Mai Loan: "Tranh chấp biển Đông"

26 Tháng Sáu 201512:10 SA(Xem: 6410)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 26 JUNE 2015
 blank
Tranh chấp biển Đông

Mai Loan

Cuộc tranh giành ảnh hưởng và sức mạnh giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Cộng tại Á Châu, đặc biệt là tại vùng Biển Đông, càng ngày càng có nhiều dấu hiệu leo thang khiến cho nhiều người chú ý nhưng vẫn không biết chắc sự chuyển biến sẽ ra sao.

Nói theo ngôn ngữ của giới truyền thông, cả hai bên không phải chỉ gườm nhau thủ thế để chờ động tịnh của đối phương, mà còn như đang đi những bước đầu nhưng vẫn dè chừng xem phía bên kia sẽ phản ứng mạnh mẽ đến mức nào. Vì thế nên cả hai bên đều phải căng thẳng theo dõi tình hình, không bên nào dám chợp mắt vì chỉ sợ đối phương nhanh tay chiếm lấy thế thượng phong.

Phải chăng vì vậy mà tờ The Economist đã dùng tựa đề “Try not to blink” trong bài báo nhận định về tình hình căng thẳng hiện nay.  To blink là một hành động chớp mắt, hay nheo mắt, tức là không nhìn thấy rõ mọi việc; nhưng đôi lúc nó cũng có nghĩa là chịu nhường bước sau khi hai bên đã căng thẳng so kè với nhau.

Sự việc xảy ra sau khi Trung Cộng đã cho tiến hành một cách nhanh chóng kế hoạch tiến chiếm nhiều vùng đất quanh quần đảo Spratly (Trường Sa) trong thời gian gần đây. Đúng hơn, phía Trung Cộng đã đẩy mạnh công tác vớt cát quanh các bãi cạn ở vùng này để bồi đắp thành những ốc đảo rộng lớn và vững chắc hơn, mà trên đó họ có thể thiết lập những căn cứ quân sư,ï bao gồm cả một phi đạo để cho các phi cơ quân sự có thể đáp xuống dễ dàng.

Dĩ nhiên, ai cũng thấy đây là một hành động ngang ngược xâm chiếm những vùng đất đai và ốc đảo vốn đang bị tranh chấp bởi nhiều quốc gia khác nhau trong đó có cả Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương (Indonesia) và Brunei. Nhưng vì tất cả những nước này đều ở thế yếu nên chỉ biết lên tiếng phản đối trong khi anh khổng lồ Trung Cộng chỉ biết dùng sức mạnh thô bạo của mình để ra tay trước, với tham vọng và mưu đồ đặt mọi người trước sự việc đã rồi. Mục đích của Trung Cộng là sau khi chiếm được những vùng đất này thì coi như sẽ giành chủ quyền trên vùng biển tại đây, vốn là một hành lang lưu thông quan trọng cho việc tự do giao thương từ trước tới nay. Ngoài ra, vùng biển tại đây cũng được đánh giá như là một nơi có chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên về dầu hoả và khí đốt dưới lòng biển.

Tuy nhiên, không phải chỉ có các quốc gia yếu thế và nhỏ bé như Việt Nam và Phi Luật Tân phản đối, nhưng đại siêu cường thế giới là Hoa Kỳ cũng không chấp nhận điều này, dù rằng bờ biển của nước Mỹ nằm cách xa vùng này đến cả ngàn cây số. Lý do là vì tuy Hoa Kỳ không có chủ quyền tại đây, nhưng từ lâu Hoa Kỳ đã bảo vệ quyền tự do đi lại của tầu bè trên hải phận quốc tế. Không những chỉ bảo vệ quyền tự do cho tầu bè của Mỹ, Hoa Kỳ cũng còn dùng sức mạnh quân sự của mình để bảo vệ quyền tự do này cho các tầu bè của các nước khác vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của các nước đó, đặc biệt là các nước đồng minh hợp tác với Hoa Kỳ.

Do đó, người ta biết trước là Hoa Kỳ khó lòng ngồi yên để nhìn Trung Cộng ngang nhiên thị uy một cách “mục hạ vô nhân” như vậy. Vào ngày 22 tháng 5 vừa qua, trong bài diễn văn đọc trong buổi lễ tốt nghiệp của các sinh viên sĩ quan tại Đại Học Hải Quân ở Annapolis, Phó Tổng thống Joe Biden đã dùng những lời lẽ thẳng thừng để lên án hành động của Trung Cộng, và gióng lên lời báo động về “những lằn ranh phân chia mới” (new fault lines) giữa các cường quốc. Ông Biden chỉ trích Trung Cộng đã thách đố quyền tự do lưu thông trên mặt biển tại vùng Biển Đông qua việc giành lại một cách ồ ạt những vùng đất quanh các ốc đảo đang tranh chấp này.

(Cũng xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm về thuật ngữ “Biển Đông” mà chúng ta thường gọi là vùng biển ngoài khơi về phía Đông của Việt Nam. Trong lịch sử, nó cũng thường được quen gọi là biển Nam Hải. Đối với thế giới, từ ngữ quen thuộc hơn là Biển Trung Hoa (China Sea) do lẽ người ta chỉ biết Trung Hoa như là một cường quốc và cũng đã có một nền văn minh lâu đời. Tuy nhiên, người ta cũng còn phân biệt thêm vùng biển này ở phía đông bắc của Trung Hoa (East China Sea) nằm gần với Triều Tiên và Nhật Bản, và vùng biển nằm ở phía nam của nước Tàu (South China Sea, Nam Hải) mà chúng ta gọi là Biển Đông. Nhưng đối với Phi Luật Tân thì nó lại là Biển Tây vì nằm về phía Tây của quốc gia này.)

Có lẽ “miệng nhà sang có gang có thép” nên đây không phải chỉ là những lời nói suông của những viên chức chính quyền như ông PTT Biden. Bởi vì trước đó hai ngày, Hoa Kỳ đã bầy tỏ sự khó chịu của mình một cách thẳng thừng và rõ rệt hơn bao giờ hết đối với Trung Cộng bằng cách cho một chiếc máy bay dọ thám tiến đến gần sát vùng ốc đảo mà các toán nhân công của Trung Cộng đang cố thực hiện việc xây dựng một phi đạo mới.

Thật ra việc quân đội Mỹ cho các máy bay trinh thám đi dò la khắp nơi trên địa cầu này không phải là chuyện gì bí mật vì nó diễn ra thường xuyên trong nhu cầu bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chuyến bay lần này của chiếc P-8-A-Poseidon của Hải Quân Mỹ có phần hơi đặc biệt khác thường. Thay vì là một phi tuần bí mật của công tác do thám đối phương, giới chức quân sự Mỹ lại cho mời thêm nhà báo Jim Sciutto, đặc phái viên trưởng về an ninh quốc phòng của hệ thống truyền hình CNN, cùng tháp tùng theo để từ đó có thể thu thập lại những hình ảnh và phát hình để cho mọi người trên thế giới có thể cùng xem đi xem lại sau đó.

Thoạt mới nhìn, chiếc máy bay dọ thám này không có nét gì đặc biệt. Nó được sản xuất với khung sườn giống như chiếc máy bay Boeing 737 mà chúng ta thường thấy được dùng để chuyên chở hành khách. Tuy nhiên, đây là những chiếc P8 tối tân nhất, được trang bị như là những pháo đài bay với nhiều giàn ăng-ten và máy hình thuộc loại tinh vi nhất trong lãnh vực tình báo và dọ thám quân sự, cùng với một kho vũ khí gồm các loại thuỷ lôi để diệt tiềm-thuỷ-đỉnh và nhiều hoả tiễn Harpoon được gắn dưới đôi cánh của phi cơ. Khách bước vào phi cơ có cảm giác như là mình đang bước vào một trung tâm thu hình và nghe lén rất tối tân của cơ quan tình báo CIA đang hoạt động trên không trung.

Theo nhà báo Jim Sciutto, việc những chiếc phi cơ P8 tối tân này, chỉ mới được sản xuất ra lò cách nay 18 tháng, được tung vào vùng hoạt động ở Á Châu này có lẽ là một trong những dấu chỉ biểu lộ chính sách quay trục của Hoa Kỳ về hướng Á Châu dưới trào của TT Obama. Và nhiệm vụ chính của những phi tuần này là theo dõi khít khao những cử chỉ động tịnh của Trung Cộng.

Phi hành đoàn gồm khoảng 30 người được chỉ huy bởi phi công trưởng là Thiếu tá Matt Simpson. Khác với những chuyến công tác hay hành quân bí mật thông thường, lần này nhà báo được mời tham dự vào cuộc họp chính trước khi cất cánh để nghe trình bày về nhiệm vụ và kế hoạch của chuyến bay. Phi cơ sẽ cất cánh từ căn cứ không quân Clark Air Base ở Phi Luật Tân, rồi từ đó bay xa khoảng 460 dặm về phía Tây để đến gần ba đảo san hô là Fiery Cross, Subi và Mischief mà các toán nhân công của Trung Cộng đang ra sức để tạo dựng thành những ốc đảo rộng lớn để từ đó biến thành những căn cứ quân sự đặt cách xa bờ biển của lục địa Trung Hoa cả 600 dặm.

Từ trên phi cơ nhìn xuống biển, mặt nước có vẻ như yên lăng và hiền hoà, nhưng nơi đây là đường di chuyển thường xuyên của các tầu bè chuyên chở đến 60% tổng số lượng giao thương trên biển của cả thế giới. Trong thời gian gần đây, vùng đất dưới lòng biển tại đây cũng được đánh giá như là nơi có nhiều tiềm năng về các kho khổng lồ chứa dầu hoả và khí đốt. Đó là lý do giải thích vì sao nhiều nước như Trung Cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương, Đài Loan và Brunei cùng nhảy vào để đòi giành lấy chủ quyền tại vùng này, vốn hiện giờ chỉ gồm toàn là những bãi đá cạn hoặc đảo san hô nhỏ li ti trên bản đồ thế giới.

Theo luật quốc tế với đạo luật UNCLOS được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1982, vùng chủ quyền của một quốc gia chỉ giang rộng thêm 12 hải lý (gần 22 cây số) từ bờ biển đi ra. Vùng từ bờ biển đi ra thêm 200 hải lý được gọi là Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (Exclusive Economic Zone) của một nước, tức là quốc gia đó có toàn quyền kiểm soát các tài nguyên kinh tế trong vùng này, nhưng không được ngăn cấm các tầu bè của các nước khác qua lại miễn là họ vẫn tuân thủ theo tinh thần của đạo luật UNCLOS kể trên.

Tuy các ốc đảo này đều cách xa bờ biển của các quốc gia đang tranh chấp đến hơn 200 hải lý (và do đó mới dẫn đến việc không thể hoặc chưa thể xác định được chủ quyền thuộc về ai vào lúc này), nhưng ít ra thì bờ biển của Trung Cộng cũng còn xa hơn cả các nước tranh chấp khác. Và vì thế mà người ta mới thấy rõ sự ngang ngược và thô bạo của Trung Cộng khi quyết định loan báo quyết định về đường ranh giới 9 đoạn của họ (9-dash-line) chiếm gần hết diện tích trong vùng Biển Đông này. Cách gọi của người Việt chúng ta là “đường lưỡi bò” có lẽ tượng hình rõ nét và dễ hiểu nhất.
blank
Bản đồ “lưỡi bò” của Trung Cộng đòi chiếm gần hết vùng Biển Đông

Bờ biển của Hoa Kỳ nằm cách xa nơi đây cả mấy ngàn hải lý quá xa, nên do đó nước Mỹ không có lý do gì để xía vào chuyện này nếu xét về mặt tranh luận trên lý thuyết. Nhưng Hoa Kỳ cũng vẫn có quyền can thiệp vào một cách chính danh. Đó là vì trong thực tế, Hoa Kỳ đã trở thành một thứ cảnh sát giữ gìn an ninh trật tự trên thế giới (mà khối cộng sản trước đây thường biếm nhẽ bằng từ ngữ “sen đầm quốc tế”) với nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do lưu thông trên mặt biển của các thương thuyền quốc tế, và quan trọng nhất là của các chiến hạm của Hải Quân Mỹ, vừa giữ gìn trật tự thế giới những cũng đồng thời là bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ trong trường kỳ.

Những hình ảnh thu thập được từ các ống kính trên không cho thấy các toán nhân công do chính quyền Trung Cộng đưa tới đang ra công hút những bãi cát dưới lòng biển để đổ lên mặt đất quanh một ốc đảo nhỏ hoang sơ để từ đó biến nó thành một đảo lớn có sinh hoạt tấp nập. Mức độ làm việc của các toán nhân công này cũng đáng nể, vì chỉ trong vòng có 2 năm mà họ đã biến một diện tích trên các đảo san hô chỉ chừng 5 mẫu mà giờ đây đã thành một vùng đất rộng lớn đến hơn 2000 mẫu.

 Để bảo đảm an ninh cho các toán thợ thuyền này, chính quyền Trung Cộng cũng đưa lực lượng hải quân của mình đến đây để kiểm soát cũng như để hăm doạ hoặc thị uy với bất cứ lực lượng lạ mặt hoặc đối kháng nào. Do đó khi chiếc phi cơ trinh thám P-8 Poseidon của Mỹ tiến đến gần ốc đảo Subi Reef, chiếc radio trên phi cơ đã nhận được tín hiệu cảnh cáo bằng tiếng Anh với 1 giọng nói nặng âm hưởng của người Tầu: “Đây là Hải quân Trung Hoa. Đây là Hải quân Trung Hoa . . . Hãy rời khỏi nơi đây ngay lập tức để tránh mọi hiểu lầm.”

Phía Hoa Kỳ đã đáp trả ngay lập tức với lời loan báo của viên phi công trưởng theo đúng bài bản đã được huấn luyện từ trước, xác nhận đây là máy bay của Hoa Kỳ, đang tuần tra trên bầu trời quốc tế nằm trên vùng lãnh hải quốc tế. Nếu diễn dịch một cách bình dân hơn, viên phi công Mỹ muốn bắn tiếng cho đối phương biết là anh muốn nói gì thì mặc anh, tôi cứ đương nhiên làm công việc của tôi vì tôi đang hoạt động trên vùng đất hoàn toàn tự do theo luật pháp quốc tế.

Tuy vậy, phía Trung Cộng có lẽ chưa quen ứng xử trước một đối thủ ngang nhiên xem thường mình như vậy nên giọng nói của họ tỏ ra bắt đầu bực tức, lập lại lời cảnh cáo tương tự nhiều lần sau đó. Sau cùng, có lẽ quá bực tức khi nhắc lại lời cảnh cáo theo bài bản đến 8 lần nhưng không có hiệu quả, giọng nói bắt đầu the thé lên: “Anh cút đi!” (You go!).
 blank
Hình chụp từ máy bay trinh thám của Mỹ cho thấy các hoạt động của Trung Cộng trên ốc đảo Fiery Cross)

Các viên chức chính quyền cũng như bộ máy tuyên truyền của nhà nước Trung Cộng sau đó đã nhanh chóng phản ứng một cách giận dữ trước thái độ của phía Hoa Kỳ có vẻ như vừa xem thường vừa khiêu khích họ. Vào ngày 25 tháng 5, một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ hãy “ngưng ngay thái độ khiêu khích”. Trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), một cơ quan ngôn luận do nhà nước kiểm soát để chuyên đưa ra những luận điệu cứng rắn, lại còn dùng những lời lẽ mạnh bạo hơn nữa khi cảnh cáo rằng “chiến tranh là điều không thể tránh khỏi” nếu như Hoa Kỳ cứ tiếp tục than phiền về chuyện xây dựng các ốc đảo và bãi cạn này. Trước đó, trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Tầu, một bài xã luận cũng đưa ra một lời đe doạ khác cho Hoa Kỳ rằng “những ai đả thương người khác cuối cùng có thể gây thương tích cho chính mình”.

Qua ngày hôm sau, Bộ Quốc Phòng Trung Cộng cũng tung ra một “bạch thư” về chiến lược quân sự của họ. Nội dung chiến lược này cho rằng Trung Cộng nên tạo dựng một lực lượng hải quân tân tiến để có thể bảo vệ quyền lợi về hàng hải của quốc gia, trong đó có cả vùng Biển Đông. Tuy nhiên, sau đó Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là ông Ash Carter đã phản bác khi nói rằng những hành động của Trung Cộng tại vùng biển này đã chứng tỏ là họ đã đi ra ngoài lề của “những tiêu chuẩn quốc tế vốn là nền tảng cho một cấu trúc an ninh tại vùng Á Châu Thái Bình Dương”.

Để định nghĩa những tiêu chuẩn quốc tế trên là gì, Hoa Kỳ trước đây đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần là sẽ không can dự vào những vụ tranh chấp này, tức là không muốn công khai đứng về phe nào, cũng như không muốn ủng hộ hay chống đối lập luận đòi chủ quyền của bất cứ một quốc gia nào. Tuy nhiên, Hoa Kỳ mong muốn là các bên trong cuộc tranh chấp này nên giải quyết trong tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, và không nên có những hành động đơn phương chiếm giữ nhiều vùng đất, hoặc dùng sức mạnh của mình để thị uy các quốc gia nhỏ bé khác, như Trung Cộng đã ra tay càng ngày càng táo tợn hơn trong thời gian gần đây.

Ông Tổng trưởng Carter cũng kêu gọi là mọi quốc gia đang tranh giành chủ quyền tại các vùng hải đảo này là hãy ngưng ngay lập tức các hành động chiếm đất lấn đảo. Ông nói là Hoa Kỳ cũng chống đối tất cả những hành động quân-sự-hoá của những tranh chấp, ngụ ý là những hành động của Trung Cộng dùng sức mạnh của chiến hạm mình để đè bẹp hay thị uy đối với các chiến hạm các nước khác. Ông cho rằng mọi người đều biết rõ là không có một giải pháp quân sự cho những tranh chấp tại vùng biển này. Để kết luận, ông Carter nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận bất cứ nỗ lực nào của phía Trung Cộng muốn xác nhận chủ quyền của mình trên các ốc đảo tại đây.

Sau đó, trong một hội nghị tại Tân Gia Ba (Singapore), một viên chức cao cấp về quốc phòng của Trung Cộng đã biện minh cho những hành động gần đây của họ là “điều chính đáng, chính danh và hợp lý”ù. Một viên chức cao cấp khác của Trung Cộng thì chỉ trích lời nhận định của ông Carter về những giới hạn trên lãnh hải là “thiếu nền tảng”.  

Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh trong vùng đang lo ngại rằng nếu như để cho Trung Cộng ngang nhiên thiết lập các ốc đảo và bãi cạn này thành những hòn đảo to lớn với các căn cứ quân sự, Trung Cộng có thể sẽ “thừa thắng xông lên” để thiết lập những “Vùng Nhận Dạng Phòng Không” (Air Defense Identification Zone, ADIZ) trên toàn vùng Biển Đông, để đòi tất cả những phi cơ muốn bay qua vùng trời này đều phải báo cáo với chính quyền Trung Cộng trước khi được phép tiến vào.

Vào tháng 11 năm 2013, Trung Cộng cũng đã thử điều này tại vùng biển ở phía đông bắc (East China Sea) khiến cho Nam Hàn và Nhật Bản lo ngại vì nơi đây có nhiều quần đảo (Shenkaku hay Điếu Ngư) do phía Nhật cũng tranh chấp đòi chủ quyền . Vào lúc đó, phía Hoa Kỳ đã lập tức cho hai chiếc máy bay B-52, thường được gọi là pháo-đài-bay trong thời chiến tranh Việt Nam vì sức mạnh chuyên chở khối lượng bom khổng lồ của nó, bay trên bầu trời tại đây dù rằng hai chiếc phi cơ này không mang theo bom đạn. Hai chiếc phi cơ này được cho bay xuyên qua vùng trời này mà không cần thông báo gì cho phía Trung Cộng biết, coi như là một đòn khiêu khích và thử thách về khả năng quân sự của Trung Cộng.

Theo nhiều chuyên gia am tường về chính trường tại Trung Cộng thì việc Hoa Kỳ muốn thử thách về quyết tâm của Trung Cộng tại vùng Biển Đông có thể dẫn đến những kết quả nguy hiểm. Giả sử như Hải quân Hoa Kỳ quyết định đưa một chiến hạm Mỹ đến gần các ốc đảo hay bãi cạn này, điều đó có thể khiến cho phía Trung Cộng phải phản ứng một cách mạnh bạo. Theo nhận định của ông Zhu Feng là một chuyên gia nghiên cứu về đề tài này tại trường Đại học Nam Kinh, thì có lẽ không có một lãnh tụ nào của Trung Cộng muốn mọi người nhìn mình như là một thứ lãnh tụ “nhát như thỏ đế”, nhất là đối với người dân trong nước, vốn đang tự hào về sức mạnh đang lên của mình trong ba thập niên qua.

Điều đáng nói là Hoa Kỳ cũng không muốn thế giới nhìn mình như là một thứ “nhát như gà mái”, nói theo ngôn ngữ phổ thông tại đây. Kể từ ngày lập quốc đến nay, người dân Mỹ đã có thói quen chống lại bất cứ mọi thế lực nào ngăn cản họ đi tìm tự do, kể cả từ vương quốc Anh vốn là nước cai trị họ ngay từ lúc ban đầu. Trải qua hơn hai trăm năm dựng nước và phát triển nước, Hoa Kỳ có lẽ cũng là quốc gia sẵn sàng dùng vũ lực mạnh bạo và nhanh chóng hơn bao giờ hết để đối đầu khi cần thiết với bất kỳ đối thủ hung hăng hay nguy hiểm nào.

Trong một canh bạc mà cả hai đối thủ đều phải gờm nhau sát ván, và không bên nào muốn cho đối phương nghĩ rằng mình thuộc loại “nhát gan”, sẽ xuống nước nhượng bộ trước tiên, những người ngoài cuộc, trong đó có các nước trong vùng Biển Đông như Việt Nam và Phi Luật Tân, chắc chắn cũng không biết là cuộc cờ này sẽ kết thúc ra sao. Trong quá khứ, mọi người đều đã thấy rõ là Trung Cộng vốn có truyền thống muốn bành trướng tham vọng bá quyền của mình. Liệu Hoa Kỳ sẽ nhập cuộc và ra tay đến mức độ nào để đối phó, thì đó cũng là một câu hỏi mà mọi người cũng đành phải ngồi chờ xem. “Let wait and see” theo cách nói phổ thông tại Mỹ này quả tình không sai chỗ nào là vậy.
 
MAI LOAN
Houston, Texas ngày 08/06/2015
01 Tháng Mười Một 2016(Xem: 5658)