"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ SÁU 14 APRIL 2017
Huyền Triết Thần Thức Long Quân, Dưa hấu-làng An Tiêm và hải đảo
Mơ giấc Trường Sa
Ngược xuôi vạn lý tầm con mắt
Dạo khúc vân du mộng Trường Sa
Dấu tích thiên hà mơ đảo nhỏ
Quốc quốc chim Âu nhắc nhớ nhà.
Ta về đây, như loài chim báo bão
Biển ta đi bay bổng tiếng sơn ca
Có ai biết mùa nào hoa bàng nở (*)
Chỉ cho ta nhặt cánh gió phong ba. (**)
Đảo của ta, cơ đồ muôn năm trước
Trống Ngọc Hà, liền một giải Trường Sa
Ta vẫn biết sóng dồn chân nhung nhớ
Kéo quân về cùng mở hội Sơn ca. (***)
Kìa vũ trụ! biển Đông A nòi giống
Sóng bạc gầm nguyên trạng thưở hoang sơ
Hồn mềm như nước! Chí rắn như đá!
Ví cuộc cờ thay đổi dễ ai hơn? (****)
1.
Không có gì giả dối với đáy lòng khi lần đầu tiên từ Mỹ - miền đất xa cách hàng vạn dặm, tôi về thăm, nói đúng hơn, về để biết về một hải đảo bên kia bờ Thái bình dương, Đông Hải.
Người Trung Hoa gọi Đông Hải là biển nằm phía hướng Đông của nước họ - tức là biển Hoa Đông; người Việt Nam gọi biển Đông dịch từ cổ ngữ Đông Hải - cũng là biển của nước Đại Việt nhìn ra hướng Đông. Đến thời nay, biển Đông dịch theo chữ thời thượng là: "East Sea, hoặc là Vietnam East Sea". Nó xác lập vị trí của một vùng biển bên cạnh chữ "South China Sea" và khẳng định "South China Sea" cũng chỉ là một phần lãnh hải đặc quyền kinh tế chứ không bao trùm hết thảy vùng biển của các quốc gia ven biển, thí dụ như biển Tây của Philippines.
Thật ra Đông Hải hay Biển Đông đã định hình trong tờ hịch của một danh sĩ nhân nghĩa vĩ đại của nước Đại Việt. Cụ Nguyễn Trãi khi đánh nhau với quân phương Bắc kể tội giặc trong Bình Ngô Đại Cáo: " Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội, Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.»
Cho đến nay, có nhiều học giả trên thế giới lập luận về danh xưng các vùng biển ở khu vực Đông Nam Á sẽ được phân chia như thế nào cho phù hợp với quyền lợi và vị trí chu vi của quốc gia ven biển ấy.
Vào thời điểm này, Biển Đông trở nên một hải lộ sống còn của thế giới. Sự cọ xát mãnh liệt về quyền lợi giữa quốc tế và các quốc gia ven biển giao lưu ở khu vực biển vùng Đông Nam Á lại nẩy sinh thêm một danh xưng mới: vùng biển Quốc tế (1).
Đấy là chuyện quốc tế, nhắc đến chuyện nhỏ nhặt riêng tôi thì không phải trong bài viết này (*);
Nhưng thôi! "Phương trời viễn mộng" (2) đang chờ phía trước và việc quan sát, nghiên cứu, phổ biến tin tức là bổn phận của nhà báo.
Tôi vẫn thích mơ về phương trời xa, nhưng tôi không thể "bình chân như vại", "thủ khẩu như bình" khi nhìn thấy cái lưỡi bò Trung Nam Hải nó đang nuốt dần biển đảo Việt Nam.
2.
Dù chưa có tiếng súng, nhưng đó là một hỏa điểm: Sơn Ca. Tôi đến nơi này như một người lính, theo tôi là cái máy ảnh, cuốn sổ tay và Huyền Triết An Tiêm lởn vởn trong đầu.
Tưởng tượng hòn đảo chắc là phải nên thơ giữa trời biển mênh mông, hoặc hoang vu hoặc phồn thịnh. Nhưng trước hết cái đẹp hải đảo nó còn đọng trong tâm trí người con Việt xa xứ phảng phất hồn Huyền Triết Thần Thức Lạc Long Quân.
Trôi theo sóng ngước dập dềnh, tôi gọi Huyền Triết ghép bởi hai chữ Minh triết - Huyền thoại . Xưa, chữ của Tiên hiền Liệt thánh Việt hiếm thấy chữ triết lý trong cổ thư. Sau này cái học tây phương du nhập vào người ta mới sính hai chữ triết học - triết lý, rồi lại triết Đông triết Tây. Tôi thấy chẳng có cái chữ triết hay lý nào ấn tượng trong tâm trí đại chúng bình dân. Tôi chỉ thấy cái Lý và cái Tình nó bàng bạc ở trong từng hơi thở, từng lời nói, nó ở ngay trong đời sống của một dân tộc có hàng mấy ngàn năm vật vã. Sống sao cho có lý có tình. Đó là thứ lý - tình tái sinh hiện thực, tái sinh siêu hình, tội ác và thứ tha, tàn bạo và nhân ái bám vào hành trình con người Lạc tộc dọc suốt "con đường cái quan" (3), soi rọi cái hợp lý nhân sinh nhân chủ, cái thấu tình dân sinh dân trị dân quý của giống nòi Giao Chỉ từ làng xã đến cung đình.
Huyền Triết của giống nòi Lạc tộc là bản ngã vô chung vô thủy, không bờ không bến, là bậc thầy đứng ngang hàng với những bậc thầy triết lý - triết học của nhân loại. Huyền thoại của giống nòi Lạc tộc lý tưởng như "Đặt bày hương án chúc nguyện thần linh" (4). Minh Triết giống nòi Lạc tộc mang huyết tính Xích Quỷ đi bốn phương trời làm công việc của Thánh với Vương ở miền nào có "đất" có "nước", có "núi non" hay "biển cả". Minh Triết Lạc Việt xóa sổ và đạp đổ mọi chủ nghĩa ngoại lai, thần quyền, giáo quyền, tà quyền xâm nhập bất hợp lệ làm băng hoại quốc dân quốc tổ.
Huyền Triết nẩy nở từ Thần Thức Rồng Tiên hay Thần Thức Lạc Long Quân chính là nền tảng triết lý vô ngôn vô tự thượng đẳng giữ gìn giống nòi Lạc Việt. Huyền Triết bao trùm Văn Thánh Miếu.Văn Thánh Miếu là hương khói xưng tụng tiên hiền tứ thánh bất tử hàng nghìn năm văn hiến. Văn Thánh Miếu nối tiếp từ Thần Thức Lạc Long Quân mà ra. Văn Thánh Miếu là "Hồn đáy tầng của nòi giống, là Sử đáy lòng mỗi người, đáy sống của Tổ Tiên truyền dõi mãi mãi" (5), là sự tiến hóa không ngừng của huyết thống Lạc Long Quân.
Nhưng để sống còn tự sinh, Rồng Tiên phải chiến đấu, phải khắc họa hình thù quái dị trên thân thể che dấu tinh anh, biến hóa xác thân để sinh tồn trước loài ác độc,vươn vai Phù Đổng để mai sớm oanh liệt khắc tinh chế ngự văn minh ngư tinh thủy quái Hoa hạ. Đánh cho nó phải để tóc dài mà chạy.
Nhưng muốn chống lại cái thâm mưu Hoa hạ đó đồng hóa chia cắt, xẻ nhỏ Xích Quỷ, Bố Lạc Long Quân phải chia tay với Mẹ Âu Cơ với lời ẩn dụ sâu xa rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua (6).
Long Quân bảo con cái hãy ra giữ từng hòn đảo ngoài Nam Hải (biển Đông). Con trưởng của Long Quân là Hùng Vương lấy cớ trừng phạt Phò mã An Tiêm, bèn lệnh cho Phò mã hãy mang vợ con ra hoang đảo lập nghiệp gầy nên Làng dưa hấu An Tiêm - Làng chài An Tiêm.
Dưa hấu An Tiêm là trái ngọt sinh ra từ đất và nước ở hoang đảo. Từ bàn tay lao động mồ hôi đổ trên hoang dảo, Dưa hấu chính là phẩm vật thiêng liêng nuôi dưỡng con người. Dưa hấu An Tiêm là minh triết tự sinh tự tồn tự chiến đấu với những cơn bão biển hung tợn, với chính bản mệnh buộc phải trôi theo nghịch cảnh một dân tộc bị đọa đày đến chỗ tận cùng.
Phò Mã An Tiêm bị Vua Hùng "đày đọa" đến chỗ tận cùng là hoang đảo. Dưới bàn tay khai phá của An Tiêm hoang đảo trở thành hải đảo, biến hải đảo thành nơi con người có thể tạo ra phẩm vật sinh tồn. Dưa hấu tâu lên Vua cha, khẳng định hoang đảo là hải đảo tự lực sinh tồn - là nơi con người an cư lạc nghiệp. Dưa hấu An Tiêm nối liền cuộc sống ở hải đảo với sự sống đất liền. Dưa hấu là mật ngữ An Tiêm, là giềng mối của mọi giềng mối nối liền hải đảo xa xôi với đất Mẹ Âu Cơ.
Làng An Tiêm
Giang sơn nước Việt từ đất liền ra biển cả bắt đầu từ phẩm vật Dưa hấu. Hòn đảo hoang sơ hoang vắng mà Hùng Vương giao do An Tiêm khai khẩn chính là hòn đảo cội nguồn đầu tiên tạo ra đời sống hải đảo. Làng Dưa hấu An Tiêm tạo ra của cải, Làng Chài An Tiêm tạo ra của cải. Của cải là tài sản của hải đảo và cũng là tài sản của đất liền. Đã đến lúc Việt Nam cần hình thành hàng chục, hàng trăm Làng An Tiêm trên các hải đảo.
Ngày nay, đảo và đời sống hải đảo là một phần của cơ thể của quốc gia không thể tách rời và Làng An Tiêm là cái gạch nối giòng họ đời này đến đời sau.
Trong lịch sử chiến đấu với quân Bắc phương, nhiều lần, nhà Hán mang hạm đội thủy quân từ biển tiến đánh đất Đại Việt nhưng không như mong muốn. Biển Đông là hải lộ mênh mông đánh vào đất liền, nhưng bờ biển là chiến lũy ngăn chặn quân thù truyền kiếp. Người Việt từng xâm mình đánh nhau với thuồng luồng thủy quái, người Việt sinh sống ở bờ biển trở thành triệu triệu con dã tràng xe cát biển Đông, nhọc lòng tạo nên công cán lớn lao cho miền duyên hải liền lạc mịn màng từ Móng Cáy tới Hà Tiên - vươn ra tới hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Hai quần đảo chính là hai con mắt vĩ đại nhìn thấu ra biển Thái Bình.
Sống đời Huyền Triết, Nguyễn Ánh "hậu duệ" của Phò mã An Tiêm đã sống và chiến đấu bằng đáy tầng hồn sử Huyền Triết. Nguyễn Ánh, vị soái tướng duy nhất trong cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn bị quân Tây Sơn đánh tan tác phải chạy ra hải đảo để bảo toàn lực lượng; ngược lại, cũng chính vì bôn ba ra biển cả mà soái tướng Nguyễn Ánh đã có cái nhìn rất sâu về biển đảo (7).
Nếu Đức Thánh Đại vương Trần Hưng Đạo là thủy tổ của thủy quân sông ngòi thì Vua Gia Long chính là thủy tổ của hải quân biển cả.
Chúa Nguyễn và các vị Vua triều Nguyễn đến thời Vua Gia Long rất "nhọc nhằn" về biển Đông. Gia Long và tướng sĩ "cũng như con dã tràng xe cát bể Đông, nhọc lòng mà không công cán như thế, nhưng mà là có công cán lớn lao vì loài người còn nhớ mãi công cán của mỗi con dã tràng ấy." (8).
"Đất" và "Nước" Phong Châu nhỏ bé lan dần ra tới Hoành Sơn Nhất Đái cũng chỉ mới là một khoảnh núi rừng. Chí lớn Nguyễn Ánh viễn kiến về lý tưởng Huyền Triết kiến quốc thống nhất giang sơn bao trùm núi non biển cả. Kinh đô Gia Long gánh hai vai đất nước, Thuận An phóng mắt ra bể Đông. Gia Long lập ra các đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải, giương buồm chèo thuyền ra tận hải đảo cát vàng, ra vạn lí trường sa khai thác tài nguyên, thu nhặt sản vật. Vua không quên cho thủy quân cắm mốc, cắm tiêu trên các hòn đảo, vẽ bản đồ xác lập địa lý ngoài khơi Biển Đông minh định các hải đảo này là của Việt Nam.
3.
Vương quốc Việt Nam
Nhắc đến công lao vĩ đại của Vua Gia Long không thể không nhớ lại một giai đoạn lịch sử hình thành việc mở mang bờ cõi đất - nước Việt. Huyền Triết siêu phàm xô đẩy dân Việt về phương Nam: Năm 1600 Chúa Nguyễn Hoàng, tổ tiên của Vương triểu nhà Nguyễn quyết định "di cư" vào Đàng Trong. Nguyễn Hoàng là người mở ra cuộc nội chiến phân tranh hai giòng họ Trịnh -Nguyễn để xác định biên giới của Đàng Trong từ phía Nam sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trở vào Nam.
Đàng Ngoài - Chúa Trịnh Kiểm với sức mạnh quân lực hùng mạnh áp lực Chúa Nguyễn lùi dần về phương Nam. Chúa Nguyễn không thể quanh quẩn ở "Hoành Sơn nhất đái" nữa mà phải di dân vượt bể phóng tầm mắt nhìn xa hơn nữa về giải đất phía dưới (9).
Vận nước nổi trôi theo giòng lịch sử u uẩn. Đất và nước khi mất, khi còn, khi rơi vào tay giặc; phúc thay, Thần Thức Lạc Long Quân luôn phục sinh sống mãi cho một giống nòi nghiệt ngã oan khiên chém giết lẫn nhau. Bắc quân - Nam quân tàn sát lẫn nhau đưa đẩy giống nòi về phương Nam hưng thịnh. Bắc quân - Nam quân tàn sát lẫn nhau đưa đẩy giống nòi đi bốn phương thế giới lưu dấu Lạc Hồng.
Chiến tranh đắc thắng mọi hệ thống triết học đạp đổ mọi biện minh cho cứu cánh, đắc thắng vô ngã chiến thắng đắc thắng thủ đoạn. Không mọi con đường triết học nào vượt được con đường Huyền Triết Thần Thức Lạc Long Quân. Đạo lý Huyền Triết từ bi mỉm cười nhìn dòng chảy đại nghiệp của dòng sông Bách Việt không phải lúc nào cũng hiền hòa bằng phẳng mà đôi khi phải trộn lẫn nhau bằng máu.
Từ Vương Ngô Quyền Cổ Loa cho tới Đại Cồ Việt Đinh Bộ Lĩnh Hoa Lư cho tới Đại Việt Lý Thái Tổ Thăng Long cho tới Việt Nam Gia Long kinh đô Huế và cho tới sau này nữa, đất và nước Việt không hổ danh có một bờ cõi nối liền từ rừng núi ra biển xanh. Gậy trúc Hùng Vương động thổ Kinh đất Phong Châu chuyển động rần rần tới biên thùy tận cùng phương Nam mở ra một trang sử Vương quốc biển, Vương quốc Việt Nam.
Nụ hoa văn nghệ bình dân hát rằng: Cháu con phải gìn giữ lấy muôn năm cái nước non nhà. Một Vương quốc Việt Nam âm thầm nở hoa ngát ra thế giới.
Lý Kiến Trúc
www.nhatbaovanhoa.com
(UCI hospital 29/3/17 - Giổ Tổ mùng 10 tháng Ba Việt lịch 4896 )
(*) Đấy là chuyện quốc tế, nhắc đến chuyện nhỏ nhặt riêng tôi thì không phải trong bài viết này; nhưng bản thân tôi là một người tị nạn xa quê hương vài chục năm nên vẫn không bỏ ngoài tai được lời ong tiếng ve của một số "đồng hương" hiểu sai về chuyến đi Trường Sa của tôi vào tháng Tư năm 2014 qua lời mời chính thức của một thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam.
(1) VOA Cambodia ngày 12/7/2017 đưa tin, Hàng không Mẫu hạm USS Ronald Reagan đang hiện diện trên vùng biển quốc tế giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi đón một phái đoàn Cambodia đến thăm, Hạm trưởng Donnelly tuyên bố: "Tôi là thuyền trưởng Buzz Donnnelly, chỉ huy tàu USS Ronald Reagan. Chúng ta đang hoạt động ngay bây giờ ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông, giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Riêng người Việt hải ngoại có Tiến sĩ sử gia Phạm Cao Dương gọi là biển Đông Nam Á. Giáo sư Sử gia Trần Anh Tuấn gọi là biển Nam Hải lấy ý gốc từ bài thơ Nam Quốc của danh tướng Lý Thường Kiệt.
(2) chữ của Nhà thơ Tuệ Sỹ.
(3) chữ của Nhạc sĩ Phạm Duy.
(4) thơ Lục Vân Tiên - cụ Đồ Chiểu.
(5) chữ của LDA.H.H.
(6) Đại Việt Sử Ký toàn thư.
(7) Theo các tài liệu hiện nay, dầu vết gót chân và hải thuyền của soái tướng Nguyến Ánh còn lưu ở đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Sơn.
(8) chữ của LDA.H.H.
(9) Thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài 45 năm 1627 đến 1672, với 8 trận đại chiến. Năm1774-1775 là trận đại chiến lần thứ 8 và là trận cuối cùng giữa hùng binh của chúa Trịnh Sâm và chúa Nguyễn Phúc Thuần trong lịch sử chia cắt Đàng Ngoài-Đàng trong hơn 200 năm của nước Đại Việt. Ngày Đinh mùi - tức là 28 tháng 12 năm Giáp Thìn, dương lịch là 30 tháng 1 năm 1775, Bắc quân chúa Trịnh Sâm và Lão tướng Hoàng Ngũ Phúc tiến vào Phú Xuân. Mùng 3 Tết Ất Mùi (1775), Bắc quân ăn Tết ở thành Phú Xuân tiêu diệt đại quân của chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần. Định Vương phải vượt biển chạy vào đất Gia Định sau bị quân Tây Sơn giết năm 23 tuổi.
* Tham khảo thêm: Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái. Tạ Chí Đại Trường (2006), Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771-1802.
Bản đồ Đại Việt năm 1569.
Bản đồ Đàng Trong Đàng Ngoài năm 1757.
Bản đồ người Việt sống khắp nơi trên thế giới từ năm 1975 đến ...
Lý Kiến Trúc
(*), (**): Phong ba là tên của một loài cây có thân to lớn, già cỗi chịu đựng với bão tố nên có dáng ngoằn nghèo, uốn éo, lá nhỏ nhưng rất cứng; Bàng cũng là loài cây khá lớn cao khoảng từ 5 - 7 mét, lá to che rợp bóng mát, đến mùa sinh nở đẻ ra trái bàng hình vuông, hoa có màu sắc dị thường thơm ngát. Hai loại cây này chỉ mọc ở hải đảo.
(***) Ở đảo Sơn Ca có loài chim gọi là chim Sơn Ca, cũng được gọi là chim di dân, đến mùa tình gọi nhau về cả đàn, làm tổ, nuôi con lớn rồi lại bay đi.
(****) Tháng Tư, 2014: Tôi là lính, tôi thương lính, lính nào cũng là lính. Tôi là dân, tôi quý dân, dân nào cũng là dân. (bài thơ trích từ tập thơ Zen, động mây mù mơ giấc mơ xa - chưa xuất bản)
Ảnh đời sống trên các hải đảo Trường Sa
Câu đu đủ xum xuê trái trên đảo Song Tử Tây.
Cây bàng đẻ trái bàng vuông trên đảo Song Tử Tây.
Cây phong ba già cỗi trên đảo Song Tử Tây.
Cây phong ba, cây mù u chen lấn lẫn nhau
Giếng nước lợ ngọt dùng cho ăn uống tắm giặt trên đảo Song Tử Tây.
Một giống rùa sống ở khu vực biển đảo Sơn Ca.
Một giống rùa sống ở khu vực biển đảo Sơn Ca,bụng rùa mu rùa nổi hoa văn rất đẹp.
Lại có cả mấy chú cẩu trông nhà trên đảo Trường Sa đông.
Biển trời mây nước Trường Sa.
Kỳ tới: Bài 1: Trường Sa, tuy xa mà gần.