Philippines "rút" Biển Đông khỏi ASEAN là một bước đi khôn ngoan

21 Tháng Tám 20167:02 CH(Xem: 7626)

"VĂN HÓA-CALIFORNIA"  THỨ  HAI 22  AUGUST 2016


Philippines "rút" Biển Đông khỏi ASEAN là một bước đi khôn ngoan


Ts Trần Công Trục


19/08/16


 (GDVN) - Phán quyết Trọng tài, ủng hộ của dư luận khu vực và nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản chỉ nên là chỗ dựa cho Philippines giữ ấm sau lưng để đàm phán.


Ngày 17/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố với báo giới, ông sẽ không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/9 tới.


Ông Rodrigo Duterte nói điều này trong cuộc họp báo tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino hôm thứ Tư vừa qua:


"Không, tôi sẽ chỉ đưa vấn đề ra khi mặt đối mặt (đàm phán trực tiếp với Trung Quốc), bởi vì nếu bạn cãi nhau với họ bây giờ, đưa ra các yêu sách chủ quyền, gây ồn ào ở đây và ở đó, họ thậm chí có thể sẽ không còn muốn nói chuyện.


Hãy để chúng tôi tạo ra một môi trường mà chúng tôi có thể ngồi xuống nói chuyện trực tiếp với nhau. Đó sẽ là lúc tôi nói, chúng ta tiến hành từ đây. Chúng tôi tuyên bố chiến tranh ư? Đó không phải là lựa chọn. Tôi sẽ không ngu ngốc để làm điều đó.


Nó sẽ là một vụ thảm sát cho tất cả. Có lẽ sẽ có nhiều thương vong đối với chúng tôi và một số ít đối với họ. Nhưng chiến tranh không phải là một lựa chọn hiện nay." [1]


Đây là một diễn biến mới và đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận các bên liên quan, trong đó có Việt Nam. Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, vậy động thái này của Manila có phải là "đi đêm" với Bắc Kinh như lo ngại của một số nhà nghiên cứu Việt Nam hay không? [2]


Lựa chọn quay trở lại bàn đàm phán song phương, trực tiếp với Trung Quốc của ông Rodrigo Duterte có ảnh hưởng gì đến Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông hay không?



image052

Tiến sĩ Trần Công Trục bên tượng đài Liệt sĩ Gạc Ma, ảnh do tác giả cung cấp.


Việc Philippines "rút" Biển Đông khỏi diễn đàn ASEAN có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không, ảnh hưởng như thế nào?


Quay trở lại bàn đàm phán với Trung Quốc hậu Phán quyết Trọng tài là bước đi đúng đắn, khôn ngoan


Cá nhân tôi cho rằng, việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lựa chọn đàm phán với Trung Quốc, thay vì hả hê làm mất mặt Bắc Kinh tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, hoặc dựa vào áp lực của một số nước lớn khác là bước đi đúng đắn, khéo léo.


Điều này không có gì mâu thuẫn hay phủ định những nỗ lực của chính phủ tiền nhiệm Benigno Aquino III đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, cũng như Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 công bố hôm 12/7. 


Ngược lại, nỗ lực của ông Rodrigo Duterte là một cách kế thừa có trách nhiệm và lựa chọn tối ưu để phát huy thành quả của người tiền nhiệm, bởi mấy lẽ sau đây.


Thứ nhất, Phán quyết Trọng tài đã giải thích và làm rõ các điều khoản của UNCLOS 1982 và cách ứng dụng, giải thích chúng cho vấn đề Biển Đông vốn đang tranh chấp phức tạp.


Đặc biệt là Tòa bác bỏ đường lưỡi bò, làm rõ quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý ở Trường Sa và Scarborough, hoạt động vi phạm của Trung Quốc...


Do đó bây giờ Philippines và Trung Quốc có đàm phán với nhau, dù có nhắc đến Phán quyết Trọng tài hay không thì nội dung đàm phán không thể đi ngược lại phán quyết này.


Ví dụ, không bao giờ có chuyện Philippines đàm phán về "đường lưỡi bò" với Trung Quốc, vì làm gì có cái gọi là "vùng chồng lấn" với đường 9 đoạn, do đường 9 đoạn không có thật, không có giá trị pháp lý.


Điều này được chính học giả Trung Quốc, Giáo sư Lý Lệnh Hoa phân tích. Philippines có thể không nhắc tới Phán quyết Trọng tài khi đàm phán, nhưng sẽ dùng Điều 74, Điều 83 UNCLOS 1982 để bác bỏ, nếu Trung Quốc lại chìa "đường lưỡi bò" ra bàn đàm phán.


Thứ hai, Biển Đông tồn tại nhiều loại tranh chấp phức tạp và khác nhau về cơ chế giải quyết. Phán quyết Trọng tài có ý nghĩa và vai trò rất lớn trong việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông để thu hẹp phạm vi tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra.


Tuy nhiên nó không phải chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề, nó cũng không đóng lại các cánh cửa giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại. 


Cho dù Tổng thống Rodrigo Duterte có khẳng định, nội dung đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc phải dựa trên cơ sở Phán quyết Trọng tài, nhưng tôi tin là Philippines có thể chọn được những khía cạnh ít nhạy cảm nhất để nối lại nhịp cầu đối thoại với Trung Quốc.


Ví dụ hai bên sau này hoàn toàn có thể đàm phán về chủ quyền đối với Scarborough, hoặc trước mắt là quyền đánh bắt cá tại đầm phá bãi cạn Scarborough.


Thứ ba, Trung Quốc đã chứng minh rằng, bất kỳ nỗ lực nào gây sức ép với họ thông qua ASEAN đều sẽ thất bại, khi nào ASEAN còn duy trì nguyên tắc đồng thuận. 


Việc không dựa vào ASEAN mà sử dụng kênh đàm phán trực tiếp với Trung Quốc chắc chắn sẽ được truyền thông và giới học giả Bắc Kinh ca ngợi là thắng lợi của họ. 


image053

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: AP/SCMP.


Tuy nhiên tôi cho rằng, đó là thắng lợi của hai bên, thậm chí là thắng lợi của Philippines trong việc chủ động tránh cái bẫy Trung Quốc cài trong ASEAN. Khi Philippines lựa chọn không đưa Biển Đông ra ASEAN, Trung Quốc có muốn can thiệp gì qua tay trong của mình cũng khó.


Đây cũng chính là một bài học mà chúng ta cần tính đến.


Thứ tư, Philippines giành thế chủ động trong việc đấu tranh chống lại các âm mưu và thủ đoạn bành trướng, thay vì bị kẹt giữa các siêu cường, cụ thể là Hoa Kỳ và Trung Quốc.


Bài học "thất thủ" Scarborough năm 2014 có lẽ còn nguyên giá trị đối với họ.


Cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông là thực tế không ai phủ nhận. Sự thỏa hiệp giữa Bắc Kinh với Washington cũng là điều không hẳn không thể xảy ra.


Phán quyết Trọng tài, ủng hộ của dư luận khu vực và nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản chỉ nên là chỗ dựa cho Philippines giữ ấm sau lưng để đàm phán với Trung Quốc, chứ không nên là vũ khí để Philippines đối đầu với Trung Quốc.


Phán quyết Trọng tài có thể xem như một Phụ lục của UNCLOS 1982


Vai trò, ý nghĩa và tác động ảnh hưởng của Phán quyết Trọng tài đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vô cùng lớn lao, sâu sắc, thực tế và lâu dài.


Không chỉ Philippines với tư cách bên nguyên thắng kiện, ngay cả Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia cũng được hưởng lợi ích rất lớn từ phán quyết này.


Mọi hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp các nước ven Biển Đông theo UNCLOS 1982 tới đây nếu có bị Trung Quốc gây ra như vụ giàn khoan năm 2014, mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2012, các nước sẽ tự tin hơn nhiều để kêu gọi hỗ trợ từ khu vực và quốc tế để đáp trả, tự vệ.


Tất cả là nhờ việc Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã bác bỏ một cách thuyết phục đường lưỡi bò vô lý.


Tiếp đến là quy chế pháp lý của các thực thể ở Trường Sa và Scarborough đã được Tòa làm rõ.


Nó không chỉ hạn chế tối đa các vùng biển tranh chấp do ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982, mà còn là tham chiếu cho Việt Nam khi xem xét các vấn đề phát sinh ở quần đảo Hoàng Sa.


Ví dụ như việc ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt bớ, tấn công, đâm chìm tàu...chúng ta có thể khởi kiện. Hoặc giả trong trường hợp Trung Quốc lại kéo giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của chúng ta với cái cớ nó nằm trong phạm vi 200 hải lý "vùng đặc quyền kinh tế Hoàng Sa", chúng ta cũng có thể kiện.


Từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 chính thức được thông qua, thì đây là lần đầu tiên một cơ  quan tài phán quốc tế đã giải thích rất rõ các nội dung còn gây tranh cãi trong Công ước, đặc biệt là việc xem xét và phán quyết về quy chế pháp lý với các thực thể cụ thể ở Trường Sa.


Do đó cá nhân tôi cho rằng, có thể xem Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 như một "Phụ lục" của Công ước, là một tham chiếu có ý nghĩa thiết thực khi xem xét giải quyết các tranh chấp ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982.


Việc Philippines đàm phán trực tiếp với Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến hiệu lực, ý nghĩa của Phán quyết Trọng tài, mà còn góp phần phát huy giá trị Phán quyết.


Đây có thể xem là một bài học trong công tác đấu tranh bảo vệ lẽ phải, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc trước một đối thủ không cân sức.


Ngoài ra, việc Philippines lựa chọn không nêu vấn đề Biển Đông ra ASEAN chắc chắn sẽ có những tác động, ảnh hưởng và Việt Nam chúng ta cần tính toán phương án phối hợp với bạn để đấu tranh sao cho hiệu quả, giữ vững hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.


Quan điểm cho rằng Manila và Bắc Kinh đang "đi đêm" với nhau và có thể làm tổn hại lợi ích của Việt Nam theo cá nhân tôi là hơi vội vàng và thiếu bằng chứng thuyết phục.


Bởi lẽ việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 thì Tòa đã làm rõ, đường lưỡi bò đã bị hủy bỏ, quy chế pháp lý các thực thể ở Trường Sa cũng đã rõ ràng.


Hiến pháp Philippines cũng không cho phép chính phủ nước này tùy tiện trong đàm phán những nội dung liên quan đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của họ.


Còn liên quan đến chủ quyền quần đảo Trường Sa là câu chuyện tranh chấp đa phương, chắc chắn phải được giải quyết thông qua cơ chế đa phương. Bất kỳ một thỏa thuận song phương nào về vấn đề này đều sẽ vấp phải phản đối của các bên còn lại và không có hiệu lực về mặt pháp lý.

Tài liệu tham khảo:


[1]http://www.gmanetwork.com/news/story/578017/news/nation/duterte-won-t-raise-territorial-row-at-asean-summit


[2]http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/chuyen-gia-viet-lo-trung-quoc-philippines-di-dem-sau-phan-quyet-bien-dong-3451105.html


Ts Trần Công Trục

11 Tháng Mười 2018(Xem: 9181)
06 Tháng Chín 2018(Xem: 8787)
03 Tháng Chín 2018(Xem: 8449)