Trống đồng ở xã An Trung tỉnh Bình Định

22 Tháng Sáu 20209:49 SA(Xem: 6744)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ HAI 22 JUNE 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Lời tòa soạn: Văn Hóa Online-California trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc bài "Trống đồng ở xã An Trung tỉnh Bình Định" của nhà khảo cứu Phong Lâu.
Tác giả Phong Lâu là cây bút lần đầu tiên góp bài vở với Văn Hóa Online; thay mặt cho ban biên tập, chúng tôi xin cảm tạ công trình khảo cứu giá trị của tác giả Phong Lâu và hy vọng chúng ta sẽ được đọc thêm các trước tác khác về lịch sử cùng tác giả.
Trân trọng. (VH)


Trống đồng ở An Trung


Tác giả : Phong Lâu


Tại xã An Trung, huyện An Lão Bình Định lần lượt phát hiện hai trống đồng, chính xác chúng là những mảnh vỡ của trống đồng hơn là các trống đồng nguyên vẹn. Thông điệp từ quá khứ sẽ không thể được ghi nhận đầy đủ chỉ từ những trống hoàn chỉnh, một khi giới nghiên cứu hôm nay chưa giải mã hết được những phân mảnh còn tản mát đâu đó – trước mắt, trên xứ sở Việt.


image003

Mặt trống đồng An Trung[1]


Trống đồng An Trung


An Trung là một xã thuộc huyện An Lão, phía tây bắc của tỉnh Bình Định. Khí hậu An Lão chịu ảnh hưởng của khí hậu Tây Nguyên, một năm có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Ở đây có những đồi núi thẳng dốc ở cao độ 900-1.200 mét cách mặt biển, thuộc thượng lưu sông Côn. Huyện An Lão là một khu vực có nhiều núi thuộc dãy Trường Sơn bao xung quanh nên còn được gọi là thung lũng An Lão. Thung lũng An Lão dài 22km, nối với thung lũng Vĩnh Thạnh (một huyện khác thuộc Bình Định, ngày trước thuộc huyện Tuy Viễn). Huyện An Lão cũng là nơi kết thúc của đại công trình Trường Lũy được khởi công từ thế kỷ XV, dài khoảng 200 km, bắt đầu từ huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi).


image004

Họa tiết mặt trống An Trung[2]


Theo miêu tả của các Tiến sỹ Nishimuara Masanari và Phạm Minh Huyền được công bố trên Tạp chí Eastern Asian Cultural Interaction Studies 31/3/2008, đường kính mặt trống đồng An Trung[3] khoảng 45 cm, có 4 tượng cóc. Trống An Trung không giữ được nét trang trí đặc thù trên bề mặt, nhưng các họa tiết của biểu tượng và người gắn lông chim thì giống như trống Thôn Mống ở Ninh Bình và trống Đak Glao, Gia Lai.


image005

Mặt trống đồng Thôn Mống, Ninh Bình[4]


image006

Đồ họa trống và mặt trống Thôn Mống, Ninh Bình[5]


image007

Mặt trống đồng Đak Glao, Gia Lai[6]


image008

Đồ họa trống Đak Glao[7]


Trống đồng Thôn Mống được tìm thấy ở Thôn Mống, Ninh Bình năm 1968; trống đồng Đắk Glao được tìm thấy ở bờ sông Đak Glao, Gia Lai vào tháng 11/1921. Trống Thôn Mống và Đak Glao đều là trống Heger I thuộc nhóm C, phụ nhóm IV. Hình chim trên trống Thôn Mống và trống Đak Glao khác với chim Lạc truyền thống; chúng thuộc loại mỏ dài, đuôi dài, không có mào. Cánh chim không dang ra trong tư thế bay mà cụp lại; trong vành hình chim trống Thôn Mống, có hình những đồng tiền lỗ vuông.


Tiến sỹ Nishimura Masanari người Nhật có những đóng góp lớn trong ngành khảo cổ, là người đã phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn đầu tiên ở Việt Nam (Luy Lâu, Bắc Ninh). Cũng trong năm 2008, Tiến sỹ Nishimura đã trở lại Bình Định để tiếp tục khảo sát. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với phóng viên báo Bình Định, khi so sánh cách thức đúc trống An Trung với các trống được tìm thấy ở phía Bắc, ông Masanari cho biết: để đúc trống, ở phía Bắc người ta làm khuôn bằng đất nung. “Thông thường, để đúc một chiếc trống phải làm ba khuôn, một khuôn cho phần mặt, hai khuôn cho phần thân trống. Do vậy, trên trống sẽ có vết ghép. Tuy nhiên, trống An Trung lại không có vết ghép, do người thợ dùng sáp để lấy mô hình trống, rồi lấy đất làm khuôn. Trống An Lão là trống duy nhất có kỹ thuật đúc như thế phát hiện được tại Việt Nam.”[8] Tiến sỹ Nishimura cũng cho biết ở Thailand cũng có 1, 2 chiếc có kỹ thuật đúc tương tự nhưng cũng có nét khác với trống An Trung, trống An Trung là một tư liệu để nghiên cứu mối quan hệ giữa Bình Định và Thailand.


Chúng tôi nhận thấy rằng kỹ thuật đúc trống dùng mô hình sáp là yếu tố ngoại sinh hình thành nên sản phẩm trống đồng kiểu Đông Sơn. Cần hình dung không gian giao lưu của trống đồng một khi đã lan đến bán đảo Mã Lai và các hải đảo Nam Dương thì những biểu hiện hội nhập về kiến thức đúc trống khá phổ biến trong nội vùng Đông Nam Á là điều bình thường. Thay đổi kỹ thuật đúc trống tức thay đổi cách nghĩ, trong khi chưa xác định rõ ràng được cách dùng trống của cư dân Sa Huỳnh thì chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt của cư dân Sa Huỳnh trong việc chôn trống. Nếu việc chôn cất trống của cư dân Đông Sơn được hiểu như một cách thức lưu giữ tài vật thì hình thức chôn cất trống của cư dân Sa Huỳnh còn mang một ý nghĩa khác, đó là một nghi thức tùy táng.


image009

Bản đồ An Lão, Bình Định


Mặc dù công nghệ đúc trống đã thay đổi nhưng hình tượng Mặt trời vẫn giữ vị trí trung tâm trên trống đồng An Trung, chứng tỏ ý niệm trọng mặt trời của cư dân nền văn hóa Đông Sơn đã trở thành một tiêu chí tâm thức của một thời đại văn minh của con người vùng Đông Nam Á. Ở một suy luận khác, các nghệ nhân đúc trống đồng Bình Định vốn là dòng dõi các cư dân Việt cổ. Một mặt họ vẫn tiếp nhận cách luyện kim mới, những họa tiết trình bày mới nhưng họ vẫn không thể quên hình ảnh Mặt trời có nhiều tia nắng được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên trống đồng để tưởng nhớ hoặc ghi nhận một cố hương nào đó – nơi những trống đồng đầu tiên được tạo tác.


Trống đồng Nước Trong


Trống đồng Nước Trong là chiếc trống thứ hai được phát hiện tại xã An Trung. Trống này được phát hiện vào ngày 26/8/2010. Do có chủ ý trước khi đào (để rà tìm sắt phế liệu) nên những người dân phát hiện trống đồng vùng Bình Định thường ghi nhận được cách thức trống được chôn. Đây là trống đồng được chôn ngửa, mặt úp xuống dưới, chân và thân trống ngược lên trên. Trường hợp này đã xảy ra với trống được tìm thấy ở đồi Nước Trong, thuộc thôn 8, xã An Trung, huyện An Lão; giống trường hợp trống đồng Bàu Lát (Quảng Ngãi) được tìm thấy trên đỉnh núi Bàu Lát, một điểm cao của dãy Long Đầu, mặt trống cũng úp xuống.


image002

Mặt trống đồng phát hiện ở đồi Nước Trong. Hình: N. Trần


Mặt trống đồng Nước Trong (tạm gọi) có đường kính 26,5cm, dày 0,5cm; chính giữa có mặt trời 10 tia, xen giữa các tia là hình lông công. Từ tâm trống ra ngoài còn bốn vòng hoa văn: vòng 1 trang trí hình tượng các con vật cách điệu; vòng 2 trang trí những vòng tròn chấm giữa tiếp tuyến; vòng 3 trang trí hoa văn hình răng lược; vòng 4 trang trí hoa văn gấp khúc. Tang, thân và chân trống đều bị vỡ. Theo Bảo tàng Bình Định, đây là trống đồng thứ 17 được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định và là trống thứ hai được phát hiện tại xã An Trung, huyện An Lão.[9] Theo công bố tại Hội nghị Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2010, trống đồng Nước Trong (có tài liệu gọi là trống đồng Thôn 8) thuộc loại I Heger, nhóm B2, giống với trống Nha Trang I.


image010

Trống và mặt trống đồng Nha Trang I[10]


image011

Đồ họa mặt trống Nha Trang I[11]


Trống Nha Trang I được phát hiện vào năm 1983 ở phường Phước Hải, thành phố Nha Trang. Đường kính mặt trống 52 cm, trống cao 43 cm. Thuộc Heger I nhóm B, phụ nhóm II (từ thế kỷ IV BC đến thế kỷ I AD). Các hoa văn trên trống đồng Nước Trong hầu như có liên quan với các trống đồng khác. Chẳng hạn theo chúng tôi, vòng 1 của mặt trống Nước Trong giống vòng 1 mặt trống Thuần Thiện (Hà Tĩnh):


image012

Mặt trống Thuần Thiện


Hoa văn trên vòng ngoài cùng của mặt trống Nước Trong giống với mặt trống Đông Sơn III (Thanh Hóa):


image013

Đồ họa mặt trống Đông Sơn III[12]


Các điểm tương đồng này chứng tỏ có một sự giao lưu chặt chẽ giữa các người thợ đúc về kiến thức trang trí trống đồng. Đặt văn hoá Đông Sơn trong mối tương quan với trung tâm phát triển Sa Huỳnh, trống Nước Trong ở Bình Định đã tuân thủ một số mẫu quy ước chung khi lưu hành sản phẩm trống đồng.


image014

Bản đồ phân bố trống đồng ở Bình Định[13]


Kết luận


1/ Với kỹ thuật đúc trống dùng mô hình sáp như trống An Trung, chứng tỏ trống đồng tìm thấy ở Bình Định không đơn giản chỉ là những sản phẩm chế tác của cư dân Đông Sơn, yếu tố Môn (hay tiền Môn) cần xác định rõ hơn trong không gian văn hóa trống đồng đương đại. Cư dân lâu đời vùng An Lão đa số thuộc sắc tộc Bahnar, H’re sống tập trung thành làng, mãi về sau rất lâu thì người thuộc sắc tộc Kinh mới xuất hiện. Sắc tộc Bahnar, hiện sống dọc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, nhưng trong những bài dân ca hoamon xa xưa thì lại thấy nhiều hình ảnh của biển cả. Ngoài Bình Định, sắc tộc H’re còn định cư tại Quảng Ngãi, sườn đông của dãy Trường Sơn; người H’re có đặc điểm văn hóa riêng biệt. Tiếng nói của cư dân Bahnar, H’re thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á. Đây là những người thuộc nguồn gốc Proto-Australo-Mongoloid hay Proto Môn. Theo kết quả khảo cổ di chỉ Lung Leng, phía Tây Kontum (năm 2001), đây là những cư dân cổ nhất trên địa bàn này, từ khoảng 20.000 năm trước.


2/ Kết nối với hàng loạt trống đồng tìm thấy ở thung lũng Vĩnh Thạnh (kế cận An Lão), các di chỉ hình thành một tiểu không gian trống đồng thượng nguồn sông Côn với chiều hướng ra biển Đông: bổ túc cho những thông tin chưa hoàn chỉnh về nền văn hóa Sa Huỳnh, với chiều ngược dãy Trường Sơn: căn cứ vào nhận định của Tiến sỹ Nishimura, chúng tôi cho rằng kỹ thuật đúc trống dùng mô hình sáp ở Bình Định có thể tìm thấy ở vùng cao nguyên Đông Bắc Thailand.


Tài liệu tham khảo:


1/ Lê Viết Thọ. 2008. “Thêm nhiều nhận thức mới về trống Đông Sơn ở Bình Định.” Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 3/9,

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3127/4564/them-nhieu-nhan-thuc-moi-ve-trong-djong-son-o-binh-djinh.html

2/ Lương, Ninh. 2008. “Người Nam Á, Nam Đảo và sự hình thành các quốc gia cổ ở Việt Nam.” Kỷ yếu Việt Nam học lần 3.

3/N. Trần. 2010. “Bình Định: phát hiện trống đồng Đông Sơn.” Tuổi Trẻ. 26/8,

https://tuoitre.vn/binh-dinh-phat-hien-trong-dong-dong-son-397333.htm

4/ Nguyễn, Công Tánh. 2019. Trống Đồng. Phần I. https://issuu.com/tanhcongnguyen/docs/.

5/ Nguyễn, Văn Huyên, và Hoàng Vinh. 1975. Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội: Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

6/ Nishimuara, Masanari and Phạm Minh Huyền. 2008. “Considerations on the bronze drums discovered in Bình Định province of the central Vietnam and its cultural context.” Kansai University, Journal of East Asian Cultural Interaction Studies, 1: 187-219.




[1] Nishimuara and Phạm 2008, 206.

[2] Nishimuara and Phạm 2008, 218.

[3] Chúng tôi tán thành danh tính này – như Tiến sỹ Nishimuara đã dùng - theo địa danh của xã phát hiện trống; không nên gọi là trống An Lão (như một vài bài báo đã viết), để tránh trùng lắp tên với trống An Lão, một trống đồng được phát hiện ở sườn phía nam núi An Lão (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) vào ngày 14/9/1985. Trống An Lão thuộc Heger I nhóm B, phụ nhóm II.

[4] Nguyễn, Công Tánh 2019, 163.

[5] Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh 1975, 284-285.

[6] Nguyễn, Công Tánh 2019, 164.

[7] Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh 1975, 282.

[8] Lê Viết Thọ 2008.

[9] N. Trần. 2010. “Bình Định: phát hiện trống đồng Đông Sơn.” Tuổi Trẻ. 26/8,


https://tuoitre.vn/binh-dinh-phat-hien-trong-dong-dong-son-397333.htm

[10] Nguyễn, Công Tánh 2019, 119.

[11] Nguyễn, Công Tánh 2019, 120.

[12] Nguyễn, Công Tánh 2019, 137.

[13] Nishimuara and Phạm 2008, 190.

15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6126)