“Trần Ngọc Thêm và điều kiện tệ hại của học giới Việt Nam”

18 Tháng Năm 20177:45 CH(Xem: 10694)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  THỨ SÁU 19  MAY 2017


TRẢ LỜI G.S. L.C. KELLEY VỀ BÀI


“Trần Ngọc Thêm và điều kiện tệ hại của học giới Việt Nam”


Hà Văn Thùy


Người bạn gửi cho tôi bài viết: “Trần Ngọc Thêm và điều kiện tệ hại của học giới Việt Nam” của G.S Đại học Hawaii Liam. C. Kelley với lời đề nghị tôi cho ý kiến.


Bài báo này tôi đã đọc mấy năm trước trên trang nhà của TS Hà Hữu Nga cùng lời phi lộ của ông: “ Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam; đề cập đến các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra, nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.”


Bài viết ngắn, xin dẫn nguyên văn:


“Tôi đã đọc cuốn Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam (TPHCM: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004) của Trần Ngọc Thêm, trong đó có một mục nói về ba giai đoạn hình thành các dân tộc Việt Nam như sau: 


1) Vào thời đại đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm về trước), có một dòng người thuộc đại chủng Mongoloid từ vùng Tây Tạng thiên di về phía Đông Nam, tới vùng nay là Đông Dương thì dừng lại. Tại đây đã diễn ra sự hợp chủng giữa họ với cư dân Melanésien bản địa (thuộc đại chủng Úc), dẫn đến kết quả là sự hình thành chủng Indonésien (còn gọi là cổ Mã Lai) với nước da ngăm đen, tóc quăn dợn sóng, tầm vóc thấp...Từ đây lan tỏa ra, người Indonésiens cư trú trên toàn bộ địa bàn Đông Nam Á cổ đại. Đó là một vùng rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử, phía tây tới bang Assam của Ấn Độ, phía đông tới vùng quần đảo Phillipines và phía Nam tới các hải đảo Indonesia [Nguyễn Đình Khoa 1976. Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam (dẫn liệu nhân chủng học). HN: NXB KHXH, tr. 160].


2) Từ cuối thời đại đá mới, đầu thời đại đồ đồng (khoảng gần 5000 năm về trước), tại khu vực mà hiện nay là Nam Trung Hoa và Bắc Đông Dương (từ phía Nam sông Dương Tử đến lưu vực sông Hồng Hà), trên cơ sở sự chuyển biến từ loại hình Indonésien bản địa dưới tác động của việc tiếp xúc thường xuyên với đại chủng Mongoloid từ phía Bắc, đã hình thành một chủng mới là chủng Nam Á (Austro-asiatique).


3) Thời kỳ sau đó chủng Nam Á được chia tách thành một loạt các chủng tộc mà trong cổ thư Việt Nam và Trung Hoa được gọi bằng danh từ “Bách Việt”. Tuy “một trăm” (bách) chỉ là một cách nói biểu trưng, nhưng đó thực sự là một cộng đồng cư dân hùng hậu, bao gồm nhiều tộc người Việt như Điền Việt, Dương Việt, Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, Lạc Việt [Nguyễn Đình Khoa, sách đã dẫn, tr. 171].


Thảo luận


Trước hết, ngôn ngữ chủng tộc mà ông sử dụng ở đây là rất có vấn đề, nhưng tôi sẽ gác vấn đề đó lại để xem xét các vấn đề khác.


1) Người Indonesians và người Malays là các bộ phận của những nhóm người lớn hơn được gọi là Austronesians – Nam Đảo. Các học giả vẫn tranh cãi về nguồn gốc của nhóm người này. Nhiều học giả lâu nay vẫn cho rằng người Nam Đảo có nguồn gốc từ nam Trung Quốc, sau đó di cư đến Đài Loan rồi tiếp tục đi về phương nam đến Philippines trước khi tản mát khắp vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Những người khác thì lại cho rằng người Nam Đảo xuất hiện đầu tiên tại Đông Nam Á. Nhưng dù sao thì, KHÔNG AI trong số những học giả tôi được biết, cho rằng “người Mongoloids  từ Tây Tạng” có bất cứ mối liên quan nào với người Nam Đảo.


Trần Ngọc Thêm lấy đâu ra ý tưởng này? Ông dẫn một công trình xuất bản năm 1976 của Nguyễn Đình Khoa. Tri thức học thuật về nguồn gốc và ngôn ngữ học nhân loại luôn luôn thay đổi. Hơn nữa tri thức học thuật Việt Nam thập niên 1970 tuyệt đối không phải là đỉnh cao. Vậy thì tại sao trên đời này lại còn một học giả vào năm 2004 vẫn dựa vào một công trình của Việt Nam từ năm 1976 để viết về chủ đề này?.


2) “Austro-Asiatic” – Nam Á là một thuật ngữ thông dụng để chỉ một nhóm các ngôn ngữ hiện nay vẫn đang được sử dụng từ Ấn Độ đến Việt Nam, mà KHÔNG PHẢI là nam Trung Quốc và các vùng thuộc bắc bán đảo Đông Dương. Hơn nữa theo tôi được biết thì không học giả nào lại cho rằng các ngôn ngữ này và những người nói các ngôn ngữ ấy lại xuất hiện ở khu vực nam Trung Quốc và bắc Đông Dương.


Có một số học giả nghiên cứu về di truyền học và cố gắng kết nối những người nói các ngôn ngữ Nam Á với nhau. Tuy nhiên các học giả này nói về một khu vực trải từ Ấn Độ đến Việt Nam, chứ KHÔNG PHẢI là nam Trung Quốc và các vùng bắc bán đảo Đông Dương. Về vấn đề này, có thể xem sơ đồ mô tả sự triển khai của người nói các ngôn ngữ Nam Á từ Ấn Độ đến Đông Nam Á trong bài viết gần đây: [Nguồn: Vikrant Kumar, et. al., Asian and Non-Asian Origins of Mon-Khmer- and Mundari-Speaking Austro-Asiatic Populations of India, published in American Journal of Human Biology 18 (2006): 467].


3) Môn-Khmer, Tày-Thái, và Mèo-Dao là các thuật ngữ để chỉ các ngôn ngữ thuộc các ngữ hệ khác nhau. Các ngôn ngữ Môn-Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á, Tày-Thái thuộc ngữ hệ Tai, còn Mèo-Dao thuộc ngữ hệ H’Mông-Miến. Không một nhà ngôn ngữ học phương Tây nào lại cho rằng các ngữ hệ riêng biệt này đã phát triển từ ngữ hệ “Nam Á” (hoặc từ người Nam Á) trong 5000 năm qua (hoặc từ bất từ một nhóm riêng lẻ nào trong vòng 5000 năm qua).


Các ý tưởng của Trần Ngọc Thêm trong công trình trên cho thấy ông hoàn toàn không chạm được đến tri thức học thuật về chủ đề này. Giờ đây đã là thế kỷ 21. Việt Nam đã “mở cửa ra thế giới” từ năm 1986. Không có bất cứ lý do gì để công bố bất cứ một cái gì như thế này. Cho đến bây giờ mà vẫn còn có học giả đặt vấn đề nghiên cứu và công bố với các ý tưởng như thế này thì  rõ ràng hình ảnh về học giới Việt Nam thật là kinh hoàng. Tại sao lại có tình cảnh đó? Đơn giản là vào Google gõ “Austronesian origins” (Nguồn gốc người Nam Đảo) thì sẽ thấy ngay rằng người Mongoloids Tây Tạng không liên quan gì đến vấn đề đang được thảo luận. Không đọc được tiếng Anh à? Thế thì hãy học đi.


Vậy thì theo tôi rất dễ hiểu tại sao Trần Ngọc Thêm lại viết như vậy. Đó chính là chủ nghĩa dân tộc. Ông ấy muốn chứng minh rằng các dân tộc Việt Nam có cùng một nguồn gốc và đã được hình thành qua một quá trình lịch sử chung. Để làm được điều đó ông cần phải lờ đi tri thức học thuật của các nhà ngôn ngữ phương Tây từ nửa thế kỷ qua.


Mục đích của học thuật là giúp cho người đọc mở mang tri thức để ngày càng trở nên hiểu biết. Ngược lại, bất kỳ ai đọc và tin vào những điều Trần Ngọc Thêm viết trong công trình trên đều sẽ trở nên ngu dốt đi.”


Không muốn thêm một lần bị chê “tuần chay nào cũng có nước mắt”* và cũng muốn xem người trong cuộc cùng các bậc cao minh đối đáp ra sao, tôi “dựa cột mà nghe.” Rồi quên đi. Nay có người gợi lại, âu cũng là cái duyên nên xin mạn phép góp đôi lời.


1. Ý thứ nhất


Xin được cảm ơn GS Kelley đã chỉ ra sai lầm của GS. Trần Ngọc Thêm trong việc sử dụng tài liệu của GS. Nguyễn Đình Khoa. Tuy nhiên, truy đến cùng, những sai lầm trên không phải xuất phát từ ông Nguyễn Đình Khoa mà là của các học giả Pháp như Aymonier, Maspéro, Aurousseau… những yếu nhân của nền Đông phương học Pháp. Tri thức từ các vị thầy Tây được truyền qua tiền bối Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… rồi trở thành “khuôn vàng thước ngọc” trong các cuốn Sử Việt Nam. Nguyễn Đình Khoa, trong bước khởi nghiệp đã học theo những vị thầy Tây-ta ấy. Nhưng nói công bằng, điều “tệ hại” đó không chỉ là của học giới Việt Nam mà còn là của học thuật quốc tế. Có lẽ nào ông L.C. Kelley không biết rằng, giáo trình Việt học cũng như Đông phương học của các đại học danh tiếng thế giới hiện vẫn nhan nhản những lỗi lầm do sao chép từ Đông phương học của Viễn Đông Bác cổ?!


image025


Viện Viễn Đông Bác cổ (tiếng Pháp: École française d'Extrême-Orient, viết tắt EFEO) là một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa. Tiền thân là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương từ năm 1898 và chính thức thành lập với tên gọi Viện Viễn Đông Bác cổ ngày 20 tháng 1 năm 1900 Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội. (Ảnh và chú thích của wikipedia - VH)


Ông Kelley cũng không biết rằng, có một người đã bứt phá khỏi cái chuỗi sao chép ấy, để xây dựng đỉnh cao học thuật của riêng mình. Đó là Nguyễn Đình Khoa. Sau sự sao chép như đã dẫn, ông nhận ra sai lầm của mình, nên tập trung trí lực khảo sát lại sưu tập 70 sọ cổ của Việt Nam và so sánh với sọ cổ Đông Nam Á. Trong công trình Nhân chủng học Đông Nam Á (NXB DH&THCN, H. 1983, tr. 106)), ông khẳng định:   “Vào thời Đá Mới, cư dân Đông Nam Á thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonesien và Melanésien là hai thành phần chủ yếu. Sang thời Đồng-sắt, trên toàn Đông Nam Á diễn ra việc chuyển hóa mạnh từ loại hình Indonesien sang loại hình Nam Á (Mongoloid phương Nam). Thành phần Australoid thu hẹp đến tối đa trong khu vực, không hiểu là do di dân hay đồng hóa.”


Khám phá của ông là thành tựu cao nhất mà công nghệ đo sọ (metric) đạt được. Nó khác hẳn hiểu biết truyền thống. Đặc biệt là nó phủ định quan niệm kinh điển của trường phái Viễn Đông Bác cổ. Hơn 20 năm, cộng đồng khoa học Việt Nam và thế giới không hiểu công trình của ông và cũng không thể giải thích nguyên nhân của sự kiện mà ông phát hiện. Do vậy nó không được áp dụng cho khảo cứu lịch sử văn hóa Việt Nam. Để an toàn, người ta cứ theo đường mòn, tạo ra tệ trạng không chỉ của học thuật Việt Nam mà của cả thế giới!


Nhưng sang thế kỷ này, những khảo cứu di truyền dân cư châu Á cho thấy, Nguyễn Đình Khoa hoàn toàn chính xác. Phủ định các học giả Pháp trước đây cho rằng, trên đất Việt Nam, người Melanesian xuất hiện đầu tiên sau đó bị người Indonesian thay thế, ông khẳng định, hai đại chủng người trên có mặt ở Việt Nam cùng một lúc. Khám phá di truyền dân cư phương Đông của nhóm J.Y. Chu hay của Stephen Oppenheimer xác nhận: hai chủng người Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước. Việc đo sọ xác định hai đại chủng người trong dòng di cư lai giống sinh ra bốn chủng người Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid cho thấy ông không chỉ đi trước thế giới 20 năm mà còn là người dẫn đường thông tuệ cho những nhà nghiên cứu nhân học phương Đông sau này.


Không thể trách Trần Ngọc Thêm vì nhân học không phải là chuyên môn của ông. Như nhiều học giả khác, ông chỉ nghe theo các nhà nhân học. Khi nhân học sai lầm, ông chịu chung số phận!


2. Ý thứ hai


Chê Trần Ngọc Thêm nhưng rồi đến lượt mình, ông Kelley không thoát khỏi cái bẫy rối rắm của nhân chủng học phương Đông.


Ông Kelley viết:


a. “Austro-Asiatic” – Nam Á là một thuật ngữ thông dụng để chỉ một nhóm các ngôn ngữ hiện nay vẫn đang được sử dụng từ Ấn Độ đến Việt Nam, mà KHÔNG PHẢI là nam Trung Quốc và các vùng thuộc bắc bán đảo Đông Dương. Hơn nữa theo tôi được biết thì không học giả nào lại cho rằng các ngôn ngữ này và những người nói các ngôn ngữ ấy lại xuất hiện ở khu vực nam Trung Quốc và bắc Đông Dương.


“Austro-Asiatic” cũng như “Nam Á” không phải thuật ngữ khoa học mà là tên gọi dân gian thông thường nên không thể sử dụng cho cuộc tranh luận học thuật nghiêm túc. Muốn tranh luận, phải gọi tên khoa học của chủng người được gọi là Nam Á. Như ở đoạn dẫn trên, G.S Nguyễn Đình Khoa xác định: loại hình Nam Á thuộc chủng Mongoloid phương Nam.


Câu hỏi được đặt ra: chủng Mongoloid phương Nam xuất hiện ở đâu? Khi nào?


Khảo cổ học cho hay, gần suốt thời Đồ Đá, người Australoid là dân cư duy nhất sinh sống từ Đông Nam Á cho tới Nam Hoàng Hà. Khoảng 7000 năm trước, tại văn hóa Ngưỡng Thiều [1] miền Trung Hoàng Hà, lần đầu tiên người Mongoloid phương Nam xuất hiện. Khoảng nửa sau thiên niên kỷ thứ III TCN, từ Nam Hoàng Hà, người Nam Á lan tỏa xuống phương Nam, thực hiện quá trình Mongoloid hóa toàn bộ dân cư Đông Nam Á.[2]


Từ thực tế hình thành dân cư Đông Á cho thấy vốn tri thức của ông G.S Kelley bị phá sản. Nam Trung Quốc, Bắc Đông Dương không chỉ là nơi cư trú của người Nam Á từ hơn 2000 năm TCN mà còn là bàn đạp giúp cho người Nam Á tăng nhân số để rồi chiếm lĩnh Đông Nam Á! Thực tế cho thấy, suốt trong hơn nửa thiên niên kỷ, hàng triệu người Nam Á từ lưu vực Hoàng Hà di cư xuống đồng bằng Dương Tử rồi từ đây, bằng thuyền hoặc đi bộ qua Đông Dương lan tỏa ra khắp Đông Nam Á.[3] Gọi chủng người Mongoloid phương Nam là “Austro-Asiatic” cũng như “Nam Á” là sự bất cập của nhân học thế kỷ trước. Nếu chính xác, phải gọi là “người Đông Nam Á” như Nguyễn Đình Khoa đề nghị trong cuốn sách của ông.


 b. Môn-Khmer, Tày-Thái, và Mèo-Dao là các thuật ngữ để chỉ các ngôn ngữ thuộc các ngữ hệ khác nhau. Các ngôn ngữ Môn-Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á, Tày-Thái thuộc ngữ hệ Tai, còn Mèo-Dao thuộc ngữ hệ H’Mông-Miến. Không một nhà ngôn ngữ học phương Tây nào lại cho rằng các ngữ hệ riêng biệt này đã phát triển từ ngữ hệ “Nam Á” (hoặc từ người Nam Á) trong 5000 năm qua (hoặc từ bất từ một nhóm riêng lẻ nào trong vòng 5000 năm qua).


Thật buồn phải thưa rằng, kiến thức này của vị giáo sư Đại học Hawaii cũng sai lầm!  Di truyền học xác nhận: Môn-Khmer, Tày-Thái, Mèo-Dao cùng là những sắc tộc (ethnicity) thuộc chủng (race) Mongoloid phương Nam. Cái gốc lớn của chủng này là người Lạc Việt (Indonesian) chủ thể của dân cư phương Đông từ 70.000 năm trước.[4] Do vậy, ngôn ngữ Lạc Việt (tiếng Việt cổ, tiếng Annam) là tiếng nói gốc của phương Đông** Những ngữ hệ Nam Á, ngữ hệ Tai, ngữ hệ H’Mông-Miến… chỉ là sự phái sinh từ ngôn ngữ Mẹ Indonesian.


Đấy là thất bại của Ngôn ngữ học lịch sử. Suốt 150 năm qua, tiếng Annam được tập trung khảo cứu. Lúc đầu Schmidt xếp vào họ Hán-Tạng. Nhưng sau đó được Maspéro chuyển sang họ Tày-Thái. Thấy như vậy chưa phù hợp nên chuyển sang họ ngôn ngữ Môn-Khmer. Tưởng yên thân vì sự đời bất quá tam, lại được Haudricurt ghép vào họ Nam Á! Nhưng mới đây, lại có người đề nghị, phải đưa trả ngay về Hán-Tạng mới phù hợp![5]


Không hiểu sao, người ta quên rằng, hơn trăm năm trước, chính xác là 1892, đại tá người Pháp H. Ferey từng ra cuốn sách: L'annamite, mère des langues; communauté d'origine des races celtiques, sémitiques, soudanaises et de l'Indo-Chine. Paris, Hachette et cie, 1892. (Tiếng Annam là ngôn ngữ mẹ; cộng đồng xuất xứ của các chủng tộc Celtic, Semitic, Sudan và Đông Dương.) Thực vậy, tiếng Annam, tức tiếng Việt cổ, tiếng Lạc Việt, vốn là mẹ của mọi ngôn ngữ phương Đông. Do là Mẹ nên nó quá phong phú, quá lớn, quá rộng, khiến cho không thể xếp trọn trong bất cứ cái khuôn tiếng nói con cái nào! Sai lầm của Ngôn ngữ học lịch sử là ngay từ đầu không nhận ra vai trò của tiếng Annam nên chia ngôn ngữ khu vực ra nhiều họ khác nhau. Nhưng rồi khi chia xong thì không thể ghép tiếng Annam vào bất cứ khuôn khổ nào được ấn định!


Nhà nhân học lớn Jared Diamond của Đại học California từng nói: “Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận thì chưa đáng tin cậy.” Ngôn ngữ học lịch sử, cùng lắm chỉ có thể cho biết hai ngôn ngữ gần nhau. Còn không đủ thầm quyền khẳng định đâu là con đâu là mẹ! Mục đích cuối cùng của Ngôn ngữ học lịch sử là qua tiếng nói khám phá các chủng người. Nay di truyền học đã giải quyết nhanh chóng chính xác yêu cầu này khiến cho Ngôn ngữ học lịch sử mất đi vai trò của nó![6]


3. Ý cuối


Một câu hỏi: vì sao trong khi chỉ ra chính xác sai lầm của ông Trần Ngọc Thêm thì ông Kelley lại thất bại trong diễn giải của mình? Có thể trả lời: chính vì cả hai vị cùng sử dụng những tài liệu sai lầm của nhân học thế kỷ trước. Nhìn ra cái sai của đối phương nhưng ông Kelley không thấy được cái sai trong tài liệu mình sử dụng nên đã làm một việc vô nghĩa là lấy cái sai này phản bác cái sai khác! Điều này chứng tỏ, ông Kelley mới dừng lại ở mức sao chép thụ động mà chưa nhận thức chính xác tư liệu mình dùng! Đã tới lúc từ bỏ di sản sai lầm của nền nhân học không ADN để mở trang mới cho sự nghiệp nghiên cứu lịch sử văn hóa phương Đông.


Với lời phê bình một đồng nghiệp và một học giả theo kiểu làm nhục,  GS. Kelley  đã tiến gần lắm đến hình ảnh một tên thực dân,  một tên thực dân của tk XIX ở tk. XXI.


                                                                             Sài Gòn,  30.4.2017


*Xin xem Di cảo của sử gia Tạ Chí Đại Trường


** Điều này xuất phát từ thực tế là, 70.000 năm trước, khi hai đại chủng người tiền sử di cư tới Việt Nam, người Australoid có số lượng vượt trội. Nên khi hòa huyết với người Mongoloid cho ra bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid đều thuộc loại hình Australoid. Theo quy luật di truyền học, người Indonesian có số lượng lớn nhất, sau đó là người Melanesian. Chủng Indonesian (sau được gọi là Lạc Việt) có nhân số đông nhất,  giữ vai trò lãnh đạo cộng đồng về xã hội và ngôn ngữ. Khoảng 50.000 năm trước, người Indonesian là thành phần chính trong dân cư Việt lan tỏa ra Đông Nam Á. Chiếm lĩnh tiểu lục địa Ấn Độ, người Indonesian trở thành người Dravidian bản địa. Lên khai phá Trung Quốc từ 40.000 năm trước, người Lạc Việt là chủ thể dân cư Trung Hoa. Tiếng Lạc Việt vùng Thanh Nghệ lên Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến… sinh ra tám phương ngữ Việt trên đất Trung Hoa. Tại lưu vực Hoàng Hà khoảng 4600 năm trước, trong vương triều Hoàng Đế, tiếng Lạc Việt được nói theo văn phạm Mông Cổ (Mongol parlance). Sau thời Đường được chuyển hóa theo giọng Mông Cổ rồi có hình thức như hôm nay. Khảo cổ học phát hiện dân cư nhà nước Lương Chử (3300-2300 năm TCN) chiếm hơn nửa diện tích Trung Quốc là người Lạc Việt.


Tài liệu tham khảo:


1. 仰韶文化 http://baike.baidu.com/view/9771.htm


2-3-4. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn, 2016


5. What Makes Chinese so Vietnamese? An Introduction to Sinitic-Vietnamese Studies. Tạm dịch: Điều gì làm cho tiếng Trung Quốc giống với tiếng Việt. Giới thiệu về nghiên cứu ngôn ngữ Trung-Việt. Bằng nhiều chứng cứ khó bác bỏ, tác giả chứng minh: tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ Hán-Tạng!


6. Hà Văn Thùy. Ngôn ngữ học lịch sử đi về đâu? http://thuyhavan.blogspot.com/2016/09/ngon-ngu-hoc-lich-su-i-ve-au-trao-oi.html
14 Tháng Giêng 2020(Xem: 5491)
29 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7070)
20 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 5737)