Đề cương xây dựng Nền khoa học Nhân văn phương Đông

28 Tháng Mười Hai 20226:24 SA(Xem: 2720)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 – THỨ TƯ DEC 28, 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Đề cương xây dựng Nền khoa học Nhân văn phương Đông

image013

Hà Văn Thùy


I. ĐẶT VẤN ĐỀ.


Sang thế kỷ XXI, nhờ khảo cổ và di truyền học, nhiều bí mật được khám phá, giúp con người hiểu biết sâu hơn về thế giới mà chúng ta đang sống. Trong chuyên luận này, chúng tôi góp phần giải quyết câu hỏi từng thách thức trí tuệ nhân loại: Thế giới là nhất nguyên hay lưỡng cực?


Giữa thế kỷ XX, khảo cổ học hoàn tất khảo cứu khu vực Lưỡng Hà, nơi được coi là trung tâm của văn minh nhân loại và công bố:


“Vùng Lưỡi liềm Màu mỡ được định cư bởi một số nền văn hóa khác nhau, phát triển hưng thịnh từ cuối kỷ băng hà cuối cùng (k. 10.000 TCN) cho đến đầu thời kì lịch sử. Một trong những địa điểm thời đồ đá mới lâu đời nhất được biết đến ở Lưỡng Hà là Jarmo, hình thành vào khoảng năm 7000 TCN, cùng thời với Jericho (ở Levant), Çirth Hüyük (ở Anatolia). Sự phát triển của Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ thứ 7 đến thứ 5 TCN có các trung tâm là văn hóa Hassuna ở phía bắc, văn hóa Halaf ở phía tây bắc, văn hóa Samarra ở trung Lưỡng Hà và văn hóa Ubaid ở phía đông nam, sau đó mở rộng ra toàn bộ khu vực.” (Mesopotamia, Enxiclopedia 23.11.2022). Trong khi đó, phương Đông mới chỉ biết đến di chỉ người vượn ở Java, Chu Khẩu Điếm, văn hóa đá đẽo Hòa Bình… Vì vậy, học giả phương Tây dõng dạc tuyên bố: “Châu Âu là trung tâm của văn minh thế giới. Văn minh nhân loại khởi đầu từ Mesopotamia chuyển tới Hy Lạp rồi từ Hy Lạp sang châu Âu sau đó tới phương Đông…” Tiếp đó đưa ra kết luận: “Thế giới đi từ công xã nguyên thủy sang chế độ chiếm hữu nô lệ, qua chế độ phong kiến, chuyến sang chế độ tư bản…” Để rồi các giáo sư triết khái quát: thế giới là đơn cực mà phương Tây dẫn đường cho sự tiến hóa của nhân loại.


Như vậy, chủ trương thế giới nhất nguyên, do châu Âu là trung tâm, dẫn dắt nền văn minh nhân loại được giới khoa học quốc tế đồng thuận từ thế kỷ XIX.


Nhưng hôm nay, một sự thật chưa từng biết đã hiển lộ:


“Loài người hiện đại Homo sapiens xuất hiện tại châu Phi 300.000 năm trước. 70.000 năm trước, theo ven Ấn Độ Dương, người tiền sử từ châu Phi di cư đến Việt Nam. Tại Việt Nam, họ gặp gỡ hòa huyết sinh ra người Việt cổ. Nhờ điều kiện sống thuận lợi, người Viêt cổ tăng số lượng và 50.000 năm trước từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương, châu Úc và Ấn Độ. 40.000 năm trước, nhờ trời ấm lên, người từ Việt Nam đi lên Hoa lục. Từ Hoa lục, người Việt cổ đi lên Siberia để rồi 30.000 năm trước, qua eo Bering sang châu Mỹ. Một dòng từ phía Tây Hoa lục đi vào Trung Á rồi sang châu Âu. Tại đây, họ gặp người Europid từ Trung Đông qua eo Bosphorus tới. Hai dòng người hòa huyết sinh ra người European tổ tiên người châu Âu.”


Với sự thật mới được khám phá, lịch sử thế giới cần được nhìn lại.


1. Ở phương Tây.


Người phương Tây do người Việt cổ và người Europid từ Trung Đông tới tạo nên 40.000 năm trước. Nhưng 30.000 năm trong đó họ săn bắn hái lượm trong băng giá. Chỉ 10.000 năm cách nay, khi Kỷ Băng Hà cuối cùng chấm dứt, tại Mesopotamia họ bắt đầu thuần hóa mục súc và tiến hành kinh tế du mục. 7000 năm là thời điểm di chỉ văn hóa đầu tiên Jarmo xuất hiện. Từ đó văn minh Lưỡng Hà ra đời. Đó là nền văn minh kết hợp giữa nông nghiệp và du mục. Nhưng do lượng nông dân Trung Đông di cư sang chỉ chiếm 20% nhân số, nên châu Âu, về bản chất là xã hội du mục.


Khi Kỷ Băng hà cuối cùng chấm dứt, những cánh đồng băng biến thành rừng thưa xen lẫn đồng cỏ xanh. Điều kiện sống tốt hơn trước nhiều nhưng châu Âu, Sahara, Gôbi… vẫn săn bắn, hái lượm. Người phụ nữ vẫn làm chủ gia đình mẫu hệ. Rồi với sự cần mẫn và dịu dàng của Người Mẹ, chính người đàn bà đã thuần hóa con cừu con dê đầu tiên và chăn nuôi gia đình ra đời. Do nhu cầu chặt cây mở rộng bãi chăn thả, công cụ đá mới ra đời. Nhờ chăn nuôi tạo ra nguồn thức ăn phong phú, cuộc sống của con người được cải thiện. Dần dà, thú hoang giảm đi, săn bắn khó khăn hơn, trong khi chăn nuôi gia đình mang lại thu nhập quan trọng. Địa vị người đàn bà lên cao cực điểm, thể chế thị tộc mẫu hệ hình thành. Nhưng khi đàn gia súc đông thêm, bãi chăn thả trở nên cằn cỗi, đời sống bị đe dọa. Lúc này, người ta thấy cần “tổ chức lại” bộ lạc để có thể đưa đàn gia súc đi xa, tìm bãi chăn thả mới. Phương thức sống du mục ra đời. Du mục là cuộc sống khó khăn, nguy hiểm: khám phá vùng đất mới, chống lại thú dữ luôn rình rập. Trong tình trạng cạnh tranh khốc liệt, mỗi bộ lạc phải tự bảo vệ để chống lại những người láng giềng hung dữ đồng thời ra sức đánh phá các bộ lạc yếu để cướp mục súc, bãi chăn thả và bắt người làm nô lệ... Muốn sống còn, con người phải học cách nhanh nhạy phát hiện những thay đổi dù nhỏ nhất của ngoại cảnh để ứng phó theo phương châm “tiên hạ thủ vi cường.” Từ đó phương thức tư duy phân tích ra đời. Sau sự xuất hiện công cụ lao động thì đây là yếu tố nổi bật để phân biệt con người với thú hoang. Như vậy, phương thức tư duy phân tích trở nên yếu tố chủ đạo dẫn dắt cộng đồng du mục và tạo ra văn minh phương Tây. Trong điều kiện sống như vậy, bộ lạc cần những thủ lĩnh mưu trí, can trường, có uy quyền tuyệt đối cùng những chiến binh dũng mãnh, trung thành. Mặc nhiên, vai trò của thủ lĩnh, của chiến binh, của người đàn ông tăng lên, trong khi người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm lúc này không đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, ngày càng trở nên phụ thuộc, địa vị bị sút giảm. Quyền lực chuyển cho nam giới rồi theo đó, mẫu hệ chuyển sang phụ hệ. Văn minh du mục hình thành với những đặc trưng: duy lợi, duy lý, tăng cường khai thác thiên nhiên, tôn sùng thủ lĩnh, đề cao vai trò đàn ông, áp chế phu nữ, dẫn tới thể chế phụ hệ và phụ quyền, cướp bóc đồng loại và chế độ nô lệ… Khoảng 6000 năm trước, nông dân Trung Đông đem theo lúa mì và nho vào Nam Âu, tạo ra bánh mỳ và rượu vang. Được cung cấp lương thực, một bộ phận dân cư chuyển sang xây dựng thành bang, bước vào giai đoạn đô thị. Khoảng 4500 năm trước, người du mục ở Nam Nga và Kuban thuần hóa được ngựa, chế ra xe ngựa và bắt đầu nấu đồng làm công cụ, vũ khí. Khoảng 4000 năm trước, từ vùng Kuban, đội quân du mục mở những cuộc tấn công dũng mãnh, bách chiến bách thắng chiếm đất đai, bắt nô lệ và tàn sát dã man cộng đồng yếu thế, khiến cho nhân số châu Âu giảm đi rõ rệt.


Như vậy, sau thời kỳ Băng Hà, ở phương Tây có sự chuyển hóa xã hội mạnh: từ săn bắn hái lượm được định danh là công xã nguyên thủy, chuyển sang phương thức sống du mục với xã hội chiếm hữu nô lệ. Tiếp theo là chế độ phong kiến và sau nữa là chế độ tư bản. Giữa thế kỷ XIX, những nhà lập thuyết chủ nghĩa xã hội mà tiêu biểu là Engels, dựa trên thực tế của phương Tây đã đưa ra chủ thuyết, toàn thế giới phát triển theo mô hình đã diễn ra ở châu Âu: xã hội đi từ công xã nguyên thủy tới chế độ nô lệ. Tiếp theo là chế độ phong kiến rồi tư bản và kết thúc bằng chủ nghĩa xã hội. Phương Tây hình thành triết học duy lý với khái niệm nhị phân, chia đôi giữa Đúng - Sai, Tốt đẹp - Xấu xa, Hòa bình – Chiến tranh, Hình thức-Nội dung…


2. Ở phương Đông.


Trong khi đó ở phương Đông, 70.000 năm trước, đoàn người di cư châu Phi theo ven bờ Ấn Độ Dương rồi dừng lại tại Thanh, Nghệ, Tĩnh và Hòa Bình, vùng đất sau này là Việt Nam. Khảo cổ học cho biết, hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid trong đoàn di cư hòa huyết với nhau sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. 50.000 cách nay, có nghĩa là, sau 20.000 năm gắn bó với vùng đất đặt chân của tổ tiên, một cuộc di cư lớn của người Việt cổ xuống phía Nam ấm áp được tổ chức. Khi đó mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét. Trung tâm của Đông Nam Á là lục địa Sundaland, với các vùng đất Indonesia, Java, Borneo, Malaysia… Từ Việt Nam, người Việt đi ra chiếm lĩnh vùng đất này rồi phiêu lưu tới Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Một dòng người đi về phía Tây, chiếm lĩnh Ấn Độ, đang là vùng đất vô chủ sau khi lớp người đầu tiên sinh ra bị núi lửa Toba hủy diệt 74.000 năm trước.


Khoảng 40.000 năm trước nhiệt độ phía Bắc ấm hơn, cũng là khi nhân số tăng thêm. Cuộc di cư đi lên Đông Á của người Việt được tổ chức. Dấu hiệu sớm nhất của cuộc di cư là người đàn ông ở Hang Điền Nguyên Chu Khẩu Điếm. Di truyền học xác nhận, trong gen của ông, có khoảng 2% lượng máu người Denisovan, không cao hơn so với các chủng người Đông Á khác. Người Điền Nguyên được coi là người di cư sớm nhất lên lưu vực Hoàng Hà. Ông là tổ tiên của người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và là thủy tổ người Mỹ bản địa. Khảo cổ học và di truyền học xác nhận, có một dòng người Việt cổ đi sang phía Tây Hoa lục. Từ đây, theo con đường Trans-Hymalaya, họ xâm nhập Tây Tạng, Miến Điện và Đông Bắc Ấn Độ, tạo nên dân cư khu vực này. Một dòng người đi sang Trung Á rồi vào Nam Âu. Tại đây họ gặp gỡ người Europid từ Trung Đông qua eo Bosphorus tới. Hai dòng người hòa huyết, sinh ra tổ tiên người châu Âu European.


Lúc này khu vực Nam Hoàng Hà còn rất lạnh. Cho tới thời Băng hà cuối cùng, trên lưu vực Hoàng Hà chỉ có vài di chỉ đồ đá cũ như Thạch Tử Đàm, Chu Khẩu Điếm... Vì vậy, trong phần lớn thời gian, người Việt tâp trung ở phía nam: Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây. Di chỉ khảo cổ học sớm nhất là Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây 25.000 năm trước. Đấy là nơi đầu tiên tại Nam Dương Tử, con người sống tập trung thành di chỉ văn hóa. Dân cư trồng lúa hoang và chăn nuôi gia súc. Khoảng 20.000 năm trước, tại đây lần đầu tiên đồ gốm xuất hiện, con người bước vào ăn chín uống sôi. 12.400 năm trước, cây lúa trồng Oryza sativa ra đời.


Sau thời Băng hà cuối cùng, dân Việt từ phía Nam đi lên khai phá lưu vực Hoàng Hà. Văn hóa Giả Hồ xuất hiện sớm nhất tại tỉnh Hà Nam 9000 năm trước. Tuy sớm nhất nhưng là nền văn hóa đã trưởng thành: đồ đá mài sắc bén, đồ gốm đen tinh xảo, xuất hiện những lưỡi cày bằng xương vai hươu, lúa trồng nhiều nên gạo được dùng để chế rượu vang. Trong những ngôi mộ 8.500 tuổi xuất hiện lụa tơ tằm. Đặc biệt, lần đầu tiên chữ Giáp cốt ra đời với những ký tự đến nay còn sử dụng: chữ Hỏa, chữ Nhật, Mặt trời, Mặt trăng, số 8, số 20… cho thấy văn hóa Giả Hồ đã rất tiến bộ. Điều này xác nhận, Giả Hồ là công sức của lực lượng lớn dân cư Nam Dương Tử, cùng nhau lên mở mang đất mới.


Sau Giả Hồ, hàng loạt di chỉ trồng lúa, trồng kê, chăn nuôi gà, chó, lợn, trâu, bò ra đời. Điều này cho thấy, người ở Nam Dương Tử đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị, để khi trời phía Bắc ấm lên, đã đi lên khai phá lưu vực Hoàng Hà. Khảo cổ đã ghi nhận vô số di tích văn hóa tại lưu vực Hoàng Hà trong khoảng thời gian giữa c. 6500 và c. 500 TCN: Sơn Đông 7134 địa điểm, Hà Nam 2159, Sơn Tây 4611 và Thiểm Tây 6267 (1).


Với sự hình thành con người, kinh tế văn hóa ở phương Đông và phương Tây như đã trình bày, quan niệm “Châu Âu là trung tâm của văn minh thế giới. Văn minh nhân loại khởi đầu từ Mesopotamia chuyển tới Hy Lạp rồi từ Hy Lạp sang châu Âu sau đó tới phương Đông” không còn phù hợp.


Cùng là hậu duệ người hiện đại châu Phi, nhưng người Việt Nam ra đời từ 70.000 năm trước để rồi sinh ra toàn thể nhân loại ngoài châu Phi. Dân cư châu Âu do người Việt cổ góp phần sinh ra 40.000 năm trước. Cả con người và những di chỉ khảo cổ xưa nhất châu Âu cũng quá trẻ so với Đông Á. Vì vậy, châu Âu không thể là trung tâm của văn minh thế giới.


3. Thế giới nhất nguyên hay lưỡng cực?


Vậy phải chăng sẽ là phương Đông đi trước dẫn dắt thế giới?


Không có chuyện đó. Thực tế là trong phần lớn thời gian tồn tại, Đông và Tây là hai cực hoạt động độc lập, do sự chi phối của đất đai và khí hậu mỗi vùng. Có lẽ sự trao đổi sớm nhất giữa hai khu vực là vào trận đại hồng thủy cuối cùng, 7.500 năm trước với sự chuyển dịch một số cây trồng, vật nuôi và những tư tưởng về nông nghiệp từ phương Đông sang phương Tây (2}. Tiếp đó là việc trao đổi giống kê từ Đông sang Tây và lúa mỳ, lúa mạch từ phương Tây sang phương Đông khoảng 4000 năm trước. Cũng thời gian này là những cuộc xâm lăng của người du mục sang phương Đông, mở rộng mối quan hệ giữa Đông và Tây. Do vậy trên đại thể, Đông và Tây là hai cực khác nhau, hoạt động do điều kiện của mỗi cực quy định. Giao lưu tiếp xúc mạnh giữa Đông và Tây chỉ trong vòng 2000 năm qua.


Trong những thế kỷ trước, cho rằng thế giới là đơn cực nên trong lĩnh vực khoa học nhân văn tập trung đề cao thành tựu của học thuật phương Tây, xem nhẹ học thuật phương Đông. Nay khi nhận ra tính lưỡng cực của thế giới, cần có phương hướng khác. Đó là xây dựng hai Trung tâm khoa học nhân văn Đông và Tây để nghiên cứu sâu khoa học nhân văn của mỗi vùng, ngõ hầu nâng cao hiểu biết về mỗi vùng từ đó nhận thức đầy đủ về khoa học nhân văn chung của nhân loại.


II. NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA KHOA HỌC NHÂN VĂN PHƯƠNG ĐÔNG.


Thực tế cho thấy, thế giới chia thành hai cực khác nhau về thổ nhưỡng, khí hậu. Tuy con người là một, có chung một nguồn gốc nhưng do sống trên hai địa bàn khác nhau 30.000 năm cũng trở nên khác nhau. Phương Đông là xã hội nông nghiệp sinh ra con người nông nghiệp Homo sapiens culturian còn phương Tây là xã hội du mục sinh ra con người du mục Homo sapiens nomadian. Câu nói nổi tiếng của Rudyard Kipling: “Đông là Đông mà Tây là Tây, sẽ chẳng bao giờ gặp nhau” nay vẫn còn nguyên giá trị.


Trước đây hợp nhất Đông Tây dẫn đến sai lầm coi phương Tây là chủ đạo còn phương Đông là phụ thuộc nên nhiều yếu tố của phương Đông bị che khuất, không được nghiên cứu, không được khám phá phát hiện. Nay cần phân rõ Khoa học nhân văn phương Đông và Khoa học nhân văn phương Tây để nghiên cứu riêng biệt hòng khám phá đến tận cùng mỗi cực nhằm hiểu sâu sắc văn hóa thế giới.


Chúng tôi đề xuất một số vấn đề của khoa học nhân văn phương Đông như sau.


1.Những yếu tố tự nhiên đặc trưng của phương Đông.


Nhờ những nguyên nhân hình thành do nhiệt độ, đất đai mà châu Phi trở thành chiếc nôi của nhân loại. Sau 5 triệu năm hominin xuất hiện thì 300.000 năm cách nay Homo sapiens ra đời. Trong 300.000 năm sống ở châu lục đen, nhiều lần con người tìm cách ra khỏi cái nôi của mình. Nhưng tất cả những cuộc ra đi về hướng Tây Bắc, tới Levent… đều thất bại. Chỉ vào khoảng 85.000 năm trước, nhờ hội đủ điều kiện cần thiết về nhiệt độ, về tích lũy kinh nghiệm, về thời gian, con người vượt cửa Biển Đỏ vào Bán đảo A Rập. Cũng phải nhiều kinh nghiệm trải qua thất bại, con người mới chọn con đường sang phương Đông. Từ Bán đảo A Rập, cũng có ít nhất một cuộc chọn đường mà những người đi tàu nhanh ra khỏi bán đảo 80.000 năm trước đã thất bại. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công là đi về phương Đông ấm áp và cũng chỉ duy nhất cuộc ra đi để đến Việt Nam 70.000 trước là tốt đẹp vì tránh được tác động của nhiệt độ và cũng thoát khỏi núi lửa Toba.


Trên đường về phương Đông, không hiểu là tình cờ hay nguyên nhân huyền vi nào của Tạo hóa, người Tiền sử đã chọn Việt Nam làm đất đứng chân. Nhờ thời tiết ấm áp, thức ăn phong phú nên khoảng 6000 người có mặt ở Việt Nam đã làm được những công việc cực kỳ quan trọng.


- Hai đại chủng Australoid và Mongoloid gặp gỡ hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid.


- Trong lúc đó, có những nhóm nhỏ Mongoloid riêng rẽ đi lên Tây Bắc rất lạnh giá, trở thành cộng đồng North Mongoloid sau này.


- Nhân số tăng lên để 50.000 năm trước, cộng đồng Việt cổ di cư xuống các đảo Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương, châu Úc. Một dòng đi về phía Tây làm nên dân cư tiểu lục địa Ấn Độ.


- 40.000 năm trước, do nhiệt độ ấm lên, người từ Việt Nam đi lên Đông Á, làm nên dân cư Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và lên Siberia rồi qua eo Bering làm nên dân cư châu Mỹ.


- Việt Nam và Đông Á là một khối gắn kết chặt chẽ. Nếu văn hóa phương Đông là một đại thụ thì Việt Nam là gốc rễ còn cành nhánh tươi xanh và hoa thơm trái ngọt nảy nở tại lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà.


- Việt Nam cung cấp con người và văn hóa gốc cho Đông Á. Đông Á đưa những nhân tố mới, sáng tạo từ lưu vực hai con sông về làm giầu thêm văn hóa Việt Nam. Văn minh Đông Á trở thành trung tâm của văn minh phương Đông.


- Về mặt địa lý, Việt Nam thuộc Đông Nam Á nhưng về lịch sử, nhân sinh, tâm linh, Việt Nam thuộc về Đông Á. Tất cả con người trên Trái đất đều từ Việt Nam đi ra. Nhưng chỉ có con người Đông Á gắn bó với người Việt, với đất tổ nhất.


2.Đặc trưng của xã hội và con người phương Đông


Từ rất sớm phương Đông thuần hóa cây trồng, vật nuôi, trở thành xã hội nông nghiệp. Do đặc điểm của xã hội nông nghiệp nên nảy sinh thói quen tôn trọng phụ nữ và quân bình như nhau các yếu tố khác nhau của môi trường sống. Không có yếu tố nào hoàn toàn có lợi mà cũng không có yếu tố nào chỉ có hại: trong phúc có họa, trong họa có phúc! Từ đó hình thành phương thức tư duy tổng hợp. Phương Đông quan niệm vũ trụ tồn tại theo phương cách song trùng lưỡng hợp (dual unit): Âm và Dương là hai mặt tích cực và tiêu cực cùng tồn tại trong một sự vật. Trong Dương có Âm, trong Âm có Dương, trong phúc có họa và trong họa có phúc.


Từ thế kỷ trước, do nhận thức thế giới là nhất nguyên, theo mô hình phương Tây nên các nhà lý thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng thế giới vận hành theo cùng một con đường từ công xã nguyên thủy sang chiếm hữu nô lệ, sau đó chuyển sang chế độ phong kiến rồi tư bản chủ nghĩa, cuối cùng dừng lại ở chế độ xã hội chủ nghĩa.


Trong khi đó, xã hội phương Đông, tuy chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng được áp đặt theo mô hình phương Tây. Nhưng nay khi khảo sát xã hội phương Đông, ta thấy, cách áp đặt như vậy không phù hợp. Đúng là phương Đông cũng có thời gian săn bắn hái lượm kéo dài, có thể được xếp vào công xã nguyên thủy. Sau đó, sang giai đoạn định cư với rất nhiều làng, bản, ấp… của nông dân mà không phải của dân du mục, phải chăng ta có thể gọi là công xã nông thôn?


Phương thức chiếm hữu nô lệ chỉ xuất hiện trên lưu vực Hoàng Hà rồi được xóa bỏ vào cuốithời Chiến Quốc. Chế độ phong kiến với việc phong hầu kiến ấp cũng chỉ tồn tại từ thời Chu đến hết giai đoạn Chiến Quốc. Từ thời Tần Trung Quốc không còn chế độ phong kiến. Do vậy, chế độ phong kiến không phải hình thái xã hội tiêu biểu của phương Đông. Có lẽ thuận lý hơn nên gọi thể chế chính trị tồn tại ở Trung Quốc là chế độ quân chủ tập quyền. Dù ở phương Đông chưa quy định các phương thức tồn tại của xã hội nhưng nó bộc lộ một thực tế: bắt đầu từ công xã nguyên thủy. Tiếp đó là công xã nông thôn và tiếp theo là quân chủ tập quyền sau đó sang thể chế tư bản rồi xã hội chủ nghĩa. Việc này cần được nghiên cứu và xác định mô hình thống nhất cho phương Đông. Rõ ràng là phương Đông không hề có chế độ phong kiến cũng như thế độ nô lệ. Việc áp đặt chế độ phong kiến và chế độ nô lệ cho phương Đông cần được xóa bỏ.


Việc ông Marx áp đặt khái niệm “phương thức sản xuất châu Á” cho phương Đông cần được xem lại. Chính là do thấy ở phương Đông tồn tại mối quan hệ sản xuất không giống phương Tây nên Marx và Engels đưa ra thuật ngữ riêng. Nhưng chính do các vị không hiểu bản chất của mối quan hệ sản xuất này nên không thể đưa ra định nghĩa phù hợp cũng như đánh giá vai trò của nó trong lịch sử. Điều này vô cùng tai hại vì học trò của các vị do không hiểu nên hoài nghi, cho đó là phương thức sản xuất không tích cực. Nhưng nếu nhìn vào bản chất của nó, sẽ thấy rằng, đó là phương thức sản xuất độc đáo và tích cực, góp phần nuôi sống lượng dân cư lớn nhất thế giới và sáng tạo nền văn minh phương Đông rực rỡ.


3. Vai trò người Việt trong sáng tạo đồ đá mới.


Do khí hậu lạnh, băng giá bao phủ nên chỉ sau Thời Băng hà cuối cùng, phương Tây mới bắt đầu sáng tạo công cụ đá mới. Nhưng ở phương Đông, do khí hậu ấm áp nên việc trồng rau củ quả được bắt đầu từ rất sớm, có thể nói là ngay từ khi tới Việt Nam. Lúc đầu sử dụng công cụ đá cũ. Nhưng khảo cổ học phát hiện, khoảng 23.000 năm trước, người Việt sáng tạo công cụ đá mới. Đó là những hòn sỏi được ghé đẽo trên toàn bề mặt để trở thành những vật nhẹ nhàng, thuận tay cầm, có lưỡi sắc để chặt, cắt gọt. Trong đó đặc biệt là những loại rìu, búa hay việt. Khi tra cán trở thành công cụ chặt cây, phá đất và chiến đấu hữu hiệu. Nhờ làm chủ rìu, búa, việt nên người Việt được gọi là người mang rìu, búa, việt. Sau thành tộc danh người Việt. Trong lịch sử, người Việt đã trải qua ba thời kỳ mang ba tên Việt khác nhau. Lúc đầu Việt bộ Qua khi làm chủ công cụ đá mới. Tiếp theo Việt bộ Mễ khi trồng lúa trên lưu vực Dương Tử. Giai đoạn thứ ba là Việt bộ Tẩu khi người Việt sáng tạo đồ đồng.


Chế tác ngọc. Ngọc là vật dụng được người phương Đông ưa thích. Có hai loại ngọc phổ biến là ngọc trang trí và ngọc thờ. Hầu hết di chỉ văn hóa đều có đồ ngọc. Hai trung tâm sản xuất ngọc nổi tiếng là Hồng Sơn và Lương Chử.


Cho đến nay thế giới chưa thống nhất đánh giá công cụ đá Hòa Bình, ngay từ cách gọi tên. Về mặt chính thức, người ta không gọi “văn hóa Hòa Bình” mà là “phức hệ kỹ thuật đá Hòa Bình.” Điều đó có cái gì không bình thường. Một cách chế tác đá thành nhiều công cụ hoàn toàn mới, rất hữu dụng, chưa từng có, xuất hiện ở Hòa Bình rồi mở rộng ra nhiều vùng châu Á. Vậy tại sao không gọi là đồ đá mới? Phải chăng các ông chủ khoa học kỳ thị chúng với những công cụ đá Mesopotamia xuất hiện sau đó hơn chục nghìn năm? Điều này thiết tưởng cũng cần được làm rõ ràng.


4. Sáng tạo đồ gốm.


Tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, 20.000 năm trước xuất hiện công cụ gốm đầu tiên, đưa người Việt tới trình độ ăn chín uống sôi đầu tiên trên thế giới. Đồ gốm liên tục được cải tiến, ngày càng tinh xảo. Cần nghiên cứu tổng hợp, toàn diện về đồ gốm để thấy vai trò của đồ gốm cùng quá trình chế tác gốm ở phương Đông.


5. Thuần hóa cây trồng và vật nuôi


Không có bằng chứng nhưng ta có cơ sở để tin rằng, khi ra khỏi châu Phi, tổ tiên ta bắt đầu gieo trồng rau củ quả. Khi tới Việt Nam nhu cầu trồng cây tăng lên. Do khí hậu ấm và ẩm nên rau củ quả phát triển nhanh, trở thành lương thực quan trọng, góp phần tăng nhân số. Khoai môn, khoai sọ trở thành cây trồng chủ lực. 15.000 năm trước bắt đầu trồng kê và lúa nương theo phương thức bán tự nhiên: chọc lỗ bỏ hạt, chọn bông lúa giống.


Khoảng 15.000 năm trước bắt đầu thuần hóa chó, lợn, trâu, bò. 12.400 năm trước thuần hóa lúa nước Oryza sativa tại di chỉ Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây.


Trong lịch sử, người Việt đã thuần hóa hàng nghìn loại cây trồng và vật nuôi, tạo nên hệ vất nuôi và cây trồng phong phú nhất thế giới.


Cây lúa Oryza sativa được thuần hóa ở lưu vực Dương Tử rồi sang Ấn Độ sau đó cùng cây trồng khác sang Trung Đông và châu Phi.


6. Chế tác đồ đồng.


Chế tác đồ đồng là thành tựu văn hóa quan trọng của người Việt. Một câu hỏi đặt ra là người phương Đông chế tác đồng như thế nào? Là tự sáng tạo hay học từ cộng đồng khác? Nay ta biết, khoảng 4000 năm trước, người du mục vùng Kuban Nam Âu đã nấu đồng chế nhiều công cụ. Khảo cổ cũng cho thấy, tại văn hóa Hồng Sơn, những dấu vết chế tác đồng như lò nấu đồng và khuôn đúc cũng xuất hiện sớm hơn ở phía nam. Tuy tại Việt Nam, xuất hiện hợp kim của đồng, chì và thiếc khiến công cụ mềm mại, sắc bén hơn nhưng có thể tin rằng, công nghệ đồng phương Đông đã học từ người du mục phương Tây.


Một công cụ có giá trị văn hóa cao của người Việt là trống đồng. Một thời các nhà nghiên cứu tranh giành bản quyền chế tác trống đồng giữa người Việt Nam, Trung Quốc và các sắc dân thiểu số vùng Hoa Nam. Nay có thể đồng thuận, nhận định, trống đồng là sản phẩm của người Lạc Việt, sống trên đất Việt Nam và Nam Trung Quốc.


7. Sự hình thành ngôn ngữ phương Đông


Tiếng nói các dân tộc Đông Á được khảo cứu từ rất sớm. “Năm 1806, nhà du hành người Scotland John Leyden đề xuất ngữ hệ Indo-china bao gồm tiếng nói các dân tộc Đông Dương, Trung Quốc cho tới các đảo Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Nhưng sau đó, trong tranh luận tại Học viện Hoàng gia ở Berlin, Schott cho rằng thuật ngữ indo-chinesisch là một cái tên không phù hợp vì ba ngôn ngữ nổi tiếng nhất của Đông Nam Á là Miến Điện, Việt Nam và Thái Lan, được biết là thuộc ba ngôn ngữ riêng biệt. Vào năm 1823 ở Paris, học giả người Đức Julius Heinrich von Klaproth lần đầu tiên đã trình bày quan niệm đa ngành của ngôn ngữ các dân tộc châu Á mà tiếng Trung Quốc thuộc về gia đình Chino-Tibetan. Sử dụng dữ liệu từ các nguồn thuộc địa Hà Lan, ông trở thành người đầu tiên xác định rõ ràng các ngôn ngữ của Formosa là thành viên của ngữ hệ Austronesian, có liên quan về mặt di truyền với Malay và Malagasy. Sau đó Logan cũng đặt ra nhãn hiệu  Chino Tibetan cho một tập hợp con của các bộ lạc Tây Tạng-Miến Điện cổ đại giữa Đông và Trung Á. Các học giả như Bemard Houghton, người nghiên cứu về ngôn ngữ Miến Điện, đã tiếp bước Klaproth khi công nhận tiếng Trung Quốc là một thành viên của gia đình Tạng-Miến này. Thuyết Tạng-Miến khẳng định rằng người Tây Tạng, Miến Điện và Trung Quốc có quan hệ di truyền với nhau. Lepsius cho rằng các phương ngữ Trung


Quốc là những ngôn ngữ đã tiến hóa nhiều mà đơn âm rõ ràng là kết quả của những thay đổi âm thanh đã che khuất sự gần gũi về mặt di truyền của chúng với những người anh em họ gần nhất của chúng. Vào năm 1924, “Indo-Chinese” được Jean Przyluski đổi tên thành  Sino- tibetain. Hán-Tạng theo ông bao gồm năm bộ phận là Sinitic, Bodic, Burnic, Baric và Karenic.


Tuy nhiên giả thuyết Hán-Tạng vẫn chưa được chứng minh. Cho đến nay có ít nhất năm giả thuyết cạnh tranh về tiền sử ngôn ngữ Trung Quốc. Hai trong số đó, Tạng-Miến và Hán-Tạng, có nguồn gốc từ đầu thế kỷ XIX. Hán-Caucasian và Sino-Austronesian là sản phẩm của nửa sau thế kỷ XX, và Đông Á là một mô hình được trình bày vào năm 2001.” (George van Driem. To which language family does Chinese belong, or what's in a name?) (1) Nhưng câu chuyện chưa dừng, vì van Driem đang xóa bỏ mọi thứ trước đó để cổ xúy cho cái mà ông gọi là gia đình ngôn ngữ Xuyên Himalaya (Trans-Himalaya)!


Không chỉ tiếng Trung Quốc mà tiếng Việt Nam cũng năm lần bảy lượt bị “lôi ra kéo vào.” Ban đầu được xếp vào họ Indo-China cùng tiếng Trung. Sau đó chuyển sang họ Tày-Thái. Chưa ngồi ấm chỗ liền bị đẩy sang gia đình Môn-Khmer và hiện nay lại thuộc dòng họ Nam Á. Liệu được yên ổn tới khi nào?!


Ngôn ngữ học lịch sử mất hơn 200 năm để phân loại ngôn ngữ Đông Á. Từ thuyết Ấn-Trung qua thuyết Hán-Tạng rồi Tạng-Miến… đến nay lại có người đưa ra thuyết Xuyên Himalaya (Trans-Himalaya) đang gây tranh cãi. Điều này cho thấy trong khảo cứu ngôn ngữ phương Đông có gì đó không ổn. Phương pháp luận của ngôn ngữ học lịch sử là dựa vào âm vị, ngữ pháp và từ vựng của ngôn ngữ cụ thể để xếp vào từng họ nhất định. Ta biết, âm vị và từ vựng là những yếu tố kém ổn định, dễ biến đổi. Một khi dùng cái khả biến làm thước đo cái bất biến tất dẫn đến bất cập. Xét quá trình làm việc của các nhà ngôn ngữ học lịch sử, thấy có quá nhiều suy đoán chủ quan.


Chúng tôi xin đề xuất phương pháp luận khác để xếp loại các ngôn ngữ Đông Á.


Gần 200 năm trước, trong cuốn Về nguồn gốc các loài, Darwin viết: “Nếu chúng ta sở hữu một phả hệ hoàn hảo của loài người, một sự sắp xếp theo phả hệ của các chủng tộc loài người sẽ đủ khả năng phân loại tốt nhất các ngôn ngữ khác nhau hiện được sử dụng trên khắp thế giới.”


Biết suy đoán của Darwin là hữu lý nhưng cho tới cuối thế kỷ XX việc xác định phả hệ các chủng người là điều không thể thực hiện được. Chính vì cái không thể này nên ngôn ngữ học lịch sử ra đời không ngoài mục đích dùng tiếng nói như một tiêu chí xác định phả hệ loài người.


Đó là chuyện của quá khứ. Nay khi Bản đồ gen người hình thành, cây phả hệ con người được xác lập, chúng ta có đủ điều kiện thực hiện suy đoán của Darwin là phân loại tốt nhất các ngôn ngữ khác nhau hiện được sử dụng trên khắp thế giới. Chúng tôi đề nghị cách làm sau: vẽ chính xác Bản đồ phân bố dân cư Đông Á theo nhiễm sắc thể Y và Bản đồ phân bố dân cư Đông Á theo thực trạng ngôn ngữ. Chồng hai bản đồ lên nhau. Ở những vị trí mà ngôn ngữ trùng với di truyền thể hiện sự nhất quán ngôn ngữ đi theo nguồn gen. Nối những điểm này với nhau từ ngọn đến gốc sẽ được một cây phả hệ cho một dòng họ ngôn ngữ. Khi một ngôn ngữ “lạ” xuất hiện trong dòng gen có nghĩa là cộng đồng đó đã chấp nhận ngôn ngữ của chủng người khác.


Nhờ đó tìm lại được những đứa con “đi lạc” của dòng họ mà trước đây bị xác định sai! Cũng từ đó ta tìm hiểu nguyên nhân lịch sử của hiện tượng này.


Cụ thể với Đông Á, chúng ta thấy dân cư được hình thành từ bốn dòng là Indonesian, Melanesian, Mongoloid và Negritos. Vẽ bàn đồ phả hệ các dòng gen này ta cũng nhận được bốn dòng họ ngôn ngữ. Và đó là kết quả hoàn toàn chính xác theo lịch sử đã diễn ra từ ban đầu mà không phải những dòng họ giả định theo suy luận. Cũng từ bản đồ di truyền-ngôn ngữ Đông Á, ta mở rộng để truy tìm dòng gen cùng ngôn ngữ của người Đông Á lan tỏa ra thế giới.


8. Bản sắc văn hóa phương đông


Giá trị lớn nhất mà phương Đông để lại cho nhân loại là nền văn hóa nông nghiệp. Chắc không phải không có căn nguyên mà đoàn người rời khỏi châu Phi đầu tiên lại chọn định cư trên đất Việt Nam. Nhờ điều kiện sống thuận lợi, cùng với săn bắn hái lượm, ngay từ sớm, người Việt bắt đầu gieo trồng rau củ quả làm nguồn thực phẩm bổ sung. Nhờ vậy trồng trọt sớm trở thành nghề chính nuôi sống con người. Gieo trồng là culture nên nghề nông tạo nên văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Do làm nông nghiệp mà ở phương Đông vai trò của người phụ nữ được đề cao.


Cũng do nông nghiệp đưa tới thói quen tôn trọng như nhau các yếu tố khác nhau của môi trường. Dân nông nghiệp phương Đông nhận ra môi trường sống có nhiều nhân tố khác nhau tác động đến kết quả sản xuất. Nhưng không nhân tố nào chỉ có hại cũng không có nhân tố nào chỉ có lợi. Công việc của người nông dân là phát huy cao nhất mặt có lợi và hạn chế tối đa mặt có hại để đem lại lợi ích lớn nhất cho sản xuât. Cách tư duy như vậy được gọi là tư duy tổng hợp. Phương thức tư duy tổng hợp trở thành bản tính người phương Đông. Do vây, khi phát hiện ra năm yếu tố khác nhau của vũ trụ tác động tới Trái đất là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thì người phương Đông không quan tâm tới bản chất của những yếu tố đó mà cố gắng tìm ra mối tương quan của chúng. Nhờ thế mà tìm ra nguyên lý ngũ hành tương sinh, tương khắc.


Bản sắc của văn hóa phương Đông là Thái hòa: Thiên-Địa-Nhân là khối thái hòa, được nảy sinh từ quan hệ của nền kinh tế nông nghiệp đa dạng mà trung tâm là nghề trồng lúa nước. Quan hệ này dẫn tới mối quan hệ hài hóa giữa con người-vật nuôi, cây trồng và môi trường sống. Quan hệ này đưa tới sự phát triển bền vững.


Thực tế cho hay, chỉ có trồng trọt mới làm nên văn hóa. Trầm tích của bề dày văn hóa được tích lũy đã tạo ra Minh triết: “Minh triết là sự khôn ngoan sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, tỏa sức nóng và ánh sáng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.” Minh triết phương Đông gồm minh triết bình dân và minh triết bác học. Minh triết bình dân gồm có: Tu thân, Tề gia dạy con người việc tu dưỡng thành con người tử tế và quản lý gìn giữ cho gia đình đạt chuẩn mực văn hóa. Trị quốc và Bình thiên hạ thuộc về minh triết bác học, dạy người quân tử làm những việc quan trọng, lớn lao là trị nước và giữ thiên hạ ổn định, thái bình. So với phương Đông, ở phương Tây không có minh triết. Những cái mà phương Tây gọi là minh triết thì về bản chất chỉ là đạo đức đời thường hay lương tri công cảm.


Đỉnh cao của Minh triết phương Đông là kinh Dịch, một kỳ thư của phương Đông, chứa đựng và lý giải mọi vấn đề của vũ trụ, nhân sinh.


Xây dựng khoa học nhân văn phương Đông là vấn đề rất mới, có phạm vi rộng, có không it điều mà hôm nay chưa thể hình dung ra.


Trong phạm vi chuyên luận này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu những nét sơ khởi. Nhiều vấn đề khác cần được nghiên cứu như:


- Sáng tạo Dịch lý:

- Sáng tạo chữ viết

- Thời kỳ Trục ở phương Đông.

- Sáng tạo Nho học

- Sáng tạo Đạo Việt…


sẽ được nghiên cứu theo từng chuyên đề riêng.


III. XÂY DỰNG KHOA HỌC NHÂN VĂN PHƯƠNG ĐÔNG


Trong hai thế kỷ XIX và XX, do sức mạnh của chủ nghĩa tư bản nên khoa học xã hội và nhân văn phương Tây chiếm thế thượng phong. Từ đó xuất hiện thuyết Âu trung, cho rằng thế giới là một cực phát triển do châu Âu làm trung tâm, giữ vai trò tiên phong dẫn dắt nhân loại.


Nay, khám phá mới về lịch sử xác nhận, tuy phương Đông đi trước phương Tây 40.000 năm nhưng trong phần lớn thời gian, thế giới hình thành hai cực khác nhau và vận hành theo hai phương thức khác nhau. Phương Tây tuy đi sau phương Đông 40.000 năm nhưng do quy luật phát triển của xã hội du mục nên phương Tây tiến nhanh về khoa học kỹ thuật. Đến thế kỷ XIX, phương Tây đã vượt qua phương Đông, dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ. Trên ưu thế về khoa học kỹ thuật cũng hình thành quan niệm đơn cực, phương Tây đi trước dẫn dắt khoa học nhân văn thế giới. Nay, nhờ khám phá mới về lịch sử nên khoa học xã hội nhân văn phải chia thành Khoa học xã hội nhân văn phương Đông và phương Tây để nghiên cứu riêng theo quy luật phát triển của mỗi khu vực nhằm đạt hiệu quả cao nhất.


Từ thực tế đó, người phương Đông phải tự đứng lên xây dựng NỀN KHOA HỌC NHÂN VĂN PHƯƠNG ĐÔNG. Nền khoa học nhân văn mang tâm hồn, phong cách phương Đông chỉ có thể được xây dựng bởi chính con người phương Đông.


Có thực tế là những điều tôi đưa ra quá mới, phần lớn chưa hình dung ra. Nhưng rồi tới lúc biết được sự thật này, sẽ xảy ra tranh chấp. Khi đó người phương Tây và người Trung Quốc sẽ nhận là phát hiện của mình và xây dựng khoa học nhân văn phương Đông theo ý tưởng của họ. Dùng sức mạnh kỹ thuật công nghệ và truyên truyền, họ lũng đoạn và chiếm đoạt khoa học nhân văn phương Đông. Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc này.


Quan chức Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Hà Nội, tuyên bố: “Trung Quốc thành tâm khuyên Việt Nam lãng tử hồi đầu.” Đây không phải lời nói tùy tiện mà được tham mưu từ giới khoa học: “Dân cư Việt Nam được hình thành từ hai nguồn. Một là người bản địa từ châu Phi sang, mang mã di truyền Australoid. Nguồn thứ hai là khối lượng lớn nông dân Trung Quốc mã di truyền Mongoloid phương Nam từ lưu vực Hoàng Hà tràn xuống, trùm lên dân cư bản địa, làm nên dân cư Việt Nam hôm nay.” Từ thực trạng hình thành như thế, cố nhiên, dân cư Việt Nam do người Trung Quốc sinh ra.


Về chuyện này, tôi đã nhiều lần phản biện: Nếu hình thành như thế, người Việt Nam phải có độ đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, các xét nghiệm AND cho thấy, người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á, chứng tỏ người Việt Nam già nhất châu Á. Điều này bác bỏ lập luận trên và xác nhận: người Việt cổ sinh ra người Trung Quốc. Tuy nhiên, với số đông, học giả phương Tây và Trung Quốc vẫn giữ quan điểm của mình.


Đây là phát hiện quan trọng liên quan tới vận mệnh dân tộc và tổ tiên nên người Việt phải nhanh chóng nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học để bảo vệ quan điểm của mình. Cũng do vấn đề phức tạp và quá mới, có nhiều việc phải được tính toán để đưa ra quyết định phù hợp. Một trong đó là xác định trung tâm của khoa học nhân văn Đông Á là đâu? Sẽ có nhiều lập luận cho rằng ở tại đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, được cho là nơi phát tịch của lịch sử Trung Quốc.


Trong khi đó, khoa học phát hiện, miền Trung Hoàng Hà chỉ là nơi phát triển muộn của văn hóa Đông Á. Tuy có giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng nó lại bị tác động của văn minh du mục phía Bắc, mất đi tính nguyên chất Việt của văn hóa Đông Á. Điều này cũng cần khảo cứu và đưa ra


kết luận thỏa đáng. Nói tóm lại, từ khám phá mới về lịch sử thế giới, viêc xây dựng KHOA HỌC NHÂN VĂN PHƯƠNG ĐÔNG là nhiệm vu tất yếu phải làm mà tổ tiên, dòng giống đặt trên vai dân tộc Việt Nam.


Hà Văn Thùy

Sài Gòn, tháng 12. 2022


Reference

1. GuiYun Jin et al. Archaeobotanical records of Middle and Late Neolithic agriculture from

Shandong Province, East China, and a major change in regional subsistence during the

Dawenkou Culture

file:///C:/Users/Admin/Downloads/Archaeobotanical_records_of_Middle_and_L%20(2).pdf


2. Stephen Oppenheimer: Địa đàng ở phương Đông, lục địa Đông Nam Á bị chìm.

Cùng tác giả:


Hà Văn Thùy