«Liệu Trung-Mỹ hướng tới chiến tranh lạnh ?»

18 Tháng Mười Hai 201610:54 CH(Xem: 7182)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  19   DEC  2016


«Liệu Trung-Mỹ hướng tới chiến tranh lạnh ?»

image033

Cuộc trao đổi điện đàm giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump đã làm cho Bắc Kinh bực tức. Ảnh chụp ngày 03/12/2016.Taiwan Presidential Office/Handout via REUTERS


Quan hệ hai cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới bỗng nhiên căng thẳng, kể từ khi Donald Trump đắc cử. Tổng thống tân cử Mỹ liên tục có những tuyên bố làm Bắc Kinh nổi giận. Báo Liberation số ra ngày 13/12/2016, đặt câu hỏi « Liệu Trung – Mỹ hướng tới chiến tranh lạnh ? » và đưa ra các lập luận lý giải cho hai câu trả lời : Có và Không.


Có : Một cặp đang trên đường ly dị


Quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Donald Trump khởi đầu trên những cơ sở không thể tồi tệ hơn. Vốn dĩ những cảnh báo của ứng viên đảng Cộng Hòa đã làm gia tăng mối nghi kỵ, nay những phát biểu từ sau cuộc bầu cử của vị tổng thống đắc cử lại càng gây căng thẳng hơn. Và những phát biểu này còn có thể làm chao đảo mạnh mẽ sự cân bằng trên thế giới hơn là xu hướng chiến tranh lạnh giữa Washington và Matxcơva.


Dưới thời tổng thống Barack Obama, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo dựng được một cặp bài trùng không ai ngờ tới với chủ nhân Nhà Trắng, và họ đã cùng cam kết khẩn trương hành động đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Từ nay, tuần trăng mật đầy tính biểu tượng chuyển sang tuần trăng cay đắng. Khi đồng ý nói chuyện điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), ngày 02/12 vừa qua, ông Trump đã đụng chạm đến tâm gan Bắc Kinh. Chưa bao giờ, kể từ năm 1979 và kể từ khi đóng cửa sứ quán Mỹ tại Đài Loan đến nay, một tổng thống Hoa Kỳ lại nói chuyện điện thoại với đồng nhiệm Đài Loan.


Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc tại Bắc Kinh tỏ ra lo ngại : « Lòng tin bị sứt mẻ. Quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Trump sẽ bắt đầu với sự cảnh giác lẫn nhau và điều này không hề hay ho gì ». Nhất là khi hai cường quốc lớn nhất thế giới lại cùng leo thang khẩu chiến. Đó là một ông Trump, có khả năng tung lên mạng xã hội Twitter một hai câu. Ông tố cáo Bắc Kinh « phá giá tiền tệ », « đánh thuế nặng nề » hàng Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc và « xây dựng một tổ hợp quân sự rộng lớn » ở Biển Đông. Hoặc nặng nề hơn, vào ngày 11/12, khi ông đe dọa bỏ qua nguyên tắc cơ bản « một nước Trung Hoa », để có được các nhượng bộ từ phía Bắc Kinh, ví dụ trong lĩnh vực thương mại. Người hùng mới của nước Mỹ nói : « Tôi không muốn Trung Quốc chỉ đạo các hành động của tôi ».


Ngoài phát biểu nhắc nhở ngày 01/11, trong lúc đang diễn ra chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, để chống lại thái độ bi quan của Trump trong hồ sơ biến đổi khí hậu (theo Bắc Kinh, « một quan chức chính trị hiểu biết cần phải có các quyết định phù hợp với xu thế trên thế giới »), Bắc Kinh cho rằng Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao, và tỏ ra ôn hòa trước các chỉ trích của ứng viên đảng Cộng Hòa. Nhất là khi ông Trump đã hứa vứt bỏ thỏa thuận tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Bắc Kinh bị gạt ra ngoài…


Thế nhưng, từ hôm thứ Hai, 12/12, giọng điệu của Trung Quốc thay đổi hoàn toàn, Bắc Kinh bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về phát biểu mới của nhà tỉ phú địa ốc. Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo chính thống, đã nói thẳng rằng « không thể buôn bán » đổi chác với chính sách một nước Trung Hoa. Bài xã luận hùng hồn cảnh báo : nếu Trump tiếp tục khiêu khích, Bắc Kinh có thể « ủng hộ », thậm chí « trợ giúp quân sự » cho các đối thủ của Hoa Kỳ.


Bắc Kinh tức giận cảnh báo không loại trừ khả năng tái sử dụng vũ lực quân sự lấy lại Đài Loan mà họ coi là lãnh thổ của mình từ năm 1949. Cuộc khủng hoảng này giống như ngoại giao ném đá hơn là ngoại giao bóng bàn. Hôm thứ Hai, 12/12, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) cảnh báo, những ai dám bác bỏ nguyên tắc một nước Trung Hoa thì không khác gì đang làm công việc « nâng đá để rồi đá sẽ rơi vào chân ».


Quan hệ giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan đang ở mức căng thẳng nhất. Hồi tháng Sáu, « cơ chế thông tin liên lạc song phương » cho phép có các tiếp xúc giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã bị cắt đứt. Lý do : theo Bắc Kinh, tân chính phủ trên đảo đã không thừa nhận quan niệm một nước Trung Hoa.


Sau tám năm xích lại gần nhau giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou, từ năm 2008 đến 2016), thuộc Quốc Dân Đảng (KMT), từ giờ, Trung Quốc lo ngại là các nhóm thiểu số có tư tưởng ly khai nhất trong chính đảng của bà Thái Anh Văn, sẽ thúc đẩy bà xem xét lại « đồng thuận 1992 », một thỏa thuận giữa các quan chức Trung Quốc và Quốc Dân Đảng mặc nhiên chỉ thừa nhận có một nước Trung Hoa.


Libération trích nguồn tin từ tờ New York Times cho rằng cuộc điện đàm giữa Donald Trump và Thái Anh Văn đã được Đài Bắc chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Một cựu thượng nghị sĩ, 92 tuổi, ông Bob Dole, trở thành người vận động hành lang cho Đài Loan, dường như đã nhận được 140 ngàn đô la (tương đương 131 ngàn euro) của chính phủ Đài Loan, nhằm thiết lập các tiếp xúc đầu tiên giữa nhóm cộng sự của ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn.


Sau cuộc điện đàm này, Trung Quốc đã bắn những mũi tên đầu tiên nhắm vào Đài Loan. Hôm thứ Bẩy, 10/12, khoảng một chục máy bay quân sự Trung Quốc đã bay gần Đài Loan. Dấu hiệu tức giận này của Trung Quốc cần phải được phân tích dưới góc độ chính sách đối nội và sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, dưới triều đại cứng rắn của ông Tập Cận Bình, người lên cầm quyền từ năm 2012.


Một nguồn tin ngoại giao khác đang làm việc tại Bắc Kinh, cho rằng, « mọi hành động lăng nhục Trung Quốc về chủ đề này đều được báo cáo trực tiếp lên văn phòng của ông Tập Cận Bình. Ông Trump đã đụng chạm tới một vấn đề cực kỳ thiêng liêng. Bắc Kinh sẽ không bỏ qua ».


Không : Hai quốc gia bị trói buộc nhau vì tiền


Thế nhưng, theo Libération, dường như ít có khả năng xẩy ra đoạn tuyệt bang giao giữa hai đối tác kinh tế quá phụ thuộc lẫn nhau này. Đó là hai cường quốc nguyên tử, hai « Nhà nước lục địa », thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và nhất là hai cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới. Với tổng trao đổi thương mại song phương lên tới 560 tỷ đô la (526 tỷ euro, trong năm 2015) : bang giao Trung-Mỹ là một trong những mối quan hệ chiến lược quan trọng nhất thế giới. Do đó không thể chỉ thu gọn lại ở những tuyên bố gay gắt trên một kênh truyền hình và một vài thông điệp trên mạng xã hội Twitter của một vị tổng thống còn chưa nhậm chức.


Khi thừa nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, năm 1979, Hoa Kỳ đã chấp nhận hy sinh mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan, cho dù Washington và Đài Loan đã ký hiệp định phòng thủ tương hỗ vào năm 1954. Một cựu đại sứ phương Tây đã từng làm việc tại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh và Washington có tiếp xúc ngoại giao « hàng ngày » và được duy trì ở mọi cấp độ. Từ năm 2009, hai siêu cường tiến hành « đối thoại chiến lược và kinh tế », một cơ chế cho phép ngoại trưởng và bộ trưởng Tài Chính Mỹ hàng năm gặp gỡ các đồng nhiệm Trung Quốc.


Sau những cú tấn công đầu tiên nhắm vào Bắc Kinh, hồi đầu tháng, Donald Trump dường như muốn sửa chữa bù đắp lại với việc chỉ định, ngay từ ngày 07/12, đại sứ tương lai của Mỹ tại Trung Quốc là một nhà ngoại giao kỳ cựu, Terry Branstad. Thống đốc đương nhiệm của tiểu bang Iowa đã từng gặp Tập Cận Bình năm 1985, trong chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc và ông Branstad đã nhiều lần sang Trung Quốc.


Hoàn Cầu Thời Báo đã chúc mừng « người bạn lâu đời của Trung Quốc » như sau : « Điều này tạo nên sự khác biệt hoàn toàn nếu như một vị đại sứ tới Trung Quốc với những kỷ niệm tốt đẹp về nước này … chứ không phải với những định kiến và những suy nghĩ lệch lạc ».


Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đặt biệt rõ nét trong quan hệ thương mại và tài chính từ 30 năm qua. Trung Quốc là nhà cung ứng hàng hóa số một cho Hoa Kỳ và Mỹ là khách hàng số một của Trung Quốc, chiếm gần 20% tổng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong chiều ngược lại, 9% tổng xuất khẩu của Mỹ được đưa vào thị trường Trung Quốc.


Trên góc độ tài chính, hai nước cũng gắn bó mật thiết với nhau. Các kho bạc của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc có tới 3000 tỷ đô la. Washington rất hài lòng là Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào công trái của bộ Ngân Khố Hoa Kỳ. Việc chấm dứt đồng thuận hữu nghị giữa hai siêu cường của thế kỷ XXI chắc sẽ dẫn đến việc Hoa Kỳ có ít thuận lợi hơn khi tìm kiếm phương tiện trên thị trường tài chính để chi cho các khoản nợ. Bởi vì Trung Quốc nắm giữ gần 7% tổng nợ công của Mỹ, tương đương 3000 tỷ đô la. Do vậy, Bắc Kinh là chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Hoa Kỳ, gần như ngang bằng với Nhật Bản.


Lập luận này cũng đúng đối với các doanh nghiệp lớn của Mỹ. Đa số các công ty này tìm kiếm nguồn tài chính trên các thị trường quốc tế qua việc phát hành công trái. Và lại cũng ở các thị trường này, Trung Quốc thường bơm thanh khoản vào (qua việc mua công trái). Năm 2015, lần đầu tiên, các đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ còn nhiều hơn các đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc.


Tất cả các công ty đa quốc gia Mỹ (về điện tử, hàng không không gian, năng lượng…) đều có các cơ sở lắp ráp ở Trung Quốc và ký kết các thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Bản thân ông Trump cũng có cơ sở làm ăn tại Trung Quốc và ông dự kiến mở từ 20 đến 30 khách sạn ở nước này.


Cho dù được coi là thân Đài Loan, những người thân cận của ông chắc sẽ không chơi trò « được ăn cả ngã về không » bằng cách tấn công vào Trung Quốc, một nước rất cứng nhắc trong các nguyên tắc mang tính dân tộc chủ nghĩa. Và nhà tỷ phú dường như ít để ý tới việc tấn công Bắc Kinh trong lĩnh vực luôn luôn nhậy cảm với Trung Quốc, đó là nhân quyền.


Về vấn đề quân sự, mà Bắc Kinh nêu ra hôm thứ Hai, 12/12, thì dường như điều này giống như một hành động khoa chân múa tay hơn là một sự đe dọa thực sự. Ngay cả khi Trung Quốc đã có những nỗ lực to lớn từ 20 năm qua, bằng cách tăng ngân sách quốc phòng hàng năm hơn 10% (216 tỷ đô la), nước này vẫn còn đứng sau cách rất xa Hoa Kỳ (610 tỷ đô la) và không có các hoạt động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ kể từ năm 1967 (lời người dịch : ở đây, chắc tác giả không tính đến cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, năm 1979 : hàng chục ngàn lính Trung Quốc đã tấn công vào sâu lãnh thổ Việt Nam).


Sự thèm khát lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu dựa vào việc khẳng định các quyền dân sự và lịch sử và Bắc Kinh rất chú ý tránh trượt sang địa hạt chiến tranh. Ngoài các con số và tương quan lực lượng khách quan, các liên hệ nhân văn cũng ngày càng vững chắc giữa biểu tượng của chủ nghĩa tư bản và người khổng lồ xã hội chủ nghĩa. Trong số một triệu sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ, trong năm 2015-2016, thì một phần ba là sinh viên Trung Quốc. Ngay con gái của ông Tập Cận Bình cũng đã từng học ở Mỹ, giống như tất cả con cái của các lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng sản Trung Quốc./ (theoRFI 15-12-2016)

03 Tháng Giêng 2017(Xem: 8450)
04 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 7775)
17 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7841)
Tiến sỹ Vũ Cao Phan Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Đại học Bình Dương
01 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7995)