VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THAM LUẬN - THỨ TƯ 16 SEP 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Vài chi tiết về Dân Sanh, người tổ chức chuyển khoản làm chi phí cho hệ thống Cộng Sản tại miền Nam (1965-1975) (1)
Trần Anh Tuấn
Lời nói đầu. Năm 1997, nhà xuất bản Trẻ tại tp Hồ Chí Minh xuất bản tập hồi ký của một số cán bộ kinh tài chủ chốt thời chiến tranh Việt Nam. Sách khổ nhỏ, 13.5cmx19cm, dầy 411 trang, in 1,000 bản, tựa đề Đồng Đô La Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước. Đúng như lời giới thiệu nơi đầu sách, nguyên văn nơi trang 6: “... tất cả những điều bí mật đó (trong chiến tranh Việt Nam) giống như “ván bài lật ngửa”; kẻ thua người thắng đã rõ,” sách ghi lại những chi tiết cụ thể về công tác chuyển tiền của Trung Cộng viện trợ cho Hà Nội đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa.
Công tác này được thực hiện do một bộ phận có bí danh “Phiên hiệu C.153” thuộc Trung Ương Cục Miền Nam mà Thăng Long, chủ biên, chính là người phụ trách. Còn người trực tiếp tổ chức chuyển khoản những số tiền của Trung Cộng tài trợ cho Cộng Sản Việt Nam từ Hong Kong về Sài Gòn là một cán bộ C.153 có bí danh Dân Sanh và phiên hiệu C.130 là bí danh riêng cho công tác chuyển khoản.
Sách trình bầy một màn bí mật không ai có thể ngờ là ngoài ba nguồn tài chánh tại chỗ (gồm Công Phiếu Nuôi Quân, cơ sở kinh tài, và thuế ép buộc thương gia VNCH phải đóng), Cộng Sản tại miền Nam lại có nhiều tiền đến thế, cụ thể là hàng tấn tiền VNCH mệnh giá lớn trong mỗi lần Cộng Sản miền Nam nhận được từ Trung Cộng mà Dân Sanh phải sử dụng 12 xe tải và 2 tầu biển trọng tải 500 tấn mỗi chiếc để chuyển tiếp đến các mật khu.
Đây là những thông tin rất hiếm của “kẻ thắng cuộc,” nói như tác giả Huy Đức trong bộ Bên Thắng Cuộc (2 tập, California, Osinbook xb, 2012, 412 tr. + 448 tr.) Vì thế, tôi viết lại phần Dân Sanh trong sách cộng với một số chi tiết riêng tôi biết, để ghi nhận một sự kiện đặc thù trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại. TAT
Dân Sanh tên là Nguyễn Thanh Quang, sinh năm 1925 tại Sa Đéc, học sinh trường Lê Bá Cang Sài Gòn, hoạt động theo lý tưởng Cộng Sản đến năm 1952 tuyên thệ gia nhập Đảng Cộng Sản.
Bí danh đầu tiên của ông là Năm Quang, rồi Dân Sanh, Năm Dân Sanh, Năm Mía, Tư Hồng, Tống Thanh Bình, và Nguyễn Thành Tốt.
Ông hoạt động trong Ban Công Tác Thành nên bị bắt năm 1948 và giam tại trại Phú Lâm. Nhờ một người cậu bên ngoại là bác sĩ Trần Quang Đệ -sau này là Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn- can thiệp, nên Dân Sanh được trả tự do. Ông về Cà Mau gia nhập đơn vị cán binh địa phương.
Khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước được ký kết, thay vì tập kết ra Bắc theo Hiệp Định, Dân Sanh được điều về Sài Gòn hoạt động năm 1955 dưới vỏ bọc là con rể Huyện Thơ làm trong tòa án Sài Gòn. Hồi môn của ông là căn biệt thự số 161 đường Phan Thanh Giản, Gò Vấp (sau đổi số 1216/169 (?) đường Nguyễn Du, xã Hạnh Thông), chính là nơi ông tá túc để hoạt động chống VNCH.
Khởi đầu Năm Quang lên Sài Gòn và chưa lấy vợ thì tạm trú tại nhà của một người dượng rể tên Nguyễn Bá Di, con trai của Nguyễn Bá Lương, Trưởng Phòng Nhân Viên Trung Tâm Bưu Điện Sài Gòn sau đắc cử dân biểu làm Chủ Tịch Hạ Viện. Cũng trong thời gian này, Dân Sanh nhờ quen biết Nguyễn Bá Lương nên sống nghề buôn bán đồng quan Pháp qua ngân phiếu bưu điện, tức là được phép mua đồng quan Pháp với giá chính thức rồi bán lại với giá chợ đen.
Sau ông làm chủ trại cưa máy lấy tên Dân Sanh ở Phú Lâm nên Dân Sanh thêm bí danh từ đó. Dân Sanh mua xe hơi tự lái đi làm ăn, nghiễm nhiên thành một nhà tư sản ở Gò Vấp trong thập niên 1950.
Có lần Dân Sanh bị bắt thì tướng Mai Hữu Xuân can thiệp vì chị dâu của ông, giám đốc công ty vận chuyển Phương Mai, quen với vợ bé (sic!) của tướng Xuân.
Giữa năm 1958, khi chính quyền Ngô Đình Diệm phát động Phong Trào Tố Cộng lùng bắt cán bộ nằm vùng thì Dân Sanh được lịnh rút sang Phnom Penh cho an toàn. Rồi trở về miền Nam theo lệnh của Bí Thư Xứ Ủy mới là Mười Cúc, tức Nguyễn Văn Linh, để xây dựng chiến khu tại Dương Minh Châu, vùng suối Mã Đà.
Đầu năm 1964, Dân Sanh lại được điều về Sài Gòn. Về Sài Gòn, Dân Sanh liên lạc ngay với giám đốc công ty Thu Hương và đó là nhân tố nơi Dân Sanh nương tựa ở Sài Gòn.
Bà Thu Hương -tên trong gia đình là Bà Tư, còn Thu Hương, tức luật sư Phan Thu Hương, là ái nữ của Bà với luật sư Phan Tấn Chức (mất năm 2005 tại Sài Gòn, Tổng Trưởng Giáo Dục trong chính phủ Trần Văn Hương) khi ấy đã li dị- là dân kháng chiến cũ, quen Dân Sanh vì hai người cùng làm nghề “trafic,” tức là buôn bán đồng quan Pháp. Vào thập niên 1950, bà thành lập công ty nhập cảng xe đạp và xe gắn máy Gobel, sau này là Honda, Suzuki và di chuyển bằng cách lái xe hơi hiệu Nash Rempler màu xanh da trời, một hiện tượng hiếm có trong giới thượng lưu Sài Gòn thời bấy giờ. Trụ sở của công ty Thu Hương nằm trên đường Trần Hưng Đạo, chỉ cách Nha Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành vài căn nhà. Bà Tư mất tháng 6.2018 tại Stockton, California.
Công tác của Dân Sanh rất quan trọng. Ông tổ chức chuyển khoản từ Hong Kong về Sài Gòn làm chi phí hoạt động cho toàn bộ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam trong thời gian 1964-1967, rồi Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam trong thời gian 1972-1975.
Thời gian đứt đoạn 1967-1972 là thời gian ông bị chính quyền VNCH bắt giam. Trong thời gian này, có hai cán bộ nằm vùng thay thế Dân Sanh liên lạc với Trần An lo việc chuyển khoản, chế biến tiền Hong Kong sang tiền VNCH cung ứng cho các chiến trường. Một là Trưởng Phòng Tín Dựng của Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, bí danh Ba Châu. Và một là Giám Đốc cơ sở xuất cảng cà phê ở đường Thành Thái, bí danh Bảy Kiên.
Dân Sanh bắt mối với một nhóm hoa kiều Chợ Lớn và hai bên tổ chức chuyển khoản. Tức là từ Hong Kong, tiền tài trợ của Trung Cộng cho Hà Nội được chuyển vào trương mục ở Hong Kong của nhóm hoa kiều Chợ Lớn. Khi được điện báo là tiền đã vào trương mục của họ rồi, nhóm hoa kiều đó sẽ giao tiền VNCH cho Dân Sanh để Dân Sanh tổ chức chuyển tiền đến các mật khu khắp lãnh thổ VNCH, mỗi lần nhiều trăm triệu. Có khi Việt Cộng kẹt tiền thì nhóm hoa kiều Chợ Lớn ứng trước cho Dân Sanh. Trong nhóm hoa kiều đó, người quan trọng nhất có họ viết tắt là D., với tên giả Trần An, hay Tư Trần An. Trần An chuyên buôn sỉ vàng từ Hong Kong về cung cấp cho các tiệm vàng tại Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định và các đô thị lớn. Vì thế, Trần An cần nhiều đô la Hong Kong nên chuyển khoản với Việt Cộng rất thuận lợi cho ông ta.
Một Công Phiếu MTDTGPMNVN mệnh giá 1.000đ phát hành năm 1964. (Bộ sưu tập TAT)
Chuyển khoản nhiều và nặng đến nỗi mỗi khi nhận được tiền, Dân Sanh phải tổ chức một đoàn xe vận tải 12 chiếc chở gạo nhân đó chở tiền lên miền Cao Nguyên. Bấy giờ, gạo là “thực phẩm chiến lược,” không có giấy phép của Tổng Cuộc Tiếp Tế thì không thể chở gạo ra khỏi Sài Gòn. Nhưng một phụ nữ nằm vùng tên là Bà Điểu ở Đà Lạt đang làm chủ một “đại bài” (đại lý lớn) tại Ban Mê Thuột thắng thầu chở gạo lên Cao Nguyên tiếp tế cho các đơn vị Quân Lực VNCH.
Thế là đoàn xe tải đề huề chở gạo cho QLVNCH và chở tiền cho VC!
Chuyển tiền xa xôi hơn, ra Huế và Đà Nẵng thì Dân Sanh tổ chức đóng hai tàu biển trọng tải 500 tấn chở tiền theo bia và nước ngọt BGI. Đó là tầu Phương Mai do Giám Đốc công ty vận chuyển Phương Mai, chị dâu của Dân Sanh, và tàu Thuận Phong do Giám Đốc công ty Thu Hương, đứng tên đăng bộ. Hợp đồng chở hàng cho BGI ra miền Trung có được là do Dân Sanh có người nằm vùng làm tay trong trong Văn Phòng Giám Đốc BGI người Pháp ở Sài Gòn.
Cũng chính người này sau sợ tù tội nên tố cáo làm Dân Sanh bị lộ.
Không phải nhóm Trần An đưa tiền là Dân Sanh có thể chuyển ngay ra xe tải hay tầu hàng, vì thế Dân Sanh phải tổ chức cất giữ tại những kho trung chuyển ngầm dưới mặt đất ngay giữa Sài Gòn. Thí dụ như một kho ở đường Nguyễn Khoái, quận 4 và một kho khác ở đường Minh Mạng, quận 10 trong nhà của những cán bộ nằm vùng.
Dân Sanh bị bắt tháng 2.1967 và bị Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt kết án 12 năm tù, ở Chí Hòa chờ ngày ra Côn Đảo (ai bị tù 5 năm trở lên thì phải ra Côn Đảo) dưới tên giả Nguyễn Thành Tốt.
May cho Dân Sanh, là vị Quản Đốc của Trung Tâm Cải Huấn Chí Hòa là trung tá Lợi Nguyên Tấn. Mẹ vợ trung tá Tấn là bạn với bà Huyện Thơ mẹ vợ Dân Sanh, và vợ của trung tá Tấn là bạn với vợ Dân Sanh. Hơn nữa, em ruột của trung tá Tấn là Lợi Nguyên Trang là thiếu tá cảnh sát trưởng Quận 5 mà có lúc em ruột của Dân Sanh là thiếu tá làm cùng Quận, nên hai người là bạn thân. Cuối cùng, Dân Sanh còn có một người em ruột nữa làm Phó Biện Lý tòa án Sài Gòn.
Vì những liên hệ đó, viên cán bộ kinh tài chủ chốt của Trung Ương Cục Miền Nam, cụ thể là người tổ chức phát ngân cho toàn thể hệ thống Cộng Sản từ vĩ tuyến 17 xuống đến Cà Mau, không phải đi Côn Đảo mà sống thảnh thơi trong khám Chí Hòa, cùng phòng giam với bác sĩ Mẫn vụ Phật Giáo miền Trung, tướng Vũ Văn Giai...
Năm 1972, Dân Sanh được phóng thích, vì án tù 12 năm thì tù ở 1 năm được tính thành 2 (sđd, trang 309). Ông về, khai tên trong sổ gia đình ở đường Trương Minh Giảng, nhưng thật ra là ở trong ngôi nhà ba tầng của Trần An đường Đồng Khánh, Chợ Lớn.
Ông hoạt động trở lại, đến đầu năm 1975 thì bị lộ khi tổ chức thu mua gạo sửa soạn thời kỳ hậu chiến vì lúc ấy tình hình đã rõ là VNCH sắp sụp đổ. Bị cảnh sát truy lùng, ông trốn trong biệt thự của Trung Tá Tùy Viên Quân Sự Toà Đại Sứ Anh quốc đường Phan Thanh Giản mà gia đình quản gia là Việt Cộng nằm vùng.
Sau tháng 4.75 Dân Sanh được giao nhiệm vụ Cục Trưởng Cục Vận Tải, cai quản xe cộ tầu bè tịch thu của quân dân VNCH. Công tác đầu tiên của Cục Vận Tải là tổ chức chở 50,000 tấn gạo ra tiếp tế miền Bắc.
Công lao quan trọng và mấu chốt trong việc xâm chiếm miền Nam của Dân Sanh sau ngày 30.4.1975 coi như đã xong. Hà Nội trả công cho ông bằng một chức vụ nhỏ bé, không hề có thực quyền trong guồng máy cai trị vừa chiếm được. Còn hoa kiều họ D. với tên giả Tư Trần An thì phải hiến tất cả tài sản để được thoát khỏi Viêt Nam.
Đó là số phận của cá nhân, còn số phận của tổ chức thì Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam mà hậu thân là Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam bị giải thể ngay!
TRẦN ANH TUẤN
19.8.2020
_________
(1) Theo sách Đồng Đô La Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước.