Hệ quả hay chuẩn bị ứng xử cho bộ khung Quy Tắc Ứng Xử COC?

21 Tháng Năm 20178:35 CH(Xem: 7949)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG  THỨ HAI 21  MAY 2017


Indonesia tập trận rầm rộ tại vùng Natuna nhìn ra Biển Đông


image011Đảo Natuna. Ảnh chụp từ trên không.DR


Lần thứ hai trong vòng bảy tháng, Quân Đội Indonesia vào hôm qua, 19/05/2017 đã lại tổ chức một cuộc tập trận lớn nhằm phô trương lực lượng tại vùng quần đảo Natuna, nơi có vùng biển bị đường lưỡi bò Trung Quốc gặm nhấm và thường xẩy ra va chạm giữa tàu thuyền hai bên.


 Theo nhật báo Indonesia The Jakarta Post, có khoảng 5.900 binh lính trong lực lượng phản ứng nhanh của Quân Đội Indonesia, cao hơn gấp ba lần so với con số khoảng 2.000 quân được huy động vào cuộc tập trận không quân Angkasa Yudha, cũng được tổ chức tại Natuna tháng 10 năm ngoái. Cuộc tập trận còn huy động đến chiến đấu cơ, xe tăng và chiến hạm.


Cuộc tập trận này nhấn mạnh đến chính sách của tổng thống Indonesia Joko Widodo muốn tăng cường lực lượng bảo vệ các vùng biên giới trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền hàng hải của Indonesia chống lại tệ nạn buôn lậu ma túy và đánh trộm cá.


Vùng Natuna rất được Jakarta quan tâm vì một phần khu vực đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh quần đảo này đã bị Bắc Kinh đưa vào bên trong đường lưỡi bò mà họ vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.


Phát biểu sau khi đến tận nơi quan sát cuộc tập trận, tổng thống Indonesia khẳng định : « Cho dù là ở trên bộ, trên không hay trên biển, quân đội Indonesia đều sẵn sàng khi đất nước cần đến ». (theoTrọng Nghĩa 20-05-2017)


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Biển Đông: Trung Quốc, ASEAN đạt được dự thảo bộ khung Quy Tắc Ứng Xử


image012


Cuộc họp về Biển Đông giữa quan chức cao cấp Trung Quốc và ASEAN ngày 18/05/2017 tại Quý Châu, miền tây nam Trung Quốc đã đạt kết quả tốt : Hai bên đã nhất trí trên một bản dự thảo bộ khung của bản Quy Tắc Ứng Xử (COC) trên Biển Đông mà ASEAN muốn sớm có được trong năm nay.


Theo hãng tin Anh Reuters, sau cuộc họp, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã ra tuyên bố xác nhận rằng là bộ khung của bản Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông đã được thông qua, nhưng không cho biết chi tiết về văn kiện này.


Thông báo của phía Trung Quốc chỉ nói là cuộc thảo luận giữa hai bên đã diễn ra một cách thẳng thắn và đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả tích cực.


Theo nguồn tin này, hai bên « ủng hộ việc sử dụng khuôn khổ của các quy tắc khu vực để quản lý và kiểm soát các tranh chấp, tăng cường hợp tác hàng hải, thúc đẩy tham vấn về bộ quy tắc và cùng duy trì hòa bình và ổn định trong vùng Biển Đông ».


Phát biểu trên đài truyền hình Nhà Nước Trung Quốc, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, trưởng đoàn đàm phán của Bắc Kinh, nhận định rằng bộ khung của COC mang tính chất toàn diện và có tính đến mối quan tâm của tất cả các bên.


Nhưng trong một phát biểu được cho là nhắm vào Hoa Kỳ, ông đã yêu cầu những nước khác nên đứng bên ngoài : « Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận của chúng tôi về bộ Quy Tắc này mã này không bị phía bên ngoài làm nhiễu ».


Cũng trên đài truyền hình Trung Quốc, ông Chee Wee Kiong, thư ký thường trực của bộ Ngoại Giao Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, cho biết là « dự thảo » văn kiện sẽ được trình lên một cuộc họp giữa các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc vào tháng 8 tới đây ở Philippines.


Người phát ngôn cho ASEAN này tỏ ý tin tưởng : « Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục động lực tích cực trong tiến trình tham vấn này để đạt được tiến bộ vững chắc đối với một bộ Quy Tắc Ứng Xử có thực chất. »


Theo các nhà quan sát, như vậy thì dự thảo sẽ được chuyển lên cấp ngoại trưởng để xem xét và chuẩn y nhân hội nghị thường niên các ngoại trưởng ASEAN vào tháng Tám tới đây ở Manila, và chỉ khi nào bộ khung bản Quy Tắc Ứng Xử được thông qua, thì lúc đó đàm phán về việc thiết lập bộ Quy Tắc Ứng Xử thực thụ, mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, mới khởi sự.


Hãng tin Anh Reuters nhắc lại rằng Trung Quốc và ASEAN từng hy vọng là trong năm nay có thể thông qua được bộ khung của bản Quy Tắc Ứng Xử, mà hai bên đã từng cam kết soan thảo từ 15 năm trước đây.


Reuters ghi nhận là một số nhà ngoại giao ASEAN đã bày tỏ mối quan ngại về việc liệu Trung Quốc có thành thật hay không, hoặc là liệu ASEAN có đủ sức để buộc Trung Quốc tôn trọng các quy tắc đề ra hay không.


Một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines, cũng như Hoa Kỳ, đã bày tỏ mối quan ngại về những hành đông của Trung Quốc bị cho là « quân sự hóa » Biển Đông, trong đó có việc xây phi đạo trên một số đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm giữ tại vùng Trường Sa./(theoTrọng Nghĩa 18-05-2017)