Hà Văn Thùy: Chữ Nôm sáng tạo hay tối tạo?

21 Tháng Giêng 201812:00 SA(Xem: 8656)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 22 JAN  2018


CHỮ NÔM: SÁNG TẠO HAY TỐI TẠO?


image010


Hà Văn Thùy


Không bàn về vai trò chữ Nôm trong văn hóa dân tộc. Với chuyên luận này, người viết muốn nói về việc ra đời của chữ Nôm cùng bài học lịch sử cần được rút ra.


Trong quá khứ, người Việt sáng tạo ba loại chữ. Chữ thắt nút được chế bằng cách nhuộm những sợi gai bằng màu sắc khác nhau rồi thắt nút theo quy ước nhất định, tạo thành chữ. Giáo sư Lê Trọng Khánh cho biết, trong kháng chiến chống Pháp, tại quê nhà Quảng Nam, ông đã gặp những vị trưởng làng có cả nhà sách như vậy. Không chỉ là lịch Chăm mà còn sử thi, ca dao.


Loại chữ thứ hai được gọi là Khoa đẩu. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành thì tên chữ vốn là chữ Khoe đầu vì là loại chữ đầu to, đuôi nhỏ nên cái đầu khoe ra, từ đó gọi nôm na là chữ Khoe đầu. Người thời Đường không còn nói được âm Việt nên gọi là Khoa đẩu vì chữ giống con nòng nọc. Chưa có công trình chuyên sâu khảo cứu chữ Khoa đẩu. Chỉ biết rằng cổ thư Trung Hoa có nói tới loại chữ này. Sự kiện duy nhất được ghi lại là thời Hán Vũ Đế, khi dỡ nhà Khổng Tử, đã phát hiện sách chữ cổ được giấu trong vách. Tài liệu không nói rõ là chữ gì nhưng nhiều người cho là chữ Khoa đẩu. Loại chữ thứ ba là chữ tượng hình được khắc trên đá, yếm rùa, xương thú, gọi là Giáp cốt văn, tiền thân của chữ Nho sau này.


Những năm gần đây, do nắm được quá trình hình thành người Việt nên một số học giả căn cứ vào niên đại các di chỉ khảo cổ như Giả Hồ, Cảm Tang, Lương Chử… đã xác nhận người Việt là chủ nhân của Giáp cốt văn. Những khảo cứu mới nhất cho thấy, người Hán cũng là con cháu của người Việt đi lên khai phá Hoa lục từ xa xưa nên về gốc gác cũng là người Việt. Như vậy, chữ Nho là chữ Việt. Tuy nhiên, có thể có tình hình như sau. Đất Việt Nam là nơi phát tích con người và văn hóa châu Á. Do là gốc rễ nên văn hóa trên đất Việt Nam lâu bền. Nhưng do phát triển sớm nên cũng có phần cằn cỗi, bảo thủ. Người ở Việt Nam quen dùng chữ Khoa đẩu nên không nghĩ tới việc sáng tạo chữ tượng hình. Trong tất cả các di chỉ khảo cổ ở Việt Nam không hề tìm thấy chữ tượng hình trên yếm rùa, đồ gốm hay đá. Phải chăng sáng tạo chữ tượng hình là của những người đã đi ra ngoài Việt Nam? Sau này người Việt Nam chỉ biết tới chữ vuông hoàn chỉnh từ thời Triệu Đà?


Có tình hình như sau: chữ được chế ra để ghi lại tiếng nói. Nhưng tiếng nói do hình thành từ xa xưa nên số lượng lớn. Trong khi đó, chữ làm ra thì ít. Dù đã dùng mọi cách để cho một chữ bao hàm nhiều nghĩa nhưng rồi cũng có không ít tiếng không được ký âm, tức là không có chữ. Ngôn ngữ học thống kê được khoảng 30% số tiếng như vậy. Trên lưu vực Hoàng Hà, đất của nhà Thương-Chu trước đây, do chữ có sớm nên những tiếng không được ký tự (không có chữ) không được sử dụng, bị lãng quên. Trong khi đó, ở Giang Nam hàng nghìn năm dân vẫn nói tiếng địa phương Quảng Đông, Triều Châu, Thượng Hải… Chỉ sau năm 1949 chính quyền Trung Quốc mới rốt ráo xóa bỏ tiếng địa phương và dùng quan thoại. Do vậy, nhiều tiếng địa phương bị rơi rụng dần. Đến nay còn khoảng 20% tiếng địa phương (không có chữ) được trao đổi trong dân gian.


Ở Việt Nam tình hình cũng tương tự. Sau thời Bắc thuộc, nước ta có khoảng 70% tiếng được ký tự bằng chữ Nho, được gọi là “tự” hay “chữ” và 30% tiếng không có chữ, được gọi là Nôm. Ở thế kỷ XIX, do lầm tưởng “tự” là của Hán còn Nôm là thuần Việt nên các học giả Tabert, Maspero cho rằng tiếng Việt vay mượn 70% từ tiếng Hán.


Từ thế kỷ X, khi dành lại quyền tự chủ, thấy rằng nếu chỉ có “tự” thôi thì không đủ để ghi chép mọi sự phong phú của đời sống. Do vậy việc chế ra thứ chữ riêng của người Việt là đòi hỏi bức thiết. Nhưng phải gần 300 năm sau mới chế ra chữ Nôm.


Từ thực tế này, có thể nói gì về việc hình thành chữ Nôm?


Ta có thể hình dung: cho tới nhiều thế kỷ trước Công nguyên, chữ Khoa đẩu đã được sử dụng không chỉ ở Đông Dương, Trung Quốc mà cả ở Thái Lan, Miến Điện. Chưa đủ tài liệu chứng minh nhưng có dự cảm cho rằng chữ Khoa đẩu trước 2000 năm TCN đã có mặt ở Ấn Độ. 50.000 năm trước, người Lạc Việt Indonesian sang chiếm lĩnh Ấn Độ, trở thành dân bản địa vùng đất này, sau được gọi là người Dravidian. Rất có thể người Dravidian đã sớm sở hữu chữ Khoa đẩu từ Việt Nam đưa sang cùng với nông nghiệp. Khi người Arian xâm lăng, đã kết hợp chữ viết Arian với chữ Khoa đẩu bản địa để thành chữ Sanskrit. Học giả phương Tây do không biết quá trình hình thành như vậy và do choáng ngợp trước văn minh Ấn Độ đã cho rằng chữ Sanskrit là của người Arian mang tới. Sau đó người Khmer học chữ Sanskrit rồi người Thái học theo người Khmer để làm ra chữ Thái.


Trong suốt nghìn năm đô hộ Việt Nam, người Trung Quốc dùng chính sách chia rẽ giữa các sắc tộc để dễ cai trị. Mặt khác triệt để xóa bỏ văn tự của người Việt: hủy những kho chữ thắt nút và những tài liệu viết bằng chữ Khoa đẩu. Ngay ở Trung Quốc, do quy chế “xa đồng quỹ, thư đồng văn” các triều đại quân chủ cũng xóa bỏ hoàn toàn chữ Khoa đẩu.


Vì vậy, khi dành được quyền tự chủ, nhà nước quân chủ Việt Nam thấy ở đồng bằng sông Hồng, ngoài chữ Nho không còn thứ chữ nào khác. Trong khi đó, tại miền núi, các tộc ít người vẫn sử dụng văn tự của mình. Để phủ dụ dân ngoại trấn, triều đình gả công chúa cho một số tù trưởng những tộc lớn. Một số vị thân vương, quan lại nói được tiếng thiểu số. Điều này cũng có nghĩa là triều đình biết có những tộc thiểu số có chữ viết. Tuy nhiên vì tiêm nhiễm quan niệm kỳ thị sắc tộc của thiên triều nên triều đình coi các sắc dân này là man, mọi. Do vậy, chữ viết của họ cũng bị gọi là man tự. Trong cuốn Thanh Hóa quan phong, học giả Vương Duy Trinh gọi bộ chữ cái của người Mường Thanh Hóa là Man mẫu tự. Mặt khác, do thấy tiếng Mường, Thái đa âm còn tiếng Kinh đơn âm nên các cụ coi đó là thứ tiếng xa lạ. Thêm nữa, do không hiểu bản chất tiếng Việt là tiếng ghép vần nên không nhận ra chữ Mường hay Thái là loại chữ ghép vần, viết theo quy luật phát âm và dễ học. Do quan niệm như vậy nên cho thứ chữ đó là man di, không đáng dùng.


Trong khi đó, vì việc bức thiết phải có chữ để ký âm phần tiếng Nôm nên thế kỷ XIII, tương truyền Nguyễn Thuyên chế ra chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán. Đó là công nghệ thêm nét này, bớt nét khác trên con chữ Nho để đọc khác đi với nghĩa khác đi và gọi là chữ Nôm! Do được chế ra như vậy nên chữ Nôm có những nhược điểm lớn là phải thông thạo chữ Hán mới đọc được. Thứ nữa, do quy chế tạo chữ quá lỏng lẻo, phức tạp nên chữ hình thành ở mỗi nơi mỗi khác, thiếu nhất quán. Dù có những cố gắng để thống nhất chữ viết nhưng kết quả rất hạn chế. Một thí dự đáng buồn là thập kỷ 1960 có người sưu tầm được bản văn chữ Nôm nhưng không ai đọc được, hy vọng vào học giả Hoàng Xuân Hãn là người duy nhất có thể đọc. Rồi cụ Hoàng qua đời, văn bản quý trở thành đồ bỏ!


Thực tế trên nói lên điều gì? Nếu từ khi dành được độc lập, cha ông ta nhận ra người Thái, người Mường là đồng bào, đồng tộc của mình. Chữ Thái, chữ Mường là chữ của tổ tiên tộc Việt, để rồi nghiên cứu hoàn chỉnh, phổ biến thứ chữ dễ viết dễ học trong toàn dân thì văn hóa Việt sẽ khác. Điều chắc chắn là, do chữ Khoa đẩu là loại chữ ghép vần, có thể ký âm được cả “tự” lẫn Nôm nên thời gian không lâu, chúng ta có quốc ngữ của mình. Do vậy số lượng người biết chữ nhiều hơn, dân trí cao hơn. Chữ Hán dần được loại bỏ. Đấy là hành động thiết thực và có ý nghĩa lớn trong việc dành độc lập về văn hóa. Độc lập về văn hóa mới là sự độc lập vững bền nhất.


 Tuy nhiên, đó chỉ là giả định mà lịch sử thì không có chuyện giả định. Điều quan trọng là từ đó rút ra bài học gì?


Dù rất nhiều suy ngẫm nhưng với tôi, câu trả lời vẫn rất khó. Cùng với cái khó là nỗi lo bất kính với tiền nhân. Nhưng rồi, tới tận cùng mọi sự, tôi không thể không nhận ra rằng, nguyên nhân là do cha ông ta mang nặng đầu óc nô lệ với văn hóa Trung Quốc. Dù hết lần này lượt khác, đổ hàng núi xương sông máu để dành lại lãnh thổ nhưng cha ông ta dường như chưa bao giờ nghĩ tới sự độc lập về văn hóa với Trung Quốc. Do vậy, khi dành lại quyền tự chủ, thời Đinh, Lê, thời Lý, Trần luôn coi chữ Nho là chữ thánh hiền. Kinh sách, sử Trung Hoa là những môn học chính thức trong khoa cử. Không chỉ Khổng, Lão mà “chư tử” Trung Hoa luôn là thầy của kẻ sỹ Việt. Đã là những bậc tôn sư như thế thì người Việt hết thế hệ này sang thế hệ khác chỉ một mực cúc cung tuân phục.


Mở đầu Đại Việt sử ký toàn thư, Cụ Lê Văn Hưu viết: “Thuở Hoàng Đế dựng muôn nước.” Không hiểu nổi vì sao các vị viết như thế? Các Cụ biết rằng, Xích Quỷ ra đời năm 2879 TCN, trong khi đó, vương quốc của Hoàng Đế chỉ xuất hiện năm 2698 TCN sau trận Trác Lộc, muộn hơn Xích Quỷ 182 năm. Vậy làm sao mà Hoàng Đế dựng muôn nước? Không thể giải thích cách nào khác ngoài sự mù quáng tôn sùng Hoa Hạ! Khi đọc lại một số bậc đáng kính gần đây nhất như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh ta vẫn thấy các cụ quá đề cao học giả Trung Hoa. Có thể thấy tâm lý này ngay ở Hồ Chí Minh với câu nói nổi tiếng: “Bác chẳng có tư tưởng gì. Những cái đó là do Cụ Mác, cụ Lê Nin và Bác Mao nói sẵn rồi!” Với những chuyện sống còn của dân tộc mà phó mặc vào người ngoài thật là nguy hiểm vô chừng! “Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống!” Câu nói của Marat hoàn toàn thích hợp trong chuyện này. Tuy trong dân gian có kể những câu chuyện “thắng” của sứ thần trong đấu trí, đấu thơ với người phương Bắc rồi cả chuyện ông Trạng Quỳnh được dựng lên nhưng đó thực sự chỉ là thắng lợi kiểu Chí Phèo!


Chính do tâm lý nô lệ bái phục văn hóa Tàu nên trong thâm tâm người Việt không dám “vượt qua lời nguyền” của nỗi mặc cảm thấp kém và yếu hèn về văn hóa. Do vậy không bao giờ dám mơ tưởng đến việc bứt phá trở thành độc lập về văn hóa tư tưởng. Tâm lý ấy dẫn tới coi khinh, vứt bỏ chữ Khoa đẩu của tổ tiên để đi vào tử lộ là chế ra thứ chữ gây khốn khổ cho người học, kìm hãm tiến bộ của dân tộc.


Điều đáng tiếc là, thói khiếp nhược, nô lệ văn hóa đó không chỉ của cha ông với người Tàu mà còn phổ biến và nặng nề ở người Việt hôm nay đối với con người và văn hóa phương Tây. Quá nhiều ví dụ là, một ý tưởng nào đó, nếu người Việt nói ra thì bị đồng bào bỏ qua hay xúm vào ném đá. Nhưng nếu thốt ra từ miệng ông John, ông Smith, ông Ốp ông Ep thì được tin như thánh chỉ!


Trong phong trào “đổi mới tư duy” một giáo sư dạy Triết xin tài trợ làm đề tài “Vai trò của tư duy tổng hợp.” Ông dịch hết ông Tây nọ bà Đầm kia rồi bình tán thành mấy chục trang giấy. Tôi bảo ông: “ Muộn nhất là 20.000 năm trước, người Hòa Bình biết trồng cấy nên phải tư duy tổng hợp bằng cách trông trời, trông đất, trông mây… Do vậy tư duy tổng hợp là bản năng của người Việt. Đặt vi điện cực vào những điểm khác nhau trong não bộ, khoa thần kinh học phát hiện người phương Đông chủ về tư duy tổng hợp. Nếu nghiên cứu kỹ điều này, bác sẽ làm thầy mấy ông giáo sư Tây kia chứ không phải là dịch sách của họ mà học!”


Một giảng viên Đại học Quốc gia sang học tiến sỹ Harvard, vừa đọc mấy tác giả Pháp của Viễn Đông bác cổ đã vội dạy cụ Kim Định: “Âm dương là chung của nhân loại!” Anh ta không biết rằng, khi cha anh ta còn ở bờ tre gốc dứa nào đó thì Kim Định đã đọc đến nhả bã những sách đó để thai nghén thuyết Việt Nho! Chính những chuyện như thế làm chúng ta ngu đi, hèn đi!


Có sự thật là đã một thời chúng ta ngu ngơ bước ra thế giới vì không có khoa học cơ bản và cũng thiếu thông tin. Nhưng hôm nay, chúng ta được trang bị khoa học cơ bản ngang với trình độ nhân loại, còn thông tin thì tràn đầy trên mạng nên nếu biết tự chủ, tư duy độc lập, chúng ta không thua kém bất kỳ ai!


Không ai phủ nhận giá trị lớn lao của kho tàng chữ Nôm trong văn hóa dân tộc. Tuy vậy lịch sử ra đời của chữ Nôm là chuyện rất cần suy ngẫm. Nỗi đau khôn nguôi là ông cha ta quá lệ thuộc văn hóa Tàu, dẫn tới mất khả năng tư duy độc lập, mất tự chủ, không còn đủ sáng suốt trong quyết sách những vấn đề quan hệ tới sự sống còn của dân tộc. Không nỡ trách cha ông nhưng cần rút ra bài học cho hôm nay là làm sao xây dựng được tư duy độc lập và tự chủ?


Sài Gòn, khai bút năm 2018


H.V.T