Tái bản bộ sách triết lý an vi của Gs. Kim Định

09 Tháng Năm 20178:08 CH(Xem: 8619)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  10  MAY  2017


Tái bản bộ sách triết lý an vi của Gs. Kim Định


09/05/2017


Đây là một bộ sách triết học có giá trị và rất thú vị với bạn đọc quan tâm vấn đề này.


Một bộ sách triết đồ sộ


Bộ sách Triết lý an vi gồm 35 cuốn là những tìm tòi triết học mới lạ của Giáo sư Kim Định trong góc độ thuần Việt. Ví dụ như cuốn Việt lý tổ nguyên là công trình của một cuộc khảo cổ với chí hướng tìm ra những nét căn bản xuyên suốt lịch sử nước nhà. Bởi vậy mà từ "tố" trong Việt lý tố nguyên cần được hiểu theo nghĩa là “bản lai cố hữu”.


Độc giả sẽ nhận ra lối khảo cứu lịch sử, triết học của Kim Định về nguồn gốc nước nhà dưới mọi khía cạnh văn minh, văn hóa, định chế, sử địa, văn chương... không giống như một hành trình khảo cổ salon trong thư viện nữa mà là một hành trình tìm về với cội nguồn dân tộc trên thực tế.


Hay như Triết lý cá đình đưa ra định nghĩa huyền sử như là nền minh triết được biểu lộ bằng những mảnh vụn của lịch sử. Kim Định cho rằng những “mảnh vụn lịch sử” ấy không còn tuân theo niên kỷ và địa dư mà là những bức hoạ ẩn giấu kỷ niệm của loài người. Những gì còn lắng lại là bầu không khí của nó qua các lễ lạt, Tết nhất như Tết nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu...


Dường như đó là ẩn tích của một nền văn hoá dân tộc trong lúc sơ khai, mà nếu được tra cứu cặn kẽ thì chúng sẽ chiếu khá nhiều tia sáng vào nền văn hoá nước nhà, làm nổi bật lên những đức tính rất nổi bật của người Việt... Kim Định mượn cái đình làm nơi quy tụ cho “bốn chặng huyền sử nước Nam”.


image045

Loạt tác phẩm của giáo sư Kim Định được tái bản dịp này.



Thông điệp khác lạ


Trước năm 1975, bộ sách này đã được các nhà xuất bản chuyên về triết học như Ca Dao, Ra Khơi, Nguồn Sáng… xuất bản. Bộ sách triển khai liên hoàn những ý tưởng của Giáo sư Kim Định về cách nhìn của ông với triết học, tư tưởng của người Việt.


Trong cuốn Nhân bản, ông chỉ ra rằng một trong những đặc tính của dân tộc mà chúng ta cần khôi phục lại là kết nối triết học hàn lâm với đời sống thường nhật. Đúng hơn là hiểu triết học dưới giác độ bình dị, dân dã nhất.


Ví dụ về Khổng giáo, trong cuốn Cửa Khổng, Kim Định nhận định “qua lần vỏ đã lỗi thời, Khổng Nho còn chứa rất nhiều giá trị căn bản đã trở thành di sản tinh thần của dân tộc”. Cuốn sách này, cũng như các cuốn khác trong bộ sách triết lý an vi, đã dùng phương pháp khoa học và triết học để gạn lọc ra những tinh hoa đó. Chính vì vậy, việc tái bản nguyên vẹn bộ sách triết đồ sộ này góp phần giúp cho độc giả có những cái nhìn mới lạ về triết học Việt Nam dưới con mắt thuần Việt của Giáo sư Kim Định.


Giáo sư Kim Định tên thật là Lương Kim Định. Ông sinh năm 1915 tại Nam Định.


Năm 1947, ông du học tại Pháp, nghiên cứu về văn minh Pháp, xã hội học, triết học và Nho giáo tại Institut des Hautes Etudes Chinoises, Paris. Từ năm 1961 - 1975, ông là Giáo sư nghiên cứu Triết Đông phương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh, Minh Đức, Thành Nhân, An Giang...


Ông mất năm 1997 tại Missouri, Hoa Kỳ.  (Phạm Điền Thăng)


Hãy lên tiếng trước khi quá muộn

03/05/2017

"Nếu bạn im lặng trước những cái xấu, ngày mai chính bạn hoặc con cái bạn lãnh đủ. Nếu bạn im lặng trước bất công, ngày mai có thể chính bạn sẽ là nạn nhân".


Sau tác phẩm Nhà báo điều tra, nhà báo Đức Hiển tiếp tục cho ra mắt cuốn sách Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình.


Trong tác phẩm mới này, tác giả chủ yếu viết về những cuộc đấu tranh giữa “hậu duệ” và “trí tuệ”, “lý” và “lẽ” hay những vấn đề nóng, tiêu cực trong xã hội hiện đại. Tất cả được thể hiện một cách khách quan dưới cây bút của một người làm báo.


Bên cạnh đó, cuốn sách còn mang đến cho người đọc một góc nhìn khác đầy nhân văn của tác giả với những vấn đề thời sự dân sinh, bức xúc trong xã hội…


Cuốn sách Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình được chia làm 4 phần: Sự vô lý có thật, Qua ô cửa phòng xử án, Người ta trông vào, Ký ức qua tay.


image046

Cuốn sách Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình của nhà báo Đức Hiển


Sự vô lý có thật

Trong phần này, tác giả Đức Hiển tập hợp các bài báo viết về những vấn đề, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua trong việc ban thành và thực hiện chủ trương đường lối của các cấp chính quyền như vụ việc lãnh đạo Hà Tĩnh chủ trương và chỉ đạo xử lý 7 công chức không uống Bia Sài Gòn trong một cuộc nhậu; nhà báo Quang Thế, Thế Dũng bị hành hung khi tác nghiệp; dân trắng tay… đúng quy trình khi các nhà máy thủy điện xả lũ... Hay những vụ việc về thực phẩm bẩn và ám ảnh về nó mà các cơn bão truyền thông mang lại.


Sau tất cả sự việc trên, người phải gánh chịu những hậu quả từ những sự vô lý đó vẫn là người dân. Chưa kể nhiều gia đình phải điêu đứng với chính nguồn sống, mưu sinh của mình bấy lâu nay.


Qua ô cửa phòng xử án

Nếu như ở phần một, tác giả tập hợp những bài báo phản ánh vấn đề tiêu cực trong xã hội thì tới phần 2 nàytác giả đưa ra các bài báo thể hiện góc nhìn và quan điểm của mình vụ việc trên. Những bài viết ấy thường đi sâu vào khía cạnh tâm lý tội phạm lẫn sự băn khoăn khi chứng kiến sự cứng nhắc của luật pháp.


Trước tình huống đó, tác giả đã đặt ra câu hỏi liệu luật pháp có tình không?, những người hi sinh vì lẽ phải liệu có thực sự được đền bù xứng đáng?...


Sự phản ứng của dư luận trước vụ án “bánh mỳ” và “nghìn tỷ” tác giả cũng đã khẳng định: “Việc xét xử, trừng trị một người chỉ mang lại hiệu quả răn đe giáo dục khi bản án tuyên tâm phục khẩu phục. Nếu ngược lại, nó gây ức chế và phản cảm không chỉ với người đó mà với số đông dân chúng…”.


Qua mỗi vụ án, sau sự co rúm, ân hận của bị cáo là những giọt nước mắt của người thân, bè bạn. Đằng sau mỗi vụ án đều có một sự tiếc nuối, một cái tặc lưỡi giá như…giá như.


Qua từng con chữ, từng bài báo xuyên suốt qua ô cửa phòng xử án, tác giả giúp người đọc có thêm cái nhìn khách quan hơn về cái xấu, cái ác…vách ngăn giữa tội phạm và người thường đôi khi chỉ là một ranh giới, khi con người bị dồn đến cùng, không gì là không thể.


Người ta trông vào

Đến với phần 3, nhà báo Đức Hiển tập trung vào phong cách lẫn tư cách quan chức, sự đối sánh giữa cán bộ tham nhũng và trong sạch.  Những câu chuyện như xe công xe quan, hạ cánh không an toàn… hay chuyện giữa điện thoại và cưa đôi. Không đơn thuần chỉ là những câu chuyện mà ví dụ ấy còn đại diện cho pháp luật và danh dự.


“Khi pháp luật và danh dự được đưa ra bán mua, đổi chác, mặc cả thì sự mất mát không chỉ là tiền phạt, kỷ cương mà cả niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật… Danh dự, nghĩa vụ công dân, trách nhiệm công chức và uy tín chính quyền là thứ không thể và không bao giờ có thể chấp nhận 'cưa đôi'”.


Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện về tham nhũng và trong sạch, phần 3 với tựa đề Người ta trông vào còn phản ánh vấn đề nóng trong xã hội hiện đại, đó là cuộc đấu tranh giữa “hậu duệ” và “trí tuệ” hay công cuộc “tìm người tài chứ không tìm người nhà”...


Có thể nói đây là thực trạng tồn tại từ rất lâu và luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Liệu trí tuệ có khả năng thắng hậu duệ hay chỉ mãi là một cuộc chiến không hồi kết?


Ký ức qua tay

Nếu như 3 phần trên đưa ra những vấn đề nổi cộm, mang tính thời sự thì phần 4 với tên gọi Ký ức qua tay lại là cái nhìn về cuộc đời, sự suy ngẫm và trải nghiệm của tác giả.


Không nóng như các phần trên, nhưng ở chương này lại mang đến cho bạn đọc đầy những triết lý, nỗi niềm của tác giả, giúp ta tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống.


“Đàn ong nhắc tôi công viên giữa xóm và khoảnh sân trước nhà có bốn mùa hoa. Nhìn chúng nó cần mẫn và chăm chỉ suốt mùa nắng nóng mà không thở than, tôi nghĩ cuộc sống này không phải khi nào cũng dễ dàng, sẽ có những ngày khó thở, sẽ có lúc buồn chán nhưng dù thế nào thì ta chỉ có thể đi qua nó mà không hổ thẹn nếu mỗi ngày đều cần mẫn làm việc. Khi gió mưa, chúng kết giề lại với nhau, tin rằng bão giông rồi sẽ qua, và chúng đã nương vào nhau qua mùa giông bão chứ không mỗi con một hướng, tứ tán để tìm chỗ nấp cho mình. Chúng sát vào nhau từng chút một chứ không tranh riêng một ngăn tổ, chúng biết cách nhìn tích cực để thấy sự ấm áp thay vì chỉ nhìn thấy sự chật chội…”.


Theo tác giả, cuộc đời đẹp hay xấu đều tùy thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Đừng nhìn đời bằng đôi mắt, hãy nhìn, cảm nhận nó bằng trái tim và tâm hồn!


Nguyên Phương
18 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7970)