Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn tồn tại 30 năm?

09 Tháng Hai 20206:34 SA(Xem: 6688)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ  HAI 10 FEB 2020


image004


Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn tồn tại 30 năm?


08/02/2020


image005

Người dân Vĩnh Long vận chuyển gạo trên sông Mêkông. Wikimedia Commons

 

Tú Anh


Từ Co-vi 2019 đến Hoa Vi thế hệ 5, do đâu mà Trung Quốc là mối hiểm nguy, mạnh lên cũng đáng lo, mà yếu đi cũng đáng ngại. Còn đối với người Việt Nam, nguy cơ trước mắt là Đồng Bằng sông Cửu Long với vựa lúa miền Tây sẽ biến mất trong tương lai gần, do khả năng tái tạo của thiên nhiên đã bị các đập thủy điện và nạn khai thác cát phá vỡ. Đó là các chủ đề thời sự trên các tuần báo Pháp.


Quảng cáo


Đất lở mà sông không bồi


Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long chìm dần dưới nước biển. Qua rồi thời oanh liệt của thiên nhiên, thời « đất lở sông bồi ». Hơn một chục đập thủy điện trên thượng nguồn và nhất là hiện tượng nạo vét cát khiến các cửa biển ngày càng sâu. Le Courier International giới thiệu bài phóng sự dài của Financial Times.


Một đêm tháng 8, dân làng Bình Mỹ, một ngôi làng trù phú ở đồng bằng sông Cửu Long bị một tiếng nổ lớn đánh thức. Chạy ra đường, họ thấy một đoạn xa lộ dài 30 thước trước xóm nhà lọt xuống sông. Bình Mỹ (tỉnh An Giang) không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Vì sao nên nỗi? Và đến khi nào toàn vựa lúa của Việt Nam chịu chung số phận?


Theo Financial Times, một trong những vùng ruộng đồng ở châu Á đang chìm dần xuống biển. Hiện tượng biến đổi khí hậu làm mực nước dâng cao là một trong những lý do. Nghiên cứu của Tổ chức Climate Central dự báo « một phần lớn của vùng đồng bằng sông Mêkông sẽ biến mất từ nay đến năm 2050 ». Trái lại, nhiều nhà khoa học cho rằng, với tình hình hiện nay, mực nước chỉ dâng lên độ 3 mm mỗi năm, tức là rất chậm.


Nhưng đối với dân địa phương và chuyên gia theo sát biến đổi của dòng sông Mêkông từ ba bốn thập kỷ, thì có hai hiện tượng do con người gây ra, đe dọa nghiêm trọng vựa lúa và thực phẩm của Việt Nam. Một là nạn khai thác cát vô trách nhiệm, để phục vụ nhu cầu xây dựng các tòa nhà chọc trời ở thành phố Hồ Chí Minh và gia tăng diện tích lấn biển cho Singapore. Hai là các đập thủy điện của Trung Quốc và Lào trên thượng nguồn.


Cách nay 20 năm, nhờ vào phù sa, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long lấn thêm ra biển. Nhưng bây giờ, phù sa bị giảm gần 50% do các đập thủy điện Trung Quốc, nên bờ biển Cà Mau bị mất hàng chục mét mỗi năm. Nước biển xâm nhập sâu vào sông ngòi làm thay đổi quân bình giữa ba loại nước mặn, lợ và ngọt; tác hại đến ngành trồng trọt, ruộng rẫy, chăn nuôi cá tôm của người dân. Nếu đồng bằng biến mất thì đến phiên người thành phố lãnh hệ quả.


Trước mắt, trong một thế giới mà số phận các vùng duyên hải ngày càng nguy ngập, những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long là tín hiệu báo trước tương lai ảm đạm. Dân làng Bình Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng di tản trong trường hợp khẩn cấp.


Đến cát cũng cạn nguồn


Ý thức cần phải bảo vệ dòng trường giang huyết mạch, chính phủ Thái Lan vừa tuyên bố từ chối kế hoạch đầu tư nạo vét đáy sông của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng ý thức cần phải thay đổi chính sách, phải bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng theo ý kiến một số chuyên gia, tình hình đã quá trễ, trừ phi ngăn chận được 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn.


Bảo vệ dòng sông bằng cách nào khi tàu khai thác cát « đông như kiến »? Người dân bắt đầu ý thức mối nguy hại này nên đôi khi phản ứng thô bạo với dân vét cát. Theo một chuyên gia Việt Nam, cát của Việt Nam chỉ còn từng ấy thôi. Khi 11 đập thủy điện Trung Quốc cùng hoạt động thì cát cũng hết. Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu ý thức và thi hành một số biện pháp như xây kè bê-tông, nhưng cuối cùng phải bỏ dần vì quá tốn kém. Lệnh cấm khai thác cát, ban hành năm 2017, không hiệu quả vì thiếu quyết tâm, vì bị luồn lách.


Báo chí nhà nước cũng bắt đầu tường thuật những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo hình ảnh những con đường và nhà cửa rơi xuống sông. Chuyên gia Brian Eyler xem đây là tín hiệu tốt, bởi vì chính quyền Việt Nam bắt đầu nhìn nhận có sai lầm và tìm cách thay đổi chính sách 180°./


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Bộ Tài nguyên-Môi trường bác tin Đồng bằng sông Cửu Long bị ‘‘xóa sổ’’ vào năm 2050


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin vào năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị “xoá sổ" chỉ dựa trên các giả định cực đoan, chưa đủ cơ sở.


Hùng Võ (Vietnam+) 02/11/2019 08:39 GMT+7

image006

Bản đồ nguy cơ ngập ứng với mực nước biển dâng 100 cm, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Bộ TN-MT)


Trước thông tin vào năm 2050 Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị “xoá sổ,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định “đây là thông tin chưa đủ cơ sở khoa học và chỉ dựa trên các giả định cực đoan.”


Tuy nhiên, đây cũng là một thông điệp cần quan tâm để khi xây dựng các phương án quy hoạch, các cơ quan thực hiện cần chú ý đến sự sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt do triều cường để đề xuất phương án hợp lý giải quyết.


Giả định cực đoan


Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu của các nhà khoa học Climate Central công bố trên tạp chí Nature Communications mới đây đã đưa ra nhận định về nguy cơ ngập bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu cho các đồng bằng trên thế giới.


Tại Việt Nam, nghiên cứu đưa ra giả định, nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể “xóa sổ” Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng 30 năm tới, gây ảnh hưởng nặng nề tới khoảng 20 triệu dân của vùng. Ngoài ra, phần lớn diện tích trung tâm kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2050.


Đánh giá về những kết quả của nghiên cứu trên, phó giáo sư tiến sỹ Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng việc quan tâm đến nguy cơ mất đất do nước biển dâng ở Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết, song nghiên cứu vẫn có nhiều điểm cần làm rõ.


[Vựa lúa số 1 Việt Nam: Nguy cơ bị chìm vì ‘đói’ phù sa, lún nặng]


Thứ nhất, trong nghiên cứu của Climate Centreal, số liệu địa hình ven biển được xây dựng trên cơ sở hiệu chỉnh sai số của STRM DEM (số liệu địa hình của NASA-NASA’s Shutter Radar Topography Mission, 2000).


Thực tế, STRM DEM thường có sai số về độ cao lớn do bao gồm cả các lớp thực vật và nhà cửa. Vì vậy, bài báo đã hiệu chỉnh số liệu địa hình ven biển thông qua sử dụng số liệu địa hình Lidar tại Mỹ và mạng thần kinh nhân tạo MLP, sau đó áp dụng cho toàn cầu.


Như vậy, “nghiên cứu đã không hiệu chỉnh cho Đồng bằng sông Cửu Long nên số liệu địa hình trong nghiên cứu này chưa phản ánh đúng độ cao thực tế của khu vực,” bà Hương nhấn mạnh.


Trước đó, năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tại kịch bản này, số liệu địa hình được sử dụng để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được lấy từ: Mô hình số địa hình kích thước ô lưới là 2mx2m của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do Cục Viễn thám Quốc gia thực hiện năm 2008; Bản đồ số địa hình do dự án bay chụp Lidar của Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam thực hiện.


Trong khi đó, nghiên cứu của Climate Central, các tác giả sử dụng kịch bản nước biển dâng 2m kết hợp với triều cường trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập. Thực tế, đây là sự chồng chập của hai giả định rất cực đoan nên tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ rủi ro rất cao.


Hơn nữa, kết quả đưa ra không thể phân biệt ngập lụt do mực nước biển dâng vì biến đổi khí hậu và nguyên nhân ngập lụt do hiệu ứng thủy triều (chỉ trong vài giờ). Bên cạnh đó, kịch bản nước biển dâng 2m không được đề xuất trong báo cáo Đánh giá lần thứ 5 của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (AR5).


Vì thế, “thông tin vào năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị xoá sổ là chưa đủ cơ sở khoa học và chỉ dựa trên các giả định cực đoan,” bà Hương nhấn mạnh.


image007

Nguy cơ ngập đối với các đồng bằng và các tỉnh ven biển khi nước biển dâng 100cm. (Nguồn: Bộ TN-MT)


Cần chú ý đến sự sụt lún, nước biển dâng


Mặc dù bác thông tin trên, song đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý, trong kịch bản biến đổi khí hậu đã được công bố năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định nguy cơ ngập úng với mực nước dâng 100cm đến năm 2100.


Theo đó, với kịch bản trên, khoảng 17,8% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh; 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nguy cơ bị ngập; cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao.


Riêng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên thực tế, hiện có chỗ hạ, chỗ nâng đan xen, đặc biệt một số khu vực ở các tỉnh Long An, An Giang nâng lên rõ rệt. Trong khi đó, khu vực tỉnh Bạc Liêu hạ nhiều nhất.


[Đề xuất điều tra tổng thể sụt lún nền đất vùng đồng bằng sông Cửu Long]


Trên cơ sở số liệu địa hình mới cập nhật (năm 2019), Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tiến hành xây dựng kịch bản ngập cho tỉnh Bạc Liêu ứng với mực nước biển dâng 100cm để thử nghiệm so sánh với kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016.


Kết quả cho thấy không thay đổi nhiều so với kịch bản năm 2016, có khu vực diện tích nguy cơ ngập tăng, có khu vực lại giảm (mức ngập trong bản đồ năm 2016 và năm 2019 tương ứng là 48,6% và 49,1%).


Theo phó giáo sư tiến sỹ Huỳnh Thị Lan Hương - thành viên Nhóm biên soạn Kịch bản Biến đổi khí hậunước biển dâng (công bố năm 2016) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu của Climate Central có ý nghĩa về mặt khoa học, tuy nhiên thông tin chưa đủ cơ sở khoa học. Vì vậy, bản đồ số độ cao mà Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong năm 2016 vẫn là nguồn số liệu cập nhật và tốt nhất.


Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng bản đồ nguy cơ ngập với kịch bản nước biển dâng 100 cm là mức cao trong trong kịch bản RCP 8.5. Do vậy, các cơ quan, địa phương khi đánh giá nguy cơ ngập do nước biển dâng cần sử dụng số liệu chính thức do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.


Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự kiến sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng từ dữ liệu này trong các kịch bản tới./.

Hùng Võ (Vietnam+)