Phật Hoàng Trần Nhân Tông

11 Tháng Mười Hai 201810:38 CH(Xem: 8450)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN   - THỨ TƯ 12 DEC 2018


Phật Hoàng Trần Nhân Tông


image038


09/12/201800


image040

Phan Tấn Hải

 
Việt Nam có một vị Phật... Đó là lời tôn vinh của nhiều thế hệ Phật giáo VN đối với Vua Trần Nhân Tông. Và những ngày cuối tuần này có nhiều buổi lễ tưởng niệm và vinh danh ngài.

Theo Bách khoa toàn thư mở ngài Trần Nhân Tông sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258, và từ trần ngày 16 tháng 12 năm 1308.

Ngài có tên khai sinh Trần Khâm, là vị hoàng đế thứ ba của hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng từ năm 1293 cho đến khi qua đời. Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị vua anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng cương thổ đất nước. Ngoài ra, ông cũng là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại.

Là con trai trưởng của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã được truyền ngôi vào tháng 11 năm 1278 – lúc ông chưa đầy 20 tuổi. Vị hoàng đế trẻ sớm phải đương đầu với hiểm họa xâm lược từ đế quốc Mông-Nguyên hùng mạnh ở phương Bắc. Do vậy, ngay sau khi lên ngôi Trần Nhân Tông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức mạnh kinh tế và ổn định chính trị – xã hội của Đại Việt, đồng thời xây dựng quan hệ tích cực với nước láng giềng phía nam là Chiêm Thành. Năm 1285, hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt huy động một lực lượng lớn (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư là 50 vạn người) tấn công Đại Việt.

Quân dân Đại Việt ban đầu gặp nhiều tổn thất; nhưng dưới sự chỉ huy của vua Nhân Tông, thượng hoàng Thánh Tông và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, người Việt đã dần dần xoay chuyền tình thế và đánh bật quân Nguyên về nước. Sau đó, 2 vua Trần và Hưng Đạo vương tiếp tục lãnh đạo dân Việt đánh bại một cuộc xâm lược khác của Mông–Nguyên vào năm 1287.

Sau khi đẩy lùi các cuộc xâm lược của người Mông, Trần Nhân Tông đã khôi phục được sự hưng thịnh của Đại Việt, đồng thời thực thi phương sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn với nhà Nguyên. Năm 1293, ông truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên làm Thái thượng hoàng. Sau đó Nhân Tông xuất gia tu hành theo đạo Phật và lấy hiệu Trúc Lâm đại sĩ; nhưng ông vẫn tham gia điều hành chính sự, đánh dẹp quân Ai Lao xâm phạm biên giới và mở rộng bờ cõi về phương Nam bằng phương pháp ngoại giao. Trần Nhân Tông cũng chính là vị tổ sáng lập của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tinh thần nhập thế.

Có gì khác trong Phật Giáo nhà Trần với Phật Giáo từ Trung Hoa?

Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát, có nhiều khác biệt...

Trong tác phẩm có nhan đề “Trần Nhân Tông: Con Người và Tác Phẩm” ấn hành do nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh  năm 1999, nơi Chương IX (Vua Trần Nhân Tông Với Thiền Phái Trúc Lâm) phân tích những dị biệt với PG Trung Hoa.

Đặc biệt là, vừa tu vừa theo dõi và can thiệp chuyện thế gian.

Trong Chương IX, phân tích của GS Lê Mạnh Thát như sau:

“...Người ta cứ quan niệm vua xuất gia đi tu là rũ bỏ hết mọi việc liên quan với đời, để dồn tâm dồn sức cho việc tu đạo. Nếu vậy, thì làm gì có chuyện gả công chúa Huyền Trân và sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào bản đồ Đại Việt? Nếu vậy, thì làm gì có việc vua Trần Nhân Tông đã ngăn việc phong tước quá nhiều của vua Trần Anh Tông? Nhìn vào cuộc đời vua Trần Nhân Tông trong những năm tháng xuất gia, chưa bao giờ ta thấy nhà vua lơi là việc nước việc dân, chưa bao giờ nhà vua không quan tâm đến các hoạt động của chính quyền do con mình là vua Anh Tông điều khiển.

Tuy nhiên, từ lâu trong giới xuất gia của Phật giáo đã hình thành một quan niệm là khi vua Trần Nhân Tông xuất gia cũng là lúc nhà vua “bỏ ngôi báu, vào cửa thiền, quên mình vì đạo, vừa khi cơ thiền đáp ứng, thì quả nhiên gương sáng chẳng nhọc”, như Diệu Trạm đã viết trong lời tựa in lại Tam tổ thực lục tờ 1a5-6 vào năm Thành Thái thứ 9 (1897). Quan điểm nhìn nhận vua Trần Nhân Tông như thế, sau này, đã được các sách sử tiếp tục lặp lại, coi giai đoạn xuất gia của nhà vua là một giai đoạn dồn hết tâm lực cho việc đạo.

...

Căn cứ vào lời thuật của văn bia về việc truyền y bát cho Pháp Loa, ta thấy có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, vào tháng 5 năm Hưng Long thứ 15 (1307), Pháp Loa đã được gọi lên am Ngọa Vân ở núi Kỳ Đặc để được trao y bát và tâm kệ. Bài kệ này ngày nay đã mất, nên ta không biết có nội dung gì. Tuy nhiên, bảy tháng sau, vào ngày mồng một Tết năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308) vua Trần Nhân Tông đã chính thức hóa việc truyền y ở Cam Lộ đường của chùa Siêu Loại thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay với sự chứng kiến của chính vua Trần Anh Tông và thượng tể Trần Quốc Trấn. Thứ hai, tại buổi lễ này, sau việc trao y và nghe Pháp Loa thuyết pháp, vua Trần Nhân Tông còn đem ngoài 20 hộp nhỏ kinh điển Phật giáo, còn đem 100 hộp “kinh sử ngoại thư” giao cho Pháp Loa và dặn dò “mở rộng việc học bên trong và bên ngoài”.

Chỉ một việc giao sách kinh sử ngoại thư này thôi trong buổi lễ truyền y bát chính thức tại Cam Lộ đường của chùa Siêu Loại, ta thấy phản ảnh rất rõ mẫu người Phật Giáo lý tưởng, mà vua Trần Nhân Tông nhằm tới trong Cư trần lạc đạo phú:

Sạch giới lòng, dồi giới tướng,

nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm.

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,

đi đỗ mới trượng phu trung hiếu

Thế rõ ràng con người trượng phu và con người bồ tát phải kết hợp với nhau để thành một con người Phật giáo của thiền Trúc Lâm. Học Phật giáo không loại bỏ những cái học bên ngoài Phật giáo. Và những môn học bên ngoài Phật giáo không loại bỏ cái học Phật giáo. Dĩ nhiên, quan điểm giáo dục này đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ta biết nó hiện diện tối thiểu là từ thời Mâu Tử (160 -220 ?) và Khương Tăng Hội (?-280), rồi vẫn được kế thừa một cách mạnh mẽ sau thời Trần Nhân Tông với những tên tuổi lẫy lừng như Hương Chân Pháp Tính (1470-1550?), Minh Châu Hương Hải (1628 -1715) và đặc biệt là Hải Lượng Ngô Thời Nhiệm (1746 -1803), v.v..

Mẫu người lý tưởng của thiền phái Trúc Lâm như thế rất khác xa những mẫu người của Phật giáo thiền Trung Quốc.”(ngưng trích)

Hiển nhiên là, Phật Giáo Việt Nam khác với Phật Giáo Trung Hoa.

Đây cũng là nhu cầu tự vệ của nước Việt khi nằm bên cạnh một nước lớn (và hung hăng xâm lấn) như Trung Hoa.

Hiển nhiên, ngài Trần Nhân Tông là siêu xuất tuyệt vời.
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 9130)