ưu tư đất nước… Tám mươi sáu (86) tuổi, ông vẫn mang nặng nước Việt Nam trong lòng và tôi e rằng khi tắt thở ông cũng còn đang nghĩ tới nước Việt Nam…


… Hôm nay ông ra đi, vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời, vĩnh viễn rời bỏ nước Việt Nam của ông. Nước Việt Nam rồi sẽ biết rõ đứa con Dương Văn Minh của nước đã làm gì cho nước, bao nhiêu điều đúng, bao nhiêu điều sai, vì dưới ánh sáng của lịch sử, sự thật về cuộc đời của mỗi người sẽ được sáng tỏ. Riêng phần tôi, tôi nghĩ rằng, nếu con người quả thật có linh hồn, thì ở thế giới bên kia, những đồng bào của ông, nạn nhân của cuộc chiến điên dại vừa qua, và những chiến binh đã ngã gục khi chiến đấu vì nghĩa vụ của mình, những người đó đã mở rộng vòng tay để ôm lấy ông như là một người thân thương của họ.


image026

Kỹ sư Dương Minh Đức (con trai ông Dương Văn Minh)


Tôi hoàn toàn chia sẻ những ý nghĩ và hoài niệm của bạn Nguyễn Hữu Chung về ông Dương Văn Minh. Ông đã ra đi thanh thản bình an, không thẹn với lòng, càng không thẹn với ai hết.


Nhân lần thứ 10 ngày giỗ cựu Đại tướng Dương Văn Minh
(Tháng 8/2001 – tháng 8/2011)


(Hồn Việt)


 

Thưa Đại tá Giao Chỉ Vũ Văn Lộc,


Vì Đại tá bcc: cho tôi các lời bàn về bài viết "Gửi vòng hoa tang cho Đại tướng D Văn Minh", tôi xin góp chuyện ngắn ngủi với vài chi tiết xác thực về những ngày cuối cùng của Viêt Nam Cộng Hoà cuối tháng 4,1975 kết thúc bằng việc chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng--vì cũng gần đến ngày giỗ kỵ 41 của  ngày 30 tháng 4,1975 nó kết thúc quãng đời đáng ghi nhớ trong nứớc trứơc 1975 của nhiều người Việt Nam, mà Đại Tá đã có nhiều công gây dựng đài kỷ niệm vật chất ( museum) và tinh thần ( các tác phẩm) mà chúng tôi có nhiều thiện cảm và ngưỡng mộ.


Tôi nghiệm thấy các bài của Đại tá đầy sự bao dung trong sự vun sới tình đồng bào và tình huynh đệ chi binh, muốn tặng vòng hoa cho  vị quân nhân đàn anh, vì thế tôi cũng muốn góp vài chi tiết cho việc hiểu thêm những nỗ lực vì chiến sĩ và đồng bào Việt Nam của Đại Tướng Minh và chính phủ của ông, trả lại công lý cho họ mà không oán trách họ, đi đến thông cảm và đoàn kết hơn trong sự chiêm nghiệm lịch sử (ở đây, tôi không bàn đến những chuyện khác trong đời binh nghiệp và chính trị trước đó của ông , thì dụ có phải Đại tướng đã kín đáo để hai ngón tay trên thắt lưng khi đứng trên bao lan trong Tổng Tham Mưu—như một tin đồn nói, không biết đúng hay sai—là để ra lệnh, có thể là lệnh của cả mấy tướng kia nữa , là đòan công tác đi rước Tông thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu tại Chợ Lớn về Tổng Tham Mưu trong vụ đảo chánh 1963 cứ việc thanh tóan cả hai người, cho tránh bị lật ngược thế cờ như đảo chánh 1960).


    Trước sự tiến quân vũ bão của quân đôi Bắc Việt lấn chiếm mỗi ngày một tỉnh Miền nam Việt Nam vào tháng 4, 1975, trên xe bọc thép chạy nối đuôi nhau (bumper-to-bumper, theo không ảnh của Mỹ chụp và có người trong Tòa Đại Sữ Mỹ tả với tôi lúc đó) kèm  với xe tăng và trọng pháo do Liên Sô và Trung quốc giúp, trong khi người Mỹ đã quyết định không viện trợ quân sự cho Việt Nam nữa (Tổng Thống Thiệu lên TV chửi Mỹ kỳ kèo 700 triệu xuống 300 triệu gì đó, rồi đập bàn tuyên bố từ chức, làm quân và dân hoang mang), thì Đại tướng Minh và các người trong chính phủ ông đã được Mỹ và Pháp (qua hai đại sứ Martin và Merillon) bày kế cho Tổng Thống Trần Văn Hương (mà Hà nội không ưa vì cho là chống họ quyết liệt) , là mời Đại Tướng Minh làm Tổng Thống với sự uỷ nhiệm của quốc hội, thì mới có thể thương lượng lập chính phủ ba thành phần mà có giải pháp hoà bình.


Đại Tuớng Minh  và các người cộng sự trong chính phủ của ông , và cả các Đại sứ Mỹ và Pháp, cũng dã ước tính là Miền Nam không còn có đủ sức mạnh quân sự để chống cự, và nếu chống cự thì Saigon sẽ tan tành, một cảnh mà chính Tổng thống Hương cũng nói với đại tướng Minh là phải tránh, cho nên phải tìm gỉai pháp thương luợng.


Đại sứ Merillon lúc đó nghĩ rằng có thể tin vào lời nói của Lê Đức Thọ  về chính phủ 3 thành phần là một lối thóat, cho nên hỏi Giáo sư Vũ Văn Mầu là “ông đã sẵn sàng cầm quyền (assumer le pouvoir) chưa?” (nghị sĩ Bùi Tường Huân kể lại cho tôi vào hôm đó), tức là làm thủ tướng cho chính phủ Dương Văn Minh, để  tiến hành kế họach hòa bình như Pháp đã bàn với Lê Đức Thọ.


Mỹ cũng chỉ mong rút nốt quân đội còn trong nhóm tuỳ viên quân sự Defense Attaché Office/ DAO, và đúng thế, ngay sau khi cầm quyền Thủ Tướng VVMẫu yêu cầu Mỹ rút phái  bộ DAO.


  Thiết nghĩ Mỹ lúc đó đã rút hết mọi ý định can dự vào Việt Nam và chỉ cần có lời mời của Việt Nam rút nốt sự hiện diện, là có cớ   rút hết sự hiện diện của Mỹ và tổ chức di tản người Mỹ khỏi Việt Nam, mà không xấu hổ vì đơn phương bỏ chạy, thì  do đó Mỹ cũng chỉ mong nhờ cậy vào Pháp thương lượng gìum một giai đọan hòa bình cho Việt Nam. Còn Pháp thì  muốn tái lập lại vai trò quan trọng hơn cho mình tại Việt Nam trong một giai đọan hòa bình, sau khi Mỹ rút, cho nên ông Merillon mới hăng hái  như vậy.


   Còn đại tướng D V Minh và các cộng sự trong chính phủ của ông, theo lời một thành  viên trong nội các  của  tướng Minh nói vói tôi lúc đó, thì cũng chỉ mong tạo được một giai đọan chuyển tiếp hòa bình, trong đó đồng bào Việt Nam nào không thấy mình sống nổi trong chế độ cộng sản sắp tới, thì có một thời gian thu xếp ra đi khỏi nước mà được đón tiếp tại các nước từng là thân thiện với Việt Nam Cộng Hòa—y như thời gian 100 ngày cho đồng bào Bắc Việt có được, nhờ Hiệp Định Geneva 1954, để di tản trong hòa bình trật tự, từ Bắc vô Nam Việt Nam-như vậy là cứu đồng bào hay chiến sĩ nào tại Miền Nam nghĩ mình, sau khi Cộng sản chiếm ưu thế, sẽ bị tù đầy ,thủ tiêu, nếu ở lại, có con đường sống còn ở bên  ngòai Việt Nam.


Họ nghĩ muốn  giúp đồng bào và chiến sĩ nhiều hơn là chỉ có một điểm  cứu Saigon mà thôi, mà cụ Trần Văn Hương nghĩ tới, vì cụ Hương chỉ nói, cũng như các lãnh đạo Phật giáo và Công giáo đã khuyên thêm, là mong sao cho Đại Tướng tránh cho Saigon không thành biển máu. Việc Cộng Sản Bắc Việt thắng  quân sự là điều không tránh nổi, vì quân đội VN Cộng Hoà đã tan hàng như ai cũng biết và như lời Trưởng  Phòng Năm/Hành Quân của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH là Đại Tá Nguyễn Mộng Hùng nói với tôi , giọng thều thào nản chí, vào cuối tháng 4 là “Tài ơi! Lính nó không đánh nữa, mà về nhà bồng bế vợ con chạy, sau khi thấy cấp trên bỏ chạy!”. 


Cho nên không ai nên nghĩ là gỉai pháp  tìm một nền hòa bình tạm thời trong một thời gian sau, là gỉai pháp mà chỉ có các lực lượng phản chiến Phật giáo nghĩ tới, và lực lưọng Phật gíao súi Tướng Minh đầu hàng, vì như trên trình bày, đó là cả một diễn tiến suy tư và kế họach, từ đồng minh Mỹ, nước bạn Pháp, đến các lực lương tôn gíao lớn có quần chúng và lo cho dân, họ đều tìm cách cứu dân  khỏi chết vô ích, bằng một nền hòa bình trong sự nhẫn nhục không tránh nổi—nên nhớ là có nhiều đại diện Công gíao, thí dụ đại diện liên  danh nghị sĩ thân Công giáo là cụ Nguyễn Văn Huyền, trong chính phủ Dương Văn Minh, trong một cái mà ta có thể gọi là chính phủ đại đoàn kết quốc gia (government of national union), rất đẹp lòng người trong thời điểm nguy khốn của Miền Nam.


  Chính phủ này cũng không dùng chữ đầu hàng quân đội Bắc Việt mà muốn bàn giao trong nghi thức tối thiểu. Sự kiêu căng bắt đầu hàng là do phiá Việt Cộng, khi họ thấy họ có thể lấn lướt đè bẹp luôn VN Cộng Hòa, sự kiêu căng này—khác hẳn nét lịch sự trong cuộc gặp gỡ của hai Tướng Grant và Lee kết thúc cuộc Nội Chiến Mỹ—sự kiêu căng đã lộ rõ trong ngôn ngữ kém ngọai giao, hung bạo của Lê Đức Thọ dùng khi nói với đại sứ Pháp Merillon,  mà ông Thọ đã lừa dối khi bàn gỉai pháp có thể chấp nhận là chính phủ 3 thành phần rồi nuốt lời, và cũng rõ ra trong lời và thái độ viên sĩ quan đầu tiên đi lên lầu hai dinh Độc lập gặp Tướng Minh, ông Minh nói “tôi đang đợi để bàn giao” thì viên  sĩ quan này bất lịch sự nói : “đầu hàng chứ không có gì mà bàn giao”, và Đại tướng không sợ và không mất tư cách mà dằn giọng, nói đại khái “Tôi là đại tướng đứng đầu chính phủ, yêu cầu giữ ngôn ngữ..” và có viên đại tá phải ra lệnh cho tên sĩ quan cấp dưới đi ra chỗ khác. (Đại tá Bùi Thế Dung, thứ trưởng quốc phòng trong chính phủ Dương Văn Minh, hiện ở Massachusetts, kể với tôi như vậy—Đại tá Dung trước đó, trước khi những bộ đội Bắc Việt đi lên lầu 2, đã phải gỡ quả lựu đạn trong tay một chiến sĩ VNCH, người này tức quá, dọa là sẽ ném cho nổ tan xác các Việt Công đi tới, dụ  dỗ người chiến sĩ là “ném lựu đạn thì tất cả mọi người trong chính phủ sẽ bị tấn công chết hết”)


   


Đại tướng Minh đã cứu Saigon khỏi tan tác, và dân Saigon khỏi tắm máu, nhưng sau cái công đức hiển nhiên đó, mà có người ví với Thống Chế Pétain đã cứu Paris muôn thuở và văn minh Pháp lâu dài khỏi bị thiêu rụì vì  hành quân chóp nhóang blitzkrieg của Hitler, thì còn có cái lòng nhân từ thương chiến sĩ và dân chúng Việt Nam nói chung , muốn tìm đường sống cho họ, của Đaị tướng và của các cộng sự viên đủ thành phần và tôn gíao trong nội các của ông.


  Ai trách sao Đại Tướng DVMinh  không đánh nhau đến cùng mà đầu hàng  vào 30 tháng 4, 1975, mà không tìm hiểu cặn kẽ lẽ hơn thiệt và hòan cảnh lúc đó, thì nên tự trách mình sao can đảm không ở lại Việt Nam mà đánh nhau đến sinh mạng cuối cùng của người Miền Nam và của chính người đó luôn, mà lại hành sử hơi giống Nguyễn Cao Kỳ, hôm trước tuyên bố ở lại Việt Nam chiến đấu cùng các chiến sĩ đến cùng, hôm sau lén lên máy bay chạy ra hạm đội Mỹ và tại đó, bị bảo hãy bỏ khí giới và lột lon, vì hạm đội không là lãnh thổ Việt Nam (tôi không trách ông Kỳ di tản, mà trách tư cách ăn tục nói phét của ông, nói trước quên sau, như giáo sư Trần Như Tráng, trưởng phòng báo chí phủ thủ tướng của ông Kỳ đã phải nhiều lần biên mảnh giấy nói “Hôm qua ông chủ tịch nói cái này rồi nhé...” để hôm nay ông không nói ngược lại).


  Tôi viết bài này với lòng thương mến dân tộc Việt Nam, mong sự đòan kết của mọi thành phần lành mạnh, của các  tôn giáo khác nhau (tôi thân thiện với cả Phật giáo—như ai cũng biết--  lẫn Công giáo, là học trò cưng tại  Trường Trần Lục, Phát Diệm, của cha hiệu trưởng Trần Văn Kiệm mà cha có nói tới “trò Tài” trong hồi ký của cha. Cha là bạn TT Ngô Đình Diệm, tại Hoa Kỳ và tại Nhà Chung Phát Diệm trước 1975) và của các anh em trong hàng ngũ chiến sĩ VNCH (trong đó tôi có các anh em ruột và bạn bè tôi).


  Tôi gửi tặng Đại Tá Vũ V Lộc và các bạn một bài nhạc của Đại tá Nguyễn Văn Đông, ca tụng chiến chĩ VNCH, do chị vợ tôi là Hà Thanh hát, giọng hát rất đưọc ưa chuộng bởi Đại Tá Vũ Quang của Trường Cao Đẳng Quốc phòng (nơi đó,tôi làm quen ổng khi đến diễn giảng ). Trong câu này, binh nhì khóa giáo chức Tạ Văn Tài của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung muốn nói là thấy sang nên bắc quàng làm họ với nhiều đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà—trong tinh thần huynh đệ chi binh mà Đại Tá Lộc thường nêu cao. Đại Tá Nguyễn Mộng Hùng, khóa Nam Định, Trưởng Phòng V Bộ Tổng Tham Mưu- mà tôi nói ở trên--là cousin-in-law của tôi./
16 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4798)
01 Tháng Sáu 2017(Xem: 15492)
Việt Nam-Trung Quốc-Hoa Kỳ