VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 2 – THỨ HAI APRIL 10, 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
NHÂN 25 NĂM CÔNG BỐ CUỘC DI CƯ CỦA CON NGƯỜI RA KHỎI CHÂU PHI
Trả lời câu hỏi: “Con người ra khỏi Châu Phi khi nào và theo mấy con đường?”
Hà Văn Thùy
Ngày 29. 9. 1998 đại diện cho 13 tác giả của nhóm nghiên cứu đề tài Genetic Relationship of population in China, giáo sư J.Y. Chu (1) của Đại học Texas lần đầu tiên công bố trên tờ Los Angeles Time thông tin gây chấn động giới khoa học Thủ đô Washinton: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, người hiện đại về mặt giải phẫu xuất hiện 180.000 năm trước tại Đông Phi. 70.000 năm trước họ di cư tới Việt Nam…”
Một phần tư thế kỷ trôi qua từ cái ngày lịch sử đó, câu hỏi “CON NGƯỜI RA KHỎI CHÂU PHI KHI NÀO VÀ THEO MẤY CON ĐƯỜNG?” vẫn chưa có lời đáp sau cùng. Kết quả là những học giả hàng đầu thế giới dù đưa ra hàng đống giả thuyết vẫn chưa bước chân ra khỏi châu lục đen hoặc ra khỏi châu Phi nhưng bị lạc đường. Tại sao vậy? Vì vấn đề quá phức tạp hay vì lý do nào khác?
I. KHI NÀO CON NGƯỜI RA KHỎI CHÂU PHI?
Trong bài viết của mình, Chu et al. không nói tới ngày con người ra khỏi châu Phi. Phải 5 năm sau, 2003, trong bài Out of Eden - The Peopling of the World, (2) lần đầu tiên Stephen Oppenheimer công bố, cuộc ra khỏi châu Phi đầu tiên của người hiện đại diễn ra 130.000 năm trước, theo hướng Tây Bắc tới đất Levant Ixrael … Nhưng không may, khoảng 90.000 năm trước, trời trở lạnh dữ dội, toàn bộ người di cư bị tiêu diệt. Phải tới 85.000 năm trước, mới có cuộc ra đi thứ hai. Lúc này con người từ Đông Phi vượt qua cửa Hồng Hải sang Bán đảo A Rập. Nghỉ lại đây khoảng 5000 năm để tăng nhân số, tới 80.000 năm trước, con người bắt đầu men theo bờ Ấn Độ Dương “hành trình về phương Đông.”
Giá trị lớn khác trong bài của Oppenheimer là dựa theo tài liệu khảo cổ và di truyền học, ông vạch hành trình người tiền sử theo con đường phương Nam tới Đông Nam Á khoảng 70.000 năm trước. 50.000 năm trước, từ Việt Nam, lan tỏa ra đồng bằng Sundaland, vùng Nam Thái Bình Dương, châu Úc. Một dòng đi về phía Tây chiếm lĩnh tiểu lục địa Ấn Độ, lúc này vô chủ do con người bị núi lửa Toba tiêu diệt 74.000 năm trước. 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên Đông Á rồi Bắc Á. 30.000 năm trước, qua eo Bering chinh phục châu Mỹ. Từ Hoa lục, người Việt cổ xâm nhập vùng Trans-Himalaya. Một dòng từ Hoa lục đi về phía Tây, xâm nhập Trung Á. Tại đây họ tăng nhân số rồi vào Nam Âu, kết hợp người Europid từ Trung Đông lên, sinh ra người European tổ tiên người châu Âu…
Bài của Stephen Oppenheimer là nghiên cứu công phu với tư liệu phong phú. Ông vạch ra những con đường di cư của người tiền sử với những mốc thời gian cụ thể. Đáng mừng là nội dung rất gần bài viết cua J.Y. Chu. Sự gần gũi về ý tưởng của hai tác giả phần nào nói tới mức khả tín của nghiên cứu. Bài viết được hoan nghênh vì mở ra con đường mới cho việc tìm hiểu tiền sử loài người và cho thấy sự kỳ diệu của di truyền học.
Nhưng vào năm 2012, trong bài viết Out-of-Africa, the peopling of continents and islands (3) Stephen Oppenheimer thay đổi quan điểm. Dựa vào đồng hồ sinh học, ông khẳng định, con người chỉ ra khỏi châu Phi sau sự cố Toba, cụ thể là 72.000 năm trước. Điều này có nghĩa là, tất cả những công việc mà theo bài viết năm 2003, con người phải làm trong 15000 năm thì trong bài viết năm 2012, chỉ làm trong 2000 năm. Chúng tôi cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Một lịch trình như trước đây với 5000 năm trên Bán đảo A Rập để tăng nhân số và gặp gỡ hòa huyết với người Neanderthal, cùng với cuộc hành trình 10.000 năm tới Đông Nam Á tỏ ra hợp lý. Khi tất cả công việc trải dài trong 15.000 năm dồn vào 2000 năm có cái gì đó không ổn do sự gán gép của con người. Vì vậy, ban đầu chúng tôi im lặng. Nhưng sau đó nhận ra, đồng hồ sinh học chỉ là công cụ do con người làm ra, có thể sai sót nên cần được kiểm chứng. Chúng tôi dựa vào di cốt phát hiện dọc con đường đi về phương Đông để xem thời điểm ra khỏi châu Phi có hợp lý? Thời gian này khảo cổ học đã tìm được bộ xương của người Mongoloid tại Liễu Giang Quảng Tây 68.000 năm trước, sọ của người Mungo nước Úc 68.000 năm trước, được biết là người Mungo phải trải qua hành trình từ Việt Nam tới Úc mất 2000 năm là hợp lý. Một cốt sọ tại Tampalin nước Lào 63.000 tuổi. Những di cốt này ủng hộ quan điểm của di truyền học cho rằng người châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước. Không những thế, khảo cổ học còn tìm được 47 chiếc răng 80.000 -120.000 tuổi ở Phúc Nham Động tỉnh Hồ Nam cùng vết tích con người 100.000 năm ở Trí Nhân Động tỉnh Quảng Tây. Những chứng cứ này khẳng định, người hiện đại đã ở ngoài châu Phi nhiều nghìn năm so với thời điểm mà đồng hồ sinh học quy định họ bắt đầu rời khỏi châu Phi.
Trở lại với bài viết của Oppenheimer, chúng tôi thấy ông không hề biết tới những bằng chứng xương cốt này. Tại sao một con người cẩn trọng như ông lại bỏ qua những chứng cứ quan trọng như vậy? Do đó, dù muốn dù không, đồng hồ sinh học của Oppeheimer không đáng tin. Vì vậy, có thể kết luận, thời điểm con người ra khỏi châu Phi 72.000 năm trước là không thỏa đáng! Chúng tôi thấy, khi chưa có tài liệu khác, thì tạm chấp nhận thời điểm con người ra khỏi châu Phi 85.000 năm trước theo số liệu của bài viết năm 2003 của chính Oppenheimer.
Dựa vào thực tế các niên đại khảo cổ có được, chúng tôi đưa ra giả định: ra khỏi châu Phi 85.000 năm trước tới Bán đảo A Rập nhưng con người không rời khỏi đây một lần duy nhất. Có thể có chuyến tàu nhanh đã đưa người di cư tới Trí Nhân Động và Phúc Nham Động khoảng 80.000 – 100.000 năm trước. Nhưng do nhiệt độ giảm đột ngột, toàn bộ đoàn di cư bị tiêu diệt, chỉ để lại 47 chiếc răng. Trong khi đó, đoàn người đi chậm đã tới Việt Nam 70.000 năm trước và là đoàn di cư duy nhất thành công, làm nên toàn bộ nhân loại ngoài châu Phi.
II. MẤY CON ĐƯỜNG DI CƯ?
Từ 20 năm trước, trong khi Chu và Oppenheimer cho rằng chỉ có con đường di cư duy nhất phương Nam thì Spencer Wells khẳng định có hai con đường di cư phương Bắc và phương Nam. Con đường phương Bắc do con người từ Trung Đông vào Trung Á, rồi từ Trung Á lên Bắc Á. (4) Nhiều tài liệu cho rằng con đường di cư phương Bắc làm nên người Mông Cổ phương Bắc và người nông dân Trung Quốc mã di truyền Mongoloid phương Nam. Con đường phương Nam làm nên người bản địa Việt Nam và Đông Nam Á mã di truyền Australoid. Khoảng 4000 năm trước, một lượng lớn nông dân Trung Quốc tràn xuống, thay thế người bản địa, làm nên dân cư Việt Nam và Đông Nam Á hôm nay.(5)
Tuy nhiên thực tế không như vậy. Nhiều lần chúng tôi chứng minh:
1. Người Mông Cổ phương Bắc, nhóm N-M231 có số phận đặc biệt.
Không phải từ Trung Đông đi lên Bắc Á như Spencer đoán định mà là người châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước. Trong khi đại đa số họ hòa huyết với haplogroup O-M175 để cho ra người Việt cổ mã di truyền Australoid thì những nhóm nhỏ Mongoloid đi lên Tây Bắc Việt Nam và sống trong điều kiện lạnh giá khoảng 30.000 năm. Trong thời gian đó, khoa học không hề biết tới họ ngoài bộ xương duy nhất 68.000 tuổi ở Liễu Giang Quảng Tây. Tới 40.000 năm trước, khi khí hậu ấm lên, ba chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian và Negrito từ Việt Nam đi lên Hoa lục thì cộng đồng Mongoloid theo hành lang Ba Thục đi lên đất Mông Cổ tạo thành cộng đồng Mongoloid Bắc Á. (6). Khảo cổ học tìm được mũ sọ Mongoloid tại Salkhit Mông Cổ 39.000 năm trước minh chứng cho nhận định này. Do giữ được gen Mongoloid thuần, cộng đồng này về sau được gọi là chủng North Mongoloid. Haplogroup N chiếm lĩnh phía Tây Bắc châu Á sau đó di cư ngược chiều kim đồng hồ sang Bắc châu Âu.
Sự thật này đã khiến một số tác giả đưa ra nhận định: Nguồn gốc của haplogroup N tại Tây Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Vì vậy, haplogroup N đã trải qua cuộc tuần hành dài từ Đông Nam Á đến Bắc Âu. Sự di cư của haplogroup N là một bằng chứng cho nguồn gốc phía nam của người Đông Á. (7)
Trong tài liệu Y-chromosome evidence suggests a common paternal heritage of Austro-Asiatic populations, Xue và cộng sự đã áp dụng phân tích khả năng đầy đủ của Bayes cho 45 dữ liệu Y-SNP và 16 dữ liệu Y-STR từ 988 người thuộc 27 dân số từ Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ báo cáo rằng các Y-STR có sự đa dạng cao hơn ở các dân tộc phía đông Đông Á so với các dân số phía nam. Quần thể phía bắc mở rộng sớm hơn dân số miền nam [8]. Điều này cho thấy dân cư phía Đông và Bắc của Đông Á xuất hiện sớm hơn dân cư phía Nam.
Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện: Hình thành từ Việt Nam nhưng cộng đồng North Mongoloid đã theo con đường riêng biệt Ba Thục đi lên Bắc Á và giữ được nguồn gen gốc North Mongoloid của mình. Vì vậy haplogroup North Mongoloid Bắc Á (N-M231) có đa dạng sinh học cao nhất trong cộng đồng Mongoloid, tương tự ba haplogroup O-M175, C-M130, D-M174. Khi nguồn gốc và hành trình của haplogroup N được xác định, đã hoàn toàn bác bỏ quan niệm là có con đường di cư phương Bắc, đưa người Mongoloid từ châu Phi tới Bắc Á.
Ancient Mongolian skull is the earliest modern human. (6)
Như vậy, bằng khảo cứu của mình, chúng tôi khẳng định: Chỉ có cuộc di cư duy nhất của người tiền sử ra khỏi châu Phi theo con đường phương Nam diễn ra 85.000 năm trước.
2. Về người nông dân Trung Quốc.
Cho đến nay, số phận của người nông dân Trung Quốc, cộng đồng đông đảo nhất thế giới vẫn là bí ẩn. Nhiều nghiên cứu được công bố nhưng thế giới cũng chưa biết nguồn gốc cũng như quá trình hình thành của cộng đồng này mà chủ yếu là do phỏng đoán. Nhiều học giả cho rằng, dòng di cư theo con đường phương Bắc làm nên dân cư Trung Quốc mã di truyền North Mongoloid. Tuy nhiên, năm 2009, công trình Genetic ‘map’ of Asia’s diversity (Bản đồ gen về sự đa dạng sinh học dân cư châu Á), (8) của Liên minh SNP Pan-Asian thuộc Tổ chức bộ gen người (HUGO), sau khi giải trình tự 2000 bộ gen châu Á đã khẳng định:
“Có vẻ như từ dữ liệu của chúng tôi nói rằng người tiền sử châu Phi đã vào Đông Nam Á trước tiên – làm cho các quần thể nơi này già hơn [và do đó đa dạng hơn].” “Sau đó có lẽ họ đi chậm hơn về phía bắc, với sự đa dạng bị mất trên đường đi trong những dân cư ‘trẻ hơn’ này. ” Vì vậy, mặc dù dân Trung Quốc rất đông, nhưng có ít sự đa dạng hơn so với số người sống ở Đông Nam Á nhỏ hơn, bởi vì sự mở rộng của Trung Quốc xảy ra rất gần đây, theo sự phát triển của nông nghiệp lúa gạo – chỉ trong vòng 10.000 năm qua.”
Đoạn dẫn cung cấp hai thông tin quan trọng:
i.Người tiền sử châu Phi đã vào Đông Nam Á trước và tạo ra ở đây quần thể già hơn về sinh học. Sau đó, từ đây con người đi về phía Bắc, với sự đa dạng mất dần để tạo ra những dân cư “trẻ hơn.”
ii. Vì vậy, mặc dù dân Trung Quốc rất đông, nhưng có ít sự đa dạng hơn so với số người sống ở Đông Nam Á nhỏ hơn, bởi vì sự mở rộng của Trung Quốc xảy ra rất gần đây, theo sự phát triển của nông nghiệp lúa gạo – chỉ trong vòng 10.000 năm qua.
Như vậy, thực tế cho thấy, nông dân Trung Quốc không phải sinh ra từ con đường di cư phía Bắc mà cũng xuất hiện từ con đường di cư phía Nam, từ Việt Nam đi lên Đông Á.
Cụ thể, chúng tôi đã chứng minh rằng: “Suốt thời đồ đá, chỉ có người Việt cổ mã di truyền Australoid từ Việt Nam đi lên Đông Á 40.000 năm trước. Lần đầu tiên, chủng người mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam được phát hiện tại di chỉ Bán Pha tỉnh Thiểm Tây 7000 năm trước. (10) Đó là kết quả hòa huyết giữa người Việt cổ Australoid mang cây kê lên trồng tại văn hóa Ngưỡng Thiều bờ Nam Hoàng Hà và người North Mongoloid du mục trên bờ Bắc. Chủng người mới ra đời, được xếp vào chủng Mongoloid phương Nam. (11) Người Mongoloid phương Nam chiếm lĩnh lưu vực Hoàng Hà. Khoảng 6000 năm trước, lan xuống lưu vực Dương Tử, đem nguồn gen Mongoloid phương Nam chuyển hóa di truyền dân cư Nam Trung Quốc, Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Phân tích trên cho thấy, không hề có con đường di cư phương Bắc, chỉ có duy nhất con đường di cư phương Nam làm nên nhân loại.
Sài Gòn, 26. 3. 2023
Tài liệu tham khảo
J.Y. Chu et al. Genetic Relationship of population in China.
Stephen Oppenheimer. Out of Eden - The Peopling of the World, https://www.bradshawfoundation.com/books/out_of_eden.php
Stephen Oppenheimer. Out-of-Africa, the peopling of continents and islands (3) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3267120/
Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey - Amazon.com https://www.amazon.com/Journey-Man-Genetic-Odyssey/dp/069111532X
Sara Pischedda et al. Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements
https://www.nature.com/articles/s41598-017-12813-6
AMIT MALEWAR. Ancient Mongolian skull is the earliest modern human yet found in the region https://www.techexplorist.com/ancient-mongolian-skull-earliest-modern-human-found-region/20514/
13.Chuan-chao Wang and Hui li. Inferring human history in East Asia from Y chromosomes https://investigativegenetics.biomedcentral.com/articles/10.1186/2041-2223-4-11
Kumar V, Reddy AN, Babu JP, Rao TN, Langstieh BT, Thangaraj K, Reddy AG, Singh L, Reddy BM: Y-chromosome evidence suggests a common paternal heritage of Austro-Asiatic populations. BMC Evol Biol. 2007, 7: 47-10.1186/1471-2148-7-47.PubMed CentralView ArticlePubMedGoogle Scholar
Mapping Human Genetic Diversity in Asia https://www.science.org/doi/10.1126/science.1177074
Hà Văn Thùy. Về nguồn gốc của chủng Mông Cổ phương Bắc
https://nghiencuulichsu.com/2023/03/21/ve-nguon-goc-cua-chung-mongoloid-phuong-bac/
11. Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation.
SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2000