Tự thiêu vì đất đai ở Hà Nội

05 Tháng Bảy 20186:59 CH(Xem: 8234)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ SÁU O6 JULY 2018


Tự thiêu vì đất đai ở Hà Nội


BBC 04/7/2018


image018Bản quyền hình ảnh Bui Huu Le Image caption Bản viết tay trình bày sự việc của con ông Tuân


Con trai và luật sư của cựu cán bộ thôn tự thiêu ở Hà Nội chia sẻ chi tiết và cảm nhận về hoàn cảnh người đàn ông quyết định kết liễu đời mình.


"Bố tôi có lẽ quẫn trí sau thời gian đi cầu cứu khắp nơi mà không ai nghe," anh Bùi Hữu Lê nói với BBC qua điện thoại từ Viện Bỏng Quốc Gia tại Hà Nội.


Lẽ ra 3/7 là ngày ông Bùi Hữu Tuân phải trình diện công an địa phương để chấp hành án tù ba năm liên quan đến vi phạm về đất đai.


Nhưng nay ông nằm trên giường bệnh, toàn thân quấn băng trắng do bỏng nặng, với 'tiên lượng rất xấu'.


Phó giám đốc Công an TP Hà Nội - Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - xác nhận với phóng viên trong nước hôm 3/7 vụ ông Tuân tự thiêu.


Ông Tùng cho hay sáng 2/7 ông Tuân đến trụ sở tiếp công dân Trung ương gửi đơn khiếu nại và yêu cầu giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm do Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử ông, đồng thời đề nghị hoãn thi hành án.


Sau khi được cán bộ Thường trực Ban dân nguyên Quốc hội tiếp, ông Tuân ra về, sau đó quay lại "dùng một chai nhựa đựng xăng (dung tích 0,5 lít) đổ vào người và châm lửa tự thiêu ngay tại cổng trụ sở," ông Tùng nói.


Phản đối bằng tự thiêu


image017

Bản quyền hình ảnh Trinh Ba Phuong Image caption Ông Tuân tại Viện Bỏng Quốc gia ngày 12/7/2018


Anh Lê cho BBC hay bố anh 'chọn cái chết để chứng minh mình trong sạch' sau thời gian kêu oan 'không ai nghe'.


Câu chuyện của ông Tuân liên quan đến đất đai - vấn đề luôn nóng ở Việt Nam.


Khoảng năm 2014, ông Tuân, nguyên trưởng thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, bị một số người kiện vì tham gia bán đất của xã cho dân để thu tiền trái pháp luật.


Tòa cho rằng hơn 1.000 m2 đất của nhà nước đã bị thất thoát trong vụ việc này.


Trong khi đó, ông Tuân khẳng định đất cấp cho các hộ dân có nguyện vọng sử dụng để xây mổ mả tổ tiên, được chính quyền xã chấp thuận. Ông chỉ làm nhiệm vụ của một trưởng thôn, chuyển đơn thư của bà con lên xã.


"Bố tôi cũng đã nhiều lần họp ở thôn với bà con và các các bộ xã về việc này," anh Lê cho hay.


Sau đó ông Tuân cùng cán bộ địa chính xã đi đo đạc, giao đất cho người dân, thu lệ phí. Tất cả những việc này ông Tuân khẳng định làm theo chỉ đạo của xã, có giấy tờ đóng dấu đỏ.


Nhưng khi việc kiện tụng xảy ra, chỉ có ông Tuân cùng hai phó thôn phải ra tòa với tội danh "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng".


Tại phiên sơ thẩm tháng 11/2017, ông Tuân bị tòa tuyên năm năm tù.


Đến phiên phúc thẩm tháng 4/2018, tòa giảm án cho ông còn ba năm tù.


Mới đây, 22/6, ông Tuân nhận lệnh của Tòa án Nhân dân huyện Chương Mỹ đến trình diện công an địa phương để thi hành án tù từ 3/7.


Nhưng đến 2/7, ông Tuân quyết định tự thiêu.


"Tôi từng giúp bố photo nhiều tài liệu, ghi âm các cuộc đối thoại của bố với cán bộ xã, gửi đi nhiều nơi. Nhưng không ai lên tiếng." "Trước khi tự thiêu, bố tôi có gọi điện về nói bố đi tù rồi con ở nhà phải chứng minh được là bố vô tội," anh Lê nói với BBC.


'Nhiều tình tiết phức tạp'


image019

Bản quyền hình ảnh In Pictures Ltd./Corbis via Getty Images Image caption 'Đừng đẩy dân vào đường cùng' (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)


Luật sư Nguyễn Viết Đức, người bào chữa chính cho ông Tuân và hai phó thôn trong phiên sơ thẩm tháng 11/2017, nói với BBC hôm 3/7 rằng đây là một sự việc có nhiều tình tiết phức tạp.


"Bản thân ông Tuân cho rằng mức án quá nặng, rằng ông không có hành vi vụ lợi cá nhân. Rằng ông là trưởng thôn, mọi việc ông làm là 'vì dân', và đều làm theo chỉ đạo của Đảng ủy, ủy ban xã, có giấy tờ đóng dấu đỏ của xã."


"Ông cũng cho rằng lời khai của nhân chứng có nhiều cái trái ngược nhưng cơ quan tố tụng chưa làm rõ."


"Về bản chất, đất đó thực chất là từ thời xưa, nơi người ta đào gạch. Đó là các khe, kẹt, gần nghĩa trang. Nhưng cơ quan điều tra lại cho là hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp của nhà nước 'bị thất thoát', và đây là căn cứ để xác định tội. Thực ra cũng không xác định được 1.000m2 đất đó ở ô nào, thửa nào, dựa trên bản đồ nào. Hiện trạng bây giờ khi xuống thực địa thì thấy người ta thực chất đã dùng đất này để an táng mổ mả," luật sư Đức nói.


"Ông Tuân tin mình bị oan ức, nên làm đơn gửi khắp nơi, nhưng chưa có cơ quan nào xem xét đến."


"Ở góc độ luật sư, tôi nhận định rằng mức độ hành vi của bị cáo Tuân không phải hành vi nguy hiểm đến mức buộc phải cách ly khỏi đời sống xã hội bằng cách cho ông đi tù."


"Hơn nữa, hoàn cảnh của ông Tuân rất thương tâm. Hai vợ chồng già sống với người con bị tâm thần trong một lều trông cá ngoài đồng. Ông Tuân là lao động chính của gia đình."


Luật sư Đức cũng cho hay có trong tay đầy đủ các chứng cứ để hỗ trợ ông Tuân, nhưng quyết định có tội hay vô tội, mức án bao nhiêu thuộc về tòa án và ông từ chối bình luận bản án đúng hay sai.


Tuy nhiên ông Đức cho rằng trong trường hợp ông Tuân, tòa án có thể ứng xử khác, 'có tình hơn'.


"Theo quy định của pháp luật, 27/6 mới là ngày ông Tuân và hai bị cáo còn lại chính thức nhận bản án phúc thẩm bằng văn bản thì ngày 22/6 tòa án nhân dân huyện Chương Mỹ đã ra ngay lệnh tống đạt buộc ông phải đi tù ngay."


"Tòa hòa toàn có thể cho ông Tuân thêm thời gian để ông tìm đến các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để khiếu nại, xin xem xét vụ việc của mình."


"Ông Tuân, có lẽ đã quá uất ức vì điều đó mà quyết định tự thiêu."


"Tôi không hiểu đằng sau quyết định tống đạt này ẩn chứa điều gì. Nhưng xét về mặt con người, không nên đẩy họ đến bước đường cùng."


Liên quan đến vụ tự thiêu của ông Tuân, tờ Kinh tế Đô thị dẫn lời Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình hôm 2/7 "yêu cầu Bộ Công an làm rõ vụ việc," luật sư từ Hà Nội nói với BBC.


Chỉ còn cách chết?


image020

Bản quyền hình ảnh Trinh Ba Phuong Image caption Một vụ cưỡng chế đất ở Dương Nội, Hà Nội năm 2016


Tự thiêu để phản đối án hoặc các lệnh cưỡng chế oan sai dường như không mới tại Việt Nam.


Hồi tháng 4/2018, một phụ nữ ở Bình Định tự thiêu để phản đối lệnh cưỡng chế nhà, theo Dân Trí.


Ngày 31/1/2015, bà Nguyễn Minh Tân ở thôn Phú Trung, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam tự thiêu để phản đối chủ trương của địa phương di dời tiểu thương từ chợ cũ sang chợ mới, theo Zing.


Ngày 1/4/2015, bà Nguyễn Thị Hồng Lương ở phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội, tự thiêu cũng liên quan đến khiếu kiện đất đai, theo trang Vietnamnet.