Viễn cảnh chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Đảng Dân chủ

23 Tháng Mười Hai 20187:00 CH(Xem: 8409)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ HAI 24 DEC 2018


Viễn cảnh chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Đảng Dân chủ


Posted on 24/12/2018 by The Observer


image029


Tác giả: Ngô Di Lân


Giữa một loạt các sự kiện lớn xảy ra trong thời gian vừa qua, từ việc cựu Tổng thống George H. W. Bush qua đời cho tới Brexit và biểu tình bạo loạn ở Pháp, bài viết Một chính sách đối ngoại dành cho tất cả (A Foreign Policy for All) trên tạp chí Foreign Affairs của Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren – một trong những ứng viên hàng đầu của đảng Dân Chủ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, dường như đã hoàn toàn bị “ngó lơ”.


Đây là một điều đáng tiếc bởi bài viết của TNS Warren có lẽ là một trong những “bản vẽ” rõ nét nhất về một chính sách đối ngoại Mỹ mà đảng Dân Chủ có thể theo đuổi trong tương lai. Nếu ứng viên của đảng Dân Chủ thắng cử vào năm 2020, nhiều khả năng yếu tố ý thức hệ sẽ trở lại với vai trò lớn hơn trong chính sách đối ngoại Mỹ. Mặt khác, Mỹ sẽ chú ý hơn tới tác động của chính sách đối ngoại lên các mục tiêu đối nội, đặc biệt trên phương diện kinh tế. Một chính sách đối ngoại dân chủ sẽ có tác động đáng kể đến sự can dự quốc tế của Mỹ nói chung và tình hình an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng.


Tầm nhìn của Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren


Theo bà Warren, nước Mỹ đang phải đương đầu với ba thách thức lớn. Thứ nhất, các nền dân chủ trên toàn thế giới đang bị suy yếu hơn bao giờ hết trước sự trỗi dậy của các thế lực độc tài. Những sự kiện như Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ hay sự lên ngôi của các đảng phái cực hữu ở Châu Âu tạo ra cảm giác rằng thế giới dân chủ mà Mỹ lãnh đạo lâu nay đang bị nhanh chóng thu hẹp. Cơn ác mộng lớn nhất của các nhà lãnh đạo Mỹ là trong một thế giới mà chủ nghĩa phi dân chủ thống trị, Mỹ sẽ bị cô lập và phải “đơn thương độc mã” đối mặt với mối đe doạ từ bên ngoài. Thiếu đi các đồng minh dân chủ, sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế sẽ bị suy yếu đáng kể và sớm muộn Mỹ sẽ đánh mất vị thế siêu cường số một của mình.


Thứ hai, nội bộ nước Mỹ đang bị chia rẽ hết sức sâu sắc, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Một nước Mỹ bị chia rẽ là một nước Mỹ thiếu cả sức mạnh lẫn ý chí để tiếp tục duy trì sự can dự quốc tế như họ đã làm bấy lâu nay. Từ góc nhìn của Washington, thiếu vắng đi sự lãnh đạo của Mỹ, trật tự thế giới tự do (liberal international order) được dày công xây dựng và vun đắp từ năm 1945 đến nay sẽ sụp đổ. Người Mỹ lo sợ rằng một thế giới “hậu tự do” (post-liberal) sẽ là một thế giới tiềm ẩn đầy bất ổn và các mối hiểm hoạ giống như giai đoạn giữa hai cuộc Thế Chiến.


Thứ ba, phân hoá giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội đã lên cao tới mức báo động. Ở Mỹ hiện nay, nhóm 1% những người có thu nhập cao nhất đang kiểm soát hơn 20% tài sản quốc gia, và trong năm 2015, thu nhập của nhóm này lớn gấp 26,3 lần thu nhập của nhóm 99% còn lại.  Một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ cho rằng nguyên nhân chính của sự bất bình đẳng này là tiến trình toàn cầu hoá. Trên lý thuyết, toàn cầu hoá mang lại sự thịnh vượng cho tất cả nhưng trên thực tế, tiến trình này mang lại sự phân bổ của cải không đồng đều và vô hình trung tạo ra một tầng lớp những người “thua cuộc”. Như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, con người luôn có khuynh hướng so sánh với những người xung quanh trong mọi vấn đề, do đó việc phân bố của cải không đồng đều dù có tăng thu nhập của tất cả vẫn sẽ tạo ra cảm giác bất mãn đối với những người cảm thấy mình đang chịu thua thiệt so với những người xung quanh.


Để đảo ngược lại những xu thế này, TNS Warren đề xuất một chiến lược đối ngoại đặt lợi ích của tầng lớp trung lưu Mỹ lên trên hết. Theo đó, Mỹ cần phải theo đuổi một chính sách kinh tế quốc tế đem lại lợi ích cho số đông chứ không chỉ phục vụ các tập đoàn lớn và tầng lớp tinh hoa. Trước khi các quyết sách đối ngoại lớn được đưa ra, các nhà lãnh đạo Washington cần tự hỏi rằng: quyết định của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của đa số người dân?


TNS Warren cũng cho rằng nước Mỹ lâu nay đã chú tâm quá mức vào cuộc chiến chống khủng bố, khiến nước này lơ là trước các mối hiểm hoạ lớn hơn như sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Châu Á hay sự trở lại của nước Nga ở Châu Âu. Mặc dù bà cho rằng cạnh tranh cường quyền là thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ trong thời gian tới nhưng đồng thời lập luận rằng Mỹ sẽ sẵn sàng để đối mặt với những mối đe doạ này hơn với một ngân sách quốc phòng “cân đối” và đầu tư mạnh hơn cho ngoại giao và viện trợ quốc tế.


Cuối cùng, Mỹ cần phải chủ động chiến đấu với chủ nghĩa độc tài và tư bản thân hữu bởi những hệ tư tưởng này khiến thế giới trở nên bất ổn hơn và làm suy giảm niềm tin của chính người dân Mỹ vào giá trị dân chủ. TNS Warren mong muốn Mỹ trừng phạt các nỗ lực làm xói mòn nền dân chủ của Nga và Trung Quốc, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ hơn cho những tiếng nói kêu gọi dân chủ, tự do và tính minh bạch ở những nước bị coi là độc tài.


Từ Warren đến Sanders: một chính sách đối ngoại dân chủ


Có nhiều lý do để tin rằng tư duy đối ngoại của TNS Warren không chỉ là một luồng quan điểm thiểu số mà phản ánh được lập trường chung của đại bộ phận đảng Dân Chủ.


Thứ nhất, trong các bài báo và phát biểu của mình, TNS Bernie Sanders – một trong những ứng viên tranh cử hàng đầu khác của đảng Dân Chủ cho cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 cũng chia sẻ những quan điểm tương tự như TNS Warren. Trong một bài diễn thuyết tại trường ĐH Johns Hopkins vào tháng 10 vừa qua, TNS Sanders đã kêu gọi xây dựng “một phong trào toàn cầu chống lại chủ nghĩa chuyên chế”. Theo ông, chiến đấu vì dân chủ đồng nghĩa với chống lại chế độ đạo tặc (kleptocracy) vốn gắn liền với tham nhũng và sự bóc lột người lao động của giới tinh hoa. Nếu Washington không chủ động chống lại những xu thế này, TNS Sanders lo ngại rằng nền dân trị Mỹ sớm muộn sẽ bị thay thế bởi một chính quyền chuyên chế sẵn sàng chà đạp lên các quyền tự do cơ bản của người dân và bóc lột đa số để phục vụ lợi ích của thiểu số.


Có thể thấy rằng, giống như TNS Warren, ông Sanders cũng nhìn nhận rằng bất bình đẳng thu nhập và chủ nghĩa chuyên chế, độc tài đang đặt ra hai mối hiểm hoạ thực sự to lớn với nước Mỹ. Một khi hai ứng viên hàng đầu như TNS Warren và TNS Sanders đã chia sẻ cùng một lập trường đối ngoại như vậy thì rất có thể các ứng viên còn lại cũng sẽ chịu sức ép phải “gò mình” vào một khuôn khổ như vậy để giành phiếu của cử tri.


Thứ hai, tuy các ứng viên Dân Chủ có thể có những khác biệt nhất định trong quan điểm đối ngoại nhưng tất cả đều chia sẻ sự chống đối với Tổng thống Trump và những chính sách của ông. Trước đây, nếu như yếu tố gắn kết các chính trị gia đảng Cộng Hoà mạnh nhất là Tổng thống Obama thì nay các nghị sĩ đảng Dân Chủ đều có thể gạt những sự khác biệt sang một bên để ngăn chặn những gì họ cho là sự lộng hành và những chính sách nguy hiểm của ông Trump. Có thể nói rằng đại bộ phận đảng Dân Chủ hiện nay đang cho rằng Tổng thống Trump là tiếng nói đại diện cho phe cực hữu (extreme right wing) vốn cổ súy tinh thần bài ngoại và ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng (white supremacy). Không những vậy, họ còn cho rằng ông Trump và phong trào dân tuý cùng chủ nghĩa chuyên chế toàn cầu có một mối quan hệ “cộng sinh”. Từ góc nhìn này, đánh bại Trump cũng có nghĩa là đánh bại những hệ tư tưởng độc hại này và ngược lại.


Do đó, quan điểm của TNS Warren tuy có thể không đại diện được cho toàn bộ đảng Dân Chủ nhưng rất có thể dù bất kỳ ứng viên Dân Chủ nào thắng cử thì cũng sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại tương tự như những gì bà Warren đã vạch ra trong bài viết của mình.


Kỳ vọng gì vào một chính sách đối ngoại dân chủ?


Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và tan rã của Liên Xô hai năm sau đó đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến trường kỳ giữa hai hệ tự tưởng đối lập. Học giả lừng danh Francis Fukuyama khi đó cho rằng sự kết thúc của cuộc chiến này đánh dấu “sự cáo chung của lịch sử” (the end of history), ý nói rằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã chứng minh được sự ưu việt tuyệt đối của hệ tư tưởng tự do – dân chủ phương Tây.


Trong vòng gần 20 năm kể từ thời điểm đó, chính trị cường quyền và ý thức hệ gần như biến mất hoàn toàn khỏi quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, bức tranh đối ngoại mà các nghị sĩ như Elizabeth Warren và Bernie Sanders đang vẽ ra chắc chắn đặt yếu tố ý thức hệ làm trọng tâm. Tuy nhiên điều này không có nghĩa họ sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại diều hâu và hung hăng như những người theo phái tân bao thủ (neoconservatives) thời George W. Bush. Với mục tiêu phát triển nội lực, một tổng thống của đảng Dân Chủ nhiều khả năng sẽ không phát động những cuộc trường chinh vô nghĩa để phổ biến hệ tư tưởng của mình, đặc biệt sau khi những nỗ lực này đã thất bại hoàn toàn ở Iraq và Afghanistan. Điều có thể sẽ xảy ra là một chính sách đối đầu cứng rắn hơn với những cường quốc như Nga và Trung Quốc, đồng thời có thể có ít nhiều rạn nứt trong nội bộ liên minh Mỹ khi lãnh đạo một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêut và Hungary ngày càng theo khuynh hướng chuyên quyền. Mỹ bấy lâu nay chấp nhận “nhắm mắt làm ngơ” đối với các đồng minh nhưng nếu một tổng thống Dân Chủ lên nắm quyền, rất có thể sẽ mạnh tay trừng phạt những đồng minh bị cho là thiếu dân chủ.


Tuy nhiên, dù tổng thống tiếp theo là ứng viên của bất kỳ đảng phái nào thì đại chiến lược (grand strategy) của Mỹ vẫn sẽ không thay đổi bởi các lợi ích cốt lõi của Mỹ về cơ bản là bất biến. Mỹ vẫn sẽ theo đuổi đại chiến lược “can dự sâu” (deep engagement) với mục tiêu trên hết là duy trì vị thế siêu cường độc tôn của Mỹ và đánh bại mọi nỗ lực để trở thành bá quyền của các kình địch khác. Mỗi vị tổng thống có thể sẽ đưa ra những quyết sách và chiến thuật cụ thể khác nhau nhưng họ vẫn sẽ duy trì các cam kết an ninh sẵn có với các đồng minh khắp năm châu và bảo vệ trật tự thế giới tự do. Mỹ sẽ không rút lui khỏi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và nhiều khả năng sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực này, đặc biệt khi quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn. Trong tình thế hiện nay, rủi ro Mỹ và Trung Quốc “đi đêm” sau lưng các nước nhỏ và chia Biển Đông thành các bán cầu ảnh hưởng (spheres of influence) khác nhau là không đáng kể. Mỹ sẽ chỉ buộc phải thoái lui và nhường Trung Quốc khu vực trọng yếu này khi nguồn lực quốc gia của Mỹ cạn kiệt hay có một mối đe dọa bất ngờ nào đấy nổi lên buộc Mỹ phải tạm hòa hoãn với Trung Quốc. Các nước nhỏ trong khu vực như Việt Nam có thể hoạch định chính sách với giả định rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục ở thế đối đầu trong ít nhất vài năm sắp tới.


Câu hỏi lớn nhất tại thời điểm này dĩ nhiên là liệu Đảng Dân Chủ có thể giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 được hay không? Đó là một câu hỏi lớn và lúc này còn quá sớm để trả lời. Nhưng nếu một ứng viên Dân Chủ chiến thắng trong kỳ bầu cử sắp tới thì hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại Mỹ.