Đoàn Xuân Kiên: Lợi dụng Phật giáo làm giầu; Nguyễn Hữu Liêm: Phật giáo và Đảng Cộng sản đều “đang khủng hoảng”

25 Tháng Tám 20229:00 SA(Xem: 2499)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA - THỨ NĂM 25 AUG 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Đoàn Xuân Kiên: Lợi dụng Phật giáo làm giầu; Nguyễn Hữu Liêm: Phật giáo và Đảng Cộng sản đều 'đang khủng hoảng'?


Việt Nam: Lời cảnh báo việc lợi dụng tín ngưỡng Phật giáo để 'làm giàu'


BBC 25 tháng 8 2022


Hải Di Nguyễn


image022Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ông Đoàn Xuân Kiên cảnh báo thực trạng "lạm dụng tín ngưỡng để làm giàu" ở Việt Nam.


Gần đây, trường hợp video phóng sinh cá hải tượng long, video nhà sư chùa Ba Vàng khất thực nhận tiền, và tranh cãi giữa hai nhà sư Thích Nhật Từ và Thích Trúc Thái Minh đã dẫn tới tranh luận về Phật giáo và tập tục, truyền thống liên quan tới Phật giáo ở Việt Nam nói chung.


Ông Đoàn Xuân Kiên từ London, là nhà ngôn ngữ học và cũng nghiên cứu về Phật giáo, trao đổi với BBC Việt ngữ về chủ đề trên, ở góc nhìn Phật giáo và góc nhìn luật pháp.


Quảng cáo


Tập tục và truyền thống tháng Bảy Âm lịch


image023Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chim bị nhốt trong lồng hẹp cho nhu cầu phóng sinh


Tháng Bảy Âm lịch ở Việt Nam là lễ Vu Lan và cũng là "tháng cô hồn". Ông Kiên nói, hai nét chính trong thời gian này là báo hiếu và hiếu sinh, tức là “giúp đỡ cho những sinh vật quyền được sống, và mở lượng hiếu sinh luôn cả với những hồn ma chết đói, hồn ma lang thang”.


Theo ông, ở Việt Nam có những truyền thống đẹp và đơn giản như “bông hồng cài áo” – bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ và trắng cho những ai mất mẹ. Truyền thống này có từ năm 1965 và bắt nguồn từ một bài tùy bút của Thầy Thích Nhất Hạnh, “dẹp bỏ hết mọi nghi thức phiền toái và nặng nề về vật chất, hướng tới cái đẹp tâm linh, hướng tới cái đẹp của sự hiếu thảo”.


Tuy nhiên, trong tháng bảy âm lịch, những nét đẹp như hiếu sinh có thể bị lợi dụng, như phóng sinh, hoặc trở thành “mê tín dị đoan” như đốt vàng mã. “Đây là những truyền thống chúng ta không nên giữ”, ông Kiên nói.


Cúng dường


image020Nguồn hình ảnh, FACEBOOK. Video khất thực của chùa Ba Vàng gây tranh cãi


Ông Đoàn Xuân Kiên cho biết “Chúng ta hiểu tinh thần của Phật giáo là diệt khổ, đoạn trừ những phiền não do cuộc đời vật chất gây ra. Nhà tu đã từ bỏ tất cả để đi tu là cho họ và cho cộng đồng Phật tử, và cộng đồng Phật tử có trách nhiệm là cúng dường… để họ có điều kiện chăm lo về mặt tâm linh cho chúng ta.”


Tuy nhiên, khi cúng dường bị lợi dụng để “góp vốn, gây vốn, và làm giàu cho nhà chùa, đó là hành động bóc lột” và “lợi dụng sự trong trắng của những người thực hành cúng dường bố thí”.


Đây là mặt trái thường thấy trong những xã hội có Phật giáo nặng về cúng dường: “những người lợi dụng Phật giáo có điều kiện leo trên đầu trên cổ người Phật tử, để làm những việc lợi ích cho mình và cho tập thể nhà chùa của mình”.


Theo ông Kiên, đây là “sự sa sút về giá trị đạo đức xã hội”, “chà đạp lên nhân phẩm những người có thành tâm”, và “phản bội Phật giáo nói riêng, phản bội tín ngưỡng của công chúng nói chung”.


“Làm giàu bằng những hoạt động không phải tôn giáo”


Nhìn chung, theo ông Kiên, nhà chùa là nơi sống khổ hạnh. Tuy nhiên có một số nhà chùa đã “lạm dụng tín ngưỡng để tìm cách làm giàu trong những hoạt động không phải tôn giáo: các hoạt động có tính cách du lịch tâm linh, các hoạt động có tính cách giải trí hoặc thuần túy du lịch như khách sạn, nhà hàng, ăn uống ca hát… để làm vốn cho nhà chùa của mình”.


Tất cả những hoạt động này theo ông đều là “lạm dụng, lợi dụng tôn giáo”.


Để vứt bỏ vật chất và nuôi dưỡng đời sống tâm linh “đòi hỏi phải có một sự thanh cao nhất định, không thể sa đọa vào thế giới vật chất, tiền bạc”.


Trước đây nhà chùa không cần đến tiền bạc và có thể phụ thuộc vào phẩm vật cúng dường, nhưng theo ông Kiên, trong thời đại công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, đồng tiền “trở thành một cái thông thường trong đời sống xã hội nhưng lại là vật cản cho sự tốt lành trong đời sống tâm linh ở các tu viện”.


Vấn đề ở Việt Nam


Lạm dụng tín ngưỡng tất nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam.


Chẳng hạn, ông Kiên cho biết, khi có nhiều du khách từ nước ngoài đến thăm chùa, “chùa Thái Lan nảy ra các hoạt động có tính cách du lịch, như thu phí cho khách đến viếng chùa, và các hoạt động có tính thương mại để gây quỹ cho chùa. Ngoài các hoạt động tâm linh, hoạt động cúng dường bố thí của các cộng đồng Phật tử xung quanh chùa, hiện nay rất nhiều chùa ở Thái Lan, nhất ở thành phố lớn, lại có nguồn thu nhập từ sinh hoạt của du khách”.


Một số chùa ở Việt Nam cũng theo xu hướng đó: “những chùa hoành tráng, xây cất quy mô, và có một hệ thống dịch vụ nặng phần du lịch thì nó nằm trong khối sinh hoạt chùa chiền nhưng chỉ có tính thương mại thuần túy, chứ không đem lại cái gì tốt đẹp cho sinh hoạt tâm linh của cộng đồng Phật tử địa phương cũng như cộng đồng Phật tử các nơi khi đến viếng chùa”.


Đó là khe hở của xã hội.


Ông Kiên cũng nói thêm, ở Việt Nam có những chùa không có sư nhưng vẫn “nguy nga đồ sộ”. Ông nói “Thế có nghĩa là thế nào? Có nghĩa là có gì đó không bình thường”.


Tuy nhiên theo ông, vấn đề của Việt Nam là không có “luật pháp theo hình thái rule of law”, tức là pháp trị. “Nếu có một sự tôn trọng luật pháp quốc gia, sẽ không có ai đứng trên luật pháp, không ai đứng trên sự giám sát các định chế của xã hội.”


Nhà chùa nên phải được “pháp luật giám sát và bảo vệ và khi không có điều đó thì có nghĩa là mất kiểm soát và không có sự đánh giá đúng sai, mà dễ dẫn tới các hoạt động có tính cách lạm dụng và lợi dụng”.


Kết lại về tập tục và sinh hoạt tôn giáo, ông Đoàn Xuân Kiên nói “Từ những điều tôi nói chung như vậy, chúng ta có thể quan sát các sinh hoạt ở nhà chùa A, nhà chùa B, nhà chùa C… khắp nơi ở đất nước Việt Nam, chúng ta có thể hiểu được đâu là hoạt động đúng đắn, đâu là hoạt động sai lạc, đi xa với tinh thần của đạo Phật”.


Một nghi lễ đẹp và ý nghĩa có thể vô cùng đơn giản và không nặng về vật chất, như lễ “bông hồng cài áo”.


Ts Nguyễn Hữu Liêm: Có phải cả Phật giáo và Đảng Cộng sản đều 'đang khủng hoảng'


  • TS Nguyễn Hữu Liêm
  • Gửi bài từ San Jose, Hoa Kỳ

18/2/2022


image024Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM. Chùa Bài Đính - hình minh họa


Hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam, dù không chính thức, nhưng Đảng Cộng sản đã coi Phật giáo như quốc giáo.


Các biểu hiện suy thoái của đạo Phật là văn hóa tôn giáo nặng về hình thức và lễ nghi, trong khi nội dung đạo học và tu chứng dần khô cạn. Tôi nhận thấy một mặt ở Việt Nam số tăng sĩ thì rất đông, chùa chiền lớn và nhiều, nhưng mặt khác, đời sống tinh thần trong xã hội đi theo giáo lý thì nông cạn và thậm chí có nhiều nơi đang thoái hóa.


Đây không phải là lần đầu trong lịch sử Việt Nam khi Phật giáo đi vào khủng hoảng. Cuối đời nhà Lý và Trần, hai triều đại mà Phật giáo là quốc giáo, cũng đã trải qua sự thoái trào như hiện nay. Có phải lịch sử Việt Nam đi song hành và chia chung số phận với đạo Phật?


Nhìn vào hiện tình chính trị công quyền và tôn giáo, ta phải hỏi, tại sao Phật giáo có vẻ như gần gũi với người cộng sản và chế độ này hơn là các tôn giáo khác, như Thiên Chúa giáo chẳng hạn?


Tạm gác qua các yếu tố lịch sử, ở đây chúng ta hãy thử cùng suy nghiệm về hiện trạng đạo Phật từ góc độ tôn giáo - nhấn mạnh về bản sắc giáo lý và phương cách tiếp cận trong bối cảnh văn hóa và con người Việt Nam đương đại - nhằm tìm hiểu bản sắc quan hệ nầy trong những thay đổi và chuyển tiếp của Phật giáo và của Đảng Cộng sản.


Cung nhịp thay đổi và chuyển hóa tôn giáo trên thế giới


Mọi tôn giáo đều phải được thay đổi theo thời tính và trình độ ý thức quần chúng. Thiên Chúa giáo qua hai ngàn năm lịch sử đã trải qua nhiều giai đoạn phân hóa, cải cách, chuyển hướng. Phật giáo cũng thế.


Mọi biểu tượng Thần đế hay Chúa, Phật, đều là hiện thân cho một bản sắc Ngã thức. Tôn giáo, từ chiều sâu vốn là một mệnh lệnh đạo lý siêu hình, muốn truyền trao một nội dung thông điệp khế cơ -thích ứng. Nó như một công thức toán học cao cấp trình bày bằng những biến số thích hợp cho trình độ của khối quần chúng liên hệ.


Ngoại trừ ở các quốc gia đang phát triển, Thiên Chúa giáo tồn tại cho đến cuối thế kỷ 20 và đang đi vào giai đoạn tàn lụi, nhất là ở các quốc gia Tây Âu tiên tiến. Ở Nam Mỹ, ví dụ Columbia, theo những khảo sát gần đây, quốc gia này đã mất đi một nửa số lượng tín đồ Công giáo theo hệ phái La Mã.


image025Đi lễ ở chùa Ngọc Hoàng, Sài Gòn


Phật giáo khắp Á Châu cũng đang đi vào một giai thời "Mạt pháp" trong các quốc gia mà quần chúng Phật tử đang chuyển hóa Ngã thức theo khung tham chiếu Tây phương thuần lý tính. Hàn Quốc là một thí dụ điển hình. Cách đây 50 năm, ở quốc gia ấy, Phật giáo vốn là quốc giáo, nay thì hơn nửa tín đồ Phật giáo đã cải đạo theo Thiên Chúa giáo trong các hệ phái Tin lành.


Tuy nhiên, hiện tượng suy vong hay hưng thịnh của đạo Phật, ở Hàn Quốc, Việt Nam hay trên thế giới, nhất là ở Á châu, vẫn còn dung chứa nhiều chiều hướng mâu thuẫn và đối nghịch lẫn nhau.


Ở các quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn, đạo Phật bị phân hóa làm hai ngã chính:


Một đằng là sự bình dân hóa cho khối quần chúng mang trình độ tự ý thức thấp kém, một đằng kia thì nó trở nên một thể dạng trí thức hóa giáo lý nhà Phật thành một hệ thống triết học cao cấp dành cho tầng lớp trí thức ưu việt.


Theo nguyên lý Ấn giáo thì khối Phật giáo bình dân đi theo chiều hướng Tịnh độ, tức là Bhakti Yoga, nhấn mạnh đến cứu độ và sức mạnh huyền nhiệm ngoại thân.


Khối Phật giáo trí thức, trái lại, coi vấn đề nhận thức luận (epistemology) là điểm quan yếu. Họ xem đạo Phật chỉ như một triết lý sống, một con lộ trí tuệ cho cá nhân. Đây là con đường Jnana Yoga trong truyền thống Ấn giáo.


Cả hai khuynh hướng trên đang duy trì đạo Phật ớ hai bình diện: Một là từ góc độ xã hội và văn hóa bình dân; Hai là vế triết học cho sinh hoạt tri thức của giới trung lưu. Giới sau coi trọng việc hành Thiền như một công việc đối trọng với cuộc sống, như là phép chữa bệnh lý căng thẳng trong đời sống đô thị thời công nghệ kỹ thuật nhiều sức ép.


Phật giáo ngày nay, ở Á châu hay Việt Nam, do vậy, hiện diện trong xã hội và trong tâm tưởng con người một cách bàng bạc nhưng thiếu trật tự tổ chức cũng như là năng lực giáo lý. Nó là biểu dấu của một tôn giáo đang suy tàn, đang trở nên một nội dung văn hóa hơn là một tôn giáo như ở các tôn giáo khác.


Khi trí thức, chuyên gia, giới trung lưu, không còn đến chùa; khi cơ sở chùa chiền, niệm Phật đường bị bình dân hóa với nhiều hình thức phong hóa mê tín, đạo Phật đã mất hết năng lực tinh hoa của nó để chỉ còn là những biến dạng nặng về lễ nghi và hình thức.


Đạo Phật ở Âu Mỹ và những nhược điểm cơ bản


Trong khi đó, ở các nước Âu Mỹ, nơi trình độ tự ý thức của quần chúng đã lên đến nấc thang khá cao, đức tin trong đạo Chúa giảm hơi men, thì Phật giáo, nhất là phân nhánh Tây Tạng, lại đang được một số đông tầng lớp trí thức gia nhập - nhất là trên bình diện học thuyết nhấn mạnh năng lực lý tính, kèm theo phương pháp hành Thiền, nhằm chuyển hướng đời sống nội tâm cho cá nhân.


image026Nguồn hình ảnh, langmai.org. Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc sinh thời đã đem lại cho xã hội Phương Tây một cách diễn giải Phật giáo giúp họ giải quyết ít nhiều một số vấn đề tâm lý hiện đại. Hình ông giảng cho trẻ em Pháp


Hai nhân vật Phật giáo từng đóng vai trò quan yếu cho phong trào Phật giáo ở Âu Mỹ trong vòng mấy thập niên qua là vị Đạt Lai Lạt Ma 14 của Tây Tạng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Việt Nam. Sách vở và các buổi thuyết pháp của hai vị này được đón nhận đông đảo và nhiệt tình bởi khối quần chúng trí thức Âu Mỹ.


Tuy nhiên, nếu ta đọc Ken Wilber, một triết gia người Mỹ đương thời, sẽ thấy được một nhược điểm của phong trào Phật giáo ở Tây phương - nhất là ở Hoa Kỳ. Tóm tắt, Wilber lý giải rằng khối Phật tử Tây phương, trong phong trào học Phật và thực hành thiền định, đang bị nhiễm một tình trạng bất cập giữa bản sắc Ngã-thức khiêm tốn đối với một trình độ đạo học cao cấp.


Wilber gọi hiện tượng nầy là Boomeritis - sự trộn lẫn giữa tri thức cao cấp, khai phóng - the green meme and noble pluralism - với một năng lực Ngã thức và cảm xúc vị kỷ thô lậu - low emotional narcissism.


Tức là năng lực tri thức của khối tân tòng Phật giáo Âu Mỹ này chỉ sử dụng giáo lý nhà Phật như một cơ năng tác động các tầng cảm xúc ngã mạn, vị kỷ, vốn chưa được khai mở và chuyển hóa đúng mức cho học thuyết đạo Phật.


Kết quả là khối tín đồ mới này, tự bản thân là những Ngã-thể rất nhạy cảm với những khuyết điểm của văn minh Tây phương, thành thật nhìn nhận khuyết điểm trong đời sống nội tâm cá nhân, ao ước muốn chuyển hóa chính mình, để rồi dự phóng khát vọng chuyển hóa của mình ra cho thế gian. Họ mang tham vọng của một Ngã thức bị thổi phồng quá mức so với bản sắc tiến hóa của mình vốn chưa được nâng lên một trình độ cần thiết và tương xứng cho đạo lý nhà Phật.


Wilber gọi hiện tượng thổi phồng này là the heroic self-inflation (hùng vĩ tự cao). Đây là vấn đề mà rất nhiều tín đồ Phật giáo khắp thế giới mắc phải - nhất là giới tăng sĩ, đặc biệt ở Việt Nam ngày nay.


image027Nguồn hình ảnh, Giacngo. Lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị VN thăm một ngôi chùa


Khi Ngã thức vẫn còn non yếu, nhạy cảm, chưa trưởng thành thì khi họ tự trang bị cho mình một trình độ đạo học cao cấp, tín đồ nhà Phật thường lấy kiến thức tôn giáo làm vũ khí hay áo mão cho tự-Ngã (Ego-self). Để rồi họ trở nên những cá nhân rất tự cao, đầy ngã mạn, và phần đông mang thái độ khinh người đối với tha nhân.


Chìa khóa tôn giáo nằm ở mức trưởng thành của Ngã thể cá nhân


Tín lý "tự thắp đuốc lên mà đi" của nhà Phật hiện có vấn đề hiện đại là cá nhân không thể lấy năng lực từ Ngã thể non yếu để chuyển hóa chính mình: chúng ta không thể lấy một đòn tre để tự khiêng cả tòa nhà ngàn tấn.


Câu hỏi và vấn nạn ở đây cần được nêu lên: Vậy thì cá nhân với một tầm mức Ngã-thể còn chưa trưởng thành, còn non yếu, thì phải dựa vào đâu để cho cái ta Ngã thức được lớn dậy theo cùng trình độ tri thức?


Chúng ta thử tìm câu trả lời trong khiêm tốn. Các sách vở tâm lý học chiều sâu hiện đại, hay các tác phẩm của các chuyên gia tâm lý và học giả uy tín Âu Mỹ, với những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khách quan, khoa học, đều đồng ý rằng phương pháp Thiền định - nếu được hướng dẫn và thực hành đúng cách - với thời gian, sẽ giúp Ngã-thể chuyển hóa nhanh hơn là qua sinh nghiệm đời sống. Điều này mang hiệu quả tốt đối với những cá nhân được trưởng thành và lớn lên trong một nền văn minh tiên tiến, với phong hóa cao cấp, với một trình độ quần chúng trí thức thích hợp, cộng với một đời sống thế tục trong sạch, đạo đức - đồng lúc họ cũng dấn thân tích cực và năng động vào sinh hoạt xã hội chính trị công dân.


Cần thiết hơn, họ phải mang đức tính khiêm tốn thực tình - chứ không phải khiêm tốn hình thức - và thực hành hạnh từ bi, bố thí, làm việc thiện nhằm giải hóa năng lực ngã mạn và vị kỷ.


Tại sao Phật giáo Việt Nam đang suy thoái?


Tiến hóa cần thời gian và sinh nghiệm gian khổ. Mọi phương cách hành đạo nói trên vẫn chưa phải hoàn toàn hiệu năng - nếu cái ta Ngã-thể vẫn còn là hệ quả của một dòng nghiệp thức nặng nề và tiêu cực, từ một hệ di truyền sinh hóa thấp kém, lớn lên và trưởng thành trong một nền văn hóa non nớt, hoang dã, thiếu vắng yếu tố sinh hoạt tinh thần, trong một đế chế chính trị hư hỏng, một xã hội dân sự nhiễu nhương - như Việt Nam hiện nay.


Với Ngã thức khiêm tốn và hư hỏng, họ sẽ hiện thân như một bệnh lý. Dù có thật lòng cố gắng sửa sai, tu chỉnh họ càng vô tình mang lại những hệ quả càng tiêu cực và hư hoại hơn trước.


Đối với thể loại Ngã thức của đại đa số dân tộc Việt Nam rất non yếu ngày nay thì dòng đạo lý ngoại thân - tức là sự cứu độ đến từ bên ngoài - như Thiên Chúa giáo với hệ Công giáo, Hồi giáo, hay Phật Giáo Tịnh độ tông, sẽ thích hợp và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và giúp họ trưởng thành hơn.


Khi Ngã thức còn non nớt, thiếu bản lãnh nội tại, thì cá nhân không thể là ngọn đuốc để có thể thắp sáng chính mình, hay nói cách khác, tự mình bơi sang sông được. Đây có thể là nhược điểm lớn nhất của đạo lý nhà Phật khi áp dụng vào con người Việt Nam hiện nay.


image028Hình từ một ngôi chùa ở TP Sài Gòn


Cá nhân non yếu phải cần thiết được soi sáng bởi một ngọn đuốc khác, nhằm tiếp dẫn nguồn ánh sáng cứu độ khách quan, từ bên ngoài. Họ phải bám vào chiếc bè ngoại thân nhằm có thể đem họ sang bên kia bờ Bỉ ngạn (giác ngộ).


Hiện trạng mở cửa tu hành quá rộng, quá dễ, để cho hầu như bất cứ ai cũng có thể trở nên tăng sĩ Phật giáo, là cả một thảm họa.


Bỏ qua các thành phần lợi dụng hay mưu đồ kinh tế, thì đối với các Phật tử, dù thành tâm bao nhiêu, khi đứng ra lập chùa, tự tin là chính mình không cần qua quy trình tuyển chọn và huấn luyện từ các học viện giáo lý, và không được hướng dẫn và chỉ dạy bởi tăng sĩ cao cấp hơn, thì họ sẽ trở thành nạn nhân của chính mình và hoàn cảnh thực tế. Trong bối cảnh đó, các tu sĩ non nớt, với số vốn văn hóa khiêm tốn, nhân cách chưa trưởng thành, không thể là những ngọn đuốc khai sáng cho mình và thế gian; trái lại, rất đông đã trở nên đầu mối hỏa hoạn cho làng xóm.


Nhìn về phía Công giáo thì sao?


Con người Việt Nam cần phải được hướng dẫn, giáo dưỡng nghiêm mật thì mong có thể thoát bỏ bớt những căn gốc phong hóa làng xóm thô lậu và trẻ con. Phật giáo Việt Nam thiếu một truyền thống trật tự đẳng cấp, một giáo hội uy tín và hiệu năng để giáo huấn tu sĩ trong trật tự cưỡng chế với quy trình tu học nghiêm mật. Về phía Công giáo thì gần như ngược lại. Đây là nguyên do tại sao ở trong nước những tai tiếng về giới tu sĩ hầu hết đến từ phía Phật giáo mà rất ít nghe từ phía Công giáo.


Riêng về nhân cách, đối với tu sĩ Công giáo, nhờ vào trật tự đẳng cấp của Giáo hội, sự tuyển chọn và huấn luyện có quy trình nghiêm ngặt, cộng thêm vào tín lý dựa vào đức tin tới một thứ bậc cao hơn mình, nên chúng ta có thể thấy rằng - xin phép nói thẳng - các tu sĩ Công giáo nhìn chung có vẻ ít ngạo mạn, mang cung cách khiêm tốn hơn các tăng sĩ Phật giáo.


Chìa khóa Đạo học là ở chỗ: Khi ngã thể cá nhân dâng hiến toàn diện chính mình với đức tin đến một khách thể siêu hình thì tâm chất ngã mạn sẽ có cơ hội được giải hóa. Ngoại trừ một số ít cá nhân ưu việt, không ai có thể tự mình giải thoát hay cứu độ cho chính mình. Con người vẫn không nhận thức rằng ta yếu đuối và dễ hư hỏng hơn là ta vẫn tưởng. Biết bao nhiêu người nghe và đi theo tiếng gọi của Đạo lý, nhưng rất ít người được chọn và đạt thành.


Mẫu số chung giữa số phận Cộng sản và số đông tín đồ Phật giáo


Trong khi nhân loại nói chung ngày càng trưởng thành hơn về năng lực Ngã thức - thì dân Việt, trái lại, càng đi thụt lùi về cá tánh và nhân cách.


Vì tự bản sắc, nói cho cùng, thì mỗi đảng viên cộng sản Việt Nam khởi đi là một Phật tử bình dân.


Về mặt quốc gia thì sự xuống cấp ở chất lượng con người, ít nhất là về bình diện đạo đức công dân, đang tạo ra khủng hoảng chính trị lớn cho Đảng cầm quyền.


Như cuối thời nhà Lý và Trần gần ngàn năm trước, Phật Giáo Việt Nam đang đi vào khủng hoảng song song với sự suy thoái đạo đức chính trị của hệ thống cầm quyền.


Sự suy tàn của Phật giáo, theo đánh giá của tôi, đang đi song hành với sự suy đồi của đế chế Cộng sản của ngày hôm nay.


Bài thể hiện quan điểm riêng của TS triết học, luật gia Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose, California. Tác giả trích một phần từ "Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giới" Chương 65. (Sài Gòn: Domino Books, 2019).


++++++++++++++++++++++++++++++++


Đại lão Hòa thượng Quảng Độ nói gì về VN và tăng lữ hải ngoại?


https://www.nhatbaovanhoa.com/a1393/dai-lao-hoa-thuong-quang-do-noi-gi-ve-vn-va-tang-lu-hai-ngoai


Phật giáo


https://www.nhatbaovanhoa.com/search?r=Lw&k=Ph%E1%BA%ADt+gi%C3%A1o
23 Tháng Bảy 2017(Xem: 8000)