Banmethuot: Phi công Vietjet bay lả lướt hạ cánh bằng đầu, rơi lốp

27 Tháng Mười Hai 20188:15 CH(Xem: 5146)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ C - THỨ SÁU 28 DEC 2018


Banmethuot: Phi công Vietjet bay lả lướt hạ cánh bằng đầu, rơi lốp


Vụ máy bay rơi lốp: Do phi công tiếp đất hạ cánh sai quy trình!


Dân trí Liên quan đến sự cố máy bay Vietjet bị rơi 2 bánh khi hạ cánh xuống Buôn Ma Thuột hôm 29/11, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, lỗi do tổ lái đã cho bánh mũi tiếp đất trước, trong khi máy bay không thiết kế để bánh mũi chịu lực.


Thông tin này được Cục trưởng Đinh Việt Thắng đưa ra hôm nay (27/12) trong cuộc họp tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về các sự cố hàng không xảy ra thời gian qua.


image024

Cả 2 bánh máy bay bị văng khỏi càng trước khi phi công tiếp cận mặt băng sân bay..


image023

Một chiếc lốp máy bay gặp sự cố đã được tìm thấy


Như Dân trí đã đưa tin, tối 29/11, chuyến bay VJ356 của VietJet Air chở 207 hành khách và phi hành đoàn từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột. Trong quá trình hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, máy bay đã gặp sự cố kỹ thuật, 2 bánh ở càng trước bị mất khiến máy bay mất thăng bằng.


Trước tình huống khẩn nguy này, toàn bộ 207 hành khách và phi hành đoàn phải thực hiện rời máy bay bằng 4 cửa thoát hiểm với phao trượt. Có 6 hành khách bị chấn thương và được đưa vào bệnh viện.


Đến trưa 30/11, cả 6 hành khách đều được xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định, máy bay gặp sự cố đã được kéo vào bãi đỗ số 5 an toàn. Một bánh trái của máy bay đã được tìm thấy tại khu vực đường cất hạ cánh số 9. Chiều cùng ngày, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đã được đưa vào khai thác bình thường.


Theo vị phi công cơ trưởng nhiều kinh nghiệm, trong quy chuẩn của ICAO, khi máy bay tiếp cận hạ cánh, từ khoảng cách với đường băng tối đa 300m (đo bằng máy, khí tài) và tối thiểu 170m (đo bằng mắt thường), nếu nhận định tình hình không ổn định để hạ cánh thành công thì tổ lái phải bay lại, nghĩa là cho máy bay bay ngược lên trời và thực hiện quy trình hạ cánh mới. Với sự cố vừa xảy ra, máy bay bị mất thăng bằng khi tiếp cận đường băng, việc này phi công có thể chủ động đánh giá sớm hơn và thực hiện hạ cánh lần 2.


Đề cập tới việc càng trước của máy bay mất cả 2 bánh, vị phi công này cũng tỏ ra bất ngờ. Theo ông, về nguyên tắc, khi máy bay hạ cánh phi công phải cho bánh sau tiếp đất trước, khi trọng lực của máy bay đảm bảo được sự cân bằng nhất định thì mới hạ càng trước của máy bay xuống đất, ở đây có thể phi công đã cho cả bánh trước và bánh sau tiếp đất đồng thời hoặc cũng có thể là càng trước tiếp đất trước.


“Phải là một cú giáng càng trước rất mạnh thì 2 bánh mới bị văng đi. Thông thường, nếu càng trước mất 1 lốp thì lốp còn lại vẫn có thể đảm bảo để hạ cánh an toàn, nhưng ở đây máy bay bị mất cả 2 lốp ở càng trước là rất hiếm gặp và rủi ro là rất lớn, việc tránh được tai nạn máy bay trong trường hợp này là vô cùng may mắn.


Nếu máy bay bị sập càng trước thì chỉ tổ lái gặp nguy hiểm, nhưng nếu bị sập càng sau (càng chính) thì nguy hiểm uy hiếp tới cả chuyến bay. Càng sau nằm dưới cánh máy bay và thùng chứa nhiên liệu nên khi bị tác động mạnh có thể dẫn tới cháy nổ.” - phi công cơ trưởng cho hay.


Trong quý IV/2018, Vietjet xảy ra 7 sự cố khai thác máy bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật máy bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.


Đặc biệt, 2 sự cố của Vietjet Air xảy ra với chuyến bay VJ356 ngày 29/11 trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), 2 bánh càng mũi máy bay đã bị rơi ra. Ngày 25/12, chuyến bay VJ689 hạ cánh xuống đường cất hạ cánh chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) sau khi phải quay lại hạ cánh do hỏng hóc kỹ thuật.


Về sự cố máy bay tại  Buôn Ma Thuột, ông Đinh Việt Thắng cho biết, việc điều tra phía Việt Nam đã cơ bản xong và đang chờ thêm một số thí nghiệm bổ sung liên quan đến chất lượng vật liệu của càng, lấy ý kiến cơ quan điều tra tai nạn của Pháp.


Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sau khi giải mã hộp đen, khám nghiệm hiện trường, làm việc với các bên có liên quan, cơ bản có thể khẳng định quá trình cất cánh, bay bằng và tiếp cận không có vấn đề gì.


“Vấn đề chỉ nằm ở khâu tiếp đất, cụ thể là bánh mũi tiếp đất trước, trong khi máy bay không thiết kế để bánh mũi chịu lực. Lỗi trong sự cố này cơ bản thuộc về tổ lái trong quá trình tiếp đất.” - ông Thắng cho hay.


Hiện máy bay gặp sự cố vẫn đang ở Buôn Ma Thuột; dự kiến sẽ thiết lập một xưởng “di động” tại đây để sửa chữa trong khoảng 5 - 6 tháng.


Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin thêm, trước khi xảy ra sự cố máy bay tại Buôn Ma Thuột, “bức tranh” an toàn của Vietjet tương đối tốt. Sự cố an toàn mức C của Vietjet năm 2018 chỉ là 2 vụ so với 8 vụ năm 2017. Sự cố an toàn mức D là 20 vụ so với 75 vụ của năm 2017. Tuy nhiên, từ sự cố Buôn Ma Thuột, an toàn mức B của Vietjet đã tăng từ 0 vụ năm 2017 lên 2 vụ năm 2018./


image025


Chuyến bay VJ 356 chở hơn 200 hành khách và phi hành đoàn hạ cánh an toàn xuống Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khi mất cả 2 bánh ở càng trước là vô cùng hi hữu và may mắn ngày 29/11/18. Hai phi công nước ngoài, trong đó cơ trưởng là người Philippines và cơ phó là người Tây Ban Nha. Máy bay bị mất bánh, phần càng trước cày xuống đường băng nên không tiếp tục di chuyển. Hai phi công điều hành chuyến bay VJ 356 đã bị tịch thu bằng lái.


Châu Như Quỳnh
03 Tháng Ba 2019(Xem: 5242)