Ngoài căn nhà được cấp, đại tướng Lê Đức Anh 'chẳng có gì đáng giá'

01 Tháng Năm 20199:00 CH(Xem: 6888)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ TƯ  01 MAY 2019


Ngoài căn nhà được cấp, đại tướng Lê Đức Anh 'chẳng có gì đáng giá'


Nguyễn Cơ Thạch đứng lên đập bàn mắng Lê Đức Anh Nguyễn Văn Linh Đỗ Mười  


Hoài Thu ghi


Zing 02/05/2019


Ngoài căn nhà được nhà nước cấp, tài sản của Chủ tịch nước Lê Đức Anh dường như chẳng có gì đáng giá, trong căn nhà ấy cũng không có vật dụng gì giá trị khoảng 5-7 triệu trở lên.


Đại tá, PGS.TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, là người đã có hơn 10 năm gắn bó, giúp việc cho nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh (từ 2003 đến 2015).


Ông cũng là người chấp bút cho cuốn hồi ký thứ 2 của đại tướng Lê Đức Anh - cuốn ký lịch sử ghi lại nhìn nhận của đại tướng với tư cách người trong cuộc nói về tiến trình cách mạng Việt Nam, trong thời kỳ giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc.


Hơn 10 năm gắn bó, đại tá Đài hiểu rõ cuộc sống và con người của đại tướng. Ông nói không muốn và chưa từng chia sẻ điều này với ai, nhưng “hôm nay tôi sẽ nói”. Zing.vn ghi lại lời kể của ông về con người, cuộc sống và sự nghiệp của đại tướng Lê Đức Anh dưới 2 góc độ: nhà nghiên cứu lịch sử và người phục vụ giúp việc cho đại tướng.


Chủ tịch nước nhưng nhà 'không có gì đáng giá'


Với tư cách là người được giúp việc bác (đại tướng Lê Đức Anh - PV), tôi thấy bác Lê Đức Anh là người luôn có khả năng truyền lửa cho người khác bởi tư duy, cách đánh giá vấn đề và thái độ, bản lĩnh trước mọi biến cố của lịch sử. Bác là người hiền hậu, điềm tĩnh, tốt bụng, thân thiết với tất cả mọi người.


image025

Đại tá Hồ Sơn Đài trong một lần trò chuyện cùng đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh do đại tá Hồ Sơn Đài cung cấp.


Và đặc biệt, ông là một người rất liêm khiết, không lo cho mình, chỉ lo cho mọi người.Ngoài căn nhà được nhà nước cấp, tài sản của bác dường như chẳng có gì đáng giá, trong căn nhà ấy cũng không có vật dụng gì giá trị khoảng 5-7 triệu trở lên.


Bác rất hiền - điều mà người ta thường ít thấy ở những cán bộ quân sự cao cấp, những vị tướng lĩnh quân đội.


Tiếp xúc với bác, ta tưởng như đang tiếp xúc với cha, với ông mình. Bác hiền hậu, thân thiện và điềm đạm trước những vấn đề thay vì phải tỏ ra bức xúc. Trong mối quan hệ gia đình, bác sống rất tôn trọng nguyên tắc - giống như khi hành xử trong công việc.


Danh dự là hai chữ bác luôn đề cao, thể hiện qua việc dù “chức cao vọng trọng” nhưng bác không bao giờ tạo điều kiện cho con mà để các con tự phấn đấu và trưởng thành.


Thậm chí, một hôm xem tivi thấy con trai mình (khi ấy là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông), bác còn quay sang hỏi vợ ngồi bên cạnh: “Bà ơi, con mình bây giờ nó làm gì ở bưu điện à”?


Bác không bao giờ tác động trong việc chọn nghề nghiệp cho con cái.


image026

Ông Nguyễn Thiện Nhân khi còn là Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đến thăm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại nhà riêng, vào dịp Tết năm 2016. Ảnh: Vietnamnet.


Đối với những người giúp việc, bác rất hòa nhã, vui vẻ, luôn nói cảm ơn.


Tôi còn nhớ một kỷ niệm, đó là khi Văn phòng Chủ tịch nước có công văn đề nghị bác trả lời đóng góp ý kiến cho một bài diễn văn của vị lãnh đạo Nhà nước sẽ đọc trong một hội nghị lớn ở Hà Nội. Bác yêu cầu tôi đóng góp vài ý kiến, nhưng khi tôi trình lên có ý bác không đồng tình, bác bảo tôi sửa. Sửa đến 3 lần, tôi vẫn đưa ra quan điểm muốn giữ góp ý đó.


Lúc ấy, bác không cáu, chỉ nhẹ nhàng bảo tôi: “Thôi được rồi, có lẽ cậu nắm vấn đề chưa đến, cậu chưa thấm được. Không sao”. Sau đó, thay vì ở TP.HCM, ngày hôm sau bác bay ra Hà Nội luôn để gặp vị lãnh đạo cấp cao đó và đóng góp ý kiến trực tiếp mà không cần dùng đến văn bản góp ý.


Như vậy để thấy rằng, những gì thuộc về nguyên tắc thì bác kiên quyết giữ đến tận cùng và sẽ không nhân nhượng.


Tôi cũng là người được bác giao nhiệm vụ chắp bút cho cuốn hồi ký thứ hai của bác. Cuốn hồi ký đầu tiên về con người và sự nghiệp của bác đã được xuất bản.


Nhưng sau đó, bác đề nghị tôi chắp bút viết một cuốn hồi ký lịch sử, với tư cách người trong cuộc nhìn nhận về tiến trình cách mạng Việt Nam trong thời kỳ giải phóng dân tộc và xây dựng tổ quốc.


Tất cả những điều đã trải qua, bác có ý nguyện viết lại và viết trung thực. Bác nhiều lần nói với tôi, thà không viết, để sau này người khác viết, còn đã viết phải viết đúng như những gì nó từng diễn ra. Cuốn hồi ký chưa hoàn thành nên chưa được xuất bản.


Tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược


Dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, tôi đánh giá đại tướng Lê Đức Anh là người có tư chất thông minh, tư duy sắc bén, luôn đề xuất các ý tưởng và tổ chức thực hiện nó một cách thành công trong thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược trước mọi diễn biến của thời cuộc.


Dấu ấn của bác được thể hiện rõ trong từng cuộc chiến.


image027

Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng, kiểm tra tình hình bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1987. Ảnh: Tư liệu.


Trong kháng chiến chống Pháp, Nam Bộ là chiến trường sau lưng địch - nơi chúng tập trung bình định và thực hiện chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.


Bác Lê Đức Anh khi đó cùng cấp ủy Đảng và bộ chỉ huy quân sự đề ra chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân, phù hợp với đặc điểm chiến trường sau lưng địch ở Nam Bộ.


Lúc ấy ở Nam bộ, nhiều người muốn xây dựng các đơn vị chủ lực quy mô lớn và xây dựng đến cấp trung đoàn, nhưng bác Lê Đức Anh đề xuất không nên xây dựng những đơn vị quân đội có quy mô lớn.


Theo bác, chỉ xây dựng đến cấp tiểu đoàn, còn lại tập trung tiềm lực để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương, nhằm duy trì và phát triển phong trào chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch. Ý kiến của bác được thực tiễn cách mạng chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.


Sang thời kỳ chống Mỹ, đầu năm 1964, bác Lê Đức Anh vào chiến trường miền Nam và được giao giữ nhiệm vụ Tham mưu trưởng rồi Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng quân giải phóng miền nam Việt Nam, gọi tắt là Bộ Tư lệnh miền.


Ở đây, ông cùng quân ủy và Bộ tư lệnh miền chỉ đạo lực lượng vũ trang xây dựng, chiến đấu làm nên những sự kiện quân sự ý nghĩa, góp phần thay đổi cục diện chiến trường cho đến khi kết thúc chiến tranh.


Khi quân Mỹ và quân đồng minh Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam, vấn đề đặt ra là chúng ta dám đánh Mỹ không - một quân đội nhà nghề và vũ khí được trang bị vào bậc hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ. Nếu dám, ta có đánh được không? Nếu đánh được thì đánh bằng cách nào?


Lúc ấy, bác Lê Đức Anh đề ra phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”.


Bác được giao trực tiếp thực hiện tổ chức lại chiến trường bằng cách chia nhỏ các địa bàn không có dân để trở thành các tổ chức quân sự theo lãnh thổ.


Bác mạnh dạn chỉ đạo khui các kho vũ khí đang lưu cất dọc biên giới Việt Nam, Tây Ninh ra để trang bị vũ khí mới cho những “nhân viên dân sự”.


image028

Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh (đứng ngoài cùng bên phải)  chụp ảnh cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng... dự hội nghị tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh tại Đà Lạt, Lâm Đồng, cuối năm 1975. Ảnh: Tư liệu.


Có không ít ý kiến phản đối lúc bấy giờ, nhưng chỉ sau một thời gian, chủ trương trang bị vũ khí cho “nhân viên dân sự”, biến họ thành chiến sĩ đã trở nên hữu dụng và thực tế, họ đã giành được những thắng lợi rất lớn trong chiến dịch phản công mùa khô của Mỹ và chiến dịch chống cuộc hành quân của Mỹ vào Tây Ninh.


Đây là sáng tạo độc đáo và đóng góp lớn của bác Lê Đức Anh trong quãng đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Sau biến cố Mậu Thân xảy ra, chúng ta giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Nhưng, địch lại phản kích quyết liệt và cách mạng miền Nam tổn thất rất nặng nề, đặc biệt ở chiến trường Quân khu 9.


Bác Lê Đức Anh với tư cách Phó tư lệnh Bộ tư lệnh miền được phân công xuống làm Tư lệnh Quân khu 9 đã cùng Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt đề ra chủ trương và chỉ huy lực lượng vũ trang toàn địa bàn Tây Nam Bộ dần lấy lại thế và lực của cuộc kháng chiến, phát triển lực lượng vũ trang, phát triển căn cứ địa.


Bác Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng trong nhìn nhận, đánh giá bản chất của Pol Pot lúc bấy giờ - khi ta còn lúng túng trong xác định Pol Pot là bạn hay thù.


Quyết sách 'không tưởng'


Trong suốt tiến trình như vậy, tôi luôn thấy bác có một năng lực, tư duy quân sự rất biện chứng, sắc sảo, hệ thống và đặc biệt rất mẫn cảm về chính trị và quân sự.


Dường như bác luôn ở những điểm nóng, cứ mặt trận nào nóng nhất, khó khăn nhất đều có mặt đại tướng Lê Đức Anh.


Kể cả khi bác về Bộ Quốc phòng giữ cương vị Bộ trưởng.


Lúc đó, đất nước gặp khó khăn khi bị rơi vào khủng hoảng kinh tế, xã hội, lạm phát tăng cao. Bác đã đưa ra quyết sách “không tưởng” và tổ chức thực hiện nó một cách tài tình.


image029

Năm 1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh tới thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Em (xã Thanh Quý, thị xã Hà Tĩnh), là mẹ của 3 liệt sĩ. Ông Lê Đức Anh cũng chính là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Tư liệu.


Đó là quyết định giảm đến 60% số quân thường trực trong quân đội, và bố trí lại kế phòng thủ chiến lược quốc gia, tạo điều kiện để nâng cao khả năng phòng thủ đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển.


Bác chủ trương giảm để tập trung tiềm lực phát triển đất nước, bảo đảm tốt hơn đời sống của cán bộ chiến sĩ trong quân đội.


Đặc biệt, bác rất quan tâm đến đời sống của các cán bộ chiến sĩ.


Thấy các chiến sĩ sau quá trình cống hiến, phục vụ đất nước không có nhà cửa, đất đai, cuộc sống rất khó khăn nên bác đã tạo điều kiện cấp đất, cấp nhà cho đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội trải qua các thời kỳ kháng chiến, làm thay đổi to lớn phía hậu phương quân đội, tạo tinh thần yên tâm công tác và sẵn sàng chiến đấu.


Bác cũng quan tâm những gia đình neo đơn, khó khăn sau chiến tranh. Vì thế, bác là Chủ tịch nước đầu tiên ký quyết định phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.


Trên cương vị Chủ tịch nước, bác cũng chính là “kiến trúc sư” của việc triển khai các biện pháp chiến lược trong lộ trình bình thường hoa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, bởi bác quan niệm, nếu giữ tình hình căng thẳng, ta không thể yên ổn phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị.


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Ông Lê Đức Anh, một trong các tư lệnh đánh vào Huế - Mậu thân 1968


Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 01/02/1920; quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 30/5/1938.

Sự kiện:


Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Đồng chí Lê Đức Anh, sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước sau một thời gian lâm bệnh đã từ trần vào hồi 20h10, ngày 22/4 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Thành phố Hà Nội.


Là một tướng trận, ngày 16/4/1974, ông được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng do chủ động đánh địch lấn chiếm đất, phá âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của địch; được phong hàm đại tướng vào năm 1984.


Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đóng góp quan trọng vào bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, khi được tín nhiệm giao trọng trách thăm dò, mở đường cho bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.


Theo các nhà sử học và các chuyên gia quân sự, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh và xung đột từ năm 1945 - 1989.


Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979 - 1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986 - 1989), đồng thời có mặt tại Trường Sa trong những ngày căng thẳng nhất.


Ông không phải là vị tướng bàn giấy mà là người trực tiếp tham gia những trận đánh, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh: Mậu Thân 1968, chống lấn chiếm 1973, Phước Long 1974, chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), chiến dịch giải phóng Campuchia (1979); chấm dứt xung đột biên giới với Trung Quốc (1979-1989); bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (1979-1988).


Trong những thời khắc mang tính bước ngoặt lịch sử, những mệnh lệnh của ông khiến giới sử học và các nhà nghiên cứu quân sự phải thốt lên: “Chỉ có thể là Lê Đức Anh”. Ví dụ, ngày 6/11/1987, Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra mệnh lệnh số 1679/ML-QP về việc bảo vệ quần đảo Trường Sa.


Và ngày 29/3/1989 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ, bảo vệ khu vực biển thềm lục địa, bãi đá ngầm (khu DK1). Trước đó là Chiến dịch chủ quyền 1988 (CQ 1988) giúp Việt Nam giữ được những hòn đảo quan trọng nhất ngoài quần đảo Trường Sa trước âm mưu thôn tính của ngoại bang.


Cuộc đời ông gắn liền với những chiến thắng, những bước ngoạt thăng trầm của lịch sử, của vận mệnh dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh mà có lẽ thế hệ sau để hiểu về ông sẽ cần có những nghiên cứu, những trang giải mật.


Đức Hòa (Tổng hợp)


Nguồn: Tin Mới - Tinnhanhonline.vn


Nguyễn Cơ Thạch đứng lên đập bàn mắng Lê Đức Anh Nguyễn Văn Linh Đỗ Mười
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)