Malaysia và Philippines đồng loạt lên tiếng

23 Tháng Tư 20208:12 SA(Xem: 5444)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ NĂM 23 APRIL 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)

image010

Malaysia lên tiếng sau thông tin tàu Trung Quốc, Malaysia giằng co ở Biển Đông


image011

Văn Khoa


23/04/2020  Thanh Niên Online


Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm nay 23.4 nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình ở Biển Đông giữa lúc có tin tàu khảo sát Trung Quốc và tàu Malaysia giằng co trong khu vực tranh chấp.


image012

Tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam từ tháng 5 - 10.2019. NGƯ DÂN CUNG CẤP


Ông Hishammuddin nhấn mạnh mọi tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo Reuters. Mặt khác, ông Hishammuddin nhấn mạnh: “Dù luật pháp quốc tế bảo vệ tự do lưu thông, sự hiện diện của các chiến hạm và tàu khác ở Biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, có thể dẫn tới những tính toán sai lầm gây ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.


Ông Hishammuddin đưa ra tuyên bố trên sau khi các nguồn tin an ninh của Reuters ngày 21.4.2020  tiết lộ 2 chiến hạm Mỹ USS America và USS Bunker Hill hiện diện ở Biển Đông, gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành.


Trước đó vào ngày 14.4, trả lời câu hỏi của Thanh Niên về thông tin tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng một số tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông”.


“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”, bà Hằng cho biết thêm.


Hồi năm 2019, tàu Hải Dương địa chất 8 dưới sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông.


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Biển Đông: Philippines nói Trung Quốc ‘vi phạm chủ quyền và luật quốc tế’


BBC 23/4/2020

image013

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr


Philippines hôm 22/4/2020 đã trao hai công hàm ngoại giao phản đối và lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền cũng như vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.


"Vào lúc 5:17 chiều hôm nay, Đại sứ quán Trung Quốc đã nhận được hai công hàm ngoại giao phản đối: một về việc đã chĩa súng radar vào tàu Hải quân Philippines ở vùng biển Philippines và hai về đã tuyên bố một phần lãnh thổ Philippines là một phần của tỉnh Hải Nam," Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. hôm thứ Tư nói, và được tờ báo tiếng Anh Inquirer.net trích dẫn cũng ngày 22/4.


Một tàu Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã chĩa súng radar vào một tàu Hải quân Philippines gần Rizal Reef (Việt Nam gọi là Đá Công Đo) mà Philippines đang chiếm giữ trong nhóm đảo Kalayaan, quần đảo Trường Sa.


Hôm 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc công bố "danh xưng tiêu chuẩn" cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông.


Phần lớn số này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.


Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể.


Trong một diễn biến có liên quan trong khu vực, cùng hôm thứ Tư, truyền thông Mỹ cho hay hải quân của cả Mỹ lẫn Úc đều xuất hiện và hiện diện gần các tàu 'thăm dò' của Trung Quốc trên Biển Đông.


"Một tàu khu trục của Úc đã cùng tham gia với ba tàu chiến Mỹ hiện diện gần một khu vực nơi tàu Trung Quốc bị nghi đang thực hiện việc thăm dò dầu khí gần vùng nước ở Biển Đông mà Việt Nam và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền," một bản tin trên VOA hôm thứ Tư cho biết.


"Tàu chiến Úc tuần này đã tới gần khu vực nơi tàu thăm dò của Trung Quốc là Hải Dương 8 hoạt động. Tàu của chính phủ Trung Quốc hiện diện gần một tàu của công ty dầu khí Petronas của nhà nước Malaysia, vốn đang tiến hành thăm dò dầu khí, các nguồn tin an ninh khu vực cho biết."


image014

Bản quyền hình ảnh Xinhua Image caption Trung Quốc đã tổ chức chuyến bay dân sự đầu tiên hôm 06/01/2016, đưa người ra thăm Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) sau khi tôn tạo, xây cất đường băng dài ở đây


Giới quan sát Việt Nam bức xúc


Theo dõi các động thái diễn ra trong tuần này của phía Trung Quốc ở trên Biển Đông, một số nhà quan sát thời sự và an ninh khu vực chia sẻ góc nhìn, nhận định của mình với BBC News Tiếng Việt.


"Các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và ở khu vực đang diễn ra thể hiện nước này đang có những hành vi ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế và kể cả những bằng chứng lịch sử chủ quyền khách quan đã được quốc tế nhận thức," Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói.


"Các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó có cả Nhật Bản, Asean, Úc, New Zealand và các cường quốc phương Tây cần hết sức cảnh giác trước các động thái và toan tính của Trung Quốc và cần đoàn kết để có lập trường và hành động thống nhất ngăn chặn kịp thời các hành động trái phép, ngang ngược của họ," ông Trục nói.


image015

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2017 ở Hà Nội


Còn từ Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói với BBC:


"Trung Quốc đang có những vấn đề ở bên trong và họ đang sử dụng hai mũi nhọn một là ngoại giao viện trợ thời Covid-19 và thứ hai là các động thái quyết đoán, hung hăng ở Biển Đông và khu vực để vừa đạt thực lợi, vừa thu hút sự chú ý của công luận Trung Quốc ra bên ngoài, nhờ đó ban lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ giảm được áp lực nội bộ."


Cũng từ Việt Nam, nhà nghiên cứu Biển đông Đinh Kim Phúc nhận xét với BBC:


"Các động thái của Trung Quốc từ tập trận với hiện diện, dẫn dắt của tàu sân bay Liêu Ninh, gây chú ý ở Biển Hoa Đông, cận Nhật Bản, cho tới rình rập ở eo biển Đài Loan, rồi điều tàu xuống Biển Đông, kể cả sâu xuống khu vực biển ở Đông Nam Á vừa ngang ngược, vừa răn đe các nước ở khu vực trong đó có Việt Nam và kể cả thách thức các cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ.


"Trung Quốc nhận định đây là thời cơ tốt nhất, khi cho rằng Covid-19 đang làm cả thế giới bận rộn, hải quân Hoa Kỳ cũng gặp một số khó khăn."


"Nhưng tôi tin rằng Việt Nam luôn sẵn sàng với các tình huống, trong đó có sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình," ông Đinh Kim Phúc nói.


Liên quan các động thái của một số quốc gia trong khối Asean, Tiến sỹ Trần Công Trục bình luận thêm:


"Tôi cho rằng các quốc gia trong khu vực, trong đó có Philippines, bên cạnh Việt Nam, Malaysia, Indonesia và các nước khác có liên quan, đã ngày càng có thêm những nhận thức chung phù hợp với chuyển động an ninh ở trong khu vực, trước ý đồ của nhà cầm quyền Bắc Kinh.


"Lòng tin chiến lược của các quốc gia đã được củng cố, tới đây, theo tôi các nước Asean có liên quan phải đề cao tinh thần đoàn kết, cảnh giác để tiếp tục củng cố nhận thức chung và lập trường chung nhằm đảm bảo lợi ích chung và an ninh ở khu vực.


"Tôi cũng mong muốn ngoài Mỹ, Nhật, Ấn Độ, EU v.v…, thì Úc và New Zealand cũng tiếp tục quan tâm, ủng hộ Việt Nam và các quốc gia ở trong khu vực trước những động thái, toan tính và mưu đồ quyết đoán của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông," Tiến sỹ Trục nói với BBC.