Hội thảo tại Mỹ phân tích ‘khuynh hướng cộng hòa’ ở VN trước 1975

20 Tháng Mười 20198:23 SA(Xem: 6606)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ HAI 21 OCT 2019


Hội thảo tại Mỹ phân tích ‘khuynh hướng cộng hòa’ ở VN trước 1975


VOA 18/10/2019


image018

Một nhà nghiên cứu trình bày tham luận tại hội thảo của Đại học Oregon hôm 14/10/2019


Một hội thảo về “quan điểm, khuynh hướng cộng hòa” ở Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975 vừa diễn ra trong hai ngày 14 và 15/10 tại thành phố Eugene, bang Oregon.


Tham gia sự kiện, do Đại học Oregon tổ chức, là hàng chục học giả, nghiên cứu sinh của Mỹ, Việt Nam, Anh, Úc và Đức. Họ trình bày hơn 30 bài tham luận về các chính sách chính trị, kinh tế; đời sống văn hóa, xã hội, tôn giáo; và các trào lưu văn chương, nghệ thuật ở Việt Nam Cộng Hòa.


Cùng với giới học thuật, một số cựu quan chức VNCH, trong đó có các ông Nguyễn Đức Cường, Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Mạnh Hùng, cũng đóng góp tham luận và ý kiến phản biện từ vị trí người trong cuộc và nhân chứng lịch sử.


Trưởng ban tổ chức hội thảo, giáo sư Vũ Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Oregon, cho biết cuộc hội thảo này nối tiếp các cuộc thào luận trước đây về VNCH đã thực hiện tại Đại học Cornell năm 2012 và Đại học UC Berkeley năm 2016.


Trong phát biểu đề dẫn, diễn giả chính, giáo sư Peter Zinoman chỉ ra rằng nghiên cứu về “chủ nghĩa cộng hòa” ở Việt Nam mới chỉ được giới học thuật quan tâm đến trong một thập niên trở lại đây.


Vị giáo sư danh tiếng thuộc Khoa Sử, Đại học UC Berkeley, cho rằng có 3 lý do khiến chủ đề này được nghiên cứu muộn màng.


Trước hết, không có nhiều người Việt thời Pháp thuộc tự nhận mình là người theo chủ nghĩa cộng hòa, có lẽ vì mối e ngại về việc thuật ngữ đó gắn với sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc, giáo sư Zinoman đưa ra quan điểm.


Thứ hai, vẫn theo ông Zinoman, giới nghiên cứu chính thống có quan niệm rằng VNCH thiếu một tư tưởng chính trị sâu sắc ngoài hai tính chất là chống cộng và thân Mỹ. Vì vậy, trong con mắt giới học thuật chính thống, nếu cho rằng đã có chủ nghĩa cộng hòa ở Nam Việt Nam trước năm 1975, điều này sẽ “không hữu ích” cho những lập luận của họ về kết cục của VNCH trong Chiến tranh Việt Nam.


Về lý do thứ ba, giáo sư Zinoman đưa ra nhận định là đến nay “có sự dịch chuyển thế hệ” trong giới nghiên cứu với “nhãn quan hậu chiến” về lịch sử Việt Nam.


Vị giáo sư Mỹ nhận xét rằng lâu nay vẫn tồn tại những định kiến hoặc thông tin không đầy đủ về VNCH, vì vậy, những nghiên cứu mới về chủ nghĩa cộng hòa là cần thiết để làm sáng tỏ các vấn đề.


Ông Zinoman nói:


“Những tiến triển theo thời gian trong giới học thuật nghiên cứu về chủ nghĩa cộng hòa và VNCH có thể làm cho chúng ta lạc quan một cách thận trọng. Điều đó cho thấy thay đổi có thể diễn ra, dù chậm chạp hoặc theo kiểu hai bước tiến một bước lùi”.


Cử tọa đã được nghe và hỏi đáp sôi nổi về những bài tham luận giàu thông tin, với nhiều dữ liệu vững chắc của các nhà nghiên cứu Martina Nguyen, Nu-Anh Tran, Yen Vu, Duy Lap Nguyen, Cindy Nguyen, Y Thien Nguyen, Alvin Bui, Tuan Hoang, Adrienne Minh-Chau Le, Pham Vu Lan Anh, Hao (Howie) Jun Tam, Trinh Luu, Vinh Pham, Nathalie Huynh Chau Nguyen, Nguyễn Đức Cường, Hoàng Đức Nhã, Hoàng Phong Tuấn, Nguyễn Thị Minh, Trương Thùy Dung, Nguyễn Thị Từ Huy, Phạm Thị Hồng Hà, Jason Picard, Christoph Giebel, Mark Sidel, Wynn Gadkar-Wilcox, Edward Miller, Sean Fear, David Prentice, George Veith, Olga Dror, và Jason Gibbs.

Họ đến từ những trường danh tiếng của Mỹ, gồm Berkeley, Cornell, Brown, Columbia, Texas A&M, George Mason…, cũng như một số trường, viện lớn khác của Việt Nam và nước ngoài.


Nhìn chung, các tham luận cho rằng các cơ chế, tập quán chính trị, giáo dục, kinh tế, văn nghệ, tôn giáo ở VNCH đều tự do, nhân bản hơn hẳn so với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền bắc trong giai đoạn 1955-1975.


Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các cơ chế, tập quán đó dù có giá trị tuyệt vời về dài hạn song không phù hợp trong hoàn cảnh VNCH đang có một cuộc chiến dữ dội với các lực lượng cộng sản, thậm chí phần nào còn làm suy yếu sự tập trung, đoàn kết và tinh thần của VNCH, đưa đến kết cục tháng 4/1975.


Giáo sư Vũ Tường, trưởng ban tổ chức hội thảo, ghi nhận việc có tới 7 nhà nghiên cứu đến từ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tham gia hội thảo, một biểu hiện về sự cởi mở hơn về phía nhà nước Việt Nam và sự mạnh bạo hơn về phía các nhà nghiên cứu ở trong nước đối với các đề tài “nhạy cảm”.


Trong trao đổi với phóng viên VOA, vị trưởng ban tổ chức cũng đánh giá cao các nhà nghiên cứu trẻ, trong độ tuổi 20-30, là người gốc Việt ở Mỹ, Úc và Đức đóng góp tới 60% lượng bài tham luận tại hội thảo. Ông Tường Vũ cho rằng thực tế đó chứng minh là tư tưởng cộng hòa vẫn đang được nuôi dưỡng trong cộng đồng người Việt hải ngoại hôm nay.


Nhận xét về chất lượng công việc của các nhà nghiên cứu trẻ Việt kiều, giáo sư Tường Vũ nói:


“Họ rất tốt, họ rất là giỏi, họ nghiên cứu kỹ. Phần lớn họ được đào tạo bài bản ở những trường lớn của Mỹ, thành ra là những nghiên cứu [của họ] rất bài bản, rất tốt”.


Bày tỏ “vui mừng” khi nhiều bạn trẻ gốc Việt quan tâm, tìm hiểu, góp phần bảo tồn lịch sử, ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi của VNCH, nói với VOA rằng ông cũng muốn khuyên họ “cần thận trọng” khi tham khảo các nguồn tư liệu trong nước để tránh bị ảnh hưởng từ các thông tin “bị bóp méo”.


Kết thúc hội thảo, giáo sư Tường Vũ cho biết ban tổ chức sẽ tập hợp 32 bài tham luận rất có giá trị để in thành sách trong vòng 1 năm.


Trong những bài kế tiếp, VOA sẽ tường thuật chi tiết hơn về các quan điểm và những tranh luận xoay quay một số vấn đề chính yếu có tính cách quyết định đến sự hưng vong của Việt Nam Cộng Hòa và di sản để lại được bảo tồn trong cộng đồng người Việt hải ngoại.