Tài liệu của Lê Duẩn và Lê Đức Anh

20 Tháng Năm 202010:41 SA(Xem: 4772)

VĂN HÓA ONLINE - TÀI LIỆU - THỨ NĂM 21 MAY 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Tài liệu của Lê Duẩn và Lê Đức Anh


image016


Trích Hồi Ký Đại Tướng Lê Đức Anh Giai Đoạn 1988 – 1991


Trích Hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” của Đại tướng Lê Đức Anh.


Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2015.


Nguồn: Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông


 image017

Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp Thủ tướng Đức Helmut Kohl (bên phải) tại Phủ Chủ tịch. Trọng tâm của buổi hội đàm sau đó là hợp tác kinh tế song phương giữa Đức và Việt Nam. Việt Nam là chặng dừng chân thứ hai của chuyến thăm Châu Á mười ngày của Thủ tướng Kohl và phái đoàn kinh tế cấp cao tháp tùng. “Ông Lê Đức Anh đã đóng góp một vai trò quan trọng với sự phát triển của Việt Nam sau chiến tranh cũng như sự bình thường hóa mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Nước Đức vẫn ghi nhớ và cảm tạ lòng hiếu khách của Nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh dành cho Thủ tướng Đức Helmut Kohl trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 1995.” Nguồn: Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.


Chương 11


Tham Gia Lãnh Đạo Thực Hiện Công Cuộc Đổi Mới Đất Nước, Xây Dựng và Bảo Vệ Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa


Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang đứng trước những khó khăn gay gắt: Mỹ tiếp tục bao vây cấm vận, “chiến tranh ở hai đầu biên giới” vẫn chưa nguôi. Những năm hòa bình sau mấy chục năm chiến tranh ta chưa khôi phục, hàn gắn được bao nhiêu thì từ sự chậm đổi mới cộng với những sai lầm trong chính sách vĩ mô về kinh tế, nhất là đợt biến động “giá – lương – tiền” đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân lao động nói chung, cán bộ, công nhân viên khối hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang nói riêng. Trong lúc đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân tác động, chi phối, rơi vào thói tham ô vụ lợi, hách dịch cửa quyền, quan liêu xa rời quần chúng đã làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và tạo kẽ hở cho kẻ thù giai cấp và những kẻ cơ hội lợi dụng để đả kích, chỉ trích bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm mục đích phá hoại Đảng Cộng sản, phá hoại thành quả cách mạng…


Từ ngày 13 đến 18-10-1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ quân đội lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội diễn ra cách đây gần 30 năm rồi, nhưng đến nay, có điều làm tôi còn suy nghĩ: Không khí Đại hội nặng nề, có người đã vin vào câu chữ trong chỉ đạo lúc đó là “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật…” một cách phiến diện, tận dụng diễn đàn không khí bên ngoài Đại hội để “nói cho sướng miệng” và thực hiện ý đồ cá nhân. Quá trình chuẩn bị giới thiệu nhân sự dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng thì có việc một số cá nhân vận động ngầm xuyên tạc, nói xấu một số đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Khi họ nói với tôi cần có cuộc “hội ý về nhân sự” thì tôi nói “Không được! Giờ ai tốt thì bầu lên làm; đừng có người này nói xấu người kia, có gì thì cứ phê hình trong hội nghị đàng hoàng”. Rõ ràng có một ý đồ xấu nhằm chia rẽ đoàn kết nội bộ, đi ngược lại những điều tốt đẹp đã trở thành truyền thống của quân đội ta. Khi giải lao, có người còn khích tôi:


– Sao anh im lặng thế?


– Im lặng để còn nghe các anh nói – Tôi trả lời.


Tôi im lặng vì thấy tình hình quá phức tạp. Trong chiến tranh trước đây, cũng có chuyện phức tạp, nhưng đoạn sau này còn phức tạp hơn.


Ngày 7-12-1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký quyết định: tôi giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Các anh trên Trung ương gọi tôi ra, anh Lê Đức Thọ trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Tôi nói với anh Thọ:


– Xin các anh để tôi làm nốt nhiệm vụ ở Campuchia, xong, cho tôi làm tổng kết kinh nghiệm về công tác quân sự trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.


– Cậu từng làm Tổng Tham mưu phó, rồi Thứ trưởng, giờ qua làm Tổng Tham mưu trưởng, có gì mà không làm được – Anh Thọ động viên tôi.


Làm Tổng Tham mưu trưởng, việc đầu tiên là, tôi đi thị sát dọc vùng biên giới sáu tỉnh phía Bắc. Những ngày cuối đông, ở vùng cao rét càng đậm. Sương muối giăng phủ khắp miền biên giới. Chúng tôi gặp gỡ người dân, cán bộ địa phương và kiểm tra trực tiếp, hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ, thấy nhiều vấn đề nổi cộm quá.


Bấy lâu nay, các đơn vị cấp dưới báo cáo lên cấp trên thường chỉ nói mặt tốt, ưu điểm, còn mặt yếu kém, khuyết điểm thì không báo cáo. Lúc đó, tôi thấy rõ bộ đội về tinh thần rất căng thẳng, về vật chất thì điều kiện ăn, ở, sinh hoạt rất thiếu thốn, kham khổ. Bởi vậy, bộ đội sinh ra bất mãn, tiêu cực và vi phạm kỷ luật dân vận, có nơi bộ đội quan hệ với nhân dân chưa tốt. Quan hệ cán bộ, chiến sĩ cũng nhiều nơi chưa tốt.


Ngày hôm sau, tại một số điểm chốt, tôi bảo anh em hãy cho đơn vị lui về phía sau. Anh em cán bộ và cả chiến sĩ nữa nói rằng nếu mình lui mà bên kia họ lên thì lo lắm. Tôi bảo cứ rút đi. Tiếp đó, tôi cho rút từng phần các đơn vị chủ lực về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một. Tâm lý chung của cán bộ chỉ huy các cấp là lo sợ không anh nào dám cho chủ lực và các đơn vị dưới quyền mình lui xuống.


Hôm tôi đến Sở Chỉ huy Sư đoàn 316 thuộc Quân khu 2 ở phía dưới Phố Lu, tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu kéo đồng chí An là Chỉ huy trưởng Sư đoàn 316 lại gặp riêng tôi và hỏi:


– Báo cáo Tổng Tham mưu trưởng, đêm qua đồng chí An đã báo cáo với tôi là anh cho đơn vị của đồng chí lui xuống?


– Đúng thế – Tôi trả lời. Tướng Vũ Lập tỏ ra sửng sốt, bất ngờ nói rằng:


– Vậy thì xin anh cho văn bản!


Tôi bảo đồng chí Phi Long, Cục phó Cục Tác chiến cùng đi với tôi viết lệnh để tôi ký. Thấy thái độ kiên quyết của tôi, anh Vũ Lập nói vẻ xoa dịu:


– Anh lệnh thì dù mệnh lệnh bằng giấy hay bằng miệng chúng tôi cũng chấp hành. Nhưng anh cho giấy để cơ quan còn lưu trữ.


Lúc này, tôi chỉ thực hiện điều chỉnh sơ bộ, để thế phòng thủ biên giới của bộ đội ta có chiều sâu, vững chắc hơn.


Từ biên giới trở về, tôi báo cáo tình hình với anh Văn Tiến Dũng (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và anh Nguyễn Văn Linh (Thường trực Ban Bí thư Trung ương).


Anh Linh nói:


– Mình mới được gọi ra, mình chưa đề nghị họp được.


Tôi gặp anh Lê Đức Thọ, anh Phạm Văn Đồng, báo cáo các vấn đề: ta, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Đông Nam Á. Tôi nói cả ý kiến các địa phương, ý kiến của quần chúng và những suy nghĩ của tôi. Tình hình nhân dân và bộ đội ở biên giới là đáng lo ngại, cần phải chấn chỉnh, tổ chức lại. Tôi nói thẳng với anh Văn Tiến Dũng rằng: nếu đối phương mà đánh lớn thì bộ đội ta sẽ đánh trả nhưng cũng có bộ phận không nhỏ sẽ… rã! Về “chiến tranh tâm lý”, họ đưa sang ta đủ thứ, từ cái nhỏ nhất như hộp quẹt lửa, nhưng ta thì không có gì hết, v.v… Bộ đội biên cương ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, vậy mà ngân sách quốc phòng chỉ mới lo chuyện đời sống, chưa tính đến trang bị, đã chiếm tới 25% tổng ngân sách quốc dân, bởi vì quân số thường trực quá lớn, trong khi nền kinh tế – xã hội đang lâm vào khủng hoảng. Cứ như thế này tiếp diễn thì ta sẽ chịu được bao lâu nữa?


Nghe tôi nói vậy, anh Phạm Văn Đồng lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lắc đầu:


– Không chịu được! Không chỉ khủng hoảng về kinh tế mà còn khủng hoảng cả về tư tưởng nữa. Nói thì hăng hái, nhưng thực chất trong lòng thì lo lắm.


Bên quân đội, tôi nói với anh Văn Tiến Dũng về thỏa ước liên minh của Trung Quốc và Mỹ tháng 10-1975. Anh Dũng nói:


– Tình hình phức tạp…


Phía Nam, nhất là ở Tây Nguyên và vùng biển đảo còn sơ hở. Bố trí như thế thì không thể đánh lâu dài được. Trong quân đội có nhiều cán bộ bề ngoài nói thì rất hăng nên chỉ thấy mặt tốt của họ, còn đằng sau thế nào thì anh chưa biết hết. Hiện tại số cán bộ chủ trì các quân khu, quân đoàn và cơ quan Bộ Tổng Tham mưu thì hăng lắm, còn ở cấp dưới như thế, đời sống bộ đội như thế, ngân sách quốc phòng như thế, liệu ta có trụ được không? – Tôi nói hết lời.


Anh Dũng hỏi tiếp:


– Ý kiến anh thế nào?


– Trước hết, cần quan tâm đến hai vấn đề: đời sống bộ đội và bố trí lực lượng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc – Tôi trả lời rồi hỏi anh:


– Giờ, giảm quân số được không?


Anh nói:


– Hiện nay quân số thường trực đã rất lớn, mà trước khi anh ra làm Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Tổng Tham mưu còn đề nghị tăng thêm một quân đoàn đứng chân ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Tình hình này mà giảm quân thì khó, mà để vậy cũng thật khó.


Tăng quân số, tăng chi phí quốc phòng, nhưng an ninh quốc phòng không bảo đảm, nguy cơ đối với độc lập dân tộc trên lĩnh vực quốc phòng tăng lên. Lúc đó, tôi cảm nhận một điều là cần phải giảm quân và điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược.


Tôi gặp anh Trường Chinh và báo cáo anh đúng một giờ với tư cách Tổng Tham mưu trưởng báo cáo Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Anh Trường Chinh chăm chú nghe. Báo cáo xong, tôi hỏi:


– Anh có hỏi gì nữa không?


– Mọi điều rõ rồi. Cảm ơn! Vấn đề này cần suy nghĩ thêm – Anh Trường Chinh trả lời.


Vấn đề điều chỉnh, bố trí và giảm quân, trong Bộ Chính trị lúc đó có hai ý kiến đồng ý nên điều chỉnh; còn lại nhiều ý kiến cho rằng điều chỉnh là khó, vì lúc đó ta nghe qua đài phát thanh, phía bên kia có quan chức cấp cao vẫn tuyên bố “Sáng ăn cơm Vân Nam, tối ăn cơm ở Hà Nội”. Vậy giảm quân như thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra? Mà không giảm quân thì chi phí quốc phòng không giảm được. Lúc đó, anh Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hai anh Phạm Hùng và Đỗ Mười làm Phó Chủ tịch; các anh ấy muốn giảm chi phí quốc phòng, giảm quân nhưng đều thấy khó.


Từ ngày 15 đến 18-12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra tại Hà Nội. Đại hội diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều đặc điểm mới. Ở trong nước, cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội lên đến đỉnh điểm, lạm phát lên tới 774%. Trước tình hình đó, Đại hội VI đã xác định các chính sách và biện pháp để ổn định tình hình, nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đại hội đã thảo luận và nhất trí về đường lối đổi mới đất nước, xác định nhiệm vụ cấp bách nhất là đổi mới tư duy kinh tế, nêu rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, khẳng định kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế cả nước; thống nhất quan điểm và chủ trương về công nghiệp hóa, tập trung vào ba chương trình kinh tế lớn và về quản lý kinh tế, kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, nhấn mạnh sự thống nhất giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội.


Đối với nhiệm vụ quốc phòng, Đại hội nêu bật quan điểm chỉ đạo: toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.


Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI gồm 124 ủy viên chính thức, 49 ủy viên dự khuyết (Đảng bộ quân đội có 15 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đoàn đại biểu quân đội có anh Đoàn Khuê và tôi được bầu vào Bộ Chính trị.


Ngày 18-2-1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký Quyết định số 6782/HĐNN bổ nhiệm tôi – Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đoàn Khuê làm Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Nguyễn Quyết làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Tổng Bí thư của Đảng kiêm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, tôi làm Phó Bí thư.


Ngày 17 và 18-6-1987, Quốc hội khóa VII họp kỳ thứ nhất bầu các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước.


– Chủ tịch Hội đồng Nhà nước: Võ Chí Công.


– Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Lê Quang Đạo.


– Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: Phạm Hùng.


– Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng: Võ Chí Công.


– Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng: Phạm Hùng và các ủy viên: Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ và tôi.


Đại hội VI đã quyết định công cuộc đổi mới đất nước với những nội dung cơ bản trong “đường lối đổi mới” như: xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế – xã hội bằng hành chính quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế hàng hóa với năm thành phần kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của nhà nước. Về quan hệ đối ngoại là thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa mà tư tưởng xuyên suốt là Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Đây là những vấn đề mới mẻ, đầy thử thách, gian nan, nhất định phải làm bằng được, nhưng không thể nóng vội, vì cơ chế quan liêu bao cấp đã hằn sâu trong cán bộ các cấp, các ngành. Bởi vậy, Đảng ta chỉ rõ: thực hiện đổi mới trước hết là phải “đổi mới tư duy”.


Triển khai thực hiện chủ trương này, về lĩnh vực quốc phòng, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương và các đồng chí trong cơ quan Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức biên chế, bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới. Anh Đoàn Khuê tiếp tục xây dựng kế hoạch điều chỉnh chiến lược. Chúng tôi thống nhất trong điều chỉnh chiến lược, bố trí lại đội hình chiến lược bảo đảm mục tiêu đánh lâu dài, giảm chi phí quốc phòng, phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước và đủ sức mạnh chống lại mọi tình huống chiến tranh. Đó là con đường đổi mới xây dựng quân đội nhân dân, đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.


Sau khi tôi báo cáo ý tưởng về điều chỉnh chiến lược, được Bộ Chính trị nhất trí, chúng tôi tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó nòng cốt là Bộ Tổng Tham mưu, tiến hành song song hai việc lớn: một là, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược và giảm quân số. Hai là, soạn thảo các văn bản, tài liệu, giáo trình và triển khai trên toàn quốc “Thế trận chiến tranh nhân dân” và nhiệm vụ “Quốc phòng toàn dân”, làm cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 02/NQ-BCT xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo.


Nghị quyết được triển khai thực hiện đã nhanh chóng đi vào cuộc sống; phát động được toàn dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ từ tỉnh, thành phố đến cơ sở xã, tạo nên sức mạnh tại chỗ của nền quốc phòng. Ở đây tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “Chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, lâu dài, tự lực, tự chủ và đoàn kết quốc tế” đã được vận dụng phù hợp với tình hình mới, hoàn cảnh mới của đất nước. Cũng từ đây, Ngày truyền thống 22 tháng 12 vốn là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, giờ mang thêm một ý nghĩa – “Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Anh Đoàn Khuê chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu tiến hành nghiên cứu biên soạn và triển khai tổ chức thực hiện cuộc điều chỉnh chiến lược với tư tưởng xuyên suốt là đánh lâu dài, trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, số quân thường trực ít, nhưng tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt, xây dựng khu vực phòng thủ bền vững bảo đảm cho người dân vừa đánh giặc vừa sản xuất phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống.


Việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh để chống chiến tranh xâm lược do cấp ủy đảng trực tiếp lãnh đạo và điều hành. Bí thư Tỉnh ủy phải đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy việc xây dựng, phát huy tác dụng khu vực phòng thủ, điều động, chỉ huy các lực lượng vũ trang và lực lượng quần chúng tại chỗ trong tình huống có chiến tranh và cả trong tình huống chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; rồi xây dựng sự liên kết giữa các khu vực phòng thủ với nhau; xác định rõ các “khu vực phòng thủ then chốt”, có sự kết hợp giữa các lực lượng vũ trang, giữa các quân khu và Bộ, kết hợp giữa lực lượng chủ lực cơ động của quân khu và chủ lực cơ động của Trung ương; đặc biệt tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa,…


Một vấn đề nữa là chú trọng xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ, có khoa học kỹ thuật tiên tiến, có lực lượng cán bộ và nhân viên khoa học ngày càng phát triển. Phương hướng là sẽ giảm quân thường trực với số lượng lớn, nhưng lực lượng nghiên cứu khoa học nên tăng chứ không giảm.


Công việc khẩn trương, đòi hỏi phải tính toán rất kỹ. Nhiều đêm chúng tôi phải thức trắng để làm việc. Anh Đoàn Khuê chỉ đạo từng việc cụ thể về bố trí lực lượng, từng đơn vị, từng cơ quan một, trong đó đặc biệt chú ý cân nhắc khi bố trí các đơn vị chủ lực cơ động của Bộ, của các quân khu, lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng không quân, hải quân. Chú ý khâu bảo quản và hiện đại hóa vũ khí, tiến tới tự động hóa phòng không tầm trung và tầm cao. Lực lượng hải quân phát triển và bố trí ngày càng thêm chặt chẽ ở hướng Cam Ranh, biển đảo và đóng được tàu 5.000 tấn, tiến lên 10.000 tấn.


Trên cơ sở đó, đã bố trí lại lực lượng và tổ chức phòng thủ trên các hướng, các địa bàn chiến lược quan trọng, vùng biển đảo và biên giới đất liền, các trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế,… Bảo đảm khả năng phòng thủ của từng địa phương và cả nước vững chắc trong mọi tình huống. Bộ Chính trị quyết định di chuyển vị trí đóng quân của Quân đoàn 3, một trong những quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ, từ miền Bắc vào Tây Nguyên, đồng thời tăng cường lực lượng ở Cam Ranh và vùng biển đảo. Cơ cấu biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, chức năng của các học viện, nhà trường trong toàn quân cũng được điều chỉnh thích hợp.


Cùng với việc soạn thảo tài liệu hướng dẫn và triển khai xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là việc biên soạn các tài liệu để tiến hành tập huấn kiến thức quốc phòng và quân sự cho đội ngũ Bí thư Đảng các tỉnh, huyện và tương đương, kể cả các bộ, ban, ngành ở cấp Trung ương. Các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu đã soạn thảo 21 tài liệu cơ bản, tổ chức các lớp tập huấn, tiến hành diễn tập với nhiều tình huống, nhiều giả định sát thực tế trên cả hai nội dung: chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và đối phó với các tình huống chiến tranh, điển hình là các cuộc diễn tập ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Đồng Nai.


Tiến hành đồng thời với việc điều chỉnh bố trí đội hình chiến lược là tính toán cụ thể việc giảm quân số để bảo đảm đánh lâu dài và trực tiếp giảm chi phí quốc phòng. Lúc này, Bộ Chính trị không nói mức giảm là bao nhiêu, mà để Bộ Quốc phòng tính toán sao cho hợp lý. Tôi đưa ra con số giảm trên 60% số quân thường trực và xin ngân sách quốc phòng từ 15 đến 18%, đầu tiên là tổng ngân sách, tiến tới là ngân sách thu trong nước. Với quân số cuối cùng này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và anh Đoàn Khuê bắt tay vào xây dựng kế hoạch.


Khi Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch điều chỉnh chiến lược và giảm mạnh quân số quân đội, từ quân thường trực 1,5 triệu xuống còn 45 vạn và bước đầu để 5 vạn quân dự bị (từ 9 quân đoàn giảm xuống còn 4 quân đoàn), nhưng sức mạnh chiến đấu không giảm mà càng được tăng cường, thì toàn thể Bộ Chính trị nhất trí hoàn toàn, gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải quyết một cách cơ bản.


Đi đôi với việc giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng, chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước có chính sách cụ thể cải thiện đời sống cho bộ đội tại ngũ; giải quyết việc làm và đời sống cho số cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ trong đợt giảm quân số thường trực về địa phương.


Đối với cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên quốc phòng tại ngũ thì trước mắt là nâng mặt bằng tiền lương của sĩ quan và những người hưởng lương trong quân đội lên 1,5 lần; thứ hai là giải quyết nhà ở cho họ. Từ lâu vấn đề nhà ở cho các hộ gia đình luôn là chuyện bức xúc trong đời sống của anh chị em. Bởi vậy, để giải quyết một cách cơ bản, chúng tôi đã đưa ra một phương cách mới là xin trích một phần quỹ đất quốc phòng để chia và cấp cho anh em tự xây nhà ở, còn đơn vị thì lo phần kết cấu hạ tầng như đường sá, điện, nước…, cho các khu hộ gia đình. Trong đó ưu tiên cho số anh em giải quyết chính sách ra quân (như về hưu, nghỉ mất sức, gia đình thương binh, liệt sĩ,…). Số anh em không có gia đình ở đô thị, trở về sinh sống ở nông thôn thì cấp một khoản tiền cùng với vật liệu xây dựng để anh em có thể xây được căn hộ cấp IV. Đề nghị của chúng tôi được các đồng chí trong Bộ Chính trị và Nhà nước đồng ý. Các đồng chí nói rằng trước mắt là Bộ Quốc phòng tự thu xếp, nếu còn thiếu thì báo cáo để Nhà nước bổ sung.


Sau một thời gian, việc ăn ở, định cư của các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên quốc phòng đã được giải quyết một cách căn bản.


Một vấn đề nữa là giải quyết việc làm cho số anh chị em ra quân do giảm quân số thường trực với số lượng lớn. Chúng tôi đề nghị với Bộ Chính trị và một số bộ, ban, ngành có liên quan đến xuất khẩu lao động thì phải ưu tiên cho bộ đội. Trung ương nhất trí, các bộ cũng hoàn toàn ủng hộ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quân đội, có những đợt ra quân, anh chị em ở các đơn vị và cơ quan quân đội đi lao động ở nước ngoài, lại được tổ chức thành “đoàn, đội” có nền nếp, chặt chẽ. Tính từ năm 1987 đến 1990, quân đội đã tổ chức cho 37.338 người đi lao động xuất khẩu. Khi anh em trở về nước vừa có nghề, vừa được giải quyết chính sách theo chế độ, thỏa đáng, vừa có một khoản thu nhập đáng kể để cải thiện kinh tế và ổn định đời sống gia đình. Nhiều đồng chí khi trở về đã có một khoản vốn để tiếp tục đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nâng cao mức sống và làm giàu chính đáng, góp phần giải quyết khó khăn chung cho đất nước.


Trong việc tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa có hai vấn đề nổi lên rất quan trọng và cấp thiết cần phải giải quyết. Đó là, tiếp tục hoàn thiện bố trí lực lượng trên các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa và việc xử lý các vấn đề thuộc cảng quân sự Cam Ranh.


Cuối tháng 2-1987, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân củng cố và tăng cường lực lượng phòng thủ quần đảo Trường Sa.


Cuối tháng 3-1987, tôi xuống làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và chỉ thị rõ: Phải thấy hết vị trí chiến lược của biển Đông. Trước tiên, phải lo phòng thủ quần đảo Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột. Ta phải hành động kiên quyết để bảo vệ các đảo nổi và đảo chìm. Các đồng chí suy nghĩ mọi cách để xây dựng hải quân hùng mạnh.


Ngày 10-6-1987, tôi vào Cam Ranh, tiếp tục làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và Vùng 4, tôi nói rõ thêm: Ta phải nỗ lực cao nhất để bảo vệ quần đảo Trường Sa, tăng cường khả năng phòng thủ tại chỗ, giữ vững các đảo, coi trọng việc chi viện từ bờ ra. Vừa qua quốc phòng và cả nước chưa làm hết sức. Nay ta phải làm, làm cho ngày nay và cho thế hệ mai sau.


Cuối năm 1987 và tháng 1-1988, Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị đã tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các quân chủng: Hải quân, Phòng không và Không quân, kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa ba quân chủng để bảo vệ quần đảo Trường Sa và vùng cảng Cam Ranh.


Chiều ngày 13-2-1988, làm việc với Tư lệnh Hải quân, tôi đã phê phán nghiêm khắc việc để mất đảo Đá Chữ Thập và giao cho Tư lệnh Quân chủng kiêm nhiệm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Ngày là tháng 2, đúng mùng 1 Tết Mậu Thìn, Bộ Tư lệnh Hải quân vào Sở Chỉ huy Vùng 4 ở Cam Ranh để trực tiếp chỉ huy các đơn vị. Hai ngày sau, tôi gửi báo cáo lên Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Ngoại giao đề nghị giải quyết một số vấn đề cấp bách như tàu vận chuyển hàng ra Trường Sa, cấp kinh phí, vật tư cho hải quân.


Ngày 22-2-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã ký quyết định giải quyết những vấn đề cấp bách mà nhiệm vụ bảo vệ biển đảo đặt ra. Trước mắt là nhiệm vụ đóng quân trên các điểm đảo thuộc chủ quyền của ta. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã làm việc với các cơ quan nhà nước để tiếp nhận vật tư, trang bị, tài chính cho hải quân.


Ngày 16-3-1988, Bộ Chính trị đã họp và có kết luận về nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.


(ct VHO: ngày 14/3/1988, Trung cộng chiếm đá Gạc Ma)


Từ ngày 4 đến 9-5-1988, tôi trực tiếp ra thị sát tình hình bộ đội chốt giữ ở quần đảo Trường Sa. Trước đó, ngày 12 tháng 4, ta công bố công khai các đảo mà Việt Nam đã quản lý từ trước đến nay:


Ngày 7 tháng 5, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của Quân chủng tại đảo Trường Sa. Tới dự có đại diện các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các quân chủng và Tỉnh ủy tỉnh Phú Khánh. Lễ mít tinh tổ chức ngay bên cột mốc có dòng chữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam.


Trong bài phát biểu tại buổi lễ, tôi đã nhắc lại: Trong những năm 1950 và 1960, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ hữu nghị, tình sâu nghĩa nặng. Đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và có hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình. Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa…


Sau khi nêu lên sự kiện ngày 14-3-1988 vừa qua, tôi nói rằng: Tại sao một số người lãnh đạo Trung Quốc nhân danh gì lại sử dụng vũ lực xâm chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam trên biên giới Việt – Trung, chiếm quần đảo Hoàng Sa, nay lại lấn chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam chúng ta?… Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự thật trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế…


Chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai, nhân dân và cán bộ Trung Quốc sẽ hiểu rõ sự thật… Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt – Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta… Hôm nay, giữa trời cao, biển rộng bao la, trước anh linh tổ tiên và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắc nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!”. Các chiến sĩ hải quân cùng hô vang với tôi: “Xin thề!”. Tiếng hô: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” vang vọng cả biển trời.


Sau đó, tôi đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng các nhà giàn và bố trí lực lượng trên tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa. Anh em rất tích cực vận chuyển và xây dựng các công trình phòng thủ đảo. Các quân chủng, binh chủng: hải quân, không quân, phòng không, đặc công, thông tin đã tiến hành diễn tập thực binh chi viện đảo và tiếp tục hoàn chỉnh các phương án phòng thủ.


Về vùng vịnh Cam Ranh và quân cảng Cam Ranh, tôi đặc biệt quan tâm đến vị trí này ngay từ khi tôi làm Tổng Tham mưu trưởng. Đây là một trong ba vịnh tốt nhất thế giới cùng với San Francisco (Xan Phranxixcô) của Mỹ và Rio de Janeiro (Riô đơ Giannêrô) của Braxin. Cam Ranh có vị trí chiến lược, một khu vực phòng thủ then chốt của miền Trung và của cả nước, là căn cứ bảo vệ cả vùng biển rộng lớn và quần đảo Trường Sa.


Ngoài ra, ở Cam Ranh còn có một điều vô cùng quý giá mà không phải cảng biển nào cũng có được là ngay sát mặt nước biển mặn chát lại có một mỏ nước ngọt với trữ lượng lớn.


Biên giới phía Bắc nóng bỏng như vậy, kể cả những trọng điểm như Chi Lăng, Vị Xuyên, Trà Lĩnh, tôi cũng chỉ cố gắng đến được hai lần; vậy mà với Cam Ranh, tôi vào tới bốn lần. Vậy bây giờ xu hướng giải quyết với Liên Xô về Cam Ranh như thế nào, về lực lượng cố vấn như thế nào, tôi nghĩ giải quyết phải có tình có lý, có pháp lý. Trước đây, hai nhà nước Liên Xô và Việt Nam đã ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện, những gì đã ký kết thì phải tôn trọng. Những gì bổ sung ngoài nội dung ký kết thì phải trao đổi, hai bên đồng thuận thì mới được thực hiện. Chẳng hạn, họ yêu cầu cho gia đình của họ vào ở bãi Cam Ranh cho thuận tiện đối với sĩ quan của họ, đây là điểm “bổ sung”, ta đồng ý. Nhưng nếu Liên Xô đưa tàu ngầm và các chiến hạm mang đầu đạn hạt nhân vào quân cảng Cam Ranh thì ta từ chối, vì sẽ làm phức tạp thêm, hơn nữa trong hiệp định ký kết giữa hai nước không ghi.


Khi vào Cam Ranh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đưa tôi đi thị sát toàn bộ khu vực. Thấy họ khai thác đá và cát trong vịnh để xây dựng kho và hầm ngầm, tôi bảo: “Không được! Cứ cho họ khai thác thế này thì vịnh Cam Ranh sẽ bị sa mạc hóa”. Ở đây mỗi cục đá là một cục vàng, cát cũng là vàng, một nhành cây cũng không được chặt mà chỉ có trồng thêm. Sẽ giải quyết đá và cát cho họ, nhưng không phải lấy ở vịnh mà lấy trong đất liền mang ra. Trở về Hà Nội, tôi báo cáo các anh trong Bộ Chính trị. Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đề nghị kiên quyết: Một là, không đưa vũ khí hạt nhân vào Cam Ranh. Hai là, không khai thác đá và cát trong vịnh Cam Ranh. Các anh đồng ý. Lúc đó, tôi đã nghiên cứu kỹ văn bản hiệp định để có thể “gỡ” vấn đề.


Trong hiệp định không có chỗ nào nói đến “hạt nhân và nguyên tử”, nên với danh nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng, tôi nói với Trưởng đoàn cố vấn Liên Xô: “… Trong văn bản hiệp ước không nói, nên các đồng chí không được lấy đá ở trong vịnh để xây dựng công trình, mà phải lấy ở ngoài. Hơn nữa, văn bản hiệp định cũng không hề nói đến vũ khí hạt nhân, nên mọi vũ khí hạt nhân và các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân không được có ở đây”. Sau khi Đại sứ Liên Xô điện về nước, họ xin gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của ta. Anh Phạm Hùng gặp Đại sứ Liên Xô (theo yêu cầu của Đại sứ), đồng thời gọi tôi lên. Tôi bảo trong hiệp ước không có chuyện hạt nhân, tên lửa và không khai thác đá và cát trong vịnh Cam Ranh. Chúng tôi sẽ có đá và cát cho các đồng chí. Đại sứ Liên Xô điện về nước. Sự việc êm! Tôi chỉ đạo bộ đội ở vịnh Cam Ranh làm một con đường chừng 30km vào khai thác đá núi trong đất liền chở ra vịnh.


Đến khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Nga thay thế tiếp tục thực hiện hiệp định, duy trì quân đội Nga đứng chân ở Cam Ranh. Mặc dù hiệp định còn hiệu lực tới năm 2004, nhưng tàu ngầm và chiến hạm của Liên Xô không còn ở Cam Ranh.


Cuối tháng 2-1987, diễn ra cuộc họp “Bộ Chính trị hẹp” tại Nhà con rồng – Sở Chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Tại đây, sau khi nghe báo cáo tình hình chính trị, kinh tế – xã hội và nhiều vấn đề quan trọng, tôi đã báo cáo tình hình quân đội, tình hình biên giới phía Bắc, tình hình liên quan đến Trung Quốc, Mỹ, một số nước ASEAN đối với ta và đề xuất việc tiến hành phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tìm cách gia nhập ASEAN. Bộ Chính trị nhất trí với đề xuất của tôi và giao cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng thực hiện việc này. Tôi nói: Đề nghị Bộ Ngoại giao làm, Bộ Quốc phòng sẽ giúp đỡ. Anh Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói: Đề nghị Bộ Quốc phòng và anh Lê Đức Anh lo cái đoạn “mở đầu” như thế nào. Anh Trường Chinh nói:


– Bộ Ngoại giao làm là tất nhiên rồi. Nhưng trước hết đề nghị anh Lê Đức Anh suy nghĩ cách làm, biện pháp cụ thể và làm cái đoạn “mở đầu” với Trung Quốc.


Bộ Chính trị đồng ý với ý kiến của anh Trường Chinh.


Tôi dự kiến, sẽ “mở hai luồng thăm dò”. Một là, thăm dò qua cộng đồng Hoa kiều ở khu vực Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh, vì từ xưa đến nay, nói chung cộng đồng người Hoa có truyền thống đoàn kết bao bọc nhau, có tổ chức chặt chẽ và có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Hoa lục địa. Hai là, thăm dò qua đường đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.


Khoảng mươi ngày sau, vào đầu tháng 3-1987, tôi vào gặp Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nói chuyện với Ban Hoa vận của Thành ủy, gặp gỡ một số người đại diện và có uy tín trong cộng đồng người Hoa của khu vực Chợ Lớn. Cuộc gặp có tám Hoa kiều, một đồng chí đại diện Thành ủy và tôi. Tôi điểm lại quá trình quan hệ hữu nghị của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Trung Quốc – Việt Nam. Tôi nói có những đồng chí người gốc Việt nhưng đã tham gia Giải phóng quân Trung Quốc, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cũng có khá nhiều người gốc Trung Quốc là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi nói về cộng đồng người Hoa suốt mấy chục năm qua định cư, làm ăn sinh sống tại Việt Nam đã tham gia, đóng góp vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, tôi đã chứng kiến có những bà mẹ người Hoa nuôi giấu và cứu chữa thương binh là bộ đội giải phóng ngay tại nhà mình, bất chấp hiểm nguy. Đó là những nghĩa cử cao đẹp của bà con Hoa kiều tại khu vực Chợ Lớn này. Người Việt và người Hoa, Trung Quốc và Việt Nam, hai nước bấy lâu vẫn đoàn kết, hữu nghị. Vừa rồi xảy ra chuyện Trung Quốc và Việt Nam xung khắc nhau là chuyện không bình thường. Vì vậy, cả người Việt và người Hoa có trách nhiệm góp sức mình hàn gắn lại tình hữu nghị, đoàn kết để xóa bỏ cái không bình thường này. Tình hữu nghị Việt – Trung là truyền thống tốt đẹp, chúng ta cần làm cho nó bền vững và phát triển. Tôi nói những điều này, nét mặt mọi người rạng rỡ. Họ phát biểu: Từ lâu rồi, chúng tôi cũng muốn như thế. Việt Nam và Trung Quốc cứ tốt như hồi xưa với nhau, giúp nhau như anh em trong nhà thì chúng tôi sung sướng lắm. Chúng tôi cũng muốn góp công xây dựng đất nước Việt Nam, quê hương thứ hai của mình…


Cuộc gặp gỡ những người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc trong niềm vui tươi, phấn khởi và có sự đồng thuận cao.


Trở ra Hà Nội, tôi nói đồng chí Vũ Xuân Vinh, Cục trưởng Cục Đối ngoại quân sự gửi thiếp mời Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy đến dùng cơm tại nhà khách Bộ Quốc phòng. Tôi và đồng chí Đại sứ vừa ăn cơm vừa nói chuyện. Tôi nói về quá trình quan hệ hữu nghị giữa hai nước và khẳng định Trung Quốc giúp Việt Nam về cách mạng nói chung, về quân sự nói riêng là rất quan trọng.


Từ chiến dịch Biên giới năm 1950 đến chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tận nơi để chỉ đạo, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã cử các đồng chí Trần Canh, Vi Quốc Thanh là những vị tướng giỏi cùng đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp bộ đội Việt Nam về cách đánh chiến dịch.


Ở Điện Biên Phủ, nếu không có lựu pháo, vũ khí, đạn dược và quân trang quân dụng của Trung Quốc giúp đỡ thì Việt Nam khó giành được thắng lợi. Những năm đánh Mỹ, có những đoàn cán bộ, những đoàn học sinh miền Nam được đưa sang Trung Quốc học tập. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất ủng hộ Trung Quốc, quân đội Việt Nam hành quân vượt Thập Vạn Đại Sơn theo điện yêu cầu của đồng chí Chu Ân Lai sang đánh dẹp quân Tưởng, giải phóng vùng đất Ung – Liêm – Khâm để đón đại quân Nam Hạ của các đồng chí giải phóng quân Trung Quốc, v.v… Đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, đó là chiến thắng của Việt Nam và cũng là chiến thắng chung của hai Đảng, hai nước. Vậy mà bây giờ tại sao lại xung đột? Việc này không phải do nhân dân và bộ đội gây ra. Tôi mới nhậm chức, nhưng cũng sẽ báo cáo với lãnh đạo của Việt Nam, đề nghị lãnh đạo hai nước gặp nhau giải quyết việc này.


1966


Tôi kể lại với Đại sứ Trương chuyến đi với đồng chí Phạm Văn Đồng sang Tô Châu gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông hồi tháng 12-1966. Khi Chủ tịch Mao Trạch Đông hỏi “Chiến trường miền Nam có khó khăn và cần gì?”, tôi nói rằng cần súng đạn và tiền để mua gạo; thì một tháng sau chiến trường Nam Bộ đã nhận được vũ khí và tiền của nhân dân Trung Quốc gửi đến. Nghe tôi nói vậy, Đại sứ Trương Đức Duy nói: Tôi sẽ về báo cáo với lãnh đạo bên tôi. Đến đây, sứ mệnh “mở luồng” và “thăm dò” mà Bộ Chính trị giao cho tôi, được xem như đã hoàn tất và tôi báo cáo tình hình với các anh trong Bộ Chính trị để các anh có kế hoạch gặp Đảng, Nhà nước Trung Quốc.


Trong chuyến thăm Xingapo (tháng 7-1990), Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã “đánh tiếng” là “sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”. Một tháng sau đó, ngày 19-8-1990, Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân gửi thư qua đường đại sứ mời Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Đỗ Mười sang thăm Trung Quốc.


Cuối tháng 7-1991, Bộ Chính trị cử tôi làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể về việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Cùng đi với tôi có đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.


Sáng ngày 28 tháng 7 - 1991 chúng tôi bắt đầu khởi hành. Trên đường đi Bắc Kinh, chúng tôi dừng chân ở Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây. Đồng chí Triệu Phú Lâm, Bí thư Khu ủy Khu tự trị Quảng Tây tiếp chúng tôi và giới thiệu những thành tựu kinh tế – xã hội Quảng Tây đạt được trong 10 năm cải cách, mở cửa. Ông cũng cho biết:


– Tuy mấy năm gần đây Quảng Tây đã thực hiện chính sách về buôn bán ở biên giới nhưng nhân dân ở vùng biên giới còn nghèo nên rất cần có sự trao đổi qua lại. Năm 1988, Quảng Tây bị mất mùa, nhờ có lúa gạo của Việt Nam bán sang nên đã giải quyết được một phần nhu cầu cho nhân dân. Chúng ta cùng cố gắng từng bước làm tốt trật tự biên phòng để bảo đảm ổn định chính trị và kinh tế.


Đáp lời ông, tôi nói:


– Trước đây Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ to lớn cho Việt Nam, tỉnh Quảng Tây ở sát kề Việt Nam cũng đã giúp đỡ nhiều cho Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí Vi Quốc Thanh là người Quảng Tây, trước là Trưởng Đoàn cố vấn Trung Quốc, đã nhiệt tình giúp đỡ quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Được thông báo những thành tựu của tỉnh Quảng Tây trong 10 năm cải cách, mở cửa, chúng tôi rất phấn khởi, đặc biệt là khi quan hệ giữa Quảng Tây và Việt Nam ngày càng được trở lại bình thường. Chúng ta cùng cố gắng quản lý biên giới cho tốt hơn, làm cho biên giới ngày càng trở thành biên giới hữu nghị. Tôi rất cảm ơn sự đón tiếp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Tây.


Sau khi ăn cơm trưa ở Quảng Tây, chúng tôi đi máy bay lên Bắc Kinh. Ra sân bay Bắc Kinh đón chúng tôi có đồng chí Chu Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, nữ đồng chí Chu Sĩ Cầm, Cục trương Cục 2 châu Á và một số cán bộ Ban Đối ngoại. Đồng chí Chu Lương chủ yếu giới thiệu về cải cách kinh tế của Trung Quốc những năm vừa qua.


Sáng hôm sau (ngày 29 tháng 7) từ 9 giờ đến 12 giờ, đồng chí Kiều Thạch, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc làm việc với chúng tôi tại Đại lễ đường. Cùng dự, về phía Trung Quốc còn có các đồng chí: Chu Lương và Chu Thiện Khanh, Trưởng và Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Chu Sĩ Cầm, Trịnh Quốc Tài là Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục 2 châu Á, Ban Đối ngoại; Trương Đức Duy, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Từ Đôn Tín, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Cuộc hội đàm này để chuẩn bị cho cuộc hội kiến chính thức với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân sau đó.


Sáng ngày 30 tháng 7-1991, đồng chí Chu Thiện Khanh và một số cán bộ Ban Đối ngoại Trung Quốc đưa chúng tôi tới thăm xã Tứ Quý Thanh (tức bốn mùa xanh) ở ngoại ô Bắc Kinh. Buổi chiều, Thủ tướng Lý Bằng tiếp đoàn chúng tôi tại Tử Quang Cáo trong Trung Nam Hải.


Cuộc hội kiến chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31-7-1991, phía Trung Quốc do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân làm Trưởng đoàn. Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và tôi, có hai phiên dịch của hai Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam và Trung Quốc. Đồng chí Giang Trạch Dân nêu một vấn đề khá “hóc búa”:


– Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung – Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng Bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Nam Sa (tức Trường Sa) là của Trung Quốc.


Nghe vậy tôi liền nói:


– Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương, có dịp nghiên cứu lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể.


Nghe vậy, đồng chí Giang Trạch Dân không nói gì nữa, chỉ cười thôi. Rồi ông bảo:


– Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm!


Nói chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí. Trung Quốc cũng thấy rằng quan hệ hữu nghị với Việt Nam để phát triển là một nhu cầu của cải cách, mở cửa của họ. Họ đang có nhu cầu phát triển, ta cũng có nhu cầu bình thường hóa quan hệ để ổn định và phát triển.


Tôi còn nhớ một số đoạn trong lời phát biểu của hai Trưởng đoàn tại cuộc hội đàm này. Đồng chí Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đứng dậy trịnh trọng nói:


– Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà. Hôm nay, được dịp quen biết đồng chí Lê Đức Anh – phái viên đặc biệt của Việt Nam, chúng tôi rất phấn khởi. Đồng chí đã hội đàm rất tốt với đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Lý Bằng. Một giờ sáng nay, tôi mới ở địa phương về đến Bắc Kinh. Theo tập quán của chúng tôi, xin mời đồng chí nói trước.


Tôi đứng lên nói:


– Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí Tổng Bí thư – Chủ tịch nước. Tôi biết đồng chí rất bận, nhưng vẫn dành thì giờ tiếp chúng tôi. Cảm ơn đồng chí. Chúng tôi rất phấn khởi thấy được thành tựu 10 năm cải cách của các đồng chí. Điều đó cổ vũ rất lớn đối với Đảng và nhân dân Việt Nam chúng tôi. Về công việc, chúng tôi đã thông báo kết quả Đại hội VII. Hôm qua, tôi đã nêu tất cả những ý này với đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Lý Bằng. Hôm nay, gặp đồng chí Tổng Bí thư, xin đề nghị đồng chí cho ý kiến về việc Đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc sẽ được thực hiện trong năm 1991 này.


Từ nay đến khi có cuộc gặp cấp cao đó, đề nghị đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo các ban gặp nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết, chúng tôi mời đoàn Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sang làm việc với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi đề nghị các đoàn thể, các hội hữu nghị Việt – Trung và Trung – Việt trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Tôi có mấy ý kiến như thế, mong đồng chí cho ý kiến.


Đồng chí Giang Trạch Dân nói:


– Hôm qua tôi đã đọc thư đồng chí Đỗ Mười gửi cho chúng tôi. Hôm nay tôi xin nói thẳng thắn. Sáng nay tôi gặp đồng chí Lý Bằng, đồng chí Kiều Thạch và nhiều đồng chí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác, chúng tôi đã bàn với nhau và chúng tôi hoan nghênh Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc năm nay. Tôi rất đồng ý với ý kiến của đồng chí Lê Đức Anh, các cơ quan của hai Đảng qua lại trao đổi ý kiến với nhau. Ban Đối ngoại Trung Quốc sang thăm Việt Nam trước. Hôm qua đồng chí Lý Bằng đã trao đổi ý kiến với các đồng chí rất tốt. Ý kiến chúng ta nhất trí với nhau. Tình hình thế giới bây giờ rất phức tạp. Tôi biết đồng chí Lê Đức Anh hiểu biết hơn tôi về quân sự. Đồng chí là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi là Chủ tịch Quân ủy Trung ương… Tôi giữ chức Tổng Bí thư từ ngày 24-6-1989, từ đó đến nay, tôi không ngờ tình hình Đông Âu biến động và Liên Xô rối ren đến như vậy.


Chúng ta là những người cộng sản, phải thực sự cầu thị. Hiện nay chủ nghĩa xã hội đang thoái trào. Tình hình ngày nay khác tình hình khi nước chúng tôi giải phóng và khi nước các đồng chí được giải phóng. Nhưng chúng ta là những nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải khẳng định chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi. Chúng ta phải thấy đây là quá trình đấu tranh hết sức gian khổ. Cho nên chúng ta là hai nước láng giềng, hai Đảng Cộng sản cầm quyền, không có lý do gì không xây dựng quan hệ láng giềng hữu hảo với nhau. Từ sự đột biến ở Đông Âu và qua 25 tháng tôi công tác ở Trung ương, tôi nhận thức được rằng kiên trì chủ nghĩa xã hội là rất quan trọng. Các nước phương Tây lúc nào cũng muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội khỏi trái đất này. Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đánh đổ chính quyền Quốc dân Đảng, giành chính quyền. Chúng tôi xây dựng đất nước, không bao lâu, chúng tôi phải chống Mỹ viện Triều. Cho nên phương Tây, nhất là Mỹ qua hai lần đọ sức bằng phương thức chiến tranh, chúng không xóa được chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Họ dùng biện pháp “diễn biến hòa bình” của Ngoại trưởng Mỹ Dulles (Đalét), để đối phó với chủ nghĩa xã hội, đối phó với bức màn sắt – như Nixon đã viết cuốn 1999 – chiến thắng không cần chiến tranh…


Đối với âm mưu lật đổ, chúng có pháp bảo: dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng Cộng sản. Chúng tôi rất cảnh giác chế độ đa đảng. Về mặt này chúng tôi kiên quyết chống hoạt động đa đảng. Quả thật như thế, Yeltsin (Enxin) vừa lên làm Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga liền thủ tiêu các cơ sở đảng ở cơ quan, xí nghiệp. Yeltsin đã từng là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Nghe tin này, như người Trung Quốc nói “Xúc mục kinh tâm” – Những điều trông thấy khiến ta giật mình. Hiện nay các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện “diễn biến hòa bình”. Mỗi năm chúng tôi triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc một lần. Tôi đã dự hội nghị đó hai lần. Quan điểm của tôi là, Đại hội đại biểu nhân dân là của dân, không đi theo con đường nghị viện kiểu phương Tây. Chúng tôi cũng có tám đảng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không cho phép có đảng đối lập… Chúng tôi bây giờ hết sức cảnh giác với tư tưởng luân phiên nắm chính quyền. Điều đáng sợ không phải là có tồn tại hay không tồn tại vấn đề đó mà là ở chỗ Đảng có kiên quyết chống tư tưởng đó, có cảnh giác với âm mưu đó hay không. Nếu biết cảnh giác, có biện pháp, thì không sợ gì cả…


Tôi nhận thức được quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội là cây súng, hình thái ý thức là cây bút. Với tư cách quân đội, đồng chí Lê Đức Anh lâu năm hơn tôi. Tôi vừa đi hơn 20 tỉnh và thành phố trong tổng số 30 tỉnh, thành. Tôi đã đi 18 quân khu. Trước đây tôi chưa được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau khi được bầu tôi thường xuyên đi thăm các quân khu. Đồng chí Lê Đức Anh hiểu tầm quan trọng của cây súng hơn tôi. Cây bút cũng rất quan trọng. Về tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến phương pháp tuyên truyền. Mục đích của tuyên truyền là đi sâu vào lòng người. Nếu ta chỉ theo cách cũ cứng nhắc là không được. Tuyên truyền phải sống động, hoạt bát, không thế sẽ không có kết quả tốt. Về phương thức, về công tác tư tưởng, phải tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Hiện nay ti vi rất phổ biến ở thành phố. Hằng ngày dân chúng cứ nghe, nhìn, rồi qua tai, mắt, nếu chúng ta không có năng lực phân tích thì dân chúng sẽ hấp thụ những điều dở… Chúng ta chống tư sản không chỉ chống văn hóa màu vàng. Phải chống cả tự do hóa tư sản. Đứng về góc độ phiên dịch chắc khó diễn đạt hết hàm ý của nội dung này. Nội dung chống này bao gồm việc chống lại tất cả những tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội, chống những sự thối tha đồi trụy của tư sản. Còn đối với những kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý khoa học, văn hóa ưu tú của tư sản chúng ta lại phải học tập. Chúng tôi có chuyển hướng cải cách mở cửa, khuyến khích nước ngoài đầu tư nhưng phải tôn trọng pháp luật… Trên đây tôi đã giới thiệu tóm tắt nhận thức của cá nhân. Tôi tin rằng chuyến đi thăm của đồng chí thúc đẩy việc tiến tới bình thường hóa quan hệ hai Đảng, hai nước. Qua đồng chí, xin gửi lời thăm tốt đẹp tới đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí. Hôm nay là bước mở đầu tốt đẹp của chúng ta.
Cuộc đàm đạo được nối tiếp trong buổi chiêu đãi ngay tối hôm đó tại Trung Nam Hải. Đồng chí Giang Trạch Dân nói tiếp:


– Fucik (Phu xích) viết trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ có một câu nói tôi mãi mãi không quên: “Nhân dân ơi! Tôi yêu nhân dân, nhưng nhân dân đừng quên cảnh giác!”. Ý này rất hay, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. Tôi hiểu rằng kinh nghiệm của đồng chí Lê Đức Anh rất phong phú. Các nước phương Tây bắt đầu tính toán đến vấn đề rất nghiêm trọng đối với chúng ta là vấn đề giáo dục thanh niên. Thanh niên dễ tiếp thu văn minh phương Tây. Tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của phương Tây, chúng ta không phản đối. Tôi thường xuyên có quan điểm tiếp thu những văn hóa ưu tú phương Tây. Nhưng phải làm cho thanh niên thấy nhân dân ta đã từng bị áp bức của các cường quốc… Bắt đầu từ năm nay, chương trình giáo dục cấp I của chúng tôi có phần giáo dục tình hình đất nước, có phần lịch sử cận đại, vì thế hệ chúng tôi sớm muộn cũng đi gặp Các Mác, nên chính quyền sau này rơi vào tay ai không thể không suy nghĩ. Tôi xin nói thẳng với đồng chí và nói nhiều vì lần đầu gặp đồng chí nhưng cảm thấy như người bạn lâu năm.


Tôi nói:


– Khi ở chiến trường, tôi thấy rõ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tất nhiên có cả Liên Xô. Sự giúp đỡ của Trung Quốc cụ thể, thiết thực như: súng B40, lương khô, mũ cối, giày, dép, quần áo, thuốc xoa chống muỗi, chống vắt, v.v., rồi giúp cả tiền chuyển vào chiến trường để mua gạo… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đồng chí đã viện trợ toàn diện cho Việt Nam.


– Đó là việc cần làm – Đồng chí Giang Trạch Dân nói.


– Bây giờ Trung Quốc hơn một tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được – Tôi nói.


– Tôi nghe thông báo về Đại hội VII, thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi – Đồng chí Giang Trạch Dân nói.


– Về quốc tế, đồng chí nói gọn, đủ, tôi rất phấn khởi trước lập trường quan điểm của đồng chí, điều đó làm tăng niềm tin ở tương lai xã hội chủ nghĩa đối với chúng tôi. Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi. Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế – Tôi nói.


– Quan hệ quốc tế với quốc gia, chúng tôi theo năm nguyên tắc chung sống hòa bình, mấu chốt nhất là không can thiệp vào nội bộ của nhau. Còn giải quyết quan hệ Đảng với Đảng, chúng tôi theo bốn nguyên tắc, mấu chốt cũng là không can thiệp vào nội bộ nhau. Người ta ai cũng mong muốn người trong họ hàng của mình tốt lên. Láng giềng cũng muốn láng giềng của mình tốt hơn. Như tôi đã nói, trước tình hình quốc tế hiện nay, chủ nghĩa xã hội đang thoái trào, những nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền không còn bao nhiêu, nên tôi hết sức tán thưởng đường lối Đại hội VII của Việt Nam… Đối với chúng ta phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng. Trong kinh tế, sở hữu nhiều thành phần nhưng phải lấy công hữu làm cơ sở. Đó là những điều tâm huyết của tôi. Lần đầu tiên được gặp đồng chí, tôi rất thú vị – Đồng chí Giang Trạch Dân nói.


– Lần đầu tiên được gặp đồng chí Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, tôi thấy rất thân tình. Những lời từ đáy lòng đồng chí nói ra được thể hiện cụ thể ở những nơi tôi đến tham quan: xã Tứ Quý Thanh, Công ty gang thép Thủ Đô,… – Tôi nói.


– Đồng chí lớn tuổi hơn tôi, làm việc lâu năm hơn tôi, kinh nghiệm phong phú hơn tôi – Đồng chí Giang Trạch Dân nói.


– Chúng tôi ở nước nhỏ, tầm nhìn hạn chế trong phạm vi độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia – Tôi khiêm tốn nói.


Đồng chí Giang Trạch Dân cười, vui vẻ nói:


– Trung Quốc có câu nói “Con chim chích tuy nhỏ, nhưng gan mật đều có”. Tôi chủ trương bố trí cho cán bộ công tác cơ sở rồi mới điều lên trên, như vậy mới tốt… Chúng tôi phải quyết tâm phát triển kinh tế. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải do một mình chúng tôi quyết định được. Chúng tôi phải hết sức cố gắng. Trời không chiều ý người nên chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, như thế tốt hơn chỉ nghĩ tới một mặt.


Tối hôm nay, tôi rất phấn khởi được làm quen và được tâm sự nhiều với đồng chí, một lần lạ, lần sau quen. Chuyến đi của đồng chí là một chuyến đi tốt “Bon voyage” – Đồng chí Giang Trạch Dân nói tiếng Pháp.


Chúng tôi trở về Việt Nam. Ngày 3-8-1991, tại cuộc họp Bộ Chính trị, sau khi tôi báo cáo kết quả chuyến đi Trung Quốc, các thành viên dự họp phát biểu sôi nổi và thống nhất đánh giá chuyến đi đạt kết quả tốt và nhất trí mấy việc cần làm là:


– Thông báo kết quả chuyến đi này với Lào và Campuchia. Thông báo về chuyến đi trong nội bộ Đảng và báo cáo với Quốc hội.


– Triển khai các công việc cần thiết trước mắt, nhất là các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trungương và Thủ tướng Chính phủ để xúc tiến các bước trong tiến trình thực hiện bình thường hóa quan hệ Việt – Trung.


Tiếp đó là những cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương của hai Đảng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy.


Tháng 11-1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 5 đến 10. Sau lễ đón tiếp và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Trung – Việt trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời ký kết quan hệ bình thường giữa hai Đảng, mở đầu trang sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước sau hơn 10 năm trắc trở.


Nhớ lại, tôi từ chiến trường Campuchia trở về nhậm chức Tổng Tham mưu trưởng được hơn hai tháng, rồi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng trong bối cảnh nước ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế. Tình hình thực tế về kinh tế – xã hội đang đặt ra một số vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, trong khi đó lại nảy sinh những khó khăn về đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, nhất là cán bộ cao cấp: Tổng Bí thư Lê Duẩn ốm nặng phải nằm viện dài ngày rồi qua đời; Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, quyền Tổng Bí thư lâm bệnh rồi qua đời; đồng chí Lê Đức Thọ bị bệnh ung thư rồi mất; Cố vấn Phạm Văn Đồng bị bệnh; trước đó, các anh Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Duy Trinh đã ra đi; anh Lê Trọng Tấn, anh Hoàng Văn Thái rồi anh Đinh Đức Thiện cũng từ trần. Một biến động về nhân sự chưa từng có.


Lúc đó, các thế lực phản động trong và ngoài nước ra sức bôi nhọ, âm mưu lật đổ sự lãnh đạo của Đảng. Nữ nhà văn Dương Thu Hương đứng lên diễn thuyết, dựng chuyện bôi nhọ Đảng Cộng sản. Bùi Tín – Đại tá quân đội, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, chạy sang nhóm phản động ở nước ngoài. Bùi Tín và nhóm Hoàng Minh Chính chắc mẩm là khi ở trong nước “khởi sự” thì bên kia sẽ hỗ trợ… Đồng thời với việc gây rối, bọn Lê Quốc Túy đổ bộ đường biển vào Cà Mau, Hoàng Cơ Minh qua đất Lào đột nhập về. Lúc đó, tôi nói: Thực chất chúng chỉ gây rối thôi. Hơn một triệu quân với bao nhiêu vũ khí, phương tiện hiện đại và đôla mà không làm gì được, nay bọn phản động này quậy thế ăn thua gì. Việc quan trọng bậc nhất là ta cần phải củng cố nâng cao bản chất giai cấp vô sản. Tôi nghĩ, bằng mọi cách Đảng phải giữ vững quyền lãnh đạo và củng cố quyền lãnh đạo cao nhất đối với đất nước; củng cố không phải một lúc mà phải làm từng bước.


Đến khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, ở nước ta, các phe nhóm phản động càng chống phá quyết liệt. Trước tình hình đó, tôi đề nghị phải thực hiện đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần làm hai việc: Thứ nhất, củng cố lại Đảng để xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Thứ hai, chăm sóc lợi ích và đời sống của nhân dân cả nước.


Là một cán bộ lãnh đạo và chỉ huy, gần 50 năm gắn bó với quân đội, với các lực lượng vũ trang và nhân dân trên các chiến trường, trải qua cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước và gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, đã từ lâu tôi rất tâm huyết với công việc “tổng kết kinh nghiệm chiến tranh cách mạng”. Bởi tôi cho rằng làm được việc này một cách đầy đủ, thấu đáo sẽ có ý nghĩa rất to lớn. Trước hết là, sẽ lý giải một cách thuyết phục tại sao ta, một nước nhỏ, nghèo, nền sản xuất lạc hậu mà chiến thắng được nhiều kẻ thù lớn. Hai là, việc tổng kết sẽ có ích cho công việc giữ nước hôm nay và mai sau. Điều này cần lắm, vì nước Việt Nam ta ở một vị trí địa – chiến lược rất quan trọng nên luôn bị những nước lớn “dòm ngó”. Chính vì rất tâm huyết với công việc có ý nghĩa này nên cuối nhiệm kỳ Đại hội VI, tôi đã viết hai bức thư lên cấp trên để đề đạt nguyện vọng xin không ứng cử vào Quốc hội khóa IX và xin rút khỏi danh sách đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng để chuyên trách công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh.


Ý nguyện của tôi không được Bộ Chính trị chấp nhận. Các anh trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư còn động viên tôi: Anh cố gắng làm thêm một khóa nữa để cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua những khó khăn gay gắt này.


Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, tiến hành từ ngày 24 đến 27-6-1991, đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tôi được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương đã bầu tôi vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng.


Từ ngày 19 tháng 9 đến 8-10-1992, Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ nhất đã bầu tôi làm Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Thị Bình làm Phó Chủ tịch nước.


Nếu như nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VI là thực hiện công cuộc đổi mới, thì nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VII là nhiệm kỳ triển khai công cuộc đổi mới một cách toàn diện, trọng tâm là đổi mới nền kinh tế, tập trung vào mấy việc lớn: hình thành nền kinh tế nhiều thành phần; đưa kinh tế quốc doanh ra hoạt động theo cơ chế thị trường; tìm cách mở cửa với bên ngoài. Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và thông qua Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với điều kiện mới. Đảng và Nhà nước dựa vào Cương lĩnh và Hiến pháp để hoạt động. Về bối cảnh quốc tế, lúc này hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới khủng hoảng, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Việt Nam bị cắt hoàn toàn viện trợ. Trung Quốc chưa bình thường hóa quan hệ, Mỹ đang bao vây cấm vận Việt Nam.


Về công tác đối nội, đây là giai đoạn toàn Đảng, toàn dân ta triển khai công cuộc đổi mới đất nước trong hoàn cảnh thuận lợi cũng có, mà khó khăn, thách thức cũng nhiều. Bởi vậy, tôi cũng như các thành viên trong Bộ Chính trị dồn hết tâm lực cho công việc với một quyết tâm và cố gắng cao nhất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy mọi động lực mới, khai thác mọi tiềm năng phát triển sản xuất,…


Về công tác lập pháp, Quốc hội khóa IX đã soạn thảo và thông qua nhiều văn bản pháp luật. Để thực hiện nghiêm túc và trực tiếp đóng góp vào lĩnh vực hoạt động quan trọng này của Nhà nước, tôi, trên cương vị Chủ tịch nước và đồng chíNguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước, đã tập trung nghiên cứu, góp ý kiến vào các dự án luật và pháp lệnh.


Chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong bối cảnh đất nước vừa trải qua ba cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, còn gặp nhiều khó khăn, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, thường xuyên chỉ đạo việc khắc phục hậu quả chiến tranh và thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với cương vị và trách nhiệm của mình, tôi thường xuyên gặp gỡ trao đổi, bàn bạc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về những chủ trương, công việc lớn mang tầm chiến lược, những việc trước mắt đang đặt ra bức thiết phải giải quyết để bảo đảm công tác an ninh – quốc phòng và công tác đối ngoại hoạt động tốt, nhằm ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh.


Trong điều kiện đời sống còn khó khăn, những người có công, nhất là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống cô đơn, nghèo khổ, Bộ Chính trị đã có chủ trương khắc phục từng bước. Ngày 10-9-1994, với cương vị Chủ tịch nước, tôi ký Lệnh số 36L/CTN, công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng.


Sau gần hai tháng triển khai thực hiện Pháp lệnh trên phạm vi cả nước, ngày 1-12-1994, Đảng và Nhà nước ta long trọng tổ chức lễ phong tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt một tại hội trường Ba Đình lịch sử. Ngày 29-12-1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã đi bên tôi, trong cương vị người đứng đầu nhà nước, hay nói đúng hơn là lần đầu tiên trong đời tôi được đi bên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên của Phủ Chủ tịch. Bên hàng quân danh dự là những chiến sĩ trẻ trung và nghiêm trang, nắng Ba Đình soi rõ ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của các bà mẹ.


Kể từ khi công bố hai pháp lệnh nói trên, đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng bảy đợt danh hiệu cao quý cho 42.803 bà mẹ. Cũng từ đây đã xuất hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây tặng “Nhà tình nghĩa” và nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Phong trào xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước” trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã trở thành nếp sống mang đậm tính nhân văn và truyền thống văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Khi tôi được biết tin cả nước có 10.700 Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống đã được các tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể nhận phụng dưỡng suốt đời, tôi rất vui mừng. Trong lòng tôi vẫn mong ước làm sao để nâng mức sống của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các đối tượng có công với cách mạng ngang hàng, hoặc vượt trội so với mức sống trung bình của người dân trong cùng khu vực.


Một lần vào thị sát hai tỉnh miền Tây Nam Bộ là Kiên Giang và Cần Thơ, tôi phát hiện ở đây có nhiều người dân mất hết ruộng đất canh tác. Tôi đã gặp và hỏi những nông dân này vì sao mất ruộng, thì họ trình bày hết, rồi họ khóc. Thì ra một số cán bộ có tiền lợi dụng lúc nông dân gặp khó khăn đã mua ruộng của họ, thế là nông dân mất ruộng. Mà nông dân cả đời gắn bó với ruộng đất canh tác nhằm duy trì cuộc sống, nay ruộng không còn thì lập tức rơi vào khốn khó. Lúc đó, tôi nói với cán bộ lãnh đạo của tỉnh rằng, vấn đề cơ bản nhất đối với nông dân là vấn đề ruộng đất. Chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nay có chính quyền rồi, đã nắm quyền rồi, một số cán bộ lại xuất hiện tư tưởng phú nông, địa chủ. Anh là cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng theo bản chất giai cấp công nhân, thì khi có quyền trong tay, hoặc anh sẽ trở thành điền chủ mới, người làm thuê cho anh lại chính là những nông dân mà anh vừa tham gia cuộc cách mạng giải phóng họ, nay vì khốn khó phải bán ruộng rồi trở thành người làm thuê như đã từng phải làm thuê cho địa chủ trước đây; hoặc anh sẽ là người ích kỷ, vô cảm, coi việc người dân mất ruộng là chuyện bình thường. Tôi đề nghị với lãnh đạo tỉnh cho nông dân vay tiền và bằng nhiều cách giúp họ chuộc lại đất. Hôm đó, ông Tám Quýt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, một người trong kháng chiến đã chiến đấu rất dũng cảm, nói: “Tôi sống sát dân mà không hiểu dân!”.


Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa IX, tháng 9-1997, tôi báo cáo: Chúng ta đã tự khẳng định mình bằng những thành tựu đạt được trong 5 năm qua – những năm đầy sóng gió. Song, chúng ta còn những khuyết điểm nội tại có chiều hướng gia tăng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ trở thành nguy cơ. Bốn nguy cơ của cách mạng nước ta đã được Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng chỉ rõ: 1. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, 2. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; 3. Nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; 4. Âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bao trùm lên tận bốn nguy cơ đó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân đang có chiều hướng phát triển, biểu hiện muôn hình muôn vẻ trong các doanh nghiệp, cơ quan của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”1. Vì vậy, chúng ta phải có biện pháp để đẩy lùi và loại trừ chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, trong các doanh nghiệp nhà nước thì mới đẩy lùi được mọi nguy cơ, mới hoàn thành được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu chúng ta không loại trừ được chủ nghĩa cá nhân và không khắc phục được bốn nguy cơ mà để chúng biến thành hiện thực trong Đảng, trong bộ máy nhà nước thì hậu quả thật khó lường.


Trong lịch sử chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Đảng ta, đã có nhiều truyền thống quý báu, mà một trong những truyền thống đó là sự kế thừa. Chúng ta thường nói Đại hội VI là mốc son của công cuộc đổi mới đất nước. Nhưng ý tưởng này đã xuất hiện từ Đại hội IV, tới Đại hội V thì rõ dần ra, tới trước Đại hội VI, tình thế, điều kiện về mọi mặt đã chín muồi cho việc Đảng, Nhà nước ta quyết định chủ trương đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước và công khai mở ra năm thành phần kinh tế. Việc điều chỉnh về chiến lược quân sự và quốc phòng, giảm hơn một nửa số quân thường trực, giảm ngân sách quốc phòng như thế là những quyết định lớn, những việc lớn lắm. Chúng ta cần khẳng định rằng chính thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong suốt hơn 20 năm cũng là cơ sở cho công cuộc đổi mới đất nước ngày hôm nay, tuy rằng mô hình đó của chủ nghĩa xã hội còn có những khuyết tật cần sửa chữa, đổi mới.


Chính đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn là người đầu tiên phát hiện ra “vấn đề của nông dân”: 5% ruộng đất giao cho hộ gia đình thì người ta làm ra 50% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập. Như vậy, nông dân làm ruộng không có động lực, cần phải tạo ra động lực cho bà con nông dân. Lịch sử về đổi mới trong nông nghiệp đã minh chứng: bắt đầu từ tư duy “khoán hộ” của anh Kim Ngọc, 15 năm sau thì xuất hiện “khoán chui”, “khoán sản” của Hải Phòng đã làm cơ sở cho Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (tháng l-1981) và Nghị quyết “khoán 10” (tháng 4-1988) của Bộ Chính trị khóa VI. Lúc này, sức sản xuất thực sự được giải phóng, sản xuất bung ra. Nếu như trước đó, khi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đề ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực, nhiều người hoài nghi, thì đến thời điểm này chúng ta không những đã giải quyết được cơ bản về lương thực, bảo đảm an ninh lương thực, mà còn có gạo xuất khẩu.


Nhiệm kỳ Đại hội IV và V, Bộ Chính trị đã chủ trương tập trung đầu tư cho một số công trình trọng điểm như: thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, xi măng Hoàng Thạch, thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, khai thác dầu khí, v.v.. Về dầu khí, lúc đó, bị lôi kéo vào chiến dịch cấm vận, các Công ty kinh doanh dầu khí của một số nước đang hợp tác với ta liền chịu bồi thường để hủy bỏ hợp đồng và rút lui, Đảng và Nhà nước ta quyết định mời Liên Xô vào hợp tác, liên doanh, thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi.


Ngày 19-6-1981, tại điện Klemlin, Hiệp định về việc Liên Xô giúp Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam và thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt – Xô được ký kết. Và, Việt – Xô Petro trở thành mốc son lịch sử ra đời của ngành dầu khí Việt Nam.


Công cuộc đổi mới đất nước hôm nay đã và đang thành công là do ta kế thừa những thành quả của các nhiệm kỳ Đại hội Đảng trước và nhờ có cơ sở nền tảng của những công trình mà thế hệ lãnh đạo trước đã lo một bước.


Ở nhiệm kỳ mà chúng tôi được đảm trách các vị trí chủ trì, chúng tôi đã thường xuyên giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung sức mạnh, trí tuệ của tập thể với việc phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và vai trò, phẩm chất, năng lực của từng cá nhân. Cá nhân cán bộ, đảng viên có trách nhiệm rất cao với tập thể, với đất nước thì mới có những đóng góp hiệu quả vào công việc của dân của nước. Bất cứ tập thể nào cũng phải có một người đứng đầu điều hành. Trong đó nếu ai đó lại xen lợi ích cá nhân vào thì sẽ hỏng cho cả tập thể và hỏng cả việc điều hành. Bởi vậy, tập thể tốt hay xấu trước hết là do cá nhân đứng đầu.


Muốn đạt được những thành tựu đổi mới, phải thực hiện dân chủ. Dân chủ là vấn đề then chốt, là động lực của cách mạng. Thực tế cho thấy, nhiều giải pháp mang tầm vĩ mô đã được nhân dân phát hiện, kiến nghị và được áp dụng có hiệu quả to lớn. Điều quan trọng là phải biết phát huy nội lực, dựa vào dân động viên nhân dân bằng lợi ích để tạo ra những tiềm năng mới và đó cũng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong2.


Về đường lối đối ngoại, Đảng ta đề ra chủ trương Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cùng phấn đấu vì hòa bình độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Ta ký Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa Việt Nam và Trung Quốc (tháng 11-1991), đồng thời xúc tiến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bộ Chính trị giao cho lãnh đạo của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng lo việc này.


Anh Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói với tôi:


– Anh có cách gì hay thì anh làm bước mở đầu.


Tôi đồng ý và chọn con đường tiếp cận từ khoa học.


Tôi chọn ngành y học và cử anh Nguyễn Huy Phan (Thiếu tướng, bác sĩ Viện Quân y 108, giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình) làm “người mở đầu”. Khi đi dự hội nghị khoa học quốc tế ở Paris, anh Phan đã trình bày công trình “phẫu thuật chỉnh hình” của mình, được các nhà khoa học đánh giá cao. Tại hội nghị, các nhà khoa học Mỹ đã có lời mời Giáo sư Nguyễn Huy Phan sang thăm Mỹ. Trước khi đi, tôi dặn anh Phan:


– Sang đó, anh làm tốt việc trao đổi về khoa học với các nhà khoa học Mỹ là đã phục vụ nhân dân, phục vụ chính trị rồi.


– Tôi sẽ thực hiện lời Chủ tịch căn dặn và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ – Anh Nguyễn Huy Phan xúc động nói.


Đoàn của anh Phan sang Mỹ. Khi trao đổi về nghiệp vụ, các nhà khoa học phẫu thuật của Mỹ hỏi ta về việc họ muốn làm một điều gì đó cho Việt Nam. Ta mời họ sang tham gia phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật môi, hở hàm ếch. Họ đồng ý và cử đoàn bác sĩ “Phẫu thuật nụ cười” sang ta.


Sau đó, Chính phủ quyết định đưa anh Phan lên làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Mỹ để làm “cầu nối” liên lạc. Sau này, công việc thành công, nhưng ít người biết được thời điểm đó cũng rất căng thẳng. Bởi vì những ý tưởng, chủ trương này phải giữ bí mật. Anh Phan được cử đi thực thi nhiệm vụ mở quan hệ với một nước đế quốc vừa gây chiến tranh xâm lược nước ta, thì bị mọi người và nhất là cấp trên trực tiếp gán cho tội “thỏa hiệp, đầu hàng địch”. Vì cấp trên trực tiếp của anh không được phổ biến, quán triệt. Khi tôi bị xuất huyết não (năm 1997) nằm cấp cứu tại Viện Quân y 108, anh Phan vào thăm tôi, thấy tôi nằm bất động, anh khóc: “Thủ trưởng ơi, hãy sống lại đi. Chỉ có Thủ trưởng sống lại thì mới minh oan cho tôi!…”.


Khi tôi khỏe trở lại, công việc đã thành công, tôi đã đề nghị khôi phục mọi quyền lợi chính trị cho anh Nguyễn Huy Phan và anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.


Sau bước mở đầu thành công bằng con đường khoa học, bước tiếp theo là ta tiến hành việc tạo thuận lợi cho phía Mỹ trở lại Việt Nam tìm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh. Tôi thấy rằng phía Mỹ đặc biệt quan tâm đến vấn đề người Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương nên ngay từ những năm cuối thập niên 1970, sau khi cuộc chiến tranh vừa kết thúc, sang thập niên 1980, họ đã lần lượt cử người sang Việt Nam để đặt vấn đề và đối thoại với ta nhằm giải quyết vấn đề này. Từ đầu năm 1987, có nhiều chuyến thăm Việt Nam của các đoàn Mỹ. Từ tháng 8-1987, năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan (Rigân) và những năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Bush (Busơ cha) đã bắt đầu cử đoàn cao cấp – Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ do tướng (về hưu) Vessey, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ dẫn đầu đã lần lượt đến Việt Nam.


Các cuộc trao đổi, tiếp xúc Việt – Mỹ ở giai đoạn này thực chất là tiếp xúc ngoại giao song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Có thể nói ở tất cả các cuộc tiếp xúc giai đoạn đầu, phía Mỹ cứ muốn áp đặt việc giải quyết hai vấn đề lớn: Một là, vấn đề chính trị ở Campuchia. Hai là, vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh (gọi tắt là POW/MIA). Họ coi đây là hai vấn đề tiên quyết để xóa bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.


(ct: Ba là Hiệp định Tái định cư cựu Tù nhân chính trị)


Về vấn đề Campuchia, ở đây có hai yếu tố, thứ nhất là, nhân dân Campuchia đã thoát khỏi họa diệt chủng và việc của Campuchia do chính quyền Campuchia giải quyết. Thứ hai là, nền kinh tế – xã hội của Campuchia đã thực sự hồi sinh, hệ thống chính trị của bạn đã vững. Việt Nam đã rút hết quân tình nguyện và đoàn chuyên gia về nước. Bởi vậy, đến giai đoạn sau thì phía Mỹ đã đồng ý và tự giác gạt bỏ “vấn đề Campuchia” ra khỏi “điều kiện tiên quyết” của việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.


Về vấn đề POW/MIA, mặc dầu lúc đầu phía Mỹ khăng khăng xem đây là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ; nhưng trước sau như một, ta vẫn khẳng định đây là vấn đề nhân đạo, thuần túy nhân đạo không gắn với chính trị.


Khi Tổng thống Mỹ đưa ra “bản lộ trình” (ngày 9-4-1991) gắn các bước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam với việc đạt được tiến bộ trong vấn đề POW/MIA và vấn đề Campuchia, thì dịp này, một số phần tử xấu ở Mỹ tung ra bức ảnh giả về cái gọi là “ba phi công Mỹ còn sống đang bị giam cầm tại Việt Nam”. Bức ảnh đã kích động mạnh dư luận về vấn đề POW/MIA tại Mỹ. Ngày 2-8-1991, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật (S.Res.82) thành lập ủy ban đặc biệt về vấn đề POW/MIA để làm sáng tỏ vấn đề còn tù binh Mỹ sống và bị giam cầm ở Việt Nam không (gọi tắt là vấn đề POW) và ở Việt Nam, Lào còn kho hài cốt lính Mỹ không. Ngày 20-4-1992, ủy ban này cử phái đoàn đầu tiên sang Việt Nam, đưa ra đề nghị năm điểm. Từ ngày 16 đến 21-11-1992, Ủy ban này lại cử tiếp đoàn thứ hai do Thượng nghị sĩ John Kerry (Giôn Keri) dẫn đầu sang Việt Nam.


Ngày 18 tháng 11-1992, với cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi đã tiếp đoàn. Tôi khẳng định một lần nữa chính sách nhất quán của Việt Nam coi vấn đề POW/MIA là vấn đề thuần túy nhân đạo. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ thực hiện các thỏa thuận giữa hai chính phủ và mong hai bên tích cực hợp tác giải quyết sớm vấn đề này. Trong buổi tiếp, Thượng nghị sĩ John Kerry đã trao cho tôi bức thư của Tổng thống Mỹ George Bush, trong thư đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong thời gian qua, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới và khẳng định cam kết của Chính phủ Mỹ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.


Ông John Kerry bày tỏ mong muốn được vào thăm Thành cổ Hà Nội và công trình ngầm dưới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã chấp thuận và dẫn ông đi. Khi trở về Mỹ, ông ta đã khẳng định nguồn tin có ba phi công Mỹ còn sống đang bị giam giữ và kho hài cốt lính Mỹ chỉ là chuyện bịa đặt với dụng ý xấu làm lung lạc dư luận Mỹ và phá hoại, ngăn cản tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Sau đó, phía Mỹ đã tự giác bỏ vấn đề “POW” (tù binh) trong các cuộc tiếp xúc và các văn bản trao đổi song phương. Đồng thời, Mỹ mở văn phòng tại Hà Nội liên quan đến vấn đề MIA, thành lập Lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm hỗn hợp về MIA.


Ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ Bia Clinton (Bin Clintơn) tuyên bố: không ngăn cản Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam vay tiền để đầu tư phát triển kinh tế và tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam.


Ngày 12-7-1995, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội. Tháng 11 cùng năm thì lập Tổng lãnh sự quán của hai nước tại thành phố San Francisco và Thành phố Hồ Chí Minh.


Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VII của Đảng ta, ở năm đầu nhiệm kỳ (năm 1991) ta đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, đến nửa cuối nhiệm kỳ (năm 1995), ta đã thiết lập quan hệ với Mỹ. Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Đồng thời, Việt Nam có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới và hầu hết các nước đều thực hiện quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi với Việt Nam.


Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, với tư cách Chủ tịch nước, tôi tiếp xúc, hội đàm với một số nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam; đồng thời, cũng thực hiện nhiều chuyến thăm hữu nghị một số nước. Tôi đã thông báo những kết quả ban đầu về đổi mới kinh tế của Việt Nam những năm đầu thập niên 1990.


Tôi còn nhở, trong bài diễn văn của mình tại Hội nghị cấp cao lần thứ 11 Phong trào Không liên kết ngày 19-10-1995 tại Colombo (Côlômbô), tôi đã nhấn mạnh:


Hội nghị cấp cao lần thứ 11 của Phong trào Không liên kết chúng ta họp vào thời điểm trọng đại của lịch sử. Năm nay toàn thế giới kỷ niệm lần thứ 50 ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, với lòng biết ơn sâu sắc đối với các dân tộc, các lực lượng đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít và mở ra kỷ nguyên mới của nhân loại. Nửa thế kỷ qua, trên 100 nước đã giành được độc lập và thế giới đã trải qua những thay đổi hết sức sâu rộng. Để đưa các dân tộc chúng ta vượt qua nghèo nàn lạc hậu, theo chúng tôi, trước hết và quan trọng nhất, phải nêu cao ý chí độc lập, tự cường và phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết hợp tác của chính chúng ta để có hoà bình và ổn định bền vững. Tôi khẩn thiết kêu gọi Phong trào Không liên kết hãy làm hết sức mình để giúp đỡ các dân tộc anh em sớm chấm dứt chiến tranh, giữ vững độc lập, khôi phục hòa bình, phát triển đất nước…


Nhận lời mời của Tổng thống Pháp F. Mitterrand (Ph. Míttơrăng), từ ngày 7 đến 12-5-1995, tôi sang Cộng hòa Pháp dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng phát xít. Đúng 9 giờ 45 phút ngày 8-5-1995, tôi cùng với trên 50 vị nguyên thủ quốc gia, thủ tướng và trưởng đoàn của 80 nước tham dự lễ kỷ niệm tại quảng trường Khải hoàn môn. Chúng tôi thật xúc động khi chứng kiến, tại Khải hoàn môn, quốc kỳ Việt Nam được trang trọng kéo lên phấp phới tung bay rực rỡ cùng với quốc kỳ của các nước.


Trong lời phát biểu tại cuộc gặp với Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tôi nhấn mạnh: Hai Đảng chúng ta có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống. Mối quan hệ đó được các đồng chí: Hồ Chí Minh, Pon Vayang Cutuyarie (Pôn Vayăng Cutuyriê), Marcel Cachin (Mácxen Casanh), Maurice Thorez (Môrítxơ Tôrê) và nhiều đồng chí lão thành cách mạng khác của hai Đảng dày công vun đắp ngay từ những ngày đầu khi Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Những người cộng sản và nhân dân Việt Nam khâm phục tinh thần bất khuất kiên cường, sự hy sinh to lớn của những người cộng sản Pháp trong cuộc chiến đấu chống sự chiếm đóng của quân đội phát xít, góp phần to lớn vào việc giải phóng nước Pháp và đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ sự ủng hộ to lớn, nhiệt tình của Đảng Cộng sản và nhân dân lao động Pháp đối với nhân dân Việt Nằm trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cùng với việc phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chúng tôi hết sức tranh thủ những kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của các nước, của các đảng trên thế giới, trong đó có kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Pháp…


Tại bữa cơm thân mật do Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Pháp mời riêng Chủ tịch nước Việt Nam và phu nhân, khi ông Chủ tịch Thượng viện hỏi chân tình là Việt Nam có cần gì không, thì tôi trả lời: “Chúng tôi cần tình hữu nghị!”.


Đồng chí R. Hue, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp phát biểu, đã ca ngợi những thành tựu to lớn về các mặt của nhân dân ta; khẳng định Đảng Cộng sản Pháp sẽ làm hết sức mình để tăng cường quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, mong muốn hai Đảng đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy Chính phủ Pháp mở rộng hợp tác với Việt Nam.


Từ ngày 22 đến 24-10-1995, với tư cách là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Niu Oóc), Mỹ.


Tổ chức Liên hợp quốc lúc đó có 185 nước và Liên hợp quốc là cộng đồng đông dân cư nhất. Ở trụ sở có 185 phái đoàn và các đại sứ đứng đầu mỗi đoàn. Ta có quan hệ với 167 nước.


Tôi vinh dự trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam tham dự một hội nghị đa phương mang tính toàn cầu. Đoàn Chủ tịch của Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm với vị thế quốc tế mới được nâng cao do giành được độc lập và chính sách đối nội, đối ngoại hợp tình hợp lý của ta, mà thành tựu nổi bật nhất gần đây là việc Trung Quốc và Mỹ bình thườnghóa quan hệ với ta, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN và ta vừa ký Hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Điều đó đã thể hiện trước toàn thế giới chính sách nhất quán của ta: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, các dân tộc và nỗ lực đóng góp vào các vấn đề quốc tế chung của Liên hợp quốc.


Trong bài diễn văn của mình đọc trước Đại hội đồng Liên hợp quốc sáng 23-10-1995, tôi còn nhớ:


Mùa thu này, cùng với kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc, các dân tộc trên thế giới đồng thời trọng thể kỷ niệm 50 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít… Từ những kinh nghiệm mất mát của hai cuộc chiến tranh thế giới, các quốc gia Liên hợp quốc chúng ta đã long trọng cam kết “Quyết tâm cứu vãn các thế hệ tương lai khỏi các thảm họa chiến tranh”. Hiến chương khẳng định mục tiêu của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình an ninh quốc tế và phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia…


Lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên của đại gia đình Liên hợp quốc đã họp mặt ở cấp đại diện cao nhất. Tại dịp kỷ niệm trọng thể này, chúng ta cùng nhau thông qua một Cương lĩnh hành động của Liên hợp quốc để đoàn kết phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi mong rằng, trên thế giới xây dựng một tương lai không còn hận thù mà chỉ còn hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc và các quốc gia. Vì một thế giới tốt đẹp hơn và một Liên hợp quốc xứng đáng với sự trông đợi của nhân dân thế giới, chúng ta một lần nữa khẳng định các nguyên tắc tiến bộ của Hiến chương về hòa bình, độc lập chủ quyền, bình đẳng giữa các dân tộc và thúc đẩy các quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia. Đó là kim chỉ nam cho hành động của tổ chức chúng ta trong kỷ nguyên mới.


Tôi thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng Liên hợp quốc phiên bản Trống đồng Đông Sơn và họ đã đặt ở vị trí trang trọng tại trụ sở của Liên hợp quốc. Trống đồng Việt Nam, biểu tượng của văn hóa Việt Nam có mặt tại trụ sở Liên hợp quốc có ý nghĩa đặc biệt. Trong tôi bỗng trào dâng niềm xúc động với ý thức lớn lao rằng: Biết bao mồ hôi, xương máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ ra suốt những năm chiến tranh giải phóng đất nước, vượt qua biết bao gian nan, thử thách ở chặng đường đầu tiên của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa qua mới có được ngày hôm nay. Dân tộc Việt Nam từ bùn đen nô lệ, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã sánh ngang hàng với các quốc gia và dân tộc trên thế giới.


Trong các cuộc hội đàm, các nước rất quan tâm đến những thông tin mà tôi đã thông báo về những kết quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước tính đến năm 1996, như: trong sáu năm liên tiếp kể từ năm 1991, GDP tăng với mức trung bình hằng năm là 8,5%, riêng năm 1996 tăng 9,46%. Từ nước thiếu lương thực, được nhân dân thế giới viện trợ nhân đạo, nay ta đã đủ ăn và có gạo hàng hóa xuất khẩu. Lạm phát từ 774% năm 1986 giảm xuống còn 4,5% năm 1996. Nền kinh tế thị trường nhiều thành phần hình thành và đang phát huy hiệu quả. Tổng kim ngạch xuất nhập nhẩu tăng từ 5,1 tỷ USD năm 1990 lên 18 tỷ USD năm 1996 (năm 1996, xuất khẩu tăng 32%). Từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài (năm 1987) tới nay, Việt Nam đã thu hút được trên 28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tháng 10-1996, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư. Bộ máy quản lý nhà nước hoạt động có hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; sự nghiệp giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; an ninh – quốc phòng và ổn định chính trị được giữ vững là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và có những điều kiện cần thiết để bước vào thời kỳ phát triển mới – thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là kết quả của đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nỗ lực to lớn và sáng tạo của nhân dân Việt Nam.


Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 164 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và trung tâm chính trị, kinh tế hàng đầu của thế giới; có quan hệ thương mại với hơn 100 nước và vùng lãnh thổ; quan hệ đầu tư trực tiếp với hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang tích cực tham gia Khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA), chuẩn bị tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu á – Thái Bình Dương (APEC) và chuẩn bị cho việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).


Có thể nói nhiệm kỳ 1991-1997 là giai đoạn Việt Nam triển khai toàn diện công cuộc đổi mới đất nước với một nỗ lực rất cao của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, riêng về công tác đối ngoại, chúng ta đã thực hiện và triển khai một cách vừa thận trọng, nghiêm túc, vừa tích cực chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa. Những hoạt động đối ngoại nói trên đã thu được những kết quả rất quan trọng. Ta đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn đất nước và con người Việt Nam, hiểu rõ và ghi nhận chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau và cùng có lợi. Kết quả hoạt động tích cực của công tác đối ngoại cùng với những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới ở giai đoạn này đã thực sự nâng tầm vị trí của nước ta trên trường quốc tế. Và từ đó, ta đã tranh thủ sự giúp đỡ, khai thác được thế mạnh của từng quốc gia, từng tổ chức quốc tế vào công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước. Câu khẩu hiệu, đồng thời cũng là chủ trương của Đảng ta: “Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và các dân tộc trên thế giới” đã trở thành hiện thực. Trước đây, Đảng ta đã từng huy động sức mạnh đoàn kết quốc tế kết hợp chặt chẽ với phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, thì ngày nay, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng, chúng ta cũng đã và đang phát huy sự kết hợp một cách khoa học giữa nội lực của toàn Đảng, toàn dân với việc phát triển tình hữu nghị và hợp tác quốc tế, tạo nên sức mạnh mới cho sự nghiệp cách mạng xây dựng và phát triển đất nước ở giai đoạn mới.


Chúng ta mãi mãi nhớ ơn nhân dân thế giới, bầu bạn xa gần đã và đang ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta mãi mãi là người bạn chân thành của cộng đồng các dân tộc sống trên hành tinh tươi đẹp này. Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định thắng lợi vẻ vang.


Từ năm 1998, tôi cùng với hai đồng chí Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Với trách nhiệm của mình, tôi cùng các đồng chí cố vấn tích cực tham gia góp ý kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề quan trọng về sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội IX, khi bàn về xây dựng đảng cũng có nhiều ý kiến khác nhau, tôi đề nghị Điều lệ Đảng và bản chất của Đảng thì giữ nguyên như trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Tôi tin tưởng Đảng ta luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất liền, vùng trời, vùng biển Tổ quốc.


[Hết trích].


Chúng tôi xin cảm ơn một nhà nghiên cứu thân hữu đã chia sẻ tư liệu trên góp vào Bộ tư liệu đa chiều của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông xung quanh biến cố Gạc Ma và mối quan hệ Việt – Trung.


Chú thích


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 611.


3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 280.


———-


Các ấn phẩm giới thiệu trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông không nhất thiết thể hiện quan điểm của tất cả thành viên và cộng tác viên, hay các nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Email: sukybiendong@gmail.com.


Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi hai năm. Xin trân trọng cảm ơn.


Trích Hồi Ký Đại Tướng Lê Đức Anh Giai Đoạn 1988 – 1991


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Lê Duẩn: Bè lũ phản động Bắc Kinh xâm lược từ Biển Đông


VHO 05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 9392)


(Tựa của Văn Hóa)


Đọc hồ sơ dưới đây để hiểu dã tâm bành trướng của Trung cộng


Nguồn: Thư viện Quân đội Nhân dân, Hà Nội


Tài liệu do Christopher Goscha có được và dịch cho CWIHP


Ngọc Thu, dịch từ: Wilson Center


Bài phát biểu của Tổng bí thư Lê Duẩn về Trung Quốc năm 1979:


 image018


'… Chúng ta rất nghèo. Làm sao chúng ta có thể đánh Mỹ nếu không có Trung Quốc làm căn cứ hậu tập? Nên chúng ta phải nghe theo họ, đúng không? Tuy nhiên, chúng ta đã không đồng ý...'.


*


Nói chung, sau khi chúng ta đánh bại Mỹ, không đế quốc nào dám đánh chúng ta nữa. Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta chính là những kẻ phản động Trung Quốc.


Nhưng người dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn thế. Tôi không biết những kẻ phản động Trung Quốc này sẽ tiếp tục tồn tại thêm bao lâu nữa. Tuy nhiên, miễn là họ tồn tại, thì họ sẽ tấn công chúng ta như họ vừa thực hiện (nghĩa là đầu năm 1979).


 Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc, thì các tỉnh [Bắc Trung Bộ] Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa sẽ trở thành cơ sở cho toàn bộ đất nước. Các tỉnh này tốt nhất, là các căn cứ mạnh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất. Vì nếu vùng đồng bằng [Bắc Bộ] tiếp tục là vùng liên tục căng thẳng, thì tình hình sẽ rất phức tạp. Vấn đề không đơn giản chút nào.


Nếu không phải là người Việt Nam, thì sẽ không có người nào đánh Mỹ, bởi vì lúc Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, cả thế giới còn lại đều sợ Mỹ ...


 Mặc dù Trung Quốc đã giúp Triều Tiên chỉ với mục đích bảo vệ sườn phía Bắc của họ. Sau khi cuộc chiến kết thúc [ở Triều Tiên] và khi áp lực lên Việt Nam, ông ta (chỗ này hình như nói đến Chu Ân Lai khi đoạn văn sau đó cho thấy vậy) nói rằng, nếu Việt Nam tiếp tục chiến đấu, thì sẽ phải tự lo liệu. Ông ta sẽ không giúp thêm nữa và gây áp lực với chúng ta để ngừng chiến đấu.


 Khi chúng ta ký Hiệp Định Geneva, rõ ràng là Chu Ân Lai đã chia đất nước ta làm hai [phần]. Sau khi nước ta bị chia thành hai miền Nam Bắc như thế, một lần nữa ông ta gây sức ép lên chúng ta, không được làm gì đối với miền Nam Việt Nam.


Họ ngăn cấm chúng ta đứng lên [chống lại Việt Nam Cộng hòa do Mỹ hậu thuẫn]. [Nhưng] họ, [người Trung Quốc,] không thể làm gì để ngăn cản chúng ta.


Khi chúng ta ở miền Nam và chuẩn bị chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Geneva, Mao Trạch Đông đã nói với Đại hội Đảng của chúng ta rằng, ngay lập tức, chúng ta phải buộc Lào chuyển hai tỉnh đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu không, người Mỹ sẽ tiêu diệt hai tỉnh này, một tình huống rất nguy hiểm [theo cái nhìn của Trung Quốc]! Ngay lập tức, Việt Nam đã phải làm việc với người Mỹ [liên quan đến vấn đề này]. Mao đã bức hiếp chúng ta bằng cách này và chúng ta đã phải làm điều đó.


Sau đó, khi hai tỉnh này đã được chuyển cho Viêng Chăn, những tên phản động [Lào] ngay lập tức bắt giữ Souphanouvong (Chủ tịch Lào từ năm 1975-1986). Lào có hai tiểu đoàn bị bao vây lúc đó. Hơn nữa, họ vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, một tiểu đoàn đã có thể thoát khỏi sự [bao vây]. Lúc đó, tôi đưa ra quan điểm của tôi là, Lào phải được phép tiến hành chiến tranh du kích. Tôi mời Trung Quốc đến và thảo luận về vấn đề này với chúng ta.


Tôi nói với họ: “Các đồng chí, nếu các đồng chí tiếp tục gây áp lực với Lào bằng cách này, thì lực lượng của họ sẽ hoàn toàn tan rã. Bây giờ họ phải được phép tiến hành chiến tranh du kích“.


 Trương Văn Thiên (Zhang Wentian), người trước đó là Tổng Thư ký [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và sử dụng bút danh Lạc Phú, trả lời tôi: “Vâng, các đồng chí, điều các đồng chí nói đúng. Hãy để chúng tôi cho phép tiểu đoàn đó của Lào đảm nhiệm chiến tranh du kích“.


Ngay lập tức, tôi hỏi Trương Văn Thiên: “Các đồng chí, nếu các đồng chí cho phép Lào gánh vác chiến tranh du kích, thì không có gì phải sợ việc phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam? Điều gì làm cho các đồng chí sợ đến nỗi các đồng chí ngăn cản hành động như thế?”


Ông ta [Trương Văn Thiên] đã nói: “Không có gì phải sợ!”


Trương Văn Thiên đã nói thế. Tuy nhiên, Ho Wei, Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam lúc đó, đã ngồi ở đó và nghe điều đã nói. Ngay lập tức, ông ta điện cho Trung Quốc (báo cáo điều Lê Duẩn và Trương Văn Thiên đã nói). Ngay lập tức, Mao trả lời: “Việt Nam không thể phát động chiến tranh du kích ở miền Nam. Việt Nam phải nằm chờ trong một thời gian dài!”


Chúng ta rất nghèo. Làm sao chúng ta có thể đánh Mỹ nếu không có Trung Quốc làm căn cứ hậu tập? Nên chúng ta phải nghe theo họ, đúng không? Tuy nhiên, chúng ta đã không đồng ý.


Chúng ta đã bí mật tiếp tục phát triển lực lượng. Khi [Ngô Đình] Diệm kéo lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam, chúng ta đã ban hành lệnh thành lập lực lượng quần chúng để chống lại lệnh đã được lập và nắm quyền [từ chính phủ Diệm].


Chúng ta đã không chú ý [đến Trung Quốc]. Khi cuộc nổi dậy giành chính quyền bắt đầu, chúng tôi đi Trung Quốc để gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình đã nói với tôi: “Đồng chí, bây giờ sai lầm của đồng chí đã xảy ra rồi, đồng chí chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống“.


Đó là áp lực mà họ đã áp đặt lên chúng ta.


Tôi nói [với Trung Quốc]: “Vâng, vâng! tôi sẽ làm điều đó. Tôi sẽ chỉ chiến đấu ở mức một trung đội trở xuống“.


Sau khi chúng ta chiến đấu và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta có thể chiến đấu hiệu quả, đột nhiên Mao có suy nghĩ mới. Ông ta nói rằng, vì Mỹ đánh chúng ta, ông ta sẽ đưa quân đội [Trung Quốc] đến giúp chúng ta xây dựng đường xá. Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình hình đất nước ta để sau này ông ta có thể tấn công chúng ta và từ đó mở rộng xuống khu vực Đông Nam Á. Không có lý do nào khác.


Chúng tôi biết rõ ý đồ này, nhưng phải cho phép họ (sự xâm nhập của quân đội Trung Quốc). Thôi thì cũng được. Nhưng họ quyết định đưa quân vào. Tôi yêu cầu họ chỉ gửi người, nhưng quân lính của họ đã đến cùng với súng đạn. Tôi cũng phải chịu điều này.


 **


Sau đó, ông ta (Mao Trạch Đông) bắt chúng ta phải nhận 20.000 quân của ông ta đến xây một con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ (thuật ngữ tiếng Việt chỉ miền Nam Việt Nam). Tôi từ chối. Họ tiếp tục yêu cầu nhưng tôi không nhượng bộ. Họ gây áp lực với tôi cho quân của họ vào nhưng tôi đã không chấp thuận. Họ tiếp tục gây sức ép nhưng tôi vẫn không chịu. Tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy họ có âm mưu cướp nước ta từ lâu và âm mưu đó ác độc như thế nào.


 ***


Sau khi Mỹ đưa hàng trăm ngàn quân vào miền Nam Việt Nam, chúng ta đã phát động cuộc tổng tấn công vào năm 1968 để buộc họ giảm leo thang.


Để đánh bại Hoa Kỳ, một điều cần phải biết là làm thế nào để họ từ từ giảm leo thang. Đó là chiến lược của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống một kẻ thù lớn, kẻ thù với dân số 200 triệu người và thống trị thế giới. Nếu chúng ta không thể làm cho họ giảm leo thang từng bước, thì chúng ta sẽ thất bại và không thể tiêu diệt kẻ thù. Chúng ta phải đấu tranh để làm nhụt ý chí họ để buộc họ phải đi đến bàn đàm phán với chúng ta mà không cho phép họ đưa thêm quân.


Đến lúc họ muốn thương lượng với chúng ta, Ho Wei đã viết một bức thư cho chúng tôi, nói rằng: “Các ông không thể ngồi xuống đàm phán với Hoa Kỳ. Các ông phải đưa quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam để đánh với họ“. Ông ta gây áp lực với chúng tôi cách này, làm cho chúng tôi bối rối vô cùng. Đây không phải là vấn đề hoàn toàn đơn giản. Rất là mệt mỏi mỗi khi tình huống như thế phát sinh [với Trung Quốc].


Chúng tôi quyết định không thực hiện cách đó (nói đến lời khuyên của Hồ Wei không đàm phán với Hoa Kỳ).


Chúng tôi phải ngồi xuống ở Paris. Chúng tôi phải làm cho họ (Mỹ) giảm leo thang để đánh bại họ. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã thông báo [với Mỹ]: “Nếu các ông không tấn công tôi, tôi sẽ không tấn công các ông. Nhưng rất nhiều quân lính mà các ông muốn đưa vào Việt Nam, tùy các ông“.


Trung Quốc nhất trí điều này và đã gây áp lực với chúng tôi bằng cách đó.


Họ (Trung Quốc) đã trao đổi nhiều với Mỹ và ép buộc chúng ta phục vụ như là một con bài để mặc cả theo cách này. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua trận, ngay lập tức, họ sử dụng Trung Quốc để [tạo điều kiện] rút quân [ở miền Nam Việt Nam]. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận vấn đề này.


Trước khi Nixon đi Trung Quốc, [mục đích chuyến đi của ông ta là] giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách đó, để phục vụ lợi ích của Mỹ và giảm bớt thất bại của Mỹ, cũng như cùng lúc cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc về phía Mỹ.


Chu Ân Lai đã đến gặp tôi. Chu Ân Lai nói với tôi: “Lúc này, Nixon đến gặp tôi chủ yếu là thảo luận về vấn đề Việt Nam, do vậy tôi phải đến gặp đồng chí để thảo luận điều đó với đồng chí”..


Tôi trả lời: “Đồng chí, đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi không nghe theo đồng chí. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt. Việt Nam là của tôi (đất nước của tôi), hoàn toàn không phải của các đồng chí. Các đồng chí không có quyền nói [về vấn đề Việt Nam] và các đồng chí không có quyền thảo luận [các vấn đề đó với Mỹ]. Hôm nay, các đồng chí, chính tôi sẽ nói với các đồng chí điều mà thậm chí tôi chưa hề nói với Bộ Chính trị, rằng đồng chí đã nêu ra vấn đề nghiêm trọng và vì thế tôi phải nói”


Năm 1954, khi chúng tôi giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ, tôi đã ở [tỉnh] Hậu Nghĩa. Bác Hồ đã điện nói với tôi rằng, tôi phải vào miền Nam để tập hợp [các lực lượng ở đó] và nói chuyện với đồng bào miền Nam [về vấn đề này]. Tôi đi bằng xe tải vào miền Nam. Trên đường đi, đồng bào ra chào đón tôi vì họ nghĩ rằng chúng tôi đã giành chiến thắng. Đau đớn vô cùng! Nhìn đồng bào miền Nam, tôi đã khóc. Vì sau đó, Hoa Kỳ sẽ đến và tàn sát [người dân] một cách khủng khiếp.


 Khi vừa tới miền Nam, ngay lập tức, tôi đã điện cho Bác Hồ để xin ở lại [miền Nam] và không trở lại miền Bắc để tôi có thể đánh thêm mười năm nữa hoặc hơn. Đồng chí đã gây khó khăn cho tôi như thế này (muốn nói đến vai trò của Chu Ân Lai trong việc chia cắt Việt Nam tại Geneva năm 1954), đồng chí có biết không“?


Chu Ân Lai nói: “Tôi xin lỗi đồng chí. Tôi đã sai. Điều đó tôi sai” (muốn nói đến sự chia cắt Việt Nam tại Geneva).


Sau khi Nixon rời khỏi Trung Quốc, một lần nữa, ông ta (Chu Ân Lai) đến Việt Nam để hỏi tôi về một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay lập tức, tôi nói với Chu Ân Lai: “Nixon đã gặp các đồng chí rồi. Chẳng bao lâunữa, họ (Hoa Kỳ) sẽ tấn công chúng tôi thậm chí còn mạnh hơn“.


Tôi hoàn toàn không sợ. Cả hai (Mỹ và Trung Quốc) đã thương lượng với nhau để đánh tôi mạnh hơn. Ông ta (Chu Ân Lai) đã không bác bỏ quan điểm này là vô căn cứ và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ gửi thêm súng đạn cho các đồng chí“.


Sau đó ông ta (Chu Ân Lai) nói (về mối lo ngại âm mưu bí mật Trung - Mỹ): “Không có điều đó“. Tuy nhiên, hai bên đã thảo luận làm thế nào để đánh chúng ta mạnh hơn, gồm các cuộc tấn công bằng bom B-52 và phong tỏa cảng Hải Phòng. Rõ ràng là như thế. 


Nếu Liên Xô và Trung Quốc đã không mâu thuẫn với nhau, thì Hoa Kỳ không thể tấn công chúng ta quyết liệt như họ đã tấn công. Khi hai [cường quốc Trung Quốc và Liên Xô] xung đột, người Mỹ đã không bị [phe đối lập là khối xã hội chủ nghĩa] cản trở. Mặc dù Việt Nam có thể thống nhất và đoàn kết với cả Trung Quốc lẫn Liên Xô, để đạt được điều này rất phức tạp, lúc đó chúng ta phải dựa vào Trung Quốc nhiều thứ. Lúc đó, hàng năm Trung Quốc cung cấp viện trợ 500.000 tấn thực phẩm, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa kể đến viện trợ đô la. Liên Xô cũng đã giúp bằng cách này. Nếu chúng ta không thể làm điều đó (đoàn kết và thống nhất với Trung Quốc và Liên Xô), mọi thứ sẽ rất nguy hiểm.


Mỗi năm tôi đã phải đi Trung Quốc hai lần để nói chuyện với họ (lãnh đạo Trung Quốc) về [các sự kiện] ở miền Nam Việt Nam. Về phía Liên Xô, tôi không phải nói gì cả (về tình hình ở miền Nam Việt Nam). Tôi chỉ nói một cách chung chung. Khi giao thiệp với Trung Quốc, tôi đã phải nói rằng cả hai [nước] đang đánh Mỹ. Tôi đã đi một mình.


Tôi phải có mặt về vấn đề này. Tôi đã đến đó và nói chuyện với họ nhiều lần bằng cách này, mục đích chính là để xây dựng quan hệ gần gũi hơn giữa hai bên (nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam). Chính xác là vào thời điểm đó Trung Quốc gây áp lực với chúng ta để xa lánh Liên Xô, cấm chúng ta không được đi với Liên Xô.


Họ đã làm rất căng. Đặng Tiểu Bình, cùng với Khang Sinh đã đến và nói với tôi: “Đồng chí, tôi sẽ giúp đồng chí vài tỷ [có lẽ là nhân dân tệ] mỗi năm. Đồng chí không thể nhận bất cứ thứ gì từ Liên Xô“.


Tôi không đồng ý điều này. Tôi nói: “Không, chúng ta phải đoàn kết và thống nhất với toàn bộ phe [xã hội chủ nghĩa]“.


Năm 1963, khi Khrushchev phạm sai lầm, ngay lập tức [Trung Quốc] ban hành một tuyên bố 25 điểm và mời đảng chúng ta đến cho ý kiến . Anh Trường Chinh và tôi đã đi cùng với một số anh em khác. Trong cuộc thảo luận, họ (Trung Quốc) lắng nghe chúng tôi đến, hình như là điểm thứ 10, nhưng khi đến điểm “không từ bỏ phe xã hội chủ nghĩa”, họ đã không nghe... Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về tài liệu của chính tôi, tôi muốn nghe ý kiến của các đồng chí, nhưng tôi không chấp nhận quan điểm này của các đồng chí“.


Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”.


Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực!”


Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi”. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam! Tôi sẽ nói với các đồng chí nhiều hơn để các đồng chí có thể thấy thêm về tầm quan trọng quân sự trong vấn đề này.


Mao hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?


Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.


Mao hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?


Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!


Mao nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!


Mao hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?


Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.


Mao hỏi: Có bao nhiêu người?


Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!


Mao nói: Lạy Chúa! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!


Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta (Mao) nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?” Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?“


Tôi đã nói với Mao Trạch Đông như thế. Ông ta nói: “Có, có!”


Ông ta muốn chiếm Lào, cả Thái Lan, cũng như muốn chiếm tất cả các nước Đông Nam Á. Đưa người dân đến sống ở đó. Quan điểm đó thật là phức tạp.


Trong quá khứ (nói đến vấn đề có thể xuất phát từ mối đe dọa của Trung Quốc trong thời gian này), chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều, không phải là chúng ta không chuẩn bị. Nếu chúng ta không chuẩn bị, tình hình gần đây sẽ rất nguy hiểm. Không phải là vấn đề đơn giản.


Mười năm trước, tôi đã triệu tập các anh em trong quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ mâu thuẫn với nhau. Đối với Trung Quốc, họ đã bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng này, các đồng chí phải nghiên cứu vấn đề này ngay lập tức. Tôi sợ rằng quân đội không hiểu ý tôi, nên tôi nói với họ rằng, không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ vẫn thấy khó hiểu. Hoàn toàn không dễ. Nhưng tôi không thể nói bằng cách nào khác. Và tôi đã không cho phép những kẻ khác túm lấy tôi.


Khi tôi đến Liên Xô, Liên Xô cũng làm khó tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một cuộc họp gồm 80 đảng [cộng sản] để hỗ trợ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [buổi hợp này] không chỉ đơn giản chỉ nhằm giúp Việt Nam, mà còn có mục đích lên án Trung Quốc. Nên Việt Nam đã không đi.


Liên Xô nói: “Bây giờ các đồng chí bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế [hay] là cái gì? Tại sao các đồng chí làm điều này?”


Tôi nói: “Tôi hoàn toàn không bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế. Tôi không bao giờ làm điều này. Tuy nhiên, để là người quốc tế, trước tiên phải đánh bại Mỹ. Và nếu một nước muốn đánh bại Mỹ, thì phải có sự thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đến hội nghị này, thì Trung Quốc sẽ gây nhiều khó khăn lớn với chúng tôi. Các đồng chí, hãy hiểu cho tôi“.


Tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến và tranh luận khác nhau. Chu Ân Lai đồng ý việc hình thành một mặt trận với Liên Xô để chống Mỹ. Một lần, khi tôi đi Liên Xô để dự lễ kỷ niệm quốc gia, tôi có đọc một bức điện Trung Quốc gửi sang Liên Xô, nói rằng: “Bất cứ khi nào có ai đó tấn công Liên Xô, thì Trung Quốc sẽ đứng bên cạnh các bạn“. Đó là vì đã có một hiệp ước hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc từ thời trước đó (tháng 2 năm 1950).


Ngồi cạnh Chu Ân Lai, tôi hỏi ông ta: “Trong bức điện gửi đến Liên Xô gần đây, đồng chí đồng ý thành lập một mặt trận với Liên Xô, nhưng tại sao các đồng chí không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai nói: “Chúng tôi có thể thành lập mặt trận chống Mỹ. Tôi chia sẻ quan điểm đó. Các đồng chí, tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [Việt Nam]”. Bành Chân cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Quan điểm này cực kỳ chính xác!”


Nhưng khi vấn đề được thảo luận tại Thượng Hải, Mao nói là không thể và hủy


bỏ nó. Các đồng chí thấy nó phức tạp như thế nào. Mặc dù Chu Ân Lai giữ vững một số quan điểm này, ông ta dù sao cũng đồng ý xây dựng một mặt trận và [ông ta] đã giúp Việt Nam rất nhiều. Cám ơn ông ta rằng tôi có thể hiểu [nhiều về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm. Có lần, ông ta nói với tôi: “Tôi đang làm hết sức mình để tồn tại ở đây, sử dụng Li Chiang tích lũy và hỗ trợ cho các đồng chí“. Thì ra vậy (tức là Chu Ân Lai đã sử dụng Li Chiang, để giúp người Việt Nam). Có nghĩa là, không có Chu Ân Lai, điều này sẽ hoàn toàn không thể xảy ra. Tôi đang mắc nợ ông ta. Tuy nhiên, không đúng để nói rằng các lãnh đạo khác của Trung Quốc hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Chu Ân Lai. Họ khác nhau nhiều thứ.


Phải nói rằng, người kiên quyết nhất là người có tinh thần Đại Hán và là người muốn chiếm Đông Nam Á, đó chính là Mao Trạch Đông. Tất cả các chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay ông ta.


Điều tương tự cũng áp dụng đối với các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao, [sự thật của vấn đề là] họ đã tấn công chúng ta. Trong quá khứ, Đặng Tiểu Bình đã làm hai điều mà hiện đang bị đảo lộn. Đó là, khi chúng ta giành chiến thắng ở miền Nam Việt Nam, nhiều [lãnh đạo] Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên, dù sao Đặng Tiểu Bình cũng chúc mừng chúng ta. Vì lý do này, ngay lập tức ông ta đã bị những người khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.


Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối, tôi dẫn đầu phái đoàn, và tôi đã gặp phái đoàn Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đứng đầu. Khi nói về vấn đề lãnh thổ, gồm cả việc thảo luận về một số hòn đảo, tôi nói: “Hai đất nước chúng ta ở gần nhau, Có một số vùng lãnh thổ của chúng ta vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hai bên nên thành lập các cơ quan để xem xét vấn đề này. Các đồng chí, làm ơn đồng ý với tôi [về vấn đề này]”. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) đồng ý, nhưng sau khi làm như vậy, ngay lập tức ông ta bị nhóm lãnh đạo khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.


Nhưng bây giờ ông ta (Đặng Tiểu Bình) điên rồi. Bởi vì ông ta muốn cho mọi người thấy rằng ông ta không phải là người theo chủ nghĩa xét lại, cho nên ông ta đã tấn công Việt Nam mạnh hơn. Ông ta để cho họ tiếp tục tấn công Việt Nam.


 Sau khi đánh bại Mỹ, chúng ta giữ lại hơn một triệu quân, các đồng chí lãnh đạo Liên Xô hỏi chúng tôi: “Các đồng chí định đánh với ai mà giữ lại một đội quân thường trực lớn như vậy?” Tôi nói: “Sau này, các đồng chí sẽ hiểu”.


Lý do duy nhất chúng ta giữ quân đội thường trực như thế là vì mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nếu không có [một mối đe dọa như thế], thì điều này (quân đội thường trực lớn) sẽ không cần. Gần đây, bị tấn công trên hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rằng] rất nguy hiểm nếu chúng ta đã không được duy trì một đội quân lớn. (B) (Ý nghĩa của chữ “B” này trong văn bản gốc không rõ ràng)


 Sau Đệ nhị Thế chiến, tất cả mọi người tin rằng tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ. Họ có thể tiếp quản và bắt nạt cả thế giới. Tất cả các nước, gồm các nước lớn đều sợ Mỹ. Chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ.


Tôi hiểu vấn đề này vì công việc đã dạy tôi. Người đầu tiên sợ [Mỹ] là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, đó là, Việt Nam và Lào, rằng: “Ngay lập tức, các ông phải chuyển giao hai tỉnh của Lào đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu các ông không làm như vậy, thì Mỹ sẽ sử dụng điều đó làm lý do tấn công. Đó là mối nguy lớn”.


Về phía Việt Nam, chúng tôi đã nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam“. Ông ta (Mao) nói: “Các ông không thể làm điều đó. Miền Nam Việt Nam phải nằm đợi trong một thời gian dài, đợi một đời, 5-10 đời hoặc thậm chí 20 đời kể từ bây giờ. Các ông không thể đánh Mỹ. Đánh Mỹ là nguy hiểm”. Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến mức độ đó... 


Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiếp tục chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam Việt Nam sẽ không được giải phóng. Một đất nước chưa được giải phóng sẽ vẫn là một đất nước lệ thuộc. Không ai có được độc lập nếu chỉ có một nửa đất nước được tự do. Không có được độc lập cho đến năm 1975, đất nước chúng ta cuối cùng có được độc lập hoàn toàn. Có độc lập, tự do sẽ đến. Tự do phải là tự do cho cả nước Việt Nam ...


Engels đã nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó, Liên Xô, Trung Quốc và chính chúng ta cũng đã nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước rất khác về nội dung [chiến tranh nhân dân]. Không đúng là chỉ vì các bạn có hàng triệu người, thì các bạn có thể làm bất cứ điều gì các bạn muốn. Trung Quốc cũng nói đến chiến tranh nhân dân, tuy nhiên, [họ cho rằng] “khi kẻ thù tiến lên, thì chúng ta phải rút lui”.. Nói cách khác, phòng thủ là chính, và chiến tranh được chia thành ba giai đoạn, vùng nông thôn được sử dụng để bao vây thành thị, trong khi [các lực lượng chính] chỉ ở lại trong rừng núi... Người Trung Quốc ở thế phòng thủ và rất yếu [trong Đệ nhị Thế chiến].


Ngay cả với 400 triệu người đọ sức với quân đội Nhật Bản có 300.000 –400.000 quân, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại họ.


 Tôi phải lặp lại điều này như thế, vì trước khi Trung Quốc gửi cố vấn cho chúng ta, một số anh em Việt Nam chúng ta không hiểu. Họ nghĩ rằng [Trung Quốc] rất có khả năng. Nhưng họ không có kỹ năng và do đó chúng ta đã không làm theo [những lời khuyên của Trung Quốc].


Năm 1952, tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc vì tôi bị bệnh và cần điều trị. Đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài. Tôi đặt câu hỏi cho họ (Trung Quốc) và thấy nhiều điều rất lạ. Có những khu vực [đã bị] quân Nhật chiếm đóng, mỗi khu có dân số khoảng 50 triệu người, nhưng không có lấy một chiến binh du kích...


Khi tôi từ Trung Quốc trở về, tôi đã gặp Bác [Hồ]. Bác hỏi tôi:


- Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài, phải không?


- Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đi ra nước ngoài.


- Chú đã thấy gì?


- Tôi thấy hai điều: Việt Nam rất dũng cảm và họ (Trung Quốc) không dũng cảm chút nào.


Tôi hiểu điều này kể từ ngày đó. Chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn khác với họ. Lòng can đảm vốn có trong con người Việt Nam và do đó chúng ta chưa bao giờ có một chiến lược phòng thủ (ý nói ở thế thủ). Mọi người dân chiến đấu.


Gần đây, họ (Trung Quốc) đã mang hàng trăm ngàn quân vào xâm chiếm nước ta (1979). Hầu hết, chúng ta đã sử dụng lực lượng dân quân và quân đội trong vùng để tấn công họ. Chúng ta không ở thế thủ và do đó họ phải lùi bước.


Họ không thể quét sạch dù một trung đội Việt Nam, trong khi chúng ta đã xóa sổ vài trung đoàn và hàng chục tiểu đoàn của họ. Có được như vậy là vì chiến lược tấn công của chúng ta. Đế quốc Mỹ đã đánh với chúng ta trong một cuộc chiến kéo dài. Họ rất mạnh, nhưng họ đã thua. Nhưng có một yếu tố đặc biệt, đó là những mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô. [Vì điều này,] họ đã tấn công chúng ta mạnh như thế này.... Việt Nam đã chiến đấu chống Mỹ, và đã chiến đấu rất quyết liệt, nhưng chúng ta biết rằng Hoa Kỳ là một nước rất lớn, khả năng tích lũy hơn 10 triệu quân và đưa tất cả các loại vũ khí được xem là mạnh của họ vào để đánh chúng ta. Vì vậy, chúng ta đã phải chiến đấu trong một thời gian dài để làm cho cho họ giảm leo thang. Chúng ta là những người có thể làm được điều đó, Trung Quốc thì không thể. Khi quân đội Mỹ tấn công Quong Tre (Quảng Trị?), ngay lập tức Bộ Chính trị ra lệnh đưa quân đội vào chiến đấu. Chúng ta không sợ.


Sau đó tôi đi Trung Quốc gặp Chu Ân Lai. Ông ta nói với tôi: “Điều đó (cuộc tấn công vào Quảng Trị) có lẽ là chưa từng có, có một không hai. Chỉ có một [cơ hội] trên đời này, không có cơ hội thứ hai. Không ai dám làm những điều các đồng chí đã làm“.


... Chu Ân Lai là người đứng đầu Bộ Tham mưu. Ông ta dám nói, ông ta thẳng thắn hơn. Ông ta nói với tôi: “Nếu tôi biết trước cái cách mà các đồng chí sử dụng, chúng tôi không cần Vạn lý Trường chinh“. Vạn lý Trường chinh là gì? Vào đầu cuộc hành quân có 300.000 quân, đến cuối Vạn lý Trường chinh chỉ còn 30.000 quân. 270.000 người đã chết. Thực sự ngu ngốc khi thực hiện cách này. Nói như vậy để các đồng chí biết chúng ta đang đi trước họ như thế nào. Trong tương lai không xa, nếu chúng ta chiến đấu chống lại Trung Quốc, chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng ... Tuy nhiên, sự thật là nếu một nước khác [không phải Việt Nam] chiến đấu chống lại Trung Quốc, không rõ họ có giành được chiến thắng như thế này không (như Việt Nam).


... Nếu Trung Quốc và Liên Xô thống nhất với nhau, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta hay không. Nếu hai nước thống nhất và liên kết với nhau để giúp chúng ta, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta cái cách mà họ đã đánh. Họ sẽ do dự ngay từ đầu. Họ sẽ do dự như thời Kennedy. Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, tất cả đã


giúp Lào và ngay lập tức Mỹ ký một hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân Mỹ sang Lào, họ để cho Đảng [Nhân dân Cách mạng] Lào tham gia chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.


Sau đó, khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] xung đột với nhau, Mỹ được [Trung Quốc] thông báo là họ có thể tiến tới và tấn công Việt Nam mà không sợ. Đừng sợ [sự trả đũa của Trung Quốc]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đã nói với Mỹ: “Nếu các ông không tấn công tôi, thì tôi sẽ không tấn công các ông. Các ông có thể đưa nhiều quân vào miền Nam Việt Nam mà các ông muốn. Tùy các ông“.


... Hiện tại, chúng ta có biên giới với một nước rất mạnh, một nước với ý đồ bành trướng mà nếu muốn được thực hiện, phải bắt đầu với một cuộc xâm lược Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải chung vai gánh vác, vai trò lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ trốn tránh trách nhiệm lịch sử. Trước đây, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ của mình, và lần này Việt Nam xác định không cho phép họ bành trướng. Việt Nam giữ độc lập riêng mình và làm như vậy cũng là để bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Việt Nam kiên quyết không để Trung Quốc thực hiện âm mưu bành trướng. Trận đánh gần đây [với Trung Quốc] chỉ là vòng một. Hiện họ vẫn còn chuẩn bị nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bất kể họ chuẩn bị đến mức độ nào, Việt Nam cũng sẽ thắng ...


 Tiến hành chiến tranh không phải là đi bộ thong thả trong rừng. Gửi một triệu quân vào cuộc chiến chống lại một nước ở bên ngoài liên quan đến vô số khó khăn. Gần đây họ đưa 500.000 –600.000 binh lính để đánh chúng ta, nhưng họ đã không có thiết bị vận tải đầy đủ để cung cấp lương thực cho quân đội của họ. Trung Quốc hiện đang chuẩn bị 3,5 triệu quân, nhưng họ phải để lại một nửa số quân đó ở biên giới [Trung


-Xô] để ngăn chặn Liên Xô. Vì lý do đó, nếu họ đưa 1 hoặc 2 triệu quân vào để đánh chúng ta, chúng ta sẽ không sợ bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ có 600.000 quân tham gia, và trong tương lai gần, nếu chúng ta phải đánh với 2 triệu quân, sẽ không có vấn đề gì


cả. Chúng ta không sợ.Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta biết cách đánh. Nếu họ đưa 1 triệu quân, họ sẽ chỉ giành được một chỗ đứng ở miền Bắc. Đi xuống vùng trung du, vùng đồng bằng và Hà Nội và thậm chí xuống dưới sẽ khó khăn hơn nữa.


Các đồng chí, như các đồng chí biết, bọn Hitler tấn công quyết liệt theo cách này, nhưng khi họ (Đức Quốc xã) đến Leningrad, họ không thể vào được. Với thành phố, người dân và các công trình phòng thủ, không thể nào thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả chống lại mỗi người và mọi người. Thậm chí đánh trong hai, ba hoặc bốn năm, họ vẫn không thể vào. Mỗi làng ở đó (ở miền Bắc) thì giống như thế. Đường lối của chúng ta là: mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và họ sẽ không thể nào vào được cả.


Tuy nhiên, không bao giờ đủ khi chỉ đánh kẻ thù ở tiền tuyến. Phải có một đội quân hậu tập trực tiếp mạnh mẽ. Sau trận đánh gần đây kết thúc, chúng tôi đánh giá rằng, trong tương lai không xa, chúng ta phải đưa thêm vài triệu người đến mặt trận phía Bắc. Nhưng kẻ thù đến từ phía bắc, hậu phương trực tiếp cho cả nước phải là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh ... Hậu phương trực tiếp bảo vệ thủ đô phải là Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Chúng ta có đủ người. Chúng ta có thể đánh chúng bằng nhiều cách ...


Chúng ta có thể sử dụng 2-3 quân đoàn để giánh một cú mạnh vào chúng, sẽ làm cho chúng lảo đảo, trong khi chúng ta tiếp tục giữ đất của chúng ta. Để đạt được mục đích này, mỗi người lính phải là một người lính thực và mỗi đội phải là một đội hình thực sự.


 


Bây giờ đã đánh xong một trận rồi, chúng ta không nên chủ quan. Chủ quan và đánh giá thấp kẻ thù là sai lầm, nhưng thiếu tự tin cũng sai. Chúng ta không chủ quan, chúng ta không đánh giá thấp kẻ thù. Nhưng chúng ta cũng tự tin và vững tin vào chiến thắng của chúng ta. Chúng ta cần phải có cả hai điều này.


 Bây giờ Trung Quốc có âm mưu đánh [chúng ta] để mở rộng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay họ không thể đánh và dọn dẹp một cách dễ dàng. Trung Quốc chỉ đánh Việt Nam có vài ngày mà cả thế giới đã hét lên: “Không được đụng đến Việt Nam”! Thời đại hiện nay không giống như thời xưa. Trong những ngày này, không chỉ có chúng ta và họ (muốn nói Trung Quốc). Bây giờ cả thế giới đang gắn chặt với nhau. Loài người vẫn chưa hoàn toàn đi vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa, nhưng đây là lúc mọi người đều muốn độc lập và tự do. [Ngay cả] trên các đảo nhỏ, người dân cũng muốn độc lập, tự do. Cả nhân loại hiện nay như thế. Điều đó là rất khác với thời xưa. Thời đó, người dân chưa nhận thức rõ những điều


này. Do đó, câu của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là một ý tưởng của thời đại hiện nay. Đụng đến Việt Nam là đụng đến nhân loại và xâm phạm độc lập, tự do ... Việt Nam là một quốc gia tượng trưng cho độc lập và tự do.


 Khi phải chiến đấu chống Mỹ, anh em chúng ta trong Bộ Chính trị đã thảo luận với nhau về vấn đề này, cân nhắc liệu chúng ta có dám đánh Mỹ hay không. Tất cả đều đồng ý đánh. Bộ Chính trị đã bày tỏ quyết tâm: để chiến đấu chống Mỹ, chúng ta không sợ Mỹ. Tất cả đều đồng tâm. Khi tất cả đã đồng ý đánh Mỹ, không sợ Mỹ, chúng ta cũng không sợ Liên Xô. Tất cả đều đồng ý. Chúng ta cũng không sợ Trung Quốc. Tất cả đều đồng ý. Nếu chúng ta không sợ ba điều này, chúng ta có thể đánh Mỹ. Đó là cách chúng tôi đã thực hiện trong Bộ Chính trị hồi đó.


Mặc dù Bộ Chính trị đã gặp và tổ chức các buổi thảo luận như thế và mọi người đồng lòng, sau này có một người đã nói với một đồng chí điều mà tôi đã nói. Đồng chí đó đặt câu hỏi cho Bộ Chính trị, hỏi lý do gì mà Anh Ba một


lần nữa lại nói rằng, nếu chúng ta muốn đánh Mỹ, thì chúng ta không nên sợ Trung Quốc? Tại sao anh ấy phải nói như vậy nữa?


Lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh, người đã bị nghi là có cảm tình với Trung Quốc, đứng lên và nói: “Kính thưa Bộ Chính trị và kính thưa Bác Hồ, lời phát biểu của Anh Ba là đúng. Phải nói như thế (ý nói không cần phải sợ Trung Quốc), vì họ (Trung Quốc) gây rắc rối cho chúng ta nhiều điều. Họ chặn chúng ta ở chỗ này, rồi họ trói tay chúng ta ở chỗ kia. Họ không cho chúng ta đánh...“


Trong khi chúng ta đánh ở miền Nam Việt Nam, Đặng Tiểu Bình quy định rằng tôi chỉ có thể đánh ở mức trung đội trở xuống và không được đánh ở mức cao hơn. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) nói: “Ở miền Nam, do các ông phạm sai lầm về việc đã khởi động đánh trước, các ông chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống, không được đánh ở mức cao hơn”. Họ gây áp lực lên chúng ta như thế.


 Chúng ta không sợ ai cả. Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta có lẽ phải. Chúng ta không sợ ngay cả anh trai của chúng ta. Chúng ta cũng không sợ bạn bè của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không sợ kẻ thù của chúng ta. Chúng ta đã đánh họ rồi. Chúng ta là con người, chúng ta không sợ bất cứ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết chúng ta


độc lập. Chúng ta phải có một quân đội mạnh mẽ, bởi vì đất nước chúng ta đang bị đe dọa và bị bắt nạt ... Không thể khác được. Nếu không, thì sẽ nguy hiểm vô cùng, nhưng đất nước chúng ta nghèo.


 Chúng ta có một quân đội mạnh, điều đó không có cách nào làm nhụt chí chúng ta. Có một số chính sách của Trung Quốc đối với chúng ta: xâm lược và chiếm đóng nước ta, tìm cách làm suy yếu chúng ta về kinh tế và làm cho điều kiện sống của chúng ta khó khăn. Vì những lý do này, để chống lại Trung Quốc, trước hết, chúng ta phải,


không những chiến đấu, mà còn làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục đích này, theo tôi, quân đội của chúng ta không nên là một lực lượng lãng phí nguồn lực của nhà nước, mà nên là một lực lượng sản xuất mạnh mẽ. Khi kẻ thù đến, họ (những người lính) cầm súng ngay lập tức. Khi không có kẻ thù, thì họ sẽ sản xuất đàng hoàng. Họ sẽ là biểu tượng tốt nhất và cao nhất trong sản xuất, sản xuất nhiều hơn bất cứ người nào khác. Dĩ nhiên, đó không phải là một câu chuyện mới ...


 Hiện nay, trên vai quân đội của chúng ta đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử: bảo vệ độc lập và tự do của chúng ta, trong khi cùng lúc bảo vệ hòa bình và độc lập trên toàn thế giới. Nếu chính sách bành trướng của bè lũ phản động Trung Quốc không thể thực hiện được nữa, sẽ là lợi ích của cả thế giới.


Việt Nam có thể làm điều này. Việt Nam có 50 triệu người rồi. Việt Nam có những người bạn Lào và Campuchia và có địa thế vững chắc. Việt Nam có phe [XHCN] và tất cả nhân loại đứng về phía ta. Rõ ràng là chúng ta có thể làm điều này.


... Các đồng chí có biết người nào trong đảng chúng ta, trong nhân dân của chúng ta, nghi chúng ta sẽ thua Trung Quốc? Dĩ nhiên là không có ai cả. Nhưng chúng ta phải duy trì các mối quan hệ bạn bè của chúng ta. Chúng ta không muốn hận thù dân tộc. Tôi lặp lại: tôi nói điều này bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Tôi không cảm thấy như thế. Đó là họ đánh chúng ta.


Hôm nay tôi cũng muốn các đồng chí biết rằng trong thế giới này, người đã bảo vệ Trung Quốc là chính tôi! Đó là sự thật. Tại sao vậy? Bởi vì trong hội nghị tháng 6 năm 1960 tại Bucharest, 60 đảng đứng lên chống lại Trung Quốc, nhưng chỉ có mình tôi là người bảo vệ Trung Quốc. Việt Nam chúng ta là thế. Tôi sẽ tiếp tục lặp lại điều này: Tuy họ cư xử tồi tệ, chúng ta biết rằng người của họ là bạn của chúng ta. Về phía chúng ta, chúng ta không cảm thấy xấu hổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu của một số lãnh đạo (Trung Quốc) là một vấn đề khác. Chúng ta coi họ chỉ là một bè lũ. Chúng ta không nói tới đất nước họ. Chúng ta không nói người dân Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói bè lũ phản động Bắc Kinh. Tôi nói lại điều này một lần nữa một cách nghiêm túc như thế.


Vì vậy, chúng ta hãy kiểm soát tình hình chặt chẽ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và không bao giờ nới lỏng sự cảnh giác. Về mối quan hệ với Trung Quốc cũng vậy. Tôi tin rằng trong 50 năm, hoặc thậm chí trong 100 năm, chủ nghĩa xã hội có thể thành công, và lúc đó chúng ta sẽ không bị vấn đề này nữa. Nhưng sẽ mất một thời gian [dài] như thế. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.


Hiện nay, chắc chắn không ai còn nghi ngờ nữa. Nhưng cách đây năm năm, tôi dám chắc rằng [không có] đồng chí nào nghi ngờ Trung Quốc có thể đánh chúng ta. Nhưng có. Đó là vì các đồng chí [này] không có kiến thức về vấn đề này. Nhưng đó không phải là trường hợp của chúng tôi (Lê Duẩn và ban lãnh đạo).


Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã và đang tấn công chúng ta [cách đây] mười năm hoặc hơn. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên [về cuộc tấn công của Trung Quốc vào tháng 2 năm 1979]./


Chú thích: Đọc tài liệu này nhớ tới việc Ai trong Bộ chính trị đã đồng ý cho phép Trung quốc đưa “chuyên gia” vào Tây nguyên khai thác bauxite? Ai đã cho phép Trung quốc lập những “làng hồng kông” người Hoa trên một số tỉnh thành? Ai đã cho phép TQ thuê 50 năm đầu rừng ở các tỉnh biên giới Việt Trung?


Lê Duẩn: Bè lũ phản động Bắc Kinh xâm lược từ Biển Đông
24 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3793)