Mỹ khai thác nỗi tức giận của láng giềng châu Á đối với Trung Quốc

04 Tháng Năm 20209:31 SA(Xem: 5684)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ HAI 04 MAY 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Mỹ khai thác nỗi tức giận của láng giềng châu Á đối với Trung Quốc


RFI 04/05/2020


image008

Ảnh tư liệu : Một tàu hải cảnh Trung Quốc đi sát tàu tuần dương Nhật Bản tại biển Hoa Đông, cách không xa quần đảo Snekaku. Ảnh chụp ngày 23/04/2013 REUTERS/Kyodo


Thanh Phương


Hoa Kỳ đang hy vọng có thể khai thác nỗi tức giận về các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông để lôi kéo các nước tranh chấp khác đối đầu với Bắc Kinh.


Trong những tuần qua, Trung Quốc đã liên tục có những hành động xâm lấn, gây thêm căng thẳng trên Biển Đông: cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam; đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào sát khu vực mà tàu thăm dò dầu khí của công ty Petronas, Malaysia đang hoạt động; thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý hai quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.


Trong cuộc họp qua video với các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng trước, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng tố cáo Bắc Kinh lợi dụng lúc thế giới đang tập trung chống đại dịch Covid -19 để tiếp tục xâm lấn trên Biển Đông và ông kêu gọi các nước ASEAN hãy đứng dậy để đối đầu với Trung Quốc.


Tuy nhiên, theo các nhà phân tích được nhật báo Anh Financial Times trích dẫn ngày 04/05/2020, thật ra Bắc Kinh không hề nhân cơ hội có dịch Covid-19 để tung ra một chiến dịch mới trên Biển Đông. Nhưng họ nghĩ rằng dịch bệnh là cơ hội cho chúng ta thấy rõ hơn chính sách của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.


Financial Times trích lời ông Gregory Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á AMTI, ghi nhận:  « Trung Quốc đang làm điều mà họ vẫn làm ở Biển Đông, nhưng đi xa hơn nhiều so với cách đây vài năm trên con đường tiến tới kiểm soát (vùng biển này). »


Từ năm 2012, Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, đồng thời phát triển lực lượng hải cảnh và dân quân biển, và như vậy coi như kiểm soát phần lớn Biển Đông. Các nước tranh chấp khác, đặc biệt là Việt Nam, đã hoàn toàn bất lực, không chặn được, thậm chí không làm chậm lại được đà lấn lướt của Trung Quốc.


Các chiến hạm và các phi cơ của Mỹ đúng là vẫn thường xuyên tuần tra tại các khu vực mà Trung Quốc giành chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng các chiến dịch đó chủ yếu nhằm bảo đảm tự do hàng hải, cho nên các nước Đông Nam Á vẫn có cảm tưởng rằng Hoa Kỳ lo cho lợi ích riêng hơn là hỗ trợ các quốc gia này. Theo các nhà phân tích, cảm tưởng đó càng tăng thêm kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, vì chính sách Biển Đông của chính quyền Trump chỉ giới hạn trong việc tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải.


Nhưng nay, sự phẫn nộ đang dâng cao và không chỉ có Việt Nam mà các nước khác cũng đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối Bắc Kinh. Malaysia, vốn rất kín tiếng, đã phản đối việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát đến khu vực mà tàu của Petronas đang hoạt động, tuy không nêu đích danh Bắc Kinh. Đáng ngạc nhiên hơn, Philippines ( mà tổng thống Duterte là một nhân vật được xem là thân Bắc Kinh ) đã gởi hai công hàm phản đối việc Trung Quốc lập hai quận để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa và phản đối vụ tàu chiến Trung Quốc chĩa hệ thống kiểm soát pháo về phía một chiến hạm của Philippines trên Biển Đông vào tháng 2 vừa qua.


Theo Financial Times, các nhà phân tích nghĩ rằng các vụ nói trên có thể sẽ khiến một số nước Đông Nam Á sát cánh với nhau hơn, hoặc sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ với Mỹ. Ông Bec Strating, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, ghi nhận hai sự kiện đáng chú ý : Philippines bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam sau vụ tàu cá bị đâm chìm và hải quân Úc tập trận với các chiến hạm Mỹ tại một số khu vực tranh chấp trên Biển Đông.


Về phần Michael O’Hanlon, giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, ông cho rằng những hành động vừa qua của Trung Quốc sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, vì như vậy là Washington sẽ có một vị thế mạnh hơn khi thương lượng việc mở các căn cứ quân sự (ở châu Á).