Ts Nguyễn nhã: Tản mạn về "lẩy Kiều" của TT Obama

26 Tháng Năm 201611:51 CH(Xem: 6622)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 27 MAY  2016

TẢN MẠN VỀ “LẨY KIỀU” CỦA TỔNG THỐNG MỸ OBAMA ĐẾN THĂM VIỆT NAM

  • Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học

 

Ngày 24 tháng 5 vừa qua , TT Mỹ Obama đã đọc bài diễn văn không cầm giấy tại Mỹ Đình trước 2000 trí thức giới trẻ Việt Nam, đã gây ra nhiều cảm xúc cho mọi người Việt Nam. Chưa bao giờ từ hàng ngàn năm nay, một bài diễn văn của một vị nguyên thủ của một siêu cường hàng đầu thế giới  đã được trình bày thao thao bất tuyệt với lời nói hết sức thâm thúy về lịch sử văn hóa Việt Nam đến như vậy.

 

 Tôi không hiểu giới trẻ Việt Nam nghĩ gì khi Ông Tổng thống Obama  nhắc đến Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên , bài thơ thần của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”... Cũng lại nhắc đến “nhà tư tưởng duy tân”  Phan Chu Trinh và  tuổi trẻ đạt đỉnh cao trí tuệ “ Ngô Bảo Châu”. Rồi  không quên nhắc đến  lời nhạc “ Mùa Xuân đầu tiên” của Văn Cao và “ Nối vòng tay lớn “của Trịnh Công Sơn ; kết thúc bằng “lẩy Kiều”:

 “ Rằng trăm năm nữa từ đây

của tin gọi một chút này làm ghi”.

 

 Đã ba lần  có người lãnh đạo nước ngoài “ lẩy kiều” hay đọc thơ Kiều: Lần thứ nhất ,khi Tổng Tống Bill Clinton đến thăm Việt Nam, đã “lẩy kiều”:

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân

 

 Lần thứ hai Phó Tổng Thống Mỹ “Biden”  cũng đã “ lẩy Kiều” khi TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ:

“Trời còn để có hôm nay

tan sương đầu ngõ vén mây giữa Trời”

 

Và lần này, tôi xin họa lại “lẩy Kiều’ trong câu kết luận  diễn văn của TT Obama như sau:

 

“Chuyện trăm năm đã từ đây

 cũng xin gửi lại chút này làm ghi”

 

Truyện Kiều tuy lấy chuyện Đọan Trường  Tân Thanh của Trung Quốc, song với tài làm thơ tuyệt vời của Nguyễn Du đã biến thành một tác phẩm độc nhất vô nhị của Việt Nam, khiến người dân Việt Nam có khi mù chữ như Mẹ tôi đã thuộc lầu lầu. Hồi năm 2007 Mẹ tôi đúng 100 tuổi cứ đòi đưa về Quê; mỗi lần Mẹ tôi đòi như thế , tôi cứ dắt Mẹ tôi đi và bắt đầu đọc đến câu “ Trăm năm trong cõi người ta…’

 là Mẹ tôi liền đọc theo và cứ đi loanh quanh đến khi dắt Mẹ tôi về lại chỗ giường nằm , Mẹ tôi không biết và rồi mệt không còn đòi dắt Mẹ về quê nữa.

 

 Người Việt Nam còn lấy truyện Kiều để “bói Kiều” vì truyện Kiều có đầy đủ chuyện hỉ nộ ái ố sẩu bì; chuyện buồn, vui; nhân tình thế thái, số phận con người kể cả tình yêu.

 Câu thơ “lẩy Kiều” mà TT Obama lẩy từ đoạn Kiều gặp Kim Trọng ở nhà mình. Khi Kim Trọng vương vấn nhớ đến người thầm yêu, mới  tìm thuê nhà bên cạnh nhà người mình yêu , rồi đến hôm cả nhà đi vắng Kim Trọng đã trèo tường gặp Kiều, tỏ tình. Kiều chấp nhận. Trước khi chia tay, hai người trao kỷ vật cho nhau. Nguyễn Du đã viết:

“ Rằng trăm năm nữa từ đây

của tin gọi một chút này làm ghi”.

 

Cứ theo mạch văn, thì đây là lời của Kim Trọng chứ không phải của nàng Kiều. Vả lại Kim Trọng đã thủ sẵn thêm “ xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông” thì chiếc Kim thoa mà Kim Trọng nhặt được trả lại cho Thúy Kiều, chắc được Thúy Kiều “Giở Kim thoa với khăn hồng trao tay”, trao cho Kim Trọng, bởi Thúy Kiều có thủ sẵn cho mình cái gì đâu mà trao tặng.

 Song có người lại nói “Của tin - chút  này” là Thúy Kiều trao cho Kim Trọng.

 

 Dù ai trao cho ai thì cũng  ám chỉ bằt đầu trao cho nhau lời hứa “ chung thủy “ của đôi tình nhân với nhau mà thôi.

 

Việc kết luận bài diễn văn bằng “lẩy Kiều” ám chỉ một sự hứa hẹn “ Thủy chung” cũng làm cho người Việt nhiều suy nghĩ.

 

 Còn “ lẩy Kiều “ của TT. Bill Clinton, tôi xin họa lại:

“ Hoa tàn nụ chớm nở hoa

Như là báo hiệu đang đà sang Xuân”

 Và “ lẩy Kiều” của Phó Tổng Mỹ “Biden”, tôi cũng xin họa lại:

“Trời mà có được hôm nay

Trải qua sóng gió mây bay giữa Trời”.

 

 Biết đâu những lời thơ họa lại sẽ vận vào “đôi tình nhân Việt Mỹ”; biết đâu sẽ mở ra một trang sử huy hoàng cho Việt Nam từ “cựu thù biến thành tình nhân”./