Anh - Úc ra tuyên bố chung về Biển Đông

21 Tháng Giêng 20227:45 SA(Xem: 4652)

VĂN HÓA ONLINE – ĐÔNG HẢI LIỆT QUỐC - THỨ SÁU 21 JAN 2022

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Anh - Úc ra tuyên bố chung về Biển Đông


Vi Trân


21/01/20220


Các quan chức Anh - Úc lặp lại sự phản đối mạnh mẽ đối với những hành động gây căng thẳng, gồm việc quân sự hóa ở khu vực tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm tại Biển Đông.


Ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước Anh và Úc ngày 21.1.2022 đã có cuộc tham vấn cấp bộ trưởng thường niên.


Theo tuyên bố chung được đăng trên website Ngoại trưởng Úc Marise Payne, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền và tự do hàng hải của các nước tại Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.


image003Hàng không Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth (bìa phải) và chiến hạm Anh Quốc, Hà Lan hành quân tại Biển Đông hồi tháng 7.2021. Hải quân hoàng gia Anh


Các quan chức lặp lại sự phản đối mạnh mẽ đối với những hành động gây căng thẳng, gồm việc quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm và những nỗ lực cản trở các nước khác sử dụng tài nguyên biển.


Các quan chức tuyên bố phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài là không thay đổi và ràng buộc với các bên. Các quan chức nhấn mạnh bất kỳ Bộ Quy tắc ứng xử nào cũng phải phù hợp với luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, không được phương hại đến quyền hoặc lợi ích của các nước theo luật quốc tế hoặc gây ảnh hưởng cấu trúc khu vực.


Ngoài ra, những yêu sách biển và việc thực hiện luật trong nước, gồm luật hải cảnh và luật an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc, phải phù hợp với UNCLOS 1982.


Các quan chức tái khẳng định cam kết sẽ làm việc cùng nhau để đối phó những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh và ổn định, gồm tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific).


Quan chức hai nước tuyên bố ủng hộ một khu vực Indo-Pacific tự do, bao quát và có khả năng phục hồi, trong đó quyền chủ quyền của mọi quốc gia đều được tôn trọng. Các bộ trưởng cam kết sẽ làm việc với đối tác để định hình khu vực dựa trên quy tắc và luật lệ, không chịu sự cưỡng ép, nơi các tranh chấp được giải quyết hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế. (theo Thanh Niên)