Hà Văn Thùy: "Về hiện tượng Keith Weller Taylor"

15 Tháng Tám 20176:50 CH(Xem: 8716)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ  TƯ  16  AUGUST  2017


VỀ HIỆN TƯỢNG KEITH WELLER TAYLOR


image016

Hà Văn Thùy


Trong lễ trao Giải thưởng Phan Châu Trinh cho sử gia người Mỹ K.W.Taylor, diễn ra tại khách sạn Caravelle thành phố Hồ Chí Minh ngày 24-3-2015, nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi người nhận giải bằng những lời có cánh:


“Keith Taylor là một trong những nhà Việt Nam học nổi tiếng nhất, cả ở Việt Nam cả ở nước ngoài. Ông cũng là một nhà Việt Nam học độc đáo, từ điểm xuất phát, đến con đường nghiên cứu Việt Nam học ông đã đi, các chặng khác nhau và những chuyển hướng trên con đường đó, và có lẽ cả ở sự gắn bó, gần gũi kỳ lạ của ông với giới nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, những chuyển động bên trong nghiên cứu ấy.”


Và:


“Xin cám ơn Keith Weller Taylor, vì tình yêu chân chính và nỗ lực trằn trọc của ông cho khoa học lịch sử Việt Nam, cho Việt Nam.”


Không ít phản ứng trái chiều đã rộ lên. Nhưng với người am hiểu, sẽ thấy rằng, đó không phải lời lẽ của riêng Nguyên Ngọc. Ông Nguyên Ngọc chỉ là người phát ngôn cho xu hướng đang ngự trị giới sử học quốc doanh Việt Nam hiện nay. Đó là xu hướng xét lại, phủ định lịch sử Việt Nam hình thành từ xa xưa tới thời CHXHCN Việt Nam. Một xu hướng được bắt đầu bằng việc trục xuất nhà Triệu khỏi sử Việt, bằng chối bỏ nhà nước Xích Quỷ cùng Kinh Dương Vương để dựng lên nhà nước Văn Lang 2700 năm tuổi. Đó cũng là xu hướng phủ định một dân tộc Việt Nam thống nhất, có lịch sử lâu dài. Xin mời đọc: Trần Trọng Dương-Keith Weller Taylor: Hành trình của một sử gia*.


Để rộng đường ngôn luận, tôi xin thưa lại đôi lời.


Về sử gia Keith Weller Taylor và học trò của ông, tôi đã có những bài viết: Bài học khó thuộc (2005), Một cách nhìn lịch sử hời hợt và méo mó (2006), Học giả Mỹ viết gì về sử Việt (2014). Ở đây chỉ xin nói một cách khái quát.


I. Hoàn cảnh khai sinh của sử gia K.W. Taylor


Năm 1972, “chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt” K.W.Taylor ôm đầu máu trở về từ Việt Nam trong lúc cao trào chống chiến tranh xâm lược sôi động khắp nước Mỹ. Chung số phận nhiều cựu chiến binh khác, chàng trai đã có lúc mất phương hướng. Nhưng rồi là người có nghị lực nên lý trí trở lại. Vốn sẵn có lợi thế tiếng Việt của một sĩ quan tình báo quân đội và những trải nghiệm cá nhân từ Việt Nam, Taylor ghi tên học Việt học. Năm 1976 nhận bằng Tiến sĩ Đại học Michigan.


Cuộc chiến Việt Nam chia rẽ nước Mỹ với câu hỏi đau đớn: Vì lẽ gì, con voi thua con kiến?! Lúc này những chính trị gia và học giả trung thực cho rằng, Mỹ đã chọn lầm đối tượng. Việt Nam là nước nhỏ nhưng tinh thần dân tộc rất cao và được dẫn dắt bởi một vĩ nhân là Hồ Chí Minh. Với tinh thần thượng võ, không ít người Mỹ nghiêng mình bái phục dân tộc Việt. Cũng lúc này, chủ súy ngành Việt học nước Mỹ là Giáo sư O.W. Wolters. Là người Anh, từng sống nhiều năm ở Malaysia, hiểu biết và có cái nhìn chân thực về lịch sử Đông Nam Á, ông có tiếng nói quan trọng với giới học thuật. Trong bối cảnh đó, cuốn The Birtth of Vietnam (Việt Nam khai quốc) ra đời.


Nhưng cũng từ năm tháng đó, cùng với những thất bại của chính quyền Việt Nam như việc chiếm đóng Campuchia, bóp nghẹt nhân quyền, vụ thuyền nhân, nền kinh tế suy sụp… một phong trào chống Cộng được dấy lên trong nước Mỹ. Những tư tưởng phục thù dai dẳng từ sau 1975 được dịp vùng dậy. Không ăn được thì đạp đổ là tâm lý của những người này. Họ đã ra sức đạp đổ bằng cách vùi dập dân tộc Việt. Từ vùi dập Hồ Chí Minh, đến vùi dập lý tưởng cao cả giải phóng dân tộc của người Việt. Với giới học thuật, không gì tiện hơn là phủ định sử Việt: phủ định cái nguyên nhân căn cốt làm nên chiến thắng! “Việt Nam không hề là một dân tộc thống nhất mà chỉ là đám người nói tiếng Việt tụ tập nhau tại đồng bằng sông Hồng vào thiên niên kỷ cuối trước Công nguyên”. “Đó là những con người hiếu chiến luôn chém giết nhau bằng những cuộc tranh giành giữa các vùng miền…” K.W. Taylor quay ngược ngọn cờ. Bằng nhiều bài viết mà tập trung là cuốn Có một lịch sử của người Việt Nam (A History of the Vietnamese - 2003) ông đã thể hiện mãnh liệt ý hướng đó.


II. Đánh giá “công trình” của K.W.Taylor.


“Sự nghiệp” Việt học của K.W.Taylor được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu với The Birth of Vietnam. Giống như đứa trẻ “lần giường tập đi”, khi bước vào lĩnh vực mới mẻ, Taylor phải nương vào sách sử Việt Nam từ Đại Việt sử ký toàn thư cho tới thành quả của nền sử học Việt Nam hiện đại. Cuốn sách gần như một bản chuyển ngữ từ cuốn thông sử Việt Nam sang tiếng Anh. “Nó là một kênh truyền tải tiếng nói của các nhận thức lịch sử ở trong nước [Việt Nam] đến với giới học thuật quốc tế thông qua lăng kính khúc xạ mang tên K.W. Taylor.” [Trần Trọng Dương – bài đã dẫn]. Nhiều nhà chép sử người Việt có thể vui mừng vì có một cậu học trò thuộc bài. Ở Việt Nam không ai đánh giá cao cuốn sách này.


Giai đoạn sau với cuốn A History of the Vietnamese (2003). Nhận định về cuốn sách này, Tiến sĩ Trần Trọng Dương viết: “… ông đã tự thanh tẩy toàn bộ/ hoặc phần lớn những tri thức của mình về lịch sử Việt Nam. Taylor đã dành hơn hai chục năm vừa rồi để viết lại những nhận thức KHÁC. Chính vì vậy, trong cuốn sách mới này, ông chỉ dành vỏn vẹn 30 trang, để xóa bỏ hết những gì đã viết trong gần 400 trang của cuốn The Birth of Vietnam.” [TTD-bài đã dẫn]


Và đây là cái KHÁC của tác giả:


“Ông lấy An Dương Vương làm vị vua khởi đầu của lịch sử, và gần như đã không đề cập gì đến những huyền thoại Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân- Âu Cơ (bọc trăm trứng), Sơn Tinh- Thủy Tinh, Tản Viên, Chử Đồng Tử,… nữa. Cả khái niệm “Bách Việt” do người Hán sáng tạo để áp đặt/nô dịch tinh thần những cộng đồng dân cư khác Hán ở Phương Nam, đến đây cũng đã bị loại thải. Cái quan niệm của chủ nghĩa huyết thống tập thể, rằng “tất cả những người có cùng quốc tịch (bất kể thuộc về dân tộc nào) đều là những người cùng huyết thống, là cùng một bọc sinh ra, là đồng bào, anh em cốt nhục”…, đến đây, cũng đã được cho vào quên lãng. Ông viết rằng: “nhu cầu truy tầm nguồn gốc trong quá khứ xa xăm là nỗ lực nhận thức chung của nhiều dân tộc ở mọi thời điểm và mọi không gian… Nhưng nhu cầu bức thiết kết nối với quá khứ đó chỉ là một ham muốn chứng thực tự thân, chứ không phải là nỗ lực học thuật”. Ông cũng nói rõ rằng, những gì mà các sử thần thời Trần và Lê sơ đã làm khi biên soạn những bộ sử đầu tiên của người Việt là cắt dán, lắp ghép các nguồn tư liệu Hán văn cho phù hợp với sự tưởng tượng về quá khứ và tổ tiên của mình, nhằm tạo ra lịch sử của phương Nam trong thế đối chọi với lịch sử của phương Bắc. Sử Tàu dài bao nhiêu sử Việt nhiều từng ấy, họ có gì thì ta có đó. Với cách làm như vậy, phần lớn sử thần Nho gia thời trung đại đã mắc bẫy các sử thần Nho gia Trung Hoa, bằng cách kéo nhập lịch sử Việt Nam “đồng nguyên” [cùng một gốc] với lịch sử Trung Quốc. (TTD-bài đã dẫn)



“Các học giả Việt Nam đã/ đang nỗ lực triển khai dự án để đẩy bản sắc dân tộc trở ngược về quá khứ xa nhất có thể. Trong thời kỳ hiện đại, điều đó đã trở thành phổ thông/ phổ biến với người Việt khi họ xác nhận lịch sử quốc gia kéo dài 4.000 năm, cho đến tận thời điểm mà các niên đại và hiện vật khảo cổ học được tập hợp và phân loại trong nền văn hóa Phùng Nguyên… Nhiều học giả người Việt toan tính vạch đường “chỉ đỏ xuyên suốt” ở lĩnh vực văn hóa, thậm chí cả ở ngôn ngữ – dân tộc, [để chứng minh] sự phát triển nối liền từ thời Phùng Nguyên đến tận Việt Nam hiện đại.” (TTD-bài đã dẫn)


Tới đây, ta hãy thử bàn về những “khám phá” của “nhà Việt học.” Nói nôm na, Việt học là việc nghiên cứu tất cả những gì thuộc về người Việt trong tư cách một dân tộc, một đất nước. Do vậy, vấn đề tiên quyết đặt ra là xác định: người Việt là ai, có cội nguồn từ đâu, qua quá trình lịch sử thế nào để có mặt trên đất nước Việt Nam như ngày hôm nay? Cho đến giữa thế kỷ trước, từ cổ thư Trung Hoa và những khám phá khảo cổ học sơ khởi ở Đông Á, học giả Pháp cho rằng: tổ tiên ngưởi Việt xuất hiện trên đất Trung Hoa từ thế kỷ XI TCN mà hậu duệ là nước Việt của Việt vương Câu Tiễn. Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, một bộ phận người Việt chạy xuống Bắc Việt Nam, trở thành người Việt hôm nay.


Nhưng tới thập niên 1980s, bằng khảo sát hơn trăm cốt sọ tìm được ở Việt Nam và Đông Nam Á cùng với những khám phá khảo cổ học mới nhất, khoa học đã xác nhận: suốt thời đá mới, dân cư trên đất Việt Nam thuộc chủng Australoid nhưng sang thời kỳ kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở nên chủ thể dân cư đất nước này.[1] Như vậy, bằng khảo cổ và cổ nhân chủng học, khoa học khẳng định, người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam định cư trên đất Việt Nam từ hơn 4000 năm trước.


Không chỉ vậy, sang thế kỷ này, nhiều tài liệu di truyền học khám phá rằng: Người tiền sử đặt chân tới Việt Nam từ 70.000 năm trước, sau đó tăng nhân số rồi lan tỏa ra toàn bộ châu Á.[2] Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong các dân cư châu Á.[3]


Như vậy, bằng việc “tra hỏi” các mẩu xương, các hòn đá và cả ADN của người châu Á đang sống hôm nay, khoa học chỉ ra, người Việt là tổ tiên các dân cư châu Á, đất Việt là nơi phát tích của con người châu Á. Người tiền sử đặt chân lên trước hết tới Việt Nam. Sau khi hòa huyết, hòa trộn tiếng nói, người từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Khoảng 7000 năm trước, tại phía nam Hoàng Hà, người Việt Australoid hòa huyết với người Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid) sinh ra người Mongoloid phương Nam, là chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều. Khoảng 5000 năm trước, tại lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử xuất hiện nhà nước sớm nhất của người Việt với vị vua huyền thoại Thần Nông mà kinh đô là Lương Chử. Khoảng 2879 năm TCN, trên đất đai của nhà nước Thần Nông, nhà nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương ra đời. Khoảng năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ mở trận quyết chiến ở Trác Lộc đánh bại liên quân Việt của Lạc Long Quân và Đế Lai. Do bại trận, người Việt chủng Mongoloid phương Nam từ Núi Thái – Sông Nguồn (đồng bằng Trung Nguyên ngày nay) di cư về Việt Nam và Đông Nam Á. Người di cư mang nguồn gen Mongoloid phương Nam hòa huyết với dân Australoid bản địa, làm chuyển hóa đại bộ phận dân cư Đông Nam Á sang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Và đó là người Đông Nam Á hiện đại. Không phải đám trôi sông lạc chợ tụ tập nhau ở đồng bằng sông Hồng vào thiên niên kỷ cuối Trước Công nguyên mà người Việt có mặt ở Việt Nam từ 70.000 năm trước. “Đồng bào”- cùng một bọc – là chữ chính xác nhất và hay nhất để nói về dân cư Việt Nam: Trên đất Việt Nam, từ 2000 năm trước Công nguyên tới nay chỉ duy nhất chủng người Lạc Việt Mongoloid phương Nam với nhiều sắc tộc khác nhau.[4]


Cũng từ chứng cứ không thể phản bác, khoa học chứng minh rằng, phần chủ thể của dân cư Trung Hoa là người Việt. Do vậy, tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Từ những phát hiện khảo cổ học về ký tự ở văn hóa Giả Hồ, Bán Pha, Lương Chử, nhất là phù tự Cảm Tang cuối năm 2011 cùng chữ viết của 340.000 người thiểu số tộc Thủy Quảng Tây và từ chính chữ Trung Hoa cho thấy, người Việt là chủ thể sáng tạo của Giáp cốt văn. Không chỉ vậy, những thành tựu rực rỡ của văn hóa Trung Hoa như kinh Dịch, kinh Thì… cũng là sản phẩm của tộc Việt.[5]


Từ những khám phá mới về lịch sử phương Đông nhìn vào hai cuốn sách của K.W.Taylor ta thấy: The Birth of Vietnam tuy không có bổ sung hay diễn giải mới về sử Việt nhưng là việc làm lương thiện vì có công chuyển ngữ cuốn sử Việt Nam sang tiếng Anh. Trong khi đó A Hystory of the Vietnamese là một sự xuyên tạc thô bạo lịch sử Việt Nam, tạo ra một lịch sử giả tưởng theo chủ quan người viết. Jared Diamond, nhà nhân học hàng đầu nước Mỹ có câu nói đáng suy ngẫm: “Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Tất cả những gì liên quan tới con người mà không được di truyền học kiểm định đều không đáng tin.” Khi viết sử Việt Nam, ông K.W. Taylor chưa thể tiếp cận những tài liệu di truyền học là điều có thể hiểu được vì lúc đó những tài liệu như vậy chưa có. Nhưng việc không biết tới những phát hiện khảo cổ học của Solheim II [6], sách Eden in the East [7] … là điều không thể chấp nhận! Sứ mạng sử gia là đem lại chân lý cho lịch sử. Với cuốn sách sai lạc như vậy, ông không những không góp được gì mà trái lại, làm rối loạn học thuật.


Một câu hỏi cũng cần được đặt ra: vì sao K.W.Taylor được ủng hộ không chỉ ở nước Mỹ mà ngay cả ở Việt Nam? Ở Mỹ, câu chuyện khá đơn giản. Khi giới sử gia già như Wolter khuất bóng thì với The Birth of Vietnam, K.W.Taylor được ngộ nhận trở thành thống soái môn Việt học nước Mỹ. Không ít đệ tử trẻ tuổi cùng xu hướng tư tưởng như ông. Và cũng có sự thực là, chính những lời tán dương của học giả Việt Nam góp phần không nhỏ chắp cánh cho “uy tín” của “nhà Việt học hàng đầu”! Xin dẫn một thí dụ. Đầu năm 2005, sau khi khai quật di chỉ Mán Bạc ở Ninh Bình, Tiến sĩ Marc Oxenham tuyên bố: “Người từ Trung Quốc mang nông nghiệp tới Việt nam.” Bị giới làm sử Việt Nam phản đối, vị học giả của Đại học Canberra phải lên tiếng cải chính. Hẳn sau này ông sẽ viết lách thận trọng hơn. Nhưng với Taylor thì khác. Trong khi cố tình lờ đi, coi như không biết tới bài Tôi đã bắt đầu giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào? Một bài viết với giọng hằn học xúc phạm dân tộc Việt cùng cuộc chiến tranh giải phóng thì người ta dịch rồi in bài Các xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt Nam từ thế kỷ 13 đến 19, một bài viết xuyên tạc trắng trợn lịch sử Việt Nam Trung đại! Nếu các nhà chép sử Việt Nam lên tiếng phản bác một quan điểm như vậy, tình hình sẽ khác đi!


Còn ở Việt Nam, câu trả lời cũng không khó. Do bị hàng ngàn năm chiếm đóng nên lịch sử Việt Nam là những trang vô cùng mong manh với rất nhiều nghi vấn. Vì vậy, từ lâu, người Việt không hài lòng với cuốn sử của mình. Nhu cầu chỉnh sửa là mong ước tự thân. Truyền thuyết một bọc trăm trứng từng được coi là ma trâu thần rắn, nay có người thấy cần thay bằng cái gì đó “biện chứng” hơn, “duy vật” hơn. Và những điều khác nữa… Tuy nhiên, vì lo sợ cho sự an toàn của bản thân, họ đã im lặng. Trong hai năm 1993-1994 sang Việt Nam nghiên cứu trở lại, Taylor là cơ hội bằng vàng để đồng nghiệp Việt Nam chia sẻ với ông tâm tư của họ. Kết quả là một số ý tưởng của học giả Việt Nam chuyển sang cho Taylor để rồi được phát biểu trên đất Mỹ. Cố nhiên, người ta chỉ chờ có thế để tung hô như một sự “phát hiện, sáng tạo”! Ông Nguyên Ngọc đã đánh giá rất đúng: “và có lẽ cả ở sự gắn bó, gần gũi kỳ lạ của ông với giới nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, những chuyển động bên trong nghiên cứu ấy.” Đúng là sự “gắn bó” một đồng một cốt! Những lời như thế không thể là tự có của một nhà văn mà nó tới tai ông từ những “sử gia”. Hãy nghe Giáo sư Lê Văn Lan trong Lời giới thiệu cuốn Nguồn gốc người Việt người Mường của Tạ Đức:


“Tuy nhiên thật mừng là khá lâu rồi, bây giờ mới thấy có người đủ sức, đặc biệt là đủ gan để làm những chuyện này. Cái gan đầu tiên, chính là việc không những chê, mà còn gỡ bỏ, điều mà tác giả gọi là “vòng kim cô” của những học thuyết một thời chính thống về sự phát triển bản địa tuyệt đối (liên quan đến các vấn đề tự lực tự cường, độc lập tự chủ…) của dân tộc, về sự coi nhẹ, thậm chí phủ nhận, các tác động và ảnh hưởng quyết định ngoại lai, đặc biệt là các cuộc và kiểu thiên di (liên quan đến sự nghiệp chống ngoại xâm, chống can thiệp từ bên ngoài…) của lịch sử”.


“Nhưng rồi qua từng trang, từng mục, đọc rất hấp dẫn, thấy tác giả, khi nói ra những điều này, là nói với cái gan dạ từ một tinh thần khoa học thực sự cầu thị, từ một ý chí và tấm lòng kiên định, nhiệt thành vì sự phát triển-đổi mới của khoa học lịch sử; và nhất là cái hệ thống mà Tạ Đức xây dựng nên ở đây, là sản phẩm của một qúa trình tìm tòi, khám phá, đặc biệt là tổng hợp, công phu, rộng lớn và có phương pháp; đồng thời thăng (cân) bằng rành rẽ trên nền của bước phát triển khoa học và công nghệ thông tin hiện đại.”


Xu hướng đòi viết lại lịch sử Việt Nam là có thực. Nhưng một nguyên nhân quan trọng là nhà chép sử của chúng ta, do tri thức lịch sử hạn hẹp, lại thiếu một bản lĩnh văn hóa nên không thấu hiểu bản chất của một dân tộc có lịch sử lâu dài, thống nhất. Họ trông gà hóa cuốc rồi phủ định giá trị sâu bền nhất của lịch sử dân tộc. Do những áp lực nội tại, họ không dám nói thẳng suy nghĩ của mình nhưng đã truyền cho những người như Taylor. Với thói quen nô lệ vọng ngoại, người ta nống một cậu học trò làm thầy, đem đặt lên bệ thờ để mượn tay thầy đập phá bát hương trong ngôi đền thiêng dân tộc! Tác hại nhỡn tiền là sinh ra đám con nhang đệ tử trẻ người non dạ, ăn theo nói leo kiểu Tiến sĩ Trần Trọng Dương cùng luận thuyết “Kinh Dương Vương là sản phẩm của văn hóa Tàu”! Điều xót xa là, trong khi cay độc vùi dập dân tộc Việt thì ông K.W.Taylor không ngờ rằng, 40.000 năm trước, có một dòng con cháu người Lạc Việt từ Đông Á, qua Trung Á tới Nam Âu. Tại đây, họ lai giống với người Europid vừa từ Trung Đông lên, sinh ra người Eurasian da sậm màu, là tổ tiên của người châu Âu. Vì vậy, trong dòng máu Anglo Saxon ông Taylor đang mang, chắc là có một phần máu Việt. Ngay cả những tiếng mẹ đẻ thông dụng nhất ông dùng như Water, sand, people cũng là từ gốc Việt: nước, sạn, bầu bí! Sau này, nếu con cháu ông K.W.Taylor có tâm và hiểu biết, hẳn sẽ hành hương về Việt Nam, tới Núi Đọ bái kính nơi phát tích của tổ tiên!


Cuốn sách của Taylor in năm 2003 nay đã lạc hậu, không nói làm gì. Chỉ nực cười là, cho tới năm 2015 này, thông tin về cội nguồn đích thực của tộc Việt tràn trên mạng thì xảy ra chuyện, tại một nơi rất sang trọng, có những người rất quan trọng, làm cái việc rất long trọng là đội vương miện cho cái xác chết!


III. Kết luận


Suốt thế kỷ XX, bằng tất cả những phương cách sáng tạo được như khảo cổ học, cổ nhân học, văn hóa học, ngôn ngữ so sánh… khoa học cũng không thể giải quyết vấn đề căn cốt nhất: Tổ tiên người Việt là ai? Từ đâu ra? Trải quá trình lịch sử như thế nào để có diện mạo như hôm nay? Vì vậy, cuốn sử Việt Nam có nhiều bất cập. Viết lại lịch sử là nhu cầu bức thiết. Từ thập niên 1970 xuất hiện những nhà duy sử với ý tưởng xóa bỏ truyền thuyết huyền thoại để xác lập một lịch sử duy vật như bản thân nó có, dựa vào cổ thư Trung Hoa cùng những tài liệu khảo cổ thời Đông Sơn. Là người nắm bắt ý hướng này, K.W. Taylor đã đẩy tới cực đoan, biến tác phẩm của ông trở thành tài liệu không chỉ xuyên tạc, bóp méo lịch sử Việt Nam mà còn xúc phạm dân tộc Việt. Có những người ủng hộ “sử gia” này. Nhưng theo tôi, đại đa số người dân Việt Nam không đồng tình. Dù không giải thích được nhưng trong tâm cảm, người Việt vẫn ngưỡng vọng về Kinh Dương Vương, về Lạc Long Quân, về nơi phát tích của tổ tiên Núi Thái Sông Nguồn…


Những khám phá của công nghệ di truyền thập niên đầu thế kỷ chứng tỏ niềm tin dai dẳng của người Việt là đúng. Và cuốn sử Việt Nam đang được viết lại. Nhưng không phải như K.W.Taylor và môn đồ của ông tưởng tượng. Không chỉ là lịch sử 4000 năm mà tộc Việt có tới 70.000 năm sống, sinh ra toàn bộ dân cư châu Á và sáng tạo nền văn hóa phương Đông rực rỡ.


Sài Gòn, Hè 2015


Tài liệu tham khảo:


1 Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. (NXB DH&THCN, H. 1983)


2. J.Y. Chu et al: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 N. 95 tr. 11763-11768.


3. S.W. Ballinger et al: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. (Genetic 1992 N.130 Tr.139-45)


4. Hà Văn Thùy. Tiến trình lịch sử văn hóa Việt.


http://www.amazon.com/Tien-Trinh-Lich-Vietnamese-Edition/dp/1502407043/ref=pd_sim_b_1?ie=UTF8&refRID=0166EHCRB7JE84435N41


5. Hà Văn Thùy. Viết lại lịch sử Trung Hoa


http://www.amazon.com/Viet-Lai-Lich-Trung-Vietnamese/dp/1500462675/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1407022568&sr=1-1&keywords=ha+van+thuy


6. W. G. Solheim II. Ph. D: New light on Forgotten Past. National


Geographic Vol 1339 n.3 Mar. 1971.


7. Stephen Oppenheimer: Eden in the East : the Drowned Continent of Southeast Asia – Phoenix London 1998


*(http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=8708)