Hà Văn Thùy: Sách Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử

20 Tháng Tám 20177:12 CH(Xem: 8411)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ  HAI  21  AUGUST  2017


Sách Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử


Nguyễn Khắc Mai | Thứ Sáu, 18/08/2017 10:44 GMT +7


 Văn hiến Việt Nam


NHÀ TRIỆU - MẤY VẤN ĐỀ LỊCH SỬ.


Đó là công trình của nhóm tác giả là những nhà nghiên cứu khoa học chuyên ngành, đã đồng thuận một nhận thức: NHÀ TRIỆU CÓ VAI TRÒ ĐẶC BIỆT TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM.


Từ khi Triệu Đà xưng đế chống lại nhà Tần, lập quốc với danh xưng Nam Việt, phân rã bờ cõi một vùng từ “nam Ngũ Lĩnh…đến Cửu Chân, Hoan Ái”, là sự mở đầu cho một thực thể mới, Việt tộc lập quốc, xưng đế, để rồi, các triều đại phong kiến Việt đời nối đời, họ nối họ “hùng cứ một phương”sánh cùng các thế lực phong kiến phương Bắc.


image015



Cảm hứng lịch sử lớn lao mà Triệu Đà để lại, như một tài sản tinh thần vô giá, một giá trị minh triết muôn đời, con cháu từ đó về sau không thể quên, không thể dửng dưng, không thể coi Triệu Đà như một bóng dáng lịch sử xa xôi, dường như chẳng có gì liên quan đến hôm nay. Đó là:


1. Tổ chức một Nhà Nước, một Quốc gia của Việt tộc, có quốc thống mới. Với “Quốc danh Nam Việt”, chỉ riêng điều đó, vị “Man di đại lão phu” như lời tự xưng của Triệu Đà trong thư gửi Hán Văn đế, đã khẳng định sự tiếp nối chính danh, chính thống, từ các vua Hùng (vua Lạc), từ Văn Lang, nghĩa là đất nước của những con người có văn hiến. (Văn, là văn hiến, Lang là con người - chàng trai, chứ không phải chỉ là những con người vẽ (xăm) - văn thân). Trả lại cho dân tộc một danh xưng, rồi để trở thành lịch sử, trở thành “Văn hiến chi bang”, là công lao của Triệu Đà. Rồi đó mãi mãi về sau, danh xưng Nam Việt (南越) với cách viết chữ Việt (越) có bộ tẩu (走), nghĩa là vươn lên, siêu việt lên thành Đại Cồ Việt, có nghĩa là một nước Việt vĩ đại, vừa Đại = to lớn vừa Cồ = lớn lao, một mong ước vượt gộp, để có thể sánh vai với Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Đừng chê người xưa thích dùng chữ “đao to búa lớn, mộng mơ hão huyền”. Hãy chú ý nhiều vào tiêu điểm tâm thức, như một bản năng sinh tồn của dân tộc, phải nhanh chóng “siêu việt” vượt lên chính mình, vượt lên thời gian chạy đua với thời gian, thách thức với một sự thật lịch sử trớ trêu: Sự bành trướng bá quyền Đại Hán đã và đang tiếp nối từ ngàn xưa! Nếu hiểu tâm thức lịch sử được mã hóa trong truyền thuyết Thánh Gióng,phải lớn gấp, chúng ta sẽ cảm nhận được cái tâm thức của dân tộc mong ước kép, vừa Đại vừa Cồ.


Kể từ Triệu Đà,với danh xưng Nam Việt, để rồi là Đại Việt, Việt Nam, lúc nào cũng là Đất nước của người Việt, của Việt tộc, nối tiếp truyền thống Bách Việt từ xa xưa, khác với Trung Quốc xưa, nước chỉ là của một họ - Hán, Đường, Tống, …


2. Lập một triều đình, một nhà nước, mà bờ cõi, dẫu về sau đã bị đánh cướp, đánh cắp, vẫn còn từ châu Lạng đến Thanh Nghệ. Tạo ra một thựcthể quốc gia, mô phỏng cái hình thức nhà nước phong kiến tập quyền thời đó, chia quận, huyện để cai trị, một xu thế mới để cố kết dân tộc dần thành quốc gia, để lại cho con cháu một vùng lãnh thổ, mà Hán Văn đế phải thừa nhận trong lá thư dụ dỗ Triệu Đà, “cõi đất từ Ngũ Lĩnh về nam, vương cứ việc trị lấy”. Để rồi, hơn trăm năm sau Trưng vương đã khởi binh chiếm lại 65 thành, cho “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Rồi tiếp theo, Lý Nam đế lập nhà nước Vạn Xuân. Rồi Đại Cồ Việt, Đại Việt, cho đến Việt Nam.


3.Tạo lập một minh triết giữ nước, giữ lấy độc lập, chủ quyền cho muôn đời, Triệu Đà đã xưng là Triệu Vũ Đế. Dẫu khi nhà Hán sai Lục Giả rồi nhiều tướng lĩnh khác sang dụ dỗ, o ép, thực hiện cả mưu lược “tiền lễ hậu binh”, buộc bỏ đế hiệu, nhưng trước sau Triệu Đà vẫn giữ thế “Nội đế, ngoại vương” (bên trong vẫn xưng đế, đối ngoại, xưng vương), để rồi từ đó đã trở thành một triết lý đối ngoại của các triều đại nước ta.


Đế là ngôi vị quốc chủ của một nhà nước độc lập, tự lập, tự cường. Tinh thần “Đế” là tinh thần độc lập. Cho nên đời Lý “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”, mới gọi là tuyên ngôn Độc lập của nhà nước Đại Việt, để rồi mấy trăm năm sau Nguyễn Trãi lại bố cáo: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước / Cùng Hán Đường, Tống, Nguyên các đế nhất phương”. “Các đế nhất phương” nghĩa là ai làm chủ nước nấy. Sau nhà Triệu, các đời của vua Việt từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, kể cả Hồ, Mạc, cho đến Tây Sơn, đến Nguyễn đều nối đời giữ ngôi đế ở nước ta.


Cho nên đời Trần đã có sắc phong cho ngài hiệu là: “Khai Thiên Thể Đạo Thánh Triết Hoàng Đế”. Vị Hoàng đế vừa thánh, vừa triết (có công) mở nước, đem đạo ra “thể hiện”, thực hành . Công khai thiên - mở nước, cố nhiên là rất to. Nhưng “thể đạo”- thể hiện (lập) đạo, người xưa coi là lập đức - để lại cái đức lâu dài cho con người, xã hội và đất nước. Vậy cái đạo này là gì ? Các vua Trần thật sự sâu sắc khi chọn chữ phong cho ngài như vậy - Một người, mở ra cho dân tộc, cho đất nước một minh triết làm nền cho trật tự, kỷ cương và đạo đức xã hội, mà cốt lõi của cái đạo ấy, chính là tinh thần độc lập tự cường của dân tộc. Đây là một giá trị vĩnh hằng của nhân loại, khiến cho ngày nay, dẫu có ở vào đầu thế kỷ XXI, với xu hướng toàn cầu hóa, người ta vẫn phải trở về với tinh thần quốc gia dân tộc với phần nào khuynh hướng dân túy.


Trong nhiều đền thờ ngài ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, như tại Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên, hay đền Đồng Sâm, huyện Kiến Xương, Thái Bình vẫn lưu truyền những bức hoành phi tôn xưng ngài là  Nam Thiên thủy đế, hay Nam Bang thủy đế, nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên của nước Nam.


Ngôi đế của cõi đất trời Nam Việt mở đầu từ đức vua Triệu Đà là một minh triết của ý thức độc lập, tự cường của con dân đất Việt. Thật ra trong huyền sử Việt tộc đã từng có những vị đế, như Đế Cốc, Đế Du Võng, Đế Minh, Đế Lai, Đế Nghi… Họ đều dùng danh xưng đặc biệt là theo ngữ pháp Việt tộc! Không nói ngược như “tiếng Tàu.”


 4. Các dấu tích từ thư tịch cổ, nhất là từ khảo cổ học, chứng minh rất rõ về trình độ văn hóa và văn minh của triều đình và cư dân nước Nam Việt cổ, là khá cao. Họ đã dùng văn tự chữ vuông, sản xuất và dùng nhiều đồ đồng, đồ sắt. Những di vật tìm thấy trong ngôi mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Châu, chứng tỏ:


a/ Rất nhiều văn vật của văn hóa Đông Sơn, như là một minh chứng cho “bản lai diện mục” của Việt tộc. 


 b/ Sự giao thương rộng mở vì đã thấy có những vật phẩm từ Trung cận đông.


c/Trình độ chế tác ngọc, đồng thau…đều rất tinh xảo. Nếu không có sự giàu có trong dân, triều đình và nhà vua dẫu xa xỉ, cũng không thể có những phẩm vật sang trọng tinh xảo như vậy.


 5. Nhà Triệu, đặc biệt là Triệu Đà đã được ghi nhận trong chính sử Việt Nam, nhất là các triều đại của thời kỳ độc lập từ nhà Đinh về sau. Các sử gia chính thống đã có những bình luận trong chính sử, ghi nhận hai công đức lớn của Triệu Đà, lập công thì mở nước, lập đức thì thể hiện đạo lý lớn của dân tộc, phải độc lập, tự lực, tự cường.


Trong dân gian, tâm lý ấy càng trở nên sâu thẳm, người dân Việt đời đời nhớ ơn ngài, ở khắp vùng Bắc Bộ, nhiều nơi có đền thờ ngài, thân mẫu ngài và cả vị phu nhân họ Trịnh. Thừa tướng Lữ Gia, một công thần trung nghĩa của dân tộc và họ Triệu cũng được thờ ở nhiều nơi trong địa bàn cư trú của người Việt.


Rõ ràng đã có một sự đồng tâm nhất trí giữa triều đình và dân chúng trong nhận thức, đánh giá về nhà Triệu, đặc biệt là với vua Triệu Đà.


Tuy nhiên, vào thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ, trong cái nhìn cho rằng biên giới của quốc gia Đại Việt là từ châu Lạng trở về Nam, ở đó có Loa Thành của An Dương Vương, có đền Cuông thờ vua Thục Phán nơi châu Hoan (nay thuộc tỉnh Nghệ An), có truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, có thể cùng với tâm thức Tống Nho đã định hình thành khuôn mẫu tư duy, hễ ai dùng mưu trí trá cướp ngôi người khác đều là tà ngụy, ông không thể chấp nhận được cái nước Nam Việt, dù là của Việt Tộc (mà có thể ông không bao giờ nghĩ tới), lại ở ngoài tầm xa lắc xa lơ là của mình. Ông đặt lại vấn đề Triệu Đà với rất nhiều lý lẽ, thực sự là rất khiên cưỡng, nhất là lúc đó ông chi suy đoán mà chưa có nhiều sách vở tư liệu, những xác minh từ khảo cổ học đặc biệt là thuyết sự hình thành chủng tộc từ AND như ngày nay.


Vào cuối thế kỷ XX, với những người áp dụng phương pháp luận duy vật máy móc, lại gặp khi chưa có những chứng cứ xác thực từ khảo cổ học, từ những lý thuyết mới về nhân học, đặc biệt từ những nghiên cứu đầy đủ hơn về Bách Việt, Lạc Việt, về bề dầy của cơ tầng văn hóa rất phong phú, đa dạng và phẩm chất của văn hóa và văn minh Tộc Việt, nhà sử học Đào Duy Anh và một số đệ tử của ông đã gạt nhà Triệu ra khỏi lịch sử dựng nước của người Việt. Khiên cưỡng và thô bạo đến mức người được giao trách nhiệm soạn sách giáo khoa, làm tuyển tập thơ văn, làm toàn tập tác gia dám liều lĩnh sửa lại Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1380 - 1442); thậm chí đục bỏ cả câu lục bát của Hồ Chí Minh ca ngợi Nhà Triêụ. Và điều ấy khiến người ta không thể không liên tưởng đến một trào lưu tư tưởng tả khuynh, cực đoan đã từng lưu hành ở Liên Xô, ở Trung Hoa… được gọi là “prolekult”(văn hóa vô sản), từng chi phối và để lại nhiều di họa không chỉ trong sử học.


Có một câu hỏi rất tế nhị cần đặt ra là tại sao triều đình và dân gian, từ nhà Đinh nhất là đời Trần rất đề cao Triệu Đà. Triều đình thì không coi cái người đẻ ra từ một nơi trên “Bắc quốc” là dị tộc, còn trong dân thì nhất quyết “bản địa hóa” vua Triệu Đà với một giòng họ, một tuổi thơ, một gia đình có cội nguồn gốc gác, theo thế thứ của Vua Hùng. Một phong cách riêng – rất riêng, đậm nét phong cách Việt, thuần Việt, lại nói ra một cách  kiêu hãnh, tự hào, của Triệu Đà với vua Hán và sứ thần nhà Hán càng làm cho Ông mãi mãi là Con Người bản địa đất Nam Việt. Vì thế, thái độ hành xử, chính sách giáo dục của triều đình và dân gian từ nghìn xưa luôn khẳng định vị trí anh linh của Triệu Đà, chấp nhận ngài, tôn vinh ngài, luôn luôn tâm niệm ngài chính là vị vua khởi thủy của người Việt, là “thủy đế” nước Nam Việt, là một thực thể hiện hữu bằng xương máu của Việt tộc. Điều quan trọng hơn hết là điều đó liên tục tạo ra sức mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc, sự khẳng định bản lĩnh Bách Việt, Nam Việt, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam trong giòng lịch sử. Đừng biến mình thành kẻ “trứng khôn hơn vịt”, đã không hiểu ý tứ sâu xa của tiền nhân, lại cố ý trở thành kẻ vong ân bộinghĩa!


6. Triều đình nhà Triệu - sau Triệu Đà, rõ ràng là đã chia thành hai phe. Phe thân Hán với Cù Hậu, Ai Vương - những người từng được nuôi dưỡng ở triều đình Hán, có cả một tên sứ thần nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý, vốn là người tình cũ của Cù Hậu cùng là đồng bọn. Phe chống “nội thuộc”, phản đối việc sáp nhập Nam Việt vào nhà Hán - đứng đầu là Lữ Gia, một vị thừa tướng trung nghĩa, được nhân dân kính cẩn tôn vinh là vị thần ái quốc của Nam Việt.


Nhà Hán cho An Quốc và bọn Chung Quân, Ngụy Thần làm sứ giả, vừa để dụ dỗ Cù Hậu, vừa bày mưu tính kế, chia rẽ triều đình, đồng thời làm tai mắt cho quân của Lộ Bác Đức đang áp sát biên giới. Lữ Gia chẳng còn cách nào khác bèn tập họp binh tướng chống lại. Nhưng thế nước đã suy yếu, triều đình lại chia rẽ…Nhà nước Nam Việt mất, để lại bài học đắt giá cho muôn đời về tổ chức triều đình thế nào, xây dụng nội lực thế nào cho luôn đủ sức mạnh tự vệ trong mối quan hệ với “Bắc quốc”.


7. Như vậy, chúng tôi dã cố gắng nắm bắt những ý chính, những lập luận, kiến giải, và trên hết là những tình cảm thiêng liêng của các tác giả dành cho linh vị cao quý đối với vua Triệu Vũ Đế, làm nên sưu tập chuyên đề Nhà Triệu – Mấy vấn đề lịch sử.


Từ hai nguồn thư tịch cổ Việt Nam, Trung Hoa, từ những kết quả nghiên cứu khảo cổ học, từ truyền thuyết dân gian, từ những nghiên cứu của nhiều tác giả phương Tây, các tác giả đã đem đến cho chúng ta một nguồn ánh sáng, soi rọi vào một thời kỳ lịch sử vừa trầm hùng, vừa bi tráng.


 Chúng tôi cho rằng nghiên cứu một thời kỳ lịch sử, một nhân vật lịch sử, không được quên (hơn nữa có trường hợp còn xem nhẹ và kỳ thị) văn hóa dân gian. Vì thế chúng tôi cũng giới thiệu trong sách này một số bài viết từ truyền thuyết dân gian của một vùng có cái tên rất đặc biệt, vùng Sốm, kẻ Sốm hay Sấm để rồi mang cái tên rất chữ nghĩa vùng Cổ Lôi, Thanh Oai, Hà Đông cũ. Những bài biên khảo thần tích, lẽ hội, kết hợp giới thiệu những ngôi đền thờ: Triệu Đà, phu nhân, thân mẫu và tướng Lữ Gia. Những đền miếu ấy trải rộng trên khắp một vùng rộng lớn của trung châu Bắc bộ, từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, chứng tỏ trong tâm thức của cộng đồng cư dân Việt từ ngàn đời, vẫn hằng ghi nhớ cái dấu ấn về một thời kỳ lịch sử, những anh hùng của dân tộc thời mở đầu nhà nước sơ khai Nam Việt, đã in sâu trong tâm trí mọi thế hệ người Việt. Nếu bỏ quên những sự tích, truyền thuyết về Triệu Đà và nhà Triệu, đồng nghĩa là chúng ta đánh mất hồn cốt sâu sắc nhất của sử ý, sử tình, làm sao hiểu, cảm nhận lịch sử .


Toàn bộ nội dung Nhà Triệu – Mấy vấn đề lịch sử, nhằm bàn luận trước một số vấn đề, tháo gỡ những khúc mắc đã tồn tại từ lâu, dẫn đến những cách nhận định khác nhau đã xảy ra. Hơn nữa, việc nghiên cứu kỹ hơn vai trò của Triệu Đà và kỷ nhà Triệu, không chỉ để trả lại sự công bằng lịch sử, mà còn là hành động thiết thực, cụ thể tôn vinh anh linh các bậc anh hùng tiền bối của cả dân tộc, để con cháu đời đời nhớ ơn và thờ phụng.


Hy vọng rằng sự quan tâm của các nhà khoa học trong những ngành nghiên cứu cổ học, Việt Nam học, của con cháu họ Triệu, và tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề nguồn cội và sử học nước nhà, sẽ tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn và đặc biệt là chỉ bảo cho chúng tôi những khiếm khuyết .


Chúng tôi đánh giá cao và cảm ơn các tác giả, cảm ơn nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đã hợp tác và dầy công biên tập để cuốn sách được phát hành. Nhưng xin cảm ơn bội phần độc giả đang đọc quyển sách này./


Hà Văn Thùy


(*) lời Hồ Chí Minh.
07 Tháng Sáu 2018(Xem: 9636)
Nhìn lại vụ cho thuê đất 99 năm