Về pho tượng nàng Mỵ Châu cụt đầu

03 Tháng Năm 201811:43 CH(Xem: 10510)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ SÁU 04 MAY 2018


Về pho tượng nàng Mỵ Châu cụt đầu


Hà Văn Thùy


Nghe nói trong khu di tích Cổ Loa có pho tượng người đàn bà cụt đầu mà người ta bảo là tượng nàng Mỵ Châu, tôi không tin vì những lý do sau:


  1. Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy ghi: “Khi nghe thần nói giặc ở sau lưng, nhà vua quay lại thì hiểu ra tất cả, ngài rút gươm chém chết con gái. Máu nàng Mỵ Châu tan vào biển, những con sò...” (Đại Việt sử ký toàn thư). Truyện chỉ ghi nhà vua chém chết con gái mà không có nhân chứng vật chứng nào xác quyết chém đứt đầu. Vì vậy người ta không thể xuyên tạc truyền thuyết để làm ra bước tượng!
  2. Tôi không tin là An Dương vương lúc đó ở tuổi ngoài 70 lại làm một việc bất nhân là chặt đứt đầu con gái vì theo đạo lý, dù phải tội chết đến trăm lần đi nữa thì với trái tim người cha nhân từ, cũng phải cho con được chết toàn thây!
  3. Giả như việc chém đầu là có thật thì tôi cũng không tin là ông cha ta vốn xưng con dân một nước văn hiến, nhân bản lại chọn một hình ảnh bi thảm, ghê rợn nhất trong câu chuyện để dựng thành tượng!

Nhưng mới đây xem báo Văn nghệ số 35-36 ra tháng 9 năm 2004 thấy bức ảnh Nhà thơ Rumani Ana đến thăm đền thờ Mỵ Châu tại di tích Cổ Loa trong đó có tượng nàng Mỵ Châu bị cụt đầu tôi bỗng rùng mình kinh hãi! Sau cơn choáng váng, tĩnh trí lại tôi tự hỏi: Tượng Mỵ Châu cụt đầu thể hiện những ý nghĩa gì? Bức tượng cho thấy:


  1. An Dương vương là ông vua bất nhân bất trí. Họa mất nước chính ông gây nên nhưng lại đổ lỗi cho con gái. Cha giết con đã là vô đạo. Nhưng giết bằng cách chặt đầu thì quả là quá bất nhân!
  2. Người phương Tây có câu nói Không được đánh phụ nữ dù bằng một cành hoa! Trong khi ở ta cha chặt đầu con gái, một việc đại ác lại được tạc thành tượng thờ! Hành động tàn bạo trên đời không kể xiết nhưng chắc chắn không thể tìm thấy trên thế giới này có bức tượng thứ hai kinh dị thế! Thật buồn khi chúng ta khoe điều không tốt đẹp ấy với khách, một nữ sĩ nước ngoài! Thử hỏi khách sẽ nghĩ gì về dân tộc ta?
  3. Tượng không chỉ để thờ mà tượng còn là tác phẩm nghệ thuật. Đặc trưng của tác phẩm nghệ thuật là đẹp và thiện. Bức tượng này không thể hiện cái đẹp, cái thiện. Bức tượng chứng tỏ sự kém cỏi về óc thẩm mỹ cùng đức thiện của cha ông ta - những người tạc tượng và chúng ta - những người ngày nay tôn thờ chiêm ngưỡng tượng!

image014

Hòn đá thờ trong am Mỵ Châu.


Đấy là suy nghĩ ban đầu của tôi. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn thì thấy sự việc có khác: Cái được gọi là tượng Mỵ Châu thực ra chỉ là khối đá, hình thù kỳ dị như người cụt đầu.


Truyện kể rằng: “Mỵ Châu chết hóa thành hòn đá trôi ngược sông về thành Cổ Loa, báo mộng cho dân ra rước về. Rước đến gốc đa thì đá rơi xuống, dân lập am thờ ở đó.” Thật may là đã không có ai tạc pho tượng này. Người ta biến một hòn đá ngẫu nhiên thành vật thờ. Lại một môtip kiểu thần Man Nương chùa Pháp Vân! Một sự việc hoàn toàn mang tính tự phát. Việc làm này trái ngược với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Truyền thuyết nói rằng Trọng Thủy đem Mỵ Châu về chôn ở Cổ Loa. Và thực tế xác nhận: hiện ở Cổ Loa có mộ Mỵ Châu. Một người chết đã có mồ yên mả đẹp thì việc biến thành hòn đá trôi ngược sông về Cổ Loa là không thuyết phục. Như vậy tượng cụt đầu được tạo ra không do một cơ sở vững chắc nào mà xuất phát từ lòng tin dị đoan vận vào một vật xuất hiện ngẫu nhiên. Có thể sự việc diễn ra như sau: mưa lũ làm lộ ra một hòn đá ở nơi nào đó, có thể là một mảnh thiên thạch rơi xuống từ xa xưa. Hòn đá dị hình gợi cho người dân sự tò mò. Rồi do sẵn có truyền thuyết Mỵ Châu, người dân vốn hiểu biết nông cạn lại tin dị đoan nên vận vào nàng Mỵ Châu. Giống như những câu chuyện của các “ông đống,” lúc đầu có những người đàn bà thắp nhang khấn vái sau đó số người đến cúng bái nhiều thêm. Người ta dựng một am thờ nhỏ. Với thời gian, huyền thoại được kết nối thêm thắt…Kết quả là, từ việc làm nông nổi của người dân ít hiểu biết về lịch sử đã tạo nên một “di tích” phản văn hóa làm xấu hình ảnh của dân tộc!


Sau này có những người gán cho truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy như một lời răn cảnh giác... Tuy nhiên truyền thuyết có ý nghĩa rộng lớn hơn, sâu sắc, minh triết hơn. Ngay cả cái ý Trái tim lầm chỗ để trên đầu nói về Mỵ Châu, theo tôi cũng chưa phải thấu nhân tình! Trái tim yêu muôn đời chỉ đập trong ngực trái. Với cái chết oan nghiệt của mình, đôi trẻ đã trả xong món nợ! Thông điệp của truyền thuyết nói rõ: Các con sò ăn phải máu Mỵ Châu hóa ngọc. Ngọc được rửa bằng nước giếng Trọng Thủy trầm mình thì sáng ra! Minh triết dân tộc đã tha thứ cho đôi trẻ, đã trả lại chất ngọc sáng trong tinh khiết của tình yêu! Đấy mới chính là bản sắc văn hóa Lạc Việt! Do trình độ còn hạn chế, những người dựng tượng cụt đầu- các bô lão địa phương- không hiểu được ý nghĩa nhân bản sâu xa, minh triết của truyền thuyết nên đã dựng một pho tượng không phản ánh đúng bản chất của truyền thuyết cũng có nghĩa là không phản ánh đúng bản chất dân tộc!


Chưa kể nó còn thể hiện cái nhìn hạn hẹp về lịch sử! Triệu Đà lấy Âu Lạc dựng nước Nam Việt, một đế chế Việt tộc lừng lững 100 năm bên cạnh đế chế Hán tộc để cho sau này Nguyễn Trãi có thể tự hào nói nhi các đế nhất phương- làm chúa một phương! Và di sản vô giá là cái tinh thần cố kết quốc gia vốn mong manh của các bộ tộc Việt thời Hùng thời Thục được chính Triệu Võ đế cùng các cháu ông luyện thành keo sơn tạo sức mạnh cho cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng hơn trăm năm sau! Mỵ Châu có thể có tội trong việc làm mất ngôi vua của cha mình nhưng là người có công lớn với dân với nước Việt! Dựng một bức tượng như thế khác nào giết oan nàng thêm lần nữa! Khách đến thăm không ít người thấy bất ổn trước pho tượng nhưng vì sợ cái bóng tâm linh nên đành nhắm mắt cho qua! Phải chăng người Việt chúng ta sính tượng nên cái gì cũng muốn cụ thể hóa, vật chất hóa, tượng hóa? Nhưng do tài năng rồi tiền bạc hạn chế mà không ít bức tượng trở thành trò cuời, thành nỗi đau! Những bức tượng thô thiển làm nghèo đi, làm tầm thường đi trí tưởng tượng phong phú của con người!


Tượng đàn bà cụt đầu là một trong số đó. Bức tượng tồn tại hàng trăm năm nhưng lẽ nào khi kiểm kê hiện vật trong khu di tích người ta không nhận ra? Điều này không lạ, vì như một bài viết trên Văn nghệ cách đây mấy năm, phát hiện ngay tại Đền Ngọc Sơn có nhiều câu đối bị viết sai hoặc đặt trái vế nhưng không được sửa! Một điều đáng để suy ngẫm: vì sao, dưới ánh sáng khoa học hôm nay mà chúng ta mãi để cẩm từ bởi sự vô minh của tiền nhân?


Để thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tôi xin đề nghị: Đưa hòn đá có hình người đàn bà cụt đầu ra khỏi am thờ Mỵ Châu! Bức tượng xa lạ với bản sắc dân tộc, phản giáo dục về thẩm mỹ và đạo đức, làm méo mó hình ảnh dân tộc trước bạn bè. Việc này không dễ vì đụng đến thói quen đến tín ngưỡng hàng trăm năm. Khi chưa làm được, xin rằng đừng ai đem khoe bức tượng, nhất là với bạn bè quốc tế!


  Sài Gòn, mùa Vu lan 2004