Phong Lâu: Trống đồng mới và vài vấn đề cũ

06 Tháng Bảy 20209:35 SA(Xem: 7749)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ HAI 06 JULY 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


image003

Lời tòa soạn: Văn Hóa Online-California vừa nhận được bài viết thứ hai của tác giả Phong Lâu. Đây là bài sưu tầm khảo cứu xuất sắc về một Trống Đồng vừa mới được khai quật ở Thái Lan.


Từ bài sưu tầm khảo cứu này, có thể hình dung ra hành trình nghiên cứu của tác giả về Trống Đồng đã trải nghiệm qua nhiều chục năm kinh nghiệm, bước chân của tác giả lê gót đến tận những vùng đất hoang vu để khám phá và nghiên cứu báu vật của nhân loại; không những thế, chúng ta còn nhìn thấy tư duy về nền văn hóa cộng đồng cổ xưa đâu đó hiện về hiện tại.


Để mường tượng ra địa điểm mới khai quật được Trống, tòa soạn Văn Hóa mạn phép đưa bản đồ khu vực tỉnh Mukdahan lên đầu trang.


Xin trân trọng cám ơn tác giả Phong Lâu và giới thiệu cùng quí bạn đọc Văn Hóa Online. (lkt).


Trống đồng mới và vài vấn đề cũ


Phong Lâu


Trống đồng mới ở quận Kamcha-i


Ngày 28/4/2020, trong lúc dùng máy xúc để xây dựng một con đường 4 làn xe, người dân ở Ban Kham Om, phân khu Ban Lao, quận Khamcha-i tỉnh Mukdahan đã tìm thấy và khai quật một trống đồng. Trống được chôn cách mặt đất khoảng 1 m. Mặt trống có hình mặt trời 12 tia, có 1 tia bị mòn vẹt có lẽ do trống từng sử dụng nhiều lần, xung quanh có nhiều hơn 5 vòng tròn đồng tâm. Vành ngoài cùng có gắn 4 tượng cóc xoay theo ngược chiều kim đồng hồ; trống có 4 quai kép với hoa văn bện thừng. Chân trống bị vỡ rách. Trống mới quận Khamcha-i có đường kính 95 cm, cao 60 cm, nặng khoảng 30 kg.


image004image005

Trống đồng mới ở quận Kamcha-i. Hình @ Văn phòng Cảnh sát quận Khamcha-i, tỉnh Mukdahan.


image006image007

 Tượng cóc và mặt trống mới Khamcha-i. Hình @esancuisine.com


Từ một cuộc kiểm tra sơ bộ, người ta thấy rằng trống đồng này được làm từ đồng thau, gồm hỗn hợp thiếc với đồng. Theo ông Thotsaporn Srisaman, Giám đốc Cục Mỹ thuật Ubon Ratchathani, trống từ quận Khamcha-i được xếp loại III (nhưng không thấy thông báo rõ là dựa theo hệ thống tiêu chí nào), có tuổi từ 1.500-2.000 năm trở lên. Trống được chuẩn bị để bảo tồn như một báu vật quốc gia.[1]


Tuy nhiên theo chúng tôi, việc xác định niên đại tuyệt đối sau này cho trống Khamchaee sẽ có nhiều trở ngại, vì cách thức thực hiện khai quật không được tiến hành đúng quy cách, khiến người nghiên cứu rất khó tìm thấy bất kỳ di vật hữu cơ nào liên quan trực tiếp đến trống. Chân trống có vết nứt và rách do máy xúc đào. Khuyết điểm này cũng từng xảy ra với hàng loạt trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam, đa số trống được phát hiện tình cờ và khai quật bởi những người không có chuyên môn khảo cổ học.


image008image009image011

Tại hiện trường không có chuyên gia khảo cổ làm việc. Hình @esancuisine.com


Trong lúc tìm hiểu về chiếc trống mới phát hiện, chúng tôi có ghi nhận được ý kiến không chính thức của học giả Somrit Luechai, một chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á độc lập, từng làm việc ở đại học Chiềng Mai cho biết: tỉnh Mukdahan, nơi tìm thấy trống đồng, không xa nơi sản xuất; nguồn gốc của trống này có thể là ở Đông Sơn, trong thung lũng sông Hồng của Việt Nam. Ông Luechai cũng đề cập đến tên gọi của trống đồng, người dân thường gọi là "trống ếch" ("กลองกบ") vì mặt trống đồng thường có gắn 4 tượng ếch. Dẫn kèm một đoạn cổ văn, ông Luechai cho biết nhiều người ở Thái Lan cũng gọi trống đồng là "มโหรทึก" (Mh̄orathụk), ông ấy tự hỏi trống đồng được gọi là "มโหรทึก" từ khi nào?


Có một số giải thích khác nhau về từ "มโหรทึก" (Mh̄orathụk), theo chúng tôi thì từ "มโหรทึก" hay “มโหระทึก” có liên quan đến loại ngôn ngữ cổ từng được dùng ở Thái Lan. Người dân ở thời kỳ Ayutthaya (thuộc trước thời kỳ Bangkok, xếp theo phân đoạn lịch sử Thái Lan) gọi là "มโหรทึก" để chỉ trống đồng, thời kỳ này không dùng từ “กลองกบ” (drum frogs/trống ếch); từ “กลอง” (drum/trống) – chỉ dùng khi chỉ những loại trống khác được sử dụng như những loại nhạc cụ trong âm nhạc. Danh từ "มโหรทึก" vốn dành cho một loại pháp khí dùng trong các cuộc tế lễ theo nghi thức hoàng gia; từ "มโหรทึก" miễn cưỡng tương đương với từ “ceremonial kettledrum” trong Anh ngữ. Do đó trống đồng được người dân xá vái, đốt hương nhang và dâng lễ vật. Trong quá trình theo dõi trống đồng Khamcha-i, chúng tôi được biết người dân (kể cả các công chức địa phương) vùng Mukdahan vẫn giữ thái độ tôn kính này, các sư sãi đã được mời đến cúng lễ với trống đồng mới được khai quật.


image013image015

Trống đồng được cúng vái.[2]


Theo ghi nhận, trống vừa tìm thấy trong tháng 4/2020 ở quận Khamcha-i không phải là trống đầu tiên được phát hiện tại quận này; tuy nhiên tính đến thời điểm đầu tháng 7/20020, đây là đồng lớn nhất được phát hiện trên đất Thái Lan. Căn cứ trên các chi tiết: tang trống phình cong, mặt trống không chồm ra khỏi tang trống; thân và chân trống tách thành hai phần rõ rệt; mặt trống có 4 tượng cóc – chúng tôi cho rằng trống mới ở quận Khamcha-i tạm xếp thuộc loại Heger III nhóm C. Mức xếp hạng này còn có thể thay đổi nếu chúng tôi có điều kiện nghiên cứu nhiều hơn về các trang trí trên thân và mặt trống.


Theo chúng tôi, hình dạng chiếc trống mới ở quận Khamcha-i giống với chiếc trống từng được mệnh danh là lớn nhất ở Thái Lan: trống ở chùa Matchimawat. Trống được trưng bày ở chùa Matchimawat (Wat Klang) thuộc quận Don Tan (cũng là một quận trong tỉnh Mukdahan), có đường kính 86 cm, cao 90 cm. Mặt trống có hình mặt trời và gắn 4 tượng cóc. Theo chúng tôi, trống này không nên tính là trống của Thái Lan vì nó được phát hiện ở bờ bên kia của sông Mê Kông tại Ban Na Tham, thuộc đất Lào, năm 1938. Một điều khá thú vị là trống đồng ở chùa Matchimawat (Wat Klang) quận Don Tan, được xác nhận thuộc dòng trống Đông Sơn với đề xuất tuổi đời của nó khoảng 3.000 năm (5th-6th centuries BCE) là bởi một nhà khảo cổ học người Việt Nam có tên ‘Thovemae’ (hoặc Tho Weh Meh). Việc này được ghi nhận theo thông tin từ Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan.[3] 


image017

Chân trống bị vỡ


image018

Trống ở chùa Matchimawat. Hình © 2015 P-Lepetit.com / Asiaphotos.org


Vậy trống mới được khai quật ở quận Khamcha-i có xuất xứ từ đâu? Chúng tôi cho rằng trống mới Khamcha-i có liên quan đến kiểu trống Đông Sơn nhưng không hẳn đây là một sản phẩm đến từ đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, có nhiều dữ kiện hỗ trợ cho nhận định trống này là một sản phẩm bản địa. Theo Pakpadee Yukongdi, một số mảnh đất sét được tìm thấy tại Non Nong Hor (thuộc quận Nikhom Kham Soi, tỉnh Mukdahan), có thể so sánh với trống đồng ở quận Khamcha-i (chúng tôi nhấn mạnh: ông Yukongdi đề cập đến chiếc trống đồng cũng được tìm thấy ở quận Khamcha-i, trước năm 2016) với thiết kế sọc tương tự nhưng kích thước thì khác nhau. Khối đồng tìm được ở Non Nong Hor giống như mẫu đồng ở mỏ Sepon, Lào. Bằng phép đo khối phổ gia tốc (AMS - Accelerator Mass Spectrometry), mẫu khuôn đúc trống Non Nong Hor được phòng thí nghiệm của Đại học Waikato, New Zealand xác định niên đại của mẫu là 2105 + 25 BP. Ông Pakpadee Yukongdi cũng cho biết một số trống đồng được phát hiện ở Thái Lan được sản xuất từ địa điểm Non Nong Hor (2016: 71-72). Do đó không có gì bất thường khi xác nhận rằng trống mới quận Khamcha-i được sản xuất ngay trong khu vực Mukdahan. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là trồng này do thợ nào đúc nên?


image019

Bản đồ tỉnh Mukdahan. Copyright © 2020 mapsofworld.com.


Đặc thù Mukdahan và các trống đồng ở Sawannakhet


Tỉnh Mukdahan vùng Isan thuộc Đông Bắc Thái Lan, tỉnh này nằm bên trái bờ sông Mê Kông, đối diện bên kia sông Mê Kông là vùng Sawannakhet, Lào. Đa số cư dân Mukdahan có nguồn gốc từ Lào đến sinh sống vào cuối thời Ayutthaya, cách đây 200 năm. Lúc đầu, Mukdahan là một phần của ‘Monthon Udon’ của Thái Lan, sau thuộc Nakhon Phanom và cuối cùng trở thành tỉnh Mukdahan vào năm 1982. Với đặc thù về nguồn gốc cư dân ở tỉnh Mukdahan, chúng tôi cho rằng trống ở Khamcha-i và các trống phát hiện trong vùng Mukdahan có liên quan với nguồn gốc từ Lào, hay cách khác: thợ đúc trống của vùng Mukdahan đến từ cộng đồng cư dân ở Lào hơn là đến từ các vùng thuộc nội địa Thái Lan. Trong trường hợp này, cần xác định rõ “biên giới quốc gia” là một khái niệm cận đại, sông Mê Kông ở thời Đồ đồng chỉ là một dòng chảy kết nối (hoàn toàn không phải là chia cắt) giữa hai vùng đất Mukdahan và Sawannakhet.


Dựa trên phân tích nguồn gốc đồng vị, Lào là một địa điểm lớn trong mạng lưới sản xuất và trao đổi đồng vùng Đông Nam Á. Khu phức hợp Vilabouly thuộc tỉnh Savannakhet miền Trung Lào là một trung tâm khai thác và luyện đồng lớn từng hoạt động từ Thời Đồ sắt (khoảng năm 400 BCE - năm 500) và có thể là Thời Đồ đồng (khoảng 1000- 400 BCE) (Cadet et al. 2019). Nếu trống đồng ở đồng bằng Bắc bộ thì thiên về mức độ trang trí tinh xảo thì những trống đồng Mukdahan loại Heger I có đặc tính là lớn. Chính đặc tính lớn này khiến chúng tôi tìm đến họ hàng của chúng cũng thuộc loại Heger I và lớn hơn, nằm ở bên kia bờ sông Mê Kông: Sawannakhet.


Chiếc trống đồng lớn, đẹp và hoàn hảo nhất quận Vilabouly hiện được trưng bày ở Viện bảo tàng quốc gia Vientiane (hình bên trái), mặt trống này có đường kính 110 cm, cao 80 cm. Chiếc trống lớn nhất bị vỡ cụt chân đến từ khu vực Sepon với mặt trống có đường kính 120 cm, cao 80 cm, hiện trưng bày ở Viện Bảo tàng Sawannakhet (hình giữa). Tại Viện Bảo tàng này người ta cũng thấy chiếc trống gọi là trống cầu Sawannakhet bị mất chân, mặt trống có đường kính 90 cm, cao 60 cm (hình bên phải). [4]   


image021image023image024

Các trống đồng có xuất xứ từ Sawannakhet


Khu vực Sawannakhet Lào


Cư dân sống ở Sawannakhet, miền Trung Lào, từng có những người thuộc nhóm ngôn ngữ Tai, tiếng của người sắc tộc Phu Tai ngày nay thuộc nhóm ngôn ngữ này. Người sắc tộc Phu Tai cũng có mặt nhiều ở khu vực xung quanh tỉnh Mukdahan (Thái Lan), đặc biệt là quận Khamcha-i; không có nhiều khác biệt về phương ngữ giữa miền Trung Lào và Đông Bắc Thailand.[5] Người thuộc nhóm ngôn ngữ Tai có nguồn gốc từ nội địa Đông Nam Á, nơi tổ tiên của họ đã sống từ thời cổ đại. Theo chúng tôi, cư dân cổ vùng Sawannakhet có cả người Môn, những chủ nhân xây dựng nên vương quốc Sri Gotapura (Sikhottabong) trong thế kỷ thứ 8. Người Lào như bộ tộc Lao Loum (Hạ Lào) đến định cư sau khá lâu.[6]


image026

Bản đồ tỉnh Mukdahan (Thái Lan), tỉnh Savannakhet (Lào) và Việt Nam. @ (Shimizu et el. 2016: 58)


Sự có mặt của khu khai thác mỏ đồng ở Vilabouly Lào đã trả lời cho nhiều câu hỏi: tại sao nguồn gốc của trống Thái Lan lại liên quan đến Lào? tại sao có hiện tượng xuất hiện nhiều trống đồng ở dọc các tỉnh miền Trung Việt Nam, thậm chí có thể được sản xuất tại chỗ nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy những mỏ đồng cổ tại miền Trung Việt Nam? Hoạt động khai thác đồng ở Sepon, thuộc quận Vilabouly ở miền Trung Lào đã có cách đây 2300 năm tuổi (Mayes, Warren and Chang, Nigel 2014: 237-248). Khu khai thác mỏ đồng quận Vilabouly nằm sát dãy núi Trường Sơn, chạy theo hướng bắc-nam dọc biên giới giữa Lào và Việt Nam. Khoảng cách đường thẳng giữa khu khai thác Sepon và bờ biển Việt Nam đo được dưới 100 km, trong khi khoảng cách từ mỏ Sepon đến sông Mê Kông đo khoảng 180 km theo đường thẳng (Shimizu et el. 2016: 54). Nếu đã xác định được nguyên liệu đồng từ Lào đã bơi ngang sông Mê Kông đến Thái thì cư dân các cộng đồng cổ miền Trung Việt Nam tải nguyên liệu đồng từ bên kia dãy Trường Sơn là một công việc khả dĩ.


image027

Các thỏi đồng tròn thuộc khu mỏ cổ vùng Vilabouly[7]


Kết luận


1/ Chúng tôi cho rằng sẽ Không có gì ngạc nhiên nếu trong tương lai sẽ tìm thấy những trống đồng có mặt trống với đường kính 1 m (thậm chí hơn 1 m) tại tỉnh Mukdahan, Thái Lan.


Nếu đọc qua các nghiên cứu của Antonino Tucci et al. (2014) về khu phức hợp khai thác đồng Vilabouly, Savannakhet (Lào) thì chúng ta sẽ dễ hình dung hơn về mức độ phức tạp của xã hội Đông Nam Á thời tiền sử. Không hẳn các cộng đồng cư dân sử dụng trống đồng đều hình thành chính quyền như quốc gia Văn Lang ở đồng bằng Bắc bộ mà họ (chẳng hạn, các cư dân dùng trống đồng An Trung) có thể chỉ là một cộng đồng có hệ thống phân cấp – như trường hợp có môi trường sinh sống lọt thỏm trong một dãy thung lũng như An Lão và Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định, Nam Trung bộ). Thậm chí với bằng chứng về mức độ trang trí đơn giản của các trống đồng ở An Trung, so với trống đồng Đông Sơn Bắc bộ, kết hợp với các nhận xét rút ra từ khu phức hợp Vilabouly, chúng tôi hình dung rằng trong các thung lũng vùng Nam Trung bộ Việt Nam từng tồn tại những cộng đồng chủ động tránh nhà nước (hậu-nhà nước) chứ không phải là các cộng đồng phân cấp tiền nhà nước.[8] Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại một câu hỏi rất quan trọng do nhóm khảo sát Antonino Tucci đặt ra: các thợ mỏ cộng đồng phân cấp ở Phu Lon (Đông Bắc Thái Lan), có tương tác với các nhà sản xuất hậu nhà nước ở Vilabouly (Trung Lào), những người lần lượt trao đổi công nghệ với các xã hội mới hình thành chính quyền (Đông Sơn, Bắc Việt Nam) và sau đó là các nhà nước thực tế ở Việt Nam hay không? (2014: 11).


2/ Để hiểu rõ hơn về trống đồng Đông Sơn, chúng ta cần bước ra khỏi không gian đồng bằng sông Hồng để đến không gian lãnh thổ Việt Nam và xa hơn nữa, không gian khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu trống đồng liên quan đến việc tái thiết lịch sử văn hóa ở Việt Nam. Các diễn giải về trống đồng cần có những liên quan chặt chẽ với các diễn giải khảo cổ Đông Nam Á và Á châu nói chung. Tầm vóc của nền văn minh trống đồng Đông Sơn đã vượt qua lịch sử cư dân Đông Sơn bởi khả năng kết nối được tâm thức nhiều cộng đồng sắc tộc vùng Đông Nam Á; một cách chắc chắn, nền văn minh này đã xuất hiện rất lâu trước khi các bản đồ địa chính trị ra đời.


Những nghiên cứu về trống đồng tại Thái Lan, Lào, Burma và Việt Nam xác nhận một phần những chuyển động của luồng di dân giữa thời đại Đồ đá mới và Đồ đồng ở Đông Nam Á lục địa; sự khác biệt trong truyền tải hàng hóa và văn hóa liên khu vực là những yếu tố cần cân nhắc kỹ.


3/ Theo chúng tôi, trong lúc chưa có những dữ liệu rõ ràng hơn về niên đại của một số cổ vật ở miền Bắc Việt Nam và Lào (Oxenham 2015: 1221-1223) thì các nhà nghiên cứu trống đồng cần lưu ý nhiều hơn từ các kết quả được xác định của Higham et al. (2015) rằng giai đoạn sự chuyển tiếp thời đại Đồ đồng xảy ra ở miền trung và đông bắc Thái Lan là từ thế kỷ thứ mười ba đến thế kỷ thứ mười BCE, những kết quả này được hỗ trợ bởi các nghiên cứu công nghệ và địa hóa về hành vi sản xuất và tiêu dùng kim loại đương đại. Hoặc trống đồng Đông Sơn xuất hiện lúc nào vào giữa ‘Mô hình niên đại dài (Long Chronology Model/LCM)’ và 'Mô hình niên đại ngắn (Short Chronology Model/SCM)' (White & Hamilton 2009; Higham et al. 2011b), nếu Mô hình niên đại dài ủng hộ dòng người di cư sử dụng kim loại từ phía tây bắc Trung Quốc thì Mô hình niên đại ngắn đề xuất mô hình ‘thương mại và trao đổi’ với Trung nguyên Hán (the Chinese Central Plains) ở miệt đông nam  (Pryce, Thomas Oliver et al. 2018: 704). Muốn xác định được cơ chế truyền tải văn hóa này thì phải xác định rõ ràng hơn về niên đại của các trống đồng kiểu Đông Sơn.


Phong Lâu


Tài liệu tham khảo


Cadet, M., Sayavongkhamdy, T., Souksavatdy, V., Luangkhoth, T., Dillmann, P., Cloquet, C., ... & Foy, E. (2019). Laos' central role in Southeast Asian copper exchange networks: A multi-method study of bronzes from the Vilabouly Complex. Journal of Archaeological Science, 109, 104988.


 


Higham, C., Higham, T., Ciarla, R., Douka, K., Kijngam, A., & Rispoli, F. (2011). The origins of the bronze age of Southeast Asia. Journal of world prehistory, 24(4), 227-274.


Lorrillard, M. (2006). Lao history revisited: paradoxes and problems in current research. South East Asia Research, 14(3), 387-401.


 


Mayes, W., & Chang, N. (2014). Discovering Sepon: Cultural heritage management and the making of a modern mine. The Extractive Industries and Society, 1(2), 237-248.


Oxenham, M. F. (2015). Mainland Southeast Asia: towards a new theoretical approach. Antiquity, 89(347), 1221-1223.


Pryce, T. O., Kyaw, A. A., Kyaw, M. M., Win, T. T., Win, T. T., Win, K. H., ... & Bellina, B. (2018). A first absolute chronology for Late Neolithic to Early Bronze Age Myanmar: new AMS 14 C dates from Nyaung'gan and Oakaie. antiquity, 92(363), 690-708.


Saran, S., Saran, S., & Ghosh. (2018). Cultural and Civilisational Links between India and Southeast Asia. Palgrave Macmillan.


 


Shimizu, N., Souksavatdy, V., Chang, N., & Luangkhot, T. (2016). Trade ceramics recovered from the MMG-LXML Sepon mining tenement, Savannakhet Province, the Lao PDR–preliminary review: trading and distribution based on composition, origin and age. Journal of Southeast Asian Archaeology, 36, 47-60.


Shoocongdej, Rasmi. (2017). The History and Practice of Archaeology in Thailand. In Junko Habu, ‎Peter V. Lape, ‎John W. Olsen (Eds.), Handbook of East and Southeast Asian Archaeology (pp. 95–112). New York: Springer.


Tucci, A., Sayavongkhamdy, T., Chang, N., & Souksavatdy, V. (2014). Ancient copper mining in Laos: Heterarchies, incipient states or post-state anarchists. Journal of Anthropology and Archaeology, 2(2), 1-15.


White, J. C., & Hamilton, E. G. (2009). The transmission of early bronze technology to Thailand: new perspectives. Journal of World Prehistory, 22(4), 357-397.


Yukongdi, P. Thailand: Country Report of Archaeology Activities. Advancing Southeast Asian Archaeology 2016, 65-72.




[1] Siam Rath Online. 2020. “กรมศิลปากรที่9 รุดตรวจสอบกลองสำริดโบราณ ที่ ขุดพบอยู่ที่อำเภอคำชะอี จังหวัดมุกดาหาร” 29 Apr.


https://siamrath.co.th/n/151410

[2] Hình trích từ Mukdahan, my house (มุกดาหาร บ้านฉัน) (2020). “มุกดาหารขุดพบกลองโบราณอายุกว่า 1,500 ปี”. Apr. 30,


https://www.youtube.com/watch?v=tRakt8D7Isk

[3] Ministry of Tourism and Sports https://thailandtourismdirectory.go.th/en/info/attraction/detail/itemid/4409

[4] JIMDO. https://bronzedrums.jimdofree.com/countries/laos/

[5] Người Phu Thai ở Việt Nam thuộc các nhóm sắc tộc Thái (Tai) (Thái trắng, Thái đen, Thái đỏ…).

[6] Bản khắc Ramkhamheng của Sukhothai có thể cho thấy rằng người Lào đã có mặt vào cuối những năm 1200, và các bằng chứng khảo cổ vững chắc về sự định cư của người Lào ở khu vực Viêng Chăn không xuất hiện trước đầu thế kỷ XV. (Lorrillard 2006: 398)

[7] JIMDO. https://bronzedrums.jimdofree.com/countries/laos/

[8] Xem thêm Phong Lâu. 2020. “Trống đồng ở An Trung”. Jun.