Gs. Trần Anh Tuấn: Đĩa "Ngũ Hạc Tề Phi"

16 Tháng Giêng 20186:57 CH(Xem: 11157)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ TƯ 17 JAN  2018


Đĩa "Ngũ Hạc Tề Phi"


TRẦN ANH TUẤN


Trong bộ sưu tập cổ vật, tôi có chiếc đĩa hoa lam vẽ năm con hạc bay trong năm tư thế khác nhau. Con đang kêu, con bình phi, con dụt cổ, con nghểnh cổ, và con quay đầu, tính theo chiều kim đồng hồ.


Đĩa trong tình trạng nguyên toàn và rất lớn, đường kính 0.46m, tức gần nửa mét, nặng khoảng 3.5kg. Men lam còn rất bóng. Đĩa có gờ nổi gồm các cung cong đều nhau và liên tục, cả thẩy có 32 cung. Mặt đĩa kết cấu thành bẩy vòng đồng tâm. Vòng ngoài cùng có hoa cúc và hình kỷ hà phủ đầy rìa đĩa với bốn khung đối xứng, là hoa mai và bướm, rồi hoa cúc và nụ. Vòng kế tiếp là năm con hạc bay lên như đã ghi trên. Vòng thứ ba vẽ thuỷ ba mà đầu ngọn sóng được vẽ rất rõ, và bọt nước tung lên không trung. Vòng thứ tư là vòng tròn hợp bởi hai vòng chỉ nhỏ. Vòng thứ năm là vòng tròn kỷ hà. Vòng thứ sáu là vòng trống. Vòng trong cùng cũng đồng thời là trọng tâm, là đề tài "tam hữu," tức ba thức trong mùa Đông: tùng, trúc, và mai.


image032

Đĩa "Ngũ Hạc Tề Phi"  (Bộ sưu tập TAT)


Mặt sau đĩa là ba cụm hoa dây vẽ dài theo vành đĩa. Men lam của ba cụm hoa dây còn đậm tươi so với men lam trong lòng đĩa, có lẽ vì mặt sau đĩa bị chìm trong bóng tối, thay vì bị phơi ra ánh sáng như lòng đĩa khi trưng bầy. Nhưng nếu men bị phai vì lộ ra ánh sáng cũng có nghĩa là phẩm chất men không được tốt!


Mặt sau đĩa để mộc, không ghi niên hiệu, tức không ghi năm sản xuất. Nên về niên đại của cổ vật này, căn cứ vào một số chi tiết khi quan sát, như trọng lượng đĩa nhẹ hơn gốm Chu Đậu thế kỷ XV-XVI, bầy hạc vẽ kỹ chi tiết không phải những nét vẽ đơn sơ cổ kính, nhóm hoa dây mặt sau đĩa vẽ cũng rất chi tiết, khác với cổ vật già tuổi hơn thường chỉ có những nét sơ sài, và đáy đĩa phần tiếp xúc với mặt bàn hay tủ trưng bầy bị thâm nâu không nhiều, tôi đoán định là đĩa thuộc thế kỷ XIX-đầu XX.


Tuy không phải là "ngũ phụng," nhưng "ngũ hạc," theo tôi, vẫn là hình ảnh tượng trưng đầy ̀đủ cho con số 5 cao quý. Trong thực tế, tôi chưa hề thấy cổ vật nào có đề tài "ngũ phụng," mà chỉ có nhiều cổ vật long phụng, long phụng hoà minh, song phụng hiển thọ, hay song phụng tề phi.  Hình ảnh "long" thì có nhiều trong một cổ vật. Còn hình ảnh "phụng" nhiều trong một cổ vật chỉ thấy trong lễ phục của hoàng hậu. Tuy nhiên, nơi trang 120 trong sách Khảo Về Đồ Sứ Cổ Vẽ Men Lam (trang bìa) rồi Khảo Về Đồ Sứ Men Lam Huế. Quyển Thượng (trang trong) do nxb Tp HCM xuất bản năm 1993, tác giả Vương Hồng Sển có đề cập đến một chiếc đĩa có đến 8 phụng vòng ngoài và một phụng trung tâm, tức là đĩa "Cửu Phụng Tề Phi."


Trong bộ sứ ký kiểu hoa lam Huế, thường có hạc đơn như trong đĩa Mai Hạc, hay hạc đôi như trong đĩa Hạc Rập. Ít nhất có hai đĩa với đàn hạc 4 con là đĩa "Tùng Hạc Diên Niên" với hai cội tùng già và bốn con hạc, và đĩa "Tùng Hạc" với rừng tùng hùng vĩ và bốn con hạc. Trong cả hai mẫu đĩa này, nghệ nhân đều vẽ đàn hạc trong bốn tư thế bay trên không (Phi), đứng nghểng cổ kêu (Minh), đứng xếp đầu vào cánh (Túc), và bơi kiếm mồi dưới nước (Thực). Đĩa có ý nghĩa cầu chúc sức khỏe chủ nhân, sống lâu như tùng như hạc.


Còn đĩa "ngũ hạc" này xưa nay tôi chỉ thấy một lần duy nhất, và vì thế mà quyết định mua (qua một cuộc đấu giá tại New Yorḱ) để làm tài liệu sống động trong lịch sử khi cần thiết.


image034Tam hữu: tùng, trúc, mai


image035

Mặt sau của đĩa "Ngũ Hạc Tề Phi."


TRẦN ANH TUẤN


31.12.2017
06 Tháng Sáu 2019(Xem: 6974)
"Nam tiến", quá trình các nhóm người Việt tiến về phía nam, mở mang lãnh thổ từ Quảng Bình đến Hà Tiên giữa các thế kỷ XIV-XIX được coi là một trang sử lớn và quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
09 Tháng Năm 2019(Xem: 7523)
15 Tháng Tư 2019(Xem: 8384)