Cử tri bật khóc, ngất xỉu khi nói về Thủ Thiêm

10 Tháng Năm 20187:35 CH(Xem: 7357)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ SÁU 11 MAY 2018


Cử tri bật khóc, ngất xỉu khi nói về Thủ Thiêm ở buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội


Phương Linh


10/05/18


 (GDVN) - Do buổi tiếp xúc cử tri kéo dài hơn 6h, vì quá mệt nên đã có cử tri ngất xỉu, nhiều cử tri khác bật khóc khi nói đến vấn đề Thủ Thiêm đã kéo dài nhiều năm.


Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, sau hơn 6h làm việc, khoảng hơn 20h ngày 9/5, buổi tiếp xúc với cử tri quận 2 của tổ đại biểu Quốc hội số 7, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh mới kết thúc.


Báo cáo Bí thư Thành ủy vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm


Sau khi nghe lãnh đạo các Sở, ban ngành và chính quyền quận 2 trả lời các thắc mắc của cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có phát biểu kết luận buổi làm việc.


Người đứng đầu Hội đồng nhân dân Thành phố nhấn mạnh, toàn bộ hơn 50 ý kiến cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc hôm nay đều đã được ghi chép cẩn thận, và sẽ có báo cáo với Bí thư Thành ủy, yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, có báo cáo lại, trả lời câu hỏi của người dân.


Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ: Hội đồng nhân dân thành phố có thực hiện giám sát dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng chưa thể đầy đủ được như ý bà con, và cũng là thiếu sót của đại biểu.


image035

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (giữa) và các đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)


Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã nói rằng, mình cảm thấy ray rứt, vì đây là vấn đề lớn mà làm chưa thấu đáo, nhân dân chưa đồng tình, còn khiếu nại thì rất buồn.


Dù vậy, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nhấn mạnh: “Nhưng chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục làm”. 


Có 4 vấn đề mà bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã tập hợp lại từ các ý kiến phát biểu của cử tri, đó là: Cơ sở pháp lý nào để thành phố thu hồi đất của người dân?.


Chính sách, cơ sở nào để lập hồ sơ đền bù cho người dân. Theo các ý kiến, việc đền bù này chưa đúng các quy định của pháp luật, chưa chính xác, cần làm rõ các vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích người dân.


Đề nghị các đại biểu Quốc hội báo cáo với Quốc hội, thanh tra toàn diện dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhất là 4 con đường “dát vàng”, có giá thi công cao, thanh toán bằng quỹ đất giá lớn.


Yêu cầu đại biểu bảo vệ quyền của người dân, thực hiện đúng luật pháp.


Trước đó, đại diện cho lãnh đạo quận 2, ông Nguyễn Phước Hưng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận thông tin: Trong số những người dân chịu ảnh hưởng của dự án Thủ Thiêm, có người dân nộp đơn khiếu nại, có người không nộp hay nộp lên cấp cao hơn.


Ông Nguyễn Phước Hưng nói rằng, toàn bộ các đơn gửi cho quận 2 đều được kiểm tra, giải quyết. Nếu người dân không đồng tình, hoàn toàn có thể khiếu nại lên cấp cao hơn.


Quận 2 sẽ có văn bản chi tiết, cụ thể để trả lời cho từng cử tri, chứ không thể nhớ hết hồ sơ chi tiết, trả lời công khai ngay được.


Nhiều cử tri bật khóc, ngất xỉu tại buổi tiếp xúc


Do buổi tiếp xúc cử tri kéo dài quá lâu, có cử tri nữ đã bị mệt, và ngất xỉu ngay tại hội trường của buổi tiếp xúc này.


image036

Nữ cử tri khóc khi nhắc đến vấn đề Thủ Thiêm tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội (ảnh: N.D)


Ông Trần Kim Long (cử tri phường Bình Khánh) bật khóc chia sẻ: Năm 2007, khi đi vắng và trở về nhà, ông Long đã thấy nhà mình bị giải tỏa, mà không nhận được quyết định giải tỏa, mà chưa nhận được tiếp xúc, giấy tờ bồi thường, tiền bồi thường hay chưa từng ký bất cứ tờ giấy nào.


Trong vòng 10 năm qua, ông Long và con trai của mình đã đi khiếu nại khắp nơi, hiện phải ở nhà thuê, không có công ăn việc làm ổn định, không có giấy tờ, hộ khẩu rõ ràng, nhưng cho tới nay vấn đề của ông vẫn chưa giải quyết xong.


Bà Lê Thị Sáu (phường Bình An) nói, sẵn sàng mời các đại biểu Quốc hội đến thăm xóm nhà mình, khi mà trời mưa thì ngập, trời nắng thì đầy rác thải hôi thối.


image037

Cử tri quận 2 bức xúc nêu vấn đề Thủ Thiêm với các đại biểu Quốc hội (ảnh: P.L)


“Khi mưa thì ngập hết, chả đi đâu được, ai vào thăm cũng khó. Vậy ăn uống ra sao, sống chết thế nào, nào có ai biết được? “ – bà Sáu nói tiếp.


Bà Lê Thị Sáu nói thêm, con phố mà bà ở trước đây đông đúc người ở, nay thì chỉ còn lại vài hộ gia đình trụ lại giữ nhà, giữ đất.


Bà Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, phường Bình An) thì đặt vấn đề: Liệu có bàn tay sắt nào “thò” vào vấn đề ở Thủ Thiêm hay không?


Từ năm 2014 đến nay, bà Hà và khoảng 30 hộ dân khác liên tục ra Bắc, vào Nam khiếu kiện, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng, đền bù không thỏa đáng, khiến cho người dân vô cùng đau khổ.


Phương Linh
13 Tháng Bảy 2016(Xem: 7700)