VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ SÁU 06 NOV 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Nga sửa hiến pháp cho Putin làm tổng thống suốt đời
Dân Nga đồng ý sửa hiến pháp, mở đường để ông Putin làm tổng thống đến 2036
02/07/2020
TTO - Kết quả kiểm phiếu được công bố ngày 2-7 cho thấy đa số người dân Nga đã ủng hộ các sửa đổi hiến pháp nước Nga, tạo cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nắm giữ quyền lực đến năm 2036.
Tổng thống Putin đưa hộ chiếu của ông cho một thành viên ủy ban bầu cử xem khi ông đến bỏ phiếu về các sửa đổi hiến pháp tại một điểm bỏ phiếu ở Matxcơva, Nga hôm 1-7 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ngày 2-7 cho biết người dân Nga đã "mở cánh cửa" để Tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện 67 tuổi, tiếp tục nắm giữ vị trí quyền lực hiện tại đến năm 2036.
Sau khi khoảng 98% số phiếu được kiểm, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga cho biết có 78% cử tri trên khắp nước Nga đã ủng hộ các sửa đổi hiến pháp. Chỉ hơn 20% người dân không đồng ý.
Ella Pamfilova - người đứng đầu Ủy ban Bầu cử trung ương Nga - nói rằng cuộc bỏ phiếu đã diễn ra minh bạch và các quan chức Nga đã làm mọi thứ để đảm bảo tính liêm chính của cuộc bỏ phiếu.
Theo Hãng tin AFP, các sửa đổi hiến pháp đã được Quốc hội Nga thông qua từ cách đây nhiều tuần và các bản sao của hiến pháp mới đã được bán tại các nhà sách.
Tổng thống Putin nói rằng sự chấp thuận của cử tri Nga là cần thiết để trao tính hợp pháp cho các sửa đổi. Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp Nga ban đầu dự kiến diễn ra hôm 22-4, nhưng đã bị hoãn vì đại dịch COVID-19.
Cải cách hiến pháp Nga gồm tổng cộng hơn 200 sửa đổi như đảm bảo mức lương hưu tối thiểu, cấm kết hôn đồng giới và đáng chú ý nhất là về nhiệm kỳ của tổng thống.
Theo đó, số nhiệm kỳ của các cựu và đương kim tổng thống Nga sẽ được đưa về 0 (tức tính lại từ đầu). Do đó, Tổng thống Vladimir Putin sẽ có cơ hội tìm kiếm thêm hai nhiệm kỳ nữa đến năm 2036 khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2024.
Trong lời kêu gọi cử tri hôm 30-6, ông Putin nhấn mạnh các sửa đổi trên là cần thiết để đảm bảo "sự ổn định, an ninh, thịnh vượng" của nước Nga trong tương lai.
Chính trị gia đối lập Alexei Navalny lại có quan điểm khác. Ông gọi cuộc bỏ phiếu là không hợp pháp và được thực hiện nhằm hợp pháp hóa việc ông Putin làm tổng thống cả đời. "Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận kết quả này" - ông nói với người ủng hộ trong một video. BÌNH AN
Bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp Nga, tìm tính chính danh
01/07/2020
TTO - Hôm nay 1-7, cử tri Nga đi bỏ phiếu về gói sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất. Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (SIK) cho biết tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp đã vượt 60% tính đến chiều 1-7.
Các thành viên ủy ban bầu cử ở TP Tver (Nga) đến tận bệnh viện để cho người dân bỏ phiếu ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS
Mặc dù đây là thời điểm chính thức tổ chức cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc nhưng trên thực tế do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, Nga đã quyết định tổ chức bỏ phiếu trong một tuần nhằm tránh tập trung đông người, từ ngày 25-6 đến 1-7.
Gói sửa đổi Hiến pháp lần này đề xuất sửa đổi 41 điều và bổ sung 5 điều mới. Nghĩa là liên quan đến hơn 60% các điều khoản trong Hiến pháp 1993.
Chính vì thế, Tổng thống Putin đã yêu cầu phải tổ chức bỏ phiếu trên toàn quốc về gói sửa đổi này, điều mà theo thủ tục của Luật cơ bản hoàn toàn không đòi hỏi.
Báo Straits Times của Singapore giải thích rằng theo Hiến pháp Nga hiện hành, những sự sửa đổi có thể được thông qua nếu có được sự ủng hộ của đa số đặc biệt, tức là 2/3 Duma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện), cũng như của 2/3 hội đồng khu vực ở các tỉnh của Nga.
Quyền kiểm soát của ông Putin trên chính trường Nga hiện nay lớn đến mức ngay sau khi tổng thống đề nghị sửa đổi Hiến pháp, Thượng viện và Hạ viện đều nhất trí thông qua việc sửa đổi, toàn bộ 85 tỉnh thành của Nga đều chấp thuận và Tòa án Hiến pháp của nước này cũng đã phê duyệt mọi thủ tục.
Do đó, với việc bán bản in Hiến pháp mới rộng rãi trước khi có kết quả trưng cầu ý dân, các nhà sách ở Nga về cơ bản đã làm đúng: về mặt pháp lý thuần túy, cuộc trưng cầu ý dân của Nga là mang tính thủ tục.
Tổng thống Putin trình giấy tờ cá nhân với một thành viên ủy ban bỏ phiếu ở Matxcơva ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS
Vậy vì sao ông Putin lại khăng khăng muốn tổ chức cuộc bỏ phiếu này, vốn đã bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19 nhưng hiện đã được khởi động lại dù các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nga vẫn chưa được kiểm soát?
Theo báo Straits Times, lý do phần lớn là vì nhà lãnh đạo Nga khao khát có được tính hợp pháp từ sự ủng hộ của người dân.
Sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ làm thay đổi cấu trúc thượng tầng ở nước Nga. Tức là chuyển bớt quyền từ tổng thống sang Quốc hội và chính phủ, đồng thời hướng tới một hệ thống nghị viện dân chủ và cân bằng hơn so với Hiến pháp năm 1993.
Sửa đổi Hiến pháp cũng quy định không cho phép các quan chức chính phủ có quốc tịch kép, phải thường xuyên sống ở Nga và không được mở tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài. Các sửa đổi cũng rất chú trọng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, bảo vệ các giá trị gia đình, bảo tồn di sản văn hóa, hỗ trợ cho khoa học Nga…
Các thành viên trẻ đội bỏ phiếu ở Matxcơva đi tận các nhà dân để kêu gọi bỏ phiếu trưng cầu ý dân ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS
Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin đã kêu gọi người dân Nga tích cực đi bỏ phiếu vì với việc bỏ phiếu ủng hộ các sửa đổi, người dân Nga đã bỏ phiếu cho quốc gia mà họ muốn sống.
Theo thông tin từ Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (SIK), tính đến 14h50 giờ Matxcơva (tức 18h50 giờ VN), tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 60,16% trên tổng số cử tri.
Các địa phương có số cử tri đi bỏ phiếu đông đảo nhất phải kể đến như Cộng hòa Chechnya, CH Tuva, tỉnh Kemerovo và CH Bashkortostan, với tỉ lệ trung bình là hơn 80% số cử tri đã đi bỏ phiếu ở mỗi địa phương. Tính đến 14h, tại thủ đô Matxcơva, tỉ lệ cử tri đi bầu là 45,81% và tại St. Petersburg là 62,17%.
Hình thức bỏ phiếu điện tử, chỉ diễn ra tại thủ đô Matxcơva và tỉnh Nizhny Novgorod, đã kết thúc vào đêm 30-6 với tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 93,02%.
Các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Nga sẽ tiếp tục hoạt động đến 20h ngày 1-7 (tức 0h ngày 2-7, giờ VN) tại tất cả các chủ thể liên bang.
Việc kiểm phiếu sẽ được thực hiện sau 20h giờ địa phương ngày 1-7 và tất cả 7 ngày bỏ phiếu kể từ ngày 25-6.
Cũng trong ngày 1-7, SIK công bố kết quả sau khi kiểm 0,79% số phiếu bầu cho thấy có 72,92% số cử tri bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp.
Ông Putin đơn giản có thể sửa đổi Hiến pháp để loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, như những gì nhà lãnh đạo Nga công khai thừa nhận, điều đó hẳn sẽ khiến ông phải đối mặt với những lời chế giễu, những cáo buộc rằng Nga đang hành xử như một nước "cộng hòa chuối" (quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu một mặt hàng hữu hạn nào đó) thuộc thế giới thứ ba đang tìm cách thay đổi Hiến pháp sao cho phù hợp với nhà cầm quyền.
Công dân Nga sinh sống tại Belarus đến Đại sứ quán Nga ở thủ đô Minsk để bỏ phiếu sáng 1-7 - Ảnh: REUTERS
Do vậy, ông Putin đã dùng một chiến thuật khác. Năm 2008, khi hết thời hạn nhiệm kỳ, ông đã trao quyền tổng thống cho Dmitry Medvedev, người bạn đáng tin cậy của mình, còn chính ông trở thành thủ tướng, một chức vụ thấp hơn trong hệ thống chính trị Nga nhưng vẫn cho phép ông điều hành công việc từ hậu trường. Khi nhiệm kỳ của Medvedev kết thúc vào năm 2012, ông Putin đã trở lại làm tổng thống.
Không chỉ vậy, Hiến pháp còn được điều chỉnh để mỗi nhiệm kỳ tổng thống 4 năm được kéo dài thành 6 năm. Tuy nhiên, vì số nhiệm kỳ liên tiếp một lần nữa lại về 0, nên ông Putin đã tiếp tục giữ chức thêm 2 nhiệm kỳ, tức là tổng cộng thêm 12 năm.
Theo báo Straits Times, khó khăn là ngay cả quãng thời gian bổ sung rất dài này cũng sắp kết thúc, do vậy nhà lãnh đạo Nga buộc phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi là áp đặt việc thay đổi Hiến pháp, điều mà trước đó ông tìm cách né tránh.
Các cử tri được yêu cầu thông qua điều khoản cho phép người đứng đầu được bầu thêm 2 nhiệm kỳ nữa, tức là về mặt lý thuyết ông Putin sẽ tiếp tục cầm quyền đến năm 2036, khi đã 84 tuổi.
Và để an toàn hơn nữa thì Hiến pháp cũng được bổ sung điều khoản mới mà theo đó, tất cả các nguyên thủ quốc gia Nga nghỉ hưu từ giờ trở đi đều được hưởng quyền miễn trừ truy tố suốt đời. Ý NGUYÊN