“Trò chơi” của các nước lớn và cách ứng xử của các nước nhỏ

13 Tháng Sáu 201911:45 CH(Xem: 6552)
VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ SÁU 14 JUNE 2019

“Trò chơi” của các nước lớn và cách ứng xử của các nước nhỏ

12/06/2019

Tiến sỹ Trần Công Trục
Tiến sỹ Trần Công Trục

(GDVN) - Nếu biết tận dụng cơ hội, không để trở thành “quân cờ” của các “tay chơi” cỡ bự, các nước nhỏ sẽ có điều kiện để tăng cường hợp tác kinh tế, hội nhập khu vực.

Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La tối 31/5 ở Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, Đông Nam Á không xa lạ gì với “trò chơi” của các nước lớn.

Thủ tướng Singapore nói rằng “trò chơi” đó đã xuất hiện trong lịch sử Đông Nam Á qua những cuộc chiến tranh và những giai đoạn bị chia rẽ, bắt đầu từ thời Singapore trở thành tiền đồn giao dịch cho người Anh 200 năm trước cho đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20.

Từ đó, ông đã nêu rõ quan điểm của Singapore về các vấn đề an ninh hệ trọng của khu vực, trong đó, điều đặc biệt nếu không muốn nói là khác biệt so với những Diễn dàn trước đây, là đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “trò chơi” mà Mỹ và Trung Quốc đang “thi thố”, được coi là nhân tố chủ yếu gây nên tình trạng an ninh bất ổn của khu vực.

Thủ tướng Singapore cho rằng, sự phát triển của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân chiến lược, cũng như trọng tâm kinh tế của thế giới và sự thay đổi này vẫn đang tiếp diễn.

Chính vì thế, cuộc cạnh tranh về địa-chính trị, địa-chiến lược, địa-kinh tế… giữa hai siêu cường này trong phạm vi khu vực và quốc tế đang và sẽ rất căng thẳng, phức tạp.

Vì vậy, ông kêu gọi Trung Quốc hãy thể hiện “vai trò nước lớn”, cho dù "còn nhiều thập kỷ nữa Trung Quốc mới trở thành một quốc gia phát triển hoàn chỉnh, nhưng Trung Quốc lại không thể chờ đợi hàng thập kỷ để nhận trách nhiệm lớn hơn".  
 
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la 2019 (Ảnh: straitstimes.sg)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la 2019 (Ảnh: straitstimes.sg)

Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp thông qua ngoại giao và thỏa hiệp hơn là ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời tôn trọng lợi ích và quyền lợi cốt lõi của các quốc gia khác.

Có như vậy, theo thời gian, Trung Quốc sẽ xây dựng được hình ảnh là một cường quốc có trách nhiệm và hào hiệp, không cần phải sợ hãi.

Trung Quốc sẽ được tôn trọng như một cường quốc đáng tin cậy để hỗ trợ cho hòa bình và ổn định của khu vực…  

Các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, cũng phải điều chỉnh để thích ứng với vai trò lớn hơn của Trung Quốc, chấp nhận rằng nước này sẽ tiếp tục phát triển và việc ngăn chặn điều này xảy ra là không thể.

Cả Trung Quốc và các nước còn lại của thế giới đều phải thích nghi với thực tế mới này. Đi theo con đường như hiện tại sẽ là sai lầm lớn đối với cả hai phía.

Trước tình hình đó, các nước nhỏ phải làm gì?

Thủ tướng Singapore cho rằng, thế giới đang đứng trước bước ngoặt, trong đó, xu thế toàn cầu hóa đang bị đe dọa và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.

Giống như tất cả mọi người, người Singapore rất lo lắng và tự hỏi rằng tương lai sẽ ra sao và làm thế nào các nước có thể cùng nhau tìm ra biện pháp duy trì hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Nhưng ông Lý vẫn cho rằng, nếu biết tận dụng cơ hội và chủ động ứng xử thích hợp, không để trở thành các “quân cờ” của các “tay chơi” cỡ bự, các nước nhỏ hơn sẽ có điều kiện để tăng cường hợp tác kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và xây dựng các thể chế đa phương.

Ông nhấn mạnh rằng: "Bằng cách này, chúng ta có thể tăng cường ảnh hưởng với tư cách một nhóm quốc gia và nâng cao vị thế tập thể về các vấn đề quan trọng như thương mại, an ninh hoặc công nghệ"…

“Khi các nhóm quốc gia tăng cường hợp tác kinh tế, họ sẽ tăng cường không chỉ sự thịnh vượng chung mà còn cả an ninh tập thể.

Với trách nhiệm lớn hơn đối với thành công của nhau, các nước nhỏ sẽ có động lực lớn hơn để duy trì trật tự quốc tế có lợi cho nhiều quốc gia lớn và nhỏ"…

Là một thành viên của ASEAN, cộng đồng của các nước nhỏ, Việt Nam nên làm gì?

Nghiên cứu toàn văn bài phát biểu của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày tại Diễn đàn lần này và qua theo dõi ý kiến đa chiều của dư luận trong và ngoài nước, chúng tôi xin được trao đổi thêm với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những thông tin liên quan.
 
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Thứ nhất, về bối cảnh quốc tế và khu vực

Mặc dù phương pháp diễn đạt và cách sử dụng ngôn từ có khác nhau, chúng tôi vẫn cho rằng, nhận định của Thủ tướng Lý Hiển Long và Đại tướng Ngô Xuân Lịch về bối cảnh quốc tế và khu vực là tương đồng, nhất là những thách thức về an ninh thế giới và khu vực.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhận định rằng: “…chúng ta vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp; trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn…”.

Nếu những ai quan tâm theo dõi tình hình chính trị quốc tế thì không thể không nhận ra “các nước lớn” được nêu không ai khác ngoài Mỹ và Trung Quốc.

Bởi vì, Trung Quốc để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” mà mục tiêu hàng đầu là tìm cách vươn lên tranh giành vị thế siêu cường số một quốc tế với Mỹ, mới quyết tâm lao vào cuộc cạnh tranh phức tạp với tầm mức cao hơn, cả toàn cầu và khu vực; mở rộng trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài nguyên, môi trường, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, không gian mạng; liên quan đến cả an ninh truyền thống và phi truyền thống”.

Thứ 2, về nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến tình hình an ninh quốc tế và khu vực

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã khẳng định rằng: “nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng; sự khác biệt về lợi ích chiến lược; sự không nhất quán giữa lời nói và hành động; còn hành xử theo lối chính trị cường quyền, áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, không thừa nhận và tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của các nước khác, cũng như lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế...”.

Theo chúng tôi, cho dù không chỉ đích danh, nhưng không ai không nhận ra tác nhân đó là ai, ngoại trừ một nhân vật, sau khi nghe những phát biểu nói trên, đã lập tức lên tiếng phân bua rằng nước ông ta trong “70 năm qua không gây chiến tranh xâm lược”.

Theo chúng tôi, đây không chỉ là việc cố tình biện minh cho những hoạt động sai trái, như việc Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1956, năm 1974, đánh  chiếm 6 thực thể ở phía Tây – Bắc quần đảo Trường Sa năm 1988, chiếm đóng bãi cạn Scarborough trên thềm lục địa của Philippines năm 2012…., huy động trên 60 vạn quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, đã và đang tiến hành mạnh mẽ “quân sự hóa” Biển Đông…

Phát biểu này còn có thể bao hàm ý nghĩa như một động thái “bảo lưu” việc Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực trong tương lai dưới danh nghĩa “chiến đấu tự vệ”, “đánh trả đòi lại lãnh thổ đã mất”…

Thiết nghĩ, cộng đồng khu vực và quốc tế sẽ không dễ bị đánh lừa bởi những tuyên bố “đường mật” như vậy.

Thứ 3, cạnh tranh hay tranh chấp?

“Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh” là tiêu đề tham luận quan trọng do người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam trình bày tại Diễn đàn Shangri La 2019.

Chúng tôi rất tâm đắc với thuật ngữ đã được Đại tướng Ngô Xuân Lịch sử dụng trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn lần này. Đó là thuật ngữ “cạnh tranh” thay vì thuật ngữ “tranh chấp” thường được sử dụng trước đây.
 
Đối thoại Shangri-la 2019 chứng kiến can dự của nước lớn vào khu vực Đông Nam Á
Đối thoại Shangri-la 2019 chứng kiến can dự của nước lớn vào khu vực Đông Nam Á

Theo chúng tôi, việc sử dụng thuật ngữ này là kết quả của một quá trình nghiên cứu, cân nhắc, tiếp thu ý kiến của dư luận, nhất là giới chuyên gia luật pháp về hậu quả pháp lý khi sử dụng các thuật ngữ pháp lý trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Vì vậy, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã nhấn mạnh: “Cạnh tranh là một tồn tại khách quan, là động lực cho phát triển xã hội, cạnh tranh đã, đang và sẽ tiếp tục hiện hữu.

Tuy nhiên, cạnh tranh với mục đích khuất phục nhau, giành giật lợi ích của nhau, bao vây kiềm chế nhau sẽ dẫn đến căng thẳng, đối đầu, thậm chí là xung đột và chiến tranh. Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ không thể coi thường.

Trong thế giới toàn cầu hóa, liên kết ngày càng chặt chẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới…”.

Theo đó, chúng tôi hiểu rằng, “cạnh tranh” là một thuật ngữ mô tả một cách tổng quát quá trình đua tranh vì các quyền và lợi ích giữa các thực thể trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế…trong sinh hoạt của cộng đồng.

“Cạnh tranh” vì thế có loại tích cực, lành mạnh; có loại tiêu cực, không lành mạnh.

Trong khi đó, khác với thuật ngữ “cạnh tranh”, thuật ngữ “tranh chấp” xét về nghĩa pháp lý nó có hàm ý các bên có yêu sách chủ quyền và tiến hành các hoạt động để khẳng định trên thực tế yêu sách của mình tại một phạm vi lãnh thổ nào đó đã “có chủ” hay “vô chủ”.

Chẳng hạn, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ 17.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, rõ ràng, hòa bình và liên tục; phù hợp với nguyên tắc hiện hành trong Luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Nhưng, hiện nay, bị một số nước, đặc biệt là Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội để tiến hành chiếm đóng bằng sức mạnh hoàn toàn hay từng phần, tạo nên tình trạng tranh chấp, nhằm  thực hiện ý đồ “biến không thành có”, biến “vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp”.

Vì vậy, lập trường pháp lý của Việt Nam là không chấp nhận tình trạng “tranh chấp” đó. Chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ quan điểm pháp lý này.

Thứ 4, xử lý cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay

Tuy nhiên, với một tinh thần thật sự cầu thị và khoa học, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với phát biểu sau đây của Đại tướng Ngô Xuân Lịch:

“Vấn đề quan trọng là cách thức xử lí cạnh tranh. Dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì chúng ta có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lí tranh chấp.

Ngược lại, nếu áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết, thì càng làm cho mâu thuẫn, tranh chấp gia tăng, kéo dài, dẫn đến xung đột.

Biển Đông và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bao trùm Đối thoại Shangri-la 2019
Biển Đông và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bao trùm Đối thoại Shangri-la 2019

Chúng ta phải cùng nhau quản lí bất ổn, ngăn ngừa từ sớm các vấn đề cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh.

Muốn vậy, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của mọi quốc gia;

Không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình;

Tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp....”.

Thực hiện chủ trương nhất quán đó, Đại tướng Ngô Xuân lịch đã khẳng định: “Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, tham gia các diễn đàn đa phương; tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai...

Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp cho các cơ chế hợp tác đa phương, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột.

Đó là mục đích và trách nhiệm của Việt Nam khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021”.

Đồng thời, Đại tướng Ngô Xuân Lịch không quên đề cập đến tình hình Biển Đông: “một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao... tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Với vị trí địa - chính trị quan trọng, tiềm năng to lớn về nhiều mặt, nhiều quốc gia có lợi ích chiến lược ở Biển Đông.

Nếu chúng ta cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí, thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển…”.

Vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh đến trách nhiệm đặt lên vai mỗi một quốc gia trong khu vực và quốc tế, làm sao để Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, là khu vực hòa bình, ổn định hợp tác, phát triển thịnh vượng.  

Và, Việt Nam cùng với các quốc gia khác sẽ tiếp tục “với trách nhiệm trước cộng đồng, sự thiện chí và thực tâm của tất cả chúng ta nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác, giải quyết bất đồng, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế thì những sóng gió, những khác biệt đang tồn tại không là và không thể ngăn cản bước tiến hướng tới mục tiêu cao cả là hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mỗi quốc gia và cả khu vực.

Tiến sỹ Trần Công Trục
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6123)