Hà Văn Thùy: Đi tìm lịch sử nông nghiệp phương Đông

02 Tháng Giêng 20219:27 SA(Xem: 6183)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ BẨY 02 JAN 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)

 

image002ĐI TÌM LỊCH SỬ NÔNG NGHIỆP PHƯƠNG ĐÔNG

image001

Hà Văn Thùy

Khoa học phương Tây quan niệm rằng, cuộc cách mạng Thời đá mới cùng với xuất hiện nông nghiệp đưa con người tới tự cấp tự túc về lương thực. Trong đó việc thuần hóa ngũ cốc là chỉ dấu về sự trưởng thành của nông nghiệp. Vì vậy việc thuần hóa kê và lúa có ý nghĩa đặc biệt, được tập trung nghiên cứu. Sang thế kỷ XXI, tận dụng những thành tựu của di truyền học và khảo cổ học, giới khoa học tập trung khám phá thời gian và địa điểm đầu tiên thuần hóa lúa và kê. Cho đến nay dường như đã đồng thuận rằng, cây lúa nước được thuần hóa khoảng 6000 năm trước ở trung lưu Dương Tử sau đó đi lên lưu vực Hoàng Hà. Trong khi cây kê được thuần hóa sớm nhất ở Bắc Trung Quốc khoảng 8000 năm trước rồi lan tỏa xuống phía Nam.

Tuy nhiên, cũng như lịch sử loài người, lịch sử của nông nghiệp phức tạp, sâu xa hơn nên muốn khám phá nó, chỉ kiến thức hạn hẹp của khảo cổ, di truyền học là không đủ mà cần sự hiểu biết đa ngành rộng lớn, toàn diện hơn. Bài viết sau đây trình bầy một cách nhìn khác.

  1. I.             Hạn chế của di truyền và khảo cổ học.

Nguyên lý của di truyền học là, dựa vào một vài gen đặc hữu của cây trồng hiện nay rồi truy ngược thời gian tìm tới tổ tiên xa xưa nhất của nó sẽ gặp địa điểm và thời gian cây trồng được thuần hóa. Tuy nhiên có thực tế là, giữa cây trồng và tổ tiên hoang dã của chúng đã thành hai loài khác nhau. Do có sự đứt gẫy về di truyền nên dấu vết các gen liên hệ giữa chúng rất mờ nhạt khiến cho việc đoán định tổ tiên của cây trồng khó chính xác. Mặt khác, do biến động của môi trường làm cho những loài có thể là tổ tiên của cây trồng bị tuyệt chủng nên việc tìm tổ tiên của chúng là không thể. Cũng có thực tế là, loài Oryza rufipogon thường được coi là tổ tiên lúa trồng nhưng hiện nay chúng mọc phổ biến nhiều nơi nên cũng không thể xác định địa điểm và thời gian đầu tiên cây lúa trồng được thuần hóa. Do những giới hạn đó nên di truyền học chưa có thể xác quyết điều gì về nguồn gốc cũng như thời điểm thuần hóa cây lúa.

Khảo cổ học bắt đầu bằng việc khảo sát hiện vật được khai quật từ di chỉ khảo cổ. Di chỉ khảo cổ chỉ hình thành khi con người cư trú trên diện tích đủ lớn và thời gian đủ dài để cho dấu vết hoạt động của họ được trầm tích trong lòng đất. Trong khi đó, con người trồng cây làm thức ăn từ rất sớm, khi còn là những bộ lạc săn hái luôn di động. Tiếp đó khi nông nghiệp thực tế hình thành thì con người trải thời gian dài du canh du cư không để lại dấu vết là di chỉ khảo cổ. Mặt khác, tàn tích thực vật là chất hữu cơ, khi vùi trong lòng đất, dễ dàng bị hủy hoại do tác động của khí hậu, thổ những nên không thể tồn tại lâu dài. Một thí dụ điển hình là suốt thế kỷ XX, ta chỉ biết sọ Sơn Vi là cốt sọ xưa nhất của Homo sapiens trên đất Việt Nam nên cho rằng, người Sơn Vi là người có mặt sớm nhất trên đất nước ta. Vì vậy khi di truyền học công bố, 70.000 năm trước, người từ châu Phi đã có mặt tại Việt Nam, ta mới giật mình nhận ra là tổ tiên đã sống 40.000 năm trên mảnh đất này mà không để lại dấu vết! Có nghĩa là khảo cổ học đã bất lực trước 40.000 năm hoạt động của con người trên đất Việt Nam. Do những hạn chế như vậy nên việc chỉ trông cậy vào di truyền và khảo cổ học để tìm hiểu lịch sử con người cũng như lịch sử nông nghiệp phương Đông là bất khả. Do đó chúng tôi đi theo con đường khác.

II.Những con đường dẫn tới lịch sử nông nghiệp Đông Á.

Từ toàn bộ tri thức lịch sử văn hóa phương Đông, chúng tôi cho rằng để tìm hiểu quá trình hình thành nông nghiệp Đông Á, cần theo những con đường sau:

  1. 1.    Những lời tiên tri.

Từ những khám phá khảo cổ học về văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn thập kỷ 1920, tháng Giêng năm 1932 Hội nghị Tiền Sử Viễn Đông lần thứ Nhất đã họp tại Hà Nội. Hội nghị xác nhận: “Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3000 năm" (Encyclopédia d’Archeologie). Kết luận của Hội nghị khiến cho giới khoa học quốc tế bất ngờ. Bởi lẽ những công bố như vậy hầu như không có chứng cứ.

Tuy nhiên, đó không phải tuyên bố sớm nhất về nông nghiệp phương Đông. Từ giữa thế kỷ XIX, trong cuốn Nguồn gốc các loài, Darwin đã viết: “Mọi con gà trên thế giới hiện nay đều là hậu duệ của con gà rừng duy nhất được thuần dưỡng ở nơi nào đó tại Đông Nam Á khoảng 15 năm trước.” Cha đẻ của Thuyết Tiến hóa không hề đưa ra bằng chứng nên lời của ông cũng là dự ngôn. Từ năm 1926, học giả người Nga Vavilov, cha đẻ của môn di truyền quần thể xác định Đông Nam Á là một trong những trung tâm nông nghiệp của thế giới.

Năm 1952, nhà địa lý Hoa Kỳ C. Sauer trong cuốn Cội nguồn nông nghiệp và sự phát tán (Agricultural Origins and Dispersals) viết: “Tôi đã chứng minh Đông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp cổ nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ này. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Đông Nam Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế giới về kỹ thuật trồng trọt và thuần dưỡng cây trồng bằng cách tái sinh sản thực vật."(1)

Năm 1967 trong cuốn Southeast Asia and the West (Đông Nam Á và phương Tây), Giáo sư W.G. Solheim II của Đại học Hawaii viết:

   "Tôi cho rằng khi chúng ta nghiên cứu lại nhiều cứ liệu ở lục địa Đông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra rằng việc thuần dưỡng cây trồng đầu tiên trên thế giới đã được dân cư Hòa Bình (Việt Nam) thực hiện trong khoảng 10.000 năm TCN..." "Rằng Văn hóa Hòa Bình là văn hóa bản địa không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài, đưa tới Văn hóa Bắc Sơn." "Rằng miền Bắc và miền Trung lục địa Đông Nam Á có những nền văn hóa tiến bộ mà trong đó đã có sự phát triển của dụng cụ đá mài nhẵn đầu tiên của châu Á, nếu không nói là đầu tiên của thế giới và gốm đã được phát minh..." "Tôi nghĩ rằng những đồ đá sắc cạnh sớm nhất tìm thấy ở miền Bắc châu Úc 20.000 năm TCN có nguồn gốc thuộc Hòa Bình." "Tôi đồng ý với Sauer là những người dân thuộc nền Văn hóa Hòa Bình là những người đầu tiên trên thế giới đã thuần hóa cây cỏ ở một nơi nào đó trong vùng Đông Nam Á. Việc này cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên nếu sự thuần hóa này bắt đầu sớm nhất khoảng 15.000 năm trước Công nguyên."

"Rằng không chỉ là sự thuần hóa thực vật đầu tiên như ông Sauer đã gợi ý và chứng minh mà thôi, mà còn đi xa hơn, nơi đây đã cung cấp tư tưởng về nông nghiệp cho phương Tây. Và sau này một số cây đã được truyền đến Ấn Độ và châu Phi. Và Đông Nam Á còn tiếp tục là một khu vực tiên tiến ở Viễn Đông cho đến khi Trung Quốc thay thế xung lực này vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, tức khoảng 1500 năm TCN."(2) 

Bốn năm sau, tháng 3/1971 vị giáo sư Đại học Hawaii này từ những khảo sát ở Thái Lan lại cho in một công trình quan trọng dưới nhan đề Ánh sáng mới dọi vào quá khứ bị lãng quên:

"Thuyết cho rằng tiền sử Đông Nam Á đã di chuyển từ phương Bắc xuống, mang theo những tiến triển quan trọng về nghệ thuật. Tôi thấy rằng văn hóa Sơ kỳ Đá mới (Proto-Neolithic) phía Bắc Trung Hoa, gọi là văn minh Yangshao (Ngưỡng Thiều) đã do trình độ thấp Văn hóa Hòa Bình phát triển lên từ miền Bắc Nam Á vào khoảng kỷ nguyên thứ VI hay V  TCN."

"Tôi cho rằng, văn hóa sau này được gọi là Lungshan (Long Sơn) mà người ta xưa nay vẫn cho là nó xuất phát ở Yangshao phía Bắc Trung Hoa rồi mới bành trướng sang phía Đông và Đông Nam, thì thực ra cả hai nền văn hóa ấy đều phát triển từ căn bản Hòa Bình." "Việc dùng thuyền độc mộc có lẽ đã được sử dụng trên các dòng sông nhỏ ở Đông Nam Á từ lâu, trước kỷ nguyên thứ V TCN. Tôi tin rằng việc di chuyển bằng thuyền ra ngoài biển bắt đầu khoảng 4000 năm TCN, tình cờ đã đi đến Đài Loan và Nhật Bản đem theo nghề trồng khoai sọ và có lẽ các hoa màu khác." "Dân tộc Đông Nam Á cũng đã di chuyển sang phía tây, đạt tới Madagascar có lẽ vào khoảng 2000 năm TCN. Có lẽ họ đã cống hiến một số cây thuần dưỡng cho nền kinh tế miền Đông châu Phi." "Vào khoảng thời gian ấy có sự tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Địa Trung Hải có lẽ qua đường biển. Một số đồ đồng ít thông dụng xác chứng nguồn gốc Địa Trung Hải cũng đã tìm thấy ở địa điểm Đông Sơn."(29)

Ở thời điểm ra đời, công bố của Solheim II gây chấn động giới khoa học. Ông được mệnh danh là “ông Đông Nam Á.” Nhưng sau đó, do tuổi các hiện vật tìm thấy ở Thái Lan được xác định muộn hơn so với con số ban đầu, ý kiến ông bị phủ định và rơi vào quên lãng.

Nhưng nay, hàng loạt khám phá khảo cổ trên đất Trung Quốc đã cho thấy phát biểu nửa thế kỷ trước của ông hoàn toàn chính xác. Có điều giới khoa học cũng quên đi, không còn ai nhắc đến dự báo của ông. Cũng như trường hợp Solheim II, những ý tưởng được dẫn trên tuy không được minh chứng bằng hiện vật cụ thể nhưng vẫn nhận được niềm tin của nhiều người vì tính hợp lý của chúng.

  1. 2.    Con đường huyền thoại.

Hơn mọi nghề nghiệp khác, ở phương Đông nông nghiệp có riêng một vị thần gọi là Thần Nông. Không phải vị thần linh thiêng ngự trên thiên đình mà là nhân thần sinh năm 3220 TCN, mất năm 3080 TCN. “Theo truyền thuyết ông là thủ lĩnh nổi tiếng của bộ lạc Khương cư trú ở lưu vực Khương Thủy, thuộc thị trấn Bắc Lệ Sơn, thành phố Tùy Châu tỉnh Hồ Bắc ngày nay. Vào thời đại Thần Nông số nhân khẩu tương đối nhiều. Con người chỉ dựa vào săn bắt thú nên phải sống trong tình trạng cực kỳ khó khăn. Chính lúc này, Thần Nông vĩ đại xuất hiện. Ông đã phát hiện những hạt dưa và hoa quả do con người vứt xuống đất năm sau có thể mọc mầm, bén rễ, lớn lên thành dưa và cây quả mới. Ông còn phát hiện ra sự sinh trưởng của thực vật có quan hệ với thời tiết. Khi thời tiết ấm áp, cây cối nảy cành, sinh lá, khai hoa kết quả; khi thời tiết giá lạnh, cây cối khô héo. Ông quyết định lợi dụng sự thay đổi của thời tiết, nghĩ cách dùng sức người chăm bón cây cối, nhờ vậy mà đã có những thu hoạch hạt cây, trái quả một cách khả quan, đã có thêm thức ăn dự trữ, bổ sung bên cạnh săn bắt. Thần Nông nếm thử bách thảo. Thoạt đầu, Thần Nông chưa hiểu được loại quả, hạt hoặc rễ, cành lá của cây nào có thể ăn được, loại nào ăn ngon, loại nào không nên ăn hoặc ăn không ngon. Để mọi người được ăn no, không bị đói, để cho mọi người được sinh tồn, Thần Nông quyết định dùng chính miệng của mình để thử mùi vị của các loại thực vật hoang dại. Ông đã thu thập các loại quả, hạt, rễ, lá, cành, ghé miệng thử từng loại. Mùi vị của thứ nào ngọt, đặc biệt ngon, ông đánh dấu lại. Mùi vị của thứ nào vừa đắng vừa chát, khó có thể nuốt được, ông cũng đánh dấu lại. Có một số thứ mùi vị không đến nỗi kém, nhưng sau khi nếm thử thì thấy nếu không váng đầu đau óc, cũng đau bụng nhức tim, thậm chí còn thượng thổ, hạ tả, miệng nôn, trôn tháo. Thì ra những thứ này có chứa chất độc, ông cũng đánh dấu tỉ mỉ kỹ càng. Truyền thuyết kể rằng trong quá trình Thần Nông nếm thử cây cỏ, lúc nhiều nhất trong một ngày đã từng gặp phải bảy mươi loại thực vật có chất độc, trong đó mấy lần suýt mất mạng. Thế nhưng cuối cùng Thần Nông vĩ đại đã khắc phục được muôn vàn khó khăn, đã chiến thắng được mọi loại nguy hiểm, tìm ra được một khối lượng lớn thức ăn cho loài người. Ông đã tìm được những thực vật có thể làm ra lương thực, những loài cây có thể làm rau ăn, đã tìm được những trái cây ngon, còn tìm được cả những cây có thể chữa bệnh được. Thần Nông dạy dân trồng trọt, phát triển nông nghiệp. Khi đã nhận biết được những loại cây này, con người bèn vạch ra kế hoạch trồng trọt, và như vậy vấn đề thức ăn đã được giải quyết thêm một bước; vấn đề thuốc chữa bệnh cũng đã bước đầu được khắc phục. Những người săn thú, bắt cá đã gặp vận may, từ đó trở đi sự nghiệp trồng trọt được mở ra, đời sống của con người đã có bảo đảm. Thần Nông vẫn chưa thỏa mãn, ông phát hiện thấy sự sinh trưởng của thực vật chẳng những có quan hệ đến thời tiết mà còn có quan hệ tới đất đai. Có một số thực vật thích sinh trưởng ở vùng đất vàng, một số thực vật thức sinh trưởng nơi đất đen; một số thực vật ưa đất khô ráo, có một số thực vật hợp với đất ẩm. Tất cả các hiện tượng quan sát được ông đều ghi nhớ, rồi chỉ đạo mọi người theo đuổi việc trồng trọt sao cho ngày một tốt hơn. Thần Nông lại phát hiện, việc trồng trọt cũng giống như việc săn bắt, đòi hỏi phải có một loại công cụ chuyên dùng. Tức thì ông mò mẫm nhiều lần rồi chế tạo ra các công cụ như cày, bừa, liềm, hái… dùng để trồng trọt và gặt hái. Tới đây, nền sản xuất nông nghiệp nguyên thủy được kể là một hệ thống phương pháp tương đối hoàn chỉnh. Con người đã bắt đầu sản xuất nông nghiệp, chẳng những đời sống có đảm bảo; sản phẩm dư thừa, mà quan hệ mua bán cũng đã xuất hiện, chợ búa, mậu dịch sơ khai ra đời.”

Ta thử xem câu chuyện trên có phù hợp với thực tế? Khảo cổ học cho biết, 12.400 năm trước tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây, người Lạc Việt đã thuần hóa được cây lúa nước Oryza sativa. Điều này có nghĩa là cây lúa phải được bắt đầu trồng từ trước đó rất lâu, trước thần Nông hàng vạn năm. Cũng không phải Thần Nông là người đầu tiên chế ra chiếc cày vì tại văn hóa Hà Mẫu Độ 7000 năm trước đã có những lưỡi cày bằng đá, bằng xương vai bò. Cũng không phải vào thời Thần Nông mới có chợ vì tại nhiều di chỉ khảo cổ 7000 – 8000 năm trước có những đồng tiền bằng vỏ sò, được cho là vật dùng trao đổi khi mua bán…

 Một câu hỏi được đặt ra: tại sao truyền thuyết lại dồn tất cả thành quả của con người hàng vạn năm cho Thần Nông? Có thể là thế này, quá trình khám phá và gieo trồng những giống cây làm thức ăn là việc làm lâu dài, ngẫu nhiên của từng bộ lạc. Rồi với thời gian, số lượng cây trồng tăng lên, đem lại cuộc sống sung túc. Không phải quá lo kiếm ăn, con người có thời gian để tìm hiểu thế giới và suy ngẫm. Tới lúc nào đó nhận ra thành quả vĩ đại của mình và cảm thấy cần ghi lại để truyền cho hậu thế. Truyền lại bằng cách nào? Họ chọn một người tài giỏi nào đó từng có đóng góp xuất sắc trong nông nghiệp rồi tôn vinh bằng cách gán những thành công của cả tộc người cho thần tượng. Từ đó Thần Nông ra đời! Giống như dân gian từng sáng tạo ra Toại Nhân – người làm ra lửa hay Trạng Quỳnh được truyền thuyết hóa từ Cống Quỳnh.

Nay khi giải mã truyện Thần Nông, ta nhận ra đó chính là lịch sử nghề nông đã được người Việt ghi lại bằng truyền thuyết.

  1. 3.    Một lịch sử ngắn của nông nghiệp Đông Á.

Nông nghiệp là hoạt động xã hội của cộng đồng người. Vì vậy, muốn tìm lịch sử nông nghiệp của một cộng đồng, điều tiên quyết phải hiểu cộng đồng đó là ai, có nguồn gốc ra sao và trải quá trình như thế nào để trở thành chủ nhân của nền nông nghiệp đó. Do vậy muốn biết lịch sử nông nghiệp trước hết phải hiểu lịch sử dân cư Đông Á.

  1. a.    Sự hình thành dân cư Đông Á.

Hiện phổ biến quan niệm cho rằng, có hai con đường di cư của người châu Phi làm nên dân cư Đông Á. Con đường phía nam làm nên người bản địa Đông Nam Á mang mã di truyền Australoid. Con đường phía bắc làm nên nông dân Trung Quốc chủng Mongoloid phương Nam. Một làn sóng di cư lớn của nông dân Trung Quốc tràn xuống, trùm lên dân bản địa, tạo nên dân cư Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay. 

Tuy nhiên, từ nghiên cứu của mình, chúng tôi phát hiện: chỉ có duy nhất con đường phía nam đưa hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước. Tại đây đại bộ phận người di cư hòa huyết sinh ra người Việt cổ mang mã di truyền Australoid. Trong khi đó có những nhóm nhỏ Mongoloid đi tới Tây Bắc Việt Nam rồi dừng lại sống biệt lập trước bức thành băng giá. 50.000 năm trước, nhờ tăng nhân số, người từ Việt Nam di cư ra chiếm lĩnh các đảo Đông Nam Á và Ấn Độ. 40.000 năm trước, do khí hậu được cải thiện, người từ Việt Nam đi lên Hoa lục. Cũng lúc này những người Mongoloid từ Tây Bắc Việt Nam theo hành lang Ba Thục đi lên Mông Cổ. Ban đầu sống bằng săn bắt hái lượm, khi Kỷ Băng hà kết thúc, họ chuyển sang cách sống du mục. Do giữ được nguồn gen Mongoloid thuần, sau này họ được gọi là người Mongoloid phương Bắc. 7.000 năm TCN, người Việt chủng Australoid ở Nam Hoàng Hà gặp gỡ hòa huyết với người Mongoloid sống du mục ở bờ Bắc, sinh ra chủng người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Là lớp con cháu được người Việt cổ sinh ra muộn nên người Mongoloid phương Nam có chỉ số đa dạng sinh học thấp. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ phương Bắc đánh chiếm miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Một bộ phận người Việt trở thành dân cư nhà nước Hoàng Đế, sau này được gọi là người Hán. Tỵ nạn chiến tranh, một  bộ phận người Mongoloid phương Nam từ lưu vực Hoàng Hà chạy xuống Nam Dương Tử rồi đi tiếp tới Việt Nam. Người di cư mang nguồn gen Mongoloid về chuyển hóa di truyền người Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Sự việc diễn ra suốt nửa sau thiên niên kỷ III TCN. Cho tới 2000 năm TCN hầu hết dân cư Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Hiện nay người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á chứng tỏ là đã diễn ra quá trình chuyển hóa di truyền lâu dài mà không phải số lượng lớn người phía Bắc tràn xuống chiếm đất thay thế dân cư.

  1. Lịch sử nông nghiệp Đông Á.  

Từ những lời tiên tri, huyền thoại cùng những tài liệu khảo cổ, di truyền có được, chúng tôi thử phác thảo lịch sử của nông nghiệp Đông Á như sau.

i. Trên đất Đông Nam Á

Đông Nam Á, từ Lĩnh Nam trở xuống là vùng nhiệt đới nóng, ẩm, mưa nhiều theo gió mùa. Người tiền sử trong khi săn hái đã chọn những cây cung cấp thức ăn cần thiết nhất với mình đem trồng như một cách dự trữ thực phẩm. Mỗi bộ lạc phát hiện và gieo trồng những loại cây rau củ quả khác nhau. Họ gặp gỡ, trao đổi làm cho số lượng cây trồng ngày càng nhiều thêm, trong đó khoai sọ giữ vai trò cây lương thực chính. Sau thời gian dài sử dụng hạt kê và lúa hoang dại làm thức ăn, khoảng 15.000 năm trước, kê và lúa được bổ sung vào danh sách cây trồng. Tại sao lại 15.000 năm? Khảo cổ phát hiện 12.400 năm trước, dân cư Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây Trung Quốc thuần hóa thành công lúa nước cho thấy, lúa phải được trồng trước đó hàng nghìn năm. Tuy được trồng từ lâu nhưng kê và lúa không phải là lương thực chính mà chỉ là thực phẩm phụ trợ dành cho trẻ nhỏ, người già, nhất là cúng lễ. Tại Đài Loan, kê được coi là loại cây thiêng liêng. Lúc đầu kê và lúa được trồng khô theo phương thức hỏa canh: đốt nương, chọc lỗ bỏ hạt. Tiếp đó cây lúa được trồng trên ruộng nước, tạo thành phương thức canh tác song song: nơi cao trồng kê, chỗ thấp trồng lúa để tận dụng đất. Nay nhìn những bức tranh khắc ruộng bậc thang trên đá ở Hà Giang, ta có thể đoán chừng người Việt cổ đã tạo ruộng bậc thang để trồng kê và lúa khoảng 7000 đến 10.000 năm trước. Do được tưới bằng nước mưa và không bón phân làm cho cây trồng vừa thiếu nước vừa thiếu phân nên hạt kê hạt lúa nhỏ. Thêm nữa, những nương kê, rẫy lúa nhỏ hẹp, bị vây giữa quần thể kê và lúa hoang nên tạp giao liên tục xảy ra khiến cho trong thời gian rất dài cây trồng không được thuần hóa. Có thể là người cổ cũng không biết đến quan niệm thuần hóa. Mọi việc cứ làm như một thói quen của bản năng.

Hiện phổ biến ý kiến cho rằng, người di cư Trung Quốc mang cây lúa xuống Việt Nam. Nhưng đó là quan niệm sai lầm. Thực trạng như sau. Khoảng 9.000 năm trước, người Lạc Việt mang cây lúa đã thuần hóa làm nên kinh tế nông nghiệp Giả Hồ trên lưu vực Hoàng Hà. Nửa sau thiên niên kỷ III TCN, do chạy giặc, người từ lưu vực Hoàng Hà di cư về phương Nam. Lúc này ở Lĩnh Nam vùng cư trú tuyền thống là khoảng chân đồi tiện cho trồng rẫy và săn hái, đã có chủ. Người di cư trở về tìm đến những khoảnh đất hoang ven sông suối vỡ ruộng trồng lúa. Do kinh nghiệm canh tác, do cần cù nên đời sống của họ nhanh chóng khá giả, thúc đẩy người bản địa bỏ bản làng cũ, tìm về sống ven sông ven suối. Do vậy, những khu định cư trồng lúa xuất hiện. Di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình với nghĩa trang có 30 di hài người Mongoloid và Australoid được chôn chung minh chứng cho điều này. Khi phát hiện những di chỉ trồng lúa ở Việt Nam và lục đia Đông Nam Á, xuất hiện khá muộn cùng với sự có mặt của người Mongoloid phương Nam từ phía Bắc xuống, nhiều tác giả cho là người nông dân Trung Quốc mang cây lúa xuống Việt Nam đồng thời làm nên dân cư Việt Nam. Đó lại là nhận định sai lầm vì chỉ thấy ngọn mà không thấy gốc.

ii.Ở lưu vực Dương Tử.

Nhờ nguồn thực phẩm dồi dào, nhân số tăng lên, khi khí hậu thuận lợi đã xúc tiến cuộc di cư 40.000 năm trước của người Việt cổ lên Hoa lục. Ban đầu định cư tại Quảng Đông, Quảng Tây sau đó lan khắp lưu vực Dương Tử. Tại đây khí hậu lạnh hơn, rau củ quả phát triển chậm và mùa đông kéo dài nên việc dự trữ thức ăn là đòi hỏi cấp thiết. Do đáp ứng nhu cầu này nên kê và lúa được trồng nhiều, trở thành lương thực chính. Có thể đã diễn ra tình hình như sau: hạt kê và hạt lúa chưa thuần hóa song hành từ phía nam đưa lên và được trồng xen với nhau. Tại một số địa điểm như Tiên Nhân Động hay Ngọc Thiềm Nham, do môi trường đầm lầy nên người dân vỡ đất làm những cánh đồng rộng, đắp bờ giữ nước và chăm bón tốt. Nhờ vậy hạt lúa rộng bề ngang và mẩy hơn. Mặt khác, cánh đồng rộng đã tách cây lúa trồng khỏi quần thể lúa hoang nên hạn chế việc tạp giao, khiến cho bộ gen của cây lúa trồng được thuần hóa. Phẩm chất hạt lúa ở đây vượt trội với đặc điểm không vỡ vun khi chín, ít bị rụng; râu gai, những bộ phận dùng cho phát tán tự nhiên tiêu giảm. Giống lúa quý được đưa xuống Trung, Hạ Dương Tử. trong khi đó, tuy vẫn được trồng cùng với lúa nhưng kê luôn giữ vai trò lương thực phụ. Mặt khác do môi trường trồng không được cải thiện nên cây kê vẫn trong tình trạng bán thuần hóa.

Có hiện tượng đáng chú ý về mặt lịch sử, vào thời kỳ này, người Quảng Đông, Quảng Tây chuyển tộc danh từ Việt bộ Qua (戉)sang Việt bộ Mễ (粤) là lúa gao với ý nghĩa là chủ nhân của cây lúa. Đây cũng là dấu ấn cho thấy người Việt vùng Lưỡng Quãng đã làm chủ việc sản xuất lúa gạo.

Khi phát hiện cây kê ở di chỉ Thành Đầu Sơn được thuần hóa khoảng 6000 năm trước, các nhà khảo cổ cho rằng, đó là do kê miền Bắc Trung Quốc đưa xuống. Có thể là khả năng khác: cây kê được trồng ở khu vực này từ rất lâu trước nhưng do phương thức canh tác bán tự nhiên nên không được thuần hóa. Khoảng 6000 năm trước, khi kỹ thuật canh tác thay đổi, kê được chăm sóc tốt hơn và tách khỏi ảnh hưởng của cây hoang dại nên kê được thuần hóa.

iii.Trên lưu vực Hoàng Hà.

Tuy có mặt ở Bắc Hoa lục từ 40.000 năm trước nhưng do đang trong Thời Băng hà, khí hậu rất lạnh nên số lượng người thưa thớt, sống săn hái khó khăn trong băng giá. Trong 30.000 năm (từ 40.000 – 10.000 năm TCN) họ chỉ để lại di tích ở Chu Khẩu Điếm tỉnh Hà Bắc 27.000 năm trước và Thạch Tử Đàm tỉnh Sơn Tây 28.000 – 24.000 năm trước với công cụ đá cũ microblades và có thể sử dụng hạt kê hoang dã làm thức ăn. Trước khi Kỷ Băng Hà chấm dứt, trên vùng đất mênh mông này hầu như không có di chỉ văn hóa nào. Nhưng sau đó xuất hiện những nền văn hóa tiến bộ: Giả Hồ 9000 năm trước với công cụ đá mài sắc bén, đồ gốm tinh xảo, cây lúa đã thuần hóa, những ống sáo làm bằng xương chim, quần áo may bằng lụa tơ tằm. Đặc biệt là những ký tự tượng hình khắc trên yếm rùa và xương thú. Bên cạnh đó là Hậu Lý tỉnh Sơn Đông, Bùi Lý Cương rồi văn hóa trồng kê Xinlonggou 8000 và Ngưỡng Thiều 7000 năm trước... Một câu hỏi cần phải trả lời: những nền văn hóa này từ đâu ra? Khảo sát di truyền chủ nhân những ngôi mộ ở đây, khảo cổ học cho thấy đó là người mang mã di truyền O3 M122 thuộc chủng Indonesian (Lạc Việt). Không những con người mà cả những công cụ đá mài, đồ gốm, cây lúa thuần đều mang đặc điểm phương Nam, có nghĩa là được đưa từ Nam Dương Tử lên.

Lưu vực Hoàng Hà khí hậu lạnh, mùa Đông dài, cây rau củ quả sinh trưởng kém nên việc dự trữ thức ăn qua mùa Đông là nhu cầu sinh tử. Do vậy, vai trò của kê và lúa càng trở nên quan trọng. Sau khi băng hà tan, người từ Nam Dương Tử nô nức đi lên khai phá đất mới. Giống kê và lúa được mang theo và gieo trồng xen nhau để đảm bảo an ninh lương thực. Nơi thấp trồng lúa, chỗ đất cao trồng kê. Tại Xinglonggou và Ngưỡng Thiều là nơi khô hạn, lúa không sống được nên cây kê thành cây lương thực chính. Do khai phá được những cánh đồng chuyên canh rộng, chăm bón tốt và tách ra khỏi quần thể kê hoang dã nên cây trồng không bị nhiễm gen hoang dã. Nhờ vậy cây kê được thuần hóa. Ngày nay, khi phát hiện kê thuần hóa sớm nhất ở đây, nhiều tác giả cho rằng kê được trồng và thuần hóa sớm nhất ở phía Bắc Trung Quốc rồi lan tỏa ra các nơi khác. Chúng tôi khám phá thực tế khác. Đó là cây kê được trồng khoảng 15.000 năm trước tại phía Nam nhưng do phương thức canh tác bán tự nhiên nên không được thuần hóa. Khi lên Bắc Trung Quốc, được trồng một cách thích hợp, chăm sóc tốt nó được thuần hóa nhanh gơn. Do vậy, Bắc Trung Quốc được cho là nơi thuần hóa kê sớm nhất. Tuy nhiên, nơi thuần hóa sớm nhất không phải bao giờ cũng là nơi trồng cây đầu tiên.

II. Kết luận.

Lục địa Đông Nam Á là trung tâm nông nghiệp đầu tiên trên thế giới. Nhờ đất đai và khí hậu thuận lợi, con người đã sớm trồng các loại rau củ quả như cách để dành thức ăn trong những lúc khó khăn. Cây được trồng một cách đơn giản theo kiểu bán tự nhiên, ít công chăm sóc nhất. Nhưng ngày càng thấy vai trò của cây trồng nên con người bỏ công chăm sóc nhiều hơn, chất lượng của rau, củ, quả ngày một tốt hơn. Có lẽ dân cư không biết đến khái niệm “thuần hóa” mà chỉ kiên trì chăm sóc và chọn những cây, những hạt tốt nhất cho mùa sau. Với thời gian, một hệ cây trồng phong phú được tạo ra, phẩm chất ngày một tốt hơn, cung cấp lương thực, thực phẩm, cây làm thuốc, cây lấy sợi dùng cho may mặc. Thức ăn phong phú giúp nhân số tăng nhanh, thúc đẩy hai cuộc di cư làm nên dân cư châu Á. Khoảng 38.000 năm trước, dân cư Đông Nam Á và Nam Á chiếm 60% nhân số thế giới. (4) Theo chân người, cây trồng cùng vật nuôi được đưa lên lưu vực Dương Tử rồi sau đó từ lưu vực Dương Tử đưa lên lưu vực Hoàng Hà. Tại lục địa Đông Nam Á, do điều kiện môi trường thuận lợi nên các loại rau củ quả sinh trưởng nhanh, thức ăn luôn có sẵn, áp lực phải dự trữ lương thực không lớn. Nhưng tại lưu vực Dương Tử và nhất là lưu vực Hoàng Hà khí hậu lạnh, mùa đông kéo dài, cây bị vùi trong tuyết nên việc dự trữ thức ăn qua mùa Đông là yêu cầu sống còn. Kê và lúa trở thành nguồn lương thực thiết yếu.

 Khoảng 15.000 năm trước, tại Đông Nam Á, kê và lúa được trồng làm thực phẩm cao cấp dùng cho người già, trẻ nhỏ và thờ cúng. Được trồng theo phương thức bán tự nhiên nên kê và lúa thường thiếu nước, thiếu phân. Mặt khác, những nương rẫy nhỏ bị cây hoang bao vây nên tạp giao xảy ra khiến cho thời gian rất dài kê và lúa không được thuần hóa. Hạt giống chưa thuần hóa được mang lên Nam Dương Tử. Tại Tiên Nhân Động và Ngọc Thiềm Nham, do khai phá được những cánh đồng rộng, được chăm bón tốt đồng thời tách khỏi lúa hoang xung quanh nên cây lúa được thuần hóa. Hạt giống thuần lan tỏa tới Trung và Hạ Dương Tử. Trong khi đó, cây kê do trồng theo cách thức cũ nên vẫn giữ ít nhiều bản tính hoang dã.

10.000 năm trước, khi Kỷ Băng hà kết thúc, kê và lúa được đưa lên lưu vực Hoàng Hà. Hạt giống lúa thuần làm nên văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước. Tại Ngưỡng Thiều và Xinlonggou là vùng cao nguyên khô hạn, lúa không sống được nên kê trở thành cây lương thực chủ lực. Những cánh đồng trồng kê rộng lớn hình thành. Do được chăm sóc tốt và cách ly với kê hoang dã nên cây kê nhanh chóng được thuần hóa. Trong quá trình khai phá Đông Á, con người nơi đây đã sáng tạo một hệ cây trồng và vật nuôi phong phú làm lương thực, thực phẩm, dược liệu, nguyên liệu dêt may và cả những loại cây cảnh dùng cho trang trí. Nền nông nghiệp của Đông Á được hình thành như vậy.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Carl O. Sauer. Agricultural Origins and Dispersals - The Domestication of Animals and Foodstuffs. https://www.amazon.com/Agricultural-Origins-Dispersals-Domestication-Foodstuffs/dp/0262190664.

2. W.G. Solheim II. Southeast Asia and the West: Prehistoric and early historic relations between these areas are evident but not yet specific  https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17792819/

3. W. G. Solheim II. Ph. D: New light on Forgotten Past. National Geographic Vol 1339 n 3. 3. 1971.

4. Quentin D. Atkinson et al. mtDNA Variation Predicts Population Size in Humans and Reveals a Major Southern Asian Chapter in Human Prehistory.

https://academic.oup.com/mbe/article/25/2/468/1141235

15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)