Trung Quốc xây thêm căn cứ ở đảo Bắc-Hoàng Sa

16 Tháng Ba 201711:27 CH(Xem: 7541)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  17  MAR  2017


image012


Trung Quốc lại xây dựng ở Hoàng Sa?


image014Bản quyền hình ảnh Planet Labs/Reuters Image caption Ảnh chụp từ vệ tinh chụp Đảo Bắc, thuộc Hoàng Sa, ngày 15/2 (trên) và 6/3 (dưới)


Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc lại bắt đầu xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng đường thủy thương mại quan trọng này, hãng tin Reuters cho hay.


Các tùy viên và chuyên gia quân sự cho rằng động thái này cho thấy Trung Quốc quyết tâm xây dựng mạng lưới các đảo và bãi đá. Họ còn cho rằng Trung Quốc tìm cách tránh đối đầu với chính phủ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Một hình ảnh chụp Đảo Bắc ở quần đảo Hoàng Sa ngày 6 tháng Ba cho thấy hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc. Trong đó có việc dọn mặt bằng và có thể chuẩn bị xây cảng để hỗ trợ cho cái mà nhiều chuyên gia tin rằng sẽ trở thành căn cứ quân sự. Những gì Trung Quốc xây dựng hồi năm ngoái bị hủy hoại trong một trận bão.


Các hình ảnh này, do công ty vệ tinh Planet Labs cung cấp, xuất hiện sau khi có ảnh hồi tháng Một cho thấy Trung Quốc đã xây dựng ở Đảo Cây (Tree Island) gần đó và các hòn đảo khác ở Hoàng Sa, nơi cả Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.


Các nhà ngoại giao có nguồn tin tình báo mới nhất của Phương Tây nói Bắc Kinh đang nỗ lực thống trị "sân sau" về đường biển của mình, và thậm chí còn thay đổi thời điểm họ có các hành động để tránh khiêu khích một cách lộ liễu.


"Quần đảo Hoàng Sa là then chốt cho bất kỳ nỗ lực thống trị Biển Đông nào của Trung Quốc," ông Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông của Học viện Quân sự Australia nói.


"Chúng tôi có thể thấy họ theo đuổi quân sự hóa, cho dù phát biểu chính thức của họ có là gì đi nữa, cho dù họ phải làm từng ít một."


image015

Image caption Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông


Điều chưa rõ về Trump


Quần đảo Trường Sa ở phía Nam đang có nhiều tranh chấp được dư luận chú ý nhiều, nhưng quần đảo Hoàng Sa là thiết yếu cho sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.


Trung Quốc trong những năm gần đây đã tạm thời đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không và các máy bay chiến đấu tại căn cứ quân sự họ đã xây từ lâu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việc này giúp họ bảo bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam.


Đảo Bắc nằm trong chuỗi đảo hình cánh cung có vị trí như một màn che chắn cho đảo Phú Lâm, nơi có các căn cứ dân sự và quân sự của Trung Quốc.


Ông Trương Bạc Hối, một chuyên gia an ninh Trung Quốc tại Trường Đại học Lĩnh Nam của Hong Kong, nói ông tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu lâu dài là củng cố các cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa, và suy tính chính quyền Trump không có phản ứng mạnh về chuyện này vì họ có những ưu tiên cấp bách hơn.


"Còn nhiều điều chưa rõ ràng với chính quyền của ông Trump, nhưng việc [theo đuổi mục tiêu] này là rất quan trọng với người Trung Quốc...quần đảo Hoàng Sa có vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ đảo Hải Nam, mà đảo Hải Nam thì quan trọng đối với các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc," ông nói.


"Điều cần phải tính duy nhất ở đây là chỉ có Việt Nam là lo ngại động thái này thôi."


Phía Bộ Ngoại Giao Việt Nam không đáp lại yêu cầu bình luận về vấn đề này của Reuters.


Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì nói họ "không biết" về các hoạt động xây dựng ở Đảo Bắc.


"Điều cần phải nhấn mạnh là quần đảo Tây Sa (Xisha Islands) là lãnh thổ của Trung Quốc," bộ này nói, dùng tên mà Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc chiếm hoàn toàn Hoàng Sa năm 1974 sau khi đánh bại quân đội Miền Nam Việt Nam lúc đó ra khỏi quần đảo này.


image016

Bản quyền hình ảnh LINTAO ZHANG/GETTY IMAGES Image caption Ngoại trưởng Vương Nghị


Tin Trung Quốc lại có hoạt động xây dựng ở Hoàng Sa xuất hiện vào thời điểm ông Rex Tillerson đang có chuyến thăm đầu tiên đến khu vực này với tư cách Ngoại trưởng. Ông Rex Tillerson đã làm Bắc Kinh chú ý khi ông nói hồi tháng Một Trung Quốc không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo họ đã xây dựng ở Biển Đông.


Một quan chức Mỹ không muốn lộ danh tính nói ông không thể khẳng định Trung Quốc lại xây dựng ở Đảo Bắc nhưng chuyện đó cũng không có gì ngạc nhiên.


"Việc này cũng khớp với những gì họ đang làm, họ dọn mặt bằng trên các đảo không vì mục đích quân sự hóa thì vì lý do gì," quan chức này nói. "Chẳng còn lý do nào khác cho Trung Quốc có sự hiện diện ở đó cả."


Các nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh nói Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ về vấn đề Biển Đông. Họ chỉ ra những phản ứng cầm chừng của Trung Quốc khi một tàu hàng không mẫu hạm của Mỹ tuần tra trên vùng biển này hồi tháng trước.


Gần đây Trung Quốc muốn tạo dựng hình ảnh là một quốc gia có thể hòa giải về các tranh chấp ở Biển Đông khi nói rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cam kết tìm giải pháp hòa bình.


Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói một bản dự thảo Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đã được hoàn thành và căng thẳng đã "giảm một cách đáng kể"./ (theo BBC 16/3/17)

11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7633)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 8285)