Thành Chương lên tiếng vụ 'tranh giả'

18 Tháng Bảy 20161:39 SA(Xem: 7793)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 18  JULY 2016


Thành Chương lên tiếng vụ 'tranh giả'


image050

Image copyright Facebook Ngo Huong Image caption Bức tranh và họa sĩ Thành Chương


Họa sĩ Thành Chương trả lời BBC về việc một bức tranh của ông bị ký tên họa sĩ Tạ Tỵ trong cuộc triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.


Họa sĩ dân gian đương đại Thành Chương, người thường được biết đến với Việt Phủ Thành Chương có nhiều tác phẩm tham dự triển lãm tại nước ngoài cũng như từng được in trên tem.


Họa sĩ Tạ Tỵ, đã mất năm 2004, là một trong những tên tuổi của làng hội họa Việt Nam, xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.


Cuộc triển lãm ‘Những bức tranh trở về từ châu Âu’ đang mở cửa từ nay đến ngày 21/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.


Với tôi, việc đổi tên họa sĩ dưới một bức tranh là sự gian trá trắng trợn và bậy bạ. Mục đích của việc này là lợi nhuận, vì giá tranh của Tạ Tỵ thường cao hơn của Thành Chương.Họa sĩ Thành Chương


Hôm 15/7, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, họa sĩ Thành Chương nói: “Tôi rất sửng sốt khi vào TP. Hồ Chí Minh làm giám khảo một cuộc thi hoa hậu nhưng lại tình cờ phát hiện một bức tranh của mình vẽ khoảng năm 1970, 1971 bỗng nhiên thành tranh ‘Trừu tượng’ ký tên Tạ Tỵ năm 1952 trong triển lãm”.


“Bức tranh đó không phải tranh trừu tượng, mà là tranh chân dung lập thể. Tôi vẽ bà Kim Anh, bạn gái tôi ở thời điểm đó và chịu ảnh hưởng của danh họa Pháp Paul Cézanne”.


“Bà Kim Anh cũng là một họa sĩ, hiện vẫn sống ở TP. Hồ Chí Minh và có thể là nhân chứng sống cho việc này. Trong tranh có thể hiện giá vẽ và tấm voan phía sau nhân vật”.


'Theo vụ này đến cùng'


Họa sĩ cũng nói với BBC rằng hôm 15/7, lẽ ra có cuộc gặp “ba mặt một lời” giữa ông và đại diện Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cùng ông Vũ Xuân Chung, nhà sưu tập tranh trong cuộc triển lãm. Nhưng cuối cùng, ông Chung không xuất hiện tại cuộc gặp.


Thông cáo của ông Chương đăng trên Facebook của bà Ngô Hương, vợ ông hôm 14/7 ghi: "Bộ sưu tập đắt giá này đã được chủ nhân người Việt là ông Vũ Xuân Chung mua từ chuyên gia uy tín của hãng đấu giá Christie/ Hong Kong. Với mỗi tranh đều có kèm theo bản chứng nhận tranh thật từ người bán”.


“Tôi sẽ theo đuổi vụ này đến cùng để làm rõ trắng đen và góp phần xử lý vấn nạn tranh giả làm mất uy tín giới họa sĩ Việt Nam lâu nay”, ông Chương nói với BBC.


Hôm 15/7, BBC liên hệ ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhưng ông từ chối trả lời qua điện thoại.


Báo Tuổi Trẻ cùng ngày đưa tin, “Sau khi triển lãm kết thúc, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức một cuộc họp báo với sự tham dự của các chuyên gia mỹ thuật và các họa sĩ có uy tín xung quanh các nghi vấn liên quan đến phòng tranh”./


BBC 15/7/16 4 giờ trước

23 Tháng Bảy 2017(Xem: 8000)