Nguyễn Ngọc Bích tìm ra "Long nữ " Việt Nam

14 Tháng Sáu 201511:56 CH(Xem: 7104)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 15 JUNE 2015

Nguyễn Ngọc Bích: tìm ra "Long nữ " Việt Nam
blank 
Nguyễn Ngọc Bích đọc
blank
Năm ngoái, con trai thứ của bà Ngô Đình Nhu, anh Ngô Đình Quỳnh, cho xuất bản ở Pháp hồi-ký của mẹ anh mang tên Le Caillou Blanc (“Hòn cuội trắng”) dưới tên La République du Việt-Nam et les Ngô-Đình (“Việt-nam Cộng-hòa và nhà Ngô-đình”).  Tôi may mắn nhờ Ca Dao mua được cho một cuốn ở hôm ra mắt cuốn sách.  Nhưng đọc, ta thấy khá ngỡ ngàng vì cuốn hồi-ký do chính bà Nhu viết bằng tiếng Pháp đã bị cắt xén, sắp xếp lại khá nhiều bởi chính anh Quỳnh và em gái, Ngô Đình Lệ Quyên, cùng với một người bạn của gia-đình, bà Jacqueline Willemetz.

    Sở dĩ ta biết có chuyện này là vì theo Monique Brinson Demery, tác-giả cuốn Finding the Dragon Lady (mà tôi xin tạm dịch ra thành “Tìm ra ‘Long Nữ” Việt-nam”), hồi-ký Le Caillou Blanc của bà Nhu Trần Lệ Xuân gồm hai tập dầy, viết một cách khá lộn xộn (như một tài-liệu “viết bằng mã-số,” trang 194).  Nhưng dù như ta chỉ được đọc phần được trích dẫn trong sách của anh Quỳnh thì ta cũng sẽ thấy là bà Nhu tự coi mình như là một người được Chúa gọi để thực-hiện một sứ-mạng dưới trần-gian này, kể cả mang thánh-giá cho dân-tộc VN (như Chúa Giê-su vậy).  Nói cách khác, bà là một người hoang-tưởng nhưng không phải vì thế mà bà sai trong một số những nhận-định hay tiên-đoán của bà.

    Bà có cái nhìn rộng, một thứ nhìn chiến-lược vì trong một thế-giới trọng nam khinh nữ của thời Đệ nhất Cộng-hòa, bà đã dám tranh đấu cho phụ-nữ-quyền (qua luật Gia Đình của bà), dám nghĩ đến động-viên phụ nữ vào chuyện chống Cộng giữ nước (“giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”), đòi cho chính mình một tiếng nói vào chuyện quốc gia đại-sự.  Như đã hơn một lần bà khuyên hai anh em ông Diệm (trong vụ chính-biến ngày 11/11/1960, chẳng hạn) mà rồi đã tỏ ra là bà đúng (lần đó bà khuyên hai ông Diệm-Nhu cứ nên cứng rắn với phe đảo chánh).

    Nhưng có một điều là bà không giữ được cái miệng của bà.  Sử-gia Demery không biết là người bình-dân Việt-nam có câu “vạ miệng” rất chính-xác để mô-tả cái tật đó của bà Nhu.  Khi gọi sự hy-sinh của Thượng-tọa Thích Quảng Đức là một vụ “nướng sư” (“monk’s barbecue”) và còn tuyên-bố là bà sẽ vỗ tay khi họ tiếp-tục thì khẩu-nghiệp của bà đã nặng quá: bà đã tỏ ra cho cả thế-giới biết là bà không có lòng nhân tối-thiểu, một sự thương xót rất con người mà thậm chí đẩy cả bố mẹ bà đi đến chỗ phải từ bà.
 blank
    Bà có một khả-năng chối bỏ sự thật rất kinh hoàng, như khi bà không tin là em bà, Trần Văn Khiêm, đã giết cả bố lẫn mẹ, ông bà cựu-đại-sứ Trần Văn Chương, trong một cơn điên ở Washington.  Bà nhất-quyết cho đó là một sự “frame up” tức có người âm-mưu nhằm đưa ông Khiêm vào chốn tù tội và làm nhơ nhớp tiếng tăm của gia-đình bà (trang 14).  Bà còn hoang-tưởng trong nhiều chuyện khác nữa nhưng ai cũng phải công-nhận bà là một người đàn bà can đảm, dám nói, dám làm.  Nhà báo Morley Safer của chương-trình 60 Minutes trên CBS đã viết về cuốn sách của bà Demery:

    “Người ta nói về [nhà thơ] Lord Byron là ông ta ‘điên, tệ hại, và nguy hiểm đối với ai biết ông ta.’  Đem áp-dụng nhận-định đó cho bà Trần Lệ Xuân… cũng không phải là dở.  Monique Brinson Demery đã khéo léo bắt nắm được cả thời-đại của người phụ nữ đã dám thách thức cả chính-phủ của mình, các lực-lượng Cộng-sản Bắc-Việt, và cả người Mỹ nữa.”

    Cuối cùng, với một cái nhìn lại sau 50 năm, với sự nguôi ngoai của giận hờn, yêu ghét thì có lẽ như một nhân-vật trong kịch của Shakespeare hay như một con người của bi-kịch Hy-lạp, bà Nhu đã hiện ra như một con người bị Định Mệnh đuổi theo ráo riết, không khoan nhượng.  Bà đang ở Los Angeles mổ một khối u ở mắt thì được tin chồng bà và anh chồng đã bị bên quân-nhân đảo chánh giết chết một cách dã-man, bà nói liền với các nhà báo Mỹ: “Tôi có thể tiên-đoán với tất cả Quý Vị rằng câu chuyện Việt-nam đến đây mới chỉ là bắt đầu.”
blank
    Ba tuần sau, chính Tổng-thống Kennedy bị Lee Oswald bắn chết ở Dallas, Texas.  Tổng-thống Johnson lên cầm quyền, đưa quân ồ ạt vào Việt-nam.  Và câu chuyện Việt-nam kéo dài và kết thúc bi đát làm sao, chúng ta đều biết cả.
    Và trong câu chuyện lớn giữa Việt-nam và Hoa-kỳ, có lẽ cũng ít có hai gia-đình nào bị tắm máu trong bi-kịch như hai gia-đình Kennedy và Ngô Đình, trong đó có bà Nhu, con bà và bố mẹ bà.
blank
    Điều đáng phục là tác-giả cuốn Finding the Dragon Lady, sử-gia Monique Brinson Demery, sinh năm 1976 sau chiến-tranh Việt-nam.  Tuy không có một ký-ức nào từ cuộc chiến của Mỹ ở Việt-nam, bà đã tò mò muốn tìm hiểu, đi học về Á-đông-học để tìm hiểu, kể cả sang Hà-nội học hai năm tiếng Việt để có đủ vốn chữ nghĩa lần mò vào các văn-khố Pháp (mẹ bà là người Pháp), văn-khố Mỹ, sưu-tập về chiến-tranh của ông Douglas Pike, các thư-viện của các Tổng-thống Kennedy, Nixon và Johnson, để tìm ra không biết bao nhiêu chi-tiết về cuộc chiến, về gia-đình Ngô Đình và về bà Nhu.  Nhờ vào sự kiên trì không bỏ cuộc, bà đã may mắn tìm được hồi-ký của bà Nhu viết vào các năm 1959-63 (do một quân-nhân Mỹ, ông James Van Thach giữ được) rồi lại được chính bà Nhu gởi cho hồi-ký viết vào cuối đời bằng tiếng Pháp, Le Caillou Blanc, để chiết lọc được ra những sự thật về một con người mà ít ai, kể cả người Việt, đã có thể nói được là hiểu nhiều trong lịch-sử nước ta.  Dù như không bao giờ được gặp trực-diện bà Nhu, ta phải ngả mũ chào tác-giả Demery là đã viết nên được “one hell of a story” (“một câu chuyện thần sầu”) như một bài báo trên tờ Daily Beast viết.

+++++++++++++++++++++++++++++++

ROYAL HUE

(“Huế Hoàng-triều”)
Biên khảo ● VŨ HỒNG LIÊN
♦ NGUYỄN NGỌC BÍCH giới-thiệu

    Thấy quyển này được quảng-cáo trên Amazon cách đây gần 4 năm, tôi đã đặt mua ngay nhưng rồi ngày qua ngày, nhiều tháng đến cả năm qua, vẫn chưa thấy sách đến tôi đã bắt đầu bỏ cuộc thì bỗng chủ-nhật vừa rồi FedEx mang tức tốc đến cho tôi.

    Mở ra, tôi đã rất mừng là 551 hình màu của nhiếp-ảnh-gia người Thái, anh Paisarn Piemmettawat, thật tuyệt vời, xứng đáng với Huế là một di-sản văn-hóa thế-giới, chưa kể còn 9 bản-đồ và 19 họa-đồ các lăng tẩm và Tử-cấm-thành, tức Thành Nội như cách gọi của người địa-phương.

    Sách chia ra những chương như: Triều Nguyễn (giới-thiệu 13 đời vua từ Gia Long đến Bảo Đại), Huế thủ-đô (như được xây dựng trong gần một thế-kỷ rưỡi, trong đó có cả sự đóng góp của người Pháp như cầu Tràng tiền là do kỹ-sư Eiffel), Huế xưa và nay: Các danh-lam thắng-cảnh (Ngọ-môn, Điện Thái-hòa, Tử-cấm-thành, Thái-miếu, Thế-miếu, Hiển-lâm-các, Cửu Đỉnh, Cung Diên-thọ, Tàng-thơ-lâu, Hồ Tịnh-tâm, Kỳ-đài, Phú-văn-lâu, Thương Bạc v.v.), Thung lũng lăng tẩm (Thiên-thọ-lăng của Gia Long, Hiếu-lăng của vua Minh Mạng, Xương-lăng, Khiêm-lăng của Tự Đức, Ứng-lăng của Khải Định), Những thắng-cảnh quan trọng khác (Cầu ngói Thanh-toàn, Chùa Thiên-mụ, Văn-miếu, Điện Hòn chén, Cung An-định, Bảo-tàng Cổ-vật tức Bảo-tàng Khải Định cũ), và cuối cùng là vài địa-điểm nổi tiếng của Huế như khu Gia-hội, khu phố cổ Huế, bãi biển Thuận-an.  Cuối cùng còn một chương về Đời sống tại triều-đình mô-tả lễ tấn phong Thái-tử (1922) rồi lễ đăng quang của vua Bảo Đại (1932) cũng như ngày thoái vị của ông vào năm 1945, bên cạnh những lễ-tiết khác như lễ tế Nam-giao, ngày Tết ở trong triều, những sinh-hoạt khác nữa (các thú vui của nhà vua, ngự-thiện tức các bữa ăn của vua).

    Đây căn-bản là một cuốn sách tuyệt diệu dành cho du-khách đến thăm Huế và muốn biết chi-tiết về các nơi thăm viếng.  Tác-giả đã khôn khéo viết về Huế thời các vua chúa thôi nên đã không động chạm đến những trang lịch-sử bi đát của Huế (như vụ tàn-sát Mậu-thân do CS).  Đọc sách này, ta nên có cuốn Từ điển nhà Nguyễn vĩ đại của Võ Hương An (Nhà xb Nam Việt, 2012) đi kèm (theo tôi hiểu, đang được tái-bản với nhiều bổ sung).  Hơi tiếc là cuốn của bà Võ Hồng Liên vẫn còn một số lỗi như cho thủ-đô của Nguyễn Huệ là ở Thăng-long hay cho nhà Tây-sơn công lao thống nhất đất nước (trang 27).

♦ Tiểu-sử tác-giả VÕ HỒNG LIÊN

    Tiến-sĩ Vũ Hồng Liên sinh ở Hà-nội, lớn lên ở Sài-gòn xong sang Anh làm việc nhiều năm ở BBC.  Lấy bằng Tiến-sĩ Sử-học ở Trường Đông-phương và Phi-châu-học (SOAS), University of London.  Hiện bà cũng đang là giảng-viên ở SOAS.

Ở Mỹ sách có thể mua trên Amazon Books – 272 trang – giá 25 USD
28 Tháng Năm 2017(Xem: 5361)