"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 27 JULY 2016
Học giả Carl Thayer: Hun Sen nên im lặng, Campuchia cần dừng quấy rối ASEAN
Hồng Thủy
25/07/16
(GDVN) - Nếu Campuchia tiếp tục hành xử như hiện nay, các thành viên khác của ASEAN có thể đến lúc phải đặt câu hỏi: Tại sao nên giữ Campuchia ở lại trong ASEAN?
The Cambodia Daily ngày 25/7 đưa tin, Ngoại trưởng 10 quốc gia ASEAN đang nhóm họp tại Vientiane, Lào và đã bắt đầu soạn thảo tuyên bố chung. Hầu hết (9) thành viên nhất trí đưa nội dung kêu gọi các nước tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, chống quân sự hóa Biển Đông vào dự thảo tuyên bố chung.
Tuy nhiên theo Reuters hôm thứ Bảy 23/7, cuộc họp đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Campuchia bác bỏ bất kỳ ý kiến nào liên quan đến phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, cũng như việc "quân sự hóa Biển Đông" vốn đã xuất hiện trong các tuyên bố chung của ASEAN trước đó vào tuyên bố chung lần này.
Một nhà ngoại giao Indonesia bức xúc: "Ngôi nhà chung của chúng tôi đang là một mớ hỗn độn."
Người phát ngôn chính phủ Campuchia ông Phay Siphan nói với The Cambodia Daily: "Chúng tôi gần gũi với Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là chúng tôi là một con rối của Trung Quốc, và chúng tôi cũng không thể là một con rối của Mỹ.
Đừng ai bảo Campuchia phải làm thế này hay làm thế khác. Đừng ai ra lệnh cho chúng tôi."
Tờ báo The Cambodia Daily lưu ý, chỉ 3 ngày sau khi Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ra phán quyết hôm 12/7 về vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Bắc Kinh đã cam kết viện trợ hơn 500 triệu USD cho Campuchia.
Giáo sư Carl Thayer, ảnh: RFA
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia được The Cambodia Daily dẫn lời bình luận: "Bằng cách phá hoại ASEAN, Hun Sen đang làm mất lòng hoặc nhiều hoặc ít đối với Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam."
Theo ông, lập luận của Thủ tướng Campuchia rằng phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc không liên quan gì đến Phnom Penh, đó là cách Hun Sen tự chuốc lấy thất bại. Giáo sư Carl Thayer nói:
"Nếu thế thì ông ta nên im lặng và tiếp tục làm theo điều đó. Nếu đây không phải là một phán quyết có ảnh hưởng đến Campuchia, thì nước này nên dừng quấy rối, để nói chuyện thẳng thắn và tuân theo các quyết định của số đông."
The Cambodia Daily nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên Campuchia ngăn chặn một tuyên bố chung của ASEAN dẫn đến sự thất vọng của các thành viên có yêu sách ở Biển Đông.
Tháng 7/2012 Campuchia lấy vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đã gạt Biển Đông ra dự thảo tuyên bố chung, khiến lần đầu tiên hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không ra được tuyên bố chung.
Hôm qua 24/7 The Wall Street Journal đưa tin, một số nhà ngoại giao ASEAN đã đề nghị từ bỏ nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN và thay thế bằng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.
Còn Giáo sư Carl Thayer cho rằng, nếu Campuchia tiếp tục hành xử như hiện nay, các thành viên khác của ASEAN có thể đến lúc phải đặt câu hỏi: Tại sao nên giữ Campuchia ở lại trong ASEAN?
Nếu chuyện này đi đến điểm giới hạn của nó, các nước sẽ phải nói với Campuchia rằng: Hãy ra khỏi phòng họp, Campuchia, các ông đang cản trở quá trình (tìm cách giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông), Giáo sư Carl Thayer lưu ý./
Hồng Thủy
Tuyên bố chính trị không thay thế được văn kiện pháp lý
Ts Trần Công Trục
26/07/16
(GDVN) - Không thể giải quyết mọi mâu thuẫn nội tại của khối, cộng đồng hay liên minh bằng ý chí chính trị chủ quan, mà phải dựa trên cơ sở pháp lý.
Tuyên bố chính trị không thay thế được văn kiện pháp lý
Phán quyết về thẩm quyền được Tòa Trọng tài công bố ngày 29/10/2015 cũng như phán quyết nội dung vụ kiện ngày 12/7/2016 vừa qua đều khẳng định rõ:
Tòa đã bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) ngăn Philippines khởi kiện trọng tài.
Tòa cho rằng Tuyên bố trên là một thỏa thuận chính trị và không ràng buộc về pháp lý, không định ra một cơ chế giải quyết tranh chấp một cách ràng buộc, không loại trừ các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, và do đó không hạn chế thẩm quyền của Tòa theo Điều 281 hay Điều 282.
Phán quyết của Tòa Trọng tài cho chúng ta thấy rõ, mọi tuyên bố chính trị không có tác động nào đến hiệu lực, giá trị của Phán quyết Trọng tài nói riêng, các văn bản pháp lý quốc tế, điều luật và thông lệ quốc tế nói chung.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đang diễn ra tại Vientiane, Lào. Ảnh: WSJ
Trước những diễn biến phức tạp của thời kỳ hậu Phán quyết, điều này rất có ý nghĩa để chúng ta có thể phân biệt rạch ròi hơn ý nghĩa, giá trị của 2 loai văn kiên này:
Thứ nhất, Trung Quốc dường như có thói quen chính trị hóa các vấn đề pháp lý quốc tế, chỉ thích giải quyết vấn đề dựa trên thỏa thuận chính trị thay vì căn cứ vào luật pháp quốc tế, hoặc diễn giải luật pháp quốc tế theo ý họ.
Năm 1933 khi đó Cộng hòa Pháp đại diện cho Nhà nước Việt Nam, đã đề nghị Trung Quốc đưa tranh chấp chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra Tòa án Quốc tế vì Công lý, nhưng Trung Quốc từ chối.
Trong các cuộc tiếp xúc, đàm phán giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, Trung Quốc thường đề cao khẩu hiệu “vì đại cục”, “lấy đại cục làm trọng”.
Thứ hai, Trung Quốc tung ra đủ thứ tài liệu lịch sử, "bằng chứng lịch sử" để chứng minh họ có "chủ quyền lịch sử" đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Nhưng căn cứ để xem xét các "bằng chứng lịch sử" có giá trị hay không, chính là hệ thống luật pháp và thực tiễn quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ, họ lại hoàn toàn không nhắc tới.
Thứ ba, những năm gần đây Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền về công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số tài liệu, sách báo, phát biểu của cá nhân một số quan chức để nói rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.
Đây cũng là một cách suy diễn mang nặng màu sắc chính trị. Bởi vì, họ đã cố tình phớt lờ Công pháp quốc tế có liên quan đến vai trò của các chủ thể trong các quan hệ quốc tế vào thời điểm sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được ký kết.
Bởi lẽ những tài liệu này là các tuyên bố chính trị, không có giá trị pháp lý. Mặt khác, nội dung Tuyên bố của Trung Quốc mà công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề cập, chỉ là qui định về yêu sách "lãnh hải 12 hải lý" chứ không phải yêu sách chủ quyền, lãnh thổ.
Thứ tư, cho đến nay Trung Quốc vẫn tuyên truyền lập trường "3 Không" với Phán quyết Trọng tài, mà lập luận chính là họ cho rằng nội dung vụ kiện của Philippines là tranh chấp chủ quyền và phân định biển.
Lập luận này đã được Tòa Trọng tài bác bỏ một cách đầy thuyết phục từ Phán quyết về thẩm quyền ngày 29/10/2015.
Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, trước mỗi cái bẫy ngôn từ, thủ đoạn tuyên truyền của phía Trung Quốc, là nước có liên quan trực tiếp, chúng ta cần hiểu rất rõ bản chất các tranh chấp là gì, giải quyết dựa trên các nguyên tắc và thực tiễn pháp lý quốc tế nào, các tuyên bố chính trị có thay thế được các văn kiện, điều ước pháp lý quốc tế hay không?
Chỉ có như vậy chúng ta mới không mắc mưu Trung Quốc./