Hà Văn Thùy: Con người rời khỏi Châu Phi khi nào?

08 Tháng Tám 20177:04 CH(Xem: 8262)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ  TƯ  09  AUGUST  2017


TRỞ LẠI VỚI CÂU HỎI: CON NGƯỜI RỜI KHỎI CHÂU PHI KHI NÀO?


Hà Văn Thùy


image011


Năm 2004 khi bắt đầu hành trình tìm lại cội nguồn dân tộc, chúng tôi buộc phải trả lời câu hỏi: Con người rời châu Phi khi nào? Nhờ tìm được đáp án, chúng tôi đã khám phá không chỉ nguồn gốc mà cả lịch sử văn hóa của tộc Việt. Nhưng nay, với những phát hiện mới của khảo cổ học, nhiều học giả đang đặt lại vấn đề này. Do vậy, chúng tôi xin được trình bày như sau.


Tóm lược quá trình khảo cứu.


Tài liệu đầu tiên mà chúng tôi có để tìm về nguồn cội là công trình Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Populations in China)(1). Nghiên cứu này cho rằng: “Loài người xuất hiện ở châu Phi từ 160-180.000 năm trước. 60-70.000 năm trước, theo ven biển Nam Á, người tiền sử đến Việt Nam. 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á, chiếm lĩnh Ấn Độ. Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khi hậu ấm lên, họ đi lên Trung Quốc và 30.000 năm trước, qua eo Bering chinh phục châu Mỹ.”


Đối với chúng tôi, đó là tin vui lớn vì lần đầu tiên có tài liệu xác nhận rằng, người tiền sử theo con đường phía Nam tới Việt Nam rồi từ Việt Nam chiếm lĩnh Hoa lục. Khám phá này phủ định quan niệm được thừa nhận rộng rãi suốt thế kỷ XX cho rằng, con người từ Tây Tạng vào Nam Hoàng Hà sau đó xuống phía Nam, làm nên dân cư Việt Nam. Nó cũng nói lên rằng, Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn minh phương Đông.


Cũng lúc này, chúng tôi truy cập được công trình Rời khỏi châu Phi, một Odise gen (Out of Africa, a Odissey Gene) của Spencer Wells, thuộc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic). Tài liệu của S. Wells cho rằng: “Có hai đợt con người rời châu Phi. Đợt thứ nhất xảy ra 60.000 năm trước, từ châu Phi, người tiền sử theo ven biển Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á. Nhưng đợt di cư thứ hai mới quan trọng: 45.000 năm trước, từ châu Phi, con người qua Trung Đông sang Trung Á. Tại nơi đây là vườn trẻ của nhân loại, con người sinh sôi rồi lan ra toàn thế giới, làm nên đại bộ phận nhạn loại ngoài châu Phi.”


Do hai tài liệu mâu thuẫn nhau nên người khảo cứu buộc phải lựa chọn. Rất may là từ nước Úc, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiệp gửi cho chúng tôi tài liệu khảo cổ phát hiện di cốt người Mongoloid ở Lưu Giang Quảng Tây 68.000 năm tuổi và sọ người Australoid tại hồ Mungo nước Úc cách nay 68.000 năm. Hai tài liệu khảo cổ này cho thấy: việc người tiền sử tới Việt Nam 70.000 năm trước gần với sự thật hơn. Bởi lẽ, nếu rời châu Phi 60.000 năm thì không thể có di cốt 68.000 năm ở châu Á và châu Úc. Do vậy, chúng tôi loại tài liệu của S. Wells khỏi nghiên cứu của mình. Cũng may là sau đó, chúng tôi có thêm công trình Rời khỏi châu Phi chiếm lĩnh thế giới (Out of Africa Peopling in the World) của Giáo sư Stephen Oppenheimer Đại học Oxford Anh Quốc. S. Oppenheimer chỉ rõ: đợt di cư đầu tiên xảy ra 135.000 năm cách nay. Con người từ Bắc Phi sang Trung Đông nhưng tới 90.000 năm trước, do quá lạnh, toàn bộ di dân bị tiêu diệt trên đất Israel.


Đợt rời châu Phi thứ hai và là đợt duy nhất thành công diễn ra 85.000 trước: theo bờ biển Ấn Độ Dương, con người tới Đông Nam Á 70.000 năm trước. Không chỉ vậy, công trình của S. Oppenheimer còn thuyết minh cụ thể từng thời gian dịch chuyển của dòng người di cư. Nhờ những tài liệu này, chúng tôi vững tin và tiếp tục cuộc hành trình tìm lại cội nguồn.


Nhưng một câu hỏi đặt ra buộc chúng tôi phải trả lời nếu muốn đi tiếp: người từ châu Phi tới Việt Nam là ai? Đó là vấn đề “đầu vào” vì chỉ khi biết được người tới Việt Nam là ai thì mới biết được người rời khỏi Việt Nam là ai để theo dõi tiếp cuộc thiên di của dòng người. Rất may là chúng tôi sẵn có cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á của Giáo sư Nguyễn Đình Khoa. Từ khảo sát 70 sọ cổ tìm được ở Việt Nam, ông phát hiện: “Vào thời đồ đá, trên đất Việt Nam xuất hiện hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ hòa huyết với nhau và con cháu họ hòa huyết tiếp, sinh ra bốn chủng người Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid, do người đa số Indonesian lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Nhưng sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể dân cư, người Australoid dần biến khỏi nơi này, không hiểu do di cư hay đồng hóa. ” Từ đó chúng tôi biết rằng: người từ châu Phi tới là hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Tài liệu này còn giúp chúng tôi theo dõi số phận của người Mongoloid trên đất châu Á cũng như sự hình thành chủng Mongoloid phương Nam sau đó. Ra đời trên đất Việt Nam, chủng Lạc Việt Indonesian là người dẫn đầu cuộc Bắc tiến của dân tộc Việt khai phá Hoa lục… Tiếp đó, chúng tôi nhận được tài liệu của S.W. Ballinger cho biết: “Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á.” Điều này xác nhận: dân cư châu Á có tổ tiên chung, mà người Việt Nam nằm ở gốc của cây phả hệ.


Từ những kiến thức này kết hợp với những bằng chứng khảo cổ học, chúng tôi vững tin trong quá trình tìm lại cội nguồn sinh học cùng lịch sử văn hóa của tộc Việt.


Những phát hiện khảo cổ mới


Thời gian luôn là thách thức đối với mọi công trình khoa học. Khảo cứu của chúng tôi cũng không là ngoại lệ. Do vậy, trong khi nhất quán với con dường của mình, chúng tôi luôn theo dõi những công bố mới về di truyền và khảo cổ để xem lại. Chúng tôi rất yên tâm về mặt di truyền học, bởi lẽ, có điều may mắn, do Việt Nam là nơi phát tích của phần lớn nhân loại ngoài châu Phi nên rất nhiều khảo cứu di truyền học đưa tới những khám phá mới về tổ tiên người Việt Nam. Điều đáng mừng là tất cả những công bố di truyền học đã soi sáng thêm về quá trình hình thành của tộc Việt.


Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học thời gian qua làm nảy sinh một số vấn đề, khiến cho câu hỏi về thời điểm con người rời châu Phi bị thách thức.


Việc phát hiện sọ người hiện đại ở Lào 63.000 năm trước


Năm 2009, nhóm khảo cứu của Giáo sư Laura Shackelford Đại học Illinois phát hiện tại hang Tampaling trên dải Trường Sơn Bắc Lào một hộp sọ Homo sapiens 63.000 năm tuổi (2). Tác giả cho rằng phát hiện này đã viết lại lịch sử cuộc di cư của con người hiện đại trong khu vực Đông Nam Á.


Đúng là viết lại, với quan niệm lịch sử hình thành từ thế kỷ XX. Nhưng sau công bố của J.Y. Chu, S. Oppenheimer thì sọ Tampaling chỉ là bằng chứng khảo cổ học ủng hộ cho kết quả nghiên cứu di truyền học. Chúng tôi cho rằng, 70.000 năm trước, người tiền sử đặt chân tới Việt Nam. Sau đó có những nhóm đi sang phía Tây, qua Lào, Thái Lan, Miến Điện để chiếm lĩnh Ấn Độ, làm nên dân cư đầu tiên của tiểu lục địa sau thảm họa Toba. Vì vậy, di cốt của H. sapiens tìm thấy ở Lào là kết quả của những cuộc di cư từ Việt Nam về phía Tây sau 70.000 năm trước.


Về răng người ở Động Phúc Nham, Hồ Nam, Trung Quốc.(3)


Tháng 10 năm 2015, Maria Martinón-Torres, Giáo sư cổ nhân học thuộc Đại học London, cùng các đồng nghiệp Trung Quốc Wu Liu và Xiu-jie Wu, phát hiện 47 răng Homo sapiens hóa thạch tại Động Phúc Nham tỉnh Hồ Nam Trung Quốc có thể có tuổi từ 80.000 đến 120.000 năm.


Do quan niệm con người rời châu Phi 50.000 – 60.000 năm trước nên Martinón-Torres cho rằng, đây có thể là kết quả của cuộc di cư 135.000 năm trước mà di cốt 100.000 năm tìm được ở Động Skhul và Qafzeh Israel. Gần như đồng thuận, Jean-Jacques Hublin, nhà nhân học thuộc Viện Nhân học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức, cho rằng các bằng chứng di truyền khác cho thấy những người Đông Á ngày nay từ 55.000 đến 60.000 năm sống chung với người Neanderthal ở Tây Á.


Nhưng Michael Petraglia, nhà khảo cổ học thuộc Đại học Oxford, Anh, người không tham gia nghiên cứu này, từ lâu đã lập luận rằng con người hiện đại qua châu Á trên một tuyến đường phía nam, cho biết: "Điều này thật đáng ngạc nhiên, một sự kiện đáng chú ý”. "Đây là một trong những phát hiện quan trọng nhất của châu Á trong thập kỷ qua". "Điều này chứng tỏ đó (tuyến đường phía nam-HVT) không phải là cuộc di cư thất bại.”


image012

H.21 Đường di cư sớm từ châu Phi        H.2- Đường di cư của loài người


Như vậy là, trước những chiếc răng Động Phúc Nham, các học giả phương Tây đưa ra hai giả thuyết khác nhau. Một cho rằng, đó có thể là kết quả của cuộc thiên di 135.000 năm trước, con người sống sót ở Tây Á rồi sang Đông Á. Một cho rằng, đó là những người di cư theo con đường phía nam. Tuy nhiên, khi xác định cuộc di cư xảy ra 60.000 năm trước thì việc con người có mặt ở Nam Trung Quốc 80.000 năm trước là không thể giải thích được.


Ý kiến chúng tôi: Chúng tôi cho rằng, hai hình vẽ trên minh họa quan điểm của trường phái S. Wells. Nhưng là sai lầm: đợt di cư 135.000 năm trước hoàn toàn thất bại. Gene con người hôm nay không hề có dấu vết của đợt di cư này - (hình 1). Hình 2 mô tả con đường phương Nam nhưng do đặt thời gian quá sớm nên không phù hợp thực tế và không giải thích được vụ Động Phúc Nham.


Giải pháp đúng nhất là theo Stephen Oppenheimer, con người rời châu Phi 85.000 năm trước, bằng con đường  phương Nam. Chúng tôi đoán rằng, có những nhóm người đi nhanh, xin gọi là lên chuyến “tàu nhanh”, họ tới Nam Trung Hoa 80.000 năm trước (thời gian di chuyển là 5000 năm). Nhưng vừa đặt chân tới đây, do khí hậu chuyển lạnh đột ngột, nhóm người này bị tiêu diệt. Ngoài 47 chiếc răng, họ không để lại thứ gì, kể cả công cụ đá cũ. Những khảo cứu di truyền học suốt 20 năm qua không tìm thấy gene người Phúc Nham trong dân cư Trung Quốc hiện nay ủng hộ nhận định này.


Trong khi đó, nhóm đi chậm hơn với số thành viên đông đảo hơn (đi tàu chậm, thời gian đi 15.000 năm), tới Việt Nam 70.000 năm trước. Họ đã sống sót và 50.000 năm trước, hậu duệ của họ lan tỏa khắp Nam Á nhưng do quá lạnh nên buộc phải dừng lại trước vĩ độ 23. Phải 40.000 năm cách nay, do khí hậu được cải thiện mới tiến lên chiếm đóng Hoa lục. Ta chỉ tìm thấy gene của những người này trong dân cư Trung Quốc ngày nay. Di truyền học cũng cho thấy, một nhánh của nhóm “đi tàu chậm” này vẫn ngồi trên chuyến tàu của mình để tới Úc. Sọ người Mungo là nhân chứng.


Về dấu vết của con người 80.000 năm trước ở Úc.(4)


Ngày thứ Năm 20.7.2017 tạp chí Nature công bố bài viết của Phó Giáo sư Chris Clarkson từ Đại học Queensland cho biết, tại Madjedbebe thuộc Vườn Quốc gia Kakadu phía tây cao nguyên Arnhem Land, Bắc Úc, nằm trên vùng đất truyền thống của người Mirarr, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều công cụ được con người chế tác.  Khám phá đã kéo dài thời gian người thổ dân chiếm lĩnh lục địa này ít nhất là tới 65.000 năm. Các nhà nghiên cứu cho biết đã tìm được khoảng 11.000 đồ tạo tác, chứng tỏ người dân bản địa đã ở Úc lâu hơn trước so với nhiều lần tranh cãi giữa 47.000 và 60.000 năm. Một số công cụ có khả năng được làm ra cách nay 80.000 năm.


image013Một rìu đá được phát hiện


Khám phá ở Kakadu được coi là đã làm thay đổi lịch sử Úc. Giải thích việc này như thế nào?


Ý kiến của chúng tôi:


Nếu cứ theo quan điểm của Spencer Wells cho rằng cuộc di cư sớm nhất của con người ra khỏi châu Phi diễn ra 60.000 năm trước thì không thể giải thích được sự kiện này. Nhưng nếu thừa nhận cuộc di cư xảy ra 85.000 năm trước thì tình hình như sau:


- Khi “chuyến tàu nhanh” tới Đông Nam Á 80.000 năm trước thì có một số rời tàu, băng qua đồng bằng Sundaland tới Động Phúc Nham Hồ Nam rồi hoàn toàn bị tiêu diệt.


    - Trong khi những người khác vẫn đi tiếp và họ tới Kakadu nước Úc 80.000 năm  trước. Tại đây do môi trường thuận lợi, họ sống sót, chế tác công cụ mà hôm nay khảo cổ học tìm được.


Sau đó còn hai đợt người từ Đông Nam Á tới là những người đi tàu chậm 70.000 năm trước. Tiếp đến là người Lạc Việt từ Việt Nam di cư khoảng 50.000 năm trước. Đợt di dân này đông đảo hơn, trở thành chủ thể của dân cư bản địa Úc.


Về khám phá sọ người ở Marốc


Ngày 6 tháng 7 năm 2017, tạp chí National Geogrephic công bố bài viết của Michael Greshko (5): Những con người sống 300.000 năm trước nhưng có khuôn mặt của người hiện đại. Bài báo viết: Nhà cổ sinh học Jean-Jacques Hublin thuộc Viện nghiên cứu nhân chủng tiến hóa Max Planck mới tìm thấy hóa thạch hominins khoảng 300.000-350.000 năm tuổi tại Jebel Irhoud Marốc. Hublin và các đồng nghiệp của ông nói đó là đại diện cho giai đoạn tiến hóa sớm nhất của Homo sapiens.


Các phát hiện, công bố trên tạp chí Nature hôm thứ Tư, đã lấp đầy khoảng cách rất quan trọng trong số liệu hoá thạch của con người. Đó là bởi vì những người này có nhiều điểm tương đồng nổi bật với con người hiện đại mặc dù họ đã sống trước khi có thể là bằng chứng hóa thạch cổ nhất của Homo sapiens, từ một địa điểm ở Ethiopia vào khoảng 195.000 năm trước. Các cư dân của di chỉ Ma-rốc không phải là Homo sapiens ngày nay. Hộp sọ của họ ít tròn và dài hơn của chúng ta, có lẽ là dấu hiệu của sự khác biệt giữa bộ não của chúng ta và họ. Tuy nhiên, răng của họ gần giống với răng của con người hiện đại và khuôn mặt của họ trông giống như chúng ta. Đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng sự tiến hóa của con người hiện đại có vẻ cổ xưa hơn và phân tán rộng hơn ở Châu Phi so với các khám phá trước đó.


Tuy nhiên, Hublin và đồng tác giả Shannon McPherron của ông nhấn mạnh rằng họ chưa thể nói chính xác nơi con người hiện đại phát triển trên lục địa. Ngoài ra, những phát hiện này là một nan đề hấp dẫn: liệu các nhà cổ sinh vật học có chấp nhận Jebel Irhoud là một phần của loài Homo sapiens? "Các tài liệu từ Jebel Irhoud thêm vào cuộc tranh luận về cái mà các nhà nhân chủng học nên mô tả những gì mà con người cần phải gọi là " con người hiện đại ", theo Tanya Smith, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Harvard và đại học Griffith ở Úc, người không tham gia vào các nghiên cứu mới. Ví dụ, John Hawks, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Wisconsin-Madison, đang quan tâm đến các tuyên bố của các tác giả nghiên cứu rằng các hóa thạch Ma-rốc thuộc nhóm Homo sapiens. "Các bài báo này đang đi quá xa, tôi nghĩ," ông nói. Trong khi Hawks hoan nghênh các nhà nghiên cứu về việc đào bới cẩn thận của họ, ông cũng cảnh báo chống lại việc lấn lướt ý nghĩa của các tài liệu. Ông nói thêm: "Nhiều nhà khoa học đã ghi nhận những đặc điểm rất cổ xưa của bộ ngực Jebel Irhoud, và một số điểm tương đồng với con người hiện đại khi đối mặt với nó. Hublin và các cộng sự của ông "thực sự không bổ sung bất cứ điều gì mới ngoại trừ niên đại." Tuy nhiên, đối với Wood, quan niệm của Hublin  "người thời hiện đại sớm" có ý nghĩa. Ông nói, các hóa thạch Jebel Irhoud đã có chỗ của họ trong bức tranh của nhân loại. Wood nói: "Cách đây ba trăm ngàn năm, có bằng chứng hóa thạch về một quần thể mà theo một số cách đáng chú ý giống với con người hiện đại, và bạn có thể làm được những gì bạn thích.  Bạn có thể mở rộng định nghĩa Homo sapiens để bao gồm [Jebel Irhoud], hoặc đó là những sinh vật đang trên đường trở thành con người hiện đại"


Ý kiến của chúng tôi


Một câu hỏi nảy sinh: ý nghĩa thực sự của phát hiện trên là gì? Muốn trả lời, cần nêu ra một so sánh.


Thập kỷ 1970, phát hiện sọ người Neanderthal ở Levant Israel có đặc điểm rất gần người châu Âu hiện đaị. Các nhà khoa học đồng thuận cao cho rằng người Neanderthal là tổ tiên của người châu Âu, cũng như người Chu Khẩu Điếm sinh ra người Trung Quốc. Thuyết Đa vùng của nguồn gốc loài người thắng thế.


image014

Mô hình sọ người  ở Marốc


Nhưng khoảng 10 năm trước, phân tích ADN chiết ra từ xương người Neanderthal, Tiến sỹ Bryan Sakes phát hiện, trong máu người hiện đại chỉ có khoảng 1-2% gen của người Neanderthal. Kết luận: “Trong thời gian chung sống, có sự giao phối giữa hai loài người nhưng do dấu vết của họ trong bộ gen chúng ta quá nhỏ nên người Neanderthal chỉ là họ hàng xa của tổ tiên chúng ta mà không phải là tổ tiên chúng ta.” (6)


So sánh trên cho thấy: khoa học ngày nay đạt độ chính xác cao, có thể phát hiện ra gen lạ trong bộ gen người, dù với tỷ lệ rất nhỏ.


Khi so sánh với khám phá mới trên đất Marốc ta thấy: Homo sapiens dù xuất hiện ở nhiều vùng châu Phi và trong thời gian khác nhau nhưng tất cả đều tuyệt diệt trước khi tổ tiên chúng ta xuất hiện. Do vậy, di truyền học không tìm ra dấu vết của họ trong máu huyết chúng ta. Phải chăng nguyên nhân dẫn tới tuyệt diệt của họ đã được chuyên gia địa lý học Daniel Richter, từng công tác ở Viện Max Planck chỉ ra: “ những hóa thạch trên đại diện cho người cổ đại chưa có trí khôn và hình dạng đầu của họ không có "hình cầu" phổ biến như của người hiện đại ngày nay?” Điều này không giúp họ thích ứng với môi trường sống nên không thể tồn tại?


Đương nhiên Homo sapiens xuất hiện 200.000 năm trước ở Ethiopia là nguồn gốc duy nhất làm nên nhân loại hôm nay.  Với phát hiện này ta có thể nói: “Mutation tạo ra Homo sapiens xảy ra nhiều lần, tại nhiều nơi ở châu Phi. Nhưng mutation tạo ra tổ tiên loài người hiện nay chỉ xảy ra duy nhất một lần tại Đông Phi 200.000 năm trước.” Điều này khẳng định, cho tới nay, lịch sử của loài chúng ta chưa có gì thay đổi!


Tuy nhiên có vấn đề cần lưu ý: những người khám phá sọ cổ chỉ mới dựa trên quan sát hình dáng bề ngoài cho nên nhận định của họ chưa đủ cơ sở. Như Jared Diamond phát biểu: “Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận thì chưa đáng tin cậy.” Chúng ta cần chờ xem phân tích của di truyền học.


Kết luận


Trên thực tế, lộ trình rời châu Phi về phương Đông bắt đầu từ 85.000 năm trước. Một bộ phận “đi tàu nhanh” tới Nam Trung Quốc 80.000 năm trước nhưng rồi bị tuyết diệt. Những người tiếp tục của dòng di cư này tới Úc 80.000 năm trước.


Nhóm “đi tàu chậm” tới Đông Nam Á 70.000 năm trước. Một bộ phận đi tiếp tới Úc, để lại di cốt 68-65.000 năm trước. Một bộ phận từ phía Tây Borneo lên phía Bắc, tới Việt Nam 70.000 năm trước. Tại đây, họ hòa huyết, tăng nhân số để rồi 50.000 năm trước tỏa ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấm Độ và tới Úc khoảng 50.000 năm trước.


Rất may là do chọn tài liệu tham khảo phù hợp, chúng tôi đã đi đúng hướng để tìm ra chính xác sự hình thành dân cư phương Đông. Nhờ vậy, đã khám phá thành công lịch sử, văn hóa phương Đông. Trong khi nhiều học giả danh tiếng thế giới vẫn loanh quanh trong mê lộ về thời điểm con người rời châu Phi. Trong khi học giả Trung Quốc thực hiện nhiều khảo sát di truyền học dân cư Trung Quốc nhưng vẫn chưa đưa ra được bằng chứng xác thực về nguồn gốc của họ. Phải chăng đó là phúc lớn mà tổ tiên dành cho chúng ta hôm nay?


Người bạn từ Cali gửi cho tôi: “Anh từng viết “mutation tạo ra Homo sapiens chỉ xảy ra duy nhất một lần 200.000 năm trước ở Đông Phi”. Như vậy, với phát hiện sọ Ma-rốc, có lẽ các cuốn sách của anh phải viết lại?” Tôi trả lời: “20 năm trước, hồ hởi khi khám phá tổ tiên loài người sinh ra ở Đông Phi từ 180-200.000 năm trước, các nhà di truyền học nói: “Mutation sinh ra tổ tiên chúng ta chỉ xảy ra duy nhất một lần ở Đông Phi từ 180 tới 200.000 năm trước.” Như vậy, hôm nay, dù phát hiện nhiều dạng H. sapiens xuất hiện tại thời gian và địa điểm khác nhau ở châu Phi thì tổ tiên loài người hiện nay cũng chỉ do mutation duy nhất xảy ra ở Đông Phi 200.000 năm cách nay.” Những cuốn sách của tôi vẫn nguyên vẹn giá trị.


Sài Gòn, Thu 2017


Tài liệu tham khảo


1. J.Y. Chu et al. Genetic Relationship of Populiations in China https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC21714/


2. Lao skull earliest example of modern human fossil in Southeast Asia https://www.google.com/#q=Laura+Shackelford+-+skull+in+Annamite)


3. Teeth from China reveal early human trek out of Africa http://www.nature.com/news/teeth-from-china-reveal-early-human-trek-out-of-africa-1.18566


4. Paul Rincon. 80.000 Fossil teeth place humans in Asia '20,000 years early' http://www.bbc.com/news/science-environment-345318614.

5. Michael Greshko. These Early Humans Lived 300,000 Years Ago—But Had Modern Faces. http://news.nationalgeographic.com/2017/06/morocco-early-human-fossils-anthropology-science/ PUBLISHED JUNE 7, 2017.

6. Bryan Sykes. Bảy nàng con gái của Eva. NXB Trẻ, 2008.

23 Tháng Tư 2020(Xem: 6023)
05 Tháng Hai 2020(Xem: 6620)