Chiếc lá thuyền chài và cánh diều tự do

09 Tháng Năm 20165:14 CH(Xem: 9481)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 11  MAY  2016

Trường Sa bút ký

 (Tất cả  hình ảnh sử dụng trong Bút ký trích từ Bộ ảnh 10 đảo Trường Sa của LKT)

Lời người viết: - Khi tôi ngồi trước laptop viết Bút ký Trường Sa hôm nay là đúng 2 năm sau cái duyên kỳ ngộ đi quan sát Trường Sa vào tháng Tư 2014 - 4/ 2016 (Quần đảo Trường Sa Spratly Islands 6°12' ~ 12°00' vĩ Bắc và 111°30' ~ 117°20' kinh Đông - trên 100 đảo, đá, rạn, bãi ngầm ... lớn nhỏ, nằm rải rác giữa biển Đông chu vi khoảng 160,000km2).

Con tàu HQ-571 chở tôi (và 200 người khác) đến thăm 10 đảo trong vòng 10 ngày đêm. Hiện Việt Nam đang chiếm giữ 21 đảo, hơn 30 điểm đóng quân, 18 nhà giàn (tức là chòi canh trên biển bằng bê tông cốt sắt dọc theo thềm lục địa).

Đối với tôi, đó là 10 ngày đêm rung chuyển một tâm hồn ngày đêm tưởng nhớ và suy nghĩ về quê hương.

Bút ký kỳ 1: Trường Sa: Xa mà gần; Gần mà xa. Bút ký kỳ 2: Lênh đênh trên sóng vài con chữ. Bút ký kỳ 3: HQ-571, chiếc lá thuyền chài và cánh diều tự do.

Chiếc lá thuyền chài và cánh diều tự do

kỳ 3 (nhuận sắc)

image039

HQ-571

HQ-571, đó là một con tàu đi ra Trường Sa chưa bao giờ nằm trong trí tưởng tượng của tôi. Nó lạ hoắc, mơ hồ. Nhưng khi tôi đổ bộ tới cảng Cát Lái thì nó đã nằm chình ình trước mắt. To lớn, xám xịt. Tên nó là HQ-571. HQ là chữ viết tắt: Hải Quân. Còn 571 là ám số gì? chắc là giống như 559 mật chỉ năm 1959, năm mở con đường mòn dãyTrường Sơn bằng những con dao rừng rát da bỏng thịt. HQ cũng là mật ngữ của những con tàu một thời lừng lẫy vẫy vùng trên hoa biển (*), một thời gởi lại đại dương truyền thống máu xương, một thời hoảng loạn lẩy bẩy ra đi, mù mịt, biệt tăm.

Bước cầu thang đi vào lòng con tàu, một người lính hải quân lần đầu tiên tôi gặp hỏi tên tôi rồi chỉ căn phòng mà tôi sẽ ở đó. Phòng khá sạch sẽ độ 4 thước vuông, trong đó có 3 giường sắt hai tầng. Tôi chọn tầng trên để tránh sự chú ý của mấy người bạn chưa làm quen. Họ cũng đang lục tục thu xếp cái giường của mình.Vật sở hữu tôi nhận được là bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, xà bông và cuốn sổ ghi nhớ. Kể ra khá chu đáo đối với người hải ngoại.

Không để phí thời gian, tôi bước một vòng khi con tàu bắt đầu di chuyển. Trước hết là phải  mò ra cái mũi của nó cái đã. Như tôi đã kể cho bạn ở Bút ký trước, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là ổ súng phủ bạt đen ngòm. Tôi đoán là khẩu đại bác cỡ 12 ly. À, thì ra đây không phải là con tàu bình thường. Nó là một chiến hạm. Tôi nghĩ: dám đánh nhau ngoải biển lắm không chừng. Thú thật, tôi không cảm thấy sợ, rất khoái nữa là đằng khác.

Chạy vài giờ trên sông Cát Lái, khi làn sóng trắng xóa rẽ bên lườn con tàu thì tôi đã leo lên boong cao nhất. Tôi muốn nhìn thấy trời cao biển rộng tới cỡ nào. Từ cửa biển Vũng Tàu, tôi bước vào huyền thoại năm mươi người con xuống biển  canh cánh bể dâu tỏa khắp năm châu. Tôi đã mất năm mươi năm lên núi nhọc nhằn, xuống biển, tôi không muốn làm con dã tràng xe cát biển Đông. Tôi bắt đầu xử dụng bộ óc và cái máy laptop nhỏ ghi chép lại.   

Đi ngang qua đài chỉ huy, liếc vào cửa kính, lố nhố những  sĩ quan hải quân, họ đang bận bụi, người thì cầm com pa, người thì xem bản đồ. Một người ngồi chính giữa dàn máy luôn nhìn ra phía trước, hình như là hạm trưởng.

"Hạm trưởng" là danh xưng chỉ huy một chiến hạm của hải quân miền Nam trước đây; chức vụ "Thuyền trưởng" là tiếng của miền Bắc trách nhiệm tương tự như "Hạm trưởng", xem ra chữ này nó có vẻ khiêm cung. Sau tôi được nghe giới thiệu Thuyển trưởng 571 là một Trung tá Hải quân. Nhìn chung những sĩ quan hải quân của họ đều khá trẻ, lúc họ trao đổi với nhau có vẻ thân mật nhưng tác phong tỏ ra rất kỷ luật.

Tò mò là cái máu của nghề báo chí, nhiều lần tôi phải tự kềm hãm kích thích tố nghề nghiệp. Sống ở Mỹ, hai chữ "lịch sự" trở thành thói quen, nó là luật ngoài luật. Ngay cả tia mắt cũng vậy. Phải rất khéo léo để không mang tiếng sỗ sàng khi nhìn về người nào trừ khi tiếp chuyện. Thật sự, rất khó chịu khi thấy người xa lạ cứ nhìn mình chăm chăm. Có sự vô lễ, bất lịch sự, hoặc cảm giác bất ổn ở cái nhìn chăm chăm nếu người đó không phải là bạn ta. Nhờ trời tôi có được cái "nhạy cảm" cho phép tôi có thể lượng giá cặp mắt cú vọ, gian ác, láu cá, hay thân thiện của đối tượng khi nhìn mình. 

Lần ra boong hành lang phía sau đuôi con tàu. Một lằn nước dài ngoằng như con rắn khổng lồ oằn oại bơi trên mặt nước đuổi  theo con tàu. Tôi thốt lên:

- Mày sẽ mệt mỏi đấy rắn ạ!

- Đằng nào mày cũng phải đuổi theo con tàu suốt đời, nhưng mày sẽ được ân thưởng vì đã góp công cho con tàu tô điểm bức tranh thiên nhiên vĩ đại. Một con đường lóng lánh thẳng tắp nổi bật giữa mặt nước lặng êm, những đường cong uốn khúc đổi màu gần xa khi bình minh ló dạng, màu nắng chói chang hắt lên giữa làn nước xanh ngắt lấp lánh phản chiếu tia nắng đổ lửa ban trưa, khi đêm tối đổ xuống, con rắn nước bám theo dữ dằn hơn, làn da rằn rện của nó biến thành chỗ xám chỗ đen đùng đục trông dễ sợ. 

 Gió lồng lộng dễ chịu bù lại mấy ngày vừa qua bù khú với với bụi bậm phố xá Sàigon. Hình như chẳng còn hạt bụi nào dính trên người tôi. Tôi nhớ người nhạc sĩ họ Trịnh có bài hát về "Cát bụi" rất hay. "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi..." Vị mặn của gió muối bắt đầu hóa kiếp vào môi vào mặt, cái mùi tanh tanh của biển luồn sâu vào mũi, phủ kín làn da mỏng ngày nào củng phải tắm mấy lần vì cái nóng như điên của Sàigon. Phố xá Sàigon mờ nhạt dần tuốt luốt đằng sau. Những chiều "lai rai vài ba sợi" bên con kinh nhỏ, những sáng mai trên cái yên xe sì cút tơ cứng ngắc nhẩy tưng tưng vào cái "bàn tọa" dội thấu lên đỉnh đầu, những ánh mắt đong đưa loãng thành khói ... Tất cả trôi, trôi vào quá khứ, quá khứ trôi theo con tàu.

Quả thực tôi đã quên triệt để Sàigon, quên cả Quận Cam. Tôi bây giờ là cánh diều lãng tử thả lửng cho con tàu tự do kéo ra bao la phiêu du tứ phía. Chẳng có bức tường nào cản ngăn tôi phóng tầm mắt tận cuối chân trời. Thỉnh thoảng lơ đãng như cụm mây trắng hững hờ nhìn cuộc đời dưới đất đng mải mê bon chen vật vã . Sống ở Mỹ dân Việt ví Little Saigon như là cái ghetto cuối tuần. Thật ra, nói cho công bằng, cái ghetto này cũng làm được nhiều điều cần thiết. Nhiểu người thích nó, gần gũi nó, nhiều người không thích, sống xa cách nó, nhưng buộc lòng phải thích (vì miếng cơm manh áo, vì nhà lầu xe hơi).

Hít một hơi thật sâu, hai tay tôi giang rộng vòng lên uốn xuống như một người đang tập khí đạo, từng đường dây thần kinh khúc xương thớ thịt  mở toang mọi cánh cửa cho gió luồn vào căng buồng phổi. Cái gió của biển Đông này tôi chưa từng hít thở lần nào. Nó bắt đầu chui vào ngõ ngách của đời sống. Để tận hưởng, tôi quyết định không tắm rửa trong vòng 10 ngày cho cái gió muối này nó dày thêm vào cái bản mặt của tôi vốn còn chút tình  "xuân sắc".

Đang tần mẩn với gió ngoài mạn tàu, bỗng nhiên có một cuộc tao ngộ bất ngờ đến với tôi. Tôi nhìn thấy ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoai giao kiêm Chủ tịch Ủy ban người Việt ở nước ngoài, ông là người đã sang Mỹ mời tôi đi thăm Trường Sa; cùng đi với ông Sơn có hai người được giới thiệu là ông Hùng và ông Thái. Tôi lần lượt bắt tay và nói - Chào quý anh.

Câu chuyện râm ran quanh ba vị kia, tôi chỉ đứng nghe nhưng không chú ý lắm, họ trao đổi công việc riêng của họ. Việc đập vào mắt tôi là cách ăn mặc của họ tỏ ra xuềnh xoàng, giản dị, trông có vẻ thoải mái với chuyến đi, sau đó hai ông Sơn và ông Hùng chào tạm biệt và nói tôi cần gì thì cứ hỏi. Ok. Thank you - cám ơn các anh. Riêng ông Thái ở lại. Tôi cũng không quên mời ông ở lại có cặp mắt vui nụ cười hiền chụp tấm hình kỷ niệm, (nhờ một người khách đi ngang cầm cái máy ảnh của tôi chụp giùm). Ông ta có cặp mắt thân thiện ta tỏ ra ân cần - vui vẻ nhận lời ngay. Theo thói quen, tôi hỏi:

- Chào anh, xin lỗi anh tên gì? Tôi hỏi.

- Tôi tên Thái.

- Tôi tên Trúc. Lý Kiến Trúc.

Chúng tôi bắt tay nhau và không hỏi thêm gì nữa. Tôi cố tình bóp tay chặt. Ông ta cũng chẳng nói gì thêm, chỉ cười. Nụ cười hiền hòa. Ông nhìn tôi dường như che dấu ít tình cảm kín đáo nào đó trước khi chào tạm biệt. Vì hai chữ "lịch sự", vai trò của anh nhà báo tôi đột nhiên câm như hến.   

Hôm sau tôi mới biết, ông ta là Đại tá Hải quân Đỗ MInh Thái Tham mưu trưởng Vùng 4 và ông bạn đi cùng với ông Sơn là ông Đặng Thái Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban người Việt ở nước ngoài.

image041

Từ trái: Ô. Đặng Thái Hùng, ông Nguyễn Thanh Sơn, Lý Kiến Trúc, ông Đỗ Minh Thái.

Tôi từng nghe người cộng sản họ kín đáo lắm, ít khi họ bày tỏ tình cảm. Chẳng có gì lạ, họ phải sống trong một xã hội khô đét, lạnh lùng nên khuôn mặt riết ai nấy đều trở nên khắc khổ. Vật lộn trong xã hội tư bản có vẻ dễ chịu hơn "phấn đấu" trong một xã hội chuyên chế. Tôi tỏ ra rất thông cảm mỗi khi gặp họ. Những ngày ở Saigon, đôi lúc tôi bé cái lầm. Saigon bây giờ ít thấy cái hình ảnh ghê rợn sau bức màn tre của hàng chục năm về trước. Nhộn nhịp, xô bồ sáng trưa chiều tối, tôi thấy có nhiều nụ cười ngây thơ thoải mái trên mặt những đứa trẻ. Thật ra tôi cũng như mọi người khác biết rất ít chuyện đằng sau lũy tre làng sau mấy chục năm xa cách, nhưng bây giờ thì quán nhậu nhiều vô kể, chỗ nào, giờ nào cũng có thể nhậu được.

 

image043

Đỗ Minh Thái, Lý Kiến Trúc

Ráng chiều ngả dần xuống đại dương mênh mông. Ánh sáng phản quang sót lại từ bầu trời vàng rực hướng Tây không đủ soi con thuyền bé tí xa xa. Nó trông như cái đốm đen giữa biển. Nó đã lên đèn thả câu. Ánh sáng từ cái đèn bão loe loét đến buồn thảm. Tôi cảm thấy cô đơn giùm nó đến lạ. Nghe ngư dân nói thuyền lên đèn là để câu mực. Loài mực tiết ra chất nước đen sì phòng thủ, chúng lại ưa thích bóng đèn, chúng tưởng là mồi ngon bèn nhào tới, thế là khoang thuyền đầy ứ cá mực tôm cua. Đúng tôi là kẻ vô duyên. Thuyền đầy tôm cá thì làm gì có cái chuyện cô đơn cô điếc. Vui thì chớ. Mừng thì có.    

Có mấy người sống trên con thuyền chài nhỏ như cánh lá đó nhỉ, tôi không biết. Họ có chịu nổi nỗi buồn giữa trời biển mênh mông dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền. Tôi lại bắt đầu lẩm cẩm. Lẽ sống đời đời của họ dạy cho họ kinh nghiệm chống chọi lại với mối đe dọa ngấm ngầm ùa đến bất cứ lúc nào. Họ thừa sức tìm cách trú ẩn cơn giận dữ bất thần nổi lên hàng hàng lớp lớp biển sóng ngất cao. Họ thừa biết dòng hải lưu nào cuốn theo đàn cá, vùng biển nào có loại cá quý, vùng nào chỉ có nước khiêng về hàng tạ làm mắm. Nhưng có một vùng biển vào lúc này thì đòn đánh lén của bọn cướp nước cướp cá nổi lên như giặc. Chỉ cần một khẩu súng, mặt bịt kín, con thuyền cánh lá sẽ phải đầu hàng vô điều kiện, bàn giao ngay mẻ cá sống tươi.  

Tôi đang đi vào vùng biển bọn cướp đang hoành hành. Vứt mẩu thuốc đầu tiên xuống cái mặt nước phẳng lỳ đang dấu diếm cái gì dưới đó. Kình ngư! Mẹ kiếp! Tôi đã nghe ngư dân kể rằng  đưới đáy biển có con cá khổng lồ đen ngòm, mõm mũi nó rắn như sắt, loài cá này không có tên trong danh sách chài lưới của làng chài. Nó là con quái vật có đầu nhọn hoắc như cá kiếm núp sâu dưới biển rình mồi bên trên, vô phúc gặp phải lúc nó đói nó trồi lên đâm húc vào bụng rồi ngụp xuống bỏ chạy!

Tôi lại vứt toẹt điếu thuốc dở dang xuống biển, lẩm bẩm: - Mẹ kiếp! Về cái khoản này thì thua đứt chúng nó thôi.

IMG_6140 THUYỀN CHÀI small jpg

Chiếc lá thuyền chài dường như đang rình rập đàn cá chui vào rọ. Tội nghiệp đàn cá hiền lành rung rinh vẫy đuôi chào mừng phơi lưới giăng giăng. Tội nghiệp, nó là ân nhân mang lại niềm vui cho kẻ nghèo khó. Có bao nhiêu triệu gia đình nghèo ăn cá nhỉ. Tôi cũng không rõ. Chả có thống kê nào ghi chú về điều này. Người nghèo hay dễ bị bỏ quên. Tôi thầm nghĩ họ chỉ được ăn mấy con cá chuồn, cá chim, cá nục, cá ngừ, cá bóng, cá trích, bữa nào hên lắm cái nồi đất trong bếp đầy cá thu đao kho nước mắm gừng. Hầu như ngư dân nghèo họ phải để dành loại cá "hoàng gia" quý hiếm ngon bổ đắt tiền, đem bán cho giới trưởng giả học làm sang trong những bữa tiệc linh đình.

Mầu tối sẫm dần trên mặt biển. Ánh đèn nhỏ xíu xa xa bập bềnh giữa biển nước đen ngòm, nó có vớ được mẻ cá nào trong đêm nay hay lòng thuyền rỗng tuếch mai sáng trở về bến cũ. Những bà vợ ngong ngóng thuyền về đầy khoang rủ nhau ra chợ họp sớm.

image046

Tôi có ý chờ đợi con sóng bạc đầu xem nó hung dữ như thế nào nhưng hoàn toàn thất vọng. Mặt biển im ắng kỳ lạ tới độ nếu không có tiếng rung nhẹ của con tàu và làn gió tung mái tóc thì không thể biết mình đang "lướt sóng".  Tạo hóa đã tạo dựng ra biển Đông thật là kỳ diệu, mỗi năm từ tháng Ba đến tháng Tám, biển dành cho những người chưa bao giờ đi biển, chưa bao giờ ngồi trên cái thúng tròng trành. Quẩy mái chèo nhỏ trên cái thúng mới thấy Mẹ biển hiền lành như nải chuối hương.

Mầu đen phủ gần hết trời biển, chỉ còn cái quầng đo đỏ tít mù sát dưới chân đại dương. Con tàu tiếp tục lao vào đêm tối, trong đêm tối dẫn đường có một ngôi sao lấp lánh chỉ cho con tàu  ghểnh mũi tiến về hướng Đông Bắc. Hình như Song Tử Tây của người thủy thủ sáng nay ở nơi đó thì phải. Anh chàng thủy thủ có vẻ cao ngạo hãnh diện khi nói tới Song Tử Tây. Có lẽ anh là cố nhân của hòn đảo.

Không còn gì để thấy nữa, tôi trở về phòng leo lên cái giường sắt, nằm dài, nhìn quanh thấy mọi người cũng nằm dài. Chắc họ đang cùng suy nghĩ như tôi. Chúng tôi sẽ đi tới một hài đảo chưa từng bao giờ sờ vào hòn đá, nhúm đất, hạt cát. Nó có giống như hòn đảo của anh chàng Robinson người thủy thủ xứ York bị bão biển đánh đắm, dạt vào đảo hoang biến thành dã nhân như bọn thổ dân ở truồng ngồn ngộn thích ăn thịt người? Chuyện vu vơ.

Chúng tôi đang nằm thoải mái trên con tàu bằng sắt chứ đâu phải bằng gỗ cho bão biển đánh vật lật úp chúng tôi. Vả lại, những con sóng bạc đầu đã ngủ vùi vào tháng Tư để dành sức gió cho mùa giông Đông Bắc.

Tôi muốn đánh một giấc mặc cho con tàu băng băng lao vào hỏa điểm. Lại nhớ buổi sáng anh chàng lính hải quân đã nói với tôi với bộ mặt khá đanh: - Chúng ta sẽ tới đảo Song Tử Tây.

Tôi nhớ bắt chuyện người lính trẻ:

- Song Tử Tây là đảo gì vậy em?

- Đó là một hỏa điểm giữa biển Đông nhưng cũng là một hòn đảo tiều tiêu đấy chú ạ!

- Tại sao lại vừa là một hỏa điểm vừa là một hòn đảo tiền tiêu?

- Thưa Chú! Bọn cháu được biết nó là một hòn đảo mà bọn hải tặc phương Bắc thèm thuồng  từ thời xa xưa. Bọn hải tặc nó thèm nhỏ dãi vì đảo là nơi lưu trú cho chúng an toàn sau những lần cướp của giết người. Bọn nó tụ tập về đây chia nhau của cải, nhưng lòng tham vô tận của bọn nó xâu xé lẫn nhau khiến chúng không cách nào chọn được một cái tên mới thích hợp cho hòn đảo, vì tên tuổi Song Tử Tây là tên của hai anh em song sinh, người anh sinh ra trước đó nằm kế bên tên là Song Tử Đông.

- Chú ạ ... khi Mẹ biển đến giờ sinh nở, đứa con đầu lọt lòng vào lúc mặt trời lóe ở hừng Đông, Mẹ đặt tên con là Song Tử Đông, đứa thứ hai chào đời khó khăn hơn, mãi đến khi mặt trời thiếp  dần vào giấc ngủ, nó mới chịu chui ra, bụ bẫm, dài thườn thượt. Mẹ đặt tên nó là Song Tử Tây. Cái thằng Tây này mắt lúc nào cũng nhìn về quê cha đất tổ.

- Nó ngóng cái gì đó chú biết không?

- À, nó ngóng cái ... à, thôi chú chịu thua.  

image012

Mặt trời bắt đầu đi ngủ ở Biển Đông

Song Tử Tây, nó có biết đâu tôi đang ngóng nó. Nó có rực lửa đốt cháy mộng hải hồ của người lính già lãng tử vì "định mệnh đất nước bẽ bàng" mà bôn ba hải ngoại. Nó có lạnh lẽo kết thúc mọi liên tưởng về một hòn đảo vốn mô tả sơ sài trong quân sử cách đây thế kỷ. tôi mong nó hoang vu mĩ miều đến mực cuốn hút một đời người chỉ thích ôm mộng khám phá. Không cần biết nó tròn méo vuông hay bầu bĩnh.

Cứ đi đến nơi cái đã rồi hãy hay./ (lkt)  

(còn tiếp)

 

18 Tháng Năm 2017(Xem: 7728)
Duterte nói đơn giản : « Nếu có thể có được một cái gì đó mà không bị chút phiền hà nào thì tại sao không ? ». Tuy nhiên ông cũng nói thêm là một thỏa thuận như vậy phải « công bằng và cân đối ».
16 Tháng Năm 2017(Xem: 7435)
Vừa đi thăm Bắc Kinh trở về, ngày hôm nay 16/05/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẵn sàng cùng thăm dò khai thác tài nguyên Biển Đông với Trung Quốc và Việt Nam.
14 Tháng Năm 2017(Xem: 7339)
Trả lời kênh truyền hình Philippines ABS-CBN, đại sứ Jose Santa Romana cho biết cuộc đối thoại đầu tiên này là dịp mở đầu cho một « cơ chế tham vấn song phương » lâu dài, dự kiến sẽ diễn ra với nhịp độ hai lần một năm.
11 Tháng Năm 2017(Xem: 7490)
Chiến hạm hộ vệ tên lửa 532/Jing Zhou đang cập cảng Bạch Đằng giang.
07 Tháng Năm 2017(Xem: 7391)
Theo AFP, hồ sơ Biển Đông đã được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dành nhiều thời giờ để bàn thảo với các đồng sự 10 nước Đông Nam Á tại Washington hôm thứ Năm 04/05/2017 với thông điệp ASEAN có thể tin cậy vào trợ giúp của Mỹ để bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển và trên không.
04 Tháng Năm 2017(Xem: 8060)
Từ những phân tích nói trên, chúng tôi cho rằng COC khó có thể sớm được thông qua, trừ phi Trung Quốc thay đổi yêu sách phi lý của họ hoặc các bên đồng lòng bàn đến phương án tạm thời gạt vấn đề chủ quyền ra ngoài COC; mọi quy định của COC không làm thay đổi yêu sách chủ quyền của các quốc gia liên quan; vấn đề này sẽ được bàn thảo ở một diễn đàn khác. Ảnh: Lãnh đạo các nước Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á tại thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30, Manila, Philippines, ngày 28/4/2017.REUTERS/Erik De Castro
27 Tháng Tư 2017(Xem: 7706)
Nếu thống nhất Nam-Bắc Triều Tiên, lính Mỹ sẽ có mặt ngay gần cửa ngõ Trung Quốc. Với Bắc Kinh, đây là điều không chấp nhận được. Nếu Washington vẫn muốn gắn các hồ sơ với nhau, thì Bắc Kinh còn có một yêu sách khác. Đó là Hoa Kỳ ngừng phản đối sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông.
24 Tháng Tư 2017(Xem: 7349)
Đài CNN (Mỹ) dẫn nguồn tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu ngầm lớp Ohio chạy bằng năng lượng hạt nhân có trang bị trên lửa dẫn đường USS Michigan dự kiến sẽ cập cảng ở Busan, Hàn Quốc trong hôm nay (25-4), đúng vào ngày Triều Tiên tiến hành kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
23 Tháng Tư 2017(Xem: 8431)
Với tất cả những quy định pháp lý đủ để điều chỉnh có hiệu quả mọi quan hệ, tranh chấp diễn ra trong Biển Đông, COC có thể được coi là một bộ Luật Biển khu vực, trong đó có những nội dung hết sức quan trọng và phức tạp như: phạm vi điều chỉnh, chủ thể khách thể điều chỉnh…. Cụ thể là:
09 Tháng Tư 2017(Xem: 9119)
Lời mở viết về 10 hòn đảo ở Trường Sa tháng Tư năm 2014
02 Tháng Tư 2017(Xem: 7681)
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói trong một cuộc họp báo thường kỳ mỗi tháng: “Không có cái gọi là đảo nhân tạo. Hầu hết các công trình xây dựng đều dành cho mục đích dân sự, kể cả các cơ sở phòng thủ cần thiết”.
28 Tháng Ba 2017(Xem: 7736)
Reuters trích dẫn tuyên bố của giám đốc cơ quan tham vấn Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI Greg Poling cho biết hình ảnh vệ tinh chụp trong tháng này cho thấy Trung Quốc vừa trang bị thêm nhiều « ăng-ten » ra-đa trên hai đảo đá Chữ Thập và Subi .
26 Tháng Ba 2017(Xem: 7463)
"Tại sao các người (Mỹ) không đến gặp Trung Quốc để làm việc khi họ xây dựng các cấu trúc ở đó? Tại sao các người không quở trách họ? Tại sao các người không đưa đến 5 tàu sân bay? Và các người đã phải chờ cho đến khi vấn đề trở thành một vấn đề quốc tế liên quan đến nhiều nước" - ông Duterte nêu ví dụ trong hàm ý chỉ trích Mỹ.
23 Tháng Ba 2017(Xem: 7824)
Vào tuần trước, một quan chức Trung Quốc tiết lộ rằng nước này đang chuẩn bị xây dựng một số trạm quan sát môi trường ở Biển Đông, trong đó có một trạm trên bãi cạn Scarborough mà họ đã chiếm từ tay Philippines. Phía Philippines đã liên tiếp phản đối, và vào hôm nay, 22/03/2017, Trung Quốc đã cải chính là không hề có kế hoạch tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough. Lời cải chính của bộ Ngoại Giao Trung Quốc được đưa ra vài tiếng đồng hồ, sau khi chính quyền Manila xác nhận đã yêu cầu Bắc Kinh làm sáng tỏ vụ việc.
19 Tháng Ba 2017(Xem: 7935)
Ngày 19/03/2017 khi bị báo chí đặt câu hỏi về tin Trung Quốc loan báo sẽ thiết lập « cơ sở theo dõi môi trường » trên Scarborough mà họ đặt tên là Hoàng Nham, chiếm của Philippines năm 2012. Theo giải thích của tổng thống Rodrigo Duterte thì Manila không có cách nào ngăn chận Trung Quốc. Nếu động binh thì « toàn bộ quân đội và cảnh sát Philippines sẽ bị tiêu diệt, đất nước sẽ tan nát ».
14 Tháng Ba 2017(Xem: 8730)
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: “Chiến lược Việt Nam từ xưa tới nay vẫn là mình là người yếu ở cạnh một nước mạnh, thì trước hết là mình không muốn làm cái gì mà gây hấn để nó lấy cớ nó đánh mình. Thứ hai là mình phải phòng vệ, mình phải khỏe, tự mình khỏe đã. Nếu mình không đủ sức khỏe thì mình vay mượn sức khỏe người khác, những liên minh quân sự, thực sự hoặc trá hình. Phải có một sự cân bằng lực lượng như vậy thì mới chống lại được cái sự lấn lướt của một nước lớn ngay trước mặt.”