Bs. Trần Xuân Ninh viết về tác phẩm mới của Giáo Sư Phạm Cao Dương

18 Tháng Tư 20177:59 CH(Xem: 11122)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  19  APRIL  2017


Bác sĩ Trần Xuân Ninh viết về tác phẩm mới của Giáo Sư Phạm Cao Dương:


Bảo Đại -Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam 9/3/1945 - 30/8/1945, Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới, Amazon ấn và phát hành, 2017


image068


Ngày 17 tháng 4/2017


Ông Dương thân


Tôi đã nhận được cuốn sách của ông rồi. Mở ra, thấy nó dầy suýt soát cuốn tự điển Merriam Webster. Mà phát ngán. Tuy rằng tôi là người thích sử. Nhờ lúc còn nhỏ được nghe những chuyện anh hùng nước Nam: bà Trưng, bà Triệu, Trần bình Trọng, Bùi thị Xuân, cô Giang cô Bắc…Và nhờ hai ông thầy dậy sử địa trung học: giáo sư Bùi đình Tấn,  “hắc” nổi tiếng trường Chu Văn An, và Lê Ngọc Huỳnh, người dậy sử theo tôi, hay nhất Chu Văn An. Ông Tấn, người gầy, trắng trẻo , mặt không lúc nào thấy có nụ cười, bài soạn khô khan ngắn ngủi. Ông Huỳnh người cao, mặt vuông, ăn nói dẽ dàng, những điều ông nói ra là vô cùng đặc biệt, hấp dẫn, và thích thú (ít ra là đối với tôi), nghe rồi không thể quên. Lúc thi lục cá nguyệt trong lớp, nếu có thuộc nguyên văn bài của giáo sư Tấn viết ra, đứng nhất lớp chỉ được chừng 11-12/20.  Đa số là dưới trung bình 10/20. Thi lục cá nguyệt với giáo sư Huỳnh thì thoải mái, 16/20- 14/20 là thường. Tôi bực ông Tấn cho nên về nhà mò mẫm tra cứu bổ túc vào những điều ngắn ngủi của bài ông soạn, vì thế bao giờ điểm thứ nhất của tôi cũng cách xa người thứ nhì 1 ½ hay 2. Tôi khoái ông Huỳnh cho nên thích đọc thêm sử để lôi ra những điều hấp dẫn khác ông nói chưa hết, và nghe chưa đã, vì giới hạn thời gian trong lớp.


Kể cho bạn như thế để giải thích lý do tại sao nhìn quyển sử của bạn mà tôi “ngán”, trong khi sử và địa là hai môn tôi thích. Không phải vì nó dầy như quyển tự điển. Mà vì từ những năm gần đây tôi đã không đọc những quyển viết về sử cận đại và hiện đại nữa, Việt nam cũng như ngoại quốc. Bởi vì qua kinh nghiệm sống và suy nghiệm, tôi đã hiểu rằng nhiều điều là những chuyện tầm phào, tưởng tượng viết ra hay chép theo những sách vở và truyền thông ngoại quốc đầy thiên lệch vì nhiều lý do, mà một lý do là phục vụ nhu cầu giải trí quần chúng để bán kiếm tiền và để ảnh hưởng vào quan niệm chính trị của quần chúng.  Ngay cả những thứ gọi là tin “tình báo” hay “giải mật”. Tôi có đọc một số sách viết của các nhà chính trị và lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa (hồi ký và sưu khảo) thì chí thấy rằng họ muốn cho thấy sự vô tội vô can của họ, (và ngay cả khoe khoang cái khả năng suy nghĩ của họ) - trong những diễn tiến dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Tôi cũng có đọc một số bài mới viết trong vài năm gần đây, nói về những sự kiện cách đây cả nửa thế kỷ với những chi tiết và đối thoại như thực, làm  như là lấy ra từ các băng thu âm thu hình. Chỉ cần suy nghĩ một chút là thấy giá trị của các bài viết này là như thế nào. Tôi không nói đến những tác phẩm của các văn công VC như Huy Đức và cuốn Bên thắng cuộc, với những dụng ý tuyên truyền bằng lối viết học được từ kỹ thuật truyền thông Hoa kỳ. (Nhiều nhà chính trị và truyền thông hải ngoại đã quảng cáo cho cuốn sách này một dạo!).


Tuy nhiên, cầm cuốn sách ông cho tôi, khi nhìn giòng đề tặng ngắn ngủi, mà chữ còn thấy rõ nét chân phương với chữ ký không dấu nổi vẻ huê dạng, tôi không thể không nẩy ra cái ấn tượng “sợ và phục”.


“Sợ” vì ông còn giữ được sự miệt mài làm cái công việc mà tôi (và có thể nhiều người khác) đã không có mấy quan tâm, là đọc và sắp sếp các tài liệu lịch sử Việt nam giai đoạn 9/3/1945- 30/8/1945, bởi vì biểu kiến đó là một giai đoạn giao thời ngắn ngủi không đáng để ý.


“Phục”, vì thấy ông có cái khả năng là ngồi còm cọm trước computer để ghi lại những điều ông gom góp cho người ta trình bầy đem in. Trong trường hợp ông không dùng computer mà vẫn ngồi viết tay thì cũng không thể không phục. Tôi biết nói thế này là thừa, nhưng vẫn phải nói,  là ông có cái đặc tính của một thầy giáo, một nhà hàn lâm.


Tuy nhiên không phải vì sợ và phục mà tôi có thể kiên nhẫn đọc quyển sách dầy cộm của ông. Tôi đọc vì cái câu ngắn ngủi đề tặng “để nhớ lại thời chúng mình còn 9, 10 tuổi”. Lúc đó, chúng mình không biết nhau, ông ở miền Bắc, tôi ở miền Trung, thành phố Vinh. Tôi đã bị đánh thức dậy vì tiếng súng đảo chính Nhật kéo dài chừng hơn một tiếng đồng hồ, ngày mồng 9 tháng 3/1945. Để hôm sau, ra cửa thấy lính Nhật đứng gác loáng thoáng trên con phố nhà tôi ở: phố Cửa Tả ngắn ngủi chừng nửa cây số từ ga xe lửa Vinh đến cửa Tả thành Vinh. Để một buổi chiều nào đó sau đó, thấy cả phố gọi nhau ra xem một cảnh tượng chưa từng xẩy ra, là có thằng Tây con mười mấy tuổi kéo chiếc xe nhà chạy trên phố. Có người biết chuyện bảo rằng đó là con thằng Công sứ Tây kéo xe cho mẹ và em nó vào thành thăm thằng Công sứ bị giam. Cũng thời gian đó, một hôm đi học về, tôi thấy có một người gầy guộc dơ xương nằm chết đói trên đường phố. Và một buổi sáng, khi mở cửa ra ngoài hè, tôi thấy ngay nhà bên cạnh một người nằm chết trong quần áo như là giẻ rách và chung quanh là chấy rận bò ra đen cả gạch. Trường tiểu học tôi học lúc đó đang tên là Cao Xuân Dục đổi thành Phạm hồng Thái. Rồi chỉ ít lâu sau, vào một buổi chiều nắng xiên khoai chiếu vào cửa sổ nhà tôi, thấy có tiếng lao xao ngoài đường, tôi chạy ra xem. Thì thấy hai thanh niên đi xe đạp cầm loa hô hào kêu gọi đại khái mời “đồng bào đến 3 giờ chiều ngày chủ nhật ra sân vận động biểu tình giành độc lập”. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy mấy chữ độc lập, biểu tình… mà không hiểu là gì. Và chẳng mấy lâu sau thì một buổi sáng hai anh em tôi cùng dân hàng phố chạy ra chỗ  bờ thành Vinh xem bắn hai tên Việt gian mà tôi còn nhớ tên là Trần Văn Cống và Tống gia Liêm đã bị xử tử vì tội tố giác Đội Cung cho Tây.


Tất cả giai đoạn mà ông viết trong cuốn sách,  tôi chỉ biết có thế. Cho nên tôi quyết định bỏ thì giờ ra đọc để biết thêm. Sau đó là cách mạng tháng tám, là Việt Minh, là kháng chiến chống Pháp, là vùng tề, là vùng quốc gia, là đấu tố, là Việt Cộng, là chính phủ quốc gia, là di cư, là Việt Nam Cộng hòa vân vân mà tôi thương và tôi ghét… mà tôi đã sống và trải qua với những tâm sự và tâm trạng khác nhau. Với các cảm tính dào dạt của từng giai đoạn.


Đọc cuốn sách của ông, tôi lại càng phục vì ông không bị lôi bởi những cảm tính sôi nổi. Ông kiên nhẫn đọc đủ mọi nguồn tài liệu đối nghịch. Để mà phân tích, nhận định. Ông trích dẫn quan điểm và hành động của nhóm Thanh Nghị, của những nhà trí thức thành danh, của những sinh viên có lòng, có suy nghĩ, và của những nhà chính trị đủ xu hướng. Của những trí thức nằm vùng theo Cộng sản lúc đó, và sau đó quy phục chế độ, và qua những bài viết về sau này khi chế độ toàn trị VC biến thái. Vân vân… Rồi đưa ra quan điểm của ông, cũng một cách dè dặt chừng mực, không mang tính sôi nổi thuyết phục hay ẩn ý chính trị.  Nhưng mà dù sao, có một điểm nổi bật là ông mang tính lạc quan: Nhìn thấy cái đẹp trong một toàn cảnh không có mấy điều như ý. Vì ông quyết định “giảm thiểu chuyện Việt gian, thân Nhật, bù nhìn của Nhật của hoàng đế Bảo Đại hay chính phủ Trần trọng Kim, một chuyện đã được các sách báo với các tác giả cả Việt nam lẫn ngoại quốc viết trước đây nói tới quá nhiều rồi” (trang 34). Và nhiều lý do khác tôi không kể ra đây vì muốn để dành cho những người đọc sách của ông.


Tôi sẽ hơi thất vọng về câu ông viết cho tôi để nhớ lại thời chúng mình còn 9, 10 tuổi”, nếu trong cuốn sách không nhắc đến những bài hát yêu nước và dân tộc, không sặc mùi Cộng sản, mà tôi say mê thời đó như Gò Đống Đa, Chi Lăng, Bạch đằng… ca tụng chiến tích của các anh hùng dân tộc. Và cũng là đặc biệt cái lối khai thác sấm Trạng Trình thời đó mà Phạm Khắc Hòe, ngự tiền tổng lý văn phòng của Bảo Đại theo Cộng sản nằm vùng,  khai thác để quảng cáo cho Hồ chí Minh hòng lôi Bảo Đại thoái vị, với ba câu:


Đụn Sơn phân giải,


Bò Đái thất thanh


Nam Đàn sinh thánh.


Chuyện này nhỏ nhưng nó nhắc lại cái thời đó, tôi nghe người lớn ca tụng Hồ chí Minh có hai con ngươi và là hậu thân của trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.Tình trạng mê tín này còn kéo dài tới nay, nhưng đó là chuyện khác.


Cám ơn ông nhiều.


Chỉ nói cám ơn ông mà không nói gì đến bà là một lỗi nặng. Bởi có món ăn ngon mà không có người chỉ ra, hay đem tới cho mà ăn thì chẳng thể nào có cơ hội thưởng thức. Bà đóng vai quan trọng trong việc hoàn thành cuốn sách mà ông đã viết lời cám ơn. Ông viết sách mà nếu bà ấy không mất công ra nhà bưu điện gửi cho tôi thì kể là “có cũng như không”, nhất là như đã nói ở trên tôi không có cái thích đọc sử hiện đại nữa. Tôi biết chắc là bà gửi, vì ông lúc này thì chẳng còn đi đâu nữa. Vậy tôi xin long trọng cám ơn bà.


TXN