Biển Đông trên bàn nghị sự ASEAN

30 Tháng Bảy 20198:58 CH(Xem: 6289)
VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ TƯ  31 JULY 2019

Biển Đông trên bàn nghị sự ASEAN

image007
Ngọc Mai

31/07/2019

Vấn đề Biển Đông được cho là sẽ trở thành một trong những tâm điểm được bàn luận tại các hội nghị của ASEAN đang diễn ra tại Thái Lan.
 
Tàu Hải Dương Địa chất 8 và tàu hộ tống vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN .Ảnh: Ngư dân cung cấp'
Tàu Hải Dương Địa chất 8 và tàu hộ tống vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN .Ảnh: Ngư dân cung cấp'

Đông Nam Á đang trong tuần lễ sôi động với chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 29.7 - 3.8, bao gồm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM 52), Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN. Đại diện hơn 30 quốc gia sẽ góp mặt, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.

Biển Đông phủ bóng

Theo giới chuyên gia, Biển Đông sẽ là một trong những nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của đợt hội nghị, nhất là sau khi những diễn biến gần đây tại Biển Đông đã đánh động sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực. Theo bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị AMM 52 mà tờ Nikkei (Nhật Bản) có được, ASEAN sẽ bày tỏ quan ngại về các hành động “làm xói mòn lòng tin” và “gia tăng căng thẳng” của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngôn ngữ trong bản dự thảo thống nhất với tuyên bố chủ tịch tại hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 6.

Bên cạnh đó, nhiều nghị sĩ Mỹ đã gửi thư hối thúc Ngoại trưởng Pompeo phải ưu tiên thảo luận việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Trong bức thư đề ngày 29.7, các thượng nghị sĩ Bob Menendez, Ed Markey, Patrick Leahy và Brian Schatz mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước khác, quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp, phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế cũng như gây sức ép khi đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Các nghị sĩ cho rằng cần hành động nhiều hơn để ngăn chặn xu hướng hành xử bất chấp của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi kêu gọi ông hãy coi cuộc gặp tới đây ở Bangkok là cơ hội tạo đồng thuận để bảo vệ quyền lợi của các đồng minh và đối tác của Mỹ theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), chấm dứt việc Trung Quốc xâm phạm quyền hợp pháp của các nước ven biển, tạo sự tôn trọng luật pháp và thể chế quốc tế, chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá hoại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, các nghị sĩ nhắn gửi ông Pompeo.

Vai trò của ASEAN

Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Hoàng Việt (thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đánh giá dù có nhiều ý kiến khác nhau về vai trò của ASEAN hiện nay (khi một số thành viên đơn phương vì lợi ích riêng đã ảnh hưởng đến vai trò và lợi ích chung), nhưng ASEAN vẫn là tổ chức quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

“Trong vấn đề Biển Đông, vai trò của ASEAN vẫn rất cần thiết để có thể đối thoại với Trung Quốc. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng thể hiện phần nào vai trò của ASEAN trước một Trung Quốc hung hăng. Tiến trình COC là bước nối tiếp ở mức độ cao hơn của DOC cũng rất quan trọng đối với khu vực. COC được kỳ vọng sẽ là phương tiện quan trọng để kiểm soát tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, tiến trình thúc đẩy COC vẫn còn chậm, một phần do Trung Quốc và phần nữa do một số nước ASEAN đã thỏa hiệp. ASEAN cần mạnh mẽ, năng động hơn, đoàn kết hơn thì mới có thể có tiếng nói đối trọng trước một Trung Quốc ngang ngược như hiện nay”, ông Việt nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho rằng ASEAN hiện vẫn chưa thành công trong việc xử lý vấn đề Biển Đông do một số yếu tố.

Thứ nhất, cơ chế hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận đòi hỏi toàn bộ các thành viên ASEAN phải thống nhất trong cách tiếp cận đối với Biển Đông nhưng các nước lại có lợi ích khác nhau ở Biển Đông cho nên khó có tiếng nói chung.

Thứ hai, Trung Quốc vẫn chưa coi ASEAN là một cơ chế đa phương đủ năng lực thẩm quyền để giải quyết vấn đề Biển Đông, thay vào đó đòi đưa về vấn đề riêng với từng nước có tranh chấp.

Thứ ba, các hiệp ước hay thỏa thuận ký trước đây giữa hai bên về an ninh khu vực như DOC hay Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (năm 2003) đều mang tính chuẩn tắc, thiên về quy trình tham vấn, và không có tính bắt buộc nên hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của các quốc gia ký kết.

“Do các yếu tố về nguyên tắc hoạt động, vai trò dẫn dắt, và cấu trúc thể chế của ASEAN chưa phù hợp đối với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt cho nên việc giải quyết vấn đề Biển Đông đối với ASEAN rõ ràng rất khó. Về lâu dài, ASEAN phải thay đổi nguyên tắc và cấu trúc hoạt động, cũng như phải trở thành trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề hiện nay”, ông Trung nói với Thanh Niên./( Thanh Niên)