Trần Anh Tuấn: Nguyệt san Thế Kỷ 21 (1989-2008)

28 Tháng Tư 20239:55 SA(Xem: 1895)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 1 – THỨ SÁU 28 APRIL 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Nguyệt san Thế Kỷ 21 (1989-2008)

image085

Trần Anh Tuấn


Nguyệt san Thế Kỷ 21 (TK21) tồn tại được 20 năm tại miền Nam California, từ năm 1989 đến năm 2008 thì đình bản.


Số ra mắt của TK21 được đón tiếp nồng nhiệt trong những buổi họp mặt nhiều nơi, như ở Westminster, San Jose và San Diego tiểu bang California, Seattle tiểu bang Oregon, thủ đô Washington D.C., Montreal và Toronto nước Canada, Paris nước Pháp, Bankstown nước Úc.


Sự hưởng ứng nồng nhiệt một nguyệt san mới ra đời có nhiều lý do.  Vì ban biên tập phần lớn là dân trí thức gốc Bắc di cư năm 1954, hay phần lớn xuất thân trung học Chu Văn An Sài Gòn, và phần lớn sinh hoạt lâu năm trong phong trào Hướng Đạo và những hội đoàn học sinh sinh viên thanh niên suốt thời VNCH.  Cuối cùng, ban biên tập gồm những nhà văn nhà báo nhà thơ từ thời Việt Nam Cộng Hòa.


Do đó, ban biên tập rất quảng giao. Nơi nào cũng có bạn, nơi nào cũng có người từng sinh hoạt chung, nơi nào cũng có văn thi hữu! Đọc “Tiếc thương Lê Đình Điều” trong số 123 (7.1999) độc giả sẽ thấy danh sách thân hữu và cộng tác viên của TK21 chiếm hẳn bốn trang in, với 584 danh tính.


image087Thế Kỷ 21 số 2 (6.1989) và số đình bản 233 (9.2008). Thư viện TAT


Nguyệt san Thế Kỷ 21 là một ấn bản đặc biệt của Công Ty Người Việt sau thành công của nhật báo Người Việt (NV) tại miền Nam California.


Nguyên NV xuất bản số đầu tiên dưới dạng tuần báo ngày 15.12.1978, trụ sở ở San Diego. Đến năm 1985 thì NV phát hành hàng ngày rồi di chuyển Tòa Soạn về thành phố Santa Ana và Westminster cho đến nay.


Trong những thập niên 1990-2000, Công Ty Người Việt rất thành công về mặt tài chính nhờ mục Rao Vặt trong nhật báo Người Việt với ấn bản 18,000 số mỗi ngày. Thời gian này, lợi tức của nhật báo Người Việt trên dưới US$800,000.00 một năm, theo thông tin của một người trong Ban Biên Tập.


Sẵn có phương tiện, Công Ty Người Việt phát triển địa bàn để tạo thế giá trong cộng đồng và uy tín trong giới trí thức hải ngoại bằng cách tổ chức một cơ quan ngôn luận quy tụ các nhà văn hóa, văn học, văn chương, mỹ thuật, nghệ thuật, xã hội, kinh tế, khoa học, sử học, chính trị... gốc Việt trên thế giới.


Nguyệt san Thế Kỷ 21 ra đời trong hoàn cảnh ấy, và Công Ty chấp nhận tài trợ cho sự sống còn của một tờ báo kén chọn độc giả. Theo đúng chủ trương đã định, nguyệt san Thế Kỷ 21 là một cơ quan ngôn luận đúng đắn và nghiêm chỉnh, bài vở chuyên môn không thích hợp với đại chúng.


TK 21 trải qua năm đời Chủ Nhiệm, là Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Phạm Phú Minh, Hoàng Ngọc Tuệ, và Đỗ Tăng Bí.


Vốn liếng nội tại của TK 21 gồm Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng, Vương Hữu Bột, Chân Văn), Lê Đình Điểu, Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài), Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Quốc Bảo..., và các họa sĩ Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp...


Ngoài ra là những trí thức các ngành các nơi. Tại Hoa Kỳ có Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Phúc Bửu Tập, Phạm Trọng Chánh, Kiều Quang Chẩn, Nguyễn Khắc Hoạch (Trần Hồng Châu), Đào Đức Chương, Phạm Cao Dương, Nguyễn Quốc Khải, Nguyễn Đình Hòa, Đoàn Viết Hoạt, Lê Văn Lân, Hà Thượng Nhân (Phạm Xuân Ninh), Trần Ngọc Ninh, Võ Phiến, Nguyễn Xuân Quang, Đinh Xuân Quân, Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Tường Thiết, Như Phong Lê Văn Tiến, Tưởng Năng Tiến, Phan Lạc Tiếp, Mai Thanh Truyết, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Anh Tuấn, Ngô Thế Vinh, Lưu Văn Vịnh, Huỳnh Hữu Ủy, Thế Uyên...


Tại Pháp có Trần Quang Hải, Vũ Thư Hiên, Trần Thanh Hiệp, Thụy Khuê, Từ Nguyên, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Trần Nguơn/Ngươn/Nguyên Phiêu, Lê Đình Thông, Vũ Quốc Thúc, Hiên và Phạm Xuân Tích, Thành Tín (Bùi Tín), Thái Tuấn, Trương Nhân Tuấn, Võ Nhân Trí...


Tại Việt Nam có Nguyễn Huệ Chi, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Độ, Vũ Hiệp, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Nhã, Lữ Phương... 


Tại Canada có Trần Gia Phụng, Tôn Thất Thiện, Bảo Vân. Tại Anh có Kiều Duy Vĩnh. Tại Nhật có Đỗ Thông Minh. Tại Úc có Nguyễn Hưng Quốc. Tại Nga có Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần.


Tranh bìa nguyệt san Thế Kỷ 21 thường là tác phẩm của những họa sĩ thành danh thời VNCH, gồm Nguyễn Gia Trí, Nhất Linh, Đinh Cường, Trịnh Cung, Ngọc Dũng, Văn Đen, Nguyễn Đồng, Hồ Thành Đức, Nguyên Khai, Nguyễn Thị Hợp, Bé Ký, Thái Tuấn...


Nội dung có giá trị thông tin và tài liệu trong Thế Kỷ 21 rất nhiều, có thể tạm kể:


Thứ nhất là tin tức thời sự có tầm quốc tế.

image089

Như số 120 (4.1999) về vụ vợ chồng Trần Văn Trường-Nguyễn Thị Kim Khanh treo cờ đỏ sao vàng và quỳ lạy ảnh HCM trong tiệm video Hi-Tek trong khu Bolsa Super Market thành phố Westminster như một sự thách đố cộng đồng tỵ nạn. Đỉnh điểm của sự phản đối hình ảnh CS và cờ CS tại thủ đô Tị Nạn là cuộc biểu tình có văn nghệ đấu tranh của khoảng 30,000 người ngày 22.2.1999, và đêm thắp nến cầu nguyện quy tụ khoảng 25,000 người ngày 26.2. do đại diện các tôn giáo chủ lễ. Đến ngày 11.3. bảng hiệu Hi-Tek bị gỡ bỏ, xóa sổ dấu vết Cộng Sản tại thủ phủ Little Saigon. 


Toàn bộ sự kiện này được ghi lại trong bộ ảnh 3,000 tấm do nhiếp ảnh gia Lý Kiến Trức thực hiện, từ lúc khởi đầu (17.1.1999) cho đến khi kết thúc (11.3.1999). Riêng chủ tiệm Trần Văn Trường bị kết tội 90 ngày tù và tang vật bị tịch thu vì vi phạm bản quyền video, tức tội “sang băng lậu.” 


Chủ đề của số 150 (10.2001) là “Đại khủng bố 9.11.” gồm nhiều bài phân tích sự kiện, nguyên nhân, và hậu quả cùng nhãn quan của một số trí thức gốc Việt đối với tội ác dã man của nhóm Al-Qaeda do Osama Bin Laden cầm đầu.


Cuộc đại khủng bố diễn ra từ 8:14 giờ đến 10.03 giờ sáng ngày 11.9.2001 khi bọn khủng bố Hồi Giáo cướp máy bay thương mại làm võ khí đâm xuống tòa tháp đôi World Trade Center (UA175 hãng United Airlines và AA11 hãng American Airlines), Ngũ Giác Đài (AA77), và Tòa Bạch Ốc hay Quốc Hội. Dự định đâm xuống mục tiêu thứ ba thất bại vì hành khách trên máy bay (UA93) chống trả nên máy bay rơi xuống vùng quê thành phố Shanksville, Pennsylvania.  


Kết quả bọn khủng bố đã làm tử thương 2,996 người gồm 2,977 thường dân Mỹ và 19 không tặc Hồi Giáo, chưa kể số bị thương ước tính tối thiểu 6,000 người. Sau vụ đại khủng bố, cơ quan an ninh FBI truy lùng kẻ chủ mưu, và cuối cùng biệt kích Mỹ bắn chết Osama Bin Laden đêm 1.5 rạng sáng 2.5.2011 tại Pakistan nơi tên trùm khủng bố lẩn trốn cùng vợ con. Đây là quyết định cho phép thực hiện cuộc hành quân rất can đảm của tổng thống Obama vì các cơ quan an ninh quốc gia chỉ có thể ước định 70% nhân vật trong nhà là Bin Laden. Còn biệt kích Mỹ thực hiện một cuộc hành quân ngắn gọn và tuyệt hảo, nhưng chi tiết sơ xẩy là họ không mang theo thước đo, nên một biệt kích phải nằm song song với xác chết để ước lượng chiều cao khi giảo nghiệm xác chết. Xác Bin Laden được đem ngay về căn cứ rồi chuyển sang một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, rồi bị đẩy xuống biển cho mất tang mất tích sau khi được làm phép tống táng theo... Hồi Giáo. (Những dữ kiện này tôi căn cứ vào tài liệu Hoa Kỳ, không phải từ nguyệt san Thế Kỷ 21.)


Số 195 (7.2005) về sự kiện chính quyền Hà Nội áp lực các quốc gia Đông Nam Á phá hủy bia tưởng niệm thuyền nhân. Nếu những bia tưởng niệm xuất hiện thì đó chỉ là những tấm bảng xi măng đơn giản của thuyền nhân sống sót tưởng niệm những thuyền nhân thiếu may mắn hơn họ, hẳn không gây chú ý cho những người không liên hệ.


Khốn thay, hình ảnh tấm bia bị đục chỉ còn trơ lại riềm bia từ nay chính là chứng tích cụ thể về sự nhẫn tâm của một chính quyền vô nhân đạo đối với đồng bào mà chính quyền đó đã nhận vàng và lấy nhà để cho phép họ vượt biên (chính thức 5 cây tức lạng mỗi người do Công An các tỉnh thu, nhưng chủ tầu ăn thêm thành 12-18 cây theo thời giá những năm 1978-79. Muốn biết thêm chủ trương thu vàng và lấy nhà cho dân vượt biên của chính quyền Cộng Sản, xin đọc Bên Thắng Cuộc. I Giải Phóng của tác giả Huy Đức xb năm 2012, mục Phương Án II các trang 122-132).


image091Dấu tích vô nhân đạo của một chính quyền!

(Thư viện TAT)


Thứ hai là vài biến cố quan trọng trong chế độ Cộng Sản Hà nội.


Số 211 (11.2006) đặc biệt về Cải Cách Ruộng Đất với những bài của chứng nhân và người trong cuộc, gồm Nguyên Minh Cần, Bùi Tín, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Thư Hiên, Thế Sĩ Trần Văn Hùng, và Võ Văn Trực. Phần hình ảnh có 5 tấm hình do Dmitri Baltermants chụp năm 1955, ghi lại diễn tiến của một tòa án nhân dân gồm cảnh cán bộ xử án, cảnh dân chúng đấu tố và cảnh địa chủ bị bắn chết ngay tại hiện trường. Thứ đến là phóng ảnh Bản Sao Giấy Khai Tử của địa chủ Kiểu Văn Nhạ, bị kết án tử hình và xử ngay tại đấu trường Cải Cách Ruộng Đất thôn Thượng Cát, xã Thượng Khanh quận 8 Hà Nội tháng 2 năm 1956. Cụ Nhạ là thân phụ tác giả Kiều Duy Vĩnh.


Tiếp theo là số 212 (12.2006) đăng lại toàn bộ bài phát biểu của Nguyễn Mạnh Tường khởi đầu cho sự trù dập một tiến sĩ du học Pháp ngây ngô về chính trị có thiện chí phục vụ “Cách Mạng.”


Số 216 (4.2007) số đặc biệt về Nguyễn Hữu Đang, kẻ sĩ Bắc Hà. Nói như cây bút Ngô Nhân Dụng, đây là một trang hào kiệt!


Số 229 (5.2008) và số 230 (6.2008) có bài của Bùi Tín soạn trong ba tháng 2-4.2008 đăng ngay trong Thế Kỷ 21 tháng 5-6.2008 về đề tài “Cung vua phủ chúa Cộng Sản Hà Nội từ 1991-2008.”


Bùi Tín (1927-2018) nguyên là cán bộ cao cấp ngành thông tin tuyên truyền Hà Nội phản tỉnh đã viết một cách cẩn thận có trích dẫn có chú thích và có nguồn thông tin trong nước, phổ biến nhiều chi tiết cụ thể về nhóm cán bộ lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam.


Tác giả đã lấy Đại Hội Đảng VII năm 1991 làm mốc để phân tích nội bộ nhóm lãnh đạo gồm Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Đoàn Khuê, Phạm Văn Trà, Nguyễn Mạnh Cầm, Lê Minh Hương, Nguyễn Đức Bình... là nhóm thần phục nước Tàu. Tệ hại nhất là nhóm đã ký kết Hiệp Ước Biên Giới Trên Đất Liền ngày 30.12.1998 tại Hà Nội và Hiệp Ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ ngày 26.12.2000 tại Bắc Kinh. Nội dung hai bản hiệp ước xác định chính quyền Cộng Sản Hà Nội đã nhượng hơn 850 km đất biên giới cho Tàu điển hình là Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, đất Lão Qua, và nhượng 11,950 km vuông biển Vịnh Bắc Việt.


Đây chính là sự nhượng đất nhượng biển cho nước Tàu của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam tiếo theo một lãnh đạo khác là Phạm Văn Đồng đã nhượng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1958. 


Để kết luận bài viết dài 27 trang, tác giả Bùi Tín đã viết nguyên văn nơi trang 104, số 230: “Bài biên khảo này nghiên cứu sự hình thành của một thế lực tận tụy bán mình cho bành trướng nước ngoài trong những điều kiện nào,  trong hoàn cảnh nào, điểm mặt chỉ tên những kẻ cầm đầu củng với lai lịch, chân dung, trình độ, tư cách và mưu đồ của chúng...”     


Số 155 (3.2002) có bài “Bật mí” của Nguyễn Minh Cần (1928-2016). Tác giả là cán bộ cao cấp từng là Ủy viên thường vụ Thành Ủy kiêm Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính Hà Nội. Năm 1962 ông du học tại Trường Đảng cao cấp tại Liên Xô. Rồi vụ án Xét lại chống đảng xảy ra, ông thoát ly Đảng CSVN và xin cư trú chính trị tại Liên Xô cho đến cuối đời.  Bài viết của tác giả vén màn bí mật lý do tại sao chính quyền cấm xuất bản sách của Vũ Trọng Phụng, cấm giới văn học Hà Nội nghiên cứu về tác phẩm của họ Vũ, và cấm dân chúng trong chế độ Việt Nam Dân Chủ Công Hòa đề cập đến nhà văn.


Hóa ra Vũ Trọng Phụng bị Tố Hữu gán cho tội Đệ Tứ và chống Liên Xô! Sự thật thế nào, tác giả không biết, chỉ biết Trường Chinh cùng Tố Hữu thù dai và hèn hạ không cho in sách và không cho nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng trong 30 năm.


Số 152 có bài “Lại chuyện vợ của ông Nguyễn Ái Quốc”  ký tên Nhóm Nghiên Cứu. Bài ngắn bốn trang, nhằm phổ biến phóng ảnh trong hồ sơ của Đảng Cộng Sản Liên Xô để xác định thông tin Nguyễn Ái Quốc có vợ là lời khai của Nguyễn Thị Minh Khai, mà không phải lời khai của Nguyễn Ái Quốc. Phóng ảnh là Bản Khai Lý Lịch chữ Nga mà Nhóm Nghiên Cứu dịch ra Việt ngữ.


Thứ ba các số chủ đề với nhân vật lịch sử và văn hóa xưa nay


Gồm số 185 tường niệm Phan Thanh Giản, số 122 Phạm Quỳnh. Về văn học có số 182 tưởng niệm Thạch Lam, số 199 Hoàng Đạo, số 104 Khái Hưng, số 159 và 207 Nhất Linh, số 189-90 Nguyễn Gia Trí. Số 170 tưởng niệm Hồ Hữu Tường, số 210 Trần Văn Tuyên, số 213-14 Vũ Hoàng Chương, số 164 Như Phong Lê Văn Tiến, số 107 Mai Thảo, số 204 Thanh Tâm Tuyền, số 218 Thanh Nam, số 123 Lê Đình Điểu...


Ngoài ra, có một số bài viết đặc biệt


Như số 136 (8.2000), phần “Bạn Đọc Viết” có đăng bức thư của giáo sư Nguyễn Đình Hòa (1924-2000) gửi Giám Đốc nhà xuất bản Thế Giới (46 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) về việc họ tự tiện in lại quyển tự điển Việt-Anh nhan đề  Vietnamnese-English Student Dictionary mà không có sự ưng thuận của Giáo Sư. Đây là chuyện nhà xuất bản ăn cướp tác quyền, giáo sư Hòa gọi là “pirate.” Và Giáo Sư viết thư không phải để đòi tác quyền mà chỉ lưu ý nhà xuất bản Thế Giới về nội dung quyển tự điển có nhiều lỗi chính tả khiến Giáo Sư phải xấu hổ vì sách ghi rõ tên ông là người soạn.


Nhưng “nói người phải nghĩ đến ta.” Ngay tại Hoa Kỳ này, tôi đã chứng kiến nhiều nhà xuất bản tưng bừng làm giầu khi họ in lại đủ loại sách thời VNCH mà không hề trả một xu tác quyền nào trong những thập niên 1980-2000!


Số 148 (8.2001) có bài tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triển của một số dòng họ tiêu biểu do Vũ Hiệp viết. Theo tác giả, có sáu (6) dòng họ tiêu biểu theo thứ tự là Nguyễn, Lê, Trần, Phạm, Võ, và Ngô. Bài ngắn 8 trang nhưng rất súc tích và nhiều thông tin đáng tin cậy từ một cây bút tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975 chuyên về văn hóa dân gian cổ truyền miền Bắc. Tuy nhiên, một tác giả ở Sydney, Úc là Nguyễn Văn Tuấn đã chứng minh sau họ Nguyễn thì dòng họ đông thứ nhì là họ Trần, chứ không phải họ Lê.


Số 149 (9.2001) có “Hội An Hoard hay gốm cổ Hội An dưới mắt người sưu tập” do tác giả Kiều Quang Chẩn viết. Tác giả và phu nhân là hai bác sĩ ở miền Nam California nên có nhiều phương tiện. Cả hai say mê sưu tầm cổ vật Á Châu nhất là Việt Nam, từng được chuyên san Art&Antiques (3.2002) của Mỹ vinh danh trong “The top 100 collectors in America” năm 2002. Bài viết tường trình đầy đủ về cuộc bán đấu giá gốm cổ Việt lần đầu tiên tại Mỹ với sự tham dự của một số các viện bảo tàng quốc tế. Tác giả cũng ghi lại sự háo hức và hãnh diện của giới sưu tầm cổ vật gốc Việt về kho báu Hội An.  


Đặc biệt Xuân Giáp Thân (số 177&78, 1-2.2004) là một số báo xuất sắc. Đó là số báo về giáo sư Phạm Duy Khiêm, một đề tài rất hiếm được đề cập trong sách báo tiếng Việt xưa cũng như nay.


image093Giáo sư Phạm Duy Khiêm, thời huy hoàng: Hình chụp

ngày 15.12.1954, bắt tay Tổng Thống Coty sau khi

trình Ủy Nhiệm Thư chức Cao Ủy Việt Nam tại Pháp.

(Hình tài liệu TAT)


Tác giả Thụy Khuê ở Pháp viết về tiểu sử. Bà đã ca tụng cái chết tự sát của giáo sư họ Phạm. Một đêm đông, tự vặn khí đốt trong bếp, ngộp thở, ra sân, đi thẳng xuống ao nhà và không trở lại. Một cái chết, theo tôi, là cực hiếm hoi vì quá bất thường! Ngoài ông giáo sư Normalien này, dám chắc không có người Việt thứ hai nào hành xử như vậy!


Sau đó, Thụy Khuê điểm qua những tác phẩm của giáo sư Phạm Duy Khiêm cốt để vinh danh họ Phạm với ngôn từ rổn rảng. Việc tình nguyện đi lính cho Pháp của giáo sư Phạm Duy Khiêm, tác giả viết, nguyên văn nơi trang 58: “Tự nguyện đăng lính, Phạm Duy Khiêm đã xác định mình là người Việt Nam, không phải là người An Nam.” Bằng chứng đâu cho biết đây là suy nghĩ và quyết định của Phạm Duy Khiêm? Nếu quả thật Phạm Duy Khiêm nhập hồn vào người khác, thì câu hỏi tiếp theo với họ Phạm là tại sao đã là người Việt lại đi lính cho Pháp để bảo vệ nước Pháp?  


Nhân dịp điểm sách Légendes des terres sereines của Phạm Duy Khiêm, tác giả Thụy Khuê đã dịch tựa đề Việt ngữ thành Huyền truyện miền thanh lãng. “Huyền truyện” là thế nào? “miền thanh lãng” có nghĩa gì? Phản ứng của một độc giả TK21 tại Úc là dịch văn tiếng Việt như thế chỉ là “một mớ âm thanh lạ tai” (trang 7, số 179.) Còn tôi, “thanh lãng” nhắc tôi ngôn từ của một linh mục tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong buổi họp toàn thể giáo sư và nhân viên do hai cán bộ Cộng Sản vào tiếp quản triệu tập hồi đầu tháng 5.1975. Đến phần phát biểu, vị linh mục ấy ngồi hàng ghế sau, cách tôi chưa tới hai (2) mét, đứng lên nói, nguyên văn: “Chúng tôi chờ đợi các anh từ hai mươi năm nay để được hít hơi các anh!”   


Trong thực tế, độc giả chỉ cần sức học Tú Tài thời VNCH cũng hiểu ngay “Légendes” là gì, “terres sereines” nghĩa là sao để cảm thụ ngay chữ dùng trong sáng và thanh nhã của Phạm Duy Khiêm! Giáo sư Nguyễn Đình Hòa đã có lý khi nhận xét –cũng trong số Xuân Giáp Thân này- là văn của Nguyễn Mạnh Tường hoa mĩ thì văn của Phạm Duy Khiêm ngắn gọn và sáng sủa vô cùng.    


Bài thứ hai do đại sứ Phạm Trọng Nhân viết  năm 1974 tại Sài Gòn khi nghe tin giáo sư Phạm Duy Khiêm mất, đăng lại trong TK21 có một câu chính xác, tóm gọn thân phận họ Phạm: “suốt đời cô đơn, suốt đời thất bại, mặc dù là oanh liệt huy hoàng.”  


Bài thứ ba do nhà văn Võ Long Tê cũng viết năm 1974 được đăng lại, kể thời gian tác giả làm việc dưới quyền Phạm Duy Khiêm, đại sứ đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp (1956-57) do Tổng Thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm. Nội dung bài viết của Võ Long Tê có chi tiết đặc biệt về lý do giáo sư Phạm Duy Khiêm bị cách chức đại sứ tại Pháp và bị hủy luôn chức đại diện thường trực hàm đại sứ tại cơ quan UNESCO theo dự định của chính phủ. Đó là vì vị giáo sư thạc sĩ Pháp ương ngạnh và khinh thường Tổng Thống Ngô Đình Diệm, văn thư ông giáo sư viết không có cả công thức chào kính ở phần cuối.   


Bài thứ tư trích trong Hồi Ký của Phạm Duy (1921-2013). Những thông tin do người em út trong gia đình viết về người anh cả rất thật, qua những chi tiết Phạm Duy còn nhớ về một con người khó tính, nghiệt ngã, và thậm tự cao tự đại. Như chấm thi Tú Tài thì giáo sư Phạm Duy Khiêm cho thí sinh điểm âm tức dưới zéro. Hay điểm loại là 6/20 thì ông cho thí sinh 5.75/20! 


Bài thứ năm cũng là bài giá trị nhất, ghi lại “Một mối tình Việt-Pháp tuyệt đẹp” do giáo sư Nguyễn Đình Hòa viết. Tác giả kể lại mối tình của Phạm Duy Khiêm với một cô gái Nhật lai Pháp, tên viết tắt là F. qua thư từ mà cô F. gửi cho tác giả tháng 2.1975, sau khi Phạm Duy Khiêm đã mất. Qua nội dung thư của F., độc giả có thể cảm nhận mối tình Việt-Pháp đó chỉ là tình một chiều từ một phụ nữ gốc Phù Tang biết lân tài.


Phần thứ hai của bài viết ghi lại những buổi thăm viếng Phạm Duy Khiêm mà tác giả đã thực hiện trong những năm 1972-74 khi cụ đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Center for Vietnamese Studies, Southern Illinois University tại Hoa Kỳ. Bài viết quý ở chỗ giáo sư Nguyễn Đình Hòa đã phổ biến những thư viết tay của họ Phạm qua đó độc giả biết rõ đời sống, sinh hoạt, và cá tính của Phạm Duy Khiêm khiến độc giả càng thấm thía nhận định của đại sứ Phạm Trọng Nhân về đương sự, là suốt đời cô đơn, suốt đời thất bại... hay nhận định của người em út về người anh cả trong gia đình, là khó tính, nghiệt ngã, và thậm tự cao tự đại. 


Số Xuân Giáp Thân còn có bài do Đỗ Tăng Bí phỏng vấn giáo sư Phan Huy Lê về công cuộc khai quật di tích Thăng Long hồi tháng 11.2003 tại Hà Nội. Bài ngắn ba trang, hầu như chỉ đủ chỗ cho hình ảnh bốn (4) loại cổ vật, gồm lá đề, cột đá, ngói phượng, và giếng nước. Khi trả lời phỏng vấn, giáo sư Phan Huy Lê chỉ phớt qua cuộc khai quật, phần chính là trình bầy những khó khăn về công cuộc bảo tồn trong các phạm vi chuyên môn, nhân sự, và ngân sách. Kết luận, giáo sư Phạn Huy Lê kêu gọi sự trợ giúp của, nguyên văn nơi trang 108: “các cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc, Cộng đồng thế giới, và toàn bộ người Việt...” Hóa ra công cuộc bảo tồn di sản của tiền nhân không thấy đề cập gì đến trách nhiệm và bổn phận của chính quyền đương nhiệm. Chỉ hở ra là đi xin thế giới! 


Thế Kỷ 21 cũng là cơ quan văn hóa và lịch sử tại hải ngoại nơi tôi gửi gấm bản sơ thảo công trình dài hơi về Sử Việt tại Bắc Mỹ, khi đó đặt tựa đề Công Cuộc Nghiên Cứu Việt Sử Tại Bắc Mỹ từ số 126 (1999) đến số 163 (2002).


Thế Kỷ 21 do một nhóm trí thức gốc Việt tại miền Nam tiểu bang California thực hiện qua hai thập niên tồn tại đã trở thành cơ quan ngôn luận có uy tín của giới trí thức gốc Việt không chỉ khu hạn tại Hoa Kỳ mà trên nhiều quốc gia khác, gồm Canada, Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hung-gia-lợi, Việt Nam, Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Phi-luật-tân, Singapore, Úc, Tân Tây Lan...


Có thể nói khi đọc bất cứ một số nào của Thế Kỷ 21, tôi cũng thấy một từ ngữ, một chi tiết, một ý tưởng, một cách diễn tả, một hình ảnh, hay một tác giả làm độc giả thích thú hay phải suy nghĩ. Tôi không có số ra mắt, nhưng đọc số 2 (6.1989) chẳng hạn, tôi thấy hiển hiện một sử gia nơi Nguyễn Thị Chân Quỳnh trong khi bà là chuyên viên ngành dệt. Hay tôi cảm nhận cơn tức uất của người lính chiến khi không bị gãy súng nơi Cao Xuân Huy khiến ông nói thẳng nói thật mà nói ... chưa hết!  


Điều bất thường là tháng 6.2007, Công ty Người Việt quyết định nhường quyền khai thác nguyệt san Thế Kỷ 21 qua một cuộc đấu giá trong nội bộ Công ty, và Đỗ Việt Anh trong Hội Đồng Quản Trị đã mua được tờ báo. Điều này có nghĩa là Thế Ký 21 không còn là cơ quan ngôn luận của một tập thể mà trở thành tờ báo của một cá nhân. Việc chuyển giao hoàn tất trong tháng 10.2007.


Sự thay đổi này độc giả nào tinh ý cũng biết là dấu hiệu của sự tàn lụi.


Quả nhiên, mục lục số 232 (8.2008) có bài Đại Hội Triết Học Thế Jới (sic!) Kỳ Thứ 22 tại Seoul, Korea, từ July 30 tới August 5, 2008. Dr. Quynh Nguyen.  Đặc điểm của bài viết nửa trang này là xáo trộn tiếng Anh với tiếng Việt, và đặt tiếng Việt trong sáng của thập niên 2000 ngang với tiếng Việt lai căng của Hồ Chí Minh thập niên 1940-60 gồm Đường Kách mệnh (1940), Việt Nam Zân Chủ Cộng Hòa (1950), Đỗ Fủ (1960)...


Độc giả mở báo xem bài nơi trang 116 sẽ thấy tiếng Việt của tác giả “Dr. Quynh Nguyennăm 2008, nguyên văn: Tổng-hội Triết-học Thế-jới, Đại-hội ziễn ra, Viện Đại-học Quốc-Ja, thành-fần, tham-zự, học-jả, Ban Jám-khảo, fải gửi bài, đề ngị, tác-jả, zạy ở đại-học...  


Không biết loại nội dung Thế Kỷ 21 trên đây ảnh hưởng gì đến sự tồn tại hay không tồn tại của một cơ quan ngôn luận từng có uy tín chuyên về Chính trị, Văn học, và Lịch sử trong cộng đồng gốc Việt trên thế giới từ năm 1989 hay không, nhưng ngay số sau, số 233 (9.2008) thì Chủ Nhiệm Đỗ Việt Anh viết Thông Báo Đình Bản!


Trần Anh Tuấn

28.4.2023
20 Tháng Giêng 2023(Xem: 2085)