Hà Văn Thùy: Trao đổi tiếp với Gs Phan Huy Lê về Sử Việt

31 Tháng Năm 20179:29 CH(Xem: 9161)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  THỨ  NĂM  01 JUNE  2017


TRAO ĐỔI TIẾP VỚI G.S PHAN HUY LÊ VỀ SỬ VIỆT


Hà Văn Thùy


Trong bài trước tôi đã trao đổi với GS Phan Huy Lê về ba vấn đề:  1. Ghi nhận công lao nhà Nguyễn; 2. Những khoảng trống lịch sử 3.  Xác lập quan điểm lịch sử mới. Nay xin thảo luận tiếp với Giáo sư về hai điều vô cùng hệ trọng khác.


Trang Thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 22.2 năm 2017* viết:


1.“GS. Phan Huy Lê cho biết: Các nhà khoa học đã tìm được những di chỉ của thời cổ đại, những công cụ của giai đoạn sơ kỳ trong thời đại đồ đá cũ xác định thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm. GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh, đây là một đột phá lớn, làm thay đổi sâu sắc những hiểu biết về lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam và từ đó, lịch sử đã được nâng lên một tầm vóc mới.”


  Cần hiểu thế nào về phát biểu này?


Rõ ràng là Giáo sư cho rằng: “thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm.” “đây là một đột phá lớn, làm thay đổi sâu sắc những hiểu biết về lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam.”


Người đọc hiểu rằng, Giáo sư nói về việc các nhà khảo cổ Việt-Nga phát hiện di chỉ khảo cổ An Khê tỉnh Kontum, với dấu vết của con người khoảng 800.000 năm trước.


Trước hết, cần làm rõ ý nghĩa của di chỉ khảo cổ này.


Những người từng nghiên cứu lịch sử văn hóa phương Đông đều biết rằng, năm 1920, kỹ sư mỏ người Thụy Điển Anderson khai quật di chỉ Chu Khẩu Điếm ở phía bắc thành Bắc Kinh, phát hiện di cốt người Homo erectus 600.000 năm tuổi, được gọi là người Bắc Kinh Homo pekinensis. Ở tầng trên cùng của hang (New cave) tìm thấy di cốt người hiện đại Homo sapiens có tuổi 27.000 năm. Kết hợp với việc khám phá di cốt người Ngưỡng Thiều trước đó rất gần với người Trung Quốc hiện đại, giới khoa học cho rằng, người Homo sapiens được tiến hóa từ loài người Đứng thẳng Homo erectus. Phát hiện Chu Khẩu Điếm ủng hộ cho thuyết nhiều vùng của nguồn gốc con người (Multiregional hypothesis) cho rằng: con người được sinh ra từ nhiều nơi khác nhau: châu Phi sinh ra người da đen, châu Âu sinh ra người da trắng, còn châu Á sinh ra người da vàng. Người Bắc Kinh là tổ tiên của người Trung Quốc cũng như dân cư châu Á.


Năm 1960, khi phát hiện dấu vết của người Homo erectus 300.000 năm trước ở di chỉ Núi Đọ, cũng đã nhen nhóm ý tưởng: người Núi Đọ là tổ tiên của người Việt Nam.


Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ tiếp theo cho thấy, người Đứng thẳng xuất hiện ở châu Phi 2 triệu năm trước. 1,9 triệu năm cách nay họ có mặt ở Java, rồi 1,7 triệu năm trước di cư sang Nguyên Mưu Vân Nam Trung Quốc. Nhưng 250.000 năm cách nay, người Đứng thẳng hoàn toàn biến mất khỏi châu Á.


Thập niên 1970 phát hiện di cốt người Đứng thẳng Neanderthal ở Levant (Israel) 34.000 năm cách nay, có đặc điểm rất gần với tổ tiên người châu Âu. Giới khoa học cho rằng: người Neanderthal là tổ tiên người châu Âu.


Nhưng những khảo cứu di truyền học phân tử gần đây xác nhận: trong thời gian sống chung nhiều ngàn năm ở Trung Đông, có diễn ra sự giao phối giữa người Khôn ngoan Home sapiens và người dứng thẳng Homo erectus nhưng tỷ lệ máu của người H. erectus trong bộ gen người hiện đại quá nhỏ, chỉ chiếm 1-2%. Do vậy đưa tới kết luận: người Đứng thẳng là họ hàng xa của loài người hiện nay mà không phải là tổ tiên của loài chúng ta! [1]


Đối chiếu những khám phá của khoa học thế giới với nhận định của Giáo sư Phan Huy Lê khi cho rằng: “thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm,” ta thấy những sai lầm sau:


-Người Núi Đọ, An Khê cũng như người Java, Nguyên Mưu, Chu Khẩu Điếm… là Người Đứng thẳng, loài tiền nhiệm của chúng ta. Họ đã tuyệt diệt trên toàn châu Á cũng như trên đất Việt Nam 250.000 năm trước nên không hề có mối liên quan nào với chúng ta. Do họ không cùng loài với chúng ta nên việc cho rằng thời gian tồn tại của họ thuộc về lịch sử thời tiền sử của người Việt Nam là sự lầm lẫn tai hại. Điều đơn giản: họ không phải tổ tiên người Việt Nam thì thời gian tồn tại của họ không thể thuộc tiền sử người Việt Nam!


- Cho rằng Lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam kéo dài tới 80 vạn năm chứng tỏ Giáo sư Phan Huy Lê đồng nhất Loài người Đứng thẳng Homo erectus với Người Khôn ngoan Homo sapiens. Điều này không đúng với thực tế.


Từ lâu, nhân học đã xác nhận, Homo erectus là loài tiền nhiệm của loài chúng ta và tuyệt diệt ở châu Á 250.000 năm trước. Do vậy, sau 250.000 năm cách nay, trên đất châu Á cũng như Việt Nam vắng bóng người! Một thời gian dài trong nửa cuối thế kỷ XX, khoa học cố công tìm địa điểm và thời gian xuất hiện của loài chúng ta Homo sapiens nhưng chưa có kết luận cuối cùng.


Sang kỷ nguyên mới, bằng nhiều khám phá di truyền nhân học, khoa học thế giới khẳng định, loài chúng ta chỉ xuất hiện 200.000 năm trước tại châu Phi và 70.000 năm cách nay di cư tới Việt Nam. Sau khi nghỉ ngơi ở Việt Nam 20.000 năm, các dòng người tiền sử do người Lạc Việt Indonesian dẫn đầu, chiếm lĩnh Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc, làm nên đại bộ phận dân cư ngoài châu Phi… Khám phá này của khoa học nhân loại đã cung cấp cho chúng ta thông tin xác định: Thời tiền sử của người Việt Nam bắt đầu từ 70.000 năm trước. [2]


2. Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: “Lịch sử Việt Nam có 3 lần thất bại trong chống ngoại xâm đó là thời An Dương Vương chống Triệu Đà; thời nhà Hồ chống Minh và thời nhà Nguyễn chống Pháp.”


Hơn nửa thế kỷ, nhận định “Triệu Đà xâm lược Âu Lạc” từng gây tranh cãi. Trên báo chí xuất hiện nhiều bài viết phản bác quan niệm này. Chính trên tạp chí Xưa và Nay của Hội Sử học Việt Nam (số 253, 254, 2/2006) tôi đã có bài Triệu Đà, Ngài là ai? Đưa ra nhiều chứng cứ xác đáng phản bác quan niệm trên. Tiếp đó, trên Văn hóa Nghệ An ngày 24 Tháng 5. 2013 tôi cho đăng bài Nỗi bất an của lịch sử với cùng nội dung tương tự. Những bài viết đó được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp người Việt trong và ngoài nước. Tôi rất mong Giáo sư Lê cùng học trò thành danh đông đảo của ông phản biện ý kiến tôi để tìm ra sự thật. Tiếc là không ai lên tiếng!


Những người kết tội Triệu Đà xâm lược dùng lý lẽ chủ đạo vì cho ông là người Hán. Nhưng từ khảo cứu cổ thư cùng những phát hiện nhân chủng học mới nhất cho thấy, Triệu Đà là người Việt.


Muộn nhất, khoảng 30.000 năm trước, một dòng người Lạc Việt chủng Indonesian mang mã di truyền M122 từ Bắc Việt Nam theo hành lang Tứ Xuyên đi lên Tây Bắc Trung Quốc, sau này trở thành những bộ tộc Tày-Thái. Người Tày Thái kiên cường chống lại cuộc xâm lăng của Hoàng Đế năm 2698 TCN nên được gọi là Tây Nhung. Có người con gái Thái (Thai thị nữ) làm nguyên phi của Đế Khốc, sinh ra tổ nhà Thương và nhà Chu. Trong nhánh Tày Thái có bộ tộc Tần sinh sống bằng du mục, rất dũng mãnh, trường kỳ chống đối nhà Thương. Sau đó liên kết với nhà Chu diệt nhà Thương, được phong đất Doanh nên lấy họ Doanh. Giữa thời Xuân Thu, một nhánh họ Doanh đi lên Nam Hoàng Hà, nhập nước Tấn. Phụ giúp các công tử Tấn có công, được phong đất Triệu Thành nên cải sang họ Triệu. Sau đó họ Triệu cùng với Hàn, Ngụy chia nước Tấn thành ba nước Hàn, Triệu, Ngụy, mở đầu thời Chiến Quốc. Khi nhà Tần diệt nước Triệu, Triệu Đà khoảng 20 tuổi, bị xung lính xuống đánh Lĩnh Nam, làm tới huyện lệnh Long Xuyên. Nhà Tần suy bại, Triệu Đà đứng lên lập nước Nam Việt. Như vậy, lý do Triệu Đà người Hán cũng bị bác bỏ. [3]


Việc Giáo sư Phan  Huy Lê cùng trường phái của ông vẫn duy trì quan điểm cũ lạc hậu, phi lịch sử, phản khoa học gây hại lớn cho dân tộc là điều không thể chấp nhận.


3. “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” là công bố quan trọng của người đứng đầu ngành Sử. Tuy nhiên, ta thấy trong đó những sai lầm nghiêm trọng.


- Do không hiểu người Việt Nam là ai nên lầm lẫn khi cho rằng hoạt động của loài người Đứng thẳng từng bị tuyệt diệt 250.000 năm trước cũng là tiền sử của người Việt Nam. Sai lầm này dẫn tới những lầm lẫn khác.


-Cũng do không hiểu nguồn gốc và sự hình thành của người Việt Nam nên cho rằng chỉ người Kinh mới là người Việt còn các tộc thiểu số khác không phải là người Việt. Sai lầm này dẫn tới “những khoảng trống” giả tạo trong sử Việt và việc giải thích lịch sử một cách tùy tiện.


- Cho đến nay vẫn cho rằng Triệu Đà xâm lược Âu Lạc là thể hiện quan điểm lịch sử bảo thủ lỗi thời, phản khoa học, phi lịch sử, tác động tiêu cực, đưa việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn lạc đường.


Cho tới khi chắp bút viết bộ Quốc Sử, Giáo sư Phan Huy Lê và cộng sự của ông chưa biết những phát hiện mới của khoa học thế giới về nguồn gốc thực sự của người Việt Nam. Lịch sử là hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Khi chưa hiểu cộng đồng đó là ai, từng kinh qua hoạt động ra sao trong quá khứ để có diện mạo như hôm nay thì mọi chuyện nói về họ không đáng tin cậy.


                                                                                         Sài Gòn, 24.5.17


*(http://www.tuyengiao.vn/Home/khoahoc/97096/Giao-su-Phan-Huy-Le-Nhan-thuc-ve-lich-su-can-toan-bo-va-toan-dien)


1. Bryan Sykes. Bảy nàng ccon gái của Ê-va. NXB Trẻ năm 2008


2. 3. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn. H, 2016
11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7633)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 8289)