Phạm Quốc Bảo: Viết giữa cơn đại dịch (Phần III & IV hết)

12 Tháng Mười 20207:52 SA(Xem: 6085)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ HAI 12 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Viết giữa cơn đại dịch


LỜI TÒA SOẠN: Phạm Quốc Bảo - Nhà văn, đồng thời cũng là một Nhà báo, ông làm việc cho Nhật báo Người Việt từ tháng 2- 1982. Nay ông đã chính thức về hưu.


Không phải đến lúc này ông mới viết. Từ năm 1969, ông đã cho ra mắt độc giả trên 20 cuốn sách.
Đây là lần đầu tiên tác giả Phạm Quốc Bảo góp bút với Văn Hóa Online - California, (nhatboavanhoa.com).Bài viết có tên: "Viết Giữa Cơn Đại Dịch”.Riêng cái tựa đề này đã khiến chúng ta phải thắc mắc, tác giả muốn dựa vào thực tế hiện nay để chuyển tải những gì đây?


Bài viết khá dài (gần 17 ngàn chữ), tòa soạn chia ra từng phần và sẽ đăng nhiều kỳ. Trân trọng giới thiệu cùng qúy bạn đọc và cảm tạ cây bút lão luyện Phạm Quốc Bảo đã đến với độc giả nhatbaovanhoa.com. (lkt)    


image002
Phạm Quốc Bảo


PHẦN III
         Tivi Little Sàigòn thăng hoa thời đại dịch


Trước khi tiếp tục tìm hiểu vào diễn tiến vòng xoay năm mươi năm biến động vừa qua của xã hội Mỹ và thế giới để phóng tầm nhìn vào viễn tượng ngay ở trước mặt, tôi thấy cần tóm lược sức bung mạnh tươi tắn của một sinh hoạt cụ thể đang diễn ra tại khu Little Sàigòn này: 
Nằm nhà, không tiện ra ngoài, tôi hiện dần quên đi thói quen hằng ngày đọc báo giấy.
Hơn nữa, căn nhà tôi cư ngụ lâu nay đã không còn lưu lại một chiếc máy thâu thanh nào, và sinh hoạt hằng ngày tôi cũng đã chẳng có nhu cầu để ý xem rằng hiện nay còn được bao nhiêu cơ sở phát tuyến nữa.


Riêng về điện thoại, theo mục https://en.wikipedia.org/wiki/Mobile_phone, chiếc phôn tay hay phôn di động ( handphone, mobilephone) từ 1973 đến 1979 đầu tiên được bán cho mọi người tự do xử dụng, đến 2014 thì lan tràn khắp thế giới. Trong giai đoạn này, vì cạnh tranh nên diễn trình ứng dụng những kỹ thuật cao của thời đại internet, phôn tay luôn được khai thác tối đa những dáng kiểu mới lẫn thêm gấp bội lên khả năng đa dụng hóa.  Năm 2016 là thời điểm chiếc điện thoại thông minh (smartphone) đạt lượng 7 tỷ chiếc được bán ra! Tại sao? Tại vì một chiếc phôn thông minh tối tân nhất hiện nay phức hợp đa dụng đến độ vượt hẳn ra khỏi mục đích đơn giản ban đầu là giao tiếp bằng tiếng nói với bất cứ ai ở bất cứ nơi nào, trên địa cầu lẫn trên phi cơ, trên tầu thủy. Nó bấy giờ còn là cái laptop – tivi- radio nghe nhạc- máy chơi game- tra cứu tự điển…Thậm chí nó còn có thể dùng thay remote control đều khiển tự động từ xa để bật tivi, mở hệ thống an ninh nhà cửa…Nó là chìa khóa mở cửa nhà để xe, mở và nổ máy chiếc xe hơi; rồi khi mình đi xe thì nó cung cấp luôn bảng hướng dẫn ta lái đến nơi cần đến. Nó cũng được dùng thay cho thẻ căn cước, thẻ tín dụng, vân vân. Tóm lại, chiếc điện thoại thông minh luôn có mặt bên cạnh người xử dụng nó, hằng giờ hằng phút hằng ngày, đến độ nó còn là đồng hồ báo thức nữa và nếu được lưu dữ liệu thì nó sẵn sàng nhắc nhở chúng ta cần làm gì – vào lúc nào trong ngày- trong tuần lễ- trong tháng! Nghĩa là nếu nếp sinh hoạt này trở thành tự động hóa thì thiếu nó, chủ nhân của nó có thể không còn biết là nên làm gì nữa. Nghĩa là khi xử dụng hết những khả năng của nó thì thực tế rõ rệt rằng nó là ‘chủ’ của người đang sở hữu nó!


Trở lại với trường hợp cá nhân thì trên 10 năm nay, tuổi đã lớn, nhu cầu sinh hoạt hằng ngày càng lúc càng đơn giản hóa, tôi chỉ còn cần lưu lại một trương mục internet trả rẻ hằng tháng để bao việc dùng cho cả tivi, cái laptop lẫn phôn nhà. Đi đâu ra ngoài thì đối đế lắm, tôi nhờ phôn tay của người đồng hành mà liên lạc.Điều thổ lộ này đã chẳng hề bí mật gì nữa đối với bạn hữu và gia đình thân quyến.


Bầy tỏ như vậy ra đây, tôi cũng chỉ muốn thú thật về một ‘sinh hoạt quê mùa’ của cá nhân mình đang hiện diện trong cuộc sống hết sức tân tiến điện toán hóa ngày nay của xã hội loài người!
Và như vậy, có nghĩa rằng hoàn cảnh covid-19 chiếm ngự, phải tự cách ly ở nhà hiện giờ, thì cái tivi chính là một thú tiêu khiển của tôi, ngoài việc đọc sách báo và tài liệu. Mỗi ngày mấy bận tôi bật nó lên xem độ 15 phút hay nửa giờ mỗi lần.



Và trên tuần lễ nay, tôi để ý theo dõi mấy chương trình tivi việt ngữ tại khu dân cư Mỹ gốc Việt ở trung tâm Little Sàigòn và nhận xét đại loại sau đây:
 
Các chương trình tivi Việt ngữ vươn mạnh
Điểm qua những chương trình truyền hình việt ngữ hiện đang hoạt động hằng ngày- hằng tuần  tai miền Nam Cali, chúng ta có thể nêu ra mấy yếu tố tiêu biểu như:

* Lượng phong phú nhờ đại dịch:
1/. Đầu tiên, chúng ta thử đếm sơ qua xem tại đây hoạt động truyền hình của cộng đồng Mỹ gốc Việt ở khu Little Sàigòn hiện diện ở bao nhiêu băng tần (channels, Live TV):
- 6 băng tần 14, từ 14.1 đến 14.7; 1 băng tần 18.12; 1 băng tần 56.10; 15 băng tần 57, từ 57.2 đến 57.18 9, trừ băng tần 57.9. Tổng cộng 23 băng tần tất cả. Đến thứ Năm, 24/09/2020, băng tần 14.3 không còn tiếp tục phát hình tiếng Việt nữa, chỉ còn một mẫu quảng cáo chiếm trọn màn hình của băng tần này là bắt đầu cần cho thuê 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày/ tuần lễ. Như vậy nghĩa là tổng số chỉ còn 22 băng tần phát hình tiếng Việt, kể từ ngày này!
- Nhưng có độ 4 cơ sở cho phát hình một lúc trên 2 băng tần: Asian World Media ( 14. 1 & 6), LittleSàigòn Tivi ( 14.2 & 56.10), SET ( 14.3 & 57.11), và IBC ( 14.7 & 18.12)
- Nhận xét thêm vào chi tiết thì chúng ta có thể biết được rằng trước thời gian đại dịch, lượng các chương trình này hiện diện trên độ 18 băng tần là cùng; nhưng khi coronavirus lây lan cách đây trên dưới 5 tháng, đã có thêm đến 5 băng tần truyền hình việt ngữ nữa xuất hiện!

*Lý do & nguyên nhân?
Chắc là chúng ta cũng phải thắc mắc là tại sao số lượng băng tần tivi việt ngữ lại có thể tăng đột biến nhanh như vậy? Nhờ đâu?


- Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng cách đây độ trên dưới 10 năm, ở đây chỉ có độ năm bẩy băng tần tivi việt ngữ, nhưng mỗi lúc quảng cáo mỗi tăng mức độ hữu hiệu, nên mỗi lúc một tăng theo cấp số nhân về lượng lẫn ngân khoản thu nhập. Đặc biệt hữu hiệu nhất vẫn là thương hiệu buôn bán các loại thuốc dinh dưỡng (sâm, nhung, yến..), thuốc bổ đông tây y - bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp, mỹ phẩm.Cứ để ý một chút là thấy ngay, công việc quảng cáo với talk show chiếm hầu hết thời lượng phát hình của các băng tần này. Có băng tần đưa ra mục “Mua gì đây ta?” thẳng thắn trực tiếp chuyên chú vào một việc là bán hàng trên nét. Thậm chí có ít nhất là 5 băng tần chỉ chuyên quảng cáo bán hàng, thỉnh thoảng lắm mới xen vào một vài tiết mục hát ca nhạc hú họa điểm xuyết làm duyên mà thôi!
- Đặc biệt tình trạng cách ly xã hội, hầu hết ở nhà, là yếu tố hỗ trợ đột biến quan trọng chính cho hiện tượng gia tăng cả  lượng lẫn phẩm chất các chương trình phát hình.

* Nội dung rõ rệt đa dạng hơn.
 Theo dõi liên tục độ một tuần lễ, phải công nhận rằng diễn trình truyền hình việt ngữ phát triển chính yếu đều dựa vào hai khả năng, nỗ lực chuyên nghiệp hóa của giới thông tin truyền hình và số lượng quảng cáo gia tăng hữu hiệu.


Nhờ vậy, trước thời gian đại dịch,  chỉ riêng mục tin tức và bình luận thời sự không thôi thì hầu hết các chương trình này đều cố gắng thực hiện thường xuyên ít nhiều gì hằng ngày. Nổi bật nhất và nỗ lực tiến bộ trông và nghe thấy, có thể tiêu biểu kể đến Thanh Tâm-Hoa Cát- Lương Minh Châu (trên SàigònTV, 57.5); Thời sự-247 với Đỗ  Dzũng trên SET (14.3): Luận Đàm Thời Sự do Lê Minh Nguyên-Nguyễn Kim Bình chủ trì, với sự góp mặt từng kỳ từng vấn đề của Đinh Xuân Quân (tiến sĩ kinh tế), Phạm Khắc Khiêm ( dược sĩ ), Quỳnh Kiều (y sĩ), Ngô Bá Định (y sĩ)... trên LSTV, 56.10, và.mục “Người Việt Đó Đây” trên VNA/TV, 57.3; ..Còn chương trình dành cho trẻ Việt thì Tuổi Hoa với Quyên Di - Hoa Cát rồi Lương Minh Châu ( SàigònTV)…Và nhiều mục khác không được phát hình đều đặn mỗi tuần…Xin chỉ xin liệt kê chứ không tiện vào chi tiết ở đây.
Thế rồi đến năm tháng nay, tình hình đột biến thúc đẩy nhờ đại dịch, đã đưa lại nhiều những mục mới, cụ thể tiêu biểu đại khái như…

1/- Sôi nổi- đa dạng nhất vẫn là lãnh vực ca nhạc - giải trí


- ViệtFace TV( 57.2), SET ( 57.11 & 14.3) xưa nay vẫn là các băng tần nổi đình đám hơn cả về những thời lượng dành cho các chương trình giải trí văn nghệ ca- nhạc- kịch. Lý do dễ hiểu là
được 2 cơ sở này bao thầu  như thế bởi họ là hai trung tâm băng nhạc Thúy Nga Paris By Night và Asia với quá trình hoạt động liên tục mấy chục năm rồi, gồm đội ngũ cả trăm ca nhạc sĩ và sở hữu hàng trăm những videos- CD- DVD… thì  họ có khả năng muốn cho phát hình lúc nào mà chả được. Nhưng đáng lưu ý là trong mùa đại dịch này, hàng tuần họ thực hiện sáng kiến mới: Các ca nhạc sĩ trong trung tâm của họ cũng không có show đi xa nữa, họ liền tổ chức quay và phát hình liền những mục nghệ sĩ tâm tình và hát trực tiếp cho khán thính giả trên những băng tần của họ. Như Music Box của 57.2…


- Hầu hết các băng tầng tivi việt ngữ địa phương đều tha hồ sử dụng tối đa những youtube-clips, facebooks  ca nhạc cá nhân hay của những studios chuyên nghiệp đã được tung dẫy đầy trên nét, mục đích để lấp đầy những thời lượng trống phát hình mỗi ngày.
- Trong đấy phải kể cả những phim bộ thuê của Hồng Kông, Đài Loan, Đại Hàn, mới đây còn thêm của Thái Lan, Ấn Độ. Riêng những phim truyện được thực hiện của giới điện ảnh trong nước thì mới đây giới thưởng ngoạn nhận ra rằng vài bộ phim nói tiếng Bắc trội hơn về diễn xuất lẫn kỹ thuật - tình tiết và nội dung truyện phim.
- Thêm vào đó, để trám vào các giờ phát hình trống, những đoạn ca nhạc được lấy trên nét xuống cho chúng ta nhận ra vài nét mới.Thí dụ, nhạc vàng – nhạc tiền chiến xem ra đang đâm chồi hồi phục, như phong trào nhạc boléro vụt thịnh hành ở trong nước mấy năm nay. Cạnh đấy, thi thoảng cũng nghe được một số bản nhạc mới sáng tác và mấy ca- nhạc sĩ trẻ lẫn trung niên đã để lộ ra tài năng khá xuất sắc…

2/- Những đáp ứng tiêu biểu cho sinh hoạt cộng đồng:


-  Ca nhạc & cải lương là những tiết mục không hề thiếu xuất hiện hằng tuần rải rác trên đủ các băng tần. Như hát cải lương “Cổ Nhạc Tình Quê” trên AWM (14.1 &14.5), Việt News (14.4)… Đặc biệt hơn là mục Hồng Loan phỏng vấn về cuộc đời của những ca nhạc sĩ đờn ca tài tử- hát bộ - cải lương trên ViệtFace TV(57.2), cũng như “The Jimmy Show” mục “ Mỗi tuần một câu chuyện”, Thái Nhựt mời các ca nhạc sĩ tân nhạc tâm tình trên SET (14.3)
- Hoạt động tôn giáo như Cao Đài- Phật Giáo Hòa Hảo thì lễ lạc vẫn thường được thể hiện qua những phóng sự bằng hình trên hầu hết các băng tần. Các buổi lễ Tin Lành - Thiên Chúa Giáo - Phật Giáo xuất hiện hằng tuần trên các băng tần như VBS (57.6), Little Sàigòn TV (56.10 & 14.2) , VNA TV ( 57.3), Asian World Media (14.1 & 14.5), VietMediaTV( 57.14), nhất là trên IBC ( 14.7 & 18.12)…Riêng vào thời gian mùa đại dịch, băng tần 57. 16, IVTV do viện Bồ Đề Phật Quốc chủ trì đã xuất hiện góp mặt với các mục giảng và dẫn giải từ Lớp học trực tuyến về Phật học chiếm phần lớn thời lượng phát hình …Và vào ngày 12 tháng Chín 2020, trên băng tần 57.17 Food & Fun TVTMTV) có chiếu lại clip của thượng tọa Thích Pháp Hòa ( tu viện Trúc Lâm) trực tiếp vấn đáp Phật pháp bên Úc.
- Cạnh đấy, các mục đáp ứng với nhu cầu hướng dẫn tâm linh cho đời sống và việc làm ăn, kinh doanh thương mại cũng không hề thiếu. Như  các mục Tử vi & đời sống hằng tuần với chiêm tinh gia Trí Đức, băng tần 56.10; “Tin hay…Không Tin” với Lê Tín trên băng tần 14.1 (AWM);   Chiêm tinh gia-Địa lý gia Lê Tấn Đạt “Siêu Âm Tướng Pháp”trên AVA (57.7); và Phong Thủy-Gieo Quẻ Bát Quái với thầy Huỳnh Văn Thương trên VBS (57.6) và VCAL TV ( 57.13)…
-  Tiếp chiếu những bản tin phát hình phần tiếng việt của các hệ thống thông tin quốc tế thì cũng khá phổ biến. Như chương trình của VOA được thấy trên các băng tần VNA TV (57.3), VietSky ( 57.4), BBC, RFI và RFA trên mấy băng tần khác, như Việt Phố TV (57.10) …
-  Mục hướng dẫn nấu ăn cũng không thiếu trên các băng tần. Như “Veggie Cooking Show” trên Sàigòn TV (57.5)…

Những tiết mục đa dạng tạm kể ở trên nhằm chứng minh là những băng tần phát hình tiếng việt hiện đang thực sự nỗ lực phục vụ cụ thể và nỗ lực chuyên nghiệp hơn, cho cộng đồng dân cư Mỹ gốc Việt thuộc miền Nam Cali, mà còn luôn có tham vọng vươn đến các vùng dân cư khác, như lên Bắc Cali, sang Texas và cả ở bên Canada nữa.

*Các mục độc đáo thời đại dịch.
Bước vào thời đại dịch, cách đây trên 5 tháng, đã có thêm tới ít nhất 5 băng tần tivi tiếng việt mới vừa được khai sinh. Biết bao nhiêu chương trình và tiết mục mới xuất hiện một cách xôm tụ hẳn. Chúng ta không có tham vọng liệt kê đầy đủ mà chỉ thử điểm ra những đặc sắc mới.



Âm nhạc vẫn là lãnh vực thể hiện phong phú nhất:
 Đáp ứng sớm nhất với thời đại dịch phải kể đến hai mục ca nhạc trên nét. Như của ca-nhạc sĩ Quốc Sĩ  sáng tác và hát “Bàn Tay Nhân Ái”(-https://nvnorthwest.com/2020/09/musician-singer-quoc-si-even-without-stage-loves-to-perform-for-fans-the-challenge-of-creating-intimacy-in-the-age-of-social-distance/). Như video clip “Tri Ân” sáng tác nhạc của Châu Đình An do ca sĩ Melanie Nga Mi hát và thực hiện. Đặc biệt ca sĩ Nga Mi là chuyên viên y tế hiện đang ở tuyến đầu phục vụ hằng ngày tại bệnh viện chăm sóc cho bệnh nhân covid-19 ( theo NVTB online & Facebook Livestream)
Ngoài ra, giới thưởng ngoạn cũng xem và nghe thấy những video-clip (facebook) của Lưu Bích - Liêu Chấn Phong chiếu trên băng tần 57.17; Chung Tử Lưu - Thạch Hoàng - Lê Hoàng Mỹ Linh hát trên ViệtLife TV( 57.18); “ Âm nhạc & Đời sống” với Quốc Khanh và nhóm trên CBN ( 14.5); Blue Ocean Music trên LSTV (14.2); Nhóm ca nhạc Tình Tự Music của Lê Hoàng Hiệp (hát và xử dụng keyboard) - Hà Thanh Vân - Hoàng Yến - Jason (hát và chơi guitar) trên 56.10; VS Music Studios của Bích Vân (tinhtumusic@g mail.com);…


- Cập nhật thời đại dịch:
Tất cả các băng tần tiếng việt ở đây đều thông tin hằng ngày về diễn tiến đại dịch, nhưng bao giờ cũng lẫn lộn vào các tin thuộc lãnh vục khác đang xẩy ra và cần được nhắc tới.
Cho đến nay đặc biệt xuất hiện hằng ngày một mục riệng biệt chỉ để cập nhật hóa những gì cần lưu ý đang diễn biến và vấn đáp chuyên về đại dịch, có Chung Tử Lưu với 30 phút mỗi ngày trên Food & Fun TV ( 57.17) rồi chuyển sang băng tần ViệtLife TV( 57.18) và Nguyễn Tuyên trong mục “Đời sống & Xã hội” trên AVA TV (57.7).
- Những mục gây nhiều sôi nổi..,mà vui:
Cạnh đấy chúng ta lại tiếp nhận một số các tiết mục mới, đáp ứng với nhiều điểm nóng liên quan tới không khí tranh cử hiện nay nhưng khá bổ ích trong không khí của đời sống mùa đại dịch. Các tiết mục này sôi nổi ở khía cạnh không kém phần kích động nên gây được sự đặc biệt chú ý.
 Chẳng hạn những mục Thời sự 247 với Đỗ Dzũng trên SET ( 14.3). Tin tức- bình luận với Anh Dũng - Thanh Thảo - Tyler Diệp, và mục quan điểm với Tyler Diệp - Trần Thái Văn - Tạ Đức Trí trên Việt Face TV ( 57.2). Café Sáng với Đinh Quang Anh Thái - Ngọc Lan - Lê Thái… và mục “Mỗi tuần một vấn đề” với Tạ Trung - Hoàng Trọng Thụy trên LSTV ( 56.10)
Xét vào phân tích - nhận định, các tiết mục này đang biểu hiện cho thấy rằng tác động giữa hai giới truyền thông và khán thính giả mỗi lúc mang mầu sắc tích cực hơn, khiến cả hai giới càng có cơ hội trực tiếp trao đổi ý kiến chủ quan và đồng thời tự động điều chỉnh để cùng tiếp bộ, trong nếp sinh hoạt tự do-dân chủ đang có nỗ lực điều chỉnh.
Các mục dành cho giới trẻ trong mùa đại dịch:
Đặc biệt là chúng ta mừng trong nỗ lực lưu trữ nếp văn hóa dân tộc ở thế hệ thứ hai-thứ ba của cộng đồng gốc Việt: Khá nhiều tiết mục liên quan tới giới trẻ được thể hiện trên hầu hết các băng tần tivi tiếng việt tại đây, như chưa bao giờ chúng ta được thưởng thức như vậy. Có lẽ vì chính yếu nhờ tình trang cách ly mùa đại dịch mà yếu tố này được nở rộ(?). Sau đây chỉ xin nêu những nét điển hình nhất mà thôi.
Chẳng hạn như Thiếu nhi hát của Câu lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ của nha sĩ Cao Minh Hưng lại xuất hiện thường xuyên hơn trước đây, qua chương trình “Zoom up” Little Sàigòn TV (14.2 & 56.10).
Chẳng hạn như chương trình “Tâm Ca Đạo Hiếu” & “Mùa Báo Hiếu” được thực hiện với Ngọc Huyền và Vũ Quang Minh chủ trì trên băng tần 14.7 của IBC.
Chẳng hạn như chương trình Tết Trung Thu 2020 với giới trẻ trên LSTV ( 14.2 & 56.10) được tổ chức qui mô nhằm cho trẻ thực tập trong các cuộc thi ca múa hát, làm lồng đèn và hướng dẫn làm bánh Trung Thu ngay ở hai tuần lễ cuối tháng Chín này.
Chẳng hạn chương trình “Ước Mơ Việt” của ca sĩ Thiên Hương được phổ biến 2 tháng nay trên
các băng tần 14.2, 56.10 và 14.7. Mục đính là ‘bảo tồn tiếng Việt trong sáng’ cho giới trẻ gốc Việt không những ở địa phương Nam Cali mà đang lan sang các tiểu bang khác như Texas, Florida,…Chương trình này diễn  tiến đặc biệt công phu ở chỗ cho trẻ có cơ hội tự do thoải mái hát và đọc truyện cổ tích tiếng Việt vào video clip gửi đến và được ban tuyển lựa chọn lọc, góp ý sửa chữa, cho phát hình rồi mới sắp xếp trao giải!



- Cuối cùng xin dành riêng để giới thiệu một mục có tên là “Nấu Ăn Kiểu Độc Thân” của một nhân vật đã thực hiện trên nét dưới cái website VUS Amdia Cooking. Mục này độc đáo về nhiều yếu tố: Thứ nhất là nội dung trao đổi công việc nấu ăn bao giờ cũng được hiện lên băng tần 57.18 vào lúc nửa khuya. Thứ hai, hầu hết chỉ chú trọng giới thiệu đến các món nấu hết sức thông dụng của người Việt ta, như thực hiện pha chế nước trái cây, các món tráng miệng, bánh mì trứng để gọn nhẹ lúc đói, vài món chiên xào, làm nhân bánh trung thu… rồi cả muối dưa nữa! Tức là chỉ chuyên chú vào các món ăn uống mà người sống độc thân thường ngày có thể cần thì tự làm lấy mà dùng, không khiến phải rầy rà tới ai khác. Thứ ba, khán thính giả chúng ta xem mục này chỉ thấy có hai bàn tay của chủ nhân tên Yến Châu, không bao giờ “chiêm ngưỡng” được trọn cả thân hình người ông ta, và cũng như không có thêm một ai khác nữa xen vào!  Thứ tư, chúng ta chỉ thấy được hai tay ông ta vừa làm, mà tai chúng ta lại vừa nghe tiếng dẫn giải của ông theo từng động tác thực hiện các món ăn uống. Phong thái thì thong dong, lời hướng dẫn cũng rất chậm giải từ tốn, âm thanh đều đều… Tất cả tạo nên một bầu không khí thân mật. Như chúng ta đang được nghe một người bạn mình thủ thỉ tâm tình, với một cảm giác gần gũi, khiến cho chúng ta có cảm tưởng như chính mình đang thực hiện các món ăn uống đó vậy!

                                                      PHẦN IV
                                      Coronavirus và toàn cầu hóa
                                                    B


Từ những nét chính của nội dung các tiểu mục ở trên, tôi tạm nêu ra mấy ý tưởng mới, với hy  vọng có thể vạch ra hướng mới nào đấy cho viễn tượng diễn biến của khung cảnh tiến triển chung  trên thế giới. Như chính đại dịch đã và đang tạo nên một số biến đổi trong nếp sinh hoạt hằng ngày của chính chúng ta.
Các tiết mục dưới đây chỉ là những gợi ý, để mong rằng có thể tạo cơ hội cho chúng ta trao đổi thiết thực được phần nào về vấn đề chung của chúng ta mà thôi, chứ tuyệt đối không hề có ẩn ý áp đặt nào.

* Khủng hoảng tâm lý xã hội do Covid-19 đem lại.
Những biến động đang diễn tiến do đại dịch coronavirus gây ra trên thế giới hiện nay, ngày một đang lộ rõ những ảnh hưởng sâu xa trong đời sống chúng ta. Trong ấy, tôi thấy tiêu biểu cần nhấn mạnh đến là khía cạnh tâm lý con người. 
Mở đầu bình luận nhan đề Giải pháp nào để thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19?”, đăng ngày 20/09/2020 trong http://nghiencuuquocte.org/2020/09/20/giai-phap-nao-de-the-gioi-vuot-qua-khung-hoang-covid-19/, tác giả Tạ Hoàng Tấn viết:


Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tính thảm họa: Đại dịch Covid-19.Trong lịch sử thế giới hiện đại, chưa từng có một thời khắc nào mà loài người chúng ta phải đối diện với một cuộc khủng hoảng có quy mô rộng lớn đến như thế. Đại dịch Covid-19 đã tấn công loài người chúng ta trên khắp các chiến tuyến: Từ thành thị đến nông thôn, từ vùng biển đến vùng trời, từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu sang châu Mỹ…Không một vùng đất nào của Địa Cầu thoát khỏi sự kiềm tỏa của Đại dịch Covid-19. Đây thật sự là một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 hầu như phá hủy hạ tầng y tế của nhiều quốc gia: Bệnh viện bị quá tải, máy thở không đủ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, khẩu trang không đủ cho người dân, đồ bảo hộ không đủ cho nhân viên y tế, hệ thống xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây nhiễm… Chính vì những lý do này mà số ca nhiễm và số ca tử vong không ngừng gia tăng.
Tuy những hậu quả do Đại dịch gây ra về mặt sức khỏe và sinh mệnh của người dân là rõ ràng. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Đại dịch Covid-19 còn gây ra những tác động xấu về mặt tâm lý, xã hội, kinh tế…
Về mặt tâm lý, Đại dịch đã làm cho mọi người luôn có cảm giác bất an, lo lắng về bản thân, cảm thấy tương lai của mình là bất định. Nhiều người vì thế đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Về mặt xã hội, Đại dịch đã làm cho mọi người ngại tiếp xúc với nhau: Hàng xóm tránh tiếp xúc nhau, bạn bè ngại gặp nhau, đồng nghiệp hạn chế nói chuyện với nhau… Các mối quan hệ xã hội vì thế không thể phát triển được. Do đó có thể nói các thành viên trong xã hội đang bị cô lập thật sự. Điều này làm cho tâm trạng của mọi người càng trở nên u uất hơn. Khủng hoảng tâm lý
xã hội vì thế càng nặng nề hơn. Đặc biệt, về mặt kinh tế, tác hại của Đại dịch đối với nền kinh tế thế giới là có tính phá hủy. Do số ca nhiễm và số ca tử vong hầu như tăng theo cấp số nhân nên các quốc gia buộc phải áp dụng các biện pháp cách ly và phong tỏa đối với người dân của mình. Những biện pháp bắt buộc này đã làm cho thương mại quốc tế bị suy giảm, các nền kinh tế bị cô lập, sản xuất bị đình đốn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia vì thế được dự báo là sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng…”

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng khủng hoảng không cứ chỉ đưa đến “thảm họa”, có thảm họa chăng là một bất chợt đại dịch xẩy đến, rồi chúng ta mãi chẳng tìm ra được phương thức vượt thắng những hậu quả của nó mà thôi.

Mấy nét tiêu biểu của vị tổng thống đương nhiệm.
Trên 30 năm nay, tôi bỏ phiếu với tư cách pháp nhân độc lập, không đảng phái. Do đó tôi không có nhu cầu phải theo chủ trương của đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, và tôi không hề có ý định vận động ủng hộ cho ứng viên tổng thống Mỹ nào ở cuộc bầu cử sắp tới vào cuối năm nay. Tôi cũng không bị bó buộc viết theo quan điểm của cơ sở truyền thông nào đã chịu chi phối bởi đã nhận chi phí quảng cáo cả.


Những gì được thể hiện sau đây đều tóm tắt lại những gì tôi đã đề cập liên quan đến tổng thống Donald  J. Trump ở những tiểu mục trước, hoặc bổ túc thêm những gì cần nhấn mạnh cho rõ nét về ông ta ( dĩ nhiên là dựa vào chỉ tiêu chọn lựa khách quan trung thực từ những nguồn tin đa chiều và cân bằng hằng ngày tôi nhận được):
- Cá tính của ông Trump đặc biệt quan trọng ở khía cạnh chi phối thái độ và hành xử chức vụ tổng thống của ông.
- Người ta dẫn chứng nhiều những sự kiện để cho rằng ông Trump chủ trương chủ nghĩa dân túy, bảo thủ một cách quá khích và thiên về khuynh hướng thượng tôn da trắng, kỳ thị dân da màu…
Dựa vào những gì ông thực thi gần 4 năm nay mà xét thì đơn giản chẳng qua là ông hành xử như một cá nhân đã quen sẵn có nếp quyết đoán trong đời sống của riêng ông ta.
-  Dựa vào tiểu sử được phổ biến, quá trình trở thành một tỷ phú kinh doanh luôn là nền cho ông hành động trong tư cách tổng thống.
-  Chỉ riêng đề cập đến sách viết về ông Trump trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống (2016-2020) thì có tới 4 cuốn đáng kể: “Understanding Trump”của New Gingrich; “The Room Where It Happened  : A White House Memoir”của John Bolton; “Too Much- Never Enough” của Mary Trump, và “Rage” của Bob Woodward.
Chỉ xin chọn trích ra đây vài đoạn viết về thái độ của ông Trump đối với cơn đại dịch này: Bản tin của The Hill hôm Thứ Tư, 9 Tháng Chín-2020, nói “…ông Trump xác nhận với ông Bob Woodward, ký giả của tờ Washington Post,( tác giả cuốn Rage sắp được xuất bản) trong cuộc phỏng vấn hôm 19 Tháng Ba, rằng ông “muốn làm giảm nhẹ vấn đề” để dân chúng Mỹ không hốt hoảng, theo đoạn ghi âm được CNN công bố.Tuy nhiên, bên trong thì Tổng Thống Trump đã biết rõ về mối đe dọa vô cùng nguy hiểm của loại virus này.
Ông Woodward đã có 18 lần phỏng vấn Tổng Thống Donald Trump, từ ngày 5 Tháng Mười Hai, 2019, cho tới ngày 21 Tháng Bảy, 2020. Các cuộc phỏng vấn này được ghi âm, với sự cho phép của Tổng Thống Trump.”
Nhưng“Các phát biểu của Tổng Thống Trump với ký giả Woodward khác hẳn với những gì ông nói với dân chúng Mỹ về đại dịch COVID-19.
Hồi Tháng Hai, Tổng Thống Trump liên tiếp nói nước Mỹ đã kiểm soát được tình hình bệnh.Vào cuối Tháng Hai, ông tiên đoán Mỹ sẽ sớm tiến tới việc có “hầu như là số không” về các trường hợp bệnh. Sang đến Tháng Ba, trong cuộc gặp gỡ dân chúng do Fox News tổ chức ở Rose Garden, Tổng Thống Trump so sánh số trường hợp bệnh và tử vong do COVID-19 cũng giống như mùa cúm, và nêu lên sự kiện là “nền kinh tế Mỹ không đóng cửa mỗi năm do có cúm”.... Tổng Thống Trump đang bị chỉ trích nặng nề về cách ông đối phó với đại dịch, đặc biệt là việc ông tìm cách làm giảm nhẹ mức độ trầm trọng của mối đe dọa cho y tế cộng đồng trong thời gian đầu của dịch.
Từ đó đến nay, ông Trump đưa ra các cách điều trị chưa được kiểm chứng và cũng không thúc đẩy việc đeo khẩu trang, dù rằng có các khuyến cáo từ cơ quan y tế chính phủ. Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc khẳng định rằng Tổng Thống Donald Trump không hề nói dối dân chúng Mỹ, mà ông chỉ tìm cách cho thấy là ông bình tĩnh trước sự việc
…”


… ABC News  tường thuật lại buổi phỏng vấn ông Trump hôm Thứ Tư, 23 Tháng Chín-2020 rằng Tổng Thống Donald J. Trump từ chối bảo đảm chuyển giao quyền hành sau ngày bầu cử vào Tháng Mười Một nếu ông bị thua. .Trong nhiều tháng qua, ông Trump thường tìm cách dèm pha việc bầu bằng thư, trong lúc cử tri Mỹ phải giới hạn đối diện với việc bầu cử như thế nào trong thời đại dịch COVID-19 còn đe dọa Hoa Kỳ... Không bảo đảm chuyển giao quyền hành một cách êm thấm của Tổng Thống Trump là điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.Thủ tục này là một yếu tố quan trọng của nền dân chủ Hoa Kỳ.


Tóm lại, có thể nhận xét ngắn gọn rằng qua gần 4 năm giữ chức tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump đã nói và làm những gì không hề giống bất cứ một vị tổng thống tiền nhiệm nào.
Cạnh đấy, đây có phải cũng là một cảnh báo là đã đến lúc cần tái xét lại nền tảng tiến bộ của xã hội Hoa Kỳ lẫn thế giới, trong tiến trình chung của loài người, vấn đề tái xét này rất bình thường xẩy ra trong truyền thống thực dụng điều chỉnh của dân Mỹ. Phải chăng?

50 năm, ba biến động:
Ngoái lại diễn tiến trên thế giới trên dưới 50 năm nay, chúng ta có thể tóm tắt ở mấy biến động bao trùm cả xã hội loài người như:
- Khối các nước cộng sản thế giới xụp đổ:
MụcSự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu – Wikipedia tiếng Việt” đã mở đầu: (trích)“… Những sự kiện này bắt đầu từ Ba Lan vào năm 1989, và tiếp tục ở Hungary, Đông Đức, Bulgaria, Tiệp Khắc România… Một đặc tính phổ biến cho hầu hết các cuộc cách mạng này là việc sử dụng rộng rãi các chiến dịch của lực lượng đối lập chống lại chế độ độc đảng và góp phần gây áp lực với sự thay đổi ...Liên Xô bị giải thể vào cuối năm 1991 dẫn đến kết quả là Nga và 14 quốc gia tuyên bố tách khỏi Liên Xô..Rồi Albania và Nam Tư từ năm 1990 đến 1992, chia thành năm nước kế tục: Slovenia, Croatia, Cộng hòa Macedonia, và Cộng hòa Liên bang Nam Tư (gồm Serbia, MontenegroKosovo).Còn ở ÁBosnia và Herzegovina Châu thì Campuchia, Mông Cổ, Lào,... Sự sụp đổ liên tục này đã dẫn đến kết thúc Chiến tranh Lạnh

 Trích dẫn như trên, theo tôi vẫn phải nêu ra mấy điểm cần được điều chỉnh:
- Diễn tiến tạm tóm tắt như trên của mục này viết rằng giới tây phương gọi đây là”cuộc cách mạng 1989”, cũng như mệnh danh biến cố này là “ Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu” không thôi. Cả hai ý ấy đều không đủ nội dung bao hàm vụ việc một cách chính xác. Sự kiện này chỉ bắt đầu ở Ba Lan vào năm 1989, rồi sau đó lan dần sang các nước khác, không những ở Âu Châu  mà còn bao trùm rải rác khắp thế giới, và kéo dài tới nhiều năm sau đấy mới hoàn tất.
- Mệnh danh đây là sự xụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa thì càng khiến cho người đọc nhầm lẫn đến độ sai lạc, nguy hại:
Thứ nhất là các nước nêu trên thực chất vừa áp dụng chế độ độc tài (một nhóm quân đội hay chỉ có đảng Cộng Sản cai trị độc đoán), lại vừa cho thi thố thử nghiệm cái mà người ta mới mường tượng ra, chủ nghĩa cộng sản, nhưng họ lại tự xưng là “xã hội chủ nghĩa”. Xưng danh như vậy dễ khiến cho người ta  lầm lẫn với các xứ Bắc Âu( như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan..). Do dân bầu, guồng máy điều hành của các xứ này đã thực hiện phần nào thành tựu được cái gọi là chế độ dân chủ-xã hội.
Lối xử dụng từ ngữ diễn đạt vấn đề một cách nhập nhằng này hiện đang được ứng dụng để triệt hạ nhau trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ kỳ bầu cử sắp diễn ra đầu tháng 11 năm nay.
Thứ hai, rõ rệt cả sự kiện này bao gồm cả khối những nước áp dụng cộng sản chủ nghĩa trên toàn thế giới, thì phải đề là sự xụp đổ của Khối Cộng sản quốc tế mới chính danh.

- Cách mạng thông tin, khoa học& kỹ thuật:
“..Cách mạng thông tin là một khái niệm nói về những phát triển mang tính vượt bậc của khoa học và kỹ thuật diễn ra từ giữa thế kỷ 20, chính xác hơn, khi Thế chiến thứ hai (1939-45) kết thúc… mà nội dung khái niệm này có nhiều điều chưa được thống nhất trong giới học giả nói chung…
“..Trên lý thuyết, Cách mạng thông tin có nền tảng vững chắc từ những phát triển nhảy vọt về khoa học từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, như lý thuyết nguyên tử, cấu trúc về nguyên tử,
 thuyết tương đối và các thành tựu nổi bật khác trong vật lý, sinh học, hóa học,.. Học giả người Anh J. D. Bernal vào năm 1939 đã giới thiệu khái niệm "Cách mạng khoa học - kỹ thuật" trong tác phẩm "The Social Function of Science" (Chức năng xã hội của khoa học) để mô tả vai trò mới của khoa học - kỹ thuật trong tiến trình phát triển của xã hội…Daniel Bell vào năm 1980 phản bác lại thuyết này,ông cho rằng xã hội sẽ tiến vào giai đoạn hậu công nghiệp với các ngành  dịch vụ sẽ thay thế vai trò chính yếu của các ngành sản xuất vật chất trong nền kinh tế và  sẽ dẫn đến một xã hội dịch vụ.. Lập luận của Bell được một số nhà khoa học ủng hộ,tỉ như Zbigniew Brzezinski(1976) với tác phẩm"Technetronic Society" …Cách mạng thông tin bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 với sự ra đời của vi mạch  chip, từ đó dẫn tới các thay đổi mang tính cách mạng trong đời sống với sự phát triển vượt bậc của máy vi tính, máy tính, các công nghệ điện tử viễn thông khác và dẫn tới ngành dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng hơn so với ngành sản xuất công nông nghiệp…. Rất nhiều các phát minh lớn của thế kỷ XX như bán dẫn, tia laser,  năng lượng hạt nhân, máy tính điện tử,...có công dụng thúc đẩy xây dựng mạng lưới chỉ huy và thông tin liên lạc hiệu quả (ra đa) cùng những vũ khí có sức sát thương lớn (bom nguyên tử, tên lửa). Và cuộc  khủng hoảng dầu mỏ 1973 đã gây khủng hoảng toàn diện về cả kinh tế lẫn chính trị, đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết…Sự phát triển không những diễn ra trong các ngành khoa học cơ bản (toán học, vật lý, sinh học, hóa học) mà còn thể hiện ở việc phát sinh của nhiều ngành khoa học, kỹ thuật mới như khoa học vũ trụ, điều khiển học; còn đi sâu vào những lĩnh vực mới (thế giới vi mô, các vùng địa lý bí hiểm, bí mật của sự sống...) và hình thành nên ra các kỹ thuật mới, nguyên vật liệu mới, năng lượng mới mà các giai đoạn trước đó chưa từng tiếp cận hay hình dung được…Những tiến bộ thần kỳ trong lĩnh vực giao thông vận tải và thông tin liên lạc với những loại máy bay siêu âm khổng lồ, những tảu hỏa tốc độ cao,...và những phương tiện thông tin liên lạc, phát sóng vô tuyến qua hệ thống vệ tinh nhân tạo (Hệ thống Định vị toàn cầu GPS)..Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của khoa học và kỹ thuật như trên đã dẫn tới hiện tượng "bùng nổ thông tin”..Vốn kiến thức khoa học của nhân loại theo ước tính cứ 7 năm tăng gấp đôi, và số nhà khoa học cứ 10 năm thì lại tăng 2 lần...
Trên thực tế thì bắt nguồn từ những nhu cầu càng lúc càng tăng cao của con người trong suốt tiến trình lịch sử trong khi sức lực và khả năng (sinh học) của con người có hạn không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu ngày càng tăng ấy, đồng thời tài nguyên thiên nhiên, vật liệu tự nhiên về số lượng và tính chất cũng có giới hạn, không thể đáp ứng những yêu cầu mới nảy sinh trong cuộc sống. Hơn nữa, trong cuộc sống hiện đại, các vấn đề cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên-bùng nổ dân số- chiến tranh càng ngày càng cấp bách đòi hỏi những bước phát triển kịp thời của kỹ thuật, công nghệ để khắc phục những khó khăn và đáp ứng các đòi hỏi ngày càng gắt gao nhân loại. Đồng thời, do sống gắn bó chặt chẽ với các hiện tượng tự nhiên (gió, bão, mưa, sấm chớp, lũ lụt, động đất,...) và chịu nhiều ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực từ chúng, con người buộc phải đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học để hiểu rõ về tự nhiên nhằm khắc phục các tác hại và tận dụng các thuận lợi của tự nhiên cho mình…
[
trích Mục “Cách mạng khoa học - kỹ thuật – Wikipedia tiếng Việt” https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1ch_m%E1%BA%A1ng_khoa_h%E1%BB%8Dc_-k%E1%BB%B9_thu%E1%BA%ADt ]
  
Dẫn chứng khá dài dòng như vậy, cũng chỉ với mục đích là chúng ta phải hiểu đến ngọn ngành vào lý do và nguyên nhân lẫn những chi tiết cần biết, để nêu bật lên được yếu tố nội dung toàn cầu hóa của cuộc cách mạng thông tin hiện đang chi phối toàn bộ đời sống của nhân loại ngày nay.
Nó phát xuất từ nỗ lực phát kiến khoa học - kỹ thuật và diễn trình áp dụng vào thực nghiệm nhằm để phục vụ xã hội loài người. Từ đấy, nó dần dần làm mất đi một số nét cũng như đồng thời lại tạo nên một số nét văn hóa khác, sao cho phù hợp với sự biến động do nó hiện diện, thích ứng trong bầu không khí sống sinh động của xã hội loài người.

- Đại dịch CORONAVIRUS:
 Trong những đề mục ở trên, tôi đã rải rác nhiều đoạn dẫn giải về cơn đại dịch này rồi. Tiểu mục này chỉ xin đưa ra ngắn gọn những yếu tố chính vừa cập nhật và cần bổ túc thêm mà thôi.
Thống kê vào September 23, 2020 cho biết: Trên toàn thế giới (gồm 213 quốc gia lẫn vùng đất độc lập và 2 nơi quốc tế quản trị) có 32,043,394 ca nhiễm và 979,980 tử vong; trong đó thêm 273, 323 mới lây nhiễm và 5, 211 mới tử vong so với một ngày trước. Riêng Hoa Kỳ với tổng cộng 7 triệu 131, 060 lây nhiễm và 206, 337 tử vong. Nghĩa là chỉ 24 tiếng đồng hồ sau thì có thêm 33, 123 mới lây với 856 mới tử vong, Hoa Kỳ vẫn chiếm vị thế đầu bảng thống kê.
Hãng tin hình Pháp RFI hôm 16 tháng 9-2020 loan rằng cho đến nay, trong nạn đại dịch này, hầu hết các quốc gia giầu có tân tiến đều chỉ bận lo trực tiếp cho riêng dân cư họ; trong khi dân của những nước nghèo khổ thì chết vì đói ngang với lương tử vong vì dịch…Và các cơ quan cứu trợ quốc tế dự trù phải có ngân khoản70 tỷ Euro mới tạm phân phối được thuốc chủng ngừa cho dân toàn thế giới.


Bản tin CNN ngày 23 tháng Chín 2020 (https://www.cnn.com/2020/09/23/health/us-coronavirus-wednesday/index.html) cho biết “...Ít nhất là 22 tiểu bang báo cáo vừa gia tăng những ca nhiễm mới hầu hết thuộc 2 vùng trung tâm và Trung Tây Hoa Kỳ,..và “ chúng ta đang bước vào Thu- Đông” tiến sĩ Anthny Fauci nhắc nhở. Các chuyên gia y tế cảnh báo là tỷ lệ tử vong có thể gia tăng phức tạp vì mùa cúm thường năm đang ở trước mặt.


Trước đây, trong cuộc phỏng vấn trên PBS NewsHour, tổng thống Donald J. Trump đã tuyên bố: “ Dưới sự lãnh đạo của tôi, chúng ta sẽ sản xuất một loại thuốc chủng ngừa trong  thời gian kỷ lục…trong vòng tháng 10” này. Và các viên chức của cơ quan CDC cũng cho biết thuốc chủng có thể được phân phối vào tháng 10 hay tháng 11 năm nay. Còn bác sĩ Robert Redfield (CDC) đã nhắc nhở dân Mỹ rằng mặc dù có được chủng ngừa hay chưa, luôn luôn đeo khẩu trang vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất.


Vào hôm thứ Tư, 23 tháng Chín-2020, đều trần trước Ủy ban Sức Khỏe-Giáo dục- Lao động và Hưu bổng thượng viện Hao Kỳ, tiến sĩ Anthony Fauci chuyên gia hàng đầu quốc gia về Dịch tễ
cùng toán chuyên viên của ông lần đầu tiên tỏ ra lạc quan một cách cẩn trọng về diễn tiến sản xuất thuốc chủng ngừa coronavirus khi ông dự đoán rằng thuốc ngừa có thể được chính thức chuẩn thuận vào tháng 11 hay tháng 12 cuối năm nay. “ Những thử nghiệm vào động vật và người ở giai đoạn 1&2 cho thấy kết quả khả quan”, ông Fauci tuyên bố. Nhưng ông cũng tái xác nhận rằng chưa hề nhận được thuốc chủng ngừa do FDA chuẩn nhận. “ Chỉ khi được FDA chẩn nhận chính thức thì thuốc chủng ngừa mới thực sự giá trị an toàn”, ông nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc tiết lộ rằng nhiều kế hoạch đang được gấp rút dự trù, trong đó có thể vận dụng cả 8 ngàn chiếc phi cơ phản lực 747 liên tục chở thuốc chủng ngừa phân phối toàn cầu trong vòng một tháng trời!

* Đã đến thời điểm cần thực dụng điều chỉnh?
Mục này có tham vọng là dựa vào những gì trình bầy ở trên, chúng ta có thể tóm tắt những dấu mốc diễn biến vừa qua của thế giới, mà từ đấy, có thể nào mường tượng được những gì cần kịp thời điều chỉnh chăng.
-  Sau Thế chiến thứ Hai, Hoa Kỷ nghiễm nhiên là một cường quốc chi phối diễn trình tiến bộ của cả thế giới: Với kế hoạch Marshall, Mỹ giúp các nước Tây Âu hồi phục và mau chóng phát triển. Bên Á châu, trực tiếp qua tướng Douglas McArthur, Nhật vươn mạnh trong tái thiết và bung mở, Đài Loan rồi Đại Hàn cũng ổn định vượt bực tiến lên. Sau đấy, Mỹ tạo những điều kiện để dẫn đến sự xụp đổ Khối Cộng Sản Quốc Tế. Thúc đẩy những phát kiến khoa học-kỹ thuật và áp dụng những phát kiến ấy vào sự lớn mạnh những ngành công nghệ tiên tiến, cải thiện xã hội và đời sống con người nói chung. Đương nhiên, chủ trương và thực hiện những kế hoạch đại loại nêu trên, xã hội Mỹ là nơi thụ đắc trước tiên những phúc lợi và đồng thời cũng phải nhận chịu ảnh hưởng tai hại từ những biến động tiêu cực phản hồi lại nếu không được điều chỉnh kịp thời.


-  Chẳng hạn, đầu thập niên 1970, khi nhận thấy mầm chia rẽ giữa Liên Xô với Trung Cộng (TC) mỗi lúc một gay gắt, Mỹ chủ động bắt tay rồi bang giao với TC bằng những sự kiện bỏ hỗ trợ VNCH ( 1973-75), giúp TC vào thay ghế của Đài Loan trong LHQ (1976), im lặng để TC 'dạy cho VNCS một bài học”(1979), khai triển giao thương và liên tục huấn luyện nâng cấp chuyên viên mọi ngành nghề, tạo những điều kiện thuận lợi cho xã hội Trung Hoa lục địa phát triển… Đến giữa thập niên 1980, Mỹ chuyển giao hệ thống sản xuất cấp assembly rồi kỹ sư ngành điện tử từ 'thung lũng điện tử' Bắc Cali sang cho TC. Giúp TC mở mang những thành thị tân tiến, từ mô hình Thẩm quyến (1986)... 10 năm nay, TC vượt lên thành một siêu cường kinh tế dưới mô hình độc đảng cai quản, họ đang ve vãn khắp thế giới và mỗi lúc một cô lập hóa Hoa Kỳ.[ có thể đọc thêm -http://nghiencuuquocte.org/2020/09/17/thuc-hu-ve-ngoai-giao-chien-lang-cua-trung-quoc/ Tạp chí The Diplomat số ra ngày 09/09/2020, bài “Phải chăng Trung Quốc thực sự bắt đầu theo đuổi ‘Ngoại giao chiến lang’?”[Is China Really Embracing ‘Wolf Warrior’Diplomacy. Tác giả: Chen Dingding.  Nguyễn Hải Hoành dịch]


-  Đến  thời điểm trên dưới 5 năm nay, người ta nhận thấy rằng Russia (Nga) mỗi lúc một đàn áp thô bạo đối lập ( trường hợp cụ thể mới nhất là đầu độc và tịch biên tài sản nhà đối lập Aleksey Anatolyevich Navalnyy), lấn lướt Ukraina, chi phối Belarus, giao thương với các nước Âu Châu để hóa giải dần áp lực của NATO. Trong khi ấy, mối thống nhất của Liên Hiệp Âu Châu bắt đầu 'lỏng' ra qua hiện tượng Brexit ( Liên Hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland dự trù rời Liên Hiệp Âu châu). Hầu hết các nước trong khối cộng sản cũ thay đổi chế độ theo những diễn biến phức tạp chưa từng có. Còn Bắc Hàn thì quậy bằng tham vọng đe dọa thế giới. Nhưng đặc biệt là ‘Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa’ cố gắng âm mưu muốn vượt lên thành một cường quốc, sẵn sàng đương đầu vị thế cường quốc của Hoa Kỳ với chủ trương “Một Vòng Đai, Một Con Đường” (Nhất Đới, Nhất Lộ- One Belt, On Road, chính thức công bố vào tháng 5- 2017). Hoa Kỳ phải bắt đầu ‘be bờ’ với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương…
- Đúng dịp ấy đại dịch bùng ra, những tin tức mỗi lúc một rõ nét cho biết về nguyên nhân và lý do của đại dịch khiến cả thế giới e dè Trung Cộng, và thời điểm bầu cử tống thống Mỷ mùng 3 tháng 11đang tới gần…
- Ngoái nhìn lại, người ta thấy rằng Hoa Kỳ mỗi lúc một lún sâu vào tình trạng bối rối trước ba biến động lớn của thế giới vừa nêu trên: Từ vụ tin tặc Nga và Trung Cộng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử 2016 & 2020, qua thái độ tiêu cực đối với tổ chức Liên Hiệp Âu Châu - NATO, sang đến những hạn chế trong việc đối phó với đại dịch coronavirus.. .

Người ta tự hỏi, đã đến lúc Hoa Kỳ phải vận dụng tối đa khả năng tự điều chỉnh để có thể hữu hiệu vượt qua cơn khủng hoảng nhiều mặt này chưa?
Ít nhất thì từ những biểu hiện trong thời đại dịch này, tại Hoa Kỳ, người ta nhận ra rằng nên bắt đầu đề cập đến những điều căn bản, như là cụ thể tích cực tái xét lại “Tuyên Ngôn Nhân Quyền” trong Tu Chính Án thứ nhất, điều chỉnh lại 2 Tu Chính Án khác của Hiến Pháp sao cho phù hợp với biến chuyển thực tế hiện nay: số 2 về Bảo vệ quyền sở hữu và tự do mua - mang vũ khí của dân, và số 22 về Quyền Bình Đẳng.


Nỗ lực hoạt động của cộng đồng Mỹ gốc Việt:
Cuối cùng, nói chung thì hoạt động của các cộng đồng gốc Việt ở khắp nơi trong mùa đại dịch này, dù có để tâm theo dõi kỹ đến đâu đi nữa, cũng không thể nào trọn hết được. Ngay riêng ở địa phương Little Sàigòn không thôi, tôi ghi nhận độ 10 ngày nay, cũng chỉ có thể đề cập vài điểm tiêu biểu mà thôi:

* Cứu trợ khẩn cấp:
Từ  căn bản là các cơ quan cứu trợ địa phương ( như United Way OC, Food Bank, Food Care.. Cả một tổ chức gốc Việt tức tốc thành lập và xông vào hoạt động liền, như Viet-Care), lại còn được sốt sắng tiếp tay từ những nhà hàng & những dịch vụ Việt- Mỹ, những cá nhân- gia đình hảo tâm góp tay, họ tự động gom nhau lại thành từng nhóm thiện nguyện.  Họ tung ra những cuộc  khẩn trợ giúp bất cứ ai cần thiết cho đời sống hằng ngày. Họ  đã và đang tiếp tục  tổ chức hằng tuần, ở nhiều địa điểm thuận lợi nhất, như những khu đậu xe của các Shopping centers  lớn quanh vùng:


- Chuyển nhiều đợt phần ăn nóng cho các đội chữa lửa, cảnh sát và nhân viên y tế đang làm việc cật lực ở các bệnh viện;
- Phân phát tận tay các thùng đồ hộp, gạo, nước chấm và thực phẩm rau đậu tươi cho những ai tìm đến;
- Đưa những phần ăn nóng sốt đến tận nơi trú ngụ cho giới dân cư già bệnh trong vùng;
- Cung cấp miễn phí túi xách đeo lưng (packbacks) cùng những dụng cụ sách vở cho trẻ trong vùng vào thời điểm tựu trường;
- Mời những chuyên gia y tế đang hoạt động tích cực lên phát biểu và cập nhật hóa tin tức diễn biến của cơn đại dịch, để mọi dân cư có thể theo dõi, tìm hiểu cụ thể vấn đề phòng ngừa dịch bệnh mà áp dụng kịp thời vào đời sống hằng ngày hiện nay.

* Sôi nổi tán trợ đến mức không bình thường: 
Trong mùa đại dịch, còn một hình thái sinh hoạt nữa cần đề cập đến ở đây. Đó là bầu không khí ủng hộ cuộc vận động tranh cử đang có vẻ gay gắt diễn ra một cách bất thường.
Vấn đề vận động ủng hộ các ứng cử viên trong mùa bầu cử là một sinh hoạt truyền thống, đã từng diễn ra một cách bình thường trong quá khứ tại xứ Mỹ này. Nhưng vấn đề  được đặt ra ở đây, việc tham gia vào đoàn thể đảng phái để tích cực hoạt động theo những gì cá nhân mình muốn là điều đương nhiên, không những được luật pháp bảo vệ mà còn cần thiết cho đời sống của một công dân của xứ tự do - dân chủ.


Tuy nhiên, quan sát những biểu hiện từ sáu bảy tháng nay, trên báo chí truyền thông, nhất là trên nét, người ta càng lúc càng thấy bầu không khí vận động bầu cử bị nhiễm độc nặng ở những nhóm gốc Việt thiện nguyện tung hô 'con gà' ứng viên tổng thống của mình: Những từ ngữ tuyên truyền thô tục nặng nề, những mánh khóe chụp mũ trắng trợn đều được cả hai phe phái tung ra, cộng thêm trò đánh hôi, “ném đá giấu tay”… Hỗn tạp đến độ người ta có cảm tưởng rằng đây là hoạt động của những người độc đoán vô nhân cách, của những nhóm người vô tình hay cố ý thể hiện sự bất bình thường về tâm lý, họ đang vô cớ mà muốn trừ diệt lẫn nhau!
Hơn nữa, hoạt động một cách cuồng nhiệt đến thế mà so với  tất cả  các nhóm ủng hộ gốc di dân khác thì xem ra cả hai hệ thống vận động cho 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ kỳ này đều chẳng hề 'đếm xỉa' gì tới các nhóm ủng hộ thiện nguyện của di dân gốc Việt cả!  
Cá nhân tôi nghĩ là không thể để xẩy ra một hiện tượng như vậy được, vì nó khiến cho các cộng đồng  dân cư khác đánh giá thấp về một cộng đồng, như cộng đồng người gốc Việt, đã và đang nỗ lực vươn lên trong xã hội con người tiến bộ hiện nay trên thế giới.
Tôi phải bầy tỏ ra đây. Đồng thời, cũng sẵn sàng xin lỗi nếu bạn đọc có thấy tôi diễn đạt không đủ khách quan với những gì đang xẩy ra.

* Quê nhà đang.. mây trắng bay!
Đang viết bài này thì tôi nhận được một cú phôn từ trong nước gọi ra. Người cháu gọi tôi bằng chú ( Ông nội cháu là anh ruột cụ thân sinh ra tôi). Gọi sang, cháu (năm nay cũng trên 50 tuổi) chỉ muốn hỏi thăm sức khỏe của vợ chồng tôi và thông báo là bà con còn sống trong ấy vẫn thường. Thế thôi! Từ mấy năm nay, chi phí gọi phôn xa như vậy rẻ hẳn đi nhiều, nên đặc biệt trong mùa đại dịch, một hai tuần, tùy nghi,  cháu nó tự động gọi sang, trung bình lâu độ mười lăm hai mươi phút, cho cả hai bên đều ...yên lòng về nhau!


Tiện thể tôi tâm sự với nó rằng thời đại này là của chúng nó, khác đi rất nhiều so với thế hệ của tôi với bố nó. Nó hỏi, một ý tưởng nào đang nẩy ra trong trí của tôi vậy. Tôi bảo tôi đang nhớ lại rằng trên nửa thế kỷ trước tôi đã bị ám ảnh từ nội dung của những cuốn truyện gồm những nhân vật ngồi tĩnh tọa một chỗ mà có thể nghe và nhìn thấy cảnh tượng xa cả ngàn dậm.., bây giờ thì những điều này chẳng còn là huyền thoại tưởng nữa! Nó cười mà bảo rằng đúng vậy…nhưng ngược lại, chúng nó bây giờ lại rất hiếm khi thơ thẩn - mơ mộng so với bố nó và tôi nữa!
Và cũng nhờ cú phôn của người cháu ấy, tôi tìm đọc đến một số tin về  tình hình đang diễn ra trong ấy. Chẳng hạn như :


- VOA Tiếng Việt  [https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-qu%C3%A1n-my-dang-ban-do-viet-nam-co-hoang-sa-va-truong-sa/5582671.html] , ngày 14/09/2020, viết:“…Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội vừa công bố một bản đồ Việt Nam trong đó bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần đảo mà Trung Quốc cùng có tuyên bố chủ quyền và nằm trọn trong đường lưỡi bò 9 đoạn do Bắc Kinh đơn phương đặt ra…Mỹ chưa bao giờ công khai ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng trong một đăng tải trên trang Facebook chính thức của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 9/9 nhằm kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác giữa hai nước, một bản đồ Việt Nam với hai quần đảo này được đăng kèm theo các thông tin về sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong 1/4 thế kỷ qua …nhiều người dùng mạng xã hội này đã bày tỏ cám ơn tới động thái mà họ cho là“sự ủng hộ”của Mỹ đối với Việt Nam…”


- Theo tin báo chí ngày 15 tháng 5- 2020, MẠNG LƯỚI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM [Vietnam Human Rights Network;Website: http://www.vietnamhumanrights.net] công bố bản báo cáo NHÂN QUYỀN 2019-2020, báo động về “ tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, đưa ra những khuyến nghị khả thi và cụ thể để chính quyền Việt Nam có thể cải thiện tình trạng nầy.". Trong đó  còn cung cấp danh sách 376 tù nhân chính trị và tôn giáo được cập nhật cho đến ngày hôm nay.
- Trong bài“Họ có man rợ không?” đăng ở Blog RFA vào ngày 16 tháng Chín-2020, tác giả Cánh Cò  viết: “Khi lực lượng công an tấn công vào Đồng Tâm đêm 9 Tháng Giêng, 2020, người dân ở đây vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Hơn 3,000 người vũ trang tận răng xông thẳng vào nhà dân mà không cần trát tòa, đập cửa bắt bớ và bắn chết ông Lê Đình Kình tại phòng ngủ của ông.Sau khi kéo đi, đội quân hùng dũng ấy lu loa là người dân Đồng Tâm hỏa thiêu chết ba công an đang làm nhiệm vụ. Cái chết ấy không ai biết đích xác là có hay không, người dân chỉ biết rằng cả ba người bọn họ nhảy sang nhà ông Kình và rơi xuống giếng trời sau đó bị thiêu sống…Chín tháng sau, Hà Nội mở phiên tòa xử 29 người dân bị bắt trong vụ Đồng Tâm. Hai người bị tử hình là con ruột của ông Lê Đình Kình, còn cháu nội ông Kình bị tuyên án chung thân. Vậy là cả nhà ông Kình bị thảm sát đúng với tinh thần tru di tam tộc thời phong kiến…
Đảng muốn tiêu diệt ông Lê Đình Kình vì dám lãnh đạo một nhúm nông dân chống lại đảng cho dù ông Kinh theo đảng 58 năm hay hơn thế đi nữa đảng vẫn không chấp nhận. Đảng muốn tiêu diệt nốt con và cháu ông Kình vì không muốn bọn họ trở về Đồng Tâm tiếp tục gây phẫn nộ cho người dân nơi đây…”


- Theo tin BBC [https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54238069]: “Sau 3 ngày luận tội mà luật sư không được biện hộ, thân nhân không một ai được tham dự, "Ngày 14 tháng 9 năm 2020, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử 29 người liên quan đến cuộc đối đầu bi thảm giữa người dân và lực lượng an ninh tại xã Đồng Tâm ngày 9 tháng 1 năm  - tuyên án tử hình đối với các bị cáo Lê Đình Công (con trai cụ Lê Đình Kình) và Lê Đình Chức.- 1 án chung thân- 127 đến 132 năm tù - 90 đến 94 tháng tù treo.


Phản ứng của quốc tế:Liên minh châu Âu phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu. Hình phạt tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo, và việc bãi bỏ hình phạt này là cần thiết để bảo vệ quyền được sống của mỗi người.Ngày càng có sự đồng thuận cao trên thế giới phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình. EU hối thúc Việt Nam thông qua việc tạm hoãn áp dụng án tử hình, coi đây là một bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ.
“Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này. EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và được hưởng đầy đủ quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một bên ký kết.”


Tôi chợt tự hỏi lòng mình: Sống ở ngoài này, chúng ta có bao giờ nghĩ gì và sẽ làm gì cho họ chăng?

Viết xong vào thứ Tư, 23/ 09/ 2020
Điều chỉnh vào thứ Bẩy, 26/09/2020.

* Phạm Quốc Bảo.