VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ TƯ 22 JULY 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Vì sao Phạm Xuân Ẩn được đi du học Hoa Kỳ năm 1957?
TRẦN ANH TUẤN
Phạm Xuân Ẩn (1927-2006) tên thật là Nguyễn Văn Trung, một điệp viên Cộng Sản được cài vào giới truyền thông Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
Ông sinh năm 1927 tại Biên Hòa, gia nhập Thanh Niên Tiền Phong năm 1944 và từ đó hoạt động theo lý tưởng Cộng Sản. Chính vì thế, tên mới Phạm Xuân Ẩn có thể là quyết định của “tổ chức” để che dấu tung tích khi ông sống tại vùng Quốc Gia sau hiệp định Genève 1954. Bí danh của ông là Trần Văn Trung, hay Hai Trung.
Điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn.
Hiện nay có nhiều tài liệu khác nhau về lý do Phạm Xuân Ẩn được đi du học Hòa Kỳ. Theo Dennis Hevesi qua bài “Pham Xuan An dies at 79; Reporter spied for Hanoi” trong nhật báo The New York Times ngày 22.9.2006 thì Phạm Xuân Ẩn được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cấp học bổng ngành báo chí tại Fullerton College ở Costa Mesa, California. Bản tin này phù hợp với tin Phạm Xuân Ẩn được trùm CIA Edward Landale cấp học bổng.
Nhưng theo Bruce Palling qua bài “Pham Xuan An Vietnam War Journalist and spy” trong tờ online Independent ngày 22.9.2006 và Mat Nashed qua bài “Pham Xuan An: The spy who tricked America” ngày 2.10.2019, thì Cộng Sản bí mật cấp tiền cho Phạm Xuân Ẩn du học năm 1957. Ngay Mai Chí Thọ cũng cho biết, đại ý tuy “Cách Mạng còn khó khăn,” nhưng chủ trương đưa Phạm Xuân Ẩn đi du học Mỹ là cần thiết.
Vì thế, tôi tin Phạm Xuân Ẩn đi du học năm 1957 là do quyết định sâu xa của Hà Nội với mục đích đào luyện điệp viên xâm nhập vào giới truyền thông Hoa Kỳ khi Hà Nội biết Mỹ quyết định vào miền Nam xây dựng chính quyền quốc gia.
Xâm nhập vào giới báo chí Mỹ tại Sài Gòn cũng là cách xâm nhập hữu hiệu nhất vào những nhân viên nội các, những viên chức mọi ngành, những lãnh tụ chính trị, và nhất là sau năm 1963 thì xâm nhập vào giới tướng lãnh cầm quyền để thu thập tài liệu mật gửi về Hà Nội. Nói như Võ Nguyên Giáp khi nhận được tài liệu mật do Hai Trung chuyển về Hà Nội, là: “Chúng ta đã có mặt tại Bộ Tổng Tham Mưu Ngụy!”
Tài liệu chính thức số 3069/TTP/NKH ký ngày 7/7/1959 của Nha Tổng Giám Đốc Kế Hoạch trực thuộc Phủ Tổng Thống cho biết rõ là Phạm Xuân Ẩn đi du học tự túc, như nội dung văn thư dưới đây.
Việc du học tự túc trong thập niên 1950 rất khó khăn và tốn kém cho một cá nhân bình thường bấy giờ là Phạm Xuân Ẩn. Cộng Sản lấy tiền đâu cho Phạm Xuân Ẩn du học?
Cho đến thập niên 1990, nguồn gốc tài chánh trong công cuộc xâm chiếm miền Nam được Hà Nội giữ hoàn toàn bí mật, và giữ bí mật ngay trong nội bộ của đảng Cộng Sản.
(Tài liệu sưu tầm TAT)
Nhưng bất ngờ năm 1997, nhà xuất bản Trẻ ở tp Hồ Chí Minh đã ấn hành quyển Đồng Đô La Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước 411 trang mà tác giả là một tập hợp những cán bộ chủ chốt trong Ban Kinh Tài Trung Ương Cục Miền Nam. Nội dung là hồi ức và hồi ký của những cán bộ cao cấp trong Ban mà chủ biên là Tư Lập, bí danh Mười Thăng Long và Thăng Long, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác đô thị (tức Sài Gòn), đã bật mí nguồn gốc của sự tài trợ.
Hóa ra chính Trung Cộng đã viện trợ đô la Hong Kong để Hà Nội tiến hành chiến tranh ở miền Nam. Ban Kinh Tài Trung Ương có nhiệm vụ chuyển đổi đô la Hong Kong ra Mỹ kim để chuyển hết về Hà Nội trong một trương mục bí mật tại Cục Ngoại Hối thuộc Ngân Hàng Trung Ương do Phạm Hùng, phó thủ tướng, chịu trách nhiệm xuất ngân vì Phạm Hùng là Trưởng Ban Thống Nhất Trung Ương Đảng, danh xưng khác là Trưởng Ban Chi Viện Miền Nam.
Chính vì thế, ngày nay chúng ta hiểu vì sao Trung Cộng tố cáo Việt Cộng “ăn cháo đá bát” và vì sao chính quyền Cộng Sản Việt Nam khép nép với Trung Cộng, nói như người trong nước, là “hèn với giặc, ác với dân.”
Chi tiết về những loại viện trợ hàng năm, kể cả tiền và vàng, của các nước trong khối Cộng Sản -kể cả Trung Cộng- cho Hà Nội thì người nghiên cứu còn có tài liệu đây đó. Nhưng cách nào đô la Mỹ từ Hà Nội chuyển vào Nam thì chỉ có quyển sách này mới cung hiến tất cả những sự kiện rất cụ thể và đầy chi tiết.
(Tù sách TAT)
Đọc sách này, độc giả sẽ không thể ngờ Việt Cộng lại nhiều tiền đến thế! Chỉ ghi ra đây một bằng chứng. Mỹ kim từ Hà Nội chuyển theo nhiều cách vào Cambodia rồi từ đó tiền chuyển tiếp đến các mật khu, các cơ quan và các cánh quân Cộng Sản trên toàn miền Nam, theo mật danh là Khu 5, 6, 7 (miền Đông Nam Bộ), Khu 8 (miền Trung Nam Bộ), Khu 9 (miền Tây Nam Bộ), T4 (Đặc khu Sài Gòn Gia Định), B3 (vùng ba ranh giới Việt Miên Lào), C4 (Nam Lào), Hậu Cần Miền, và Ban Kinh Tài Trung Ương Cục. Năm 1970, sau khi Lon Nol đảo chính thì cơ sở Cộng Sản phải liều mạng chuyển tiền qua vùng Quốc Gia kiểm soát để về Khu 9 (tức miền Tây). Mỹ kim và tiền riel toàn mệnh giá lớn nhiều đến nỗi chất đầy trên hai xe tải cỡ lớn. Xe bố trí chở theo mắm bồ hóc để các trạm kiểm soát và cảnh sát VNCH kỵ mùi hôi mà không xét hỏi. Mà thật ra, có cảnh sát xét hỏi thì chỉ cần “thủ tục đầu tiên!” Cuộc chuyển tiền này thành công về đến Khu 9 ngày 11.4.1970 ( sách đã dẫn, trang 59).
Vì thế, Cộng Sản gửi Phạm Xuân Ẩn du học Mỹ là một chi phí cỏn con!
Đồng Đô La Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước chỉ trình bầy cách vận chuyển tiền viện trợ từ Trung Cộng vào miền Nam để chi phí cho guồng máy đảng và guồng máy quân sự bằng hai phương cách. Khởi đầu là chuyển tiền tươi (mật danh AM) qua ba ngả, là theo đường Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, theo đường biển vượt vĩ tuyến 17, và theo quan hệ mậu dịch Hà Nội-Nam Vang. Kể từ năm 1965 thì phương cách là chuyển khoản (mật danh FM), tức là chuyển tiền đô la Hong Kong do Trung Cộng viện trợ vào tài khoản của một nhóm hoa kiều Chợ Lớn ở ngay Hong Kong, rồi nhận tiền VNCH của hoa kiều giao tại Sài Gòn. Sách còn dấu tên người hoa kiều chủ chốt chuyện chuyển khoản này. Sách chỉ cho biết tên giả là Trần An, xuất thân là nhân viên Ngân hàng Đông Dương. Khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì Trần An bỏ việc, mở công ty riêng có giấy phép xuất nhập cảng 18 ngành, nhiều nhất là nhập cảng vàng từ Hong Kong về bán lại cho các tiệm nữ trang Sài Gòn và Chợ Lớn. Vì thế, Trần An cần nhiều đô la Hong Kong để mua hàng và trở thành nằm vùng chuyên chuyển khoản cho Ban Kinh Tài Trung Ương Cục Miền Nam.
Đồng Đô La Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước không hề đề cập đến những nguồn tài chánh tại các đô thị.
Đó là những cơ sở kinh tài mọi ngành qua vô số tổ chức tại Sài Gòn và những đô thị lớn, và nhất là nguồn thuế mà Việt Cộng áp đặt cho các công ty lớn nhỏ, các cửa hiệu tư nhân từ Long Xuyên đến Cần Thơ Vĩnh Long, từ Sài Gòn đến Đà Lạt, từ Phan Thiết đến Nha Trang, từ Đà Nẵng ra vùng Quảng đến Huế... Tôi từng đọc để biết cách thu thuế của Việt Cộng, rất đơn giản mà hữu hiệu. Là dùng “văn” trước, tức là tuyên truyền kêu gọi đóng góp. Không xong mới dùng “võ,” tức là sau khi yêu cầu đóng góp không thành, ngày mai Việt Cộng sẽ gửi cho khổ chủ một quả lựu đạn!
Trở lại chuyện du học của Phạm Xuân Ẩn, một tài liệu cho biết chính Mai Chí Thọ là người quyết định cho họ Phạm đi Mỹ trong một công tác đặc biệt.
Đến khi Phạm Xuân Ẩn tốt nghiệp báo chí Mỹ về nước, chính phủ Ngô Đình Diệm ưu ái đến độ Nha Tổng Giám Đốc Kế Hoạch cùng Bộ Thông Tin trao đổi văn thư hành chánh để cấp vé máy bay cho Phạm Xuân Ẩn hồi hương và sắp xếp công việc cho Phạm Xuân Ẩn vào làm ngay trong Việt Tấn Xã! Xin xem văn thư do Tổng Giám Đốc Huỳnh Văn Điểm, Tổng Kỹ Sư Công Chánh (?), ký ngày 7.7.1959 bên trên.
Đây là bằng chứng cho thấy sự bất lực của các giới chức ngành an ninh quốc gia, cùng sự ngớ ngẩn của các viên chức cao cấp VNCH!
Trong chiến tranh Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn không phải là người duy nhất trong giới phóng viên làm cho các hãng thông tấn Mỹ là điệp viên Hà Nội, mà còn nhiều người khác nữa. Tác giả Charles Henderson của quyển Goodnight Saigon (New York, Penguin Group xb, 2005, 420 tr.) kể thêm hai phóng viên điệp viên nữa, là Hà Thúc Cần (làm cho CBS) và Ky Wahn (làm cho AP, không rõ tên Việt)!
Dan sách này, theo tôi, vẫn còn thiếu sót! Độc giả hãy chờ, sẽ có ngày có người bổ túc cho danh sách được đầy đủ. Nói như người giới thiệu ở đầu sách: Đến nay, tất cả những điều bí mật (trong chiến tranh) giống như ván bài lật ngửa vì kẻ thắng người thua đả rõ!
TRẦN ANH TUẤN
Ngày chia đôi nước Việt
20.7.2020