Lê Công Bằng: Tâm Tình Người "Ăn Xin Từ Thiện"

10 Tháng Ba 201610:21 CH(Xem: 8915)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 11  MAR  2016

Tâm Tình Người "Ăn Xin Từ Thiện"

image041

Nguyễn Công Bằng (VDF) và Tưởng Năng Tiến

Năm 1992, từ cảm nhận với nỗi bất hạnh của 43 nạn nhân xấu số trong một trận thiên tai ở quê nhà, lòng từ bi trắc ẩn dẫn tôi đến ý nghĩ vận động thành lập một hội từ thiện để chia sẻ với những đồng bào kém may mắn. Với sự cảm thông, ủng hộ của nhiều thân hữu, năm anh chị em trẻ đã cùng nhau thành lập hội SAP-VN. Từ thời điểm này, tôi đã khởi đầu cuộc đời “ăn xin từ thiện” để làm trung gian chuyển những tấm lòng nhân ái đến số đồng bào kém may mắn ở quê nhà. Sau 4 năm vật vã với các khó khăn ban đầu, Hội đã có những bước hoạt động đáng khích lệ. Nó không những mang niềm vui mà còn thay đổi được cuộc đời của hàng trăm trẻ khuyết tật.

Tôi rời Hội vài năm sau khi nó đã tạm ổn định để dành thời gian cho những nỗ lực đang dang dở: góp phần dân chủ hoá đất nước. Những anh chị em trẻ hơn đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm và Hội tiếp tục hoạt động tốt đẹp trong hơn 20 năm qua, với quyết tâm của hai anh chị đồng sáng lập viên đầy tâm huyết, bằng sự dấn thân đóng góp công sức của hàng trăm người trí thức trẻ và sự hỗ trợ của hàng ngàn mạnh thường quân nhiệt tình ở khắp nơi.

Năm 2003, từ một hoàn cảnh khác, tôi trở lại Cambodia và chợt biết được nỗi khổ kinh khiếp của tập thể đồng bào đang lưu lạc khốn khổ ở nơi này. Con số không phải chỉ là vài trăm, vài ngàn người mà thậm chí có thể là vài chục ngàn... vài trăm ngàn thân phận long đong lạc xứ. Đây là những “Việt kiều” bất hạnh, khác hẳn với bất cứ cộng đồng người Việt nào đang sống ngoài đất nước Việt Nam. Họ không phải là những người được hưởng quy chế tỵ nạn hay di dân hợp pháp. Đại đa số phải chịu cảnh “nhập cư bất hợp pháp” trên xứ Chùa Tháp, trong đó có không ít người lâm vào hoàn cảnh “ở lại không được mà về nước cũng không xong”. Tại sao? Vì ở Miên thì không được cấp quốc tịch hay thường trú hợp pháp lâu dài. Con cháu sinh ra ở xứ này thì không được cấp giấy khai sinh để đi học hay hưởng các phúc lợi xã hội căn bản của người bản xứ.

image043

Một gia đình Việt sống ven sông ở Cambodia

Nhưng về nước thì cũng không biết làm sao để sống trong cảnh không đất, không nhà, không tài sản, tiền bạc và quan trọng nhất là không có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân Việt Nam. Các cơ quan nhân quyền và thiện nguyện quốc tế gọi số đồng bào này là "stateless". Có không ít gia đình muốn quay trở về nước mà không biết làm sao để về, về ở đâu, làm gì để sống... Đối với lớp trẻ hơn thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba (sinh ra trên xứ Chùa Tháp) thì không biết về Việt Nam với tư cách gì khi không có quốc tịch Cambodia, mà cũng không có giấy tờ gì chứng minh là gốc người Việt.

Do bối cảnh chính trị còn nhiều phức tạp ở Cambodia, tôi chỉ tiến hành được một vài công việc nhỏ trong số các dự tính hoạt động từ thiện ở đây, qua danh xưng Câu lạc bộ Hoa Mai – một nhóm từ thiện tư nhân đã trợ giúp cho hàng ngàn dân oan, nạn nhân thiên tai bão lụt, trẻ em mắc bệnh ung bướu và một số Thương phế binh VNCH từ năm 2006 ở Việt Nam.

Mười năm sau, tôi trở lại Cambodia và tiếp nối các công việc trợ giúp nhân đạo cho một số đồng bào kém may mắn đang lưu lạc khốn khổ ở xứ sở này. Từ một quen biết tình cờ ở ba năm trước, một “ngôi trường” dạy ba ngôn ngữ cho 45 trẻ đã được phối hợp thành lập ở tỉnh Siem Reap vào đầu tháng 06/2013. Mọi việc tiến triển tốt đẹp sau gần 3 tháng hoạt động, cho đến khi một “tai nạn nhiều uẩn khúc” xảy ra khiến tôi suýt mất mạng. Chương trình trợ giúp giáo dục ở khu Sieng Nam Borei tiếp tục được một năm với nhiều khó khăn, đố kỵ, phá hoại... Dù vậy, nỗ lực giúp cho đám trẻ kém may mắn này đã nhận được sự quan tâm, yểm trợ tinh thần lẫn vật chất của nhiều người có lòng ở Hoa Kỳ.

Vào tháng 03/2014, với sự khuyến khích của nhiều thân hữu và cũng là để đáp ứng nhu cầu các dự án hoạt động nhân đạo, anh chị em thành viên Câu lạc bộ Hoa Mai và một số thân hữu có tâm huyết đã cùng đứng tên chính thức thành lập ViDan Foundation Inc. (danh xưng tiếng Việt là Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân) theo quy chế bất vụ lợi 501(c)3. Sáu tháng sau, Hiệp Hội được giấy phép cấp biên nhận trừ thuế liên bang cho các đóng góp tài chánh và vật chất. Trong thời gian này, Hội đã bắt đầu thực nghiệm một chương trình mở lớp dạy chữ ở hai tỉnh Kampong Chhnang và Prey Veng. Khoảng 300 trẻ thơ thuộc các gia đình người Việt lao động nghèo đang lưu lạc mưu sinh đã được đến trường học chữ miễn phí. Hội cũng đã tổ chức gây quỹ trợ giúp khẩn cấp cho hai cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu và Đinh Đăng Định, với kết quả tổng cộng hơn 20 ngàn mỹ kim.

image044

Lớp học tình thương

Sau thử thách ban đầu, chương trình trợ giúp giáo dục cho trẻ thơ Việt Nam ở Cambodia đã tiến triển khá quan. Nhưng đó cũng là bước đầu của một chuỗi trách nhiệm thường trực nặng nề. Trách nhiệm vì các chương trình đang thực hiện là từ sự đóng góp của hàng ngàn đồng hương hảo tâm ở khắp nơi, phải làm sao để có kết quả cao nhất trong hoàn cảnh đầy khó khăn, phức tạp ở Cambodia. Mặt khác, với nhu cầu quá to lớn của hàng chục ngàn, thậm chí có thể là trăm ngàn trẻ thơ gốc Việt ở xứ này, phải làm sao để tình trạng dốt chữ của những đứa trẻ bất hạnh này được thật nhiều người biết đến. Bởi lẽ, để đáp ứng nhu cầu to lớn này, một Hội không thể làm nổi. Do vậy, chúng tôi cảm ơn những đóng góp, yểm trợ cho ViDan Foundation song luôn kêu gọi các hội khác hãy lập chương trình trợ giúp thêm cho số đồng bào kém may mắn này. Ưu tư đó đến nay vẫn còn là một trăn trở không nguôi. Tập thể đồng bào bất hạnh này ở thật gần quê hương nhưng dường như vẫn còn ở xa trong sự quan tâm của nhiều người.

Và câu hỏi thứ hai cũng nặng nề không kém là làm sao có đủ tiền để duy trì các chương trình đang có, bao gồm việc bảo trợ và yểm trợ cho hơn 500 trẻ ở 3 tỉnh Kampong Chhnang, Prey Veng và Pursat. Cho đến nay, Hội vẫn chưa có cách nào hơn là "đi xin": xin ở kỳ gây quỹ hằng năm tại Houston (TX), xin qua internet, qua hàng ngàn thư gửi đường bưu điện, qua những buổi sinh hoạt có đông người và xin qua những cơ may gặp gỡ người có lòng từ bi, bác ái. Nói chung, bất cứ nơi nào, cơ hội nào... có thể xin được là... xin.

Thật tình thì đến giờ tôi vẫn còn... mắc cở khi phải ỉ ôi xin đồng hương nhủ lòng giúp đỡ nhưng mỗi khi bị chạnh lòng vì một thái độ vô tình, vô cảm... nào đó thì hình ảnh những đứa trẻ vô tội với nụ cười thật tươi khi được đến "trường" học chữ, dù chỉ là "nửa chữ", lại giúp tôi phục hồi được tinh thần và tiếp tục đi... "xin". Những câu hỏi của mẹ cha đám trẻ thắc mắc là chương trình sẽ dạy chữ trong bao lâu, nhất là câu hỏi thơ ngây của một bé thơ mới vừa học những chữ đầu tiên trong đời: "Thầy ơi! Con có đi học hoài không?" khiến tôi lúng túng và cảm thấy nghèn nghẹn. Tôi không có câu trả lời của chính mình. Câu trả lời là ở những tấm lòng ở khắp nơi, còn tôi chỉ là người ăn xin lòng nhân ái để chuyển gửi đến các cháu. Người bạn thân hơn 30 năm của tôi và cũng là một thành viên HĐQT Hiệp Hội -- nhà văn Tưởng Năng Tiến -- luôn "cháy túi" sau mỗi chuyến thay mặt Hội thăm viếng các cháu học sinh nghèo khổ ở Cambodia. Và mỗi lần trở lại Mỹ, cũng âm thầm đi "ăn xin từ thiện" như các anh chị em VDF khác. Cho đến nay, Hiệp Hội chỉ có thể xác nhận sự bảo trợ mỗi kỳ ba tháng thôi; ba tháng sau có đủ ngân quỹ thì bảo trợ tiếp... Tuy nhiên trong quá trình đó cũng có những lúc rất vui khi nhận được sự chia sẻ của những tấm lòng chứa chan tình nhân ái: không những đã nhiệt tình đóng góp mà còn cảm ơn người đi "xin" đã cho cơ hội để được "cho". Có vài cụ truất tiền già $25 mỗi tháng để góp quỹ cho các cháu được đi học, vì "thấy đám cháu ở xứ này có nhiều thứ quá còn đám trẻ Việt ở Cambodia không có gì hết. Còn bị dốt chữ nữa!".

Với những gì Hiệp Hội "giúp" được vừa qua, kể cả thời gian còn là CLB Hoa-Mai, quả là quá nhỏ bé so với con số đồng bào đang khốn khổ, dù là ở trong nước hay ở Cambodia.  Ai cũng biết rằng, dù có giúp được hơn nhiều lần cũng chẳng thấm vào đâu, và sẽ chẳng giải quyết được gì, bởi nguyên nhân của sự khổ sở triền miên này vẫn còn đó. Tuy nhiên, như những nỗ lực trợ giúp nhân đạo khác, ít nhất là cố gắng tiếp trợ của ViDan Foundation cũng đã góp phần duy trì niềm tin của những thân phận kém may mắn về lòng nhân ái. Tình nhân loại, nghĩa đồng bào là ở đó. Người Việt ở Cambodia cũng là đồng bào của mình, mà còn đáng tội nghiệp hơn cả đồng bào ở trong nước nữa.

Do vậy, anh chị em ViDan Foundation sẽ tiếp tục vững lòng làm người "ăn xin từ thiện" để những đồng bào bất hạnh ở Xứ Chùa Tháp sẽ không cảm thấy quá cô đơn giữa cảnh đời lưu lạc khốn khổ -- khổ mà không biết là đang bị khổ, vì cuộc đời long đong lạc xứ đó chưa bao giờ được sung sướng.

Hy vọng sao bàn tay ngữa ra của anh chị em VDF sẽ nhận được những bàn tay úp lại. Và ở giữa đó là những món quà đầy ắp tình người. Mong thay!

Nguyễn Công Bằng

ViDan Foundation (VDF)  www.hoamai.us   |   www.vidan.us

14 Tháng Giêng 2020(Xem: 5491)
29 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7070)
20 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 5738)